NGHỀ TAY TRÁI
NGUYỄN ĐÌNH PHƯỢNG UYỂN
Để tồn tại ( trong lúc chưa chết ) nhà tôi đã làm đủ thứ nghề. Thôi thì chăn nuôi, làm nương phá rẫy, buôn tạp hóa, thuốc lá, đi bỏ mối bia, bánh, bổ cau ….hầm bà lằng xắng cấu. Ấn tượng nhất là những lần bố mẹ tôi được người quen mách bảo cách chăn nuôi kiếm tiền.
Đầu tiên, nhà tôi nuôi thỏ và gà. Chuồng trại thuê người tới đóng. Ga ra ( nhà trong Làng Báo Chí có mẫu xây như vậy chứ chưa bao giờ nhà tôi sắm xe hơi nhưng cũng tiện làm chỗ để xe máy hay xe đạp ) là chái nhà liền với phòng ngủ nhỏ, chỉ cách một bức tường có cửa sổ thông nhau, trở thành “Trại súc vật”. Thỏ đẻ là ông cụ ra vào thăm cả đêm vì sợ lũ chuột cắn chân thỏ con. Đáy chuồng là lưới ô vuông, đủ lớn để phân rớt xuống đất cho mình quét dọn. Chân thỏ con mới đẻ bé như cây tăm, thập thò qua những cái lỗ mắt cáo, lũ chuột rình mò đống đồ ăn rơi vãi thế nào cũng nghiến đứt chân chúng. Công toi ! Khi thỏ con lớn một chút bố tôi hay thả chúng vô nhà chơi. Năm sáu con nhảy lưng tưng, con nào cũng tròn ủm. Thỏ trắng, vàng, xám, mắt đỏ. Thỏ đen hay đốm, mắt đen xanh. Mấy con mắt ngơ ngác đến phát tội. Bế nó trong tay như nâng nắm bông gòn mềm mại có màu sắc. Nó run như rẽ, mũi hin hin, lộ hai cái răng bé tí.
Bốn con gà, Bố bảo cho bốn anh em mỗi đứa một con để chăm. Chăm gì? Bố chăm là chính, tụi tôi chỉ việc ngắm. Gà đẻ trứng. Ông soi qua ánh sáng trời để biết quả nào có trống rồi cho gà ấp. Bốn con ấp ra bốn lứa, mỗi lứa cả chục con. Gà lớn nhốt chuồng không sao. Gà con cả bày, sáng ra là chí chóe inh ỏi đòi đi chơi nên bố tôi thả ra hết cho chúng đi kiếm ăn. Khổ! Gà mẹ nào cũng sợ lộn con. Gà con đàn A mà chạy qua đàn B, sẽ bị gà mẹ đàn B mổ đến chết. Đằng này, sân nhà bé tẹo, gà đến bốn đàn. Hết con này bị mổ đến con kia bị mổ. Bán được vài mẻ trứng, đàn gà èo uột dần rồi lần lượt nhảy vô nồi hết. Chắc lúc đó bố mẹ tôi buồn lắm nhưng mấy anh em tôi thì hớn hở ra mặt, tíu ta tíu tít. Thời đói vàng mắt, cơm suông đã là cao lương mỹ vị huống hồ gì có thêm gà rô ti.
Thỏ thích ăn cà rốt và cỏ. Cà rốt thời ấy đến người còn không có ăn, nói gì thỏ. Bố tôi đi khắp nẻo ruộng đồng để cắt cỏ. Hình như lúc đó nhiều người nuôi thỏ nên cỏ khan hiếm. Bò ở ngoài đồng gầy tong teo vì bị người giành hết thực phẩm. Bố tôi đạp xe từ An phú xuống tận Cát Lái để kiếm cỏ. Có lần ông xỉu giữa đồng không mông quạnh, không ai hay biết. Tỉnh dậy, ông lại tiếp tục cắt cỏ cho đầy hai bao. Sau lần ấy, thằng em mười một, mười hai tuổi có nhiệm vụ đi hành quân cùng với ông để có chuyện gì “Bộ tổng tham mưu” còn biết đường mà kiếm. Cỏ phải cắt từng ít một, đủ cho thỏ ăn trong một hai ngày thôi. Để lâu cỏ thối, thỏ ăn sẽ bị đau bụng rồi lăn quay ra chết. Ông bà cụ còn cho nó ăn thóc, châm nước uống.....Ai bảo thỏ không uống nước là sai lầm nhé, có đấy ! Nhưng phải tránh không được làm ướt bụng thỏ. Da bụng nó mỏng tang nên dễ bị đau bụng. Hôm nào Hợp Tác Xã bán rau tem phiếu, lũ thỏ nhà tôi lại có thêm mấy mảnh rau già hay mấy củ khoai lang sùng để lai rai.
Tôi không nhớ ông bà cụ tôi bán buôn đàn thỏ như thế nào nhưng giờ nghĩ lại, ai là người sẽ mua chúng? Để ăn thịt thì mấy ai có tiền trong lúc cơm còn phải độn với khoai sắn, bo bo? Để làm cảnh ư, ai mua nhiều thế? Điều đáng nói nhất là nhà tôi hôi thối dữ lắm. Phân thỏ tràn ngập dù bố mẹ tôi siêng năng quét dọn nhưng dọn đi đâu? Làng Báo Chí lúc đó không có dịch vụ đổ rác. Ừ, có cái gì ăn đâu mà ra rác. Rau cỏ nhặt nhạnh đến tận rễ. Cá tôm chỉ mua được những con bé bằng ngón tay út từ mấy người bắt cá quanh làng. Năm thì mười họa mới được một bữa thịnh soạn, làm sao dám phí đầu cá đuôi tôm. Thịt lại càng khó mơ nên giấy bọc cũng không có để vứt. Bao nhiêu năm trời nhà tôi nói riêng và Làng Báo Chí nói chung sống không cần xe đổ rác. Ngộ há ! Vì vậy đống phân thỏ được ông bà cụ đổ vào mấy cái gốc cây trong sân, đầy quá thì đổ tới cái nhà hoang xê xế trước cổng. Năm này qua tháng nọ, nắng mưa làm đống phân bốc mùi. Phòng ngủ bố mẹ tôi chỉ cách “Trại súc vật” cái cửa sổ được bịt bao ni lông, sức khỏe của ông bà xuống hẳn. Đến khi thỏ dội chợ, nhà tôi chén dần mấy con thỏ rồi dẹp tiệm. Chuồng gà, chuồng thỏ lần hồi được chẻ ra chụm củi.
Chế độ khi ấy công ăn việc làm chỉ dành riêng cho cán bộ hay người theo phe cách mạng. Những gia đình trong chế độ cũ đừng hòng chen chân vào nhưng buôn bán lẻ lại bị cho là bất hợp pháp. Người từ tỉnh thành đem mấy ký gạo, cà phê hay thịt heo lên thành phố cho con ăn cũng bị bắt và tịch thu như đồ quốc cấm. Vì vậy, lúa gạo ở quê mênh mông hà địa không bán được cho ai trong khi người ở thành phố thì đói meo đói mốc. Mọi người đều trông chờ vào những ký gạo nhà nước phân bổ hàng tháng và mấy thứ rau cỏ, thịt cá, ươn thối gì cũng được, chút nào hay chút ấy, về tỉa tót, lạng lách thế nào cũng có một hai bữa cơm cho ra hồn. Nhà nhà xếp hàng, tranh giành nhau mua. Đến trễ, về tay không là chuyện bình thường. Một tháng có một hay hai lần nhà nước bán gạo và thức ăn giá rẻ mà không mua kịp thì lấy gì ăn? Công ăn việc làm không có, tiền đâu mua gạo ngoài chưa kể các ngài còn ngăn sông cấm chợ.
Gạo của nhà nước không đầy sạn thì đầy thóc hay bông cỏ. Mỗi bữa ăn, bốn năm lon gạo, cả nhà phải ngồi nhặt, rồi sàng sẩy, rồi vo.....đủ trò mới thổi được nồi cơm. Nhà có bốn đứa trẻ tuổi mới lớn. Cơm chỉ có rau với nước mắm hay chao, đậu phộng cho qua bữa. Cứ ăn một chốc lại đói nên tôi phải nấu nồi cơm to. Chả bù với bây giờ, nhà bốn người lớn mà hai bữa cơm chỉ tốn nhõn một lon gạo. Có lần tôi đến nhà con bạn chơi, thấy nó trộn cơm trắng với một miếng thịt kho cho chó ăn mà động lòng. Thằng em hay vòi mẹ “ Bữa nào mình liên hoan, mẹ nấu cơm đừng độn bo bo nha”. Thằng em nhỏ nhất thấy nhà hàng xóm bày bán mâm khoai lang chết rét, củ quăn queo gầy guộc, thì thầm “ Chừng nào mẹ có tiền, mẹ mua khoai nhà bác Quỳnh cho con há.”
Một hôm đi học về, tôi mệt lả vì từ sáng không có gì trong bụng lại còn đạp xe cả chục cây số trong cái nắng chói chang và gió ngược trên xa lộ thì nghe mẹ tôi bảo “ Ăn đỡ bo bo với muối tiêu đi con. Nhà mình chả còn gì khác.” Tôi còn nhớ tôi giận mẹ mình ghê lắm. Tôi không hiểu tại sao bà lại để cho con cái bà ăn uống như thế. Phải ăn tuyền bo bo trường kỳ đã khủng khiếp lắm rồi. Ít nhất cơm ( sao mình vẫn gọi là cơm nhỉ ?) phải có một chút nước mắm hay rau xào hay bất cứ cái gì gọi là thức ăn thêm vô mới nuốt được chứ. Tôi bỏ bữa cơm đó, cốt để mẹ mình xót ruột. Thế mà đến bữa sau, bữa sau nữa....kéo dài đến mấy tháng, cả nhà chỉ có muối và bo bo. Lâu lâu lãnh được thùng quà nước ngoài, nhà tôi liên hoan mấy nồi cơm không độn rồi lại quay về với bo bo và muối.
Sau đó bố tôi nuôi ong. Cả nhà bị ong chích hoài nhưng có mật để nhâm nhi cũng khoái. Mật ong thật có vị hơi chua chua. Thằng cháu nội mới sanh được lấy mật ong rơ miệng, mút chụt chụt rất thích. Cu cậu bị ong đốt mấy lần, sau chắc quen, không khóc nữa. Bố tôi bảo nọc ong tốt cho con nít, có chứa kháng thể. Bố tôi chăm đàn ong rành đến độ ông biết giờ nào đàn ong sẽ về tổ. Con nào ong chúa, nhiệm vụ là gì. Con nào ong thợ. Tổ nào đựng trứng.... Dù đã may một cái lưới nhựa để bọc đầu và tay cho ong khỏi chích khi thăm chuồng, mặt và tay của bố tôi vẫn cứ sưng vù, méo mó vì ong đốt.
Mật lấy được ít lâu thì đàn ong đổ bệnh. Mấy đàn còn lại thay phiên nhau bay đi nơi khác để sinh sống. Bố tôi nhìn đàn ong bay vần vũ trên đầu, thở dài ngao ngán. Tiền bạc và công sức của ông đang chắp cánh bay đi trước mặt, không gì ngăn cản nổi.
Mấy bình sữa đổi đời của Coperette đã rơi xuống đường không chỉ một lần mà là hết bình này đến bình kia. Đổi đời gì cho cam? Coperette chỉ muốn đổi sữa lấy gạo nuôi con thôi cũng không thành.
Bố tôi ở tù. Mẹ tôi ngày xưa là xướng ngôn viên đài phát thanh, giờ ai chỉ gì bà làm nấy. Không kinh nghiệm. Không vốn liếng. Không tính trước tính sau gì cả.
Lần đầu bà đi buôn pháo Tết với bác Hùng. Hai bà xách hai tay hai giỏ pháo nặng trĩu đi hết chợ này đến chợ kia chào mời, mà lại đi bằng xe buýt, chật như nêm. Nghĩ xem, trời Việt Nam nóng đổ lửa, giữ đống pháo trong người có khác giữ bom cảm tử? Khách đòi giao hàng gối đầu. Lúc trả tiền, lúc không. Buôn chưa hết mùa Tết thì nảy ra lệnh bắt pháo lậu. Nhà bác Hùng gần cầu Trương Minh Giảng. Đợi đêm khuya, bác lén vất hết mấy giỏ pháo xuống sông đen. Cú áp phe của mẹ tôi thành công rực rỡ!
Tiếp theo, mẹ tôi sản xuất thuốc lá điếu với bác Thụy Vũ.
Thuốc sợi bỏ vào cái bàn gỗ rồi lăn cho thành điếu, mỗi mẻ ba điếu, xong cắt xén đầu thuốc cho gọn gàng rồi bỏ vào bao ny lông nhỏ. Trẻ con như chúng tôi lăn không đều tay, điếu thuốc khi chặt khi lỏng. Keo nhiều thì ướt thuốc. Keo ít thì giấy bọc bung ra. Vì thế chúng tôi được giao nhiệm vụ tỉa đầu thuốc cho gọn gàng và cho vào bao, hàn lại. Sáng hôm sau mẹ tôi và bác Vũ đạp xe đi bỏ mối hàng. Bổn cũ soạn lại. Ai cũng muốn giao hàng trước, bán được hàng mới trả tiền. Người trả người không, chưa kể người đưa thuốc để mình sản xuất lại giao thuốc mốc. Tiền không lấy được còn bị mắng. Thua !
Lúc chưa ai nói gì về biến đổi khí hậu, Làng Báo Chí đã nóng như thiêu như đốt nhất là mùa hè, khi trẻ con được nghỉ học. Lũ trẻ túm năm tụm bảy ngoài đường chơi bắn bi, óc dích óc táng, chơi tạt lon, chơi đuổi bắt...Toàn những trò đổ mồ hôi cái, mồ hôi con nên khát nước ghê lắm nhưng hiếm nhà nào có tủ lạnh để có nước mát hay nước đá mà uống vì tủ lạnh đã biến thành cơm hết rồi. Nhà ai còn tủ lạnh trong bếp được coi là nhà giàu, mà giàu thiệt vì họ là nguồn cung cấp nước đá cho cả xóm. Khi ấy, uống ngụm nước đá giữa buổi trưa hè nóng rang không chỉ thấy ngon mà còn thấy hạ lửa trong lòng, không nổi sùng với người chung quanh nữa. Không ngon sao được vì nước đá quý hiếm, có tủ lạnh mà nhà nước cắt điện một tuần ba bốn ngày thì đá đấm đâu đủ buôn bán.
Thấy có mòi làm ăn, mẹ tôi và bác Thụy Vũ hùn hạp mở “hãng nước đá”.
Hai bà mua một tủ làm nước đá lớn, tính để bỏ cho sạp tiệm và một tủ nhỏ để bán trong làng. Ngẫm rằng làm đá chỉ tốn nước lã, không phải bỏ vốn lại không thiu thối nên hai bà yên bụng. Tủ, chỉ kham nổi loại second hand rồi nhờ thợ độ lại nên phải chờ. Trong lúc chờ đợi, hai bà mẹ lên kế hoạch địa điểm chào hàng. Bọn trẻ con hai nhà lên kế hoạch giải khát mỗi khi đi học về hay sau mỗi trận chơi u, chơi keng với hàng xóm. Hộp trứng gà của Coperette thấy vừa gần lại vừa xa.
Chả hiểu máy móc bị gì mà thợ thuyền sửa lâu ơi là lâu. Kế hoạch đã lên khuôn mà bản thân hai nhà khát vẫn cứ khát với cái nắng Thủ Đức.
Tủ lạnh nhỏ được giao trước. Hai nhà hí hửng bán buôn. Sướng nhất là trẻ con chúng tôi không cần phải xách lon đi đâu xa để mua đá. Hàng xóm sang mua ủng hộ được dăm bữa thì điện nhà nước chập chờn, lúc có lúc không, tăng giảm đột ngột nên đá không đông rồi thậm chí con gà đẻ trứng vàng cũng hư luôn. Hai bà mẹ hì hụi mướn xe chở tủ đá lên nhà ông thợ cũ nhờ sửa trong lúc cái tủ lớn vẫn chưa ra lò. Vài ngày sau, hai bà nghe tin nhà ông thợ bị cháy.
Chăn nuôi, sản xuất không thành, bố mẹ tôi xuống Lộc Ninh phá rừng trồng tiêu hạt.
Tôi nghe ông bà bàn chuyện “Vui thú điền viên” không phải tranh chấp, mua bán gì với ai lại có cái rau cái quả để ăn. Trong lúc chờ mùa thu hoạch tiêu, ông bà trồng đậu phộng, đậu xanh “Lấy ngắn nuôi dài”....
Bốn anh em ở nhà với nhau để bố mẹ đi làm rẫy cả mấy tuần. Hai ông bà gầy nhom như con cò hương, không biết lấy sức đâu ra mà phá rừng, mà cuốc đất. Cụ rủ thêm hai vợ chồng ông chú lên trông rẫy khi các cụ vắng mặt. Bốn đứa con của ông chú lại còn bé hơn anh em chúng tôi năm sáu tuổi cũng bị bố mẹ bỏ cho tự xử vài tuần để cô chú đi kiếm ăn. Nhà tôi vay mượn tiền đủ chỗ để mua phân bón, mua nọc tiêu, cuốc xẻng....Tiền ăn cho bố mẹ hay cô chú dưới rẫy. Tiền ăn cho bốn đứa con ở nhà và bốn đứa con ông chú. Công nhận đậu phộng và đậu xanh nhà trồng ngọt và ngon hơn chợ nhiều nhưng tôi nhớ không nhầm là các cụ chỉ đem về dăm ba bận rồi tịt ngòi. Chưa được một mùa thu hoạch tiêu thì bố mẹ tôi đầu hàng vì hết “Đạn”. Vườn tược, đậu xanh, đậu phộng ….bỏ mặc, trở thành đất hoang, ai muốn lấy thì lấy.
Ấy là tôi chỉ kể những nghề nhà tôi làm gây ấn tượng nhất cho tôi thôi. Linh tinh thì còn nhiều.
Kể cũng hay.Thời cuộc dạy cho mình bao nhiêu cách để sinh tồn, đâu phải mình chỉ có một nghề. Dĩ nhiên ai cũng có cái nghề mà mình thích nhất, hợp với khả năng mình nhất nhưng nếu không dụng được, mình sẽ luyện võ công thứ hai, thứ ba, thứ một trăm để cứu mấy cái tàu há mồm. Con cái rút tỉa sinh lực của cha mẹ nhưng cũng là động lực để cha mẹ học hỏi, trau dồi và quyết tâm: SỐNG.
26/11/2018
No comments:
Post a Comment