Sông ra biển lớn
Tranh Cẩm Tâm.
(Để tưởng nhớ HH và bao nhiêu lần 30 tháng Tư).
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ. Hồi trước, tôi thường nghe người ta kể, những chuyến vượt biển may mắn, nhặm lẹ nhất cũng phải mất từ một tuần lễ đến mươi, mười mấy ngày mới đến được bến bờ tự do. Giữa những tiếng rì rầm cầu nguyện hay thở dài của những người lớn và tiếng con nít khóc la om sòm, tôi ngồi bó gối, rầu rĩ không biết chừng nào ghe của mình mới băng qua hết vùng biển Đông để may ra tấp vào được đất liền đâu đó của xứ Phi Luật Tân, nơi có đến 7.000 hòn đảo lớn nhỏ. Ghe chúng tôi đi từ vùng biển miền Trung, nên nếu thuận buồm xuôi gió thì sẽ đến xứ Phi, còn nếu bị bão bùng thổi ngược lên hướng bắc hay chếch về hướng nam ắt phải đến Hồng Kông hay xuống Mã Lai, Nam Dương. Nhiều người đi thoát được, đến một trong những trại tỵ nạn ở các nước đó, viết thư về kể khổ nghe mà phát ngán.
Ghe chạy đều đều, áng chừng đâu cũng đã được mười mấy tiếng đồng hồ. Lúc chúng tôi lên ghe là khoảng nửa đêm trước, bây giờ mặt biển đã bắt đầu nhuốm vàng ánh nắng chiều. Chúng tôi chuyền cho nhau những cái ly chỉ vỏn vẹn chút xíu nước dưới đáy, uống cho đỡ khát, phải để dành cho những ngày sắp tới, không biết còn bao lâu nữa. Ai cũng nhấm nhá một ít lương khô để dằn bụng, nhưng cũng không dám ăn nhiều vì sợ lại khát nước. Tiếng máy ghe kêu xình xịch, xình xịch, nghe như nỗi nôn nao nặng nề của những người đang đánh đổi mạng sống để tìm đến tự do mà chưa biết nó ở chỗ nào.
Thình lình, từ phía cuối ghe, có nhiều tiếng người la lên, thảng thốt:
“Cháy! Cháy!”
Ai nấy trên thuyền đều nhớn nhác, quay về hướng có tiếng la. Vài người đàn ông vạm vỡ, chắc là trong nhóm tổ chức, chạy huỳnh huỵch về hướng đó. Tôi nghe trong người hồn phi phách tán, miệng lâm râm cầu Trời khấn Phật, cầu xin luôn cả chúa Giê-su, cho tai qua nạn khỏi. Hai mắt tôi nhắm nghiền lại, mặc cho chung quanh rào rào những tiếng nói, tiếng la, tiếng khóc.
“Hết cháy chưa? Hết cháy chưa?”—người ta nhao nhao hỏi, không biết hỏi ai, mà cũng không biết phải làm gì.
Có giọng ai hét lớn:
“Bà con làm ơn về chỗ ngồi giùm chút coi! Nhốn nháo quá coi chừng nước vô ghe bây giờ!”
Càng nghĩ tôi càng sợ. Bây giờ mà ghe cháy, máy hư thì sẽ ra nông nỗi gì đây? Chưa đi tới đâu cả. Cách đây chừng mươi phút, tôi nghe có người đàn bà cỡ trung niên hỏi với theo anh tài công phụ đang đi qua:
“Mình ra tới hải phận quốc tế chưa anh?”
“Còn trong lãnh hải của Việt Nam!”—anh ta trả lời cộc lốc, rồi buông thêm một câu,“Mọi người đừng có ồn ào nhe. Công an biên phòng đi ngang thì chết cả lũ đó!”
Lời hăm he của anh ta có hiệu lực ngay. Mọi người đều nín khe, lũ nhỏ không biết mô tê gì tự nhiên cũng im thin thít. Hồi lâu sau mới có một đứa oà ra khóc, vậy là dàn đồng ca thiếu nhi lại nối tiếp. Người lớn nào không có con nít đi theo đều ngó nhau, lắc đầu ngao ngán.
Một đám khói to, đen nghịt đang bốc ra từ đuôi con tàu. Chẳng có vẻ gì là đám cháy đã được dập tắt. Tình hình bây giờ thấy nguy ngập lắm rồi. Chẳng ai còn nghe lời ai cả. Người đứng lên, kẻ ngồi xuống, nhiều người chạy về phía mũi thuyền làm chiếc ghe chòng chành như muốn chúi nhủi về phía trước. Họ hoảng sợ quay trở lại phần thân tàu, làm con thuyền cứ lắc lư, chao đảo tứ phía. Lũ con nít được dịp lại gào khóc inh ỏi. Giữa khung cảnh hỗn loạn đó, chợt có nhiều tiếng nhao nhao cất lên:
“Có tàu lớn đang đến gần bà con ơi!”
Theo nhiều cánh tay đang chỉ trỏ, mọi người hướng về đó, đồng loạt đứng lên rồi nối lời nhau reo lên:
“Có tàu lớn! Có tàu lớn!”
Mấy anh trong nhóm tổ chức lại gào khản cả giọng:
“Ngồi xuống! Ngồi xuống giùm hết đi!”
Từ xa, bóng dáng một con tàu khổng lồ đang dần dần rõ nét, nổi bật lên trên nền chân trời. Chắc cũng như mọi người quanh mình, tim tôi như thắt lại, rồi muốn vỡ oà ra vì niềm vui bất chợt.
“Tàu lớn thật, bà con ơi!”—người đàn bà cách tôi vài bước thốt lên—"Nhưng lỡ đó là tàu Liên Xô thì sao?”
Ai nấy như giật mình, lo lắng nhìn nhau. Ừ, nếu là tàu Liên Xô thì có nước quay về học lại... chủ nghĩa Mác-Lê Nin!
Có giọng cười lớn, đắc thắng của một thanh niên gần đó vang lên:
“Chẳng có Liên Xô Liên Xiếc gì hết! Là cờ nước Nhật chần dần trên cột đó, bà con không thấy sao?”
Mọi người cùng “ồ” lên một tiếng vui mừng lẫn nhẹ nhõm. Quả vậy, lá cờ trắng với mặt trời tròn trĩnh, đỏ thắm ở giữa đang bay phấp phới trên đỉnh cột trong ánh nắng chiều rạng rỡ. Tôi rưng rưng nước mắt. Chưa bao giờ tôi thấy xúc động khi thấy một lá cờ của một quốc gia khác như thế. Đây là chiêm bao hay là thật vậy ta? Sau cả chục năm sống cô lập trong thế giới độc tài cộng sản, tôi bàng hoàng hiểu ra có một thế giới bên ngoài, một thế giới tự do mà chúng tôi đang nhìn thấy, ngỡ ngàng và sung sướng.
Con tàu to lớn tiến gần hơn rồi từ từ dừng lại, giữ một khoảng cách đối với chiếc thuyền nhỏ bé của chúng tôi.
“Í cha, sao nó ngừng giữa chừng vậy?”—một thiếu nữ trạc tuổi tôi buột miệng—“Bộ đổi ý rồi sao cà?”
Anh thanh niên ban nãy cất giọng rành rõi:
“Phải ngừng lại chớ. Tới gần nữa thì con tàu khổng lồ đó có thể tạo ra những đợt sóng đủ lớn để đánh chìm chiếc ghe tí hon của tụi mình!”
Chúng tôi loáng thoáng thấy được từ trên boong tàu, một người cầm loa nói về phía chiếc ghe:
“Hello! Please remain calm. We are here to help and rescue you. Please be patient and wait for our crew to get near you in our lifeboats.”
Trời đất thiên địa ôi, cả chục năm trời rồi tôi mới được nghe lại tiếng Anh, thứ tiếng mà bọn cộng sản gọi là tiếng của đế quốc Mỹ, của bọn tư bản, của giai cấp bóc lột! Vốn liếng tiếng Anh hồi trung học của tôi cũng không đến nỗi tồi, vậy mà nó bỗng bay đi đâu mất hết. Tôi chỉ còn nhớ được chữ “help” và chắc mẫm là chúng tôi sẽ được thuỷ thủ đoàn trên con tàu này ra tay cứu vớt.
Từ bên kia, ba chiếc tàu phao từ từ được hạ xuống, trên mỗi chiếc có hai người ngồi sẵn. Ba chiếc tàu nhỏ tiến về phía chúng tôi, cập vào mạn thuyền. Những người thuỷ thủ, Nhật có, tây phương có—tôi không biết là Mỹ, Tây hay gì đó—cho phép người già và trẻ con bước qua trước, kế đến là phụ nữ rồi cuối cùng mới đến đàn ông. Ba chiếc tàu phải chạy qua chạy lại mấy vòng mới chuyển hết đám thuyền nhân chúng tôi lên con tàu cao sừng sững của họ. Lúc đến phiên mình hồi hộp leo lên bậc thang dây, tôi run rẩy toàn thân, gần như thở không được, phần vì xúc động cực điểm, phần vì đói, vì mệt, và vì... không hiểu được những gì đang xảy ra trước mắt.
Lên đến boong tàu, một số người nằm vật ra, mệt lử vì mất sức. Một số khác, trong đó có tôi, đứng vịn tay vào lan can tàu, bồi hồi cảm động ngó lại chiếc thuyền mong manh đã đưa chúng tôi ra đến đây, đang dập dềnh trên sóng nước, trông buồn bã thế nào. Những thuỷ thủ cuối cùng còn trên chiếc ghe, sau khi đã đi khắp con thuyền để chắc chắn không còn sót người nào, đã đưa tay ra dấu hiệu cho nhau rồi xuống con tàu phao chót để quay lại tàu lớn. Trước khi rời đi, người thuỷ thủ ném một cây đuốc đang cháy vào lòng ghe để phóng hoả con thuyền. Ngọn lửa từ từ nhen nhóm lên lúc chiếc tàu phao đang xa dần. Tôi nghe có tiếng sụt sịt từ những người đứng gần mình. Ngọn lửa càng ngày càng lan rộng, bốc cao lên. Con thuyền vượt biển bây giờ chỉ còn là một đám lửa lớn, khói đen toả mịt mù trong không gian rồi lan rộng ra theo gió biển.
Tôi nghe mắt mình cay cay. Vậy là hết. Vĩnh biệt con thuyền đã đưa chúng tôi ra biển lớn, ra đến thế giới tự do bên ngoài. Thốt nhiên, trong khung cảnh mới mẻ này, trên con tàu giữa biển cả mênh mông, tôi thấy như xa lạ với chính mình, xa lạ với cuộc đời vừa chấm dứt của mình ở đất nước tội tình mà tôi vừa dứt áo ra đi. Hình ảnh những người thân yêu của tôi đang còn ở lại không dưng hiện ra mồn một trong đầu tôi: Ba, má, Thuỷ Trúc, Vũ, Việt, Thanh... và cả Thu nữa. Mới đó ra đó mà tôi đã thấy những bóng hình ấy xa vời vợi như từ cõi nào.
Một số thuỷ thủ trên tàu kêu gọi chúng tôi ngồi tập trung vào một chỗ để họ chính thức chào đón và hai cô y tá khởi sự chích ngừa cho từng người. Vài cô gái Nhật đi qua, trao cho chúng tôi mỗi người một cái túi nhỏ, trong đó có chiếc khăn ướp lạnh, thơm tho để lau mặt cho tỉnh táo, một cái xăng-uých kẹp thịt mà lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy lại, một trái táo nhỏ và một lon nước ngọt còn đọng những giọt nước mát lạnh, tươi mát như niềm vui vừa tìm thấy của mọi người.
***
Đêm đầu tiên trên chiếc tàu Nhật tôi ngủ được một giấc thật ngon lành, không mộng mị. Chúng tôi được xếp vào ở trên tầng thứ nhì của con tàu, trong một cái khoang rộng lớn như một nhà kho. Giường của mỗi người là một cái phao hình chữ nhật bơm lên căng phồng. Gia đình có con cái thì được phao lớn hơn. Lập tức, chúng tôi trở thành một xã hội nhỏ, sinh hoạt với nhau thật vui vẻ. Chúng tôi hết làm thủ tục giấy tờ lại qua sắp hàng để lãnh thức ăn. Một số người được chọn để giúp nấu ăn trong nhà bếp, hay phụ bác sĩ, y tá làm thông dịch để họ khám những bệnh thông thường cho ai cần đến. Tôi cũng xung phong làm thông dịch, biết chữ nào dịch chữ đó, chỉ cầu mong sao có người nhức đầu tôi không dịch thành đau bụng thì thật rầy rà.
Con tàu bắt đầu quay mũi về hướng đông để đem chúng tôi đến Phi Luật Tân, quốc gia đã chính thức nhận chúng tôi vào trại tỵ nạn trên đất của họ sau khi ông thuyền trưởng đã liên lạc với đất liền xin phép. Con tàu to lớn là thế mà xem ra di chuyển thật chậm chạp giữa đại dương bát ngát. Nếu không ra đứng trên boong mà nhìn xuống nước để thấy con tàu thật sự đang rẽ sóng, bỏ lại đằng sau những vệt trắng xoá, chắc không ai có cảm tưởng là nó đang tiến tới một chút nào trên mặt nước. Bây giờ là ngày thứ nhì chúng tôi ở trên tàu. Sau bữa ăn chiều, người thì trở về chỗ ngủ, kẻ thì đứng trên boong tàu, ngắm cảnh hoàng hôn đang dần dần phủ xuống biển cả. Một đàn cá heo rủ nhau đồng loạt phóng lên khỏi mặt nước. Chúng tôi ai nấy đều trầm trồ khi thấy được cảnh có một không hai này.
Hơn 24 tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi được cứu vớt, con tàu mang quốc tịch Nhật Bản đã đỗ nhóm thuyền nhân may mắn xuống cảng Puerto Princesa, thuộc đảo Palawan của Phi Luật Tân, theo thoả thuận giữa thuỷ thủ đoàn của con tàu và ban quản trị trại tỵ nạn ở thành phố biển này. Cảng nằm về phía đông của hòn đảo nên con tàu phải đi một vòng qua phía bên kia đảo mới cập bến được. Từ đó, chúng tôi được chở bằng xe buýt về trại tỵ nạn PFAC (Philippines First Asylum Center), nơi tôi và mọi người chính thức bắt đầu cuộc sống tỵ nạn, được tạm dung trên xứ người.
Nơi chúng tôi dừng chân để làm thủ tục là một dãy “barracks” phủ mái tranh, dựng bằng những cây cột và lán bằng tre, trông thật dân dã và quen thuộc như ở Việt Nam. Người dân Phi rất hiền hoà, hiếu khách. Họ luôn miệng chào chúng tôi “Kamusta, my friend!” Sau này, khi đến Mỹ, được học tiếng Tây Ban Nha và biết lịch sử 500 năm Phi Luật Tân bị thực dân Tây Ban Nha đô hộ, tôi mới biết lời chào “kamusta” của người Phi là do câu thăm hỏi “¿Cómo está?” từ quê hương của chàng hiệp sĩ Don Quijote mà ra.
Lại điền đơn, làm giấy tờ. Lần này, bên cạnh các người Phi còn có một số người Việt làm thiện nguyện đi theo thông dịch. Những người ngày cũng là dân tỵ nạn, đến trước chúng tôi nên nhìn điệu bộ và cách ăn nói đầy vẻ tự tin. Chẳng bù như tôi là dân “new comer”, còn ngơ ngơ ngác ngác, chưa hoàn hồn từ một chuyến viễn du trong đời có một.
Đang ngồi lơ ngơ, chờ đến phiên mình để làm giấy tờ, tôi bỗng nghe có người gọi tên mình:
“Chị Thuỳ Linh!”
Tôi giật bắn cả người. Ai ở đây mà lại biết tôi vậy? Quay về hướng của tiếng gọi, tôi thấy Quỳnh Tiên, em họ của Việt, đang mừng rỡ tiến đến gần.
“Quỳnh Tiên!”—tôi thốt lên, giọng lạc hẳn đi—“Em qua đây hồi nào vậy?”
Quỳnh Tiên chưa trả lời vội, đưa cho tôi một chai nước Coca đã khui sẵn, vồn vã nói:
“Chị uống đi cho mát rồi mình nói chuyện,”—trong lúc tôi e dè hớp một ngụm nước mát rượi, Quỳnh Tiên liến thoắng nói tiếp—"Em qua đây được ba tháng rồi chị. Ghe của em tấp đảo ở El Nido, phía bắc của Palawan đó. Còn chị đi có một mình sao? Gặp chị ở đây em mừng quá! Lâu rồi, từ sau khi anh Việt lấy vợ, em không có dịp gặp chị nữa.”
Tôi cười gượng, nói lảng đi:
“Ừ, lâu thật đó. Gặp lại Quỳnh Tiên ở đây chị cũng mừng hết lớn. Chị đi một mình thôi, nhưng đúng là tha hương ngộ cố tri, chị thấy đỡ lạc lõng nhiều. Em làm gì ở đây vậy?”
“Em làm trong văn phòng của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc, thường thông dịch cho đồng bào lúc làm giấy tờ hay phỏng vấn với phái đoàn của các nước thứ ba,”—
Quỳnh Tiên nói với vẻ hãnh diện, khác hẳn với hình ảnh của cô bé rụt rè, ít nói mà ngày trước tôi đến nhà Việt chơi thỉnh thoảng có gặp.
Ngừng một chút, Quỳnh Tiên lại nói tiếp:
“Chị về nhà em ở đi nhe. Nhà em có hai người mới đi định cư ở Úc nên cũng trống trải. Để em nói với anh trưởng đoàn ghi tên chị vào nhà em há.”
Tôi gật đầu như cái máy. Vừa vui vì sẽ được ở chung với Quỳnh Tiên, vừa vẫn còn tê tái vì nghe câu “từ sau khi anh Việt lấy vợ...” mà cô bé vô tình nói. Hoá ra đâu có dễ gì đoạn tuyệt với quá khứ. Chuyện tưởng như đã chìm vào quên lãng mà sao như đã vượt cả ngàn cây số, băng qua đại dương, để đeo đuổi, ám ảnh tôi ngay lúc này.
Quỳnh Tiên giúp tôi điền giấy tờ, vừa làm vừa nói đủ thứ chuyện. Tôi nghe tai này lọt qua tai kia vì cũng chưa thật tỉnh táo, chốc chốc lại gật gù ra vẻ hiểu những gì cô bé đang nói. Nhóm “Tàu Nhật Vớt” của chúng tôi—mới đó mà đã có biệt danh!—lục tục rời khỏi barracks, ai về nhà nấy, theo như sự phân chia của nhóm người làm ở văn phòng Cao Uỷ. Tôi sánh vai với Quỳnh Tiên, đi qua các dãy nhà tranh đơn sơ, mộc mạc, đằng trước có những cây cột giăng dây thép, phơi đầy áo quần bay phất phơ trong gió. Nhiều người đang đứng hay ngồi trước nhà, vẫy tay chào đoàn người vừa nhập trại, vui vẻ nói:
“Mới tới há bà con! Mừng rồi nhe!”
Đám con nít đang chơi đùa trước sân, cũng hoà vào niềm vui của người lớn, reo hò tở mở:
“A! Có thêm người mới tới trại, tụi bây ơi!”
Chúng tôi vẫy tay đáp trả, miệng cười thật tươi. Niềm vui sao mà bát ngát, mênh mang, không bút nào tả hết. Nhiều căn nhà đã toả ra mùi thơm quen thuộc của bữa cơm chiều sắp đến. Bất giác, tôi nhớ ra là mình đã đói bụng lắm rồi. Quỳnh Tiên cũng hít hà mùi thức ăn trong không gian, cười khúc khích:
“Kiến bò bao tử em rồi, chị Thuỳ Linh ơi! Mình về nhà ăn nhe. Chiều nay tụi em ăn bún với cá kho. Vô tình mà được đón mừng chị với món này há!”
Tôi bỡ ngỡ bước vào “nhà” của Quỳnh Tiên. Trong nhà còn có hai người nữa—hai mẹ con tên Thảo và Trang—niềm nở chào người vừa đến.
Sau bữa cơm ngon miệng, Quỳnh Tiên và tôi ngồi nói chuyện với nhau thật lâu, nhắc lại những kỷ niệm ngày trước ở quê nhà. Trái với đêm ngủ ngon trên chiếc tàu Nhật, đêm đó tôi trằn trọc mãi đến gần sáng mới thiếp được đi một chút.
***
Buổi sáng đầu tiên ở xứ Phi đem lại cho tôi thật nhiều cảm xúc. Tôi không thể ngờ được mình đang ở bên kia của biển Đông. Hồi đó, mỗi lần nhìn cảnh mặt trời mọc, tôi vẫn ước ao được đến những xứ miền tự do nằm ở bên kia bờ đại dương. Vậy mà giờ đây tôi đã cầu được ước thấy. Quỳnh Tiên rủ tôi ra một bãi cỏ rộng, nơi có nhiều người đang vươn vai tập thể dục, một cảnh tượng vừa vui vừa thú vị. Tôi làm những động tác nhẹ nhàng theo mọi người, trong đầu miên man nghĩ đến ba má và quê nhà. Bây giờ, quê hương tôi nằm về hướng tây. Tôi ở trời đông tôi nhớ trời tây. Câu này tôi nhớ loáng thoáng trong một bài hát nào đó. Chắc chẳng ai có thể vui trọn vẹn. Khi sắp sửa vượt biên thì chỉ nghĩ đến những điều sẽ có được; đến lúc đi thoát rồi lại bắt đầu nghĩ đến những gì đã mất.
Quỳnh Tiên giới thiệu tôi vào làm trong ban thông dịch của cô bé trong Cao Uỷ. Mới đầu, tôi cũng sợ lắm, nghĩ mình tiếng Anh được bao nhiêu mà dám thông với dịch. Dịch mà không thông, đồng bào không đi định cư được thì mình chắc có nước độn thổ. Nhưng ban thông dịch làm việc có tổ chức, quy củ lắm. Người mới vào như tôi đâu có được thông dịch ngay. Tôi được xếp ngồi cạnh Quỳnh Tiên, quan sát và học hỏi cách cô bé làm việc. Tôi phục Quỳnh Tiên sát đất. Mới qua Phi có ba tháng thôi mà cô bé nói tiếng Anh nghe thật lưu loát, dùng toàn những chữ “nhà nghề” mà hồi giờ tôi chưa nghe qua bao giờ.
Một tháng sau, tôi mới chính thức được ngồi làm thông dịch viên một mình. Vừa dịch vừa... run, nhưng những lần đầu tiên của tôi chắc cũng không đến nỗi tệ vì cả người phỏng vấn lẫn người được phỏng vấn đề tỏ ra khá hài lòng với kết quả. Tuy vậy, làm nghề nào mà không có lúc bị... tổ trác! Trong một buổi phỏng vấn, ông nhân viên trong phái đoàn Mỹ hỏi một thanh niên về chuyến đi bị hải tặc tấn công của ghe anh ta. Ông hỏi (và tôi ghi lại bằng tiếng Việt để dễ theo dõi):
“Khi thuyền của các anh bị chìm thì làm thế nào mà anh và một số người sống sót đến khi được tàu cứu?”
Anh ta trả lời:
“Tụi tôi bám vào mấy cái phao của ghe.”
Tôi dịch lại:
“We were holding on to the buoys from our boat.”
Vấn đề là thứ tiếng Anh tôi học ở Việt Nam dựa vào cách phát âm của người Anh chứ không phải của người Mỹ. Khi nghe đến chữ “phao”, tôi nhớ ngay đến chữ “buoy”, và còn nhớ thầy đã dạy tụi tôi là chữ này là chữ đồng âm với chữ “boy”, tức là hai chữ viết khác, nghĩa khác mà đọc y như nhau.
Nghe tôi dịch xong, ông Mỹ trố mắt lên, hỏi lại tôi:
“Anh này và mấy người sống sót bám vào mấy đứa con trai?!!”
Tôi gật đầu. Ông ta vẫn trợn mắt:
“Con trai nghĩa là không phải con gái à?”
Nghe ông ta hỏi vặn, tôi biết ông ta hiểu lầm, bèn hùng hồn trả lời:
“Không phải đâu. Tôi nói ‘buoy’, viết là ‘b-u-o-y’, tức là cái mà nổi trên mặt nước đó, chứ không phải là ‘b-o-y’!”
Ông Mỹ vỡ lẽ, cười tủm tỉm:
“Nếu vậy thì cô phải nói là ‘bu-y’ chứ đâu phải là ‘boy’!”
Tôi ngượng chín cả mặt, vừa ấm ức vì chắc chắn mình đã được học như vậy, nhưng không đủ chữ nghĩa để cãi với ông ta. Tôi lí nhí xin lỗi, chỉ muốn tìm chỗ nào mà lặn sâu cho rảnh. Sau này qua Mỹ, có dịp nói chuyện với một người gốc Anh, tôi mới khẳng định lại được “niềm tin” và tự giải oan cho mình. Anh này xác nhận rằng người Anh đọc hai chữ đó giống nhau, còn người Mỹ đọc khác nhau. Chẳng qua hồi đó tôi xui xẻo phát âm kiểu Anh với một người Mỹ mà thôi.
Một buổi tối, thấy Quỳnh Tiên đang ngồi hí hoáy viết viết, xoá xoá, tôi hỏi:
“Quỳnh Tiên viết thư về nhà hả em?”
“Dạ phải,”—Quỳnh Tiên nheo mắt với tôi—“Chị muốn gởi lời thăm anh Việt không?”
“Không,”—tôi tỉnh bơ nhún vai—“Người ta có vợ rồi mà còn thăm với hỏi gì nữa. Mà em cũng đừng kể chuyện gặp chị ở đây làm gì nghe. Đâu có ai quan tâm làm gì!”
Nghe giọng chua chát của tôi, Quỳnh Tiên giả lả đổi đề tài:
“Tháng này chị có nhận nhiều thư từ bên nhà hai bác gởi qua không?”
“Có, em à. Một tháng mà má chị gởi qua tới năm lá thư đó!”—tôi cũng cười cho qua chuyện.
Mỗi buổi chiều thứ Tư, trong trại rộn rịp hẳn lên. Mọi người vui vẻ rủ nhau ra phòng phát thư để mong nhận được những lá thư từ Việt Nam sang, nhưng đặc biệt hơn là thư từ Mỹ, Úc, Pháp, Anh... bên trong thường có kẹp thêm một cái money order hay tờ đô-la, tờ franc hoặc tờ pound còn thơm phức mùi tiền mới của thân nhân gởi cho người còn ở trại. Ai nấy đều hồi hộp chờ đợi đến đúng giờ, cánh cửa ọp ẹp của phòng phát thư mới bật mở. Nhiều nhân viên thiện nguyện ngồi sau mấy cái bàn bắt đầu phân phát thư theo số khu trong trại. Ai cũng kiên nhẫn chờ đến lượt khu mình được đọc tên để lãnh thư. Thôi thì kẻ vui, người buồn, kẻ cười, người khóc... đủ cả. Có mấy cô cậu nhảy cẫng lên vì nhận được thư và tiền của người thân bên tây bên Mỹ, mà cũng có không ít người thất thểu quay về nhà vì chẳng thấy cánh nhạn nào đưa tin.
Quỳnh Tiên được một lá thư từ Việt Nam gởi qua, còn tôi không có thư Việt Nam mà lại nhận được một lá của cậu Cảnh gởi từ tiểu bang North Carolina bên Mỹ. Hai chúng tôi hí hửng rủ nhau ra ngồi trên chiếc băng đá trước ngôi chùa trong trại, háo hức xé phong bì ra. Mỗi người chìm vào thế giới riêng tư của mình, mặc cho kẻ qua người lại chung quanh. Trong lúc Quỳnh Tiên đang đọc thư với một vẻ trầm ngâm ít thấy, tôi cũng lướt qua những dòng chữ thăm hỏi ân cần của cậu Cảnh. Đây là lần thứ nhì tôi nhận được thư của cậu, và lần này... thật cảm động và hân hoan, tôi thấy một tờ giấy bạc 50 đô-la mà cậu Cảnh đã cẩn thận bọc lại bằng một tờ carbon để lỡ nhân viên bưu điện có dùng máy soi qua cũng không thấy được. Đây là một mẹo vặt của dân tỵ nạn kháo nhau để tránh chuyện mất tiền mặt trong thư ngoại quốc.
Cuối thư, cậu Cảnh ghi thêm mấy dòng, mà tôi có thể cảm được bao nhiêu ân tình ẩn sau những lời lẽ đó: “Cậu kèm vào thư này một tờ giấy bạc. Nếu Thuỳ Linh mà “hên” thì khi thư tới tay cháu nó vẫn còn trong đó!”
Tôi nắm chặt lá thư, hình dung ra cậu Cảnh cặm cụi đi làm ở xứ người, chắc đồng tiền kiếm ra cũng không dễ. Vậy mà cậu gởi tiền cho mình, thật là cảm động. Cậu Cảnh là cậu út trong nhà. Khoảng cách tuổi tác giữa cậu và các cháu coi như là ít nhất so với những cậu dì khác của Thuỳ Linh và các anh chị em họ, nên cậu rất gần gũi, thân mật với lũ cháu. Đứa nào cũng mến cậu và ít “sợ” cậu như sợ các cậu dì lớn tuổi khác trong gia đình nhà ngoại. Vợ chồng cậu vượt biên cách đây ba năm, ở trại tỵ nạn Galang trước khi qua Mỹ định cư. Cậu không có con cái gì cả.
Quay qua nhìn Quỳnh Tiên, tôi thấy cô bé cũng đã đọc xong lá thư của mình, có vẻ tư lự lắm. Tôi lo lắng hỏi:
“Có tin gì bên nhà không em?”
“Có chị ạ, mà toàn là tin không vui,”—Quỳnh Tiên thở dài—“Mẹ em nói ba em cứ bệnh rề rề, vào ra bệnh viện hoài, mà nhà lại túng thiếu. Với lại... mẹ em cũng cho biết là anh Việt mới bị stroke, bây giờ yếu lắm.”
“Trời đất!”—tôi không giấu được giọng thảng thốt—“Còn trẻ mà lại bị như vậy sao?”
“Hình như già trẻ gì cũng bị hết, chị à,”—Quỳnh Tiên nói với vẻ thạo đời—“Có điều là người lớn tuổi thì dễ bị hơn người nhỏ tuổi thôi.”
Tôi không thể làm ra vẻ không quan tâm được nữa:
“Tội nghiệp há. Vợ của Việt còn trẻ quá, lo cho chồng cũng vất vả lắm.”
“Mẹ em nói hai vợ chồng đã về ở gần gia đình chị ấy ở Cam Ranh để có người này người kia giúp đỡ.”
Buổi chiều đang xuống thấp. Niềm vui của tôi cũng mờ nhạt hẳn trước cái tin về Việt. Hai chị em đi chầm chậm về nhà, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Rồi bóng tối phủ xuống thật nhanh. Các ngọn đèn đường bật sáng. Những người tỵ nạn rảo bước về nhà để lo bữa ăn tối, đi như những bóng ma trong một khung cảnh nửa thực, nửa hư, mờ mờ, ảo ảo.
***
Chuyện đời cũng trớ trêu, tôi qua sau Quỳnh Tiên mấy tháng, mà lại được phái đoàn Mỹ nhận trước. Ba của Quỳnh Tiên là trung tá trong quân đội cộng hoà, còn ba tôi mới làm tới đại uý thì đến ngày mất nước. Đáng lẽ ai cấp bậc cao hơn thì chính phủ Mỹ phải ưu tiên, đằng này... Quỳnh Tiên ức lắm, nhưng cô bé cũng khéo, trước mặt tôi không hề phàn nàn về chuyện trái khoáy này cả.
Tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn lần chót trước khi chính thức được chấp nhận đi định cư. Vào đến vòng này, phái đoàn Mỹ có thông dịch viên riêng của họ từ Mỹ qua, chứ không dùng những người tay ngang như Quỳnh Tiên hay tôi nữa. Cô thông dịch người Việt của tôi nhìn có vẻ dễ mến. Chắc cô ở Mỹ đã lâu rồi nên nhìn cô thật tự tin, chững chạc. Trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, tôi rụt rè nói với cô:
“Chị cho phép em được nói thẳng tiếng Anh với bà Mỹ này để bà có cảm tình với em hơn, được không chị? Chỗ nào em kẹt thì nhờ chị giúp.”
Cô thông dịch vui vẻ gật đầu:
“Được chứ em. Nói thẳng tiếng Anh thì hay quá. Có gì thì chị sẵn sàng giúp em mà!”
Tôi nói cám ơn cô. Bà Mỹ phỏng vấn tôi cũng hết sức dễ thương và tử tế. Tôi thấy mình thật may mắn vì giọng Mỹ của bà rõ ràng, dễ hiểu. Tôi mạnh dạn trả lời bằng tất cả vốn tiếng Anh mình có. Tôi nói năng lưu loát một cách lạ thường, như thể có ai đó nhập vào mình chứ không phải chính là tôi nữa. Cuối cùng, bà Mỹ bảo tôi đứng lên để đọc lời tuyên thệ. Tôi lặp lại lời bà nói như một cái máy, mọi cảm xúc trong người tôi lúc đó hoàn toàn tê dại.
Khi tôi ngừng nói, bà Mỹ long trọng bảo:
“You are now officially admitted to the United States of America. Congratulations!”
Tôi vừa hiểu lời bà nói, nhưng lại vừa không tin vào tai mình. Cô thông dịch viên biết tôi hiểu được câu cuối cùng này, nhưng cô cũng vui lây cho tôi nên nói lại bằng tiếng Việt một lần nữa:
“Em được chính thức nhận vào Mỹ rồi đó! Chúc mừng em.”
Tôi không nhớ mình đã cám ơn bà Mỹ và cô thông dịch viên người Việt bao nhiêu lần, chỉ nhớ là mình đã bước ra ngoài, lòng lâng lâng một niềm vui khôn xiết. Thế giới càng này càng như mở rộng vòng tay đối với tôi, tựa hồ như tôi đang được đền bù vì đã buồn khổ nhiều trong những năm tháng vừa qua.
Những ngày còn lại của tôi trong trại để chờ được chuyển lên một trại khác trước khi qua Mỹ định cư, tôi sống thật tràn đầy như chưa bao giờ được sống như thế. Thấm thoát mà tôi đã ở trại PFAC được tám tháng trời. Buổi sáng, tôi vẫn tiếp tục làm công việc thông dịch trong văn phòng Cao Uỷ. Buổi chiều, tôi dạy Việt ngữ cho mấy đứa bé ở trường CADP (Center for Aid to Displaced Persons), tổ chức của các bà xơ đủ mọi quốc tịch. Còn thì giờ rảnh rỗi, tôi xin vào làm việc ở văn phòng Counseling, thông dịch cho những người cần giúp đỡ khi gặp khó khăn về tinh thần hay vật chất trong những tháng ngày tỵ nạn ở xứ Phi này. Vì vậy, tôi bận rộn cả ngày, không có thì giờ để buồn vẩn vơ. Tôi về nhà ăn uống, phụ nhau dọn dẹp với mọi người trong nhà, rồi đánh một giấc ngon lành cho đến sáng hôm sau.
Trong trại, hầu hết các công việc là thiện nguyện, nhưng đặc biệt có hai công việc được “trả lương” là đi dạy và làm ở văn phòng vệ sinh, phụ trách việc dọn dẹp trại sạch sẽ và đổ rác hằng ngày. Với hai việc này, mỗi người nhận được 100 peso tiền Phi mỗi tháng. Nói là lương cho oai chứ thật ra chỉ là một món tiền tượng trưng, theo hối suất thời đó tương đương 5 đô-la Mỹ. Tôi rất dè xẻn, mỗi tháng lãnh tiền ra chỉ tiêu có một ít, còn lại đổi thành đô-la, cất để dành chờ ngày định cư để mua áo quần mặc đi máy bay cho bảnh. Tuy vậy, mỗi cuối tháng tôi vẫn thường mời mọi người trong nhà đến “coffee shop” trong trại—cũng của các bà xơ CADP làm ra để gây quỹ—ở đó chúng tôi cùng nhau thưởng thức những món ăn rất Việt Nam như phở hay chả giò, và tự thưởng cho mình những chai nước ngọt ngon lành made in the Philippines mà hồi còn ở Việt Nam có tiền đâu để uống. Tiêu tiền vào tiệm ăn đó, coi như chúng tôi đã “lại quả” một phần nào cho tổ chức CADP, để các xơ lại có tiền chi phí cho biết bao nhiêu sinh hoạt hằng ngày trong thế giới nhỏ của trại tỵ nạn này.
Quỳnh Tiên, hẳn là buồn vì chưa được nước nào nhận mà lại còn sắp phải xa tôi. Ở với nhau lâu ngày, chúng tôi trở nên thân nhau như chị em ruột thịt. Ngày xưa, khi đến nhà Việt, mỗi lần tình cờ gặp Quỳnh Tiên cũng ghé chơi, tôi cũng chỉ trao đổi vài lời với cô bé cho có lệ. Nào ngờ có ngày hai đứa gặp nhau nơi trại tỵ nạn này. Bên cạnh nỗi buồn, Quỳnh Tiên cũng vui cho tôi, lo lắng, dặn dò tôi đủ thứ. Ngày tôi ra bến tàu để được đưa lên trại Bataan, gần thủ đô Manila, để học văn hoá Mỹ trước khi qua định cư, Quỳnh Tiên và hai mẹ con Thảo, Trang đều ra đưa tôi đi, bịn rịn không muốn rời nhau. Tôi lấy trong ví ra tờ 50 đô-la của cậu Cảnh cho vẫn còn y nguyên đó, đưa cho Quỳnh Tiên và nói:
“Khi nào em có dịp gởi tiền về nhà, cho chị gởi theo chút này, một nửa để ba em thuốc thang, còn nửa kia nhờ mẹ em chuyển giùm đến Việt nhe. Nhưng em nhớ đừng nói với Việt là tiền này của chị gởi. Cám ơn em nhiều lắm!”
Vậy là tôi đi, trên một chuyến hải hành nữa, lần này có chỗ giường nằm đàng hoàng trên con tàu hướng về một hòn đảo khác ở phía bắc xứ Phi ngàn đảo. Tàu chạy khoảng gần một ngày thì cập cảng Subic Bay, một căn cứ quân sự của quân đội Mỹ. Từ đó, chúng tôi được chở bằng xe buýt về hướng nam, đến thành phố Morong, thuộc tỉnh Bataan, nơi có trại tỵ nạn chuyển tiếp PRPC (Philippine Refugee Processing Center). Trại tiếp nhận tất cả những người đã được chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho đi định cư tại Mỹ với diện tỵ nạn chính trị từ các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, hay những gia đình được thân nhân ở Mỹ bảo lãnh trực tiếp từ Việt Nam qua. Ngoài người Việt, trại còn có người Miên, người Lào và người H'mong, rất ư là “quốc tế”.
Mặc dù tên chính thức của trại là PRPC, mọi người vẫn quen miệng gọi một cách thân mật là “trại Bataan”. Trại tỵ nạn này lớn gấp nhiều lần so với trại cũ của tôi, gồm đến 10 vùng khác nhau, có đường trải nhựa cho xe buýt và xe hơi chạy, không thua gì một thành phố thực thụ. Cuộc sống ở đây “văn minh” hẳn ra. Nhà cửa cất bằng gỗ và mái tôn, mỗi nhà có hai tầng. Trong trại có nhiều tiệm ăn, tiệm cà-phê, có bán loại chè halo-halo đặc biệt của người Phi. Dân Phi chẳng khác gì người Việt là mấy, cũng ăn hột vịt lộn (mà họ gọi là balut) và ăn xoài xanh chấm nước mắm y như người mình nữa! Khắp 10 vùng trong trại có chỗ họp chợ, chùa chiền, nhà thờ và các dãy lớp học hết sức khang trang. Sáng sáng, học trò ra đứng chờ xe buýt đón đến trường, một cảnh tượng thật đẹp và tràn đầy cảm hứng.
Tụi tôi thường bảo nhau “Đến Bataan là đã thấy nước Mỹ... mờ mờ rồi đó!” Thật vậy, khi còn ở trại tỵ nạn, chẳng ai biết rõ khi nào mình mới được một nước thứ ba nhận. Còn qua đến Bataan, thời gian ấn định rõ ràng là 6 tháng. Trong suốt thời gian đó, ai cũng vào các lớp gọi là CO (Cultural Orientation), do các giáo viên người Phi đảm nhiệm. Tôi được nhận làm AT (Assistant Teacher), đứng bên cạnh giáo viên để thông dịch cho mọi người trong lớp. Các giáo viên Phi nói tiếng Anh lưu loát, nhưng tất nhiên có âm hưởng Phi trong giọng nói của họ.
Sáu tháng ở trại này qua nhanh như một giấc ngủ trưa. Mới đó mà đã đến ngày kết thúc các khoá học CO. Thầy trò trong lớp tổ chức liên hoan, cám ơn và chia tay nhau. Các giáo viên lại chuẩn bị cho những khoá học mới, còn chúng tôi nôn nao chờ ngày lên đường. Một dàn xe buýt chở những người đi định cư, băng qua đèo núi hiểm trở, đến thủ đô Manila náo nhiệt mà ngày xưa tôi chỉ biết loáng thoáng qua báo chí, sách vở. Đêm ngủ ở trại transit ở Manila, tôi lại thao thức, thấy mình như chơi vơi giữa nhiều thế giới khác nhau. Xin tạm biệt và cám ơn Phi Luật Tân, xứ sở của những người dân thân thiện, hiền lành, đã cưu mang những người vong quốc lưu lạc đến đây trong thời gian qua...
Chuyến bay của hãng Philippine Airlines đưa nhóm người của chúng tôi qua phi trường Narita ở Nhật để quá cảnh. Sau đó, chúng tôi đáp một chuyến bay khác đến thẳng Los Angeles, California, cho tôi và mọi người bắt đầu một quãng đời mới. Lúc chiếc máy bay đứng lại trên đường băng, rồ máy thật mạnh lần chót để chuẩn bị cất cánh, bất giác tôi nhớ đến hai câu hát trong một bài ca nào tôi đã quên tên “Ra đi là hết rồi. Quay nhìn đoạn đời trôi...”
Ra đi là hết rồi. Có thật vậy không, Thuỳ Linh?
– Trần C. Trí
No comments:
Post a Comment