Tuesday, April 2, 2024

Sống sót trong tuyết trắng: Khi người ăn thịt người


Câu chuyện từ một vụ tai nạn máy bay năm 1972 là một trong những sự kiện thảm khốc và kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại thời hiện đại. Những người sống sót đã phải ăn xác chết của chính bạn bè để có thể tồn tại trong hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt với tuyết phủ mênh mông trong ròng rã 72 ngày.

Câu chuyện được kể lại trong bộ phim “Society of the Snow” của đạo diễn J.A. Bayona đang được chiếu trên Netflix và hiện nằm trong bảng đề cử Oscar 2024 hạng mục phim nước ngoài hay nhất (phim nói tiếng Tây Ban Nha).
Cảnh trong “Society of the Snow” (Netflix)

Chuyện xảy ra như thế nào?

Ngày 12 Tháng Mười 1972, một chiếc FH 227 của Uruguay cất cánh từ Montevideo, bay qua Mendoza ở Argentina để đến Santiago, Chile. Hầu hết trong hơn 40 hành khách là sinh viên trường Cao đẳng Stella Maris, đang trên đường đi thi đấu một trận bóng bầu dục.

Điều khiển máy bay là cơ trưởng Julio César Ferradas, cùng phi công phụ Dante Hector Lagurara và một thợ máy. Ferradas là phi công giàu kinh nghiệm của không quân Uruguay, với 5,117 giờ bay và 29 chuyến bay qua dãy Andes. Sau khi cất cánh từ Mendoza, máy bay leo lên độ cao 15,000 feet và đi theo đường G17 (G17 airway) qua dãy Andes. Khi ở độ cao 15,000 feet, đầu cánh bên phải máy bay va vào ngọn núi và gãy lìa, cánh phải gập qua thân máy bay và cắt đứt một phần đuôi. Tiếp đó, cánh trái gãy đứt, thân máy bay rơi xuống sườn núi. Chiếc máy bay còn mới, chỉ 4 tuổi, với vỏn vẹn 792 giờ bay. Nguyên nhân thảm kịch đến nay vẫn chưa được biết.

29 người bị thiệt mạng ngay lập tức. Một số người sống sót sau đó cũng chết vì nhiễm trùng hoặc đói. 16 người còn lại, trước khi được cứu, đã phải sống trong môi trường cực kỳ kinh khủng, với tuyết phủ trắng xóa lạnh buốt. 72 ngày sống sót của họ là câu chuyện ngoài sức tưởng tượng. Không có nước uống và thức ăn, họ phải ăn xác của chính bạn bè mình.
Cảnh trong “Society of the Snow” (Netflix)

Một ký ức kinh hoàng

Kể lại với tờ The Guardian (trong số đăng ngày 4 Tháng Mười Hai 2023), tất cả những gì Nando Parrado (hiện 73 tuổi) nhớ lại là một ký ức kinh hoàng: “Tôi chết rồi. Tôi chết rồi. Đây là cái chết…” Sau đó, Nando Parrado cảm thấy: “Tôi khát. Tôi đang thèm nước. Nếu tôi chết, tôi không thể thèm nước.” Điều đó có nghĩa nhận thức của Nando Parrado dần hồi phục. Tại sao trời lạnh? Tại sao đầu anh choáng váng? Sau đó, có những giọng nói. Parrado mở mắt và nghe tiếng họ: “Nando, cậu ổn chứ? Nando, cậu ổn chứ?” Nando Parrado nhìn quanh. Anh đang ở trong một thân máy bay bị lật nghiêng. Chiếc máy bay là một đống sắt vụn…

Bạn của anh, Roberto Canessa, cho biết chiếc máy bay đã đâm vào một ngọn núi ba ngày trước và Parrado bất tỉnh kể từ đó. Nando Parrado bò đến chỗ chị gái và ôm chị ấy. Nằm bất động trên sàn, cô ấy không thể di chuyển. Thậm chí không thể nói, cô ấy chỉ có thể cử động mắt. Bàn chân cô bầm tím đen. Nando Parrado ngậm tan tuyết và truyền nước cho cô. Bò ra ngoài, Nando Parrado thấy trắng xóa mênh mông. Tất cả là tuyết. Tuyết trước mắt. Tuyết kéo dài mút chân trời… Vào Tháng Mười 1972, Nando Parrado mới 22 tuổi.

Những người sống sót bắt đầu giúp người bị thương và bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Gustavo Zerbino và Roberto Canessa, đều là sinh viên y khoa, phải làm tất cả những gì có thể để cứu những nạn nhân. Người ta tìm thấy viên phi công bị mắc kẹt trong buồng lái nát vụn. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ấy cho biết máy bay đã đi qua Curico và họ đang ở biên giới phía Tây dãy Andes. Nhóm người sống sót bắt đầu dựng bức tường dã chiến để chắn những cơn gió buốt, làm bằng vali, ghế ngồi và các mảnh máy bay. Họ phủ tuyết bít chặn tất cả lỗ trống. Trong 45 người trên chuyến bay, 33 người sống sót. Với cái chết của viên phi công, còn lại 32 người. Họ rúc vào nhau trong cái lạnh thấu xương.

Từ lúc tỉnh dậy, không lúc nào Nando Parrado không cảm thấy cận kề cái chết. Họ ở độ cao hơn 3,350 mét trên dãy Andes, nơi nhiệt độ có thể xuống tới -35C. Bão tuyết hoành hành liên tục và không khí loãng đến mức chỉ đứng yên là có thể bị hụt hơi. Nắng làm chói muốn nổ con mắt. Mọi thứ được phản chiếu với một màu trắng vô tận. Một bước hụt chân có thể khiến tuyết ngập tới hông. Họ không có áo khoác, không chăn, không có bất kỳ thiết bị leo núi nào. Tất cả đều khát không chịu nổi. Khát liên tục. Cổ họng bỏng rát và môi nứt nẻ.

Màn đêm khiến tình cảnh càng nghiệt ngã và tàn khốc. Bức tường tạm bợ không thể chắn gió hoàn toàn. Những tấm vải bọc mà họ xé ra khỏi ghế chẳng thể chống nổi cái lạnh. Quần áo đóng băng. Họ đấm vào cánh tay nhau để giúp máu tuần hoàn. Răng va vào nhau mạnh đến mức không thể nói chuyện. Họ rúc chặt vào nhau. Nando Parrado kể: “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là đếm từng giây cho đến sáng”…
Cảnh trong “Society of the Snow” (Netflix)

Ăn thịt người

Niềm hy vọng giảm dần. Vào ngày thứ tư, họ thấy một máy bay. Nhưng từ độ cao đó, phi công không thể phát hiện khúc thân vỡ màu trắng của chiếc máy bay gặp nạn. Những cơn đói bắt đầu tấn công. Một số người ăn da từ những chiếc vali hành lý rách nát. Họ ăn nhín đến mức tối thiểu. Họ chỉ còn lại một ít chocolate, chút hạt, kẹo, bánh quy, trái cây, lọ mứt, ba chai rượu vang và chút rượu. Chỉ có một cái bánh đậu phộng phủ chocolate mà Nando Parrado phải dùng đến ba ngày. Sau một tuần, anh biết mình phải làm gì. Một đêm nọ, anh quay sang người bạn Carlitos Páez và nói rằng mình sẵn sàng ăn thịt những thi thể nằm đông cứng bên ngoài.

Cuộc tranh luận kéo dài suốt buổi chiều. Một số phản đối nhưng hầu hết đều đồng ý với Parrado. Họ dùng mảnh kính vỡ để cắt thịt. Có người nói họ đồng ý để những người sống sót ăn thịt mình sau khi họ chết. Ngày nọ, Roy Harley loay hoay chế được một thiết bị bán dẫn. Nhờ vậy, vào ngày thứ 11, họ nghe một chương trình phát thanh, thông báo rằng nỗ lực giải cứu họ đã kết thúc. Người ta tin rằng tất cả nạn nhân đã chết…

Một trận bão tuyết kinh hoàng xảy ra. Trong 27 người còn lại chen chúc trong thân máy bay đêm đó, có tám người chết. Thân máy bay trở thành nấm mộ tuyết phủ kín chôn họ. Sau vài giờ, Nando Parrado dùng một cột sắt, cố đục ngược lên nóc để không khí có thể lọt xuống. Họ bị chôn như vậy suốt bốn ngày. Cuối cùng, khi những trận bão tuyết ngưng, họ đục tuyết thoát lên trên…
Nando Parrado (trái) và Roberto Canessa (giữa) dự cuộc họp báo ngày 6 Tháng Năm 1974, khi câu chuyện kinh hoàng của họ được thuật trong quyển ‘Alive: The Story of the Andes Survivors’ của tác giả Piers Paul Read (phải) (ảnh: Evening Standard/Hulton Archive/Getty Images)

Cuộc hành trình tìm sự sống

Vào ngày thứ 61, Nando Parrado, Roberto Canessa và Antonio “Tintin” Vizintín bắt đầu cuộc hành trình tìm sự sống. Dựa theo lời cuối cùng của viên phi công, họ tin rằng nếu leo lên ngọn núi ở phía Tây thì họ có thể đi xuống Chile. Vận quần áo nhiều lớp dày, dùng cột nhôm làm gậy chống, cùng chiếc ba lô đựng khẩu phần thịt trong ba ngày, ba người lên đường. Các chuyên gia cho rằng người ta không nên leo quá 300 mét mỗi ngày ở những ngọn núi cao như vậy nhưng ba người đã hoàn thành hai lần điều đó trong một buổi sáng.

Tuy nhiên, dù tính rằng cuộc leo núi mất 14 giờ, họ cũng phải mất ba ngày. Vào đêm đầu tiên, nhiệt độ xuống thấp đến mức chai nước của họ vỡ tan. Parrado là người đầu tiên lên đến đỉnh. Khi bắt đầu cuộc leo núi, họ ở độ cao 3,570 mét. Giờ đây, họ đứng trên đỉnh, ở độ cao 4,600 mét.

Tuy nhiên, mọi niềm vui đều tan biến khi không thấy thung lũng xanh của Chile đâu. Quanh họ, chỉ có những rặng núi trắng xóa và chập chùng đỉnh núi xa tận chân trời. Chán nản nhưng không thất vọng, Nando Parrado nghĩ rằng mình coi như đã chết rồi, chẳng lẽ lúc này bỏ cuộc? Anh quyết định tiếp tục đi, về phía Tây, nơi anh tin rằng mình sẽ đến đất Chile. Antonio “Tintin” Vizintín trở về điểm tập trung những người sống sót để tiết kiệm thức ăn cho Nando Parrado và Roberto Canessa.

Ngày qua ngày, hai người đi xuống sườn núi. Khung cảnh bắt đầu trông có vẻ bớt khắc nghiệt. Không còn tuyết phủ mênh mông, họ bắt đầu thấy cây cối. Thực hiện cuộc hành trình hơn 37 dặm trong 10 ngày, rồi men theo một con sông, họ thấy dấu hiệu của cuộc sống con người.

Cuối cùng họ thấy ba người đàn ông ở phía bên kia sông. Sau khi ném qua bờ sông một ít bánh mì cho họ, người chăn cừu Sergio Catalán Martinez vội vàng báo cho dân làng. Người ta chạy vội đến đồn cảnh sát gần nhất, cách đó 10 giờ đi xe la. Trực thăng cứu hộ lập tức lên đường đến địa điểm tai nạn máy bay trên dãy Andes… Mất 45kg so với 100kg lúc trước khi xảy ra tai nạn, sau 72 ngày, Nando Parrado không thể nhận ra chính mình trong gương…

Ngay sau khi những nạn nhân được cứu, không quân Uruguay và Chile dựng một ngôi mộ tại địa điểm tai nạn – một cây thánh giá bằng thép cắm giữa những tảng đá. Mẹ và chị gái của Parrado, cùng tất cả người chết, được chôn cất ở đó. Parrado đã đến nơi này 12 lần (lần cuối là năm 2006)… Hàng năm, vào ngày 22 Tháng Mười Hai, Nando Parrado và “những người anh em trên núi” gặp nhau để đánh dấu ngày kỷ niệm cuộc giải cứu. Nando Parrado gọi đó là sinh nhật chung của họ, khi họ được tái sinh…
Carlos Paez Rodriguez, Nando Parrado và Roberto Canessa trong buổi ra mắt ‘Society Of The Snow’ tại LHP Venice ngày 9 Tháng Chín 2023 (ảnh: Kate Green/Getty Images)

Thái Ngọc

____________

Dựa trên cuốn sách cùng tên năm 2008 của Pablo Vierci, phim “Society of the Snow” của đạo diễn J.A. Bayona đang chiếu trên Netflix và hiện nằm trong bảng đề cử Oscar 2024 hạng mục phim nước ngoài hay nhất (lễ công bố tổ chức ngày 10 Tháng Ba 2024). 

Phim có một số cảnh được quay ở địa điểm nơi chiếc máy bay thật bị rơi. Câu chuyện về thảm họa năm 1972 từng được đưa lên màn ảnh, trong đó có phim Alive năm 1993 của đạo diễn Frank Marshall và sau đó là Yellowjackets. Trong “Society of the Snow”, đây là lần đầu tiên những người sống sót và gia đình những người đã khuất đồng ý cho phép dùng tên thật của họ.



No comments:

Blog Archive