Học NHẠC (hàm thụ) cũng có thể là thú tiêu khiển sau khi nghỉ hưu
* Lê Ngọc Châu
Dẫn nhập: Liên quan đến câu hỏi :"Anh làm gì sau khi nghỉ hưu?", tôi đã xí xọn giới thiệu hai bài :1) "Viết lách là phương thức ..." và 2) thực hiện PPS & Youtube cũng là phương pháp giết thời gian sau khi nghĩ hưu .
Người viết vốn biết người Việt mình chịu khó, khéo tay- tùy sức khỏe có cho phép hay không - sau khi nghỉ hưu quý vị tùy theo khả năng của mỗi người, ngoài những việc mà tôi đã đề cập trong bài viết " Thực hiện PPS & Youtube cũng là phương thức ..." người nghỉ hưu cũng có thể chọn các thú tiêu khiển riêng khác hay làm những việc sửa chửa trong nhà mà không nhất thiết phải kêu thợ chuyên môn đến làm như "thợ mộc, thợ sơn, thợ quét vôi, lát sàn gỗ, lát thảm sàn nhà hay thông ống tháo nước bị nghẹt ...hoặc học nấu ăn (nếu chưa biết)".
Và bài viết về Nhạc là gợi ý thứ 3 và cũng là bài cuối cùng cho chủ đề nghỉ hưu !. Đề nghị vị nào sắp đên tuổi hưu hay đã nghỉ hưu thử suy nghĩ xem có thích hợp qua bài viết sau đây ?.
* * *
Trước hết tôi khẳng định rằng tôi không phải là ca-nhạc sĩ gì cả. Như viết lách, làm pps thì nhạc cũng là thú tiêu khiển riêng để cho tôi "giết chết bớt thời gian rảnh rỗi " hiện có .
Mặc dầu tự học hàm thụ nhưng hôm nay tôi mạo muội đi xa hơn tí, giới thiệu cùng độc giả một phương pháp khác cho tuổi già sau khi về hưu là có thể tự học nhạc (nếu không có cơ hội trả tiền học thầy đàng hoàng như tối), tự học chơi đàn Guitar (Gitarre) hoặc chọn nhạc cụ nào ưa thích và nếu có thể soạn luôn nhạc khi nào rảnh, có hứng để vừa gõ đàn vừa hát giải trí.
Đừng ngại gì cả, tôi nghĩ nếu cố gắng sẽ đạt được vì nhờ ông thầy Google mà tôi đã có thêm một sở thích riêng (hobby) khác là "NHẠC" . Có điều phải thú thật là tôi thiếu căn bản nhạc lý, không chơi được một nhạc cụ cho ra hồn (đơn giản ôm cây đàn Guitar gõ tình tang !) và như đã nói, thú giải trí riêng để giết bớt thời gian hưu trí.
Qua bài viết giới thiệu gần đây thì như tôi đã đề cập nhờ làm PPS, Youtube phải nghe nhạc nên với thời gian thì thích nhạc. Có lần phôn cho HH (một thuyền nhân tỵ nạn đang định cư ở Ý) nói chuyện thăm hỏi vì quen biết thì HH gợi ý thấy anh có khiếu văn nghệ văn gừng thì anh thử học nhạc đi. Tôi trả lời đi làm cả tuần, thì giờ đâu mà nhạc với nhọt ... rồi nói chuyện vài phút với H, ông xã của HH. Sau vài câu trao đổi với H., đã từng soạn nhạc, có điều giống tôi (sau khi tôi biết soạn nhạc) nói H không phải là nhạc sĩ và nói qua phôn: " Anh Châu ơi, soạn nhạc như Toán vậy, cứ thế mà làm cho R4-4, 3/4 hay 2/4 ....". Nghe xong tôi trả lời H, vậy thì tôi có thể học được, dân ban B mà !". Sau khi suy nghĩ lại nếu chọn âm nhạc làm thú tiêu khiển riêng (hobby) cũng đâu hại gì.
Nói là làm và vào ngay Google dạo phố tìm hiểu nhạc lý, tìm hiểu thêm về các thể điệu (Rythmus) và học lóm cách soạn nhạc của các bậc tiền bối, đàn anh văn nghệ.... Nhờ trời thương, kiểu thánh nhân đãi kẻ khù khờ nên sau 13 cuối tuần tôi lựu đạn tìm dòng nhạc để kết thành một ca khúc. Bản nhạc đầu tay tôi chọn điệu Valse (R_3/4) phổ nhạc bài thơ của cô em thi sĩ MiênThụy mà tôi quen qua diễn đàn mang tên Đôi Bờ Thương Nhớ Quê mở đầu cho hoài bão của mình. Lý do tôi chọn bài thơ vì Miên Thụy - một thuyền nhân tỵ nạn - ít nhiều đã thay riêng tôi diễn tả tâm trạng của mình, tâm trạng nhớ quê hương từ xứ tạm dung của một người tỵ nạn chính trị vì cộng sản chấp nhận kiếp sống lưu vong từ 30.04.1975 !. Từ đó tôi xem HH như là bậc thầy vì đã khích lệ, giúp tôi có hứng thú tự sưu tầm nhạc lý trên Internet để học cuối tuần khi nghỉ lấy sức để tuần sau kéo cày tiếp. Vì vậy tôi thường hay đùa gọi là "sư phụ" theo kiểu cổ nhân dạy " nhất tự vi sư, bán tự vi sư ".
Xin được đính kèm cuối bài bản nhạc đầu tay "Đôi Bờ Thương Nhớ Quê!", lời thơ: Miên Thụy.
Tôi gởi bản nhạc viết bằng tay cho ca nhạc sĩ HH thì HH ngạc nhiên không ngờ tôi học nhanh như vậy và vui hơn nữa đã không chê mà H. còn viết lại ký âm bằng Computer dùm cho nữa. Thật là một hân hạnh. Và rồi tôi gởi cho cô em Miên Thụy (MT), cô nàng chưng hững vì tôi hoàn toàn im lặng không hó hé nửa lời, đùng một cái gởi "bản nhạc phổ thơ của cô nàng khoe chơi". Cái lạ khác là MT không ngờ tôi quá lựu đạn, tự soạn hợp âm cầm cây đàn Guitar cũ hát và thu âm luôn gởi mời cô nàng nghe. Tất cả tự biên tự diễn, KHÔNG micro gì ráo.
Nói đến đây tôi cũng mạn phép gợi ý cùng quý độc giả rằng đừng ngại gì cả, muốn gì cứ thử, cần thì tự học mò. Tôi nghĩ nếu chịu khó tìm hiểu chút mình sẽ đạt được ý muốn. Nghỉ hưu thiếu gì thời gian rảnh và Google có tất cả tài liệu để tham khảo, học mò. Tóm lại, tôi đến với nhạc nhờ quen vài cô em như ca sĩ XT; ca thi sĩ MT, ca nhạc sĩ HH và xa hơn nữa phải thú thật rằng tôi xưa nay chẳng biết soạn hợp âm (dù tài tử cho chính mình !) một bản nhạc đâu nhưng nhờ Internet nên học lóm cách soạn hợp âm của nhạc sĩ Phan văn Hưng, rồi méo mó nghề nghiệp thêm mắm thêm muối vào soạn thành hợp âm theo ý của mình, tà tà cũng qua cầu được vậy. Hát hò thì già rồi, xưa nay chỉ ngồi vỗ tay hát theo trong các sinh hoạt cộng đồng nhưng bây giờ hoàn cảnh bắt buộc nên "chơi luôn", lựu đạn hét (chứ không phải hát!) đại, lý do xin được giải thích là vì đa số những bản nhạc tôi biên soạn mang đấu tranh tính và phản ảnh nỗi nhớ quê hương. Vốn dĩ là vô danh tiểu tốt, không phải là nhạc sĩ lại thêm nhạc đấu tranh nên "có ai mà hát hay để ý đến tác phẩm của mình" vì thế đành tìm cách tự biên tự diễn luôn cho xong vì biết chuyện nhờ ca sĩ hát (mà tham lam lại muốn được hát chùa nữa) nói chung rất khó, nhất là nhạc đấu tranh mà nhạc đối với tôi thật ra chỉ là "hobby". Gần đây cũng có soạn vài bản nhạc tình !.
Tưởng cũng sẽ dừng lại ở đó nhưng khi bước vào thế giới âm nhạc, tự soạn nhạc để thực hành những gì đã học mò tự nhiên bắt buộc phải đụng tới một nhạc cụ. Rất muốn học chơi Keyboard để dễ dàng hòa âm hơn nhưng có tuổi, ngón tay cứng cáp nên chọn "Guitar cho đơn giản và với cây đàn Guitar cũ, rất cũ gõ tình tang để tìm nốt (note) nhạc cho phù hợp theo ý riêng khi biên soạn một nhạc phẩm. Từ đó tôi thường tự mò mẫm đánh đàn Guitar và tìm học thêm "accords" (thầy Google có hết, tha hồ tham khảo) và rồi nghêu ngao hát theo ...
Chưa hết, tìm cách thu âm kiểu dã chiến không micro để nghe thử "giọng ca sởi vượt thời gian" của mình, - thuộc loại chưa lên mà đã xuống - hát, à quên hét thế nào". Điếc chẳng sợ súng tìm hình ảnh thực hiện luôn Youtube gởi bạn bè để ai thích thì xem/nghe. Chuyện bị cười đã đoán biết trước rồi, sẵn sàng chấp nhận nên chẳng buồn gì hết vì mình 111% vốn không phải là ca nhạc sĩ mà, nếu ai khen vì tế nhị thì vui chút xíu như là khích lệ nhỏ để cứ thế mà tiếp tục, còn chê thì cũng cười trừ bởi lẽ thiên hạ ưu tiên nghe hát những bản nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng, thành danh. Chuyện rất thường tình mà thôi !.
Tôi có dịp quen biết ít nhất vài nhạc sĩ tên tuổi. Hỏi về lãnh vực sáng tác, có vị nói rằng không đơn giản, nhất là phổ thơ thành nhạc. Thì cũng đúng thôi vì cá nhân tôi đâu có thông suốt nhạc lý, dồi dào từ ngữ để tự đặt lời . Cuối cùng tôi chọn cho bước đi đầu tiên tương đối khó là mượn thơ của người khác để "biến thơ thành nhạc" với cố gắng không thay đổi lời thơ của thi sĩ, có chăng chỉ thay đổi 1-2 chữ cho hợp với hoàn cảnh và thời gian tính.
Tâm lý con người là vậy, có thể thi sĩ tác giả một bài thơ muốn người nhạc sĩ nổi tiếng phổ thơ của mình, ai mà muốn vô danh thị nào đó phổ thơ của họ thành nhạc vì sợ hư sự, mất tiếng (nếu là thi sĩ được nhiều người biết đến !) nhưng tôi quan niệm khác, thơ đưa lên Internet, công khai ai thích vẫn có thể phổ thành nhạc. Cũng nói luôn, nếu có điều kiện tài chánh mướn hòa âm và ca sĩ hát, trong hàng chục bài biết đâu cũng có bản nhạc nào đó thính giả ưa thích, nào ai học được chữ ngờ phải không ?. Còn nếu quan niệm chỉ là thú tiêu khiển riêng cho tuổi già thì công tâm mà nói, "hy sinh vài trăm Dollars" cho 01 bản nhạc (mướn hoà âm + ca sĩ hát) là cả một vấn đề. Như đã nói, khó tìm được ca sĩ hát nhạc đấu tranh hàm chứa màu sắc chính trị, hát nhạc tình thì có lẽ dễ hơn.
Vào Internet, tìm thấy trên trang mạng của nhạc sĩ Quốc Toản có viết, xin trích dẫn tóm lược: “Nếu muốn sáng tác, đừng câu nệ lời văn, cứ chọn nhạc đề (music Thread) và cứ cho ý tưởng (melody) của mình tuôn ra, ghi xuống giấy, hoặc nếu bạn biết đánh đàn và có đàn trong tay nên chép những dòng nhạc đó xuống. Không cần hoàn hảo mà cần cho ý tưởng tuôn tràn ra rồi sau đó duyệt lại, sửa đổi cho đúng với một số quy luật căn bản…”. Ns Quốc Toản (QT) nói nghe thì dễ mà khi tôi thực hành thì cũng thấy khó thật, nhưng không dễ bỏ cuộc nhanh nên theo đuổi việc sáng tác. Điều này tôi đã làm với "bài thơ" nào thích tình cờ thấy/đọc trên Net.
Có lần phôn nói với "sư phụ HH" ; sao tôi thấy mình soạn nhạc nghe đơn thuần quá (vì khả năng tự học của mình chỉ có thế) thì HH nói không sao đâu anh, nhiều nhạc sĩ nỗi tếng với dòng nhạc mà âm điệu nghe hao hao như nhau. Thêm vào đó tôi an tâm khi vào Net đọc lời khuyên của Ns QT cho ai đang chuẩn bị sáng tác như tôi:
a) Đơn giản là tốt. Ngôn từ đơn giản, âm điệu đơn giản, tiết điệu đơn giản…dễ hát, dễ hiểu và dễ nhớ. Không nên dùng những từ ngữ rắc rối, trừu tượng không rõ ý nghĩa….không nên dùng những âm điệu lên rất cao rồi tuột xuống rất thấp, v.v... vượt khỏi sức lực (nơi cổ họng) của con người…
2. Tìm cách làm cho nhiều người ta thích nhạc phẩm của mình. Nếu tìm được một âm điệu mới lạ, dễ hát để người nghe có thể hát theo mấy câu, thì nhạc phẩm sẽ dễ lưu lại trong đầu người nghe ngay khi họ nghe lần đầu. Được như vậy bạn đã thành công nhiều lắm rồi.
3. Tìm cách làm cho thính giả xúc động khi nghe bản nhạc (ví dụ nội dung câu chuyện buồn, vui, hài hước, những hoàn cảnh éo le,... làm đề tài cho những ca khúc mới của bạn, và nó có thể biến thành những ca khúc được nhiều người thích.
Dựa theo đó tôi đã "biến" một vài bài thơ viết về đời sống của người Việt tỵ nạn hoặc liên quan đến người Lính VNCH và tháng Tư đen hay sinh hoạt hội ngộ của NVTN thành những ca khúc với nhiều thể điệu khác nhau như là một sự thực hành những gì mình đã tự học hàm thụ cho khỏi quên. Riêng đối với tôi, tuy thuần túy chẳng phải là nhạc sĩ nhưng khi quyết định chọn âm nhạc làm "hobby" tôi đã muốn mượn nhạc cùng với phương tiện khác tôi biết là PPS + Youtube, cũng như mượn lời ca, tiếng hát để quảng bá các thi phẩm mang đấu tranh tính tình cờ thấy trên Internet hầu góp chút ít lửa vào công cuộc đấu tranh đòi Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền cho Việt Nam.
Điều mà tôi hằng ao ước là nếu có ai hoà âm hay ca sĩ nào hát để biết dòng nhạc tài tử của mình như thế nào nhưng chắc chỉ là ước mơ mà thôi, khó thành. Biết vậy nên hỏi anh bạn quen trên diễn đàn ảo và được nhạc sĩ này gởi tặng cho free software Music in a Box_Version 2006 và tò mò nên cũng thử tự học cấp tốc và cuối cùng cũng đã làm được hoà âm (tài tử) với bản nhạc mang tên "Tháng Tư Đen" do cô em thi sĩ tôi quen qua Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ là Phi Loan_Hoàng Thị Cỏ May sáng tác. Bản nhạc soạn xong nhân mùa Quốc Hận tháng Tư 2016 nhưng mãi đến nay mới hoàn thành Video Clip và đưa lên Youtube. Xin mạo muội giới thiệu cùng quý độc giả như là một dẫn chứng, nhạc không lời với hợp âm do tôi học mò biên soạn. Mong các nhạc sĩ chuyên nghiệp lượng thứ cho mọi sơ sót và hoan hỷ vì là hòa âm trải nghiệm.
Mời quý vị nếu thích ghé nghe bản nhạc Tháng Tư Đen theo đường Link sau đây (dài 4min20sec):
THÁNG TƯ ĐEN
Thơ : Phi-Loan Hoàng Thị Cỏ May
Nhạc : LNChâu6168
Hình : Internet
Tự hòa âm trải nghiệm không lời
(bản nhạc Tháng Tư Đen được đính kèm cuối bài viết)
Tóm lại, để giải trí sau khi về hưu thì Nhạc cũng là một phương thức!. Thử tìm cách học chơi một nhạc cụ, tập hát và xa hơn nữa nếu có thể tự học soạn nhạc, học viết hợp âm và thử làm hòa âm và tự hát, tự thu xong gởi mời bạn bè thân hữu hoặc (kiểu điếc chẳng sợ súng như tôi) đưa lên Youtube thì NHẠC nói chung sẽ là một môn giải trí tao nhả dành cho những ai đã về hưu.
Nhân tháng Tư về khi nghĩ đến VNCH bị cộng sản bắc Việt với sự hỗ trợ về nhiều mặt của khối cộng sản quốc tế cưỡng chiếm năm 1975 cũng như để chứng minh một cách cụ thể cho các điều tôi đề cập ở trên mời quý độc giả bỏ vài phút nghe/xem Youtube do tôi thực hiện, thu không micro với tiếng đàn mộc mạc tự học cùng tiếng "hét" của một người chưa hề học "thanh nhạc". Chỉ mong quý vị - ca nhạc sĩ chính tông - hoan hỷ cho mọi sự; theo đường Link sau đây (dài hơn 4min):
THÁNG TƯ NỖI NHỚ
Lời thơ : Miên Thụy (NL)
Phổ nhạc : LNC_LTDC (Ger)
Dàn hát tài tử : Châu
Hình ảnh : Internet.
"Thất bại là mẹ thành công" !. Chúc vị nào tình cờ chọn một trong ba phương thức mà tôi đã giới thiệu làm thú tiêu khiển riêng sau khi nghỉ hưu đạt được kết quả mong muốn.
- © Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, Mùa Quốc Hận 2017, Chiều 26.04.17)
* Xin được đính kèm hai bản nhạc có nốt và lời để dẫn chứng rằng nếu kiên nhẫn cố gắng học thì trước sau cũng có thể hoàn thành được vài nhạc phẩm để kỷ niệm ! (LNC) .
No comments:
Post a Comment