Ngoảnh Nhìn Trường Áo Tím
Ai trong số chúng ta từng là học sinh ở đó hoặc có liên hệ xa gần trong quá khứ với trường ấy? Tôi tin rằng, đó sẽ là một con số nhiều.
... Trước hết, bạn có biết những cô hiệu trưởng, trước sau qua nhiều thế hệ, của trường Gia Long gồm những ai?
• 1914 - 1920: Mme Lagrange (6 năm)
• 1920 - 1922: Mme Lorenzi (2 năm)
• 1922 - 1926: Mme Pascalini (4 năm)
• 1926 - 1942: Mme Saint Marty (16 năm)
• 1942 - 1945: Mme Fourgeront (3 năm)
• 1945 - 1947: Mme Malleret (2 năm)
• 1947 - 1952: Cô Nguyễn Thị Châu (5 năm, hiệu trưởng người Việt đầu tiên).
• 1952 - 1963: Cô Huỳnh Hữu Hội (11 năm)
• 1963 - 1964: Cô Nguyễn Thu Ba (1 năm)
• 1964 - 1965: Cô Trần Thị Khuê (1 năm)
• 1965 - 1969 và 1975 - 1992: Cô Trần Thị Tỵ (21 năm)
• 1969 - 1975: Cô Phạm Thị Tất (6 năm)
Như vậy với tên trường Gia Long, hoặc tên tiếng Pháp trước đó nữa, là qua 12 đời hiệu trưởng - Trong đó có 6 hiệu trưởng người Pháp và 6 hiệu trưởng người Việt. Hiệu trưởng Pháp làm việc lâu nhất là cô Saint Marty (16 năm) và hiệu trưởng Việt làm việc lâu nhất, cũng gây ấn tượng mạnh nhất nơi nhiều thế hệ biết cô trực tiếp, là cô Trần Thị Tỵ (21 năm) - Ấn tượng đến mức nhiều khi người ta vẫn bảo nhau, trường Gia Long là “trường cô Tỵ”. Cô đã mất vào 8/2/2018 ở tuổi 89, để lại nhiều thương tiếc cho tất cả các thế hệ học sinh từ lứa học trò 1965 - 1992 (27 năm). Cô là người luôn cương quyết theo đuổi mục tiêu chú trọng đào tạo một thế hệ phụ nữ mới, có tri thức, bản lĩnh và có thể gánh vác việc xã hội, việc quốc gia ngang bằng nam giới. Chính cô cũng không chịu nghỉ hưu theo quy định Lao động, mà đã làm vượt 8 năm.
Sau khi cô nghỉ, trước sau có thêm 4 người nữa làm hiệu trưởng khi trường mang tên Nguyễn Thị Minh Khai.
Trường Gia Long, thoạt đầu chỉ là một campus cho các lớp nhỏ, nhưng cũng tương đối đủ học sinh, thành lập vào năm 1913 do một số nhà trí thức của Sài Gòn cùng sáng lập với cái tên Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trung học Các nữ sinh địa phương). Do nhu cầu học tăng mạnh và cũng do các thầy cô giỏi khắp nơi tìm về ngày càng đông, trường chính thức trở thành Collège như đúng nghĩa tên gọi, mở cửa đón các nữ sinh lớp lớn (Deuxième, Première và Classe Terminale - Tương đương Đệ tam, Đệ nhị và Đệ nhất) vào năm 1922. Từ đó mới bắt đầu tính đến các đời hiệu trưởng kể từ cô Pascalini như đã nêu. Các nữ sinh lúc đó, như mọi người đều biết, mặc đồng phục là áo dài tím.
Suốt thời Pháp, tất cả các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp (Hiển nhiên!) kể cả trong các sinh hoạt ngoại khóa cũng dùng tiếng Pháp - Mỗi tuần chỉ có 2 giờ Việt Văn. Đến thập niên 1950, trường đổi tên thành Trường Nữ sinh Gia Long, lúc đó thì áo tím thay dần bằng áo trắng, và khi các hiệu trưởng Việt bắt đầu vào điều hành, tiếng Pháp giảm dần, tiếng Anh cũng thay chân nhuần nhị. Rồi tiếng Anh trở thành sinh ngữ thuần thục hơn - Số lớp tiếng Pháp nơi từng cấp lớp, từng khối lớp, đã giảm dần cho đến khi thành thiểu số.
Thầy cô thì thời nào cũng giỏi, nhưng dưới thời cô Tỵ, xen giữa là cô Tất mà lứa JMS có người từng theo học - Như admin Jessica Lê Nga - xem ra là nhiều anh tài bậc nhất. Những thầy cô giáo rất nổi tiếng có thể kể ra, xuyên qua cuộc đổi đời, gồm thầy Ngô Tư Vọng dạy Toán, thầy Trần Kế Xương dạy Văn, cô Nguyễn Diệu Lan (Em ruột bà luật sư Nguyễn Phước Đại rất nổi danh hồi đó) hoặc cô Diệu Liên dạy Pháp Văn, cô Thái Hương dạy Văn, cô Phạm Thị Thiệt chuyên phụ trách phòng thí nghiệm, thầy Ngô Công Bạch dạy Vật Lý, cô Hoa Lâu dạy Toán hay cô Trần Phương Thảo dạy Vạn vật. Bản thân cô Tất cũng dạy Vạn vật. Kể cả các thầy cô dạy Thể dục cũng rất được học sinh quý mến, như thầy Hoàng Đức Chính, cô Nguyễn Vui, cô Phạm Thị Phương là chị ruột của chuyên viên Kinh tế Phạm Gia Hưng.
Thầy cô thời đó mê dạy tới mức, dù đang ốm và sức khỏe không được tốt, vẫn ngày ngày đến lớp.
Chính cô Tỵ cũng dạy Pháp Văn ở lớp Đệ Nhất và Đệ Nhị, cho tới khi đổi thành lớp 12 và 11 - Mỗi tuần chỉ dạy một vài giờ cho một lớp nào đó mà cô tự chọn, để "không quên nghề trực tiếp cầm phấn". Nhà cô nằm ngay trong khuôn viên trường, phía sau sân bóng rổ - thể dục và học trò ai cũng biết, cô sống rất có hiếu với mẹ già. Chỉ 2 mẹ con sống cùng nhau và nhà có nuôi một đàn chó cảnh rất đông.
... Ở đây chỉ xin nhắc về một quá khứ mang tên Gia Long. Sau 1975, rất nhiều thầy cô trẻ khác và giỏi chuyên môn cũng đã đứng lớp, như thầy Quan Đệ Cư dạy Toán, cô Trần Thị Ngọc Hoài dạy Sử, thầy Huỳnh Sĩ Sơn hoặc cô Huỳnh Trúc Bạch dạy Vật Lý, cô Trần Bích Thủy rất xinh dạy Vạn vật. Đó sẽ thuộc một bài khác, vì Gia Long khi ấy đã chuyển tên thành Nguyễn Thị Minh Khai, và vì cả thực tế phải đón thêm các nam sinh, phá vỡ truyền thống trăm năm của trưởng.
Nguồn ảnh của nhiếp ảnh gia Pháp Gaspard-Félix Tournachon (1920 - 2010) và một số người khác. Ở đây chúng ta thấy trường trong thời kỳ trước cũng có các dormoir, là phòng ngủ tập thể vì nữ sinh ở xa đến nội trú. Trường có các giờ dạy Thể dục cũng như dạy Nữ công, nấu nướng, cắt may. Và trước 1975, khi miền Nam có tổ chức các cuộc bầu cử cấp quốc gia, thì trường cũng nhiều lần trở thành một địa điểm bỏ phiếu.
Tôi từng trồng cây Si nhiều năm trời ở đó, tựa xe đạp vào gần như mọi cột điện nằm trên các trục đường chạy quanh, vì trường khi tan học là có tới mấy lối ra, mà tôi lại quen nhiều nàng, mỗi nàng một hướng khác nhau. Họ đi lấy chồng rồi cũng khác. Merci một quá khứ vụng dại.
Trịnh Anh Khôi
No comments:
Post a Comment