Nguyên nhân nào khiến phụ nữ Nhật Bản đều mơ làm vợ võ sĩ Sumo
Không hiếm các mỹ nhân là diễn viên, người mẫu, ngôi sao truyền hình Nhật Bản đồng ý nên duyên với những người đàn ông trăm ký dù điều đó đồng nghĩa với việc họ phải từ bỏ sự nghiệp riêng, toàn tâm toàn ý làm vợ hiền, mẹ đảm, đứng sau sự nghiệp của chồng.
Takanohana Koji (sinh năm 1972) là một võ sĩ sumo chuyên nghiệp cấp yokozuna, đoạt 22 chức vô địch trong suốt sự nghiệp thi đấu sumo của mình (nhiều thứ tư sau Taiho, Chiyonofuji và Kitanoumi TV).
Năm 1992, cả Nhật Bản và thế giới thể thao chấn động khi Takanohana tuyên bố đính hôn với người mẫu, diễn viên xinh đẹp Rie Miyazawa. Rất tiếc, hôn sự giữa họ không thành. Lý do bởi cha mẹ Takanohana và hiệp hội sumo nhận ra cô sẽ không chịu hy sinh sự nghiệp để trở thành một người vợ chăm sóc chồng.
Đến năm 1995, Takanohana cưới vợ với đám cưới rình rang giá 3,6 triệu USD. Người anh chọn cũng là một mỹ nhân ngành truyền hình – phát thanh viên Keiko Kono. Hiện nay, họ khá hạnh phúc với 1 con trai và 2 con gái.
Võ sĩ Hakuhō Shō (sinh năm 1985), người Mông Cổ thứ hai được phong cấp yokozuna cũng ‘tán đổ’ người mẫu nổi tiếng Sayoko Wada. Họ kết hôn năm 2007 khi Sayoko Wada mới 22 tuổi. Cặp trai tài gái sắc đã có 3 thiên thần nhỏ, 2 con gái và 1 cậu con trai.
‘Beckham trong thế giới sumo’ Kotooshu Katsunori (sinh năm 1983) cũng không kém cạnh, ‘cua’ được cô dâu nhỏ nhắn, xinh đẹp Asako Ando. Họ tổ chức lễ cưới đúng ngày Lễ tình nhân năm 2010 tại Tokyo sau 5 năm hẹn hò. Chiyotaikai Ryūji (sinh năm 1976) thì từng yêu người mẫu nổi tiếng Kawamura Hikaru.
Ai lại không muốn trở thành phu nhân của ‘đệ tử các thần linh’?
Được trở thành vợ của các võ sĩ sumo là một niềm hãnh diện to lớn đối với phụ nữ đất nước mặt trời mọc. Với người Nhật, sumo không phải là môn thể thao giải trí đơn thuần, nó là một biểu tượng quốc gia, là một phần của nghi thức Thần đạo. Võ đài Sumo không chỉ là sân thi đấu mà còn là nơi chốn linh thiêng.
Võ sĩ sumo được mọi người tôn vinh như các vị ‘thánh sống’, tuân thủ lời thề tuyệt đối gắn bó trọn đời với sumo. Họ nhận sự tôn trọng gần như tuyệt đối do được cho là ‘đệ tử của các thần linh’. Người Nhật khâm phục võ sĩ sumo bởi những người đàn ông hộ pháp trải qua cuộc sống khổ luyện lâu dài, hà khắc và kỷ luật, cả về thể chất lẫn tinh thần để có sức mạnh.
Thanh niên từ 15 – 23 tuổi phải trải qua khâu xét tuyển về ngoại hình, trình độ học vấn, nền tảng gia đình, lời giới thiệu… mới được phép vào lò luyện khắc nghiệt. Trung bình hàng năm có gần 80% số võ sĩ mới tuyển bị loại, chưa đầy 5% đủ chuẩn lên sàn, và càng ít võ sĩ có mặt tại các giải sumo hạng siêu nặng nhằm vươn đến cấp cao nhất trong 6 cấp của sumo – yokozuna. Tính đến nay qua lịch sử ngàn năm tồn tại của sumo, chỉ có 74 võ sĩ có tên chính thức trong danh sách yokozuna.
Sự khổ luyện này cũng rèn cho họ những tính cách đáng quý, rất đàn ông mà cô gái nào cũng ‘mê’: điềm tĩnh, tinh thần khắc kỷ, tự chế, không kiêu ngạo, nói ít, cư xử chừng mực, nhẹ nhàng… Chính vì sự sàng lọc đặc thù nói trên, phụ nữ chọn võ sĩ sumo không cần phải điều tra thân thế hay nghi ngờ nhân cách của họ.
Danh vọng ngang hàng minh tinh
Tại Nhật, sumo có số lượng người hâm mộ đông hơn bất cứ môn thể thao nào khác, trừ bóng chày. Công dân Nhật ở mọi giới tính, độ tuổi, thành phần xã hội đều là những cổ động viên nhiệt tình cho sumo.
Hàng năm, các giải đấu thu hút khoảng 60 triệu khán giả xem những trận thi đấu trực tiếp và trên truyền hình. Người Nhật không tiếc tiền mua vé vào cửa lên đến 43.000 yen (8 triệu đồng) để được xem trận đấu có võ sĩ mình yêu thích hay ngồi nhiều giờ để theo dõi các trận thi đấu.
Nhiều võ sĩ sumo tài năng trở thành thần tượng của giới trẻ nước này. Họ còn có câu lạc bộ người hâm mộ riêng, đi đâu cũng có đoàn tùy tùng sát gót. Fan sẵn sàng đến sân vận động, địa điểm thi đấu thật sớm, chờ hàng giờ để được ngắm nhìn võ sĩ sumo bằng người thật trên đường vào đấu trường. Mỗi bước chân của họ có hàng trăm chiếc điện thoại, máy quay phim… lướt theo. Cảnh tượng chào đón không khác khi fan vây quanh một ngôi sao ca nhạc hay nam thần điện ảnh, truyền hình nào đó.
Ngoài ra, chữ ký, dấu tay, tranh ảnh… của các võ sĩ đều trở thành vật quý, được đem theo người, treo trong nhà của những người hâm mộ. Thông tin về chuyện hẹn hò, đính hôn, đám cưới của họ được giới truyền thông quan tâm đưa tin rầm rộ.
Cuộc sống vật chất đầy đủ
Võ sĩ sumo có thu nhập cực kỳ cao, lương bổng thuộc hàng ‘đại gia’ so với các môn thể thao khác. Khi ở giai đoạn thi đấu, họ hầu như được các nhà tài trợ đài thọ tất cả các chi phí bên cạnh đãi ngộ hậu hĩnh từ Hiệp hội Sumo. Các võ sĩ có cấp càng cao thì tiền thu về càng nhiều.
Theo thống kê năm 2006, lương cơ bản hàng tháng của võ sĩ sumo cấp yokozuna vào 30.500 USD/tháng (682 triệu đồng), cấp thấp hơn: Ozeki là 25.000 USD (khoảng 560 triệu đồng), Sanyaku là 18.000 USD (khoảng 403 triệu đồng), Maegashira 14.000 USD (khoảng 313 triệu đồng), Juryo là 11.000 USD (khoảng 246 triệu đồng).
Chưa hết, họ còn thu từ rất nhiều khoản ‘thêm’ khác. Mỗi trận thắng, họ có số tiền thưởng lớn gấp nhiều lần lương cơ bản, tiền thưởng tính theo thâm niên và hiệu suất thi đấu, tiền từ quảng cáo cho môn thể thao sumo… Tổng cộng, hàng năm, võ sĩ sumo bỏ túi số tiền khổng lồ. Ví dụ, những năm 2000, võ sĩ Asashoryu có thu nhập 1,3 triệu USD/năm (29 tỉ đồng).
Lúc nghỉ hưu, dù không có lương chính thức nhưng võ sĩ sumo lại được nhận lãnh một khoản gọi là tiền trợ cấp hàng tháng. Các võ sĩ cũng có thể mở lò luyện hay chuyển sang các ngành khác tiếp tục kiếm tiền. Do đó, cuộc sống của các võ sĩ sumo trong khi thi đấu hay khi đã nghỉ hưu đều thoải mái. Những võ sĩ tiếng tăm sở hữu nhà lầu xe hơi, sống vương giả là chuyện bình thường. Người phụ nữ bên cạnh họ không phải lo lắng gì đến điều kiện vật chất. Chính bởi các lý do thuyết phục trên, việc phụ nữ Nhật thích được làm vợ võ sĩ sumo cũng là điều dễ hiểu.
No comments:
Post a Comment