Chiều Còn Nghiêng Nắng
Tác giả : Người Hạ Sĩ Nhứt
Mọi chuyện dường như là có sự sắp đặt. Trong cuộc đời tui, bao nhiêu lần vào sanh ra tử, cứ tưởng là sắp đi thăm ông bà ông vải, nhưng lại chưa. Bà xã, thỉnh thoảng vẫn chọc quê, "Nghèo mà ham; anh tưởng muốn đi là đi hả? Tui chưa cho anh đi thì hổng được đi đó. Nghe chưa?" Chuyện tình duyên thì cũng rụp, rụp, rụp - ý tui muốn nói là suôn sẻ đó. Còn chuyện người anh kết nghĩa thì như trên trời rớt xuống. Đúng là người tính hổng bằng Trời tính mà. ..Tía tui hay nói như dzậy.
Kể xa kể gần hổng bằng kể thiệt. Tui là con một trong gia đình nông dân nghèo. Nghe Má kể lại thì lúc được một tuổi rưỡi, tui bị bịnh phát ban gì đó, mà hai thầy thuốc Nam trong miệt cồn Dừa (tỉnh Phong Dinh) này đều bó tay. Tía bằng lòng bán miếng ruộng duy nhất của gia đình để có tiền đưa tui lên Sài Gòn chữa bịnh, nhưng đường đi quá cực khổ, và có thể tui sẽ chết trên đường trước khi tới nhà thương, thành ra lại phải quay trở về khi đi chưa được một phần năm đường.
Hổng lẽ ngồi khoanh tay nhìn con mình chết, Tía nghe người ta mách hái mấy lá gì đó trộn với sả nấu cho tôi uống. Uống xong, nghe Má kể lại, tôi giựt giựt mấy cái rồi nằm xụi lơ, rồi ngủ luôn 2 ngày. Khi tui thức dậy, Má khóc quá trời vì quá mừng. Qua được cơn bịnh này thì tui hơi chậm lớn và cũng hơi chậm nói - nghe Má nói như dậy. Giờ ngồi nghĩ lại thấy thương ổng bả quá trời.
Khi được 5 hay 6 tuổi tui hay lẽo đẽo theo Tía ra đồng, coi dùm Tía mấy cái cần câu trong lúc ổng làm ruộng. Ngồi hổng có gì làm, tui thường lượm gạch đá để chọi chim, rắn hay chuột đồng. Nhiều hôm tui chọi trúng được vài con chuột hay chim đem về cho Má nướng. Còn cá trê Tía câu, Má kho tiêu ngon lắm. Thỉnh thoảng Tía uống rượu đế với mồi cá kho tiêu, và khi uống rượu Tía nói nhiều hơn mọi ngày. Phải nói là cuộc sống khá êm đềm.
Tới 8 tuổi tui mới đi học, nhưng tui học dở lắm, chắc là tại quá ham chơi. Khi rảnh tui chặt cành có chảng 3 làm ná bắn chim (thay vì chọi đá như hồi nhỏ). Tui cũng hay chơi bắn bi với tụi nhỏ hàng xóm. Phải nói là tui dùng ná rất giỏi vì ngày nào tui cũng đem chim, vịt trời hay chuột về cho Má làm đồ ăn. Khi bắn bi cũng vậy, tụi bạn thua tui dài dài, thành ra có tiền mua bánh tráng, xôi với “cà lem” ăn. Chỉ có học là tui dở thôi. Học đó rồi quên đó. Phải học lớp Năm đến 2 hay 3 lần mới được lên lớp 6.
Có lần tan học, trên đường về, tui đi vào vườn mía đỏ bỏ hoang (thân mía màu ưng, tím đỏ hồng, mềm và ngọt khỏi chê luôn). Muốn được mía lớn tui phải đi tuốt vô trong sâu lựa cây ngon. Đang kéo chiến lợi phẩm ra, thì tui thấy đau điếng dưới chân. Nhìn xuống thì trời ơi, một con trăn bự đang cắn chặt vô cái bắp chuối. Tui cố kéo chưn ra nhưng hổng xong vì con trăn mạnh quá. Thân nó trườn tới và nhanh chóng quấn luôn chân kia.
Biết là hổng xong nếu tiếp tục cái đà này, tui la lên cầu cứu nhưng vì ở tuốt trong sâu, hổng ai nghe. Hai chưn bị trăn cột xiết rồi, tui ngã xóng xoài - chuyện đi thăm ông bà sớm là cầm chắc trong tay. Hai chưn đã tê cứng. Chợt nghĩ tới Tía và Má, tui như bừng tỉnh và quơ đại cái cặp táp. Đang dùng cái cặp táp da đập vô đầu con trăn, cây viết văng ra. Tui dùng cây viết đâm túi bụi vào đầu vào mắt con trăn. Đâm hết mắt này rồi đâm qua mắt kia. Chắc là bị tui đâm khá sâu vào mắt, con trăn tự nhiên nhả chưn ra, lăn lộn, hổng xiết nữa, và bò đi nơi khác.
Hôm đó về, Má khóc nhiều lắm. Má cứ lẩm bẩm cám ơn ông bà che chở. Má nói là cái số tui chưa rụng. Tía tới vườn mía hoang và bắt được con trăn bự bà chảng. Đem ra chợ bán thịt được gần hai chục đồng. Lúc đó 1 lượng vàng chỉ có 65 đồng. Tía nói sẽ dùng tiền này cho tui khi đi học xa, hay lúc cưới vợ. Tía cấm hổng được đi vô rừng mía đó nữa. Nói cho cùng, sau cái vụ trăn quấn thì có cho tiền tui cũng hổng dám vô.
Tui học ạch đụi tới năm 15 tuổi mới học xong lớp Nhứt. Thấy tui học chậm, Tía cho tui ở nhà phụ làm rẫy. Mùa hè năm sau nhóm trẻ tụi tui đá banh thắng nhóm bên cồn Cát 3-2. Tui đá vô “gôn” luôn 2 trái trong vài phút chót vì tui chạy lẹ lắm. Được 80 đồng phần thưởng, tui dẫn "đội banh nhà" ra chợ ăn gỏi đu đủ và uống nước mía.
Thắm, cô bán nước mía, nhận ra tui, nhưng tui hổng nhận ra cổ. Hỏi ra mới hay là tui học cùng lớp với Thắm 6 năm trước. Cổ khác hẳn lúc còn nhỏ ốm nhom, đen thui . Thắm giờ có da có thịt, da bánh mật, nói chuyện có duyên, và biết buôn bán.
Sau lần đó, tụi tui kết nhau. Đưa Thắm về nhà, Tía và Má mừng lắm. Má nói là Má luôn muốn tui có người anh để giúp đở bảo bọc vì tui chậm chạp và thật thà. Nay có người bạn đời giỏi như Thắm đến với tui, Má vui lắm. Tám tháng sau, tụi tui lập gia đình. Khoảng 1 năm sau khi cưới vợ thì tui phải nhập ngũ.
Chỉ sau vài tháng trong Quân Trường Quang Trung, vì được nhiều sự chú ý của các huấn luyện viên cao cấp bởi tui chạy đua rất mau (chắc vì muốn thắng đá banh để có tiền mua nước mía), và tui bắn súng hết xẩy ( là vì chọi đá bắt chuột, dùng ná bắn chim, bắn bi kiếm tiền mua đồ ăn... hồi nhỏ), tui được huấn luyện đặc biêt để trở thành xạ thủ.
Khi mãn khóa ở Quang Trung, tui được chuyển đi Kontum với cấp bực binh nhì trong đội Biệt Kích. Nhiệm vụ của tui là trốn trên những đồi cao có nhiều cây, quan sát, truyền tin và bắn tẻ khi được lịnh. Có khi tui đi chung nhóm 3 hay 5 người, và có khi chỉ có mình ên. Thường được thả trên rặng Trường Sơn vào những đêm sương mù dầy đặc.
Những lúc đi xa, tui nhớ Thắm, nhớ Má và Tía lắm. Cái sướng của công việc này là tui dùng sở trường của mình (chạy mau và bắn giỏi) để phục vụ đất nước. Tui cũng khoái vụ trốn trên núi cao vì hồi nhỏ thích chơi Năm Mười. Xếp tui dặn là bất cứ ai hỏi thì tui phải nói tui là lính kiểng gác kho gạo trên Đà Lạt.
Mà cũng hay, vì sau khi núp trên núi vài tháng nên da trắng và tóc dài, tui dòm cũng giống lính kiểng lắm chớ bộ. Sau mỗi lần đi công tác vài tháng tui được nghỉ phép cả tháng với rất nhiều tiền (hình như là tiền tử) khi về thăm gia đình. Tiền bạc dồi dào, tui mua đồ cho mọi người mút chỉ. Vì vậy bạn bè, hàng xóm thương, che chở và giúp đỡ tui.
Lần đó sau khi về thăm nhà chưa được 2 tuần lễ, tui bị gọi về gấp vì có chuyện lớn. Đi lẹ ra Ô Môn, vô sân bay Trà Nóc, bay thẳng về KonTum để nhận lịnh. Trước khi được điều động lên một địa điểm bí mật trên rặng Trường Sơn để thăm dò như các lần trước, tui được dặn là phải cố gắng thật nhiều tìm 2 đồng nghiệp Biệt Kích của tui (BK) đã mất liên lạc trong vùng đó.
Điều may mắn lần này là tui tìm được 2 người Biệt kích kia không xa lắm nơi đáp xuống. Một người đang bị bịnh. Máy truyền tin bị hư, và đạn dược thiếu thốn tại vì một số lớn quân nhu bị rớt mất khi thả dù. Tụi tui núp trong 1 hang núi sâu trên cao để dễ quan sát, và có nhiều cây rậm rạp. Điều không may mắn lần này là tụi Việt Cộng biết được sự có mặt của nhóm Biệt kích vì họ tìm ra số quân nhu và dụng cụ bị rớt. Họ săn lùng tìm kiếm ráo riết. Để được an toàn, tụi tui im hơi lặng tiếng và chỉ bắn tỉa khi thiệt cần.
Sau cùng cũng phải giáp trận bắn trả vì tụi nó tới quá gần, nhưng tụi tui cố bắn thật ít vì thiếu thốn đạn dược. Bọn việt cộng dù đông hơn, nhiều đạn hơn, nhưng hổng dám mạnh dạn tiến lên vì bọn chúng ở vị trí dưới thấp, trong khi nhóm tụi tui phía trên cao bắn xuống phát nào trúng phát nấy. Cầm cự được hơn 6 tiếng đồng hồ, thì nhóm tui gần như hết đạn. Chỉ còn vài trái lựu đạn để tử thủ. Tui cầm chắc là mình không qua được con trăng này. Nghĩ tới Thắm, tới Tía và Má, tui chạnh lòng.
Trong cơn nguy hiểm như chỉ mành treo chuông, bỗng nhiên máy bay trực thăng tiếp cứu tới. Máy bay phải đánh đông phạt tây, giả bộ bắn rát dọn bãi đáp xuống ở chỗ khác (điệu hổ ly sơn) và cuối dùng hỏa mù để cứu nhóm tui. Trong phi vụ này, tui bị thương vì té gẫy tay và được đưa về Chẩn Y Viện Cộng Hòa điều trị.
Sau thời gian dưỡng thương, tại tay hổng còn khỏe và chính xác như ngày trước, tui được chuyển về một quận lỵ nhỏ gần Suối Dây, tỉnh Tây Ninh với cấp bực Hạ Sĩ Nhứt và giã từ cuộc sống Biệt kích Đặc Biệt từ đó.
Khoảng 4 tháng sau thì Thiếu Úy Đức, người Bắc tới làm Phó Quận Trưởng. Tui được lựa làm gạc đờ co (bảo vệ) cho ông Phó. Vài lần đang lái xe jeep chở ông Phó đi quan sát ngoài biên giới quận thì tụi cộng phỉ bên kia rừng tràm bắn lén. Vừa nghe tiếng nổ là tui phản xạ đẩy Thiếu Úy nằm xuống, che cho ông, và cùng lúc tui nhả hàng loạt đạn về phía tiếng nổ.
Sau vài lần như vậy, tui được tin cẩn hơn và trở thành cánh tay trái của ổng. Tui luôn khuyên ổng phải cẩn thận, vì đây là vùng xôi đậu không biết ai là địch, ai là thù. Tuy là thượng cấp, nhưng ổng cũng xem tui như người nhà.
Một lần đưa ổng đi xem nhà cửa của dân làng do nhóm lính sửa chữa, Thúy Úy gặp cô Hân, con gái bà chủ căn nhà ở cuối quận, kế bên con sông nhỏ ngăn cách khu rừng Tràm âm u bên kia). Theo như tui thấy thì hình như lúc gặp cô Hân, Thiếu Úy bị tiếng sét ái tình hay sao đó vì ổng đứng như trời trồng và nói năng lắp bắp. Thấy kỳ quá, thêm nữa khu này nguy hiểm khi trời sâm sẩm tối, tui nói thay cho ổng:
- Trễ rồi, Thiếu Úy. Mình phải đi dzề. Chào cô.
Cô Hân đẹp, ăn nói khéo léo… chắc là người bên kia, gài lại nằm vùng đây. Tía của cô vắng mặt. Hay là ông ta đã tập kết ra Bắc? Thêm nữa, tên Ba Thọt (ở đối diện nhà cô) - một người có tiểu sử và hành động rất khả nghi - thường qua lại nhà cô thăm viếng.
Mỗi sáng khi cô Hân đi làm ngang văn phòng quận, tui thấy cô cố tình đi chậm lại. Hay là cô đang nghe ngóng tin tức? Hay là xem cá có cắn câu chưa? Hay là đang dò xét tình hình trong văn phòng quận để tường trình cho phe bên kia?... Hàng trăm câu hỏi, nhưng hổng có câu trả lời. Thôi, tốt nhứt là tui nên đề phòng thì vẫn hơn.
Vài tháng sau, Kontum, Ban Mê Thuột và nhiều vùng cao nguyên thất thủ. Rồi Bảo Lộc-Madagui vào tay bọn quỷ đỏ...
Một buổi chiều tháng tư, tụi cộng phỉ đem xe tăng, súng lớn tới tấn công quận. Đại Úy Long quận trưởng mất tích. Thiếu Úy Đức và các anh em quân đội tụi tui liều chết bắn chặn quân địch. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, lực lượng tiểu đoàn phòng thủ quận dần tan rã. Kẻ chết, người bị thương, người chạy trốn.
Tui và Thiếu Úy đều bị thương nhẹ. Cùng đường, hai thầy trò chạy về phía sau cuối quận. Đinh ninh là Ba Thọt hay cô Hân sẽ chờ để bắt sống hay thanh toán tụi tui ở đó, tui cầm chắc khẩu tiểu liên sẳn sàng mạng đổi mạng. Khi chạy tới gần con sông cuối quận (gần nhà cô Hân), Thiếu úy ngã quỵ vì kiệt sức.
Đang đỡ Thieu Úy Đức ( TUĐ) lên, thì cô Hân chạy ra mở cửa rào ra dấu cho tụi tui vào nhà gấp. Khi vào trong, cô băng bó cánh tay của TUĐ. Cô đưa cho tụi tôi 2 nắm cơm và ít nước lạnh để ăn cầm hơi. Trong lúc tui và TUĐ ăn, cô lấy 2 ruột xe đạp, bơm lên, và đưa cho tụi tui. Cô ta chỉ tay vào con sông sau nhà:
- Hai anh thả nổi chừng 8 hay 9 cây số sẽ tới nhà thờ Suối Dây. Nhớ tìm người linh mục gốc Nam Định xin giúp đỡ. Chừng nào khỏe lại thì đi. Nếu tình hình lộn xộn quá, thi trốn qua Kampuchia. Hai anh đi cho lẹ trước khi họ tới đây.
Lúc đó tui mới biết là mình sai. Cô Hân là người ơn, chứ không phải là vc như tui nghĩ. Món nợ cứu mạng này lớn lắm.
Khi tụi tôi xuống sông thì trời đã tối. Nương theo dòng nước hai thầy trò tới nhà thờ Suối Dây khoảng 2 đêm hôm ấy. Người Linh Mục dấu tụi tui ở đó gần 3 tuần lễ dưỡng thương. Khi gần như hồi phục hoàn toàn, TUĐ và tui chia tay. Hôm đó cả hai đều khóc. TUĐ nghẹn ngào:
- Hạ Sĩ Nhất Sơn. Tôi bao giờ cũng xem chú như người nhà. Cám ơn chú... đã làm việc với tôi trong 2 năm qua, và... đã giúp đỡ tôi trong cơn hoạn nạn này. Nếu còn duyên thì anh em mình sẽ gặp lại.
Sau khi từ giã TUĐ và người Linh Mục, tui tìm đường về Cần Thơ đoàn tụ với gia đình. Mất mấy ngày mới về tới Sài Gòn. Phải mất thêm cả tuần nữa lặn lội mới quá giang về đến cồn Dừa vì xe cộ giao thông bị đình trệ sau ngày tháng 4 đen ấy- cái ngày mà hàng vạn người vui, nhưng hàng triệu người buồn. Khi bước vô nhà, Má tui bật khóc vì quá mừng. Thắm thấy tui tiều tụy quá cũng khóc. Tía thì nhờ người hàng xóm đi mua ít đồ ăn mừng ngày đoàn tụ.
Hai hôm sau, ba tên công an tới nhà chỉa súng bắt tui đi lên xã. Tên xã trưởng là một tên Bắc Kỳ răng hô như mã tấu bẩn thỉu với khuôn mặt khắc khổ nhăn nheo hơn một cái mền rách. Hắn đập bàn đánh phủ đầu với giọng Bắc đặc sệt vô văn hóa:
- Mày có biết tội phản động làm việc cho CIA cũa Mỹ Ngụy nặng như thế nào không? Tội ác của mày lớn lắm. Mày có nợ máu với nhân dân.
- Thưa anh xã trưởng...
- Ai là anh em đồng chí với bọn phản động như mày.
- Dạ thưa xã trưởng. Tui chỉ là lính kiểng đi gác kho ở Đà Lạt. Tui có bắn giết ai đâu?
- Tao có hồ sơ của mày. Đừng chối cãi nữa. Nhận tội đi. May ra được đảng khoan hồng.
- Thưa xã trưởng, chắc là có người trùng tên, chứ tui đâu có làm gì như dậy.
- Giam thằng này lại. Đồ ngoan cố, mất dạy. Tuần tới đưa nó lên phòng công an tỉnh để giải quyết.
Tui bị nhốt 8 ngày trước khi bị chuyển lên ty công an tỉnh Cần Thơ. Khi vào gặp tên trưởng phòng công an, tui không dè đó là thằng Huân trong đội đá banh ngày nào. Nó ăn gỏi đu đủ bò khô và uống nước mía với tui sau các trận đá banh vài lần. Thêm nữa mỗi lần tui về thăm nhà, tui đều có mua đồ cho thằng Huân và cho dì Tám má nó. Tui cũng nói là làm lính kiểng trên Đà Lạt, khi nó hỏi.
Thằng Huân nhận ra tui ngay. Tui chỉ trả lời bằng những gì mà sếp cũ của tui dặn nói. Tui đổ thừa là có người trùng tên. Nhờ thằng Huân dễ dãi, tui thoát nạn.
Tui đi tù cộng sản mấy tuần dành cho Hạ Sĩ Quan. Sau đó về làm rẫy với gia đình ở cồn Dừa.
Xã hội dưới tay bọn đảng CSVN xuống dốc như xe hổng thắng. Ai cũng nghèo, đói, và khổ cực. Gia đình tui làm rẫy, cũng bữa đói, bữa no, nhưng đỡ hơn nhiều người. Tui lại bắn chim sẻ, vịt trời như hồi nhỏ. Tiếp tục bắt chuột đồng, bắt cá lóc hay cá trê dưới ruộng làm khô lén để dành cho những ngày mưa gió.
Hai năm sau thì Thắm cho gia đình tui một tin vui là thằng con trai đầu tiên. Rồi năm sau nữa thì thằng thứ hai. Khi miếng ruộng duy nhất của gia đình bị xung công, Tía rầu rĩ sanh bệnh và ra đi năm sau đó. Mất đất trồng trọt, gia đình dọn về Ô Môn năm 1979. Vợ chồng tui làm công làm mướn bất cứ thứ gì ở chợ Ô Môn để kiếm tiền.
Đã 8 năm từ ngày rời Suối Dây, tui hổng có tin tức gì về Thiếu Úy Đức (TUĐ). Tình cờ năm 1983 khi đi mua bán đồ ở chợ Cái Răng, tui gặp Đại Úy Long (ĐUL) Quận Trưởng năm nào. ĐUL mới được thả về từ trại tù khổ sai của cộng sản trước đó 6 tháng, và còn đang bị quản chế. Đi đâu cũng phải xin phép và trình diện mỗi tuần. Thấy tình trạng ĐUL thảm quá, tui cho ổng 1 con khô mực và nửa ký gạo dấu trong sách tay. ĐUL nói là có gặp TUĐ trong trại tù cộng sản mùa thu năm 1977.
Khoảng 2 năm sau, nghe nói là TUĐ vượt ngục rồi bị bắn chết ở gần biên giới Lào làm gương cho kẻ khác. ĐUL cũng cho biết là khi được thả, trên đường về ổng nghỉ một đêm tại quận lỵ ngày xưa vì không còn xe về Sài Gòn. Quận tiêu điều lắm. Tui hỏi về mấy căn nhà ở phía cuối quận kế bên con sông nhỏ. ĐUL nói là 2 căn nhà đó đã bỏ hoang, xiêu vẹo, không người ở. Nghe làng xóm nói là bà già (má cô Hân) đã chết và chôn trong ngôi mộ nhỏ sau nhà. Đứa con gái (cô Hân) thì biệt tăm. Hình như đã chết trôi vì người ta tìm thấy dép của cổ và cục xà bông ở bờ sông sau nhà.
Tui nghe xong cảm thấy choáng váng như bị trúng gió. Hôm đó tui về nhà ngồi khóc hu hu. Vợ tui hỏi. Tui kể lại sự tình. Tội nghiệp vợ tui. Thắm làm một bàn thờ cho TUĐ trên nóc tủ kế bên bàn thờ của Tía và Má, và tối đó cúng 1 chén cháo trắng.
Làm ăn ở chợ Ô Môn khó khăn, gia đình tui mướn một miếng đất cách Ô Môn 20 cây số để trồng khoai mì và khoai lang. Tui dạy 2 đứa nhỏ làm bẫy bắt chuột đồng, làm ná bắn chim... Vợ chồng tui thì quen cảnh nghèo rồi. Chỉ tội 2 đứa nhỏ thiếu ăn và tương lai mù mịt. Nhiều đêm nóng nực hổng ngủ được, tui cứ nhớ lại những ngày tui ở Suối Dây. Nhớ TUĐ và nhớ cả người đã cứu hai thầy trò. Chỉ biết chắc lưỡi thở dài cho người vắn số.
Sau nhiều kế hoạch kinh tế do những “đỉnh cao trí tuệ” của đảng cộng sản đưa ra đều bị thất bại thê thảm, chính quyền thả lỏng và có ý muốn đi theo kinh tế thị trường tự do. Cuộc sống dân nghèo trở nên dễ thở hơn một chút. Gia đình tui bắt đầu nuôi heo để thanh toán số khoai lang ung thúi khi bán hổng hết.
Làm sao tui quên được buồi chiều hôm ấy. Đó là một buổi chiều đầu tháng Tư năm 1995, khi tui đang làm rẫy, đắp bờ ngăn nước không cho tràn vào đất trồng trọt quá nhiều, thì Thắm ra rẫy gọi về nhà có khách. Khi về nhà thì thấy 2 người ăn mặc sang trọng có vẻ đàng hoàng. Tui không nhận ra người đàn bà, nhưng người đàn ông thì nhìn quen lắm.
Sau vài giây ngỡ ngàng, người đàn ông nhìn tui và nói một cách ngậm ngùi trong nước mắt:
- Chú Sơn có nhận ra tôi không? Anh Đức đây!
- "Hả ... Ôi trời ơi, Thiếu Úy Đức... ông Phó!" Tui trả lời khi nước mắt bắt đầu ứa ra vì quá mừng.
- Đừng gọi như vậy. Gọi là anh hay anh Đức vì chú là em của tôi mà.
- Dạ, dạ... ông Phó, à quên... anh Đức. Tưởng là anh đã... Gia đình tui làm bàn thờ cho anh mười mấy năm nay.
- Thắm ơi, đây là anh Đức. Thằng Tân, thằng Hoàng, ra chào Bác Đức.
- Còn đây là bà xã của anh.
- "Dạ, chào chị. Dạ, chị tên gì?" Tui hỏi.
- "Chú nhìn kỹ xem ai? Cô Hân ở Suối Dây đó." TUĐ trả lời.
Tui lặng cả người và đứng chết trân. Người ơn của tui bằng xương bằng thịt ngay trước mặt. Thời gian như dừng lại. Nước mắt bắt đầu chảy tràn trên mặt, và giọng nói lạc đi:
- Tui hổng có dè có ngày này... 20 năm rồi. Cám ơn anh chị ... đã nhớ đến tui... Tui mừng quá. Sao... tới bây giờ anh chị mới tới ? Tui có nằm mơ hông?
TUĐ lau nước mắt, rồi chậm rãi nói:
- Chuyện dài lắm. Sẽ kể sau. Bây giờ anh chị mời cả nhà đi ăn mừng. Tôi tốn cả tuần đi kiếm cô chú đó.
* * *
Nghe anh kể lại chuyện trốn khỏi trại tù năm 1979, và bao nhiêu lần vượt biên hụt, tui nể quá. Chuyện chị giả chết trôi để trốn khỏi Suối Dây và những lần vượt biên bị bắt thì cũng ly kỳ quá trời. Rồi đến khúc hai người gặp lại nhau bên Mỹ, tui mừng như là chuyện của mình. Tui hãnh diện có được ông anh và bà chị dâu giỏi như vậy.
Mấy bữa sau, vợ chồng anh Đức mướn xe đưa gia đình tui đi thăm Suối Dây. Trên đường về, thì ghé Vũng Tàu tắm biển. Thấy thương bà xã và 2 đứa con tui quá. Lần đầu tiên vợ con tui được đi xe hơi, được đi ra khỏi Cần Thơ, được lên Sài Gòn, được đi Suối Dây, được ra tắm biển Vũng Tàu, được đi ăn nhà hàng, được uống nước ngọt cô ca cô la...
Trước khi về Mỹ, tui hổng dè vợ chồng anh lại giúp một số tiền lớn để mua một cửa hàng gần chợ Ô Môn buôn bán nông phẩm cho gia đình tui đỡ cực. Anh chị nói sẽ về thăm thường xuyên hơn.
Tối hôm đó tui thắp nhang cho Tía và Má. Tui thì thầm "Má ơi, Má luôn muốn là con có người anh để che chở cho con. Má ơi, điều Má muốn đã xẩy ra. Con cám ơn Tía và Má."
Như tui đã nói, cuôc đời tui như có sự an bài hay sắp xếp. Vào sanh ra tử bao lần, mà hổng sao. Duyên phận củng thẳng tắp. Khúc sau cuộc đời, cực thiệt, nhưng lại có thêm người anh nuôi và chị dâu hổ trợ. Bây giờ tui hổng có kỳ vọng nào hơn là sẽ có một ngày cái nhóm mắc dịch, khốn nạn, vô thần, vô đạo đức này tan rã cho tui nhờ và cho người dân bớt khổ.
Nguồn : Sài Gòn Trong Tôi
No comments:
Post a Comment