Friday, April 5, 2024

Nước Đức chuẩn bị đón tiếp Trump


BS Trần Văn Tích
Nước Đức đang chuẩn bị đón tiếp tình huống Tổng Thống thứ 45 trở thành Tổng Thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Chuẩn bị tuy âm thầm nhưng rất chu đáo.

Năm 2016 khi Donald Trump đắc cử Tổng Thống Mỹ thì nước Đức bất ngờ bị dội một gáo nước lạnh. Rất lâu trước đó, chẳng có ai nghĩ là Trump sẽ đắc cử và hầu như không có mối liên hệ giao thiệp nào với cánh Donald Trump cả.

Năm nay thì khác, người ta đã rút ra được kinh nghiệm rồi. Ai ai cũng tự hỏi nếu ngày 20 tháng giêng năm 2025 Trump tuyên thệ nhận chức Tổng Thống thì tình hình sẽ ra sao. Liệu NATO có sống sót không? Liệu có xảy ra chiến tranh thương mại không? Liệu Trump có qua mặt dân tộc xứ Ukraine để thương thuyết hoà bình với Putin không?

Rất nhiều câu hỏi được nêu ra tại Văn phòng Thủ tướng, tại Bộ Ngoại giao, tại Bộ Quốc phòng, tại Bộ Kinh tế. Đã và đang có mối liên lạc nào với phe cánh phò Trump không và nếu có thì sẽ sử dụng chúng như thế nào? Có cách gì để tạo chút ảnh hưởng lên tân chính phủ Mỹ không? Sẽ phải tăng ngân sách quốc gia lên bao nhiêu phần trăm nhằm ứng phó với quyết định rút khỏi châu Âu của tân chính phủ Mỹ? Tăng ba phần trăm trên ngân sách quốc gia hay tăng bốn, hay tăng năm phần trăm? Khi cái dù nguyên tử Mỹ xếp lại thì Đức sẽ ứng phó như thế nào? Đức sẽ tự mình sản xuất bom nguyên tử chăng?

Tất cả các câu hỏi này không ai dám đưa ra công khai cả vì như thế là ngỏ ý không tin tưởng vào chiến thắng của Tổng Thống đương nhiệm Joe Biden. Phe Trump sẽ tìm cách khai thác lợi thế của họ và tại Đức thì sẽ nổi lên một cơn tsunami chính trị liên quan đến đường lối trang bị nguyên tử và sản xuất vũ khí.

Dẫu thế nào đi nữa, thì Đức vẫn phải chuẩn bị để đối phó với hoàn cảnh Trump chiến thắng vì một nhiệm kỳ thứ hai của Donald sẽ mang lại những hậu quả to lớn khó lường về an ninh của Châu Âu và của nước Đức.

Khi Nga tấn công Ukraine thì Thủ tướng Đức đã bị đẩy về phe Tổng Thống Mỹ. Olaf Scholz ghi tên Joe Biden vào danh sách những đồng minh thân cận nhất. Không có Biden hầu như Scholz chẳng biết làm gì cho Ukraine. Yểm trợ vũ khí thì Tổng Thống Mỹ đi trước, Thủ tướng Đức đi sau. Đức tính toán kỹ lắm : chừng nào ta theo Mỹ thì ta yên thân, Nga không dám làm gì ta đâu. Người Pháp khó chịu thấy Đức thân Mỹ hơn thân Tây Âu. Giờ nếu bỗng dưng Biden ra đi và Trump lại đến thì đường lối chiến lược này sẽ ra sao?

Tháng tám năm ngoái có workshop của tổ chức German Marschall Fund qui tụ nhiều nhà khoa học cùng nhiều công chức cao cấp ngành ngoại giao và văn phòng Thủ tướng cũng tham khảo ý kiến của nhiều chuyên viên về cung cách đối phó với chuyện Trump tái hồi Toà Bạch ốc. Bộ Ngoại giao chỉ thị cho tất cả các vụ, sở, phòng cùng nhau nghiên cứu khía cạnh này.

Bên phía NATO và bên phía các cơ sở thương mại thì chuyện xoay sở ra sao khi Trump trở lại là chuyện công khai. Ở đây người ta quen với Trump nhiều quá mà. Phe ta cùng nhau nhắc lại dật sự mà giới chức Pháp Thierry Breton, Uỷ viên Liên Âu, đã kể ngày thứ ba vừa qua tại Bruxelles. Theo dật sự này thì năm 2020, nhân gặp mặt Chủ tịch Liên Âu Ursula von der Leyen tại Davos vào dịp Hội nghị Toàn cầu về Kinh tế, Trump đã bảo : “Bạn nên biết rằng nếu Châu Âu bị tấn công thì chúng tôi sẽ không bao giờ can thiệp. Hơn nữa, NATO chết rồi và chúng tôi sẽ ra khỏi NATO“. Bên cạnh NATO còn có số phận của các nước Albanien, Nordmazedonien, Bosnien-Herzegowina cùng các quốc gia vùng Westbalkan nữa. Berlin biết rõ lập trường của Richard Grenell, từng là đại sứ Mỹ ở Berlin và vốn là người tin cậy của Trump. Vị đại sứ này, tuy làm công tác ngoại giao, nhưng lại giao thiệp với nước sở tại và dân sở tại một cách bất thường. Ông ta cà khịa với Berlin và đấu khẩu với tờ nhật báo Bild.

Michael Link là giới chức đặc trách phối hợp giao thiệp xuyên đại tây dương giữa chính phủ Đức và Hoa Kỳ. Link tuyên bố là Đức cần một mạng lưới liên lạc hữu hiệu và rộng rãi với các chính khách thuộc phe Trump. Toà Đại sứ Đức ở Hoa-thịnh-đốn và các toà lãnh sự Đức ở Mỹ đã nhận được lệnh xúc tiến công tác ngoại giao-chính trị này. Link đã công du Hoa Kỳ sáu lần từ khi nhậm chức cách đây hai năm hầu tìm kiếm những mối manh quen biết ở các tiểu bang và ở quốc hội.

Tháng chín năm ngoái, nữ Ngoại trưởng Đức cũng sang Mỹ. Trước khi gặp đồng nghiệp Antony Blinken ở State Department, Bà Bearbock đã xuống Miền Nam, đến tiểu bang cộng hoà Texas. Tại Austin, Bearbock tiếp xúc với Thống đốc cộng hoà Greg Abbott là người nổi tiếng trong các vụ phá thai và di dân. Bearbock đã tìm cách dò hỏi Thống đốc Abbott về thái độ của đương sự đối với NATO nhưng không nhận được câu trả lời. Tại thủ đô Washington, Bearbock được Jim Risch, chuyên viên về ngoại giao của Đảng Cộng hoà và Mitch McConnell, lãnh tụ thiểu số cộng hoà tại Thượng viện, tiếp đón. Cả hai cùng bảo Bearbock : Berlin phải dấn thân hơn nữa trong vụ giúp đỡ Ukraine và cuối cùng, phải tăng ngân sách quốc phòng lên trên hai phần trăm ngân sách quốc gia.

Xoay sở thì xoay sở nhưng Berlin vẫn sẵn sàng chấp nhận tình huống tệ hại nhất, là NATO sẽ thay hình biến dạng, không còn như hiện thời nữa. Văn bản trình bày tình cảnh này là của Center for Renewing America, một tổ chức bảo thủ. Tác giả đòi hỏi biến NATO thành một NATO “ngủ“ và Mỹ sẽ rút khỏi NATO phần lớn để tập trung vào chuyện đối phó với Tàu cộng. Hành động như vậy sẽ bắt buộc người Châu Âu phải lo lắng nhiều hơn nữa để tự vệ. Còn Mỹ thì sẽ chỉ phụ trách tiếp tế hậu cần khi cần thiết và bảo vệ đường bể.

Không biết câu chuyện Thierry Breton kể ở Bruxelles thực bao nhiêu phần trăm. Chỉ biết là Trump còn bồi thêm với Von der Leyen : “Hơn nữa, các bạn còn nợ tôi bốn trăm tỷ Mỹ kim vì các bạn Đức đã không chịu trả đúng phần mình cho việc bảo vệ các bạn.“

Đức biết là trước sau gì mình cũng phải tăng thêm chi phí quốc phòng. Bộ trưởng Tài chánh cũng biết vậy nên đang hết sức tìm cách ứng biến. Thứ tư vừa qua, Christian Lindner, đảng FDP, ra trước Quốc hội. Lindner vớt vát là tiền phụ cấp cho con của các người lính trong quân đội Đức cũng có thể sẽ được tính vào tài khoản gia tăng ngân sách quốc phòng!

Riêng phần mình thì Thủ tướng Olaf Scholz vẫn hy vọng là bạn mình, Joe Biden, sẽ thắng.



No comments:

Blog Archive