Thủ Đức Gọi Ta Về
“Cái truyền thống của Thủ Đức cũng giống như các trường đào tạo quân đội khác, cũng đàn anh gắn Alpha cho đàn em. Cũng cuối năm là hành quân cuối khóa, cũng trốn trại về phố và cũng bị nhốt vào trại kỷ luật... Nhưng có lẽ ở trên đồi Tăng Nhơn Phú này, có một truyền thống mà chắc là không có trường nào có. Cái truyền thống miễn đi bãi vào ngày Thứ Tư kể từ sau Khóa 24 của chúng tôi, dành đặc biệt cho những người Sinh Viên Sĩ Quan biên tập viên của tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức.”
Trần Hoài Thư tên thật Trần Quý Sách, sinh năm 1942. Dạy học, nhập ngũ Khóa 24 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Tuy bị cận thị nặng nhưng lại phục vụ tại Đại Đội 405 Thám Kích, Sư Đoàn 22BB. Năm 1971, Trần Hoài Thư đổi về Vùng IV Chiến Thuật, “Diều Hâu 405” (biệt danh của Trần Hoài Thư) làm phóng viên chiến trường (Khối Chiến Tranh Chính Trị Quân Khu 4) vẫn thích bộ quân phục rằn ri cùng chiếc mũ rê Biệt Kích.
Sau 1975, bị tù, vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ năm 1980.
Tốt nghiệp cử nhân điện toán và Cao Học Toán (Steven Institute of Technology - New Jersey). Chủ trương Thư Ấn Quán và tạp chí văn học nghệ thuật Thư Quán Bản Thảo.
Trước 1975, có 4 tập truyện được xuất bản. Viết lại từ 1995, đã ấn hành với 7 tập thơ và 16 tập truyện, trong đó có các tác phẩm liên quan đến cuộc đời bnh nghiệp:
1. Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối
2. Thủ Đức Gọi Ta Về
3. Đại Đội Cũ & Trang Sách Cũ
4. Thế Hệ Chiến Tranh
5. Đánh Giặc Ở Bình Định...
Trong bài viết của Luân Hoán: “Trần Hoài Thư, Một Đời Quý Sách”:
“Thừa hưởng một cái tên đẹp do cha mẹ đặt cho, Trần Quý Sách chọn cho mình một bút danh thật thi vị: Trần Hoài Thư. Tên gọi như một sợi dây, trói buộc anh dính liền một đời với chữ nghĩa, sách báo...
... Thời gian cận kề giữa biên giới tử sinh, Trần Hoài Thư trúng đạn hai lần. Lần thứ nhất khi có mặt trong cuộc hành quân giải cứu Qui Nhơn trong dịp Tết Mậu Thân. Lần thứ hai, năm 1971, khi dẫn quân tiến chiếm mục tiêu đồi Kỳ Sơn tại Bình Định. Ngoài Chiến Thương và Anh Dũng Bội Tinh, Trần Hoài Thư đã có cơ hội làm giàu vốn sống của một người lính, của một công dân sống trong giai đoạn tổ quốc bị chia cắt, dân tộc khốn khổ vì chiến tranh...
... Tôi gặp Trần Hoài Thư tại quân trường Bộ Binh Thủ Đức, vào năm 1967. Lúc bấy giờ, quân trường đào tạo sĩ quan trừ bị, cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa này, đang khai giảng khóa 24. Một công việc đã từ lâu được thực hiện bên cạnh chức năng huấn luyện của quân trường là sự hiện diện một nguyệt san, tiếp nối từ khóa này đến khóa khác. Nguyệt san Bộ Binh là nơi hội tụ những Sinh Viên Sĩ Quan có máu yêu thích thơ văn, ca nhạc, hội họa, điêu khắc... Khóa tôi theo học, qui tụ khá nhiều khuôn mặt đã được biết đến trong một số bộ môn nghệ thuật. Trần Hoài Thư là một trong những người này. Trước khi vào quân trường, anh đã có khá nhiều truyện ngắn được đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa khởi từ năm 1964...
... Đúng ra, thời ở ‘KBC Bốn Ngàn Một Trăm’ (quân trường Thủ Đức), tôi không có nhiều cơ hội chuyện trò với Trần Hoài Thư. Hai chúng tôi ở hai đại đội khác nhau. Doanh trại quân trường nằm trên đồi Tăng Nhơn Phú, cách Chợ Nhỏ chừng 2000 mét. Đây là một khu vực rộng lớn. Phòng ốc khang trang, dọc ngang những con đường rợp bóng cây xanh, không khác gì một thị trấn thu hẹp. Những đại đội đồn trú riêng biệt, cách nhau khá xa. Việc đi lại trong giai đoạn chưa được gắn alpha rất đáng ngại, lớ ngớ rất dễ bị hít đất, nhảy xổm, dù với Khóa 24, sự đãi ngộ kỷ luật của khóa đàn anh dành cho đàn em đã giảm thiểu tối đa. Thêm vào những trở ngại này, mỗi chúng tôi có một ít bạn thân riêng.
Trần Hoài Thư thường cặp kè với những Lâm Chương, Vương Trùng Dương... Tôi hay la cà cùng Cao Thoại Châu, Phạm Hoàng, Đỗ Toàn... Chúng tôi chỉ có cơ hội gặp nhau trong những buổi sinh hoạt tại văn phòng Khối Báo Chí. Những buổi hội tụ này khá nhiều, nhất là trong giai đoạn hai. Bên cạnh mục đích thực hiện, cải tiến tờ báo, các sĩ quan chủ trương còn muốn tạo cơ hội cho anh em đóng góp bài vở có thêm thì giờ nghỉ ngơi, trốn bớt tạp dịch ngay trong những ‘giờ tùy quyền’.
Trần Hoài Thư tiếp nối đàn anh Khóa 23 Mê Kung (Phan Nhự Thức sau này) viết đều đặn những trang Nhật Ký Quân Trường. Rất có thể còn một vài người góp tay trong mục này, nhưng Trần Hoài Thư là ‘nỗ lực’ chính. Chuyện đi bãi, chuyện ‘bia lên, bia xuống’, chuyện ‘cơm nhà bàn’, chuyện cõng ghế trên vai đến đại giảng đường, chuyện ở 301 vân vân và vân vân được Trần Hoài Thư ghi lại, dựng lại dưới văn phong nhẹ nhàng, lôi cuốn...
Nếu lòng dạ của tôi dành cho tờ báo của quân trường thiếu tha thiết, thì ở Trần Hoài Thư khác hẳn. Anh nhiệt tình và say mê, trân quý tờ nguyệt san Bộ Binh một cách khó ai sánh được. Sự chân thành, tích cực của anh, ai cũng nhìn ra. Ban chủ biên tờ báo, cuối khóa đã tặng anh một danh hiệu xứng đáng: ‘Sinh Viên Sĩ Quan báo chí xuất sắc’. Kèm theo phần thưởng tinh thần này là một quà tặng rất thích hợp cho một nhà văn: một cặp bút Pilot mới cáu trong hộp cứng. ‘Vật nhẹ nhưng tình nghĩa nặng’ có lẽ đã giúp Trần Hoài Thư nhớ đời về một thời ‘chín tháng quân trường’.
Nhưng nhắc nhớ về một quân trường vang danh một thời vẫn là tác phẩm của Trần Hoài Thư: Thủ Đức Gọi Ta Về, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2001.
Với Thủ Đức Gọi Ta Về, Trần Hoài Thư dẫn những cựu sinh viên đầu đã hai màu tóc, trở lại thăm cổng số 1, cổng số 9, khu tiếp tân, những con đường xanh bóng mát, những doanh trại nối liền doanh trại, vũ đình trường, đại giảng đường, những phòng học, những nhà bàn, những vọng gác, những lối dẫn về bãi tập, những sân bắn, những đoạn đường chiến binh, những đường giây tử thần, những giả sơn, cả khu trầm tư suy tưởng 301...” --Luân Hoán.
Là giáo sư, nhà văn, nhà thơ, gầy gò, cận thị... nhưng khi ra trường BB Thủ Đức lại về đơn vị tác chiến trong cương vị Trung Đội Trưởng của Đại Đội Thám Kích 405. Trần Hoài Thư đã 3 lần bị thương ngoài mặt trận... Thế nhưng anh không oán hận. Người lính vừa đánh giặc vừa cầm bút, “Cảm thấy mình thật hãnh diện, bởi vì tôi nguyên một giáo sư đệ nhị cấp, với đôi mắt cận 7 độ, gầy như que củi, từng được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, lại có mặt tại một đơn vị đã từng tạo nên một thành tích kỷ lục có một không hai trong QLVNCH. Khó có một ai trong bất cứ đơn vị nào được Tướng Đỗ Cao Trí thăng cấp hai lần trong vòng hai tháng ngay tại mặt trận.” --(Về Một Đại Đội Cũ). Và “Từ 405, tôi cũng đã mang 9 tác phẩm văn học đến cùng độc giả”. Thật là “Đại Đội 405 là một dấu ấn đậm sâu vào tâm trí của một người lính cũ.” --(Về Một Đại Đội Cũ).
“Chưa có một đội quân nào trên thế giới này, thua trận, nhưng lại tự hào cùng hàng ngũ, cùng màu cờ sắc áo như quân đội miền Nam này. Không phải một ngày, một tháng, mà cả đời. Chỉ có những kẻ trong cuộc mới hiểu và thấm thía được nỗi tự hào. Và đó là lý do cắt nghĩa tại sao tôi lại phải viết hoài, viết không mệt về màu áo cũ của mình.” --(Về Một Đại Đội Cũ).
“Chiếc bè đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn, tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết thương tóe máu đớn đau, là tiếng kêu trầm thống của một thế hệ mà, nói theo Tolstoi, chỉ những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến, còn phần chết thì dành cho bọn thanh niên... Chất liệu văn chương của chúng tôi không phải là từ đơn đặt hàng của chế độ, hay những món hàng làm dáng du nhập từ ngoại quốc mà là sự thật bằng trái phá, bằng mồ mả oan khiên, bằng những người như chúng tôi bị nướng thiêu trong lò lửa chiến tranh.” --(Về Những Trang Sách Cũ, trang 16 & 17)...
Ngoài các bài thơ tỏ bày cuộc sống người lính chiến, trở lại tác phẩm Thủ Đức Gọi Ta Về của Trần Hoài Thư để cảm nhận tấm lòng của anh với ngày tháng quân trường.
Thủ Đức... Gọi Ta Về - Trần Hoài Thư
Viết Từ Đồi Tăng Nhơn Phú
“Thế hệ chúng tôi đã mang đầy vết sẹo.
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn”. --(THT)
(trích đoạn)
“... Ta đang nhớ về Thủ Đức như bạn ta đang nhớ. Có phải đêm qua gió quá dữ để bãi bắn rụng đầy lá cao su. Và quân trường những cơn mưa lá ngâu đã rụng xuống doanh trại. Gió lộng như từ tứ phương tụ hội về đồi. Gió mang suốt ngày khắp nơi vang vang lời ca ‘Đường trường xa...’ và nhịp đếm Một Hai Ba Bốn. Ô hay, ta gầy còm, trên dưới 40 ký, thế mà cũng chịu đựng được sao. Quân trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Kinh nhật tụng cho giai đoạn một. Tay ta trói gà không chặt mà đòi đánh một hai. Hai chân ta đôi khi luống cuống, bước không đúng nhịp mà đòi đi diễn hành cuối khóa. Ta tập quay trái, quay phải, quay đằng sau. Chân trái phải xê dịch như thế nào, chân phải phải quay ra làm sao. 90 độ. Phải ráng tập trung trí óc. Chụm chân lại. Rồi quay 90 độ. Phải ráng nghĩ trong đầu. Khi đi phải bắt đầu bằng chân trái. Ráng mà nhớ.
Ta chẳng khác một tên học trò lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái roi mây của thầy. Ngày nhỏ, ta tập lính bước một hai, khẩu súng là cuống chuối hay khúc gỗ mang lên vai. Bây giờ, ta cũng vậy. Vẫn là một trò chơi bất tận. Nhưng thời nhỏ dại ấy lại quá dễ dàng, cớ sao bây giờ lại quá khó. Bằng chứng là ta bị phạt liên miên.
Bây giờ, quá xa, quá lâu để mà nhớ về những ngày tháng cũ, nhưng hình như bên tai ta vẫn còn văng vẳng tiếng hát vang lừng từ một góc trời Tăng Nhơn Phú.
Cám ơn nó, bởi vì nó khiến lòng ta ấm lại giữa lúc tiếng gọi đò chiều đã dục. Không biết tới chuyến nào sẽ chở đời ta qua bên sông cô tịch. May mà tiếng hát nào như gió bão đánh bạt cái ý nghĩ đen tối bi quan. Ta đã đứng dậy đến bên khung cửa. Dưới ánh điện đường trong một đêm về sáng, ta thấy lại một vũ đình trường, với những ống đạn pháo binh sơn trắng bao quanh, ta thấy lại những đại đội đang xuôi ngược diễn hành. Có khi hai đại đội cùng di chuyển đối đầu nhau, và một bên dậm chân tại chỗ, chờ bên kia vượt qua. Không ai bận tâm lấy ai. Phải nhìn thẳng. Phải ca phải hát. Lính phải hùng. Gió làm lời ca bay bổng trên chín cổng, vang khắp bãi đồi.
Khi hai chân ta bước nhịp, hai tay ta đánh theo, miệng ta cất lời, thì bạn ta cũng vậy. Tất cả sẽ tạo nên một tập thể đồng nhất, tiến về phía trước. Trời ơi, cả một rừng cờ sắc áo như thế, khóa này tiếp đến khóa khác, biết bao nhiêu bước chân tập tành để chuẩn bị cho một cuộc lên đường, để rồi, vũ đình trường giờ đây chỉ còn lại một bãi mồ hoang phế. Tiếng ca hùng tráng ngày ấy đâu rồi. Tiếng hát đã một lần lồng lộng cùng lá cờ giữa sân ngôi trường lính ngày ấy đâu rồi. Cổ họng ta đã một thời gào to cùng tiếng ca lời hát, thế mà bây giờ nó nuốt vào đến nghẹn những bài hát kỳ lạ, lạ kỳ... Những bài hát của kẻ thắng trận. Hãy quên. Hãy quên. Làm sao ta có thể quên được. Họ vẫn cho ta ăn dù khẩu phần còn thua một con chó. Họ vẫn cho ta làm, họ vẫn cho ta hát ca... Bão nổi lên rồi. Chỉ nhớ bốn chữ. Kẻ thua trận hát về trận bão cuốn lốc đời hắn, bắt hắn phải bị đày đọa mất nhà mất cửa, xa vợ xa con. Kẻ thua trận gân cổ ca Giải phóng miền Nam... Chỉ nhớ nổi 4 chữ. Hãy quên. Người ta cấm ta hát ta ca, nên ta mới không bao giờ quên những lời ca tiếng hát đã dạy ta khôn lớn. Như vậy ta làm sao quên được.
Trong một đêm về sáng, ta nghe tiếng động bên ngoài. Có lẽ trời đã nổi gió. Xứ người. Ta đang ở xứ người. Ta không có gì để mơ ước nữa. Nhưng rõ ràng tại sao hồn ta lại trôi dạt về một phương nào. Về một nơi đã dạy ta, trui rèn ta, ít ra, sức mạnh về sự tự tin, để ta còn dùng nó trong những ngày đen tối nhất.
Bởi vì, ta biết ta sẽ làm được, như đã từng mang khẩu garand nặng nề, như đã từng bò hỏa lực, leo dây tử thần, hay di chuyển bộ hàng bao cây số trong khi thân ta chỉ là ngọn cỏ ngọn lau. Ta có thể làm được, bởi mưa và nắng Tăng Nhơn Phú đã làm da ta đen và dày dạn hơn, để ta làm quen với mưa và nắng của kiếp đời lính tráng và tù tội...
... Nhớ về một ngôi trường lính, dù chỉ là chín tháng, nhưng nỗi nhớ mang theo nỗi ngậm ngùi. Bây giờ trường đã mất. Những con ngựa hôm nào bây giờ đã lạc bầy tan tác hay đã rời bỏ đồng cỏ để về một cõi nào. Cả một thời tuổi trẻ đã hy sinh và chấp nhận vào cổng trường với niềm mong mỏi duy nhất là dâng hiến đời mình cho đất nước, quê hương bây giờ trở thành mây khói. Tự nhìn lại là mình có làm trái với bổn phận không, cái bổn phận khiêm nhường của một người lính, mình thấy lòng an ổn lạ lùng.” --(TĐGTV – Trang 23-76)
Đêm Di Hành Đầu Tiên
“Đêm di hành đầu tiên của giai đoạn Một. Khi chiếc nón sắt đội nặng trên đầu. Khi ba lô trên vai, và khẩu súng trường với những viên đạn mã tử. Khi mắt mở, tai căng, và đêm như lòng mực xạ. Ta đã trở thành một người lính rồi ư. Ta có cảm giác ngây ngất của một kẻ vừa trải qua một chuyện lạ lùng hoang tưởng. Quân đi, cả trăm, cả ngàn người, mà sao như đoàn quân ma. Không có cả tiếng ho. Tiếng cười. Không có cả một đốm lửa của điếu thuốc. Khi ra cổng trường, bỗng dưng thấy như thể ra bãi chiến. Nhà nhà vẫn còn để đèn. Xa xa, xa lộ đèn xe sáng rực. Và trên cao là tháp nước quân trường với ánh đèn chớp chớp. Ta bỗng thấy bước chân ta vững mạnh hơn. Bởi xung quanh ta là bao bước chân khác. Ta là họ và họ là ta. Họ giữ gìn ta và ta giữ gìn họ... Chúng tôi đã nương tựa nhau và bảo vệ cho nhau. Lần đầu tiên ta mới cảm nhận cái căng thẳng của thần kinh, cái lo âu vô hình giữa một lòng đêm âm u sâu thẳm. Nhưng cũng đôi khi, chợt thấy ánh đèn của nhà ai còn thắp sáng, lòng lại tự nhiên một nỗi hãnh kiêu thầm kín. Rồi đây, một ngày nào đó, ta sẽ thật sự có mặt, và ta mong được giữ gìn không những một ánh đèn mà còn cả triệu triệu ánh đèn. Có lẽ lúc ấy, ta chưa chạm vào thực tế. Tâm trí ta chỉ thêu dệt những cơn mơ đầy lãng mạng như:
Một buổi quân dừng nơi xóm nhỏ
Mẹ run run mời một bát canh đầy
Bát canh hẹ cho ngọt ngào gạo đỏ
Con chan vào từng muỗng nhỏ mà say...
Phải, không ai lại không có những cơn mơ tuyệt vời như thế. Giữa các bạn ta, chắc cũng có những kẻ mơ ngày ra chiến trường, đánh đâu thắng đó, uy dũng trong màu áo hoa dù hay chết thì cũng da ngựa bọc thây.
Còn ta, ta mơ một bát canh hẹ đậm đà tình nghĩa. Khi ta cầm khẩu súng, ta nghĩ là ta phải gánh một trách nhiệm thiêng liêng nhất là bảo vệ cho đồng bào ta, dân tộc ta. Khi ta bước đi trong bóng tối, có nghĩa là dọn đường cho ánh sáng. Và để đổi lại, đồng bào, hậu phương, sẽ hiểu việc cầm súng của ta, sẽ như người mẹ mời bát canh hẹ để ta chan vào từng muỗng canh nồng nàn giữa người dân và người lính. Ôi những cơn mơ giúp ta đuổi kịp bạn bè, sát cánh với bạn bè, hòa nhập cùng dòng thác của bạn bè. Nó giúp ta sức mạnh dù thân thể ta không đủ tiêu chuẩn của một người lính. Mắt ta mang kính đã bắt đầu làm quen với bóng đêm. Ta mới cảm nhận cái tai họa vô hình. Bóng tối. Phải, ta đang ở giữa lòng bóng tối. Bóng tối đồng nghĩa với tai ách. Với kẻ thù. Bóng tối thì nhiều mà ánh sáng thì ít. Chỉ trừ ánh đèn. Những ánh đèn le lói, nhưng bình an kỳ lạ.
Trời ơi. Một ngày nào đó, chắc ta phải khóc mất khi được nếm bát canh hẹ có thật thay vì mơ tưởng. Nó còn đậm đà hơn cả bài hát nào mà ta đã nghe: Anh về qua xóm nhỏ. Em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều hôn mái tóc. Tình quê hương đơn sơ. Bởi vì gạo đỏ và bát canh hẹ chính là quê hương. Bởi vì mẹ đã quá già mà cảm thông cùng con cháu mẹ. Ta đang mơ. Xin đừng để cho giấc mơ ta tan vỡ. Để ta còn được chắp cánh mà bay, đừng cho ta phải rớt xuống cùng sự thật. Xin để cho ta cứ liên tưởng đến bát canh hẹ cho ngọt ngào gạo đỏ của ta mà cố gắng theo kịp anh em, theo kịp hàng ngũ...
Trời ơi, ta làm sao biết được cái sự thật bên ngoài ngôi trường của chiến tranh này. Cái sự thật phũ phàng khi ta giáp mặt vào lòng bóng tối. Cái sự thật khi những ngọn đèn kia là những tín hiệu giết người, báo động của đám dân trong làng mỗi khi ta hành quân qua. Cái sự thật khi người dân bề ngoài dạ bẩm, nhưng trong tim họ đầy cả bồ dao găm tai họa. Cái sự thật về một gáo nước lạnh hay một thìa nước mắm xin của người dân đã bị từ chối.
Trong đêm di hành đầu tiên, hết đại đội này đến đại đội khác rời khỏi tuyến xuất phát là vũ đình trường để di chuyển quanh vòng đai của quân trường. Ta bây giờ là một phần tử trong một tập thể. Chúng tôi nương nhờ, bảo vệ cho nhau. Từ đó, ta mới hiểu thế nào là tình đồng đội, là sự san sẻ cùng nhau cái định mệnh chung, cái nghiệp căn chung, những tai ương chung. Từ đó người ta càng yêu thương nhau hơn, càng thông cảm cho nhau hơn.
Như vậy, ta phải cám ơn Tăng Nhơn Phú đã làm thay đổi cái nhìn của ta trước đây về cuộc chiến, về quân đội. Cám ơn bạn bè ta, những người có người vợ mới cưới, những đứa con mới sanh, hay những người kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ, những trí thức, những nhà văn nhà thơ tên tuổi lẫy lừng, những người mà lẽ ra, Thủ Đức không phải là nơi dụng võ. Họ vẫn có mặt bên ta, quanh ta, vẫn cầm súng bước đi trong đêm di hành.
Cuối cùng vào nửa đêm cả ngàn người của khóa từ tất cả các đại đội trở về tập họp tại vũ đình trường. Đêm vang lên lời hô và lời báo cáo. Người ta đã dạy ta biết thế nào là một đơn vị lên đường và trở về bình an vô sự. Trung đội báo cáo lên đại đội. Đại đội báo cáo lên tiểu đoàn. Và tiểu đoàn báo cáo lên liên đoàn. Ta bị nhận chìm trong một tập thể chỉ biết tuân phục. Khi nghe hô nghiêm là ta nghiêm, hô nghỉ là ta nghỉ, hô bước là ta bước. Ôi những cái bóng nào của đêm xưa ấy còn để lại dấu tích hay chỉ là hạt sỏi nào trên sân. Còn đâu những âm vang của Thủ Đức. Còn đâu những vì sao kỷ niệm trên đồi gió Tăng Nhơn Phú. Vâng. Dù quá mệt, quá căng thẳng, nhưng thế nào ta cũng phải ghi lại những cảm xúc kỳ diệu mà ta đã gặp trong đêm này.” --(TĐGTV – Trang 77-82)
Nguyệt San Bộ Binh Thủ Đức
“Những trang giấy nào hôm qua còn mờ nhạt bởi mồ hôi, bụi, và mưa Tăng Nhơn Phú. Có ai kể là sau khi khóa chúng tôi mãn, khóa đàn em nhận trách nhiệm săn sóc nguyệt san Bộ Binh, đã xem mục Nhật Ký Quân Trường là mục thường xuyên phải có. Cảm động lắm khi họ theo ta, tiếp tục viết lại những suy nghĩ, tâm tư trên từng chặng đường gian khổ. Họ theo ta, cũng như ta đã theo khóa đàn anh tiếp tục một truyền thống có sẵn.
Chính truyền thống đã mang lại niềm vinh dự. Bởi vậy mới có những người từ muôn phương trở lại để gặp lại bạn bè cùng khóa mà kể lại bao nhiêu điều, bao nhiêu chuyện dưới mái trường. Cái truyền thống của Thủ Đức cũng giống như các trường đào tạo quân đội khác, cũng đàn anh gắn alpha cho đàn em. Cũng cuối năm là hành quân cuối khóa, cũng trốn trại về phố và cũng bị nhốt vào trại kỷ luật... Nhưng có lẽ ở trên đồi Tăng Nhơn Phú này, có một truyền thống mà chắc là không có trường nào có. Cái truyền thống miễn đi bãi vào ngày thứ tư kể từ sau Khóa 24 của chúng tôi, dành đặc biệt cho những người Sinh Viên Sĩ Quan biên tập viên của tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức.
... Đó là những tên tuổi rất quen thuộc. Và chúng tôi đã góp lại, cấy mạ, ươm phân bón, để nguyệt san Bộ Binh trở thành một tạp chí có tầm cỡ.
Chúng tôi đã biến mồ hôi thành chữ nghĩa. Và chữ nghĩa đã được chuyển tới không những cho chúng tôi mà còn cho những người thân nhân của chúng tôi. Chính tờ báo đã làm chỗ đứng của Thủ Đức càng lên cao. Có lẽ nhà trường đã nghe được tiếng vang. Bằng chứng là nhà trường cho phép chúng tôi được miễn đi bãi vào ngày Thứ Tư để lên họp tại Khối Chiến Tranh Chính Trị hay để có thì giờ hơn dành cho việc sáng tác.
Bây giờ giữa trời đất mênh mông này, làm sao tìm lại những tờ tạp chí cũ. Làm sao có được những bài Nhật ký quân trường của một thời để bỏ vào trong tập sách này gọi là một hoài niệm yêu dấu. Làm sao để ta có thể đập lại nhịp tim của một thời khi ta đi dây tử thần, vượt sông, leo núi, gắn alpha hay đứng gác trung nghĩa đài. Vàng bạc châu báu nào có thể đổi lại những trang sách xưa. Những trang sách đầy mồ hôi và gian khổ, nhưng cũng đầy lửa của niềm tin và lửa của da thịt em. Những trang sách mang theo bè bạn đã một thời hiện diện bên ta, viết dùm ta, làm thơ dùm ta, chuyên chở nỗi lòng dùm ta.
May mà trái tim cứ kêu gọi thúc dục... Ta đang viết lại đây, tim nhé. Ta đang viết lại đây, hỡi Thủ Đức, hỡi các bạn bè ta, và hỡi những người đã yêu mến văn ta nhé. Viết mà rưng rưng. Ta đã đánh mất cây viết Canon, cái phần thưởng sinh viên sĩ quan báo chí xuất sắc của khóa dành cho ta rồi... Và bây giờ những ngón tay tê buốt của tuổi già đã báo cái cơ nguy sắp bỏ bút rồi. Hở, ta sẽ sống ra sao, hở?...” --(TĐGTV – Trang 83-88)
Đêm Alpha
“Cuối cùng giai đoạn Một cũng đã kết thúc. Nó đánh dấu một khúc quanh rất quan trọng trong đời sống sinh viên sĩ quan chúng tôi. Có nghĩa là từ đây chúng tôi bắt đầu mang trên mũ, trên vai, hay cổ áo, huy hiệu... mà chúng tôi vẫn thường quen gọi là con cá vàng. Có nghĩa là từ đây chúng tôi có quyền đi phép cuối tuần về Sài Gòn. Và cũng bắt đầu từ đây, chúng tôi thật sự trở thành đàn anh.
Đêm Alpha. Tôi đang thấy lại tôi, giữa cả một vũ đình trường đầy ngập người, và đầy ngập ánh điện như thể một đêm hội lớn. Chúng tôi đã mặc bộ đồ vàng đi phép, mang giây biểu chương vàng, và mang nón két. Trên ngực áo có bảng tên. Chúng tôi đã sẵn sàng cặp lon vàng. Chúng tôi một chân quỳ xuống, để chờ khóa đàn anh đến gắn cấp bậc.
Đêm Alpha. Nó là một truyền thống. Nó là sự liên hệ giữa đàn anh và đàn em, giữa người sắp sửa giã từ và những người ở lại. Nó cũng là điểm mốc cho người được đi chuyên môn và người ở lại làm lính lội bộ. Nó vang động cả trời đêm Tăng Nhơn Phú với lời hô đứng dậy quỳ xuống như chuyển rung cả một vũ đình trường. Người đàn anh sẽ gắn alpha cho ta. Và anh sẽ đập vào vai ta để bày tỏ lời chúc mừng trong khi ta chào tay anh không dám động đậy. Rồi anh sẽ từ giã ta, anh đi đâu:
‘Hãy nắm chặt giây cương này, luân hoán
Ra khỏi nơi này sẽ gặp nghĩa trang.’ --(Tình Khúc Cuối Cùng Ở KBC 4100, thơ Luân Hoán)
Ta đã quên anh, và anh cũng không bao giờ nhớ ta. Nếu có chỉ là cái bóng. Bóng đổ xuống sân vũ đình trường dưới những ngọn đèn nhiều nến. Ta lại bắt đầu thay anh, và cái bóng ta đã lấp vào bóng anh. Ta cũng nhường lại cho đàn em những gì mà đàn anh ta đã nhường cho ta. Rồi ta lại ra đi. Đi đâu. Ra khỏi nơi này sẽ gặp nghĩa trang. Nghĩa Trang Quân Đội. Với Tiếc Thương của Nguyễn Thanh Thu. Với Viên đạn cho người yêu dấu của Luân Hoán. Với một Mậu Thân đại tang cho Khóa 24 của ta và Khóa 25 đàn em.
Đêm Alpha, ta đang náo nức chờ ngày cuối tuần để về thăm Sài Gòn. Một đoạn đường chiến binh đã qua. Thêm một đoạn đường nữa bắt đầu. Bây giờ mới chính là những bài học vỡ lòng cho một trung đội trưởng bộ binh. Hỡi em yêu dấu...” --(TĐGTV – Trang 89-92)
Buổi sáng đầu năm 1967 tôi gặp Trần Hoài Thư tại Vũ Đình Trường của Trường BB Thủ Đức, chúng tôi quen nhau trong Ban Biên Tập SVSQ nguyệt san BBTĐ. Sau giai đoạn I qua bốn tháng quân sự, tôi trở về Trường Đại Học CTCT Đà Lạt tiếp tục cuộc sống quân trường. Tôi vẫn nghĩ một số anh em văn nghệ sĩ trong ban biên tập thời SVSQ sẽ về ngành CTCT như Trần Hoài Thư, Luân Hoán... thế nào cũng gặp nhau tại quân trường ở Đà Lạt. Năm 1968 gặp Phan Nhự Thức về học Khóa 4 Căn Bản CTCT, hỏi thăm Trần Hoài Thư, được biết anh lại về Đại Đội Trinh Sát của Sư Đoàn 22BB!... Đời chiến binh đưa đẩy nhà giáo dạy toán xông pha nơi trận mạc, trở thành nhà văn, nhà thơ.
Vương Trùng Dương
No comments:
Post a Comment