Tuesday, September 17, 2024

Buồn

Người Việt rất hay buồn. Họ buồn đủ chuyện, đủ thứ, đủ cách, đủ kiểu, đủ loại và buồn dài dài: buồn chồng, buồn vợ, buồn con, buồn chuyện gia đình, buồn chuyện nước non, buồn chuyện tình duyên, buồn trong kỷ niệm, buồn tình đời, buồn nhân tình thế thái, buồn thế sự đảo điên, buồn tàn thu, buồn tàn canh gió lạnh …

Đó là chưa kể những nỗi buồn, buồn lãng xẹt: buồn trông con nhện giăng tơ, buồn trông cửa bể chiều hôm, buồn trông nội cỏ rầu rầu, buồn trông con nước mới sa …

Lúc nào và ở đâu dân Việt cũng đều có thể buồn được cả (ngoại ô buồn, thành phố buồn, đô thị buồn) và họ luôn luôn buồn quá mạng, buồn thê thảm, buồn dữ dội, buồn da diết, buồn thảm thiết, buồn tê tái, buồn miên man, buồn mênh mông, buồn man mác, buồn nát tâm tư, buồn rười rượi, buồn nẫu ruột, buồn muốn chết, buồn muốn khóc, buồn thấy mẹ, buồn tận mạng, buồn quá xá, buồn quá trời, buồn thỉu buồn thiu, buồn hết biết luôn …

Nói tóm lại là người Việt buồn muôn thuở, buồn quanh năm, buồn suốt tháng, bất kể ngày đêm: ngày buồn tênh, đêm buồn tỉnh lẻ, khuya phố thị buồn, chiều chủ nhật buồn … Toàn là những nỗi buồn ngang, buồn bất chợt, buồn vô cớ, buồn vào hồn không tên, buồn mà không hiểu vì sao mình buồn nhưng họ đều buồn thiệt và buồn lắm lận.

Chỉ có nỗi buồn về mùa màng thời tiết thì dân Việt mới nêu rõ nguyên do và ghi khá rõ – từ lâu – qua những câu lục bát truyền thống rất nhịp nhàng, và khá điệu đàng:

Buồn về một nỗi tháng giêng
Con chim, cái cú, nằm nghiêng thở dài
Buồn về một nỗi tháng hai
Đêm ngắn, ngày dài, thua thiệt người ta
Buồn về một nỗi tháng ba
Mưa rầu, nắng lửa, người ta lừ đừ
Buồn về một nỗi tháng tư
Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
Buồn về một nỗi tháng năm
Chửa đặt mình nằm gà gáy, chim kêu

Riêng tôi thì vì đã quá già (có ngủ nghê gì được mấy đâu) nên đêm dài lắm. Nghe tiếng “gà gáy, chim kêu” còn mừng là đằng khác. Bởi thế, tôi chả hề phiền hà gì “về nỗi tháng năm”. Có buồn chăng – chả qua – chỉ vì chút dư âm của tháng tư (thôi) nhưng cứ buồn hoài và buồn lắm.

Ngoài chút phiền lòng vì “nắng lửa, lừ đừ, cơm chẳng muốn ăn”, tôi còn buồn lòng không ít vì cả nước chợt ồn ào và náo nhiệt một cách giả tạo và gượng gạo. Khắp nơi bỗng đều đỏ rực một mầu, ngó mà ớn chè đậu:

- Rực rỡ cờ hoa chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam

- Họp mặt kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

- Treo cờ và khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

- Giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

- Triển lãm ảnh kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam

- Sôi nổi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước

Thiên hạ, xem ra, không được “sôi nổi” gì cho lắm:

- Thái Hạo: “Anh em trong nhà, đánh nhau một trận, năm mươi năm sau, còn ăn mừng chiến thắng. Đó là tiểu khí của người nhỏ nhen”.

- Nguyên Tống: “Cùng là anh em nòi giống Việt, đánh nhau đến tan cửa nát nhà rồi ăn mừng mãi cái ngày đó thì làm sao mà hoà giải dân tộc được?!”

- Nguyễn Hữu Vinh: “Quan sát hiện tượng này, người ta có cảm giác rằng đảng giống như một con nghiện. Nhân tố gây nghiện ở đây là bạo lực, là hình ảnh của sự tàn bạo, sự giết chóc để thỏa mãn bản chất bạo lực của Đảng, của Giai cấp vô sản chuyên nghề lật đổ và cướp từ chính quyền cho đến lợi ích, tài sản.”

- Nguyễn Thông: “Kiểu kỷ niệm, diễu hành, phô trương như này, xưa chỉ thấy ở đám phát xít Đức, về sau rõ nhất ở Triều Tiên … Hãy sống với thế giới văn minh chứ đừng mãi man rợ cờ phướn như thế.”

- Phạm Quang Trung: “Anh em đánh nhau một trận rồi thôi, cười khì… đàng này đã 50 năm rồi mà vẫn tiệc tùng ăn mừng chiến thắng! Vậy là sao ta!?”

Câu hỏi thượng dẫn khiến tôi nhớ đến chuyến viếng thăm tiểu bang Hawaii của TT Nhật bản Shinzo Abe, và bài diễn văn ông đọc vào ngày hôm sau (26 tháng 12 năm 2016) tại Trân Châu Cảng. Xin trích dẫn đôi đoạn, theo bản văn của dịch giả Nguyễn Quốc Vương:

"Đấy là nơi tôi đã cúi đầu mặc niệm. Nơi đang khắc tên những người lính đã mất… Mỗi người lính đều có bố có mẹ lo lắng cho mình. Họ cũng có người vợ yêu thương và người yêu. Và có lẽ họ cũng có cả những đứa con mà họ đang háo hức với sự lớn lên từng ngày của chúng.

Tất cả những tâm tư ấy đã bị cắt đứt. Khi nghĩ đến sự thật nghiêm trọng ấy và cảm nhận sâu sắc nó, tôi đã không thể thốt nên lời. Hỡi những linh hồn, xin hãy ngủ yên! Tôi, với tư cách là đại diện cho quốc dân Nhật Bản đã thả hoa xuống biển nơi những người lính đang an nghỉ với cả tấm lòng thành…

Tôi, với tư cách là thủ tướng Nhật Bản, xin được gửi lời chia buồn chân thành mãi mãi tới linh hồn của những người đã bỏ mạng ở mảnh đất này, tới tất cả những người dũng cảm đã bỏ mạng bởi cuộc chiến tranh bắt đầu từ đây và cả linh hồn của vô số người dân vô tội đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh.

Tấn thảm kịch của chiến tranh sẽ không bao giờ được lặp lại. Chúng tôi đã thề như thế. Và rồi sau chiến tranh, chúng tôi đã xây dựng nên quốc gia tự do, dân chủ, tôn trọng pháp trị và duy trì lời thề bất chiến một cách chân thành.

Khi chiến tranh kết thúc, lúc Nhật Bản trở thành cánh đồng cháy trụi mênh mông và khổ sở trong tận cùng của nghèo đói, người đã không hề ngần ngại gửi đến thức ăn, quần áo là nước Mỹ và quốc dân Mỹ. Nhờ những tấm áo ấm và sữa mà quý vị gửi đến mà người Nhật đã giữ được sinh mệnh tới tương lai…

Và rồi nước Mỹ cũng đã mở cho Nhật Bản con đường trở lại cộng đồng quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của nước Mỹ, chúng tôi, với tư cách là một thành viên của thế giới tự do đã được hưởng thụ hòa bình và sự phồn vinh.

Tấm lòng khoan dung rộng lớn, sự giúp đỡ và thành ý như thế của quý vị đối với người Nhật chúng tôi, những người đã từng đối đầu quyết liệt như kẻ địch đã khắc sâu trong lòng ông bà, bố mẹ chúng tôi. Cả chúng tôi cũng sẽ ghi nhớ điều đó. Cả con cháu chúng tôi cũng sẽ kể mãi và không thể nào quên…

Đã 75 năm sau trận 'Trân Châu cảng'. Nhật Bản và nước Mỹ, những nước đã tham dự cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử, đã trở thành hai nước đồng minh gắn bó với nhau mạnh mẽ và sâu sắc hiếm có trong lịch sử… Thứ gắn kết chúng ta chính là 'sức mạnh của hòa giải', the power of reconciliation, thứ do lòng khoan dung mang lại."

Người Nhật và người Mỹ không đợi đến ngày nay mới quyết định 'bỏ đi sự thù hận và nuôi dưỡng tình bạn'. Ngay sau khi Thế Chiến Thứ II vừa chấm dứt, họ (kẻ thắng/người thua) đã nắm tay nhau để tạo nên “sức mạnh của tinh thần hòa giải” và sự “khoan dung” gần trăm năm nay.

Chiến tranh VN cũng đã chấm dứt 49 năm (rồi) nhưng không biết đến bao giờ thì Bên Thắng Cuộc ở đất nước này mới thôi việc đình đám/cờ xí/tiệc tùng ăn mừng chiến thắng, thôi kỳ thị, và thôi kích động hận thù để hòa giải và hòa hợp với Bên Bại Cuộc?

Nhân Tuấn Trương trả lời: “Tôi có thể kết luận (mà không sợ sai lầm) rằng đảng và nhà nước CSVN chưa bao giờ có chủ trương về hòa giải (hay HG&HH DT). Hòa giải - réconciliation” là hành vi chỉ có ở những dân tộc văn minh”.

Nghe thế có buồn không?

Buồn chớ và buồn lắm! Buồn muốn khóc luôn, buồn như chưa bao giờ buồn thế, buồn như không còn ai có thể buồn hơn được nữa. Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về.

Tưởng năng Tiến / STTD

No comments:

Blog Archive