Friday, September 6, 2024

Tình Yêu Bất Diệt


Note: hình trong bài là minh họa

Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình, có thể tiêu biểu cho một số cuộc tình tan vỡ của những người đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

Mỗi khi chúng ta nói đến tình yêu chung thủy là đa số thường chỉ nghĩ đến giới phụ nữ. Như người tình phái nữ chung thủy hay người vợ chung thủy, chứ ít ai nghĩ đến người tình phái nam chung thủy hay người chồng chung thủy. Bởi vì những vụ tự tử bị thất tình, bị người yêu bỏ rơi hay bị người chồng phản bội tình yêu chung thủy của mình, mà trước kia thường thấy xảy ra tại quê nhà, thì đa số nạn nhân là giới phụ nữ.

Nhưng kể từ ngày chúng ta phải rời bỏ quê hương yêu dấu, để sinh sống trên phần đất tạm dung tự do này, thì có khá nhiều nạn nhân lại là phái nam. Chẳng hạn như người yêu phái nữ bỏ rơi người tình hiện tại của mình, để sánh vai với người tình mới hoặc người vợ bỏ chồng và đôi khi còn nhẫn tâm bỏ cả đàn con thơ dại để đi theo tiếng gọi của tình yêu mới. Chỉ có một điều khác biệt là trong những trường hợp như vậy, nếu nạn nhân là phái nữ thì họ thường đi tìm quên lãng trong trong sự chết, còn nạn nhân nếu là phái nam thì họ thường đi tìm sự quên lãng trong men rượu, hoặc họ bị đưa vào nhà thương tâm thần hay đôi khi họ cũng tìm sự chết bằng cách giết người tình, giết vợ, giết con, cuối cùng tự giết mình.

Cách đây gần 22 năm, anh A tình cờ gặp chị B tại một trại tị nạn ở Nam Dương. Sau một thời gian quen biết nhau khá dài, gần 2 năm ở chung cùng một trại, rồi càng ngày hai người cảm thấy thương yêu nhau thắm thiết nên trước ngày rời khỏi trại, hai người đã thề hứa với nhau, là sau này nếu hai người có phải xa cách nhau hàng nghìn trùng dặm, mỗi người phải định cư ở bất cứ một quốc gia tự do nào trên thế giới, thì bằng mọi cách họ sẽ phải tìm đến nhau để sống trọn đời bên nhau.

Thật là Chúa luôn chúc phúc cho những kẻ chân thành yêu nhau thắm thiết, như trường hợp anh A và chị B, nên lời thề hứa của hai người đã được Chúa chúc phúc. Vì sau ngày thề hứa, cả hai người được phép định cư tại Hoa Kỳ. Chị B được xuất trại trước anh A để đến sống chung với gia đình người Mỹ bảo trợ tại tiểu bang California, còn anh A, bốn tháng sau cũng được xuất trại để đến định cư tại tiểu bang Massachusetts, do một gia đình người Mỹ Công Giáo, đại diện cho một giáo xứ Mỹ đứng ra bảo trợ anh.

Không đầy một tháng sau ngày anh A đặt chân trên đất Hoa Kỳ, anh kể lại câu chuyện tình yêu của anh với chị B khi còn ở trong trại và những lời thề hứa của hai người cho Cha Mỹ chánh Xứ nghe. Thế là Cha Chánh Xứ tức khắc liền sẵn lòng bỏ tiền mua vé máy bay để đón chị B từ California về đoàn tụ với anh tại tiểu bang này. Sau đó, gia đình người bảo trợ chị B cùng hợp tác với gia đình người bảo trợ anh A, đứng ra tổ chức Lễ Thành Hôn cho hai người rất trang nghiêm tại Nhà Thờ và mọi phí tổn cho bữa tiệc cưới linh đình của Cô Dâu và Chú Rể cũng do hai gia đình bảo trợ đài thọ, để khoản đãi các quan khách Mỹ của xứ đạo, theo nghi thức cổ truyền của Việt Nam tại một nhà hàng Trung Hoa khá sang trọng; trường hợp của Cô Dâu Chú Rể này, thật đúng như câu mà người đời thường nói: “Chuột sa hũ nếp”.

Sau ngày cưới, qua sự giới thiệu của người bảo trợ, anh A được thâu nhận vào làm nhân công cho một trong những hãng thầu xây cất nhà cửa lớn nhất tại tiểu bang này. Nhờ sự cần cù làm việc chăm chỉ, tính tình vui vẻ hòa nhã và trí thông minh bén nhạy của anh, anh A đã dễ dàng chinh phục được cảm tình của tất cả mọi nhân công trong hãng, từ cấp trên xuống dưới, kể cả những người làm việc về hành chánh ở trong văn phòng của hãng. Chỉ hơn một năm sau, anh được ông chủ hãng cân nhắc lên chức vụ Cai Thầu, dưới sự chỉ huy trực tiếp của anh, có hơn một trăm công nhân, 50% là người Mỹ, còn lại là những người thiểu số thuộc các quốc gia khác nhau như: Đại Hàn, Phi Luật Tân, Mễ Tây Cơ .v.v… và đặt biệt chỉ có mình anh là người Việt Nam duy nhất làm việc trong hãng này. Anh làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày, nên tiền lương hàng tháng của anh kiếm hơn gấp hai lần tiền lương hàng tháng của một kỹ sư chuyên nghiệp mới ra trường. Nhờ vậy vợ anh không cần phải đi làm, chỉ ở nhà săn sóc con cái cho anh và cứ cách 2 hoặc 3 năm, chị lại mến tặng cho anh thêm một tí nhau kháu khỉnh nữa, làm cho anh phấn khởi tinh thần, anh lại càng hăng say trong công việc để làm thêm nhiều giờ mỗi ngày, kiếm được nhiều tiền hơn trước.

Sau 6 năm liên tục làm việc chăm chỉ cực nhọc, làm nhiều giờ mỗi ngày, anh đã để dành dụm ra được một số tiền khá lớn và học được nhiều kinh nghiệm trong ngành xây cất và sửa chữa nhà cũ, nên anh thấy đã đến lúc anh phải mở một hãng thầu xây cất nho nhỏ, do chính anh làm chủ, thì mới hy vọng mau trở nên nhà triệu phú được và anh đã xin nghỉ việc với hãng thầu từ đó. Đúng như lòng ước vọng và sự dự đoán của anh, chỉ 3 năm sau khi tự mình đã làm chủ hãng, tiền anh kiếm được mỗi năm vào như nước chảy. Anh xây cất căn nhà mới toanh cho gia đình anh ở, trị giá hơn năm trăm ngàn và mua sắm 2 chiếc xe hơi Mercedes mới tinh, một chiếc cho vợ lái và một chiếc cho anh. Cuộc sống vương giả, đầy thơ mộng hạnh phúc của gia đình anh mới kéo dài chưa đủ một năm, thì một ngày đẹp trời, vợ anh nhỏ nhẹ tỏ bày cho anh biết chị không thể tiếp tục cuộc sống trên nhung lụa với anh được nữa, vì ban ngày cũng như ban đêm, lúc nào trong lòng chị cũng cảm thấy hết sức cô đơn và buồn chán, nên chị quyết định phải ra đi đến một tiểu bang xa khác để lập lại cuộc đời của chị.

Chị yêu cầu anh hãy ký vào giấy tờ ly dị do luật sư của chị đã làm sẵn và hãy bằng lòng để cho chị được phép nuôi 2 đứa con nhỏ, còn 2 đứa lớn thì để lại cho anh nuôi. Những lời của vợ anh nói ra chẳng khác nào như những mũi tên nhọn đâm xuyên thủng con tim của anh. Nhưng anh vẫn cố gắng nén nỗi xúc động, bình tĩnh, yên lặng để nghe cho hết những lời nói của vợ và tới giờ phút này anh mới hiểu rằng vợ anh đã hết thương yêu anh, để đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, mà anh chưa biết được người yêu mới của vợ mình là ai? Tuy nhiên cho dù vợ mình là kẻ bạc tình, bạc nghĩa đối với anh, nhưng lòng anh vẫn còn thương yêu vợ như ngày đầu anh gặp chị ở trong trại tị nạn và cộng với tình thương yêu con cái, nên anh sẵn lòng ký tên vào giấy ly dị, để thỏa mãn tất cả những điều kiện đòi hỏi của vợ đã được luật sư của chị ghi sẵn trong giấy tờ.

Kể từ khi vợ anh mang theo 2 đứa con nhỏ để cùng chung sống với người yêu mới tại một tiểu bang xa xôi khác, anh vẫn tiếp tục hăng say trong công việc cũ và mỗi sáng lái xe đưa con đến trường học, chiều đến đón con về nhà. Tối đi làm về, anh tự tay săn sóc, nấu ăn cho 2 con ăn, rồi kèm bài vở của nhà trường cho chúng trước khi chúng lên giường đi ngủ. Bất ngờ vào một buổi tối, anh nhận cú điện thoại gọi từ ngoài tiểu bang và tiếng nói ở đầu đường dây bên kia là đứa con trai áp út, 7 tuổi của anh vừa khóc vừa kể cho anh nghe, là hai anh em chúng nó bị bố ghẻ đánh đập chúng nó mỗi ngày. Nghe thấy thế, tức tốc ngày hôm sau anh mua vé máy bay, tìm đến người vợ cũ để hỏi đầu đuôi câu chuyện này xem ra sao. Lẽ dĩ nhiên chị B bênh vực người chồng mới của mình, nói rằng chúng bịa chuyện, nói láo với anh, chứ thật tình chồng chị không hề đánh chúng nó bao giờ. Không tin lời chị nói và vì cảm thấy quá đau xót cho hai đứa con của anh bị đánh đập, nên ngày hôm sau, anh cố tìm đến trường học của hai đứa nhỏ, để gặp chúng sau giờ tan trường và không cần suy nghĩ về hành động của anh sắp làm có hợp pháp hay bất hợp hợp pháp, anh liền chở chúng nó lên phi trường, mua vé máy bay, đưa chúng nó về nhà ở với anh ngay buổi chiều hôm ấy.

Khi máy bay vừa hạ cánh đáp xuống phi trường nơi anh ở, anh và hai con vừa bước ra khỏi cửa máy bay, anh chưa kịp nói lời nào với hai con, thì đã thấy hai người đàn ông tiến lại gần anh, một người đưa thẻ hình sự cho anh xem và còng hai tay anh lại, dẫn anh đi ngay, còn người đàn ông kia thì nắm tay hai đứa con của anh, dẫn chúng đi theo hướng khác. Đồng thời trước khoảng 1 tiếng đồng hồ máy bay của anh hạ cánh xuống phi trường, thì cũng có hai nhân viên chính quyền đến nhà của anh dẫn 2 đứa con đi ra khỏi nhà, đứa lớn nhất mới 14 tuổi, đứa thứ nhì 11 tuổi. Vừa tới trại giam, anh được người ta cho biết là anh bị cáo buộc 3 trọng tội: Tội thứ nhất là bắt cóc con nít, tội thứ hai là xâm nhập gia cư bất hợp pháp và tội thứ ba là hành hung đối phương với vũ khí nguy hiểm. Còn 4 người con của anh thì đã được đưa đến một nơi trú ẩn an toàn, do nhân viên bộ xã hội chăm sóc, anh không cần phải lo lắng gì về chúng cả.

Sau một tháng bị giam giữ, luật sư của anh vào trại giam cho biết nếu anh chịu chấp nhận tội bắt cóc con anh, thì vị luật sư bên Công Tố Viên sẽ miễn truy tố anh về 2 tội kia và Tòa sẽ chỉ phạt nhẹ anh 15 năm tù, thay vì anh sẽ phải lãnh nhận án phạt 3 trọng tội là 30 năm tù. Anh cương quyết không chấp nhận một tội trạng nào hết, vì anh nghĩ rằng anh hành động như vậy là vì anh quá đau xót cho con mình bị bố ghẻ đánh đập nên anh đã hấp tấp đưa chúng nó đi theo anh, mà đáng nhẽ anh phải nhờ luật sư đưa nội vụ ra Tòa quyết định xem có cho phép anh đưa chúng nó đi hay không. Nhưng anh cho biết là hai cô giáo dạy học con anh ở trường, sẵn sàng ra Tòa làm nhân chứng, là vì hai em có nói cho cô giáo biết từ lâu là hai em đã bị bố ghẻ đánh đập nhiều lần, nhưng vì không nhìn thấy rõ vết tích ở trên thân thể của hai em, nên hai cô giáo giữ im lặng. Còn tội thứ hai thì chính người vợ cũ của anh và người chồng mới của chị đã vui vẻ mời anh vào phòng khách trong nhà của họ để ngồi nói chuyện, và cả ba người đã trao đổi cho nhau những câu hỏi và những câu trả lời trong tinh thần hòa nhã, không có một điều gì to tiếng hay bất nhã xảy ra cả. Vậy làm gì có vấn đề xâm nhập gia cư bất hợp pháp và hành động hành hung như tội thứ ba đã gán buộc cho anh. Anh tin tưởng rằng Quan Tòa sẽ sáng suốt thông cảm cho nổi lòng đau khổ của anh, vì quá thương con nên anh mới có hành động thiếu suy xét như vậy và anh hy vọng Tòa sẽ tha bổng anh để anh về nhà sum họp với 4 đứa con yêu quý của anh.

Bị nằm trong tù đã hơn 8 tháng để chờ đợi phiên Tòa xét xử, đã cho anh những ngày giờ kéo dài lê thê như hằng thế kỷ và tạo cho anh sự yên lặng trong tâm hồn, để anh có nhiều thì giờ suy nghĩ lại từng sự việc đau buồn đã xảy đến cho cuộc đời anh, giúp anh hiểu rằng, không nhiều thì ít, anh đã có lỗi một phần lớn trực tiếp hay gián tiếp, và trách nhiệm trong vấn đề để vợ anh bỏ anh, mang theo 2 đứa con nhỏ để đi theo tiếng gọi của tình yêu mới. Vì anh cứ tưởng rằng có tiền là có tất cả mọi sự trên đời, này như câu châm ngôn mà người ta thường nói “Có tiền mua tiên cũng được”, nên anh đã say sưa trong biển tiền, làm việc ngày cũng như đêm, như những con thiêu thân, cứ lao đầu vào chỗ chết trước ánh đèn sáng, để anh kiếm được thật nhiều tiền, đưa về cho vợ và các con hưởng thụ cuộc sống xa hoa phú quý…

Nhưng bây giờ anh mới thấy là anh đã lầm to thì quá muộn. Vì đồng tiền có thể dễ dàng mua được nhiều thứ xa hoa phú quý thật đấy, nhưng chưa chắc đã mua được tình yêu và hạnh phúc, điển hình ngay trước mắt là trường hợp vợ anh bỏ anh trong lúc nàng đang sống trong cảnh giàu sang phú quý. Thật vậy, anh nghĩ cũng tại lỗi anh, anh đã vô tình không ý thức rằng người vợ trẻ của mình đang tràn đầy sinh lực, nhưng nàng phải sống đơn côi qua nhiều ngày, tháng, năm dài, tâm hồn nàng mỗi ngày mỗi trở nên lạnh lẽo, buồn thiu như mùa đông băng giá, tuyết rơi bao phủ cỏ cây trắng xóa ngoài trời, để rồi hằng đêm thanh vắng, con cái đã lên giường đi ngủ, nàng ngồi thui thủi một mình trên chiếc ghế với đôi mắt đăm chiêu, nhìn qua khung cửa sổ, trông ngóng bóng chồng đi làm về khuya để mở cửa đón anh. Những hình ảnh này lúc nào cũng hiện lên trong trí óc anh, làm anh cảm thấy anh có lỗi nhiều với vợ và càng cảm thấy thương yêu vợ mình nhiều hơn. Đến giờ phút này, anh chỉ ước ao một điều duy nhất là nếu anh có thể làm được một điều gì cho vợ, dù có phải hy sinh đến tính mạng đi chăng nữa thì anh cũng vẫn làm.

Rồi bất chợt một hôm, vị luật sư của anh vào thăm anh để báo cho anh biết, là người vợ cũ của anh đã bị bắt vô tù cách đây 1 tuần, về tội cất giấu một số lượng cần sa ở trong xe hơi để đem đi bán. Vị luật sư thuộc Công Tố Viên nói với luật sư của anh, nếu anh chịu bằng lòng ký tên, chấp nhận tội như lời đề nghị trước đây của họ, thì vợ anh sẽ được đề nghị lãnh bản án tù treo 5 năm và sẽ được trả về nhà sớm. Ngoài ra, chị còn được phép tiếp tục nuôi dưỡng 4 đứa con, thay vì trước kia chị chỉ được quyền nuôi 2 đứa con nhỏ tuổi mà thôi. Vừa nghe luật sư nói xong, anh liền cho ông ta biết là 15 năm tù hay phải lãnh án tử hình, thì anh cũng hoàn toàn bằng lòng ký tên ngay tức khắc, vì đó là điều ước vọng thầm kín của anh như đã trình bày ở trên. Anh mong sao cho người mà anh yêu suốt đời, là người vợ cũ của anh, được mau chóng thả ra khỏi tù và 4 đứa con anh sớm được đoàn tụ với mẹ của chúng, là anh cảm thấy sung sướng và toại nguyện lắm rồi, không còn dám ao ước thêm một điều gì khác nữa.

Đúng 2 tuần lễ sau khi nói chuyện với luật sư của anh, anh được áp giải đến trước mặt Quan Tòa để ký tên vào bản án nhận tội và trước ngày anh rời trại tạm giam (Jail) lên đường đến một trại tù để thi hành bản án, anh đã vui mừng, tâm sự với tôi như sau:

“Thưa Thầy, câu chuyện không may này đưa con vào vùng tù tội kể như đã được tạm thời giải quyết xong theo ý nguyện của con, và câu chuyện tình buồn của con mà con cứ tưởng nó sẽ làm con đau khổ suốt đời như Thầy đã rõ thì cũng kể từ nay sự đau khổ này cũng đã chấm dứt trong tâm hồn con. Vì những điều gì con thầm cầu nguyện Chúa cho người con yêu và cho con cái của con đã được Chúa ban xuống cho con đúng theo ước vọng của con. Người yêu của con sẽ được thả ra khỏi tù trong một ngày gần đây và 4 đứa con yêu dấu của con sẽ được đoàn tụ với mẹ của chúng. Riêng mình con sẽ tiếp tục sống trong lao tù nhưng trái lại, lòng con sẽ không còn cảm thấy cô đơn và đau khổ như những ngày đầu con mới bước chân vào trại giam. Sự đoàn tụ các con của con với người con yêu thương suốt đời và sự nhận tội của con để cho người con yêu được mau thoát khỏi vòng tù tội là niềm hạnh phúc vô biên cho những ngày tháng năm dài còn lại của cuộc đời con ở trong tù. Duy chỉ có một điều làm con rất hối hận là trước ngày con vào tù con đã không đến Nhà Thờ để dự các Lễ buộc và hoàn toàn con quên Chúa mọi nơi mọi lúc, trong khi con là một Kitô hữu đã được rửa tội tại Nhà Thờ. Vì suốt nhiều năm mải mê làm việc để kiếm tiền vào như nước, con đã không bao giờ nhớ đến Ngài và chỉ nhớ đến tiền bạc, đến vợ đẹp con khôn của con đang chờ ở nhà. Con cũng không hề biết chia sẻ một phần nhỏ bé nào về tiền bạc, tài năng hay công sức mà Chúa đã ban cho riêng con với bất cứ ai khác.

Thế rồi mãi cho đến những ngày đầu tiên bị nhốt trong xà lim để xin Ngài trước hết hãy thứ tha cho sự quên lãng Ngài của con và đời sống đầy ích kỷ của con đối với tha nhân và tha thiết xin Ngài đoái thương, ban cho con những điều con thầm khấn nguyện thì nay Ngài đã đáp lại lời cầu nguyện của con, làm cho tâm hồn con cảm thấy sung sướng và toại nguyện. Vậy con xin hứa với Chúa, những ngày tháng năm sắp tới đây của con ở trong tù sẽ là thời gian để cho con được dịp hồi tỉnh, tu luyện lại đức tin, đức cậy, đức mến của con đối với Chúa, với lòng thật ăn năn, sám hối những lỗi lầm của con đối với Chúa và lòng ích kỷ của con đối với tha nhân từ trước đây.

Trước giờ phút lên đường đến một trại tù mới, con có 2 tấm hình, một tấm con chụp chung với vợ và một tấm chụp chung cùng vợ với các con của con mà con luôn mang theo trong người con, nay con xin gửi Thầy cất giữ kỹ 2 tấm hình này trong một thời gian ngắn dùm con. Xin thầy đừng làm mất 2 tấm hình này vì nó là kỷ vật vô giá của đời con và khi nào con có địa chỉ mới chắc chắn nơi con ở tù thì con sẽ biên thư cho Thầy để Thầy gửi trả lại con 2 tấm hình này.”

Thái độ và hành động của anh A đối với chị B đã thể hiện một cách cụ thể trong câu Kinh Thánh, được trích trong Phúc Âm theo Thánh Gioan là: “Không ai có tình yêu cao quý hơn mối tình của người thí mạng mình vì bạn hữu…”. Vì anh chỉ biết cho người anh yêu tất cả những gì mà anh có, từ vật chất đến tinh thần và hiến dâng cả sự tự do của đời mình để đổi lấy sự tự do cho người anh yêu nên anh đã nhận tội để chấp nhận ngồi tù bởi chính sự phụ bạc và lời tố cáo gian của người anh yêu mà anh vẫn tha thứ cho nàng, không một lời oán trách, không mong đợi người anh yêu phải đáp trả lại anh một điều gì.

Đã có khá nhiều trường hợp tình yêu tan vỡ bởi nguyên nhân tương tự như trường hợp của anh A xảy ra kể từ khi có những người Việt chúng ta đến sinh sống trên mảnh đất tự do tạm dung này. Người ta vẫn thường nghĩ rằng tình yêu giữa đôi trai gái hay tình vợ chồng có bền chặt hay ly tan đều do số mệnh mà ra cả; nhưng trên thực tế, chắc chắn không phải tất cả trường hợp nào tan vỡ cũng đều do tại số mệnh. Theo ý kiến của đa số người cho rằng, nó còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, từng trường hợp và từng cá tính của mỗi người. Vì nếu người ta nhận biết được những điều mình đã làm và đang làm và những điều đã nói và sẽ nói, là những nguyên nhân đã hoặc sẽ đưa đến sự đổ vỡ cho hai người trong tương lai thì biết đâu người ta sẽ tránh được điều đó như trường hợp xảy ra của anh A và chị B. Lúc đó đâu còn gọi là số mệnh an bài hay là do Thánh Ý Chúa muốn nữa. Dầu sao sự đại lượng và lòng tha thứ của anh A dành cho chị B trong câu chuyện tình buồn này đúng là một trong những mối tình bất diệt trên đời mà một ca khúc tình tứ lãng mạn, nổi tiếng khắp trên thế giới vừa về những lời ca ngợi tình yêu cao đẹp thắm thiết lẫn âm điệu trầm bổng thánh thót của những nốt nhạc kỳ diệu, dẫn đưa những ai có tâm hồn nghệ sĩ khi nghe ca khúc này, có cảm tưởng như tâm hồn mình đang bay bổng trên các tầng trời xanh tươi bao la với tràn đầy niềm hạnh phúc, đó là bản nhạc có tựa đề và câu hát mở đầu đều giống nhau: Tình Yêu là vật đẹp muôn màu (Love is a Many Splendid Thing).



PHẦN BỔ TÚC ĐOẠN KẾT CỦA CÂU CHUYỆN “TÌNH YÊU BẤT DIỆT

Trong suốt thời gian chịu án tù, anh A đã chuyên cần trau dồi kiến thức để học xong phần Tú Tài rồi tiếp tục để lấy được văn bằng chuyên môn về kỹ sư cơ khí.

Bức thư sau đây, (tác giả gửi đến anh A khi anh đã mãn hạn tù ở 8 năm nhưng vẫn còn bị cơ quan INS tạm giam) được đăng lại nguyên văn (trừ những tên người đã được đổi hoặc viết tắt) để độc giả có thể hiểu thêm những khía cạnh pháp lý trong trường hợp trên cũng như tình cảnh anh A hiện nay.

July 23, 2007

Cháu A thân mến,

Chiều thứ bảy vừa qua, Thầy đến thăm cháu và được cháu tâm sự cho biết là kể từ khi cháu hoàn tất bản án 8 năm tù ở và đã được thả về nhưng đã bị INS tạm giam giữ cho đến ngày hôm nay đã được hơn 3 tháng kể như con số zero, không được tính theo quy luật của Sở Di Trú là sau 3 tháng bị giam giữ lại bởi INS, thì phải trả tự do cho người đã thi hành xong bản án, và nếu tội trạng của người thụ án đã thi hành xong nhưng nếu INS có một bằng chứng mới khác, là nếu thả tội nhân này ra sẽ làm nguy hiểm đến an ninh xã hội, thì có thể phạm nhân sẽ bị giam giữ lại đến 6 tháng hoặc lâu hơn nữa. Trường hợp của cháu cho Thầy biết là hơn 3 tháng nay cháu bị tạm giam lại kể như là con số zero là vì INS chỉ tính kể từ ngày cháu đã được trình diện phiên tòa của Sở Di Trú xét xử. Nhưng cho đến giờ phút này, thì cháu vẫn chưa được đưa đến trình diện vị Quan Tòa Di Trú xét xử. Trong khi cháu đã có đầy đủ giấy tờ bảo trợ nơi ăn chốn ở và công ăn việc làm tại Tucson thuộc tiểu bang Arizona.

Trên đường từ trại trở về nhà, Thầy suy ngẫm nhận thấy trường hợp của cháu bị đối xử một cách bất công, vừa mất vợ lại vừa mất cả 4 đứa con, không có họ hàng thân thuộc để nhờ cậy, trong khi phải chịu đựng 8 năm ngồi tù và nay được thả ra với số điểm hạnh kiểm tối đa tốt nhất mà rất ít tù nhân nào được điểm tối đa như cháu. Vậy giờ đây cháu lại bị tạm giam đã hơn 3 tháng rồi mà vẫn chưa được INS cứu xét, làm cho lương tâm của Thầy phải suy nghĩ kỹ tìm ra một lối thoát, để có thể giúp cháu trong phạm vi khả năng và phương tiện sẵn có của Thầy. Đúng thế, Thầy bất chợt nhớ ra cách đây khoảng hơn 5 năm, Thầy đã yêu cầu và hợp tác chặt chẽ với một Luật Sư Công Liên Bang (Federal Public Defender) tên là E, ông này và Thầy đã đi tới một trại tạm giam (Detainees Center), nơi đây đã giam giữ gần 200 cựu tù nhân người Việt tại Quận Hạt Jefferson County, cách Oklahoma City gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ lái xe, để tiếp xúc trực tiếp và lấy tên tuổi các cựu tù nhân người Việt nào không có những điều kiện để được thả ra về sớm, thì chính ông luật sư công này đã trình sự việc sự việc lên vị Quan Tòa Liên Bang để giúp họ được thả ra về mà không cần phải đóng tiền thế chân và hiện nay trại tạm giam này đã bị đóng cửa. Vì 95% cựu tù nhân ở đây đã được trả tự do, chỉ còn lại 5% bị coi là nguy hiểm vào thời gian đó nên đã được di chuyển đến các trại tù Liên Bang, nhưng Thầy tin chắc rằng cho đến giờ này, con số 5% đó đã được trả tự do hết cả rồi.

Vậy sáng nay, thứ Hai, Thầy đã đi gặp ngay ông Luật Sư Công Liên Bang E để nhờ ông ta giúp đỡ cháu để can thiệp với INS sớm cứu xét trả tự do cho cháu để giúp cháu kịp thời giờ ổn định công ăn việc làm của cháu và sau đó cháu sẽ đi tìm kiếm 4 đứa con của cháu như lời ước nguyện của cháu nói với Thầy. Ông Luật Sư E đã hứa với Thầy là “I will do my best to help him by your request”. Tuy nhiên Thầy cần lưu ý với cháu là cháu cần phải rất thận trọng trong công việc đi kiếm 4 đứa con vì nếu không cháu lại có thể bị lôi thôi đến pháp luật và có thể bị ngồi tù lại một lần nữa. Vậy ngay sau khi cháu được trả tự do, Thầy sẽ đưa cháu đến Tòa Án Liên Bang để dàn xếp việc trả góp hàng tháng án phí Tòa là $900 sau khi cháu đã có việc làm và xem xét lại hồ sơ của cháu về vấn đề vợ cháu là người được quyền custody con cái và cháu có quyền được thăm nuôi đối với những đứa con dưới tuổi vị thành niên hay không? Còn đứa nào đã trên tuổi vị thành niên thì không thành vấn đề.

Trong khi chờ đợi kết quả tốt đẹp của Luật Sư E thông báo cho Thầy, thì Thầy đã copy sẵn mẫu đơn khởi tố Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (A Writ of Habeas Corpus) dành cho tù nhân, để đòi hỏi quyền xét xử lại một cách công bằng và bình đẳng của con người trước pháp luật mà cháu có quyền tự nạp, không cần nhờ đến luật sư, tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, để xin tái cứu xét trả tự do cho cháu vì theo luật pháp cùng một tội, không được đem tội nhân ra xét xử 2 lần khác nhau (Double Jeopardy), có nghĩa là cháu đã thi hành xong bản án 8 năm tù ở rồi, bây giờ vẫn tội trạng cũ đó lại bị INS giam giữ cháu vô hạn định, mặc dù theo Luật Di Trú, cháu là thường trú nhân sẽ bị trục xuất trả về nguyên quán Việt Nam, nhưng Việt Nam không chấp nhận cựu tù nhân như cháu trở về quê quán, thì cháu cũng giống như hàng trăm các cựu tù nhân Việt Nam khác trước đây đã được trả tự do tạm để họ trở lại cuộc sống bình thường, tự mưu sinh lấy.

Tiện đây Thầy cũng cho cháu hiểu rõ là Bác C rất tiếc không thể vào thăm cháu được như Bác đã nhiều lần đến thăm cháu trước đây. Vì cách đây ít năm Bác C có lý do riêng, không còn tiếp tục vào thăm tù nhân với Thầy nữa nên tấm Thẻ Hành Sự vào cửa dành riêng cho nhân viên của Bác bị mất hiệu lực, không thể vào thăm tù nhân như trước kia Bác C vẫn vào cùng với Thầy được nữa. Nhưng Bác C cho Thầy biết là khi cháu được thả ra về, nếu Bác C không đi out of town vào ngày đó, thì chắc chắn Bác C sẽ cùng Thầy đến đón cháu để tiễn cháu ra bến xe bus về Tucson.

Cuối tuần tới đây, Thầy sẽ vào thăm cháu để đưa các giấy tờ cho cháu điền như Thầy vừa mới nói ở phần trên, và nếu Thầy nhận được tin tức gì sớm hơn từ Luật Sư E báo cho Thầy biết thì Thầy sẽ vào thăm cháu ngay. Hằng đêm Thầy vẫn cầu nguyện riêng cho cháu sớm được trả tự do.

Thân mến

PT. Nguyễn Mạnh San

No comments:

Blog Archive