Monday, April 17, 2017

Viết lách là một phương thức để giết thời gian sau khi nghỉ hưu
 
 Lê Ngọc Châu

Dẫn nhập: Anh làm gì khi về hưu?, là câu hỏi thường được đặt ra. Không những đồng nghiệp, người quen Đức hỏi mà thỉnh thoảng gặp đồng hương quen biết vẫn thường bị hỏi như trên. Năm 2016, trong một sinh hoạt cũng có người quen hỏi như vậy trước sự hiện diện của vài đống hương khác nhưng còn nói thêm: "anh có thể cho biết để chúng tôi định liệu ...". Tôi trả lời tổng quát và bây giờ xin được góp ý với 2 hay 3 bài tóm lược, bắt đầu với bài viết hôm nay, như là một gợi ý nhỏ. Ngoài ra, vì ít nhiều mang tính cách tự thuật nên khó tránh khỏi đôi khi phải đề cập đến cái tôi đáng ghét trong bài. Mong quý độc giả hoan hỷ cho. Đa tạ (LNC).

* * *
 Trong đời sống của mỗi người, đến một độ tuổi nào đó chúng ta cũng phải ngưng làm việc để dành thời gian nghỉ ngơi và an dưỡng. Nôm na gọi là "nghỉ hưu".

 blank
Đức quốc nói riêng, có một số người muốn về hưu sớm ở tuổi 55 sau hơn 30 năm làm việc (tuổi hưu chính thức cho đàn ông là 65t, gần đây tăng lên 67t !). Thông thường sau khi nghỉ hưu thì nhiều người đã lấp khoảng trống thời gian bằng cách chọn lựa cho chính họ những cách sinh hoạt phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe và khả năng.

  • Nhưng quan trọng là làm thế nào đ tuy nghỉ hưu mà vẫn không "thất nghiệp"?

Có người quan niệm: nghỉ hưu là phải nghỉ cho khỏe, không làm gì cả, bù lại những năm tháng trước đó bận rộn với công việc nên họ đã chọn lối sống hoàn toàn thoải mái. Người có điều kiện thì đi du lịch, đi thăm con cháu, họ hàng hay bạn bè ở xa. Người thì vui thú điền viên, trồng rau, tưới hoa trong nhà, trong vườn (nếu có). Người thì tham gia tích cực vào các hoạt động thể thao, văn hóa ở địa phương như tập dưỡng sinh, đánh vũ cầu, văn nghệ…

Nhưng ngược lại, cũng có một số người sau khi nghỉ hưu đã bị sốc, vì họ không thích nghi được với cuộc sống mới và mang cảm giác rằng mình là "người dư thừa" bởi không còn công việc, các mối quan hệ như lúc đi làm. Điều này chẳng phải là hiếm trong thực tế. Khi nghỉ hưu, mỗi người chắc chắn sẽ đối mặt với một cuộc “khủng hoảng” nhẹ vì sự thay đổi môi trường sống. Có người cảm thấy “thừa thãi sau khi bị gạt" ra khỏi guồng máy xã hội.

Đối với câu hỏi : “Nếu nghỉ hưu, anh/chị sẽ làm gì?”, câu trả lời có tỷ lệ cao nhất là “Bắt đầu công việc cá nhân mới như tự kinh doanh” (32.2%). Tiếp theo là câu trả lời “Sống vui vẻ, làm những gì mình muốn mà chưa làm được” (21.9%); thi lấy các chứng chỉ, tìm kiếm con đường học vấn chuyên môn (18.9%).

Sau khi về hưu, hầu như không còn phải chịu sức ép của công việc nhưng một số người lại khó thích ứng với nhịp sống mới hằng ngày ở nhà. Họ thường tỏ ra khó chịu.“Tôi vốn là con người của công việc, giờ nghỉ hưu, tay chân như thừa thãi. Không khí ở nhà lúc nào cũng buồn tẻ khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, bực bội vô cùng”. Do đó, người nghỉ hưu cần tập chấp nhận cuộc sống hiện tại. Hãy tìm công việc yêu thích để loại bỏ "stress" như tham gia hội người cao tuổi, câu lạc bộ yoga, học chơi các môn thể thao; dành nhiều thời gian để giải trí.

Như vậy, sự cân bằng mọi mặt đời sống sau khi về hưu rất quan trọng. Người già nên lưu ý tránh những áp lực của cuộc sống, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường các mối quan hệ và sinh hoạt tại cộng đồng nhằm đảm bảo tâm sinh lý, sống khỏe, sống có ích. Khi về hưu, nhiều người có thể cảm thấy buồn tẻ. Vì thế họ thường tìm đến các hoạt động cho người lớn tuổi và dành thời gian nhiều hơn cho những người thân yêu.

Mặc dù đã có chuẩn bị tư tưởng từ trước nhưng khi chính thức về hưu thì trong vòng mấy tháng đầu người vừa về hưu cũng phải đối mặt với nhiều xáo trộn về tinh thần lẫn vật chất. Họ luôn cần một khoảng thời gian để tìm hiểu và thích ứng với nếp sống mới : Có thể là vì sự thay đổi thời gian trong các hoạt động cá nhân hay tập thể. Người đã về hưu có nhiều thời giờ hơn cho bản thân và gia đình, bà con. Sáng sáng họ thường đến công viên đi bộ, tham gia tập dưỡng sinh hay đến các quán cà phê bình dân ngồi đọc báo, chuyện trò đàm đạo. Chiều xuống thì họ có thể chăm vườn, tưới kiểng, ngắm hoa và vui đùa cùng con cháu.

Đi du lịch là cách thường thấy nhất trong mấy năm đầu sau khi nghỉ hưu. Nhiều người có điều kiện ghi danh đi tour khắp nơi trong nước hoặc là đi tour dài vài ngày ở nước ngoài như Châu Á, Úc, Mỹ, Châu Âu… Đôi lúc người già nghỉ hưu cũng được con cái nhờ cậy giữ cháu nhỏ và đây có lẽ thật sự là một niềm vui của các bậc ông bà hay những người lớn tuổi. Cũng có người lại thích xem Tivi, Internet hay đọc sách báo, đọc và trả lời emails, Facebook … Tuy nhiên những người về hưu thường dễ rơi vào sự buồn chán hay trầm cảm vì mất / bớt đi sự tiếp xúc với nhiều người quen, đồng nghiệp và chủ yếu chỉ quanh quẩn gần nhà.

Thời gian đầu tuy không còn áp lực công việc như trước nhưng đọc sách hay tập thể dục xong đôi khi họ cũng không biết làm gì thêm nữa cả. Ngồi buồn thì nhớ lại công việc cũ và thời gian còn đi làm trước đây nên họ cảm thấy hụt hẫng thật sự. Tuy ngược đời nhưng thông thường nghỉ hưu rồi mới thấy thời gian dài vô hạn, nhiều lúc chẳng biết làm gì để “giết” bớt thời gian đối với họ lúc xưa rất quý giá sau một ngày hay tuần lễ làm việc mệt nhọc.

Cho tôi được nói sơ về mình chút xíu. Đúng ra tôi vẫn muốn "đem cái hay học được ở xứ người, hồi hương để phục vụ đất nước". Mùa Xuân 1975 tôi đã ấp ủ ý định này nên về VN dọ dẫm tình hình. Tuy nhiên...định mệnh đưa đẩy, VNCH mất vào tay cs Bắc Việt nên đành chấp nhận cuộc sống lưu vong, đã hơn 42 năm kể từ 30 tháng Tư 1975. Và vì sinh kế phải làm việc nơi xứ lạ. Sau gần 30 (ba mươi) năm làm thợ khách, kéo cày "vì lười và nghĩ cũng quá đủ nên muốn về hưu non ở tuổi 55". Đánh tiếng mà "hãng chưa chê" nên không cho về vườn!.

Đồng nghiệp lâu năm dĩ nhiên nghe biết nên đã hỏi: " về hưu non, trẻ vậy thì mày (You hay Tu (tiếng Pháp), tiếng Đức là Du) định làm gì trong tương lai" ?. Tôi cười trả lời, thì cũng có chuyện để làm mà. Vốn biết tôi thỉnh thoảng viết lách giải trí cho vài tờ báo nên tôi trả lời không do dự :" thì các anh biết rồi, tôi cũng có vài nghề tay trái, vài hobbys, nghỉ hưu non cũng không đến nỗi nào đâu. Xem nè ; tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để viết về xã hội, chính trị hay sưu khảo, dịch thuật ...., chắc không "thất nghiệp đâu" và bạn bè gật gù !.

Hơn hai năm sau, tôi lại xin về hưu non dù may mắn là chỉ làm việc bằng trí óc không bằng tay chân. Sẵn có chương trình khuyến khích của hãng dành cho những người cở/dưới 60t muốn về hưu (tuổi chính thức nghỉ hưu lúc đó là 65t cho phái nam), mục đích nhường chỗ cho giới trẻ với sự tài trợ của chính phủ nên được chấp thuận. Ký hợp đồng nghỉ hưu sớm với hãng theo điều lệ thời đó là 5 năm kể từ ngày ký. Sau đó tôi làm toàn thời 2,5 năm và 2,5 năm sau nghỉ nằm nhà (vẫn còn diện là nhân viên của hãng !) nhưng lãnh lương ít hơn, khoảng 85% tiền lương khi còn đi làm đã khấu trừ thuế trong suốt thời gian 2,5 năm ở nhà. Chẳng phải lo dậy sớm hoặc làm lụng gì cả mà vẫn có tiền vô trương mục đều đều hàng tháng nên tôi nói riêng thường đi đây đó tham dự các sinh hoạt của NVTN tại Đức rồi sau đó thích thì viết bài tường thuật giới thiệu cho đồng hương khắp nơi. Biết viết lách (chút chút như tôi) cũng có cái lợi của nó sau khi về hưu. Nhờ vậy tuy tôi chính thức về hưu rồi mà vẫn "không thất nghiệp".

Trở lại hobby viết lách nói riêng đã đề cập. Theo thiển ý, viết lách nói chung (như đoản văn, bút ký, dịch thuật. tham luận, biên khảo ...) là một phương thức để giết thời gian sau nghỉ hưu !. Viết để giải trí ngoài chuyện "giết chết bớt thời giờ rảnh quá nhiều một cách nhẹ nhàng, thanh tao !". Xa hơn nữa viết còn là hình thức "luyện trí óc", điển hình ngồi ghi lại kỷ niệm quá khứ. Viết lách với riêng tôi hoàn toàn thiện nguyện, ngoài giải trí còn là cơ hội để học thêm tiếng Việt vốn nghèo nàn vì xưa tôi theo ban Toán ghét cay môn Việt văn và nếu viết bài nào mang tính cách sưu khảo thì thêm cái lợi nữa là có dịp trao dồi thêm ngoại ngữ còn quá kém vì thú thật ... vốn liếng tiếng Anh, Pháp học ngày xưa chẳng bao nhiêu từ khi đụng vào Đức ngữ nó chạy mất tiêu luôn. Nghĩ cũng tức cười, ngày xưa còn trẻ ham vui không chịu học ngoại ngữ, thực hành cho khỏi quên, khi về già, nghỉ hưu học lại. Học được một chữ, hôm sau quên đi nửa chữ nhưng nghĩ mục đích trao dồi trí óc thì cảm thấy vui vui !.

Người ta thường nói "mỗi người Việt là 01 thi sĩ (sic)!". Nhưng phải trừ tôi ra vì tôi không có khả năng này, chắc chẳng bao giờ làm được bài thơ dài 16 câu là ví dụ. Tuy nhiên nếu đúng như vậy thì người viết đề nghị đồng hương về hưu có khả năng làm thơ hãy mạnh dạn sáng tác và nếu có cơ hội cũng tự nhiên phổ biến lên diễn đàn hay Facebook cho đồng hương thưởng lãm. Đừng e ngại là bị chê cười gì cả vì theo quan điểm của tôi, nói và làm khác nhau. Một người nào đó đọc qua hay tốt hơn nữa nếu được vài lời khuyền khích là niềm vui nhỏ đối với người có tuổi về hưu, nói riêng.

Một điểm khác, người xưa cũng đã từng nói: "Văn ôn, Võ luyện". Quý vị đang nghỉ hưu tin tôi đi, càng viết hay làm thơ nhiều khi rảnh thì tự nhiên sẽ nhuần nhuyễn với thời gian. Tôi nói ra một sự thật rằng cách đây gần 20 năm, tình cờ anh bạn chủ bút tờ báo lớn của NVTN ở Đức hỏi nhờ phụ trách cho mục Tin tức, Thời sự Đức vì biết tôi đọc báo chí Đức có thể hiểu được nội dung và nhờ có Tú tài II thời VNCH nên cũng biết chút ít tiếng Việt. Tôi trả lời với ảnh rằng không giỏi tiếng Việt vì là dân ban Toán. Ảnh khuyến khích nói, Châu cứ thử đi có gì anh giúp sửa cho. Số đầu tiên (vì tôi đề nghị ảnh gởi bản sửa để xem, đọc so sánh, học hỏi) bài bị sửa đỏ hơn 70%, số sau giảm xuống còn khoảng 50%, số kế tiếp bị sửa đỏ hơn 30% và rồi ít đi hẵn. Thời gian sau ảnh tin tưởng nên "ít bị kiểm duyệt". Tôi vẫn còn là biên tập viên. Vấn đề là tự cố gắng học mình sẽ khá cho dù bấy giờ đôi khi tôi cũng gõ/viết sai chính tả.

Quan trọng khác cũng xin lưu ý thêm là NẾU có thể, chúng ta NVTN khi viết bài, làm thơ nên cố gắng duy trì, bảo tồn nền Văn Hóa của VNCH, lý do khi tôi đọc tin thấy "nhiều chữ mới" được sử dụng sau 1975 (và đang lan tràn ra hải ngoại) mà chẳng hiểu rõ ý muốn nói gì ?.

Tạm vậy. Lần tới tôi sẽ giới thiệu hobby khác mà tôi cũng đã tự học mò hàm thụ chuẩn bị trước khi về hưu. Tóm lại, bài viết như là một gợi ý đối với quý vị sắp nghỉ hưu hay đang hưu như tôi, trước hết có thể tránh được chuyện " nhàn cư vi bất thiện (như nhậu cả ngày)" và thứ đến để từ đó khỏi mang cái mặc cảm "ăn không ngồi rồi vô tích sự" sau khi đã về hưu có thời gian rảnh " xài không hết "!.
  
  • ©       Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, Chiều Easter Monday, 17.04.2017)

No comments:

Blog Archive