Sunday, September 22, 2024

Vài chuyện vui buồn ở Việt Nam 

Lưu An-Vũ Ngọc Ruẩn 
– 14 tháng 9, 2024
Một tuyến hỏa xa nằm giữa khu dân cư ở Hà Nội, Việt Nam. (Hình minh họa: Thijs Degenkamp/Unsplash)

Có lẽ tôi là một trong số người Việt trở về thăm viếng, rong chơi ở quê nhà sớm nhất, nhiều nhất sau năm 1975. Tôi đã đi gần như khắp đất nước, thăm viếng các đền đài, di tích lịch sử mà ngày xưa tôi chỉ nhìn thấy trong sách vở. Dĩ nhiên tôi đến những địa danh, di tích đầy máu xương, nơi mà bao nhiêu người bạn, người thân của tôi đã nằm xuống trong cuộc chiến kinh hoàng.

Tôi cũng có chút niềm tin tưởng là mình đã nhìn khá rõ những điều hay, điều dở, những điều thật hay dối trá tại Việt Nam. Đúng như vậy, tôi đã thực hiện các chuyến đi trong vai vế của một người thích lang thang muốn hoà nhập vào cuộc sống thực tế của xã hội. Tôi không muốn làm người du hành trong dáng dấp kẻ nhiều tiền lắm bạc “cưỡi ngựa xem hoa” để rồi sau những chuyến du hành là những kiến thức của một kẻ vương giả “áo gấm về làng.”

Dĩ nhiên trong các chuyến du hành “bụi” đó vẫn có ít nhiều cực nhọc, đôi khi gặp những phiền phức vì những điều mà Việt Nam còn yếu kém, luộm thuộm trong dịch vụ du lịch. Nhưng đổi lại tôi thu nhận được rất nhiều những khoái cảm trong những chuyến đi nhờ sự hoà nhập của tôi vào cuộc sống rất thực của xã hội. Ngoài ra một điều cũng rất quan trọng, đó là tôi đã giảm được rất nhiều chi phí mà trong giới hạn tài chánh của một người làm lương tháng hay trong thời hưu nghỉ như tôi không cho phép. Mà cũng nói rất thật, nhiều khi cuộc du hành thú vị hơn nếu có tí chút của thiếu thốn, không xa hoa!

Hôm nay, tôi muốn viết về những chuyện vui buồn trong thành phố Sài Gòn, nơi mà phần nhiều những lần về Việt Nam tôi nhận đó là nơi đến và nơi đi sau những chuyến rong chơi của mình. Bài viết không muốn soi mói vào cái xấu của xã hội dưới một ẩn ý nào đó mang sắc thái chính trị mà chỉ muốn nêu ra một vài nụ cười có tí chút giáo dục (dù ẩn dụ sau nụ cười là tiếng thở dài không vui!).

Bịch nước mía và ông già lẩm cẩm

Lần đó, có lẽ vào khoảng năm 2015, một buổi chiều Sài Gòn nhạt nắng, tôi chở cô em gái bằng xe Honda chậm rãi dọc theo đường Trường Sa, con đường khá đẹp, thoáng khoát dọc theo kênh Nhiêu Lộc. Bất thình lình tôi bị một bao plastic với nước mía đá lạnh từ một thanh niên còn trẻ, ăn mặc chỉnh tề ra vẻ còn là sinh viên, anh ta đi xe gắn máy vượt lên chúng tôi. Hắn không thèm chú ý, sau khi hút hết bịch nước mía lạnh, anh ta vẩy liệng bịch nilon khỏi đầu ra bên cạnh.

Khi xe chúng tôi vừa trườn tới, chiếc bao nilon cùng ống hút bung lên và đập vào mặt, quần áo tôi. Tôi giật mình làm tay lái của tôi lạng quạng! Rất bực bội nhưng tôi và cô em chỉ phủi vội những giọt nước lạnh bám vào quần áo mà đưa mắt nhìn theo anh ta mà thôi. Nhưng đúng lúc đó, anh ta phải dừng lại vì đèn đỏ ở giao lộ ở phía trước. Tôi chạy nhanh xe đến sát bên anh ta, với giọng bực tức tôi nói:

-Ê, chú nhỏ, chú có biết, chú vừa liệng bao nilon nước mía chụp vào mặt và làm ước quần áo của chúng tôi không?

Hắn nhíu cặp mắt, quay nhìn chúng tôi rất vô tư, không một tí ân hận, hắn trả lời:

-Tại sao ông đi gần tôi và tại sao không né tránh?

Nghe hắn nói, tôi ngẩn ngơ với vẻ bực bội tôi nói:

-Hình như chú em là sinh viên? Đã phạm lỗi rành rành, không biết nói một lời xin lỗi mà còn trách cứ người ta sao?

Vẫn với ánh mắt khó chịu, cau cặp lông mày, với vẻ không vui, hắn ngoái nhìn tôi, trả lời một cách rất vô tư, trước khi rồ máy xe vuột đi khi đèn giao thông vừa chuyển màu:

-Ông già lẩm cẩm, ngu thì chịu chứ kêu ca gì nữa? Biến!

Tôi và cô em gái giận quá, nhìn hắn vọt xe đi với cái lắc đầu chán nản. Có lẽ đây là một trong vấn đề “giáo dục công dân” mà tôi nghĩ xã hội Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác trên thế giới đang vướng mắc.

Chiếc bóp đựng tiền trong túi hay mức sống vật chất của con người trong xã hội tiến triển quá nhanh, trong khi ý thức về đạo đức cũng như nhận thức về chữ công bằng, lịch sự, phải trái…. trong xã hội đã không theo kịp độ dày của vật chất, bạc tiền!

Dĩ nhiên đây không phải là một lần duy nhất mà tôi đã gặp phải khi di chuyển bằng xe gắn máy. Tôi nghĩ tôi và nhiều người khác cũng đã phải gặp vài ba lần cảnh đang đi thì bị người đi trước quay mặt ra khạc nhổ. Người đi sau không chú ý hay đi quá gần thì phải nhận lấy cục đờm dơ bẩn dính vào quần áo hay mặt mình. Nếu mình vượt lên, nói với người phạm tội, phần rất lớn sẽ được người ta nói vài lời xin lỗi. Dù chẳng vui mừng gì với lời xin lỗi vu vơ đó nhưng ít ra nó cũng tạo cho mình cái cảm giác vừa lòng vì người ta đã vô tình mà phạm lỗi. Nhưng vẫn có ngoại lệ với những kẻ vô giáo dục, mặc dù kẻ đó trong bộ dạng quần áo chỉnh tề, có ăn học hay ít nhất là một sinh viên. Họ đã không nói được một lời xin lỗi, ân hận mà còn quay sang nạn nhân xổ ra những câu ngu ngốc, vô giáo dục của dạng người cặn bã thiếu văn minh.

Chuyện cười với xe bus ở Sài Gòn

1.Dừng xe bắt gà

Nếu ai từng đi xe bus trong thành phố Sài Gòn, nhất là vào buổi sáng hay buổi trưa thường gặp những cảnh xe bus tự nhiên dừng đỗ không đúng trạm xe mà xe dừng lại trước một tiệm bán nước hay đồ ăn để cho người phụ xe kiêm bán vé vào mua thức ăn nước uống cho ông ta hay cho tài xế một cách rất vô tư, không quản ngại sự phiền hà cho khách đi xe cũng như cho phương tiện giao thông khác đang đi ở phía sau.

Sự việc này xảy ra rất thường, hình như chẳng có ai coi là chuyện khác lạ nữa. Nó tự nhiên trở thành rất bình thường cho nhân viên xe bus, cho khách đi xe và xã hội. Nhưng nếu ai sống ở hải ngoại, nhất là tại các quốc gia phát triển thì đó là một chuyện không bình thường, nếu có sự than phiền thì nhân viên, tài xế xe bus chắc chắn phải gặp những phiền phức hay bị nghỉ việc làm. Trong đoạn viết về dạng giao thông công cộng mà Việt Nam đang có khuynh hướng phát triển để tạo ra môi trường sạch khói bụi của nền văn minh đô thị, tôi viết ra đây như một chuyện hài hước đã làm tôi và người bạn Việt Kiều từ Mỹ về ngẩn ngơ không nói được câu nào ngoài vài cái lắc đầu!

Lần đó tôi và anh bạn có việc đi chuyến xe bus số 59 từ Gò Vấp hướng về Chợ Lớn vào khoảng 10 giờ sáng, không phải giờ đi làm hay tan sở nên xe cũng không đông khách lắm. Khi xe vừa qua Ngã năm Nguyễn Thái Sơn rẽ vào đường Hoàng Minh Giám, bên phải con đường là Công viên Gia định. Xe dừng tại trạm của công viên cho khách lên xuống rồi xe tách bến tiếp tục hành trình. Nhưng chỉ chạy được khoảng vài ba trăm mét, thình lình xe dừng lại giữ đường, không phải bến dừng xe, người phụ xe mở cửa vội vàng nhảy xuống xe. Chúng tôi cũng như mọi hành khách trên xe không biết chuyện gì xảy ra, đúng lúc đó người tài xế mở cửa kính xe ngoái đầu ra khỏi xe nói rất to với người lơ xe:

-Nó còn ở dưới gầm xe, bắt lấy nó, đừng để nó chạy mất!

Chúng tôi và hành khách trên xe chẳng hiểu chuyện gì, mọi người đứng dậy nhớn nhác nhìn ra ngoài khi người tài xế hét lên:

-Nó chạy lên phía trước xe rồi!

Lúc đó mọi người nhìn ra mới thấy anh lơ xe đang rượt đuổi theo một con gà trống khá lớn đang chạy lung tung trên đường khá đông xe. Cũng có vài người khách nhìn theo và hô hoán cổ vũ cho anh lơ xe. Nhưng có lẽ vì vướng víu bởi dòng xe lưu thông trên đường nên anh lơ xe không thể bắt được con gà, nó nhanh nhẹn luồn lách vào giữa dòng xe lưu thông rồi chạy sang bên kia đường chui vào lùm cây. Anh lơ xe đành bỏ cuộc chạy trở lại xe bus với những câu chửi thề, thất vọng và tiếc rẻ. Ông tài xế cũng không mất vẻ bực bội, chê bai anh lơ xe chậm chạp nên để con gà chạy thoát… Và cứ thế lời qua tiếng lại của ông tài xế, người lơ xe cùng với vài người khách trên xe.

Tôi và anh bạn nghe mọi người thảo luận về việc không bắt được con gà với khá nhiều ngạc nhiên cho một sự kiện xảy ra khá hi hữu. Chỉ vì một con gà xổng chuồng, vô chủ mà chuyến xe bus phải dừng lại, không phải vì lo sợ cho con vật bị tai nạn, mà dừng lại cho nhân viên rượt bắt con vật vô chủ vì muốn thu được một món lợi nho nhỏ. Với khách đi xe cũng chẳng coi đó là chuyện khác thường mà cũng hô hào, cổ vũ mong cho người nhân viên xe bus thành công. Riêng tôi và anh bạn dĩ nhiên cũng thích thú cười vang, không phải vì con gà xổng chuồng mà là thể cách của sự việc rất khác lạ mà có lẽ không bao giờ chúng tôi nhìn thấy tại quốc gia mà chúng tôi đang định cư.

2.Vô tư đổ rác, liệng chai plastic ra cửa sổ xe bus

Một lần khác, trên chuyến xe bus số 13 từ Sài Gòn đi Gò Vấp, cũng vào khoảng gần trưa, khách đi xe cũng không đông lắm. Tôi được một chỗ ngồi sát cửa sổ gần cuối xe, đưa mắt nhìn ra ngoài với khá nhiều thích thú từ những sinh hoạt của thành phố. Những chiếc xe gắn máy len lỏi dành giật nhau từng khoảng cách giữa dòng xe bất tận nối đuôi nhau trên đường. Xen vào đó không thiếu những chiếc xe Ô tô sang trọng, bóng láng nổi tiếng trên thế giới như Lexus, BMW… người lái xe bus rất bình thản giữa những chiếc xe hai bánh chen lấn nhau, hoàn toàn không vào khuôn thước luật lệ giao thông.

Những hoạt cảnh giao thông như vậy đôi khi cũng cho tôi có ít nhiều cảm giác thích thú. Đó đúng là một hoạt cảnh rất sống động, dù lộn xộn, rất nhiều điều ra ngoài luật lệ, nhưng với sự tự điều chỉnh của người giao thông, cuối cùng thì giao thông vẫn chạy và người ta vẫn đến nơi muốn đến một cách an toàn.

Đúng lúc tôi đang nhìn ra ngoài, mơ màng với suy tư, tiếng nói của bà nhân viên bán vé của xe bus đã làm tôi giật mình.

-Xin bác dẹp chân vào cho cháu quét sàn xe một tí. Thật dơ bẩn sao có những người vô ý thức ăn bánh kẹo rồi liệng rác lên sàn xe!

Dĩ nhiên tôi thu nhỏ và giơ chân lên cao để cho bà ta quét rác trên sàn xe. Cứ thế bà ta dùng cái chổi quét vội những cọng rác, mảnh giấy nhỏ và dĩ nhiên cả bụi đất vương vãi trên sàn xe vào cái máng hót rác bằng nhôm. Như phản xạ tự nhiên, tôi đưa mắt nhìn theo công việc của bà ta cho đến khi tất cả những rác rưởi, bụi đất đã vào trong cái máng đựng rác.

Thình lình, bà ta đưa tay kéo tấm kính cửa sổ của xe và chẳng một tí ngại ngần, bà đưa cái máng gạt rác ra khỏi cửa sổ và vô tư đổ ra bên ngoài xe. Việc làm của bà ta đã làm tôi giật mình vì nó ra ngoài sự tưởng tượng của tôi. Một hành động rất ư là phản cảm, hoàn toàn không không chú ý đến những cọng rác hay đống bụi đất mà bà ta vừa thu gom trên sàn xe khi bị hắt đổ ra phía ngoài, lúc xe đang chạy, nó sẽ tung bay theo gió bên ngoài bám vào mặt, vào quần áo… của người khác đang di chuyển bên cạnh hay sát bên sau xe bus!

Một điều rất lạ hơn nữa, bà ta coi như việc làm rất phản cảm ấy là bình thường. Bà lắc nhẹ cái máng đựng rác rồi bình thản kéo tấm kính cửa sổ lại. Đúng lúc khi quay lại hướng trong xe bà thấy một thanh niên, có lẽ là học sinh hay sinh viên ngồi gần nơi cửa sổ mà bà ta vừa đổ rác, thanh niên đang cầm hút một lon nước khoáng trên tay, bà ta nhìn thanh niên, nói:

-Này ! Uống xong nhớ mang vỏ chai theo nhe, đừng vứt ra sàn xe cho người ta phải quét dọn!

Người thanh niên nhìn bà không nói một tiếng nào, cũng tưởng thế là xong một hoạt cảnh. Tôi lại đưa mắt hướng ra phía bên ngoài xe bus nhìn những đàn xe chen chúc nhau, trở về với trầm lặng suy tư. Cho đến khi, một sự việc khác lồ lộ ra trước mắt lại làm tôi bàng hoàng, không thể tin nổi, nhưng nó thật sự đang xảy ra trước mắt tôi. Đó là người thanh niên sau khi hút hết nước trong chai nước khoáng bằng plastic, anh ta bình thản liệng chai plastic với ống hút ra khe cửa sổ của xe bus, cũng chẳng thèm coi xem bên ngoài có ai đang di chuyển hay vật dư thừa của mình có bay đập vào ai không. Liệng vỏ chai nước xong, anh bình thản ưỡn người vươn vai ngả dài trên chiếc ghế thở hít vài hơi dài ra chiều thoải mái. Có lẽ anh ta không bao giờ nhìn thấy vẻ ngỡ ngàng kèm theo cái lắc đầu “hết ý kiến” của tôi, người khách đồng hành ngồi sát bên đối diện cách anh ta hai hàng ghế.

Nhìn người trẻ tuổi với ánh mắt buồn bã, tôi tự hỏi anh ta còn trẻ, chắc chắn đang là một học sinh hay sinh viên, thành phần tương lai của đất nước mà cạn kiệt ý thức giáo dục đến thế ư? Rồi tôi cũng tự hỏi những vị thầy cô trong trường học dậy anh ta môn “công dân giáo dục” hay ông cha bà mẹ của anh ta có bao giờ hiểu được rằng người thanh niên đang ngồi trước mắt tôi, hiển hiện là một con người vô giáo dục hay không? Với dạng người như vậy nếu không vì một kích thích nào đó để giúp anh ta sửa sai, hiểu đúng cái tốt cái xấu… Những điều căn bản của một con người trong xã hội thì dù anh ta trong tương lai có là ông này, ông nọ thì cũng chẳng bao giờ là một người công dân tốt được. Tự hỏi như vậy, tôi chợt buông tiếng thở dài, chán nản rồi lại dán mắt ra bên ngoài kính xe với im lặng suy tư.

Đèn báo hiệu giao thông

Trong những lần về Việt Nam rong chơi mà đi xe bus, xe đò không thuận tiện, tôi thường thuê xe gắn máy, tiện cho việc thăm viếng bạn bè nhất là sau các cuộc đi chơi về khuya. Đặc biệt với Sài Gòn, nơi tôi có nhiều bạn bè thân nhân nên việc gặp gỡ, rủ nhau đi hàng quán hay đi nghe nhạc sống tại các phòng trà là việc rất thường nên nếu có một chiếc xe gắn máy được coi là rất tiện lợi. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó, tôi cũng có khá nhiều cảm nhận thích thú với loại phương tiện giao thông này. Viết ra đây như một chuyện cười vui mà có lẽ bất cứ ai về Việt Nam khi dùng xe gắn máy lang thang cũng phải có ít nhiều lần gặp phải.

Có lẽ hiện tượng vượt đèn đỏ một cách vô tư tại Việt Nam xảy ra rất thường, tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà nội, Đà Nẵng, Bình Dương… nhất là vào buổi tối khi mật độ giao thông giảm sút, không có cảnh sát giao thông kiểm soát. Bất cứ lần nào dùng xe gắn máy, tôi đều nhận lấy những ánh mắt tức giận chê bai hay những câu chửi khiếm nhã từ những người giao thông khi họ thấy tôi dừng xe đứng chờ khi đèn đỏ, chỉ lăn bánh chạy khi đèn xanh bật sáng.

Tôi cũng không làm như mọi người là tìm cách len lỏi, vượt lên trước vạch giới hạn hay đèn giao thông vẫn đỏ, đồng hồ điểm thời gian vẫn chưa hết để cho đèn đỏ biến mất… Nhưng họ vẫn rồ xe chạy! Tất cả với tôi là những hành động kỳ lạ, tiềm ẩn nguy hiểm cho bản thân, làm ách tắc giao thông vì ngăn cản xe đối diện khi họ đang di chuyển trong trạng thái đèn xanh.

Với sự ngay ngắn, tôn trọng luật giao thông như vậy, tôi rất thường phải nhận lấy những thái độ bực bội, đôi khi là những câu chửi rất vô văn hoá của người đi phía sau, chẳng hạn như: “Đi đi ông già điên!,” “đồ hâm,” hay “thằng ngu, tránh ra cho người ta đi,” Vài ba lần tôi còn bị họ đâm nhè nhẹ vào đít xe của tôi với lời chỉ bảo “Không có công an đâu, đi đi, đừng sợ!” Đại loại như vậy.

Vào buổi tối khuya khoảng sau 11 giờ đêm, đường vắng xe nhưng tôi vẫn dừng lại khi đèn đỏ, chờ đèn xanh, gần như lần nào cũng bị người khác, những người vượt đèn đỏ nhìn tôi với ánh mắt chê bai, đôi khi kèm theo vài câu chửi bới hay chế giễu tôi ngu! Không giống ai!…

Có lẽ đây là một luật giao thông mà theo tôi thấy rất ít có trên thế giới. Với tôi nó là một luật giao thông rất đặc biệt, đôi khi tạo ra những phiền nhiễu và nguy hiểm cho người giao thông nhất là với xe hai bánh ở những con đường chỉ có một làn xe. Chính mắt tôi đã thấy một người đi xe gắn máy, muốn đi thẳng nhưng vì đèn đỏ nên phải dừng lại sát lề đường, đúng lúc đó có một xe tải trên cùng đường chạy đến, muốn quẹo vào đường bên phải (một tấm bảng nhỏ ghi rất rõ ràng tại góc đường: Được quyền quẹo phải khi đèn đỏ). Chiếc xe tải quẹo phải nhưng tài xế không nhìn thấy người xe gắn máy đang đậu sát vỉa hè chờ đèn xanh để đi thẳng. Xe chở hàng quẹo phải đã ép và cán lên xe gắn máy, kết quả người lái xe gắn máy bị thương nặng và chiếc xe gắn máy bị dập nát.

Riêng cá nhân tôi đã rất nhiều lần, khi dừng xe chờ đèn xanh để đi thẳng nhưng bị những người đi phía sau, muốn quẹo phải họ chen lấn và đôi khi nói những câu rất vô duyên và bất lịch sự như: “Ê, dẹp sang một bên cho người ta quẹo phải!” hay “Đồ ngu! Không nhìn thấy bảng được quẹo phải hay sao? Tránh ra!”

Một lần, quay lại tôi trả lời: “Được quyền quẹo phải khi đèn đỏ nhưng không có nghĩa là đường đông xe, xe phía trước muốn đi thẳng, họ cũng chờ đèn xanh, tôi lại phải dẹp cho anh đi! Mà dẹp thế nào khi đường bị chật xe? Nên chờ đèn xanh lúc đó quẹo trái cũng không muộn!”

Kết quả là tôi bị anh ta sửng cồ, chúi mũi xe đâm vào phía sau xe của tôi và kèm theo vai câu chửi thề tục tĩu! Có lẽ anh ta nghĩ là anh ta là người được quyền ưu tiên và tôi là kẻ ngăn trở. Trong hoàn cảnh đó tôi đã im lặng, cố tìm cách ép xe vào người khác để có chỗ cho “ngài hung hăng” quẹo phải. Người ta thường nói “tránh voi không xấu mặt nào,” nhưng trong trường hợp này có lẽ không phải là voi mà là một con chó ghẻ lở, một tên ngu đần…. đụng vào nó chỉ tạo ra phiền phức và dơ bẩn tay chân mà thôi, im lặng là tốt nhất vậy!

Về Việt Nam, việc băng sang đường, dù tại nơi có kẻ vạch trắng ưu tiên cho bộ hành nhưng theo tôi nó gần như chẳng có tác dụng gì. Điều đáng buồn là việc học hành, thi cử về luật giao thông vẫn được coi là hình thức, nếu có thì cũng chỉ những kiến thức rất khiêm nhường, đầy mù mờ trong thi cử cũng như học luật giao thông! Bất cứ ai biết lái xe thực sự chỉ cần ngồi trên một chuyến xe đò liên tỉnh theo dõi cách lái xe của tài xế mà lạnh người, hình như họ chẳng biết gì về nguyên tắc căn bản khi muốn vượt xe phía trước, chẳng hạn như họ thoải mái vượt mặt bên phải hay vượt mặt với tốc độ không đủ nhanh.



No comments:

Blog Archive