NGƯỜI NGOÀI KHUNG
Đó là nhà khoa học, doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ, người từng đi tu, từng đi phụ bếp, rồi nhận bằng tiến sĩ về khoa học năng lượng và vật liệu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về năng lượng, vật liệu và viễn thông Canada, là tác giả của 667 bằng sở hữu trí tuệ, về quê "khởi nghiệp" để giúp dân nghèo và kiếm tiền xây trường học!
Tuổi thơ dữ dội
Sinh năm 1955 tại làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh (xưa là Vĩnh Bình), mẹ làm nghề đỡ đẻ trong làng, ba bỏ đi để lại cho người vợ nghèo một nách năm con thơ, thuở nhỏ ông vừa đi học vừa đi bán cà rem để phụ mẹ nuôi bốn người em. Lớn lên một chút, sợ bị bắt lính, năm 1972 ông vào chùa tu một năm, vừa khai sụt một tuổi thành sinh 1956, vừa kiếm cái giấy chứng nhận tu sĩ. Ông học một mạch xong tú tài, rồi bước chân vào Trường kỹ sư Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa TP.HCM).
"Nhiều người hỏi tôi là khi đi học thì có ước mơ gì, tôi nói thật, tôi đi học cho mẹ vui lòng vì câu nói thường xuyên của mẹ tôi với các con là "Mẹ để tiền trong trong đầu các con, nhưng mẹ không biết cách chỉ các con lấy ra xài, mà chỉ có các thầy cô mới biết đường chỉ được" - ông kể.
Thậm chí khi vào đại học, ông cũng thật lòng chia sẻ "Khi ấy cũng chưa chí thú học cho lắm. Cái bụng đói quá mà (cười lớn). Tôi đá banh khá giỏi, hồi nhỏ trong đội tuyển Trường Vĩnh Bình. Lên Sài Gòn, tôi chơi thân với người em vợ của nghệ sĩ Bảo Quốc, nhờ đó hay được kêu đi đá banh cho đội nghệ sĩ. Đá xong được ăn nhậu miễn phí, được cho chút tiền. Sau này một số nhân viên của tôi học ở ĐH Bách khoa, gặp mấy thầy ngày xưa dạy tôi, có hỏi "chú Mỹ hồi sinh viên học giỏi lắm phải không thầy, mấy thầy trả lời "thằng Mỹ nó thông minh nhưng có chịu học gì đâu". Mấy đứa trợn tròn mắt không tin, nhưng đó là sự thật".
Năm 1979, ông tốt nghiệp khoa hóa ĐH Bách khoa nhưng không tìm được việc làm, đơn giản bởi về quê thì không có hộ khẩu, trường thì không phân công. Số phận đưa đẩy ông. Tối 1-9-1979, người cậu ruột nhờ ông chở ra bến sông. Chở ra rồi thì mới biết cậu tổ chức đi vượt biên. 4h sáng 2-9, tàu xuất phát. Chuyến đi định mệnh ấy đưa ông đến đất nước Canada.
Học để...cưới vợ
Ban đầu, ông chưa nghĩ đến chuyện học lại, mà cắm cúi đi làm phụ bếp nhà hàng để kiếm tiền gởi về phụ mẹ nuôi các em. Trong nhà hàng có một cô gái gốc Thái Bình, nhà ở khu Ông Tạ, cùng gia đình sang Canada năm 1982 theo diện đoàn tụ. Cô vừa đi học vừa đi làm thêm. Cô kém ông 9 tuổi. Khi cô gái ấy - Bùi Thị Nhàn - đưa anh phụ bếp về ra mắt, gia đình người yêu toàn dân trí thức đã "thách cưới": Khi nào lấy bằng đại học ở Canada thì cho cưới!
Thế là ông quay lại giảng đường. Vừa đi học vừa làm phụ bếp để kiếm tiền, mỗi ngày ông chỉ ngủ bốn tiếng. Thấy ý chí của ông, bà ngoại của cô Nhàn quyết định cho cưới luôn mà không cần có bằng đại học.
Nhưng ông thực hiện còn hơn cả cam kết ban đầu của mình, ông lấy bằng cử nhân hóa học phân tích năm 1986, bằng thạc sĩ về chất xúc tác dị thể vào năm 1988 tại đại học Concordia, Montreal. Năm 1990, ông nhận bằng tiến sĩ về khoa học năng lượng và vật liệu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về năng lượng, vật liệu và viễn thông Canada.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông qua Mỹ làm việc cho nhiều công ty danh tiếng. Trên đất Mỹ, ông ghi tên vào lịch sử phát triển ngành in của thế giới từ tháng 6-1994 tại Công ty Kodak Polychrome Graphics, New Jersey.
Giấc mơ cuộc đời
Khi còn phụ bếp, một lần người yêu (sau là vợ) hỏi ông : "Ước mơ của anh sau này là gì?". Ông đáp, anh sẽ về giúp cho quê anh, ở đó nghèo lắm.
Nhiều năm sau, khi ba người con ông bà đã lớn khôn, ông đã nổi như cồn và tiền thì không thiếu sau cuộc khởi nghiệp thành công rực rỡ, bà lại hỏi ông "Anh còn nhớ ước mơ của mình khi ở trong bếp không?". Ông bảo nhớ chứ. Bà nói "Vậy đã đến lúc anh về để thực hiện rồi đó".
Năm 2004, sau 25 năm xa quê hương, ông về Trà Vinh đầu tư và sáng lập Công ty công nghệ cao Mỹ Lan Group (Mỹ Lan là tên con gái ông), chuyên sản xuất các loại vật liệu hấp thụ tia hồng ngoại gần, chất dẻo phát sáng, mực in phun, máy in phun, bản in offset CTP nhiệt… Ông cũng là người đề xuất mở khoa hóa học ứng dụng tại ĐH Trà Vinh và bản thân trở thành vị trưởng khoa đầu tiên của ngành đào tạo này. Ông làm hẳn một giảng đường ngay trong tập đoàn. Ở đó, thầy và trò cùng đứng cho bình đẳng. Ở đó, các sinh viên vừa học xong lý thuyết là thực hành trong phòng thí nghiệm, trong xưởng sản xuất của tập đoàn. Đồng thời, ông sáng lập và tài trợ luôn cho chương trình sinh viên vừa học vừa làm (Co-Operative Education, CO-OP). Từ khi CO-OP ra đời đến nay, ông đã tài trợ cho chương trình này hơn 60 tỉ đồng. Và đó là lý do ông có đến 320 kỹ sư là người Trà Vinh chính gốc.
Năm 60 tuổi, ông định "rửa tay gác kiếm", rời ghế tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan để hưởng tuổi già cùng vợ trong một căn nhà trên cù lao Long Trị, nhưng rồi ông bảo mình nghỉ làm việc năm ngày là chịu không nổi.
Nghe lời con, ông thành lập Công ty Rynan Technology trong lĩnh vực công nghệ. Đấy là sự khởi đầu cho những gắn bó và thành quả mới của ông với nông nghiệp và nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ hoàn tất việc chuyển đổi số nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp; giải bài toán nước ngọt cho tỉnh Trà Vinh vào mùa hạn mặn; cùng Bộ NN&PTNT thực hiện dự án 1 triệu ha lúa công nghệ cao đến hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật cho việc nuôi tôm, sản xuất phân bón thông minh…
Các sản phẩm như Trạm kiểm soát côn trùng trên các cánh đồng lúa của ông không chỉ ở Việt Nam mà đã được nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Bangladesh mua.
Hiện tại, dự án lớn nhất ông đang đeo đuổi là cùng Bộ NN&PTNT thực hiện trồng lúa giảm phát thải - chất lượng cao. Đây là dự án 48 triệu đô la do USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) tài trợ cho Việt Nam để thực hiện bảy mô hình trồng lúa giảm phát thải - chất lượng cao ở Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng. Nhiệm vụ của ông là sản xuất các thiết bị đo lường phát thải khí methane trên các cánh đồng.
Những lần chuyện trò với ông, đều thấy ông nhắc đến một mối trăn trở: người Việt Nam giỏi, thông minh nhưng tại sao vẫn nhiều người nghèo đến thế. Ông hỏi và tự lý giải: "Nhiều người bảo với tôi là giáo dục Việt Nam không tốt nên người trẻ Việt Nam còn phải làm nhiều việc không mang lại giá trị cao cho xã hội. Tôi không tin vào điều đó. Có thể giáo dục trong nhà trường chưa thật tốt, nhưng các doanh nghiệp có thể tham gia. Vấn đề lớn, theo tôi, là doanh nghiệp tư nhân chưa thật được thoải mái. Nếu doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh sẽ tạo được nhiều việc làm, lực lượng này cũng sẽ tham gia hỗ trợ tốt cho việc giáo dục nghề nghiệp. Có lần tiếp một vị lãnh đạo khá cao cấp, vị ấy hỏi tôi cần giúp gì không, tôi trả lời cái tôi cần nhất ở phía Nhà nước là đừng "thăm hỏi" gì cả, cứ để doanh nghiệp thoải mái thì mới phát triển. Tôi làm ăn ở Canada, đến chuyện thuế nhà nước cũng giao cho công ty tư nhân đi kiểm tra, chẳng thấy bóng dáng cán bộ nhà nước nào. Ở mình, cán bộ đi "thăm hỏi" nhiều quá. Cán bộ lương thì thấp, nhưng ai cũng đảm bảo cuộc sống đủ 1, 2, 3, 4 cả (1 vợ, 2 con, nhà 3 tầng, xe 4 bánh) thì phải hiểu chuyện gì đã xảy ra trong các cuộc "thăm hỏi" ấy".
Ngày 2-9 năm nay ông tròn 69 tuổi, tính tuổi kiểu người Việt thì đã bước vào thất thập cổ lai hy. Nhưng khi nghe hỏi khi nào ông nghỉ dưỡng già, ông bảo "Ráng làm để bỏ vào Quỹ Nguyễn Thanh Mỹ 10 triệu đô la. Ước mơ cuối cùng của tôi là xây một ngôi trường cho trẻ em nghèo Trà Vinh".
Trích bài viết của Huy Thọ, báo Tuổi trẻ cuối tuần
Ps. "Người ngoài khung - Nghĩ khác và làm khác để bền vững" là tên cuốn sách ông Nguyễn Thanh Mỹ viết dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp. Bản thân ông tự nhận mình là "người ngoài khung".
No comments:
Post a Comment