Campuchia và Myanmar - những xứ gần ta mà khác xa ta
Theo blog Vương Trí Nhàn
Ngoài chuyện tiền bạc, về tâm lý thôi mà nói, tôi thường đã rất ngại, không dám tính đi du lịch các nước giàu có bên trời Tây. Lý do là vì đi về chỉ thấy buồn, sao ở đó người ta sướng thế tử tế thế mà nước mình con người hư hỏng và xã hội trì trệ đến thế.
Nhớ có lần đọc một câu của B. Russel, do Hà Văn Tấn dẫn lại, bàn về sự hấp dẫn của sử, đại ý nói là đọc sử để hiểu những ngu ngốc của thời xưa do đó dễ dàng chịu đựng hơn những ngu ngốc của thời nay.
Tôi cũng muốn làm theo lời khuyên đó, và chuyển nó từ trục thời gian xoay qua trục không gian. Tức là, nếu điều kiện cho phép, tôi thích đi lang thang ở những nước nghèo nước khổ, để khi quay về thấy yên tâm với nước mình. Ví dụ như đi châu Phi, hay mấy nước kem kem ở Trung Đông và Đông Nam Á.
Nói thế thôi, chứ bây giờ chả ai nghèo khổ nữa, không bằng Tây nhưng họ biết học Tây để phát triển.
Chỉ có riêng ta, chả học làm ăn gì cả -- sau chục năm hô hào nay cái nghĩa của hai chữ hội nhập tóm lại ở một nội dung là mua hàng ngoại về mà xài - nên đằng sau vẻ sặc sỡ giả tạo là sự nghèo nàn thực sự, tìm nước chán hơn nước mình rất khó.
Tuy nhiên ở đâu thì qua sự so sánh cũng rút ra được ít suy nghĩ có ích.
Tôi đến Campuchia tháng 11-2010 và Myanmar tháng 3-2013 cùng với tâm thế đó và đã ghi lại những cảm tưởng sau đây. Khi trình ra với các bạn, tôi biết tôi chỉ có những chuyến đi ngắn, lại ít phương tiện tiếp xúc, hẳn nhiều chi tiết có thể chưa chính xác lắm. Nhưng cái hồn của hai xứ này, nhất là chỗ khác nhau giữa họ và ta, tôi tin là tôi nắm được.
CAMPUCHIA
Trên những con đường quốc lộ, tôi đã chứng kiến một sự bình thản. Làng xóm nơi đây yên lành, trên nền không gian rộng rãi. Người ta không đổ ra đường để buôn bán.
Đến Pnompenh, sự bình thản ấy vẫn còn. Đô thị không có nghĩa là chen chúc. Xe máy đã nhiều hơn xe đạp, nhưng không thành những dòng sông cuộn nước như ở ta. Ngay ở các ngã tư chưa có đèn đỏ, vẫn thấy có hiện tượng ô tô nhường nhau chứ không thúc vào đít nhau mà còi loạn lên như ở Hà Nội.
Tôi đến Pnompenh vào một buổi chiều người đi đông nghìn nghịt ngoài đường, -- sau đó tôi mới biết là ngày hội té nước, cầu bắc qua sông bị gãy, tiếp đó là sự kiện bi thảm hơn ba trăm người chết và vài trăm khác bị thương.
Tuy nhiên, nếu như ở VN, việc đó sẽ làm cho cả thành phố rung động thì ở đây, mọi chuyện không gây hoảng hốt quá đáng. Nhà nước không làm ầm lên cái chuyện kịp thời lo cứu trợ cho dân. Sáng hôm sau, trước bãi cỏ hoàng cung, những người công nhân vệ sinh bình tĩnh dọn rác. Hàng đàn bồ câu bay lên. Trước cửa bệnh viện, người đến thăm nom không khóc lóc động trời mà xếp hàng vào thăm người thân khá trật tự. Họ tin rằng xã hội sẽ biết cứu giúp người thân của mình một cách tốt nhất.
Chỗ khác là những con người
Ở đây tôi càng như trở lại một thời thanh bình cổ điển. Nơi đây khách du lịch không thấy những đám thiếu niên làm ồn trên đường và chen chúc nhau trong các cửa hàng chơi game. Không thấy các thiếu nữ váy dài váy ngắn, mắt xanh mỏ đỏ. Không thấy các đám công chức túm tụm bia rượu.
Tôi tự giải thích cho tôi về sự thanh bình này: Chiến tranh đã đi qua đất nước này, nhưng nó không xới lật lên tất cả, nó không biến con người trở thành những cái bã của chính mình thời tiền chiến.
Nếu sau chiến tranh người Việt mình không ai bảo ai gần như phát cuồng lên lao đi kiếm sống thì ở đây, người Miên yên tâm với tình cảnh của mình
Con người không quá nhiều ham muốn. Không muốn trả thù cho những năm tháng vất vả vì chiến tranh. Không tự biến mình thành một xã hội tiêu thụ.
Đặc biệt vì Siemriep là nơi nhiều du khách nước ngoài tới để thăm Ăngkor Wát Ăngkor Thom, nên tôi lại chứng kiến một nét khác làm nên lòng tự tin của văn hóa Campuchia. Họ không coi người nước ngoài là cái nguồn kiếm sống. Lại càng không coi những cái ngoại lai ấy là cái mẫu để học đòi bắt chước từng ly từng tí. Họ tự tin ở cách sống riêng của người Campuchia và biết học hỏi người nước ngoài một cách khôn ngoan và thận trọng.
Bình thản trước lịch sử
Cả ở Pnompenh lẫn Siemriep, phố xá được đặt tên bằng các con số là chủ yếu Rất ít phố ở đây lấy tên người để đặt như ở bên ta.
Người Campuchia hình như không quá quan trọng đối với quá khứ của mình. Lại càng không coi việc đặt tên một người cho đường phố là cách thưởng công cho người đó, vô hình trung tạo nên một cuộc chạy đua lố bịch.
Sống sát ngay Angkor Wat Angkor Thom, nhưng người dân Siemriep không coi đó là nguồn kiếm sống, không chen chúc vào trung tâm để mở cửa hàng.
Mà người các địa phương khác cũng không rồng rắn kéo về cố đô để lây niềm tự hào.
Họ thản nhiên sống cạnh lịch sử, đến mức tôi cảm thấy hình như họ nghĩ rằng mình chưa đủ trình độ để giải thích quá khứ của mình.
Cảm tưởng này lại đến với tôi khi thăm Bảo tàng quốc gia Campuchia ở Pnompenh.
Giá vé vào cửa đắt, những 12 USD nên người bản xứ vào không nhiều.
Thế sao chính phủ không tìm cách giảm giá vé để cho dân vào? Sau tôi mới biết thật ra bảo tàng này do người Pháp chủ trì xây dựng đâu từ 1925 và đến nay vẫn giữ nguyên theo cách trình bày ban đầu. Tức Bảo tàng này trình bày lịch sử Campuchia bằng con mắt người Pháp, chứ không phải bị cải tạo đi như ở ta.
Nhưng cái du khách bắt gặp ở bảo tàng lại là một xứ Campuchia đích thực, và tôi ngờ khi tới thăm nó cả người bản địa lẫn người nước ngoài đều hiểu và yêu Campuchia hơn.
Còn dân Việt từ quan đến dân do nghĩ rằng “không ai hiểu mình bằng mình”, chỉ biết làm ra những thứ bảo tàng quá nhiều đồ giả quá nhiều khẩu hiệu, phần xem được không bao nhiêu.
Thử hỏi giữa ta với người hàng xóm ai biết tôn trọng quá khứ hơn ai?
MYANMAR
Một chút tò mò thúc đẩy tôi muốn sớm đến Yangon: người ta bảo thành phố đó tuyệt đối không có xe gắn máy. Đến đây lại thấy cái chuyện tưởng là kỳ lạ ấy thật ra không có gì phải ngạc nhiên.
Cuộc sống các nước nghèo Đông Nam Á lẽ ra nó phải như thế. Xe máy nhộn nhạo cuồng loạn như chúng ta là hiện đại gắng gượng, hiện đại nửa vời, hiện đại giả tạo.
Thảm ô tô khá dày nhưng mọi xe đi lại từ tốn, nhìn nhau mà đi chứ không bao giờ phải còi réo với đèn bấm ngậu xị như bên mình.
Sau đây là một vài "cái không" khác của Yangon.
Nhà cửa không cao, không có các loại cao ốc vài chục tầng, chỉ có những chung cư nhỏ. Tường nhà nhiều nơi cũ kỹ. Đường phố không dày đặc những biển quảng cáo hàng ngoại.
Trên vỉa hè những bóng người thưa thớt đi lại chậm rải. Cộng với sự từ tốn của phương tiện giao thông, vẻ thanh thản của con người trên đường khiến khách phương xa mới tới có ngay cảm giác về sự ngự trị của trật tự. Không thấy một bóng cảnh sát gọi là có.
Người đi đường không mỗi người một điện thoại cầm tay bấm nhoay nhoáy rồi nói cố gào thật to để át đi tiếng ồn phố xá.
Nhìn vào các gia đình, cũng như trong các công trình công cộng, không thấy chỗ nào cũng một cái Tivi, hết quảng cáo mời chào mua hàng, lại lôi kéo giục giã người ta dán mắt vào các bộ phim nước ngoài sặc mùi bạo lực hoặc cải lương mùi mẫn.
Một chút so sánh khi nhìn vào cuộc sống tinh thần
Liên hệ tới xứ mình.
Đáng lẽ quay trở về với xã hội tiểu nông trước chiến tranh để bình tĩnh băng bó những vết thương cũ dần dần khôi phục đất nước thì xã hội VN sau 1975 lại làm ngược lại.
Người ở nông thôn dồn lên đô thị. Các chiến binh -- vốn không được chuẩn bị để có hiểu biết cần thiết về việc làm ăn xây dựng -- chia nhau lấp đầy bộ máy quản lý, điều hành mọi mặt kinh tế xã hội văn hóa giáo dục.
Hỗn loạn chồng lên hỗn loạn. Nhưng mặc, tất cả hoan hỉ coi như xã hội mình đã bước vào cuộc sống hiện đại, bất chấp thực tế đó là một thứ quả chín ép dễ dàng biến dạng.
Chúng ta luôn luôn thèm muốn một cuộc sống khác với cuộc sống mình vốn có. Cuống cuồng ăn nói đi lại. Cuống cuồng lừa đảo nhau hành hạ nhau. Cuống cuồng hưởng thụ, cố bắt cho được cái gì gọi là giàu có hiện đại mà người phương Tây đang có.
Sở dĩ cuống cuồng là vì ta biết mình xa lạ biết bao với cái hiện đại thực sự. Càng bước gần hiện đại càng thiếu tự tin. Bằng con đường chính thường không bao giờ đạt được ước muốn nên làm liều làm lấy được.
Đối lập lại là cách làm của Myanmar. Nội dung của sự thanh thản, yên bình lương thiện ở Yangon, là cái tinh thần tự nhận thức âm thầm của xã hội Miến. Người ta biết là người ta đang ở chỗ nào của thế giới này. Tự bằng lòng với mình. Yên tâm là có một xã hội phù hợp với trình độ sống vốn có.
Năm 2010, đến Siemriep Campuchia, tôi ngạc nhiên vì trong khi khách nước ngoài nườm nượp thì thỉnh thoảng mới thấy một người bản địa. Giá VN có một di tích như thế xem. Dân mình sẽ đổ xô đến, ngoài chuyện làm dịch vụ kiếm sống trên lưng nhau, còn để thêm niềm “tự sướng” là ông cha mình đã tài ba giỏi giang đến thế đấy, nước mình vĩ đại ghê lắm.
Chùa Vàng mà bọn tôi đến hôm nay cũng là một cái gì ngoại cỡ. Chiều thứ bẩy, người ta đổ đến lấp kín khu chùa mênh mông. Không thấy có cảnh chen vai thích cánh xô đẩy nhau chen bật nhau. Đến chùa ở đây là để tưởng niệm. Để được sống dưới bóng từ bi, cả gia đình con cái cầu cúng xong ăn bữa cơm đạm bạc bên chân tháp. Thế thôi.
Trong khi chúng ta làm khổ nhau bằng những ám ảnh đâu đâu, thì người ta lẳng lặng sống theo cái nếp làm người vốn có.
Ngoài đường, thỉnh thoảng lại gặp những đàn bồ câu lớn, tụ tập tự nhiên, không biết sợ người là gì; cạnh đấy thường có một người ngồi bán các loại thức ăn dành cho chim.
Tản mát khắp các phố xá là những nhà sư khất thực, kể cả các em nhỏ mới vào chùa, tự nguyện sống cái cuộc sống đơn sơ của bao thế hệ đi trước.
Lặng lẽ để thay đổi
Sự ồn ào trên đường phố VN chẳng qua cũng là một biểu hiện của sự quá ồn quá lố trong đời sống nói chung.
Mà rõ nhất là cái ồn bắt nguồn từ mạng lưới truyền thanh truyền hình tuyên truyền quảng cáo làm khổ con người hàng ngày.
Tôi đã nói trên đường phố Yangon tịnh không nghe thấy những tiếng nói đầy áp đặt đó. Trong căn phòng ở khách sạn, khi mở ti-vi, tôi cũng chỉ thấy chỉ có một kênh riêng của nhà nước Miến, ngoài ra là một số kênh nước ngoài, nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở con số 12.
Thế có phải là đất nước này cứ dứng lì một chỗ? Không phải, giở lại lịch sử từ 1947 đến nay đã thấy họ bao thay đổi.
Khi tôi từ Myanmar trở về, mấy người quen hỏi ngay là sao liều thế, thấy nói là ở bên đó quân ly khai các vùng đang nổ súng cơ mà. Không, tôi có cảm tưởng là ở cái xứ thanh bình này ai làm việc đó, chính trị là việc của một số người hiểu biết chứ không phải việc của bất cứ ai.
Ở họ là những rắc rối nhỏ của một tình thế bình thường. Mình thì là cả một tổng thể rắc rối. So làm sao được.
Trong cơn bế tắc, dân mình đang bàn tán nhiều tới những thay đổi bên nước Myanmar mà tổng thống Thein Sein mang lại mấy năm nay. Và nhiều người cấp tiến lại còn tính chuyện giá ta cũng làm như họ.
Tôi thử giải đáp cho mình những câu hỏi loại này bằng cách nhớ lại một vài tin tức cũ. Ví dụ, trong số các tin tức mà tôi đọc được về Myanmar hồi trước có mẩu tin công chức Myanmar rất chuyên nghiệp, người nào cũng thành thạo tiếng Anh và không được đồng thời lo làm kinh tế riêng.
Bộ máy nhà nước và những con người của bộ máy đó khác chúng ta lắm, làm gì có chuyện ta sẽ có ngày như họ.
Mấy điều nhỏ sau đây hé ra cho thấy cung cách vận động của đời sống chính trị của Myanmar.
-- Xứ sở này không hề lệ thuộc vào những danh hiệu sẵn có. Lúc họ gọi họ là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện, lúc thì lại Liên bang Myanmar.
-- Thủ đô Rangoon đang rộng rãi hợp lý như thế, nhưng thấy cần thì lại thiết lập thủ đô mới ở Naypydaw.
Cốt nhất là sự trung thành với tương lai chứ không phải trung thành với quá khứ.
Đáng phải lo nhất là sự tử tế của con người và sự thịnh vượng của xứ sở chứ không phải cái tiếng hão.
Đâu mới là xứ sở của vẻ đẹp tiềm ẩn
Khi viết bài này, tôi có lên mạng và đọc được một bài của một bạn trẻ tên Phùng Kim Yến viết sau 6 ngày ở Myanmar, trong đó có câu nói về cái đẹp tổng quát của xứ sở mà bọn tôi vừa tới: đất nước có vẻ đẹp và cái duyên dáng tiềm ẩn (the hidden charm).
Sau khi bảo đây vốn là slogan của du lịch VN, bạn Yến nhấn mạnh:
Trong suy nghĩ của tôi, không phải Việt Nam mà chính Myanmar, mới là đất nước có vẻ đẹp và cái duyên dáng tiềm ẩn.
Tôi cũng thấy thế. Tôi muốn bổ sung, còn rất nhiều thứ khác xứ ta không có, song dân ta lại thích đưa lên thật oách, và cố buộc mọi người tin rằng ta có. Tức đua đòi và khoe khoang một cách lố bịch không phải là bệnh riêng của ngành du lịch VN.
No comments:
Post a Comment