Houston – Lạ Gớm
Tác Giả : Phạm Mạnh Tứng Nguồn: Email của Lê Huy Trứ
Tôi đã đến Houston nhiều lần, nhưng từ khi nạn Covid xẩy ra, cuối tuần qua tôi lại mới có dịp ghé thăm thành phố thân yêu này.
Chỉ có ba ngày vỏn vẹn mà một nửa thời gian đã dành cho tiệc tùng họp mặt, nên tôi cũng không có nhiều thời gian quan sát “dân tình”, nhưng ít nhất có vài ba điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên.
- Phòng Vệ Sinh Mọi Giới:
Vừa xuống phi trường Hobby, đi vào nhà vệ sinh tôi đã bị tấm bảng “All Gender” đập vào mắt.
Thật bất ngờ! Cứ đinh ninh Texas là một trong những tiểu bang bảo thủ, Houston chắc chắn conservative hơn San Jose. Nhưng tại phi trường San Jose, giống nào vẫn có nhà vệ sinh riêng của giống đó, ghi hình và chữ rõ ràng “Men” hoặc “Women” chớ chẳng có mập mờ “cả nam lẫn nữ” gì ráo. Không lẽ San Jose “neo-liberal” hơn Houston?!
- Hệ Phái Mới: Khất Địa
Chư Tôn Đức Tăng, Ni đi khất thực tại San Jose năm 2022 - Ảnh Võ Văn Tường
Tôi rất kính trọng những vị sư theo hệ phái Nam tông đi khất thực, vì đã thể hiện tính tiết độ khiêm cung. Các vị ấy đi chân trần để đầu trọc, mắt nhìn xuống đường, “bước từng bước êm” nổi bật đời sống giản dị thanh tịnh với tâm tư bình an tự tại. Theo tôi được biết những vị này nhận thực phẩm chớ không nhận tiền, đặc biệt ai cho gì ăn nấy và thường chỉ ăn một bữa giữa trưa (ăn Ngọ).
Nhưng hôm qua trong khi chờ mấy mợ gốc Trưng Vương mời ăn, tôi lang thang trước Hong-Kong Food Market trên đường Bellaire bỗng thấy hai nhà sư (chắc sư thật), mặc tăng bào, đầu đội mũ len trùm kín (chắc đầu đã cạo), đứng … xin tiền ! Hai thầy làm ăn rất khá, trung bình mười người ra khỏi chợ có một người cho. Anh bạn tôi đi theo phải thốt lên:
“Mai mốt tôi mí ông đến kỳ thuế mà chưa có tiền đóng, nên bắt chước kiểu kiếm ăn này.”
Tôi kính cẩn đến biếu thầy chút tiền và xin chụp hình, thầy vui vẻ nhận lời.
Tôi bị cái tật từ nhỏ hay chọc người khác nên nửa đùa nửa thật hỏi sư thầy: “Những tiền nhận được thầy có khai thuế không?” (nói nào ngay tôi dính dáng tới vài tổ chức bất vụ lợi, việc chi thu phải khai rất rất kỹ). Nghe nói đến thuế, chắc thầy hiểu lầm nên đổi ngay thái độ, nói với tôi những điều rất khó nghe, không giống ngôn ngữ của những vị tu hành. Thế mới lạ! Tôi tự hỏi hai thầy xin tiền ở hành lang Bellaire Blvd, Houston tu theo hệ phái nào nhỉ? Có ai biết gốc gác quý thầy không?
Nhưng để mọi chuyện êm đẹp, trước khi chia tay anh bạn tôi biếu thầy tí tiền còm, thầy lại vui vẻ ngay.
- Nhiều Người Đến Từ California
Cũng tại khu thương mại Bellaire này, chúng tôi gặp vợ chồng một người quen từ San Jose, họ cho biết đã về TX bốn năm nay, rất nhiều người như họ. Thí dụ tại Giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể (Christ, The Incarnate Word) nơi họ sinh hoạt, lúc họ mới đến có 6 ngàn giáo dân nay đã lên hơn 7 ngàn, ít nhất 1,000 giáo dân đã đến từ California!
Tôi biết nhiều cư dân California đã dọn sang Texas nhưng không ngờ nhiều tới vậy. Đặc biệt TP Houston đã lôi kéo quá nhiều Californian. Cứ đà này về dân số cũng như kinh tế Texas sẽ sớm đuổi kịp California thôi.
*** Vài nhận xét vui vui ghi vội về Houston, TX ***
=====
Ý kiến độc giả :
Vợ chồng chúng tôi cũng có dịp ghé thăm Houston vào giữa tháng 8; và cũng đồng ý với tác giả Phạm Mạnh Tứng; đi sang Houston kỳ này, chúng tôi nhận thấy đường xá freeway xe nhiều hơn, kẹt xe thường xuyên hơn dạo chúng tôi sang thăm ít năm về trước. Có điều là khuynh hướng “thức tỉnh- Woke” của Houston thì chúng ta không lạ, vì tuy Texas là tiểu bang Cộng Hòa nhưng (đáng buồn thay) Houston và một số nơi trong Texas vẫn dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ.
Vì vậy, đến khu Bellaire nơi có nhiều khu thương mại Việt Nam, chúng ta còn thấy tương đối an ninh. Nhưng đi về hướng ngược lại, cũng trên đường Bellaire, thật đáng ngại vì những người ở khu vực này làm chúng tôi có cảm giác rất bất an; đến nỗi có lúc đã xuỗng xe định vào một cửa tiệm, nhưng có vài người đang đi tới khiến chúng tôi đổi ý vội trở vào xe và đi ngay ra khỏi khu vực ấy. Downtown Houston cũng hết sức quạnh hiu, không phồn thịnh như trung tâm thành phố ở những nơi khác.
Hoanglechi
----------
No comments:
Post a Comment