Tới Nhật Bản để xin chiếc lá vàng
Chiếc lá vàng (Ảnh tác giả)
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm. Nhờ vậy mặc dù ngồi suốt trên 9 tiếng đồng hồ, tôi vẫn không cảm thấy mệt mỏi. Tôi đưa mắt hé nhìn qua khung cửa sổ phi cơ, một buổi chiều se lạnh, mưa vẫn bay lất phất trên phi đạo và trời đã bắt đầu dần tối, ánh đèn điện nhạt nhòa lung linh phản chiếu trên những vũng nước. Hôm nay đầu tháng 10, chớm thu, tôi đã chọn mùa thu để tới đây, để mong được nhìn thấy màu vàng của lá, màu đỏ rực của cây ngô đồng, theo tôi được biết mùa thu ở đây rất đẹp.
Tôi thấy mình bắt đầu bồn chồn có lẽ tôi đã chờ giây phút này từ lâu rồi, giây phút được đặt chân lên Nhật Bản, xứ phù tang nơi mặt trời mọc. Năm 2019, tôi đã dự định qua đây, cũng vào thời điểm này, đầu tháng 10, hành trang đã sửa soạn xong, tiền đã trả, chỉ còn chờ ngày xách vali lên đường. Rồi thì cơn đại dịch Covid-19 bỗng dưng kéo tới làm hỏng mọi toan tính và sau đó phải chờ mấy năm sau, cho đến một ngày con Virus Corona tạm thời bị đánh gục.
Anh Simon, người Đức còn trẻ khoảng 30 tuổi, đứng chờ chúng tôi ở phi trường. Anh sẽ hướng dẫn phái đoàn cả thảy gồm 38 người đi Tour trong thời gian 9 ngày. Anh tự giới thiệu anh hiện sống ở Đức, mỗi năm qua Nhật Bản độ 7 đến 8 tháng để hướng dẫn du khách đi tham quan đất nước này. Có một lần anh tâm sự, anh có thú đam mê duy nhất là mê Nhật Bản. Hồi còn ở Đại học anh chuyên về Nhật Bản Học (Japanology), ra trường anh qua sống mấy năm trời ở Tokyo, sau này vì Covid anh phải trở về Đức. Anh nói thông thạo tiếng Nhật, nhưng đọc và viết anh thú nhận còn có vấn đề vì quá khó. Mộng ước của anh là lấy một cô vợ người Nhật và được sống trên đất nước này. Tôi mỉm cười trả lời người Việt chúng tôi cũng cùng quan niệm với anh thích lấy vợ Nhật, còn ăn cơm Tàu, ở nhà Tây thì hình như tôi chưa được nghe anh nhắc tới.
Chúng tôi được chở tới một Hotel ở trung tâm Tokyo để ngủ lại một đêm trước khi bước vào cuộc hành trình đi thăm đất nước xứ mặt trời mọc. Tokyo là một thành phố thuộc loại mắc mỏ nhất thế giới, tuy thế phòng tôi ở mặc dù không rộng lắm theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng sạch sẽ và gọn gàng, có đầy đủ mọi tiện nghi. Sau khi ăn tối, trời đã về khuya, tôi làm một giấc ngủ vùi cho đến sáng.
Phải nói là Nhật Bản không phải đất nước quá xa lạ gì đối với tôi. Ngay khi còn ở Việt Nam, khoảng vào thập niên 60 tôi rất mê xem phim Nhật mà chỉ thích đi xem loại phim „Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm“ (Blind Swordman). Phim kể về một nhân vật đặc biệt Zatoichi sống vào thời đại Edo.Vì bị mù, nên anh phải sống độ nhật bằng nghề tẩm quất nhưng lại rất thiện nghệ về kiếm pháp. Zatoichi chỉ cần nghe gió kiếm mà đoán được đường kiếm của địch thủ để phản công lại. Với võ nghệ cao cường, Zatoichi mang kiếm đi làm chuyện „thế thiên hành đạo“ để trừ gian diệt ác, một thứ Lệnh Hồ Xung trong truyện kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Tuy mù, nhưng Zatoichi không bao giờ thua dù phải đấu với các cao thủ Samurai. Kiếm pháp của Zatoichi đạt đến tuyệt đỉnh, không múa may nhiều như Trung Quốc, chỉ một nhát ngọt sớt từ trên xuống dưới như sét đánh, rồi là xong.
Đến khi lớn lên, có một chút hiểu biết về văn chương chữ nghĩa, tôi lại tò mò tìm hiểu về thơ văn của Nhật. Trong đó có Haiku là một thể thơ đặc biệt, thường ngắn gọn, cô động nhưng đầy tinh tế và tạo nhiều cảm xúc. Người đọc thơ Haiku phải giữ tâm thật tĩnh lặng để hiểu được từng chữ và nhận diện được từng câu những gì nhà thơ muốn gởi gắm. Tôi nhớ một bài thơ Haiku của thi sĩ Matsuo Basho (1644-1694). Basho là một nhà thơ thành danh mà cũng là một thiền sư đắc đạo. Trong một đêm trăng mùa hạ, thi sĩ Basho nghe được tiếng dội của bàn tay vỗ mà giác ngộ [1]:
Tôi vỗ bàn tay
dưới trăng mùa hạ
tiếng dội về ban mai
Có phải tiếng vỗ tay trong một đêm cô tịnh của thiền sư Basho cũng như tiếng hú trên Cô Phong đỉnh của thiền sư Không Lộ đời Lý [2] như từ ngàn xưa dội về làm cho tâm thức ta chợt bừng tỉnh.
Nikko Toshogu ngôi đền tráng lệ
Đền Nikko Toshogu (Ảnh tác giả)
Ngày thứ hai ở Nhật Bản, chúng tôi được chở đi thăm ngôi đền cổ tráng lệ Nikko Toshogu thuộc tỉnh Tochigi cách Tokyo khoảng 150 km. Nikko là quần thể rộng lớn gồm đền và chùa. Người Nhật phân biệt rất rõ giữa chùa và đền, đền là nơi để thờ những vị thần linh thuộc Thần đạo và chùa để thờ Phật thuộc Phật giáo. Ngoài ngôi đền chính Nikko Toshogu còn có đền Futarasan-jinja và ngôi chùa Rinnoji. Đền Futarasan-jinja và chùa Rinnoji được nhà sư Shodo Shonin xây vào thế kỷ thứ 8. Đền Futarasan-jinja thờ ba vị thần của những ngọn núi chung quanh.
Đền Nikko Toshogu được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1999. Với lối kiến trúc thật tráng lệ, đầy mỹ thuật, chạm khắc rất tỉ mỉ, sắc sảo và nhiều nơi được mạ vàng làm cho ngôi đền trở nên rực rỡ nhưng vẫn thể hiện một cảm giác nào đó rất thiêng liêng. Đền chôn cất và thờ vị Shogun (Tướng quân) Tokugawa Ieyasu (1543-1616). Tokugawa Ieyasu là một nhân vật đặc biệt và nổi tiếng của lịch sử Nhật Bản, đã có công thống nhất đất nước sau mấy trăm năm chia rẽ. Đền Nikko Toshogu khởi công vào năm 1617, sau khi Tokugawa Ieyasu mất 1 năm, kéo dài 20 năm xây dựng và cần đến 127.000 người thợ thủ công.
Sau khi Tokugawa Ieyasu mất, người Nhật đã dựng đền và thờ ông như là một vị thần. Ông là vị Shogun đầu tiên của thời kỳ Mạc Phủ Tokugawa (1600 – 1868), người đã mở đầu cho kỷ nguyên hòa bình thịnh vượng lâu dài nhất của Nhật Bản kéo dài gần đến 300 năm. Chế độ Mạc Phủ (Bakufu) bắt đầu từ năm 1192 chấm dứt năm 1868, các Shogun thay nhau nắm quyền hành, nước Nhật bị chia năm sẻ bảy và Thiên hoàng chỉ làm bù nhìn giống như thời vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam. Từ năm 1600 Tokugawa Ieyasu thống nhất đất nước, lập nên thời kỳ Mạc Phủ Tokugawa đóng đô ở Edo nên còn gọi thời kỳ Edo cho đến năm 1868. Sau đó chế độ Mạc Phủ bị sụp đổ, Minh Trị Thiên hoàng (Meiji-tennō, 1852-1912) lấy lại quyền bính về tay mình. Nếu ai coi phim „Last Samurai“ (2003) do hai tài tử gạo cội Mỹ và Nhật là Tom Cruise và Ken Watanabe đóng, sẽ thấy những ngày cuối cùng của những tay kiếm oai hùng Samurai coi cái chết nhẹ tựa lông hồng vào thời kỳ Edo bị cáo chung.
Nằm gần cửa chính của đền còn có một bảo tháp cao 5 tầng. Năm tầng biểu tượng cho triết lý Ngũ Đại của Nhật Bản. Ngũ Đại khác với Tứ Đại của đạo Phật là thêm yếu tố thứ năm Không (Vô). Không là cái gì mà ta không thấy được và biểu tượng cho trí tuệ, tình thương. Người Nhật tin rằng khởi nguồn của vũ trụ và sự hình thành con người là do năm yếu tố: Đất, Nước, Lửa, Gió và Không.
Ba chú khỉ bịt tai, bịt miệng và bịt mắt (Ảnh tác giả)
Ở đền Nikko Toshogu có đầy dẫy những tác phẩm điêu khắc rất đẹp do những bực thầy thời đó tạo nên. Một trong những tác phẩm gây ấn tượng nhất là ba chú khỉ, một biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản. Hình ảnh ba chú khỉ bịt tai, bịt miệng và bịt mắt, nói lên một triết lý sống cao đẹp được cho là bắt nguồn từ đạo Phật:
-Bịt tai: Không nghe điều ác để ngăn chặn những lời nói xấu xa.
-Bịt miệng: Không nói điều ác để ngăn chặn những ý nghĩ xấu xa.
-Bịt mắt: Không nhìn thấy điều ác để ngăn chặn những hành động xấu xa.
Meiji Jingu ngôi đền rất thiêng
Đền Meiji Jingu (Ảnh tác giả)
Đến Tokyo mà không tới chiêm ngưỡng ngôi đền thiêng liêng Meiji Jingu là một điều thiếu sót. Đền được xây năm 1920 để tưởng nhớ và thờ cúng Minh Trị Thiên hoàng và Hoàng hậu Shoken (Chiêu Hiến Hoàng hậu). Ngôi đền nằm giữa Tokyo trong một khu rừng xanh tươi, được xây dựng theo phong cách truyền thống của đền thờ Thần đạo với lối kiến trúc mang màu sắc giản dị, trang trí thanh nhã, hài hòa với thiên nhiên, không khí trang nghiêm. Đền Meiji Jingu rất thiêng liêng mỗi năm có khoảng 3 triệu du khách tới lễ bái, xin lộc nhất là vào những ngày đầu năm. Nhiều đám cưới cũng được tổ chức tại đây theo phong cách truyền thống để cầu xin được sống bên nhau đến "răng long đầu bạc“ cho "trọn nghĩa phu thê“. Trong Đệ Nhị Thế Chiến ngôi đền Thần đạo Meiji Jingu cùng chung số phận của thủ đô Tokyo bị chiến tranh tàn phá. Nhưng ngay sau đó đã được phục dựng lại nguyên như cũ.
Không thể không nhắc một chút về vị Thiên hoàng thứ 122 nổi danh này. Minh Trị Thiên hoàng trị vì từ năm 1868 cho đến lúc mất là năm 1912. Ông đã có công canh tân Nhật Bản, đưa một đất nước từ nông nghiệp lạc hậu thành một quốc gia hiện đại và cường thịnh. Ông thẳng tay dẹp chế độ Mạc Phủ Tokugawa, bỏ bế môn tỏa cảng mở cửa thông thương với ngoại quốc, cử du học sinh sang các nước tân tiến như Anh, Mỹ, Đức,… để học hỏi về kỹ thuật, cử phái bộ qua châu Âu để tham khảo hiến pháp và luật pháp những nước này. Năm 1889 ông ban bố hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản dựa theo hiến pháp của Đức. Nhờ sự duy tân và tinh thần tự cường, Nhật Bản xé bỏ được những hiệp ước bất bình đẳng đã từng bị bắt buộc phải ký với Mỹ và châu Âu vào thời Mạc Phủ và thoát khỏi nguy cơ bị nô lệ ở thời điểm mà chủ nghĩa thực dân ở các nước phương Tây đang bành trướng mạnh mẽ. Trong khi đó vì chính sách ngoại giao sai lầm, rất nhiều quốc gia khác chung quanh đã bị ngoại xâm đô hộ. Để đánh dấu một kỷ nguyên duy tân mới, còn được gọi là Minh Trị Duy Tân, Minh Trị Thiên hoàng cho đổi tên Edo thành ra Tokyo (Đông kinh) và dời đô từ Kyoto về Tokyo. Trước năm 1868, Nhật Hoàng đóng đô ở Kyoto và Mạc Phủ trị vì ở Edo.
Để củng cố địa vị Thiên Hoàng của mình, một mặt ông dẹp chế độ Mạc Phủ, bỏ các phiên bang, tập trung quyền hành và một mặt khác đề cao dân tộc bằng cách đưa Thần đạo (Shinto) thành quốc giáo, tách rời Phật giáo ra khỏi Thần đạo. Thần đạo là tôn giáo đa thần có truyền thống hàng ngàn năm của người Nhật và có đến 8 triệu vị thần. Thần đạo tin vào sự hiện diện của các vị thần trong thiên nhiên như mặt trời, mặt trăng, cây cỏ, núi rừng và trong con người, trong cuộc sống. Trên tất cả các vị thần, Thiên hoàng được Thần đạo coi là vị thần cao nhất. Phật giáo du nhập vào Nhật Bản qua ngõ Trung Hoa và Đại Hàn vào khoảng thế kỷ thứ 6. Phật giáo và Thần đạo có những điểm tương đồng, như cả hai cùng đề cao sự hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng con người và nhấn mạnh đến tầm quan trọng về sống đạo đức, hướng tới sự trong sáng và tránh làm điều ác. Chính vì thế hai tôn giáo này đã nhanh chóng hòa nhập vào nhau, tạo nên một bản sắc tôn giáo đặc biệt của đất nước này. Ngày nay phần đông người Nhật đều thực hành hai tôn giáo đó.
Asakusa Kannon ngôi chùa thờ Phật Quan Âm
Chùa Asakusa Kannon (Ảnh tác giả)
Ngày thứ tư mới 7 giờ sáng, xe bus đến đón chúng tôi chở đến chùa Asakusa Kannon. Chùa Asakusa Kannon được xây dựng từ thế kỷ thứ 7, muốn vào chùa phải qua con đường Nakamise, con đường chính của Asakusa, dài 250 m với 90 hàng quán nối tiếp nhau hai bên đường, lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập du khách tới ăn uống và mua bán.
Chùa Asakusa Kannon linh thiêng, nổi tiếng và lâu đời nhất ở Tokyo thờ Phật Quan Âm (Kannon), một vị Bồ Tát „nhìn thấy“ được nỗi đau khổ của chúng sinh và sẵn sàng ra tay cứu vớt. Tương truyền rằng vào năm 628 trên sông Sumida có hai anh em đánh cá lưới được một bức tượng. Mặc dù hai anh em đã thả bức tượng trôi sông nhiều lần nhưng bức tượng vẫn cứ quay trở lại và mắc vào lưới. Mọi người thấy vậy cho là bức tượng thiêng liêng nên mang về xây chùa thờ cúng. Bức tượng Phật Quan Âm cho đến nay vẫn được thờ ở chánh điện để dân chúng tới chiêm bái.
Hai nữ du khách mặc áo Kimono ngồi xe kéo (Ảnh tác giả)
Ở Asakusa Kannon cũng như ở phần lớn các chùa Nhật khác lúc nào cũng đông vui không quá trang nghiêm như ở các đền Thần Đạo. Khách thập phương đổ về tấp nập, nam thanh cũng nhiều mà nữ tú cũng không ít. Phần đông các cô các cậu đều xúng xính trong chiếc áo Kimono, lẹp kẹp đi đôi guốc mộc Hiyori geta, cười cười nói nói vui như tết. Tôi ngỡ ngàng tưởng hôm nay là ngày hội của Nhật, nhưng anh Simon đứng bên cạnh đã sốt sắng rỉ tai cho biết phần đông là du khách, họ mướn áo Kimono ở một tiệm cho thuê gần đó. Đây cũng một trải nghiệm khó quên dành cho du khách khi đến Nhật Bản.
Mây mờ trên Phú Sĩ
Đi xe bus một đoạn dài hơn 250 km, chúng tôi tới một Hotel nằm gần bờ hồ trong khu vực vườn quốc gia Fuji-Hakone-Izu, phía nam của thủ đô Tokyo. Vườn quốc gia này bao gồm núi Phú Sĩ, Ngũ Hồ, Hakon, bán đảo Izu,... và có trên 1000 hòn núi lửa cộng vô số suối nước nóng. Tối đến chúng tôi được thưởng thức tắm Onsen (Ôn tuyền). Một nét đẹp văn hóa từ lâu đời của người Nhật là ngâm mình trong nước khoáng nóng thiên nhiên được đưa thẳng từ suối vào Hotel. Đây là một trải nghiệm hiếm có, bởi vì nếu tắm bằng nước đun nóng không tới từ thiên nhiên thì không gọi là tắm Onsen mà là tắm Sento.
Núi Phú Sĩ (Ảnh tác giả)
Hôm nay chúng tôi không phải khởi hành sớm như thường lệ, anh Simon muốn cho mọi người có nhiều thì giờ hơn để đi ra hồ ngắm núi Phú Sĩ. Sáng sớm núi Phú Sĩ còn nằm khuất sau làn sương mờ đang bốc lên từ hồ, mặt nước trong xanh lung linh in hình ngọn núi. Núi Phú Sĩ cao nhất nước (cao 3.776 mét) có hình dạng hoàn hảo, trên chóp là hình nón và chung quanh là tuyết trắng xóa quanh năm. Người ta thường ví von “núi Phú Sĩ như một cô gái Nhật e thẹn”. Màu sắc của núi cũng thay đổi theo thời gian, màu xanh tươi của xuân đến, màu đỏ rực của thu sang. Núi Phú Sĩ không chỉ đẹp khi đứng một mình mà còn với cảnh trí chung quanh, với hồ, với nước, với bóng núi phản chiếu trên hồ phẳng lặng xanh màu ngọc bích, với đền chùa tô thắm tạo nên một nét tuyệt vời khó tả. Đối với người Nhật núi Phú Sĩ không chỉ là ngọn núi đẹp mà là một nơi rất linh thiêng. Nơi trú ngụ của muôn vàn vị thần thiêng liêng của họ.
Đứng trên bờ hồ, ngắm ngọn núi phủ tuyết trắng sau đám mây mờ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nao nao như thế, một cái gì đó mênh mông dâng lên trong lòng, rồi theo mây trời lang thang không biết về đâu. Tôi nhớ đến câu thơ thi sĩ Saigyo (1118-1190) nghìn năm trước đã tả Phú Sĩ trong mây mờ, gió cuốn bằng điệu thơ waka [3]:
Gió cuốn lên
Mây mờ trên Phú Sĩ
Bay mất về xa xăm
Ai biết về đâu nhỉ
Cùng cõi lòng tôi lang thang.
Mà hình như mỗi nhà thơ của xứ hoa anh đào không ít thì nhiều đều viết về ngọn núi này. Núi Phú Sĩ là niềm tự hào của họ đã đành nhưng trên hết là cái gì đó đã ăn sâu, gắn liền vào tâm khảm của họ. Thi sĩ Matsuo Basho đã nói lên được cái tâm trạng ấy qua bài thơ viết bằng thể Haiku:
Sương mù bao phủ
Fuji chìm khuất rồi
núi hiện hình trong tôi.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Và dù cho ngọn núi có chìm khuất sau sương mù đi nữa, nhà thơ Basho vẫn nhìn thấy ngọn núi linh thiêng đó đang hiện diện trong lòng mình.
Có một loài khỉ thích tắm nước nóng
Hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường đi thêm 320 km để tới công viên khỉ Jigokudani (Jigokudani Monkey Park) nằm ở tỉnh Nagano. Nagano đúng là nơi “khỉ ho cò gáy”, nơi được mệnh danh là “nóc nhà của Nhật Bản” với những dãy núi cao ngất, lạnh lẽo, phủ tuyết trắng xóa gần quanh năm và nơi đây vào năm 1998 đã được tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông XVIII.
Khỉ tuyết tắm nước nóng (Ảnh tác giả)
Công viên khỉ Jigokudani như tên gọi của nó, Jigokudani có nghĩa "thung lũng địa ngục" bởi nó nằm khuất trong một khe núi được bao quanh bằng vách đá dựng đứng, có những dòng suối nước nóng liên tục trào lên từ những núi lửa đã tắt và hơi nóng của nước bay lên mịt mù. Nơi đây địa bàn sinh sống của hơn 150 con khỉ tuyết (Macaca fuscata) hay còn gọi khỉ Nhật Bản. Khỉ tuyết mặt đỏ, có đuôi ngắn và bộ lông màu xám nâu, rất dày để chống lại khí hậu khắc nghiệt ở nơi đây. Loài khỉ vốn trời cho tính hay sợ nước, nhưng với khỉ tuyết lại là khác. Chúng thích nằm ngâm mình trong suối nước nóng. Ngâm mình trong nước nóng không phải chỉ là một hành động để sinh tồn vào những tháng mùa đông giá buốt có khi xuống dưới -20° C mà còn là hình thức để thư giãn. Dù du khách tới đây nườm nượp phá tan đi sự yên tĩnh của núi rừng, khỉ tuyết vẫn điềm nhiên không thèm để ý đến đám người đông đảo ồn ào náo nhiệt bu quanh. Sự bình thản của đám khỉ được cho là nhờ thư giãn trong khi tắm Onsen và thói quen đó là đi từ những nông dân Nhật ở Nagano thích ngâm mình trong nước nóng, đám khỉ nhìn thấy và bắt chước.
Anh Simon cũng kể thêm cách đây một năm trong thời Covid, đã xẩy ra một cuộc chiến vô tiền khoáng hậu để dành ngôi “bá chủ” của đám khỉ tuyết ở đây. Con khỉ đầu đàn vì già nên bị thua đành bỏ ra đi không quên mang theo tất cả bầu đoàn thê tử. Công viên trở nên trống vắng, làm nhân viên trông coi mất ăn mất ngủ mấy tháng trời. Nhưng rất may một thời gian sau lũ khỉ dần dần kéo nhau trở về. Có lẽ ở công viên Jigokudani đám khỉ vẫn thấy thoải mái hơn nơi khác vì có chỗ ngâm nước nóng sạch sẽ và được lo ăn uống đầy đủ.
Nara thành phố rất cổ
Ngày thứ bảy, chúng tôi trực chỉ hướng Kyoto, đây là quãng đường còn lại khá dài, trên 350 km. Trước khi tới Kyoto, chúng tôi ghé qua thành phố cổ Nara, cách Kyoto khoảng 40 km.
Từ năm 710 đến năm 784 Nara là cố đô của Nhật Bản dưới tên Heijo-Kyo. Kinh thành Nara là một Trường An thu nhỏ, được kiến trúc mô phỏng theo kinh đô của Trung Quốc đời Đường. Cung điện Heijo là trung tâm chính trị và cũng là dinh thự của hoàng gia Nhật có tường thành vuông vức bao bọc chung quanh. Mặc dù với thời gian các kiến trúc ở Nara phần đông đã bị đổ nát nhưng vào những năm gần đây đã được tái tạo lại như nguyên bản.
Tượng Đại Phật (Daibutsu) bằng đồng đen lớn nhất thế giới (Ảnh tác giả)
Dưới thời kỳ Nara, được các vua Nhật giúp đỡ và khuyến khích nên đạo Phật đã phát triển rất mạnh, chùa chiền được xây dựng khắp nơi. Những ngôi chùa to lớn được xây vào thời kỳ này và một số chùa vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay như chùa Todaiji. Todaiji (Đông Đại tự) là một ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1998. Trong chùa có một tượng Đại Phật (Daibutsu), tượng Phật bằng đồng đen cũng lớn nhất thế giới, được đúc vào năm 751, cao 16,2 m, nặng 500 tấn. Đây là tượng Phật Đại Nhật Như Lai, không chỉ mang ý nghĩa về tôn giáo mà còn biểu tượng cho hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản.
Kyoto cố đô ngàn năm:
Chùa vàng Kinkakuji (Ảnh tác giả)
Kyoto là thành phố lớn thứ 9 ở Nhật Bản với 1,46 triệu dân (2020/Statista) nhưng nếu đứng bên cạnh Tokyo với 9,7 triệu dân (2020/Statista), thì Kyoto vẫn là thành phố „bé con“. Tuy „bé“ nhưng lại lắm chùa nhiều đền (14 đền và chùa) dư thắng cảnh để du khách tới tham quan. Kyoto thành phố gắn liền với lịch sử ngàn năm của Nhật Bản. Nơi đây các Nhật hoàng đã đóng đô trên 1000 năm cho đến năm 1868 thì mới dời đô về Edo (Tokyo). Thời kỳ này cũng là thời cực thịnh của Phật giáo.
Chúng tôi được dẫn đi xem chùa vàng Kinkakuji (Kim Các Tự), ngôi chùa dát vàng lớn nhất ở Nhật Bản. Chùa cao 3 tầng nằm phía bắc của Kyoto. Được xây dựng vào thế kỷ 14, Kinkakuji là một sự kết hợp đặc biệt giữa thiên nhiên, kiến trúc truyền thống và nghệ thuật dát vàng. Tất cả tạo nên vẻ đẹp tĩnh lặng, trang nghiêm của môt ngôi thiền tự lâu đời. Nằm ngay bên cạnh hồ, chùa in bóng trên mặt nước trong vắt pha màu xanh của cỏ cây và được tô đậm thêm màu vàng rực rỡ. Một bức tranh thủy mặc tuyệt vời đầy vẻ lãng mạng.
Cửa thành Nijo (Ảnh tác giả)
Không xa chùa vàng là thành Nijo. Thành Nijo được xây dựng vào thế kỷ 17, sau khi Shogun Tokugawa Ieyasu thống nhất đất nước và lập nên triều đại Mạc Phủ Tokugawa. Thành Nijo được xây dựng như một biểu tượng quyền lực của các Shogun đối với các Nhật hoàng đang yếu thế. Với cổng gỗ rộng lớn được chạm trổ tỉ mỉ và năm tòa nhà bề thế uy nghi, được bao bọc chung quanh bởi hào nước với bờ tường cao vút. Trong thành có một khu vườn rất đẹp gồm đủ cả hồ nước, những tảng đá to nhỏ chồng chất với hàng trăm cây xanh tươi.
Vườn thiền với đầy ẩn dụ
Vườn thiền tại chùa Ryoanji là nơi du khách cần phải ghé qua khi tới Kyoto. Khu vườn nổi tiếng do vị thiền sư Tokuho Zenketsu xây năm 1500 để cho các môn sinh tu tập thiền định. Vườn dài 25 m rộng 10 m trải cát trắng và có 15 tảng đá to nhỏ khác nhau. Đây là biểu tượng sự tinh tế và thanh nhã của nền văn hóa Nhật Bản. Vườn thiền được coi là một vũ trụ thu nhỏ bao gồm đá và cát. Đá tượng trưng sự vững bền, lâu dài, trạng thái của Tĩnh còn cát tượng trưng sự thay đổi, biến chuyển, trạng thái của Động. Thiết kế trong vườn nói nên sự hài hòa, cân bằng giữa vĩnh cửu và phù du, giữa tĩnh lặng và biến động. Một điểm đặc biệt nữa trong vườn thiền không bao giờ trồng hoa, bởi vì hoa có màu sắc rực rỡ dễ mang lại sự phân tâm và đưa đến sự không tập trung trong lúc ngắm vườn cũng như trong lúc thiền định.
Vườn thiền với 15 tảng đá (Ảnh tác giả)
Vườn thiền của Nhật Bản không giống vườn của các nước khác là ở đặc tính ẩn dụ. 15 tảng đá trong vườn được sắp đặt một cách tinh vi, khéo léo dù người xem đứng bất cứ ở vị trí nào cũng có một tảng đá bị che khuất khỏi tầm mắt. Theo quan niệm Á đông, 15 là con số hoàn hảo, mà con người thì vốn “nhân vô thập toàn” nên không thể nhìn thấy hết được các tảng đá. Một bài học rất thâm sâu của các thiền sư Nhật Bản để lại cho hậu thế.
Tùy theo trình độ nhận thức, tùy theo góc độ nhìn, người xem sẽ “nhận ra”một cách riêng tư về khu vườn này. Có người “nhận ra” đây là hình ảnh một con cọp mẹ đang dẫn đàn cọp con vượt qua một dòng sông hay hình ảnh thu nhỏ của một dẫy núi giữa đám mây chập chùng, của những hòn đảo vương lên từ biển rộng. Một công án cho người xem suy ngẫm. Nhưng dù sao khi du khách tới đây sẽ cảm nhận được sự thư thái, nhẹ nhàng làm lắng dịu đi những ồn ào, náo nhiệt của đời sống bên ngoài.
Fushimi Inari ngôi đền ngàn cổng
Đền Fushimi Inari (Ảnh tác giả)
Đền Fushimi Inari là ngôi đền Thần đạo, thờ thần Inari (Inari Kami). Thần Inari là một trong những vị thần quan trọng nhất của Thần đạo. Thần Inari lo về vấn đề sinh sản, bảo vệ mùa màng cho nông dân, ngoài ra còn là thần của thương mại và công nghiệp. Đây cũng là lý do tại sao từ nông dân cho đến doanh nhân, chủ nhân của các công ty, xí nghiệp đều tới đền thờ thần Inari để cầu nguyện làm ăn được may mắn, thuận buồm xuôi gió, mau chóng phát đạt. Ở cổng đền có tượng một con cáo. Nhiều du khách ngạc nhiên khi nhìn thấy bức tượng con cáo xuất hiện ở một số đền thờ ở Nhật Bản. Cáo được coi là loài vật lanh lẹ, thông minh và theo Thần đạo cáo là sứ giả của thần Inari. Những lời cầu nguyện của loài người sẽ được cáo mang đến thần Inari.
Cổng Torii (Ảnh tác giả)
Đền Fushimi Inari được xây vào năm 711 trước khi Kyoto trở thành thủ đô của Nhật Bản. Nổi bật nhất ở đền là cổng Torii. Trên 10.000 cổng Torii nuối đuôi san sát uốn mình lượn lên đỉnh núi. Cổng Torri thường làm bằng gỗ màu đỏ, có hình chữ „T“ hay chữ „L“ lật ngược. Theo sự tin tưởng của người Nhật thì cổng Torri là nơi biểu tượng ranh giới giữa trần tục và thế giới tâm linh. Thế giới trần tục là nơi con người ở và thế giới tâm linh là nơi các thần ngự trị. Đền rất linh thiêng, khách thập phương khắp nơi đổ về cầu nguyện cho sự may mắn. Để thể hiện sự tôn kính, tỏ lòng biết ơn đối với thần Inari, cổng Torii đã được xây dựng lên từ sự quyên góp của một cá nhân, đoàn thể hay cơ sở kinh doanh. Cổng Torii đầu tiên được dựng vào thế kỷ thứ 8 và cổng cuối cùng là mới đây. Tất cả đều do tư nhân tự nguyện đóng góp.
Cuối cùng
Chín ngày là một thời gian tuy dài nhưng lại quá ngắn để đi thăm hết xứ sở của hoa anh đào, mà chỉ vừa đủ để đi loanh quanh các tỉnh miền nam Nhật Bản như Tokio, Nagano, Kyoto hay Osaka, thành phố cuối cùng trước khi bước lên máy bay. Tôi đã được đi thăm và được nhìn tận mắt những lâu đài, những chùa chiền, những đền thờ từ ngàn xưa để lại vừa đẹp đẽ lại vừa cổ kính được lồng trong một đất nước văn minh, có nền kỹ thuật tân tiến đứng hàng đầu thế giới. Sự hài hòa giữa truyền thống và tiến bộ không phải ở nước nào cũng có, cũng làm được. Truyền thống ấy được nuôi dưỡng bằng Phật giáo, bằng Thần đạo (Shinto) từ cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, cho đến ăn uống và chào hỏi. Từ những hành động thường ngày như uống trà, viết thư pháp, cắm hoa người Nhật đã biến nó thành trà đạo (Sado), thư đạo (Shodo), hoa đạo (Ikebana), một nghệ thuật mang đậm tính cách thẩm mỹ và sự tập trung của Thiền Phật giáo. Ngay khi tắm Onsen, người Nhật cũng tạo nó thành một nghi lễ có tính cách tâm linh, sự kết nối giữa bản thân và thiên nhiên. Bởi trong thiên nhiên người Nhật vẫn tin rằng có các vị thần của họ đang trú ngụ.
Mấy ngày ở Nhật Bản, tôi khám phá ra ba điều làm tôi hết sức ngạc nhiên. Điều thứ nhất là không có thùng rác ngoài đường. Ở các nước khác, chính phủ phải để thùng rác để giữ đường xá sạch sẽ, nhưng ở Nhật Bản thì ngược lại, không có thùng rác mà đường xá vẫn sạch. Sau vụ tấn công bằng chất độc sarin ở trên tàu điện ngầm Tokyo năm 1995, chính phủ Nhật lấy lý do an ninh, cho gỡ bỏ tất cả các thùng rác ngoài đường. Người Nhật đi ra ngoài đường thường mang theo một túi nhỏ để đựng rác. Họ sẽ mang túi rác về nhà hay bỏ vào nơi tập trung rác. Du khách mới tới Nhật Bản sẽ bị lúng túng vì không biết phải bỏ rác ở đâu. Điều thứ hai là không có tên đường. Chỉ một số đường phố chính ở Nhật Bản thì có tên đường còn ngoài ra các con đường nhỏ được đặt tên theo Block (Khu) và số nhà được đánh theo thời gian xây dựng. Đây là một truyền thống lâu đời của người Nhật mà họ vẫn khư khư giữ cho đến ngày hôm nay. Truyền thống này không chỉ làm “nhức đầu” cho du khách khi đi tìm đường, mà ngay chính người bản xứ cũng không khá gì hơn. Điều thứ ba là rất nhiều người lớn tuổi đi làm. Phần đông họ làm thêm những nghề lặt vặt chân tay như quét rác, giữ trật tự, gác thang máy,.. mà tôi đã gặp trong những ngày ở Nhật Bản. Người Nhật nhờ sống sạch sẽ, năng hoạt động, ăn uống theo dưỡng sinh (gạo lức muối mè,…) đâm ra sống lâu. Theo thống kê có 29,6% (vào năm 2020) người Nhật sống trên 65 tuổi, nghĩa là cứ 3 người có 1 người trên 65 tuổi. Trong khi chỉ số sinh sản trong gia đình Nhật Bản là 1,3 (2020), ở Việt Nam là 2,05 (2020). Chỉ số sinh sản thì thấp nhất mà chỉ số già nua thì lại cao nhất trong tất cả các nước phát triển. Một xã hội già nua thiếu người trẻ tuổi lao động đã làm lệch cán cân về tài chính, đưa đến tình trạng thâm hụt quỹ hưu trí và đẩy người già ở Nhật Bản phải đi làm thêm để đủ sống.
Người phu quét đường ở Nhật Bản (Ảnh tác giả)
Ngày cuối cùng trước khi rời Nhật Bản, tôi đi giữa Osaka có gió lạnh, có mưa giăng nhưng không có lá vàng nhẹ rơi. Tôi nhớ một câu thơ cổ Trung Hoa
Một lá ngô đồng rụng
Ai cũng biết thu sang
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
-- Lý Bạch
Cây chưa đổi màu, lá ngô đồng chưa rụng, làm sao ai biết mùa thu sang. Tôi đã cố tình chọn tháng 10 để nhìn thấy mùa thu lá đỏ ở Nhật Bản mà theo tôi biết thường thường bắt đầu vào tháng 9 và kéo dài đến tháng 11. Mùa thu lá đỏ từ những cây ngô đồng, càng về cuối mùa càng rực rỡ. Nhưng có lẽ đẹp nhất vào lúc lập thu, đầu mùa, cây cỏ bắt đầu chuyển màu từ xanh, sang vàng rồi đỏ chen lẫn những lá còn xanh tạo nên một khung cảnh thiên nhiên với nhiều sắc màu tuyệt vời. Và tôi cũng muốn bắt chước nhạc sĩ đa tình Vũ Thành An „Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em“[4]. Nhưng xuyên suốt cả chuyến đi kỳ này, tôi chưa thấy được lá vàng rơi, chưa nhìn được lá ngô đồng đỏ, mùa thu năm nay tới trễ cũng có thể tại khí hậu biến đổi. Thôi thì đành một lần thất hẹn, hứa khi về đến nhà sẽ “nói với người phu quét đường xin chiếc lá vàng” sau vậy.
Cũng như tất cả chuyến đi, rồi cuối cùng thì cũng phải lên máy bay trở về, lòng tôi chợt trùng xuống, biết bao giờ mới trở lại nơi đây với bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu hình ảnh như đang đổ dồn lại trong tôi. Tôi cúi đầu, xin từ giã xứ sở của loài hoa anh đào thuần khiết, của những cây Phù tang thần thoại, của loài hoa cúc 16 cánh lạ kỳ và của đất nước mặt trời mọc rực rỡ. Tôi thầm nói trong miệng “sayōnara”.
-- Lương Nguyên Hiền
Tài liệu tham khảo:
[1] “Mùa hạ trong thơ Haiku Nhật Bản”, Hoàng Xuân Vinh
[2] “Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh. Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”
(Muốn leo lên tận đỉnh cao, và hét lên một tiếng cho lạnh cả hư không)
Đây là câu trong bài thơ chữ Hán „Ngôn hoài“ của thiền sư Không Lộ (1016-1094) thời Lý.
[3] “Phú Sĩ muôn vẻ”, Lê Xuân Sơn
[4] Bản nhạc “Em Đến Thăm Anh Đêm 30”, Nhạc: Vũ Thành An, Thơ: Nguyễn Đình Toàn
“Anh nói với người phu quét đường. Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Thi sĩ, nhạc sĩ và nhà văn Nguyễn Đình Toàn mới mất vào ngày 28 tháng 11 năm 2023.
No comments:
Post a Comment