Wednesday, April 10, 2024

Vui Sao Nước Mắt Lại Trào 

Muốn biết một đất nước có văn minh hay không, người ta thường quan sát nhiều khía cạnh khác nhau với một tinh thần phóng khoáng, một tâm trạng cởi mở, không thiên vị, về xã hội, cách điều hành đất nước (governance), việc bảo tồn và thăng tiến văn hóa, về mức sống người dân như việc chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, và trên hết là sự hạnh phúc (well-being) của người dân.

Những điều trên vượt quá khả năng và hiểu biết của một người tầm thường như tôi, vì vậy tôi chỉ xin kể bạn nghe một chuyện vui, rất tự hào của đất nước mình. Từ những chiếc xe chở khách chạy bằng than củi vào cuối thập niên 70, nay có đến mấy hãng hàng không chở khách, thật tiến bộ vượt bậc, nhưng sao vẫn thấy ngậm ngùi “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

Hồi còn đi học, môn lịch sử thế giới có kể về hoàng đế La Mã Julius Cesar, năm 47 BC trước Công Nguyên, khi ông dẫn quân đi chinh phạt và thu phục được Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi chiến thắng, ông có nói một câu để đời: veni, vidi, vici. I came, I saw, I conquered. Tôi đã đến, đã thấy, đã thắng (chinh phục).

Tôi về Việt Nam vài lần, mỗi lần ở khá lâu, đi khắp 3 miền đất nước. Tôi cũng đã đến, đã thấy, và đã có được cảm nghiệm rất sâu, rất gần gũi với ngưởi dân đủ mọi thành phần, những người giàu có ở những nơi sang trọng, và gần gũi nhất là những người nghèo khó bị chính quyền, bị xã hội bỏ quên, trong đó có cả những người phong cùi trên vùng cao nguyên.

Ngày nay, đất nước đã quy về một mối, năm 1975 đất nước đã được “giải phóng”, người dân Việt Nam được giải thoát ra khỏi sự nghèo khổ, ngu dốt, nô dịch về văn hóa của Tư Bản, được đảng đem ánh sáng tri thức và văn minh đến cho người dân trong nước. Sau 49 năm, thử nhìn lại, dân tôi đã được gì và mất gì? Mời bạn đọc theo tôi về Việt Nam, chứng kiến câu chuyện về chữ nghĩa, chuyện học hành, cách giao tiếp bằng tiếng Anh của một ông xếp trẻ một hãng hàng không trong nước. Một chuyện rất đáng tự hào vì đất nước ta “chưa bao giờ được như hôm nay” như lời một “ông bác" tóc bạc đã tuyên bố trên đài truyền hình.

Chuyện lẽ ra phải đáng vui mừng vì ông này được học hành, đào tạo đến nơi đến chốn, là hình ảnh tiêu biểu của đất nước, hằng ngày ông phải nói chuyện, gặp gỡ với du khách trong và ngoài nước, trình độ tiếng Anh chắc phải lưu loát, tệ lắm thì cũng nói được và khiến du khách hiểu được mình muốn nói gì. Câu chuyện có vẻ tiếu lâm nhưng khiến tôi phải ngậm ngùi buồn cho nền giáo dục của nước nhà.

Trong chuyến bay của hãng hàng không Vietjet, một hãng hàng không nổi tiếng là Delayed-Airlines của Việt Nam, nổi tiếng với rất nhiều chuyến bay trễ đến vài giờ đồng hồ mà tôi là một nạn nhân đến 2 lần. Trong khi chờ đợi chuyến bay lúc 20:00 giờ, từ Cam Ranh về Sài Gòn, theo thói quen, tôi luôn đến phi trường sớm trước 2 giờ với phương châm “thà mình chờ họ, chứ họ chẳng bao giờ chờ mình”.

Tôi kiên nhẫn ngồi nhấm nháp ly cà phê ở khu chờ đợi, mở điện thoại cầm tay ra đọc tin tức ở quê nhà. Chán chê, tôi coi đồng hồ: còn 40 phút nữa đến giờ bay. Tôi đứng dậy, đi lại cho dãn gân cốt, nhìn về phía cửa ra thang máy bay, chắc mẩm giờ này nhân viên đã chuẩn bị cho hành khách lên phi cơ.

Đi qua đi lại nhiều lần, tôi nhìn đồng hồ chỉ còn 25 phút nữa là đến giờ bay, sao họ vẫn chưa có dấu hiệu gì là chuẩn bị cho khách “boarding”. Tất cả hành khách, kể cả hành khách ngoại quốc, đều có vẻ nôn nóng, đứng ngồi không yên. Riêng tôi, dù đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là chuyến bay sẽ bị đình hoãn, tôi vẫn không ngăn được mình ngó về hướng cửa. Mấy thằng bạn thân trong nước đã nhắc nhở và khuyên tôi đừng bay hãng Vietjet, chỉ thêm bực mình, nhưng tôi quyết không nghe, muốn tự “trải nghiệm để có kinh nghiệm”.

Nhiều hành khách bồn chồn, chờ không được, đã cùng nhau xếp thành một hàng dài trước quầy dịch vụ, hy vọng sẽ gây chú ý, khiến nhân viên cũng phải “bức xúc” như mình. Trước nay, người ta cứ tin rằng phớt tỉnh Ăng-Lê là tính chất của người Ăng-Lê; ngày nay, danh hiệu đó phải dành cho người Việt Nam mới đúng. Dù rất nhiều nhân viên Vietjet Airlines đi qua đi lại, nhưng tất cả bọn họ đều phớt tỉnh hơn cả người Ăng-Lê và chẳng thèm để ý đến “một bộ phận” hành khách đang như ngồi trên đống lửa.

Còn 15 phút nữa đến giờ bay, bỗng một anh nhân viên trẻ, tướng tá coi khá “đẹp giai”, áo sơ mi trắng, cà vạt đen, quần đen, tướng đi đứng ra dáng là một ông xếp, bước đến quầy dịch vụ, kéo từ hộc bàn ra một cây bút lông. Anh ta bước tới bảng cập nhật thông tin chuyến bay, cúi người xuống viết gì đó lên tấm bảng, rồi anh ta quay ngoắt đi thật nhanh, đến ngồi vào cái bàn có máy tính.

Tất cả hành khách thở ra một hơi dài như trút được gánh nặng chờ đợi từ nãy giờ. Ai cũng nghĩ anh ta lo mở máy tính chuẩn bị thủ tục cho hành khách xuống phi cơ. Nhưng không, anh ta thò tay vào túi sau, móc cái phone ra và bắt đầu bấm bấm gì đó, thỉnh thoảng lại cười mỉm chi ra vẻ thích thú lắm. Kim đồng hồ trên tường vẫn lặng lẽ xê dịch từng giây và hành khách vẫn nhấp nhổm xếp hàng chờ đợi từng khắc, với những khuôn mặt “cực kỳ hình sự” như cách nói của người dân trong nước.

Tôi tò mò bước lại gần bảng thông tin coi anh ta viết những gì: chuyến bay VJ 607 từ Cam Ranh đi Sài Gòn bị dời lại 1 tiếng 20 phút, lý do: khai thác. Tôi đọc đi đọc lại đến 4 lần mà vẫn không hiểu cái “lý do khai thác” nghĩa là gì. Một số hành khách trong nước cũng bu quanh tấm bảng và buông ra những tiếng than lẫn tiếng chửi thề. Vài người khách ngoại quốc chỉ hiểu được một nửa, nhưng phân vân, không biết lý do. Tôi quay qua người đứng kế bên, hỏi lý do khai thác nghĩa là làm sao. Anh ta cũng ngớ ra một hồi rồi trả lời không biết.

Tôi đọc lại cái lý do đến lần thứ 5 mà vẫn như người đang đi trong đêm đen, vẫn không sao hiểu nổi hai chữ “khai thác” rất bình thường đó. Hay tại ngôn ngữ Việt Nam mình đã vươn lên một “đỉnh cao chói lọi” của chữ nghĩa mà mình dốt nên bị tụt lại phía sau?

Sau một hồi suy nghĩ, bóp trán đến méo cả đầu, tôi quyết định đến hỏi anh chàng xếp đẹp giai đó để “đả thông tư tưởng” của mình. Sợ hỏi bằng tiếng Việt, anh ta sẽ chê tôi ngu, người Việt mà không hiểu tiếng Việt, tôi bèn bập bẹ bằng tiếng Anh cho khỏi lòi cái dốt của mình:

- Excuse me, sir, would you tell me why the flight has been delayed?

Anh ta ngước lên nhìn tôi vẻ bực mình nhưng ấp úng không trả lời được bằng tiếng Anh, chỉ đưa tay ra hiệu chờ. Anh ta bấm lia lịa trên cái điện thoại cầm tay, và chìa cái phone cho tôi coi vừa luôn miệng xổ một tràng “reason mining, reason mining”. Thì ra anh ta xài Google translation và đưa kết quả cho tôi coi. Trời ạ! Tôi chỉ biết cười mếu. Chữ “khai thác” trong tiếng Việt khi qua Google thì được dịch ra “mining” là phải rồi.

Ông du khách ngoại quốc đứng kế bên tôi, nãy giờ sốt ruột theo dõi, cũng ghé mắt nhìn vào cái điện thoại của anh “đẹp giai”, một thoáng ngẩn tò te, cặp mắt ông ta đứng tròng một hồi lâu, rồi lắc đầu hỏi tôi nghĩa là gì. Ông ta thắc mắc chữ “mining” có gì liên quan đến chuyến bay của mình hay không? Tôi trả lời là chính tôi cũng mất 10 giây đồng hồ để gặm nhấm và giờ mới hiểu ra nghĩa của chữ này.

Google dịch chữ “khai thác” ra chữ “mining” như sau: the process or industry of obtaining coal or other minerals from a mine. (tiến trình hay kỹ nghệ lấy được than đá hay khoáng sản ra từ một hầm mỏ).

Chữ “khai thác” nếu đứng một mình thì người ta sẽ hiểu là khai thác hầm mỏ, cho nên Google dịch thành chữ “mining” từ chữ “mine” thuộc về hầm mỏ là đúng chứ không sai. Cái cười ra nước mắt là anh chàng xếp của Vietjet Airlines, vì học sai hoặc thày dạy tầm bậy, nên sử dụng không đúng chỗ. Than ôi, tôi chỉ còn biết than thở như cụ Tú Xương ngày xưa: cái học ngày này đã hỏng rồi!

Cái học ngày nay đã hỏng rồi
Mười thằng đi học, sáu thằng chơi
Ba thằng thất học làm quan lớn
Sai thằng có học chạy tả tơi

Tôi cám ơn anh ta vì đã nhọc công, “vận dụng tư duy” một cách quyền biến và sáng tạo, biết cách sử dụng công nghệ tiên tiến để trả lời du khách nước ngoài mà vẫn không cần mở miệng. Tội cho ông du khách ngoại quốc, và thật tội nghiệp cho tôi, một người An-Nam-Mít chính gốc, không lai căng một tí ti ông cụ nào, cả hai chúng tôi vừa bước đi vừa lẩm bẩm “Thank you, but I don’t get it”.

Sau đó, chuyến bay lại bị đình trệ thêm hơn 1 tiếng nữa, vẫn cùng một lý do: khai thác. Đêm đó chúng tôi về đến Sài Gòn lúc 23:30, đón taxi về tới nhà hơn nửa đêm. Chuyện vui, chuyện tự hào dân tộc văn minh, khả năng giao tiếp “nói” tiếng Anh như gió, mà vui không nổi.

Đọc báo Việt Nam, ai cũng biết nhà nước mình muốn nâng cấp trình độ của cán bộ, công nhân viên nhà nước để chứng tỏ chủ nghĩa cộng sản “ưu việt” hơn các nước láng giềng bằng cách cho đi học tại chức, còn gọi là học “chuyên tu”. Theo thống kê của bộ khoa học-công nghệ, Việt Nam có 24,300 Tiến Sĩ và 101,000 Thạc Sĩ, gấp 5 lần nước Nhật và cao nhất Đông Nam Á. Vậy mà ngày nay, người dân vẫn truyền tai nhau câu ‘dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. Riêng tôi chỉ biết kêu “Trời”, chuyện vui mà cứ … buồn đến trào nước mắt.

Ông xếp Vietjet Airlines

NGUYỄN VĂN TỚI.
Nhân dịp 49 năm sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 – 2024.



No comments:

Blog Archive