Saturday, October 13, 2018

TT TRUMP VÀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI



Tổng thống Trump đọc diễn văn trong phiên họp khoáng đại thứ 73 của Đại Hội Đồng LHQ tại trụ sở LHQ ở New York vào ngày 25 tháng 9 năm 2018.

Hạ tuần tháng Chín vừa qua, Liên Hiệp Quốc họp phiên khoáng đại với sự hiện diện của nhiều quốc trưởng. TT Trump đã tới, đọc một bài diễn văn quan trọng, phác họa ra chính sách đối ngoại mới của Mỹ.

Cũng như tất cả những gì TT Trump làm hay nói, bài diễn văn đã gây sóng gió lớn, chỉ vì nó đã đưa ra cho cả thế giới thấy chính sách đối ngoại… không giống chính sách đối ngoại của bất cứ ông tổng thống tiền nhiệm nào.

Bài diễn văn của TT Trump mở đầu như một báo cáo về thành quả của ông sau gần hai năm chấp chánh. Ông đã kể lại việc kinh tế đang bộc phát, với thị trường chứng khoán tăng vọt trong khi nạn thất nghiệp đang ở mức thấp nhất, kể cả cho các khối dân thiểu số. TT Trump cũng đã không quên nhắc lại cuộc điều đình với Bắc Hàn, việc xé thỏa ước với Iran của TT Obama, cũng như hàng loạt thành quả trong chính sách đối ngoại tại Trung Đông.

Trong vấn đề Trung Đông, câu nói đáng lưu ý nhất là “…chính sách nhân đạo nhất là để người tỵ nạn ở càng gần quê nhà của họ càng tốt.” Đúng vậy, không ai muốn làm tỵ nạn sống xa quê nhà hết.

Trước đại diện của gần 200 quốc gia, TT Trump đã bênh vực chính sách mậu dịch mới của Mỹ. Ông cho rằng nước Mỹ đã quá cởi mở đón nhận hàng hóa của cả thế giới, nhưng sự rộng rãi đó đã được hồi đáp bằng những hàng rào thuế quan quá nặng trên hàng Mỹ cũng như quá nhiều biện pháp và luật lệ ngăn cản hàng Mỹ. Đưa đến tình trạng thâm thủng cán cân ngoại thương của Mỹ lên tới cả 800 tỷ một năm, hay là 13.000 tỷ trong 20 chục năm qua, là tình trạng ai cũng thấy không thể kéo dài vô tận được.

Khoan nói về tương lai, ngay cả trong quá khứ, chế độ mậu dịch tai hại đó đã khiến nước Mỹ gặp khó khăn kinh tế lớn như việc nhiều công ty phải phá sản, dân lao động bị mất việc, kinh tế trì trệ.

Ngay trước sự hiện diện của đại diện TC, TT Trump đã phạng TC thẳng cánh. Từ sau khi Trung Cộng được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế WTO dưới thời TT Clinton, Mỹ đã mất hơn ba triệu việc làm, và 60.000 nhà máy đã bị đóng cửa. Không ai lạ gì TC không sòng phẳng trong mậu dịch quốc tế khi phần lớn kinh tế TC được Nhà Nước trợ cấp, chế độ bảo hộ mậu dịch TC hết sức gắt gao, và nhất là khi trị giá đồng Nguyên hoàn toàn giả tạo qua một hối suất chỉ dựa trên sắc lệnh của Nhà Nước chứ không phải do thị trường cung cầu quốc tế ấn định.

Nói chung, TT Trump cho thế giới biết nước Mỹ đã đi vào kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại. TT Trump nói huỵch tẹt ra đó là chính sách ‘America first’, nghiã là lo cho nước Mỹ trước tiên, chứ không phải ‘nước Mỹ trên đầu tất cả mọi người’ như vài cụ tỵ nạn xuyên tạc để chửi ‘tân đế quốc’. Người ta có thể gọi đó là chính sách ‘tân cô lập’ (neo-isolationist), hay nói một cách thẳng thừng không lịch sự lắm, đó là chính sách bất cần thiên hạ. Các ông cần chúng tôi chứ chúng tôi không cần các ông.

Trên thế giới này, không có một người lãnh đạo nào bất kể vua hay tổng thống, mà lại không coi dân và đất nước mình là ưu tiên số một. Ngay cả các lãnh tụ cộng sản như Xít-Ta-Lin hay Mao, hô hào thế giới đại đồng cũng chỉ là trò bịp bợm, hô hào đại đồng dưới sự lãnh đạo của chính mình, phục vụ cho quyền lợi nước mình trước. Ai cũng ngang hàng, là ‘đồng chí’ hết, nhưng sự thật là có ‘đồng chí bé’ và ‘đồng chí lớn’. TT Trump lo cho nước Mỹ trước hết cũng là chuyện bắt buộc trong vai trò quốc trưởng của Mỹ thôi. Điểm khác là ông Trump là lãnh đạo duy nhất đủ thành thật nói thẳng quyền lợi Mỹ là ưu tiên số một, chứ không núp sau ngôn từ hoa mỹ giả dối của các chính trị gia hay cái lừa đảo của các lãnh tụ cộng sản.

Chính sách vuốt ve cả thế giới, mang tiền thuế của dân Mỹ đi đút lót cho mấy tay độc tài tham nhũng của các đệ tam quốc gia để mua phiếu của họ tại các diễn đàn thế giới đã cáo chung. Cũng cáo chung luôn là chính sách đối ngoại cong lưng lãnh đủ chi phí của cả thế giới qua những thỏa ước vớ vẩn như thỏa ước Paris về hâm nóng trái đất, hay qua những tổ chức quốc tế thiên tả như UNESCO, chuyên chi tiền thuế của dân Mỹ cho các việc trùng tu đền đài cổ lỗ của vài xứ chậm tiến (UNESCO cũng đã có lúc muốn vinh danh họ Hồ như một vĩ nhân của nhân loại!), hay OHCHR (Office of High Commission of Human Rights) với những hoạt động gọi là bảo vệ nhân quyền trên thế giới trong khi thực tế chỉ là công cụ của các xứ Ả Rập để đánh Do Thái.

Quan trọng hơn nữa, là sự cáo chung của chính sách đi đâu tổng thống cũng phải gập người xuống xin lỗi đủ chuyện, kể cả những chuyện không có phải chế ra để có lý do xin lỗi. (Một cụ tỵ nạn bào chữa: khiêm tốn là thái độ của kẻ cả trưởng thành, giống như lúa chín thì cành ngả xuống; vâng thưa cụ, giống như các quan ta cúi gập người khi yết kiến Thiên Triều đó.)

Không biết quý độc giả nghĩ sao chứ kẻ này gọi chính sách đối ngoại của TT Trump là chính sách của những người… không còn ngu. Không có lý do nào biện minh được chính sách đối ngoại vuốt đuôi của các chính quyền Mỹ ngay từ sau thế chiến thứ hai chấm dứt, nhất là trong thời điểm chiến tranh lạnh với khối cộng sản và trong thời gian có cuộc chiến tại VN.

Trong những thời kỳ đó, ta còn nhớ Hoa Kỳ bỏ bạc ngàn tỷ ra viện trợ kinh tế cho cả trăm nước chậm tiến, nhưng mỗi lần ra trước Liên Hiệp Quốc là y như rằng, toàn thể khối đệ tam quốc gia đều nhất loạt bỏ phiếu chống Mỹ. Phần lớn các ‘đồng minh’ Âu Câu cũng biểu quyết chống luôn.

Năm 1955, lãnh tụ 29 quốc gia gọi là đệ tam, họp tại Bandung của Indonesia dưới sự chủ trì của TT Soekarno và sự ủng hộ của thủ tướng Nehru của Ấn Độ và TT Nasser của Ai Cập, tuyên cáo là không theo Mỹ hay Liên Xô gì hết trong cuộc chiến tranh lạnh thời đó. Thành lập khối trung lập, gọi là ‘khối không liên kết’, tức là không theo phe tư bản Mỹ hay phe cộng sản Liên Xô, nhưng lại do Chu Ân Lai của TC giựt giây! Trên thực tế, hầu hết mấy xứ đó chìa tay nhận viện trợ Mỹ trong khi lại bỏ phiếu chống Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Đại cường Cờ Hoa còn chính sách đối ngoại nào ngây ngô hơn không? Cả tỷ viện trợ không mua được một lá phiếu của Congo.

Cũng trong thời điểm đó, những nước nhận được nhiều viện trợ nhất, kể cả viện trợ quân sự là các nước Trung Đông như Ả Rập Saoud, Ai Cập, Jordan,… Nhìn lại cho kỹ, Mỹ đã hưởng lợi gì? Ả Rập Saoud mang tiếng là đồng minh lớn nhất nhưng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chặt chém giá dầu thô là nguyên liệu sinh tử của Mỹ. Trong nước, các vua Ả Rập cổ võ cho hệ phái Hồi giáo Wahhabi cuồng tín nhất, cha đẻ tinh thần của đám khủng bố thủ phạm vụ tấn công 9/11. Ai Cập và Jordan nhận được bạc tỷ để đấm mõm cho họ đừng đánh Do Thái cho dù ai cũng biết mấy xứ này chẳng có khả năng đánh ai hết chứ đừng nói chuyện đánh Do Thái.

Từ ngày có Chương Trình Marshall ngay sau Thế Chiến chấm dứt cho đến nay, Hoa Kỳ bỏ bạc ngàn tỷ ra để tái thiết Âu Châu và nhất là lo bảo vệ Âu Châu chống một cuộc xâm lăng của Liên Xô. Đổi lại, Mỹ được gì?

Ta nhìn lại thời chiến tranh VN, toàn thể khối Âu Châu, cầm đầu là De Gaulle của Pháp, là khối chống sự tham chiến của Mỹ mạnh nhất. Một phần vì đây là khối các nước thiên tả, có cảm tình với CSVN hơn, nhưng một phần cũng vì ích kỷ, sợ Mỹ chú trọng vào cuộc chiến tại VN quá nhiều, tốn kém quá nhiều, không còn sức bảo vệ Âu Châu chống Liên Xô nữa, bắt Âu Châu phải gia tăng ngân sách quốc phòng của họ. Ở đây, ta không nói đến chính sách ‘ăn cháo đá bát’ của Pháp, quên bẵng việc không có Mỹ can thiệp, dân Pháp đã nói tiếng Đức từ khuya rồi.

Ngay sau vụ 9/11, thái độ của Âu Châu đối với Mỹ có thay đổi đôi chút, tiêu biểu bởi việc cả chục quốc gia Âu Châu gửi lính đi đánh Afghanistan. Nhưng sự thân thiện này chẳng những chỉ mang tính tượng trưng cho có –từ vài chục đến vài ngàn quân lính tham chiến- mà lại còn khá ngắn hạn. Qua đến cuộc chiến tại Iraq, thì ‘đồng minh’ thực sự chỉ còn lại có đúng một nước Anh. Các cường quốc Âu Châu như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha biến mất hết. Đến cuộc tranh chấp với Iran thì hầu như cả khối Liên Âu lo bào chữa cho Iran. Anh, Pháp và Đức đều có những quyền lợi kinh tế rất lớn tại Iran.

Thời TT Obama là cao điểm của chính sách vuốt đuôi khi ông ta đi khắp thế giới, cúi rạp mình xin lỗi tám phương tứ hướng. Xin lỗi cho những chính sách đối ngoại sai lầm đã gây hại hay làm phiền lòng thế giới cũng như xin lỗi luôn cho những chuyện không có. Khi đó, TT Obama cũng đã nghiên cứu việc xin lỗi Nhật vì đã thả bom nguyên tử trên đất Nhật. Chỉ sau khi giới cựu quân nhân Mỹ nổi điên chống lại, hỏi có bắt Nhật Hoàng xin lỗi đã gây ra chiến tranh chết cả chục triệu người không, trong đó có cả trăm ngàn quân nhân Mỹ, thì TT Obama mới bỏ ý định nhu nhược đó.

Nhìn kỹ vào lịch sử bang giao quốc tế từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, so sánh với chính sách đối ngoại của TT Trump và phản ứng của giới cấp tiến, ta không khỏi thấy được một cảnh chéo cẳng ngỗng quái lạ.

Ai cũng biết phe cấp tiến, nhất là tại Âu Châu, chủ trương thiết lập một thế giới tuy không hoàn toàn là thế giới đại đồng của chủ nghiã cộng sản, nhưng rất gần với thế giới đó, qua cái gọi là toàn cầu hóa –globalization, tiêu biểu bởi việc xóa dần biên giới, biên giới kinh tế trước rồi biên giới chính trị sau. Xóa biên giới qua các liên minh kinh tế, chính trị, và cả quân sự. Bắt đầu bằng những liên minh địa phương rồi lan ra như vết dầu loang, với đặc điểm là không có xứ nào thống trị xứ nào. Liên Âu được coi như là mô thức mẫu mực. Cho đến khi bắt đầu sứt mẻ với sự rút lui của Anh.

Nhưng đó là nói chuyện nguyên tắc. Trên thực tế, thế giới sau Thế Chiến là thế giới hoàn toàn thống trị bởi Mỹ. Dĩ nhiên là thống trị về kinh tế quá hiển nhiên, nhưng cũng thống trị về chính trị, quân sự, cả văn hoá luôn.

Trong phạm vi chính trị, không ai lạ gì vai trò của CIA từ thời TT Eisenhower đến thời TT Bush cha trong việc giúp gian lận bầu cử tại các nước chậm tiến dân chủ nửa mùa, hay giúp đảo chánh như tại Iran, Phi Luật Tân, Congo, Nam VN, Chile, Argentina,... Sự thống trị của Mỹ lên đến cao điểm sau khi các cường địch Liên Xô và Trung Cộng xụp đổ. Có lẽ vì vậy mà vai trò khuynh đảo chính trị của CIA sau đó giảm đi nhiều vì không cần thiết nữa.

Nói cách khác, thế giới từ sau Thế Chiến là thế giới của Mỹ trọn vẹn. Có thể gọi là toàn cầu hoá dưới sự thống trị của Mỹ. Sau đó, hạng hai là các đại cường như Trung Cộng và Liên Xô/Nga.

Thực tế mà nói, cái gọi là ‘toàn cầu hóa’ hiểu theo nghĩa một thế giới không biên giới, không bá chủ, chưa bao giờ có thật. Thực tế, các liên minh kinh tế chỉ có mục đích không nói ra là để cản bớt sự thống trị của Mỹ.

Bây giờ, TT Trump có vẻ như đang đi ngược chiều khuynh hướng toàn cầu hoá giả tạo, tập trung quyền lực đó với chính sách tân cô lập, lo cho Mỹ trước tiên, trong khi bất cần thế giới. Tức là giảm thiểu sự thống trị của Mỹ. Chẳng những vậy, TT Trump cũng có vẻ chủ trương rút ra khỏi các liên minh, kinh tế hay chính trị, như TPP hay NATO luôn. Như vậy có phải là ‘đế quốc Mỹ’ đang thu rút lại, ‘cởi trói’ cho thế giới, không?

Nếu đúng vậy thì phe cấp tiến với chủ trương đại đồng, chống ‘đế quốc’, phải hoan nghênh, cổ võ cho cái trật tự thế giới mới của TT Trump đề ra mới phải vì đó mới thật sự là chuyện ‘toàn cầu hóa’, một thế giới của hợp tác giữa những quốc gia hoàn toàn độc lập không có ‘đế quốc’ Mỹ thao túng phải không? Như vậy sao lại xúm lại chống? Có cái gì mâu thuẫn hay sai lầm không? Báo Washington Post đã chỉ trích TT Trump đang bỏ đồng minh. Mỹ vươn tay ra bị chửi là đế quốc, rút tay về thì bị gọi là phản bội đồng minh. Thế thì TT Trump làm chuyện gì mới không bị phe cấp tiến đả kích?

Có một khiá cạnh nữa của toàn cầu hóa mà ít người hiểu. Ta xem báo thường thấy mỗi khi các đại cường kinh tế họp nhau tại đâu là nơi đó có những đám quá khích biểu tình phá rối. Tại sao? Tại vì họ chống lại khiá cạnh tiêu cực –hay chính xác hơn- khiá cạnh thật của toàn cầu hóa. Đó chỉ là cái mánh của đại tư bản, tìm chỗ sản xuất hàng với phí tổn tối thiểu, tối thiểu qua lương chết đói cho nhân công, và tối thiểu qua việc những xứ chậm tiến không có những luật lệ lao động và luật lệ môi trường quá khắt khe, quá tốn kém. Để giúp gia tăng tối đa lợi nhuận của các đại tập đoàn.

Kết quả là các đại công ty như Nike, Apple,... hưởng lợi nhờ môi trường lao động thuận lợi cho họ tại Việt Nam, Bangladesh, Trung Cộng,... Mấy xứ này được hưởng lợi gì? Cái lợi đầu tiên phải nhìn nhận là dân có việc làm thật. Nhưng bù lại, đám dân lao động đó thật sự bị bóc lột đến tận xương tủy qua mức lương chết đói, qua những điều kiện làm việc cực kỳ thê thảm, nguy hại cho sức khỏe về lâu về dài. Không khác gì thực dân Pháp ngày xưa khoe mang công ăn việc làm cho Đông Dương qua việc khai thác tận cùng các phu mỏ đồn điền cao su trong nam hay các mỏ than ngoài bắc.

Cái tiếu lâm trong câu chuyện là Việt Nam chẳng hạn, có thể đưa thống kê ra khoe với thế giới là đã có tỷ lệ thất nghiệp thấp, đã có tổng sản lượng cao, đã có mức xuất khẩu nhất nhì trên thế giới, đã nhận được bạc tỷ đầu tư của thế giới,... Ngân Hàng Thế Giới nhẩy vào, diễn giải mấy thống kê cuội đó, để ca tụng kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, có tương lai huy hoàng. Hình như chưa ai nghiên cứu về thảm họa của dân lao động tại VN ngày nay hết. Đây là chưa nói đến những thảm họa gây ra cho môi trường.

Nhìn vào vấn đề dưới khiá cạnh này, toàn cầu hoá có gì tốt cho các xứ gọi là chậm tiến? TT Trump phá cái toàn cầu hoá đó có lợi cho những nước đó hay có hại? Tại sao khối cấp tiến, mang tiếng là lo cho dân nghèo, lại ủng hộ toàn cầu hóa bóc lột kiểu Nike và Apple? Tại sao với tư cách một người dân gốc Việt, chúng ta lại đả kích chính sách tân cô lập của ông Trump?

Bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc của TT Trump là một bài diễn văn cực kỳ quan trọng vì nó vạch rõ hướng đi của Mỹ trong quan hệ với cả thế giới, ít nhất ngày nào TT Trump còn tại chức. Điều đáng nói –hay đáng buồn nếu muốn chính xác- là TTDC và dĩ nhiên truyền thông thông ngôn của ta, đã chỉ biết chúi đầu bình luận về việc TT Trump vỗ ngực quá lố bị các đại diện thế giới cười vào mũi. Sự thật là có thể đại sứ Trung Cộng ngồi cười khẩy trong hội trường Liên Hiệp Quốc, nhưng chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Bình lại đang lo sốt vó khi thấy TT Trump đang phá nát kế hoạch ngũ niên hay thập niên hay bách niên gì đó để phát triển kinh tế xứ ông, trong khi hàng vạn nhà kinh doanh TC trơ mắt nhìn hơn 5.000 tỷ đô trị giá của các doanh nghiệp TC bốc hơi.

Thông điệp cho những đại diện các nước cười khẩy vào mũi Trump: “nếu anh tấn công ông ta, ông ta sẽ đánh lại mạnh gấp 10 lần”. Đây không phải là ý nghĩ của kẻ này đâu, mà là nhận định của bà Melania, người đã sống chung với ông Trump 13 năm rồi. Ai ghét ông Trump có thể gọi ông là “dân du côn”, sự kiện là ông thần này chưa bao giờ là người chịu thua ai. Thú thật, với kẻ này, một tổng thống trả đòn gấp 10 lần vẫn hơn một tổng thống suốt ngày xin lỗi.

Ngay trong bài diễn văn, TT Trump đã nói rõ “chúng tôi sẽ coi lại viện trợ của Mỹ, trong tương lai, chúng tôi sẽ viện trợ cho các nước tôn trọng chúng tôi và thẳng thắn mà nói, là bạn của chúng tôi”. Muốn chửi Mỹ gì thì chửi, muốn cười khẩy tổng thống Mỹ thì cười, nhưng đừng quên là nước Mỹ trên thực tế thống trị cả thế giới qua những việc như viện trợ cho cả thế giới, mua và bán hàng với cả thế giới, kiểm soát tài chánh của cả thế giới, Wall Street chi phối thị trường chứng khoán cả thế giới, đồng đô-la là tiền của cả thế giới,... mà Mỹ cũng là cảnh sát mà cả thế giới cầu cứu mỗi khi có chuyện, quân lực Mỹ có thể xóa bất cứ xứ nào trên bản đồ thế giới trong vòng vài ngày. Ai là người cười khẩy cuối cùng?

Trong bài diễn văn, TT Trump có đề cập đến một vấn đề mà dân tỵ nạn Việt nghe rất bùi tai. TT Trump lên án các chế độ gọi là ‘xã hội chủ nghiã’.

TT Trump chỉ rõ sự thất bại và tàn ác của chủ nghiã cộng sản –communism-, cho dù được trang điểm, tô son vẽ phấn lại dưới cái tên là ‘xã hội chủ nghiã’ –socialism. Liên bang Xô Viết và cả Đông Âu đã tan vỡ. Trung cộng và vài anh cộng sản nhí như Việt Nam, Căm-Pu-Chia, Lào, Cuba đã biến thái thành những quái thai đầu Các Mác đuôi tài phiệt.

Venezuela được TT Trump đưa ra làm bằng chứng không chối cãi được về sự thất bại của cái lý thuyết không tưởng đó. Chủ nghiã vô sản thực sự đã biến xứ giàu có nhất Nam Mỹ thành một xứ vô sản thật, trong đó cả nước trở thành nghèo mạt rệp, với hơn 2 triệu dân đã ‘vượt biên’ qua các nước láng giềng.

Nhận xét của TT Trump về cái gọi là xã hội chủ nghĩa giải thích rõ ràng cuộc di tản trốn chạy VC của chúng ta cũng như giải thích việc tại sao cộng đồng ta vẫn kiên trì chống chế độ CSVN sau gần nửa thế kỷ lưu vong. Cộng đồng tỵ nạn phải vui mừng, hoan nghênh ông tổng thống đồng minh Trump, đúng không? Không đúng!

Kẻ này đã nhận được email của một cụ tỵ nạn, chỉ trích TT Trump ‘lạc hậu’, giờ này còn chửi cộng sản, làm như thể các nước ‘xã hội chủ nghiã’ bây giờ là thiên đàng hạ giới hết rồi. Cụ này cho rằng TT Trump chỉ là có gian ý muốn đánh đối thủ ‘xã hội chủ nghiã’ để áp đặt chế độ tân đế quốc ‘America first’ lên thế giới thôi. Thế mới nói cái bệnh TDS (Trump Derangement Syndrome) đã ăn quá sâu vào vài cụ tỵ nạn rồi. 

Vũ Linh

No comments:

Blog Archive