Sunday, September 8, 2024

Chị tôi

Tranh Đinh Trường Chinh.

Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành. Cả một vương quốc đã mất hẳn dấu tích, chỉ còn lại vài cái tháp đứng trơ gan cùng tuế nguyệt! Xa kia về phía nam là ngọn Thạch Bi Sơn (Núi Đá Bia) cao ngất quanh năm mây phủ, đánh dấu chiến công hiển hách của vua Lê Thánh Tôn một thời đại phá quân Chiêm Thành. Đó cũng là biên giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành thời Hậu Lê.

Tôi là một trong nhóm người Bắc di cư, được may mắn định cư và lớn lên trên vùng đất tự do, ấm cúng Tuy Hòa nơi mà người dân có tiếng là chất phác, đôn hậu và nhiệt tình. Năm 1954, chính quyền cho cất một xóm độ vài chục căn nhà tranh vách đất vây quanh cái giếng nước trên một mảnh đất khá rộng, để đón dân Bắc Kỳ di cư. Tất cả sinh hoạt của trại đều xảy ra ở đó. Từ tắm rửa, giặt quần áo, xách nước về nhà để nấu ăn, chuyện gẫu, trai gái gặp gỡ làm quen. Đó đúng là một tụ điểm hội họp, giống như những sân đập lúa ở một làng quê nào đó, bởi vì chẳng có một thứ giải trí nào khác.

Trại di cư được tổ chức theo kiểu làng xã thời xưa: có một trưởng trại, vài vị trong ban hội đồng, họp nhau thường xuyên để cải thiện đời sống cư dân. Ngoài ra, hội đồng trại còn lo việc phân phối thực phẩm và làm cái gạch nối giữa dân di cư và chính quyền thành phố. Hồi xưa chưa có điện thoại, nên tôi được chỉ định làm “thằng mõ” để thông báo tới từng gia đình những tin tức từ ban hội đồng trại đưa ra. Mỗi nhà đều có “Sổ Gia Đình”. Chính quyền tùy theo nhân khẩu mà cấp phát nhu yếu phẩm như dầu hôi để nấu ăn và thắp đèn, gạo, đường, đồ hộp, sữa bột, bột mì, bột bắp. Sữa thì pha với nước sôi để uống, ai không quen, Tào Tháo đuổi là chuyện thường. Bột mì và bột bắp chẳng biết làm gì, nấu chè mãi ăn cũng ngán bèn nhồi thành những con thú như bò, gà, heo, rồi chiên lên ăn, cũng ngon ra phết!

Có cả quần áo nữa, những bộ quần áo rộng thùng thình tuy cũ nhưng còn rất tốt. Bà con tháo ra và sửa lại cho đúng khổ người mình. Sau này còn cấp heo con để nuôi làm giống. Những con heo Mỹ trắng bóc mắt xanh lè trông rất lạ mắt, mau lớn như thổi, to như một con bê, khác hẳn với mấy con heo đen thui, nhỏ xíu của xứ mình.

Hầu như xóm Bắc Kỳ di cư nhà nào cũng nuôi một vài con heo, heo nái cơ. Thỉnh thoảng có anh chàng nhà quê, dắt theo chú heo nọc nhỏ xíu, đi lang thang ngoài đường, tay cầm chiếc roi thật dài, để điều khiển heo như người ta chăn vịt vậy. Khi heo nái bắt đầu kêu la om xòm và phá phách trong chuồng, cứ gọi anh ta vào là vài tháng sau, chủ trại sẽ có một bầy heo con đẹp đẽ. Anh ta chẳng làm gì đâu, con heo của anh làm thôi. Thấy chú heo nọc nhỏ xíu đứng gần nàng heo nái to kềnh mà tội nghiệp. Mỗi lần như vậy, tôi cũng tò mò đứng xem chú làm gì, Bố lại đuổi đi chỗ khác chơi. Khi chàng heo nọc làm xong phận sự, được chủ nhân cho ăn một nồi cám to nấu với đậu xanh bảo là “để lấy lại sức”. À, thì ra chú làm việc cũng vất vả lắm đấy. Vài năm sau, khi những người di cư đã có thể tự lập, chế độ cấp phát thực phẩm cũng chấm dứt theo.
Đời sống trong trại di cư khác xa với các trại của vùng kinh tế mới sau này. Đó là một đời sống tạm đầy đủ, êm đềm, tự do và tự tin cho tương lai của gia đình và đất nước. Trẻ con đều được đi học mà không phải trả bất cứ một khoản học phí nào. Tôi có những bạn cùng lớp đạp xe đi học từ những vùng thôn quê xa xôi. Bệnh viện đều miễn phí, rộng rãi và hợp vệ sinh. Xã hội có tôn ti trật tự và lễ nghĩa: kính trên nhường dưới. Tình nghĩa thày trò thắm thiết như cha mẹ và con cái. Cửa nhà không cần khóa hai ba lớp. Chẳng phải thời Nghiêu Thuấn, nhưng tương đối hạnh phúc yên bình cho tới khi những tai họa từ trên núi đổ xuống: Ám sát, chặn đường, đặt mìn xe đò, xe lửa, pháo kích, súng nổ khắp nơi.

Chị Linh là con độc nhất của gia đình hàng xóm kế bên nhà tôi. Bố của chị với Bố tôi cùng làm công chức trong tòa hành chánh tỉnh nên rất thân thiết với nhau. Mỗi khi mẹ tôi có nấu món ăn gì đặc biệt lại bảo tôi mang qua biếu nhà chị. Mẹ chị mỗi khi đi xa về đều có quà cáp cho mẹ tôi. Chị Linh lớn hơn tôi 3 tuổi, học trên tôi ba lớp. Chị vừa đẹp vừa học giỏi nên có nhiều chàng dòm ngó. Vì trường trung và tiểu học gần nhau nên chị và tôi thường đi học chung, nhiều đứa bạn tưởng tôi và chị là chị em ruột. Tôi chẳng thanh minh thanh nga gì cả cứ nhận vơ để lên mặt với đám học trò cùng trường. Mấy anh học cùng lớp với chị, hay dúi cho tôi quà cáp, lúc thì cái bánh “bích quy tây”, lúc thì vài cục kẹo “trứng chim” để nhờ tôi đưa thơ cho chị. Tôi chẳng bao giờ đưa, nhưng quà cáp cứ nhận đều đều. Mỗi lần nói với chị chuyện đó, chị lại trừng mắt nhìn tôi: “không được nhận quà nữa! thư cứ vất vào xọt rác cho chị!”. Tôi tảng lờ như không nghe thấy gì, mấy anh ấy có hỏi chỉ nói: “Đưa rồi, chị có đọc không, em không biết.” Mấy bức thư đó chắc gây phiền toái cho chị nhiều lắm.

Mẹ tôi buôn bán cam. Dì tôi ở Saigon, cứ cách một vài ngày lại gởi hàng ra bằng xe lửa. Tôi chỉ việc ra lãnh mang về, Mẹ phân phối cho bạn hàng ngoài chợ. Đường xe lửa xuyên Việt chạy ngang thành phố. Mỗi khi về tới, tiếng còi tàu “ò e…, ò e…” đánh thức cả thành phố đang ngái ngủ. Tôi vội mướn xe xích lô chạy ra nhà ga để lãnh nhận những cần xé cam nặng trĩu…Bao giờ tôi cũng dấu một vài trái để cho Chị, chị thích lắm. Đó là thứ quà rất xa xỉ thời đó.

Bố Mẹ tôi có 4 đứa con trai. Khi sanh thằng út, mấy người hàng xóm xấu miệng rỉ tai nhau “5 đứa con gái là Ngũ Long Công Chúa, còn 5 thằng con trai là Ngũ Quỷ”. Bố Mẹ tôi và Bố Mẹ chị Linh đồng ý trao đổi với nhau như trong chuyện giả tưởng thời xa xưa: Thằng út sẽ là con nuôi của nhà chị Linh và chị Linh là con nuôi của Bố Mẹ tôi. Thế là Út và chị Linh có hai cha mẹ, được cả hai chiều chuộng. Bốn anh em tôi trở lại thành “Tứ Quý” như xưa. Cha mẹ chị Linh thương thằng Út ra mặt, ngày nào cũng qua nhà tôi nựng nịu ngắm nghía nó như một báu vật. Đồ ăn đồ uống cung cấp cho nó thôi thì vất đi không hết. Mẹ tôi thường bận buôn bán nên hầu như Mẹ chị Linh chăm sóc Út nhiều hơn, thành ra Út đeo theo Mẹ nuôi cả ngày không rời.

Hai năm sau khi sanh Út, Mẹ tôi bị bạo bịnh qua đời, từ đó Út ở hẳn bên nhà bố mẹ nuôi. Chị Linh thay Mẹ săn sóc anh em chúng tôi. Đi học về, chị dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, gánh nước từ giếng về đổ đầy mấy thùng phuy. Đó là thùng sắt đựng nhựa đường tráng mặt lộ, mấy thày công chánh sài hết nhựa, bán lại cho dân đựng nước, không bị rỉ sét. Trước khi trời tối, chị bắt tất cả ra giếng tắm rửa sạch sẽ. Tôi nhớ có lần chị đang giặt quần áo, thấy chiếc quần đùi tôi mặc lấm đen bùn đất chị bảo cởi ra cho chị giặt. Tôi còn chần chừ vì mắc cỡ, chẳng lẽ cởi quần tồng ngồng trước mặt chị. Chị la tôi “ Bé bằng quả ớt mà bầy đặt mắc cỡ.” Tôi vội cởi quần đưa cho chị, rồi lấy tay che thằng nhỏ, chị dí tay vào đầu tôi bắt vô nhà mặc quần. Sau này lớn lên một chút tôi thay chị sách nước, giặt dũ quần áo. Chị chỉ làm bếp thôi.

Chị đậu bằng trung học đệ nhất cấp rồi đi học lớp Y tá điều dưỡng bốn năm. Tôi cũng vừa lên Trung học. Chị tốt nghiệp về làm trong bệnh viện duy nhất của tỉnh.

Bố tôi được đổi về Saigon, ngay khi tôi vừa học xong trung học đệ nhất cấp. Cả nhà dọn đi, nhưng Bố để lại thằng Út cho gia đình chị. Thỉnh thoảng vào những dịp nghỉ hè, tôi xin phép Bố về thăm chị và thằng Út. Chị gặp lại tôi mừng rỡ lắm, dẫn vô nhà thương giới thiệu với mọi người, tôi là em trai cưng của chị. Chị làm việc rất giỏi, cai quản tất cả y tá trong bệnh viện, những khi không có bác sĩ trực, gặp ca khẩn cấp, chị một mình quyết định mọi việc. Tôi vô cùng hãnh diện.

Sau tết Mậu Thân, tôi phải nhập ngũ, nay đây mai đó chẳng còn dịp nào về thăm chị và thằng Út. Đôi khi nhận được thơ chị ở những nơi đèo heo hút gió, tôi mừng lắm, giữ gìn rất kỹ những bức thư đó, bỏ vào ba lô. Khi đi hành quân, rảnh rỗi lại mang thơ chị ra đọc. Chị luôn lo lắng cho an nguy của tôi, khuyên tôi xin đổi về thành phố cho an toàn. Chị đâu có biết, đời lính sai đâu đi đó, làm sao xin xỏ được. Có lần nghe chị kể, có anh chàng Bác Si mới ra trường, làm việc ở nhà thương muốn xin cưới chị, hỏi tôi có được không? Tôi biết chị làm bộ hỏi, cũng như thông báo rằng chị sắp lấy chồng vậy thôi. Tôi có gần anh ấy đâu mà biết con người ấy ra sao, mà nói được hay không được. Tôi nói với chị, khi nào làm đám cưới, có chết tôi cũng dẫn xác về ăn cưới. Tôi chẳng ghen gì, nhưng bỗng thấy buồn, như vừa mất mát một cái gì thương yêu lâu nay vẫn dấu kín trong tim mình. Ngày Mẹ tôi mất, tôi cũng chẳng buồn như thế, có lẽ lúc đó tôi còn bé quá chăng? Thì ra, giữa tình chị em, chắc còn có một cái gì khác, rất mờ nhạt, khi ẩn khi hiện trong đáy tim tôi, tôi không bao giờ nhìn thấy rõ, cho đến khi sắp vuột khỏi tầm tay. Tôi chẳng có tình yêu thương của Mẹ, cũng chẳng có người yêu bé nhỏ nào trong lòng, cho nên vừa buồn vừa giận vu vơ. Không biết buồn giận ai, và buồn giận cái gì? Không biết vì sao nước mắt tôi cứ tuôn ra, hình ảnh vui tươi của chị cứ hiện ra trước mặt tôi. Bao nhiêu gian khổ nguy hiểm đời lính tôi chẳng coi ra gì.

Chiến cuộc một ngày một khốc liệt hơn, đoàn quân di chuyển thất thường không báo trước, cho nên lâu ngày bặt tin tức nhà. Rồi miền Trung thất thủ, tôi may mắn nhảy lên được một chiếc tàu Hải Quân, về Vũng Tàu. Chẳng bao lâu trôi dạt qua Subic Bay bên Phi Luật Tân, rồi qua Mỹ. Mấy đứa em tôi, đứa mất tích, đứa đi tù, mình tôi lang thang nơi xứ người, quạnh hiu, cô đơn, làm lại cuộc đời từ con số không to tướng.

Đầu thập niên 90, tôi trở về thăm chị và Út. Chị ôm tôi khóc mãi, còn Út chẳng biết tôi là ai. Tôi hỏi chị, anh rể của tôi đâu? Chị nói anh ấy bị động viên đi ngành quân Y và chết trên đường số 7 khi di tản từ Pleiku về Tuy Hòa. Chị chẳng có con cái gì và vẫn được làm ở bệnh viện với số lương chết đói. Tôi nghĩ đến câu “Hồng nhan bạc mệnh” mà không cầm được nước mắt. Cuộc đời chị vất vả từ nhỏ nhưng ông Tròi vẫn chưa tha. Tôi giúp chị một số tiền để xây lại căn nhà nay đã hư hại rất nhiều. Út đã là một chàng thanh niên cao lớn, ngoan ngoãn, thương yêu và săn sóc cha mẹ. Nó rất nghe lời chị làm tôi thấy ấm lòng. Chị Linh thương nó lắm và muốn nó theo nghề nghiệp của chị. Tôi hỏi chị, tôi có người bạn làm cùng sở, hiền lương chăm chỉ, độc thân, chị có muốn tôi làm mai không? Chị đỏ mặt nhưng không nói gì. Tôi chọc chị: “Già rồi mà còn mắc cỡ!”, nhớ khi xưa chị chọc tôi: “Bé bằng quả ớt mà bầy đặt mắc cỡ!”

Năm sau, tôi dẫn người bạn đó về thăm chị.

– Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn


No comments:

Blog Archive