Saturday, April 1, 2017

Trận Đánh Saratoga Và Lịch Sử Mỹ




blank
Công viên lịch sử quốc gia.

Trong thập niên 1960s gia đình tôi ở một nơi thôn quê hướng Tây tiểu bang Vermont, nơi có lịch sử khoảng 200 năm. Khoảng 100 thước từ phía Nam nhà tôi có một đài kỷ niệm làm bằng đá granite, nằm kế bên đường đất. Chữ chạm trên đài nói rằng: trong mùa hè năm 1777, một đại binh Mỹ rút lui trốn thoát lực lượng nước Anh đã đi ngang qua chỗ này. Nó làm tôi suy nghĩ là có biến cố nào đưa đến tình hình như thế?

Đến năm 1777 thì chiến tranh Độc Lập Mỹ đã kéo dài hơn hai năm rồi. Dầu cho đã có khá nhiều trận đánh, vẫn không bên nào giành được thắng lợi. Lực lượng Anh biết nếu họ tấn công chia đôi 13 thuộc đia Mỹ, họ có thể giành toàn thắng trong cuộc chiến.

Theo kế hoạch, họ tấn công từ thành phố Montreal (nước Canada) xuống thung lũng Champlain và kết hợp với lực lượng Anh khác tại sông Hudson (hướng Bắc thành phố New York). Cùng lúc đó họ cũng có một đại binh khác tấn công qua thung lũng Mohawk nữa.

Từ Montreal xuống Mỹ phải đi qua hồ Champlain dài hơn 100 dặm, hồ này nằm giữa hai tiểu bang Vermont và New York. Tháng 5 năm 1775 hai ông Ethan Allen và Benedict Arnold (hai người này là tổ tiên của tác giả) đem nhóm du kích gọi là Các Chàng Trai Núi Xanh (Green Mountain Boys) từ Vermont qua hồ Champlain, bất ngờ chiếm lấy pháo đài Ticonderoga. Sau đó, lực lượng Mỹ xây một pháo đài khác bên kia hồ, trên núi Độc Lập. Như thế hai pháo đài này có thể bảo vệ nước Mỹ, chặn đứng những cuộc xâm lăng đi qua hồ Champlain từ phía Bắc.

Mùa xuân năm 1777 một đại binh Anh bắt đầu xuống thung lũng Champlain để thực hiện mục đích chiến lược của họ. Đại binh đó có 7,863 người: 3,724 lính Anh, 3,016 lính Đức, 473 lính pháo binh, 250 người Canada và Mỹ trung tín với nước Anh, và 400 (người) dân tộc da đỏ. (*)

Tại hai pháo đài Ticonde-roga và Độc Lập tổng số lính Mỹ là 2,500 người. Ở gần hai pháo đài đó có một đồi cao 244 thước, rất khó lên được. Một Trung úy Mỹ góp ý là nên bảo vệ đồi đó, nhưng ông tướng chỉ huy lực lượng Mỹ nghĩ rằng không ai kéo súng đại bác lên đó được.

Khi lực lượng Anh xuống hồ Champlain đến gần hai pháo đài Mỹ, ông tướng pháo binh Anh tên Phillips nói rằng “Nơi mà con dê đi được, con người cũng đi được. Nơi con người đi được họ có thể kéo súng đại bác đi nữa.” Ngày hôm sau lực lượng Anh kéo hai đại bác đến đỉnh đồi. Hai pháo đài Mỹ chống lại không được. Khi biết vậy ông tướng chỉ huy Mỹ St. Clair quyết định lực lượng Mỹ phải bỏ hai pháo đài mà rút lui, đêm đó chính là ngày 4 tháng 7 năm 1777.

blank
Tháp Kỷ Niệm tại Saratoga.

Sáng hôm sau lực lượng Anh khám phá hai pháo đài bỏ trống, họ đuổi theo ngay. Lúc đó đại binh Mỹ đã đi theo đường mòn đến tới khu đất của tổ phụ gia đình tôi. Lực lượng Anh đuổi theo gồm có một trung đòan Anh và một trung đòan Đức. Hôm đó nóng nực lắm nên đến 4 giờ chiều họ quyết định ngừng lại nghỉ, dự tính sẽ tấn công vào sáng sớm ngày hôm sau.

Tướng St. Clair để đa số đại binh tiếp tục rút lui, chỉ giữ lại 1,000 lính ở tại làng Hubbardton để chống cự lực lượng Anh đi theo. Chuẩn bị như thế mà họ vẫn bị tấn công bất ngờ vào bình minh sáng ngày 7 tháng 7. Rốt cuộc lực lượng Mỹ bị thất bại trong trận đánh này nhưng họ đã giúp những người đã trốn thoát có cơ hội đánh nhau với lực lượng Anh tại những nơi khác.

Trong khi trận đánh ở Hubbardton đang diễn ra, tướng Burgoyne của Anh đem lực lượng còn lại tiếp tục xuống hướng Nam. Những người lính du kích Mỹ dùng đủ cách để ngăn cản đại binh Anh nên họ tiến rất chậm. Theo kế hoạch của ông Burgoyne, một đại binh Anh khác tại pháo đài Stanwix trong thung lũng Mohaw (New York) sẽ đến ủng hộ, nhưng lực lượng này đã bị thua trong trận đánh ở đó. Vì vậy ông tướng Burgoyne quyết định tiếp tục xuống hướng Nam vì ông ta nghĩ một đại binh Anh khác từ thành phố New York vẫn sẽ lên ủng hộ họ.

Khi tới một nơi hướng đông thị xã Bennington (tiểu bang Vermont) ông tướng Burgoyne quyết định gởi 800 người lính đi lấy ngựa và lương thực ở Bennington. Khi họ gần tới nơi, họ bị phục kích, rất nhiều người lính bị chết, bị thương, hay bị bắt. Như thế đại binh Anh không có lương thực mà lại bị yếu đi một ít nữa.

Sau thảm bại đó ông tướng Burgoyne đem đại binh Anh tiếp tục xuống hướng Nam. Càng đi xa thì càng khó khăn về lương thực. Ông ấy cũng được tin là đại binh Anh ở thành phố New York sẽ không đến giúp đỡ. Như thế họ bị kẹt tại một nơi xa xôi, không có hy vọng được ủng hộ gì cả. Nếu họ quay lại trở lại Montreal thì lại nghĩa là không thực hiện được mục đích

Khi họ tới gần thị xã Saratoga, gặp đại binh Mỹ quá mạnh, họ không tìm cách nào đi qua được. Họ tấn công vài lần nhưng thất bại. Rồi họ rút lui ra xa nhưng không được đi nữa nên từ từ bị bao vây. Không đi đâu được mà càng lâu hoàn cảnh càng khó khăn, lương thực không có nên dần dần họ bị yếu đi. Sau mấy ngày bị bao vây trong khi lực lượng Mỹ pháo kích vô liên tục, ông tướng Burgoyne bắt đầu thương lượng các điều kiện đầu hàng. Đến ngày 17 tháng 10 năm 1777, họ đầu hàng. Đây là cuộc đại thắng của lực lượng Mỹ.

blank
Con tem Hoa Kỳ 1927, kỷ niệm 150 năm trận chiến Saratoga.( Hình ảnh trích từ Wikipedia)

Trong chiến dịch năm 1777 có rất nhiều chi tiết mà tôi không kể đến. Không phải vì những chi tiết đó không hay nhưng vì tôi có mục đích khác khi nhắc đến câu chuyện lịch sử này. Đó là kết qủa chính của thắng lợi của lực lượng Mỹ năm 1777.

Dù nước Mỹ đã tự xưng là độc lập từ ngày 4 tháng 7 năm 1776, cho tới năm 1777, chưa có một nước quan trọng nào xác nhận sự độc lập của Mỹ. Trước trận đánh Saratoga nước Pháp chỉ giúp nước Mỹ một phần nhỏ. Nhưng chỉ ít lâu sau chiến thắng tại Saratoga, nước Pháp bắt đầu thương lượng với nước Mỹ. Kết qủa là Đồng Minh Pháp Mỹ ra đời. Nước Pháp gởi lục quân, hải quân, vũ khí, và lương thực đến vì họ thấy có hy vọng là Mỹ sẽ chiến thắng Anh.

Tại trận đánh quan trọng Yorktown năm 1781 một đại binh Anh bị thất bại khi bị lực lượng đồng minh Pháp Mỹ bao vây và tấn công. Nếu không có sự ủng hộ của nước Pháp trong Chiến Tranh Cách Mạng Mỹ thì nước Mỹ không thể thắng được. Vì chính phủ nước Anh thấy là không thắng được cuối cùng họ ký tên Hoà Ước Ba-Lê ngày 3 tháng 9 năm 1783, và chiến tranh Mỹ - Anh hoàn toàn kết thúc.

Trận đánh Saratoga năm 1777 quả thật rất quan trọng trong lịch sử nước Mỹ.

Tôi ở trên khu đất của tổ phụ, nơi đại binh Mỹ đã đi qua, cho đến gần 15 tuổi. Thủơ nhỏ, thỉnh thoảng tôi lại đi tìm kiếm, mong tìm được vật gì mà các lính Mỹ, Anh, hay Đức đã làm rơi lại trên đường đi. Nhưng tôi không bao giờ tìm được một cái gì hết, có lẽ vì khoảng cách thời gian quá xa. Nhưng hình ảnh của đoàn binh Mỹ vẫn luôn luôn gắn liền với mảnh đất đó và luôn ở trong lòng tôi.

Sáu Steve Brown

(*) Furneaux, Robert (1971), The Battle of Saratoga, Stein and Day/ Publishers/ New York

No comments:

Blog Archive