Vân Đại Bàng
Ở trại tỵ nạn sao mà dễ buồn, mưa cũng buồn, nắng cũng không vui. Nhìn ra ngoài bầu trời chói chang, tôi tính bỏ văn phòng đi về nghỉ trưa thì bà Pimpa, người Thái, là nhân viên Cao Uỷ Xã Hội đến hỏi:
- Cô rảnh không, đi vào nhà tù với tôi. Tôi cần phỏng vấn vài người và làm lại danh sách tù nhân để báo cáo.
Như người buồn ngủ gặp được chiếu manh, tôi vui vẻ nhận lời.
Cũng như các trại tỵ nạn khác, ở Thailand cũng có một khu “nhà tù” dành cho những người tỵ nạn không chấp hành quy định của Bộ Nội Vụ Thái hay của Cao Ủy tỵ nạn. Thời hạn ở tù tùy theo mức độ phạm quy, có khi từ một vài ngày cho tới một hai tuần. “Tù nhân” cũng đủ loại, nhẹ thì có những người mua lén đồ ngoài hàng rào, thức quá giờ giới nghiêm, quên làm vệ sinh khu nhà được phân công, nặng hơn là thành phần đánh lộn, gây mất trật tự trong trại, trộm cắp vặt, trốn ra ngoài trại đi chơi.
Đi bộ qua khu đồi bãi đá, đến bệnh viện, là tới khu nhà tù được xây dựng khá kiên cố và cách biệt với những khu nhà ở khác trong trại. Sau khi trình giấy tờ nơi cửa, bà Pimpa và tôi bước vào nhà tù đã thấy hơn mười mấy người, đa số là thanh niên đàn ông đang ngồi rải rác trong tư thế chờ đợi, hình như họ biết trước có cuộc viếng thăm này. Bà Pimpa rủ tôi đi cho vui, chớ ở trong khu tù, có nhân viên người Việt tỵ nạn rất sành sỏi tiếng Thái, anh ta làm thông dịch cho bà ấy, còn tôi đi lòng vòng hỏi thăm, làm quen, tám chuyện với “tù nhân”.
Trại tuy nhỏ, nhưng có hơn chục ngàn người nên đâu phải ai cũng biết nhau. Tôi nhìn vào danh sách, để ý một cái tên khá đẹp, Lê Nguyễn Anh Vân, giới tính “nam”, rồi nhìn lên người đàn ông ngay góc phòng. Anh có dáng rất cao, gầy, nước da đen sạm, khuôn mặt góc cạnh với đôi mắt nâu đẹp nhưng khá lạnh lùng, mái tóc hơi dài màu nâu, và đôi cánh tay in hình xăm đậm, không khó nhận ra đó là “Vân Đại Bàng” mà tôi có nghe qua tiếng tăm. Vân Đại Bàng cũng kịp bắt gặp ánh nhìn của tôi, khi tôi mỉm cười bước đến gần hơn, không phải vì anh là “đại bàng” mà chỉ vì cách đây hai tuần, trong đêm văn nghệ mừng sinh nhật Đức Vua Thái, anh lên sân khấu hát một bài ca quen thuộc của nhạc si Hoàng Thi Thơ, giọng hát đầm ấm của anh đã gây bất ngờ cho nhiều người, trong đó có tôi và mấy cô bạn ở chung nhà.
- Chào cô Loan.
- Ủa? Sao anh biết tên em?
- Cô làm trên văn phòng Cao Ủy, ai mà không biết.- Còn anh là...?
Anh nhếch mép cười:
- Vân Đại Bàng.
Tôi ngồi xuống kế bên anh, làm quen:
- Hôm bữa anh ca bài “Đường Xưa Lối Cũ” hay quá chừng, ai cũng khen và mong bài hát thật dài.
Anh lắc đầu:
- Tại bài hát hay, mang đúng tâm trạng xa nhà của dân tỵ nạn, chứ tôi hát cũng thường thôi.
- Anh khiêm nhường không đúng chỗ rồi đó. Giọng hát hay là giọng hát được nhiều người công nhận, hôm đó hàng trăm người im lặng nghe từng câu hát của anh.
Bây giờ thì Vân Đại Bàng im lặng, tôi nói tiếp:
- Em và nhóm bạn mê bài đó lắm, nếu anh có thể chép lời bài hát đó cho tụi em, được không?
- Được chớ! Cô có giấy và viết chì thì cho tôi xin, khi nào viết xong tôi gửi ra cho cô.
Tôi lục giỏ đưa cho anh xấp giấy và mấy cây viết, chưa biết sẽ tiếp tục câu chuyện ra sao, bởi tôi và anh chẳng hề quen biết nhau, và tôi vào thăm nhà tù hôm nay chỉ là cho vui, chứ không có nhiệm vụ gì. Anh ta cất mấy tờ giấy vào góc tường, rồi lôi ra một bọc giấy, đưa ra mời:
- Cô ăn bánh bột mì chiên nhe, vợ tôi mới gửi vô hồi sáng.
Ở trại tỵ nạn, khi thấy nhiều cặp vợ chồng sống chung với nhau, khó ai biết được họ là vợ chồng thật từ Việt Nam có hôn thú hẳn hoi, hay chỉ là vợ chồng mới ghép vào ở chung ở trại, hoặc quen nhau trên đường vượt biên. Trong trường hợp của Vân Đại Bàng và chị Tuyết, ai cũng biết họ là “vợ chồng mới”, nghe đâu họ gặp nhau bên Cambodia, đúng nghĩa “trai tứ chiếng gặp gái giang hồ”, rồi cùng đi trên con thuyền qua xứ Thái này. Ở trại, chị mở quán nước nhỏ bán café, anh thì như các thanh niên rảnh rang khác, chẳng làm gì, thường xuyên tụ tập tại quán nhà uống nước, thỉnh thoảng nhậu nhẹt, bàn chuyện thời sự tỵ nạn, điều khiển đám đàn em chạy mua lén đồ ngoài hàng rào rồi bán lại cho dân tỵ nạn kiếm lời.
Tình hình đi định cư rất khó khăn cho những người tỵ nạn cuối mùa như chúng tôi, ai cũng phải qua cuộc thanh lọc bởi Bộ Nội Vụ Thái, nếu vượt qua được cuộc phỏng vấn này, thì mới có cơ hội qua trại khác chờ các nước phương tây cho đi định cư. Nhiều người bị đánh rớt từ vòng này, được Cao Ủy khuyến khích hồi hương.
Vân Đại Bàng và chị Tuyết cũng ở trong nhóm người đăng ký hồi hương, được sống trong khu riêng chờ đến ngày lên xe bus về trại Hồi Hương, làm thủ tục ra Bangkok bay về Việt Nam. Một số người trong nhóm này tự xem mình là “cùi không sợ lở”, không còn gì để mất, nên trong thời gian chờ ngày về, họ ăn nhậu xả láng và sẵn sàng quậy phá. Hàng tuần, hễ sáng mai có chuyến xe hồi hương, là y như đêm trước họ ăn uống, ca hát, quậy phá rồi đánh nhau với người ở khu khác.
Mới nhất là một đêm hỗn chiến tưng bừng, chúng tôi ở khu bên này chỉ dám đứng xa bên hàng rào kẽm gai nghe ngóng, đến khi nghe tiếng súng nổ từ văn phòng trại, mọi người hoảng hốt chạy về khu nhà mình, những vẫn nghe những âm thanh đánh nhau từ gậy gộc, dao búa và cả vài tiếng súng nổ thị uy của lính Thái. Cho đến gần nửa khuya, tình hình mới im ắng trở lại, và qua lời bàn tán lao xao của mấy “bà tám” trong trại, chúng tôi được biết có mấy người bị thương phải đưa vào bệnh viện bên ngoài, vài người cầm đầu cuộc hỗn chiến bị vào tù, trong đó có Vân Đại Bàng.Tôi vừa ăn bánh chiên, vừa tiếp tục câu chuyện làm quen:
- Tên của anh đẹp lắm đó! Ý em nói “Lê Nguyễn Anh Vân” chớ không phải “Vân Đại Bàng” nghen.
Anh ta bật cười:
- Tên ba tôi là Lê Anh Quân, hồi trẻ ổng có mối tình đầu với người tên Vân, nên khi sinh ra tôi, ba muốn đặt tên tôi là Lê Anh Vân, nhưng má tôi ghen, đòi để thêm họ Nguyễn của má tôi vào, thành ra tên tôi dài lê thê.
Câu chuyện tới đây phải đứt ngang vì tới giờ bà Pimpa kêu tôi về lại văn phòng làm việc.
Hai ngày sau, cũng trong giờ nghỉ trưa ở phòng Cao Ủy, có người mang đến cho tôi tờ giấy ghi bài “Đường Xưa Lối Cũ”. Tôi ngắm nhìn với niềm thích thú bất ngờ, vì tựa đề bài hát được viết theo lối thư pháp mới, bay bướm lãng mạn, nét chữ bút chì trong toàn bài nhạc rất đẹp, đều đặn, có chút lả lơi trên từng con chữ, mà đặc biệt nhất là bài hát được viết trên một bức tranh, cũng vẽ bằng bút chì, trong đó có đủ ánh trăng treo trên đồi, có lũy tre xa mờ, và bóng mái tranh nghèo bên đồng lúa chín.
Ở góc phải cuối bức tranh ký tên “Anh Vân” rất điệu nghệ, chứng tỏ người vẽ phải có một tâm hồn nghệ si mới trau chuốt tác phẩm của mình đến như vậy. Tôi say sưa mải mê với bức tranh lời nhạc, quên mất tác gỉa là một “đại bàng trại tỵ nạn”. Tôi vui sướng nghĩ thầm, Vân Đại Bàng có một trái tim nghệ si, mà tôi luôn tin rằng, những người có tâm hồn nghệ si thường là người tốt.
Tôi chạy vội đến nhà tù để nói lời cám ơn thì được biết anh đã được về nhà. Từ ngày đó, chúng tôi trở nên quen biết, thỉnh thoảng tôi và cô bạn ghé nhà anh chơi, có khi nghe anh đàn hát (anh thường được yêu cầu ca bài “tủ” Đường Xưa Lối Cũ), hoặc chúng tôi ngồi trao đổi chuyện thời sự của trại, chuyện văn nghệ văn gừng đó đây.
Có lần anh nói với chúng tôi:
- Nếu trong trại có ai gây gỗ, ăn hiếp tụi em thì cho anh hay, anh sẽ cho người đến “nói chuyện”.
Chúng tôi cười:
- Tụi em nhát như thỏ đế, cả đời chẳng dám gây lộn với ai, chắc không phiền anh ra tay.
Lần khác, thấy chúng tôi đi lãnh nước, anh nói:
- Kể từ bữa nay, anh sẽ cho người gánh nước đầy lu nhà em mỗi ngày, khỏi cần xách nước nữa.
Chúng tôi giẫy nẩy:
- Không sao đâu anh, tụi em xách nước là tập thể dục luôn mà.
Anh trợn mắt:
- Thôi đi cô nương. Tôi đã thấy bốn cô xách hai thùng nước, chỉ vài lô nhà mà phải dừng lại nghỉ hai ba lần.
Lúc này tôi đành phải thú nhận:
- Dạ, chẳng dấu gì anh, tụi em thuộc loại “tiểu thơ con nhà... nghèo”. Gia đình không giàu có gì nhưng được ba má cưng chiều, chưa làm việc nặng bao giờ.
Bữa đó, chúng tôi tập làm bánh tai yến chiên, là món ăn vặt phổ biến ở trại lúc bấy giờ, mang đến nhà anh để “góp vui”. Buổi tối gió mưa bão bùng ở trại tỵ nạn dễ làm lòng người nao nao, nhớ nhà da diết, nên người ta cũng muốn có người để trải lòng tâm sự.
- Gia đình tôi ở một xóm quê xinh đẹp miền An Giang, ba tôi là thầy giáo làng, nhưng ông mất sớm, tôi phải nghỉ học ngang phụ mẹ kiếm tiền lo cho đứa em gái. Cuộc sống nghèo khổ, thiếu sự dạy dỗ của ba khiến tôi trở nên lầm lì, đôi khi ngang bướng. Tới năm mười chín tuổi, tôi bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, qua bên Cambodia đánh nhau với quân Polpot được hai năm thì tôi đào ngũ vì không muốn lãng phí tuổi xuân cho cuộc chiến đầy bất công và nhiều bạo lực, tôi sợ hàng ngày phải chứng kiến cảnh chết chóc dù là của phía Việt Nam hay Cambodia, tôi bị ám ảnh bởi những trò tàn ác dã man của quân Polpot, tôi căm ghét quy luật của chiến tranh...
Nhưng tôi đâu có đường trở về nhà, tôi phải trốn qua khu Bắc Loong, đảo ven biển thuộc tỉnh Koh Kong, Cambodia rất gần với đất Thái. Ở đó một thời gian dài, vật lộn với đủ nghề kiếm sống, biết thêm luật giang hồ để sống còn nơi vùng đất hỗn tạp đó, vì đó là nơi dừng chân của các tàu viễn dương quanh vùng Châu Á, các thủy thủ lên nghỉ ngơi và tìm thú vui chơi nên gái làng chơi tìm về ngày càng đông đúc. Tôi sinh sống bằng nghề buôn lậu, mua hàng trên các tàu viễn dương, rồi mang vào trong đất liền Cambodia bán lại kiếm lời. Tôi thực sự đã bị dòng đời cuốn đi mà không biết khi nào sẽ được dừng lại, trở về thăm quê cũ, có mẹ già và em gái đang đêm ngày mong ngóng tin tôi, đó là lý do tôi hát bài “Đường Xưa Lối Cũ” với sự thổn thức từ trong đáy tim.
Tôi tò mò:
- Anh hát hay mà còn vẽ đẹp lắm đó, anh là họa si hả?
- Không, tôi chỉ có khiếu hội họa từ hồi còn học cấp hai, rồi tự vẽ khi thấy thích chứ không qua trường lớp nào hết.
Tôi đổi đề tài:
- Vậy tại sao anh có tên “Vân Đại Bàng”?
Anh đưa cho chúng tôi xem hình xăm hai con đại bàng hai bên cánh tay:
- Ồ, đêm đó chúng tôi hành quân và đóng tại một làng hẻo lánh bên Siêm Riệp, ông chủ ngôi nhà sàn nơi chúng tôi trú ngụ cả tuần lễ là một nghệ nhân xăm nổi tiếng trong vùng. Không hiểu do nhậu say vì rượu hay phút cao hứng của thằng đàn ông lang bạt chinh chiến, tôi đã đồng ý cho ổng xăm hai con đại bàng trên tay. Mà cũng nhờ nó mà khi phiêu bạt giang hồ nơi Bắc Loong, trong những trận đánh nhau với các nhóm buôn bán khác, tôi được nhìn với chút e dè sợ sệt nể nang, từ đó tôi có tên “Vân Đại Bàng” cho tới bây giờ!
Anh rít một hơi thuốc lá rồi nhìn ra ngoài mông lung:
-Tôi như người leo lưng cọp không có đường thối lui. Nhiều lúc buồn tủi và cay đắng cho thân phận không nhà, không quê hương, nhưng biết làm gì hơn? Cho đến lúc tôi gặp Tuyết, vợ tôi đây. Cô ấy trong nhóm gái ăn sương chuyên phục vụ khách thủy thủ viễn dương. Qua nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện và tâm sự nỗi đau xót xa quê hương, chúng tôi quyết định rời bỏ Bắc Loong, đi thuyền qua Thailand, hy vọng cuộc đời bước sang chương mới, tươi sáng hơn.
Tôi nhìn anh, phân vân:
- Ở trại tỵ nạn rồi, anh làm “đại bàng” làm chi nữa?
Anh trầm ngâm:
- Tôi cũng có muốn đâu! Qua đây gặp lại mấy người quen cũ làm ăn bên Bắc Loong, khi họ gặp sự ức hiếp từ ban trật tự, ban cộng đồng của trại, họ nhờ tôi can thiệp, rồi bao nhiêu chuyện bất công, đụng chạm khác xảy ra hàng ngày, khiến tôi lại nổi máu “Lục Vân Tiên”, thấy chuyện bất bình giữa đường chẳng tha.
Chị Tuyết xen vào, góp chuyện:
- Nhưng em thấy đó, tỵ nạn cuối mùa không còn tương lai nào chờ đón cả. Anh chị đều bị rớt thanh lọc, nên mới đăng ký hồi hương.
Tôi an ủi:
- Thôi thì cũng là dịp anh chị về với gia đình.
Chị Tuyết giọng buồn thiu:
- Chỉ có một mình chị về thôi em à! Anh Vân dự tính tìm đường ra ngoài Thái sinh sống.
Anh Vân nhìn tôi, giải thích:
- Có thể tôi về sẽ bị bắt vì tội đào ngũ xưa kia, vả lại, tôi đã từng thề không bao giờ trở về với hai bàn tay trắng.
- Vậy sao anh không đưa chị Tuyết đi theo?
- Đi trốn chớ có phải đi chơi đâu! Mới đây, ba má Tuyết gửi thư sang kêu Tuyết về nhà, cả gia đình đã tha thứ và đón chờ Tuyết trở về, làm lại cuộc đời.
…………………………………
Sau đó vài tuần tôi may mắn đậu thanh lọc, được chuyển qua trại khác chờ ngày lên đường định cư. Trong thời gian này, tôi nghe nói chị Tuyết cũng đã rời trại trở về Việt Nam, còn anh Vân thì trong một lần đụng độ với nhóm người Khmer trong trại, anh lại bị bắt vào tù, nhưng lần này là nhà tù ngoài Thái chứ không phải nhà tù trong trại tỵ nạn. Thế rồi tôi lên đường đi Canada, bỏ lại Thailand sau lưng với bao nhiêu niềm vui nỗi buồn không nhớ hết.
Chẳng hiểu sao hôm nay tôi lại nhớ đến cái tên Vân Đại Bàng dù bao nhiêu năm đã trôi qua? Có phải vì bài Đường Xưa Lối Cũ vừa tình cờ nghe được, hay cái tin từ người quen cũ cho biết trong chuyến về Việt Nam thăm nhà, họ có ghé qua Thailand chơi và gặp Anh Vân ngồi vẽ tranh chân dung trên đường phố phục vụ khách du lịch ở thành phố biển Pattaya? Còn một người khác thì khẳng định với tôi rằng đã thấy Anh Vân hành nghề chạy xe tuk-tuk ở thủ đô Bangkok. Chẳng biết chuyện thực hư ra sao, nhưng cả hai người đều nói Anh Vân có vợ người bản xứ, có hai đứa con, và chí thú làm ăn sinh sống như bao người lao động lương thiện khác trên đất Thái.
Vậy thì tôi mừng cho anh đó, Anh Vân ơi! Mừng vì cuối cùng anh đã thực sự trở về “đường xưa lối cũ” của con người anh, của cuộc đời anh. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, anh đã có dịp nào trở về quê, thăm lại “đường xưa lối cũ” mà anh từng khát khao ấp ủ, nơi vẫn có “bóng tre che thôn nghèo”, có “ánh trăng soi đường đi”, mặc dù có thể giờ đây mẹ anh đã ra đi bên kia cuộc đời và người em gái cũng đã theo chồng sang ngang?
Kim Loan, Edmonton
Tháng8/ 2024
No comments:
Post a Comment