Monday, October 29, 2018

Phản gián Pháp phá vỡ mạng lưới tình báo Tàu cộng

RFI


Minh họa bài viết trên Le Figaro ngày 23/10/2018 về mạng lưới gián điệp Tàu cộng nhắm vào các công dân Pháp (Capture d’image lefigaro.fr

Vụ thủ tiêu nhà báo đối lập Khashoggi đang làm rung chuyển hoàng gia Ả Rập Xê Út, giá dầu hỏa tăng như phi tiễn, Mỹ-Nga sẵn sàng chạy đua võ trang là thời sự được bình luận rộng rãi trên báo chí Pháp ngày 23/10/2018. Riêng Le Figaro dành nhiều trang tường thuật các phương pháp tiếp cận của mạng lưới gián điệp Trung cộng, mua chuộc chuyên gia trẻ của Pháp phục vụ cho Bắc Kinh.

Le Figaro chạy một loạt tựa trên ba trang lớn : Bằng cách nào Trung cộng dò xét Nhà nước, xí nghiệp của Pháp ? Chiến thuật của Trung cộng đánh cắp di sản quốc gia và bí mật kinh tế của Pháp ? Phản gián và tình báo Pháp đối phó ra sao ? Sở mật vụ Anh, Đức, Mỹ hành động như thế nào trước kế hoạch gián điệp toàn cầu của bộ máy công an Trung cộng ?

Theo điều tra của nhật báo cánh hữu, hơn 4.000 chuyên gia, công chức, tư chức của Pháp là mục tiêu địch vận của tình báo Trung cộng qua các mạng xã hội. Chiến thuật « nhử mồi » rất đơn giản và qua từng bước một. Đầu tiên là được một nhân vật bí ẩn ở « châu Á » tiếp cận xã giao, khen ngợi tài năng rồi mời đi nghỉ hè miễn phí ở một thiên đường du lịch xa xôi châu Á, bàn về dự án « lập công ty hay nhóm nghiên cứu chiến lược với những nhân tài hàng đầu thế giới mà Trung cộng, một nước đang phát triển rất cần».

Cách biệt Paris ồn ào, căng thẳng, hàng chục ngàn cây số, một công chức tuổi trẻ tài cao nào mà không tránh khỏi cạm bẫy ? Trung bình, một con mồi được hứa tiền thù lao ít nhất là 300.000 euro mỗi năm nếu chấp nhận « cộng tác » với Bắc Kinh. Một sinh viên Pháp mới ra trường, hoạt động tình nguyện trong một sứ quán Pháp tại châu Á cho biết anh nhận được hàng chục mail qua Linkedin, từ hàng chục « văn phòng tuyển mộ và viện nghiên cứu Trung cộng ».

Chi tiết đáng chú ý là thông điệp giống nhau từ nội dung đến cách hành văn. Theo Le Figaro, trong bộ Công An Trung cộng, cơ quan đặc trách tình báo có một lực lượng nhân sự khổng lồ gần 200.000 người (trong khi toàn thể nhân viên tình báo và phản gián của Pháp cộng lại chỉ có 10.000 người). Từ thành phố Trấn Giang, ở phía nam Thượng Hải, các điệp viên Trung cộng núp dưới những tên giả để câu mồi. Đây là những cao thủ về giao tế, nam cũng như nữ đóng vai « người trẻ vui tính, học thức cao, tốt nghiệp đại học danh tiếng… ». Qua tấm ảnh một phụ nữ xinh đẹp sang trọng, người mang bí danh Joan Li đã tiếp cận 324 cán bộ, công chức Pháp trước khi bị phản gián Pháp « nướng cháy ».

Theo kết quả điều tra của phản gián Pháp, trong số 4000 công dân bị Trung cộng tiếp cận, hàng trăm người « đã rơi vào tiến trình hợp tác khá sâu ». Để giúp cho những công dân qua khỏi « thời kỳ phạm tội vì ngây thơ », cơ quan phản gián Pháp quyết định « đánh mạnh » : ăn miếng trả miếng, bất chấp hậu quả.

Ngoài dụng ý đánh cắp công nghệ hay bắt chước sản phẩm, Trung cộng còn « để mắt » đến bằng sáng chế của Tây phương. Trước chiến lược gài bẫy toàn cầu của tình báo Trung cộng, từ năm 2015 các cơ quan phản gián Đức, Mỹ và Anh đã công khai báo động, tố cáo Bắc Kinh.

Đương nhiên, Trung cộng lúc nào cũng phủ nhận. Khi vụ gián điệp ở Thụy Điển bị bại lộ vào năm 2005, một nhà ngoại giao Trung cộng tuyên bố : « Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung cộng làm cho nhiều người ganh ghét và nghĩ rằng Trung cộng đánh cắp kiến thức của nước ngoài ». Theo kết luận của Le Figaro : Lời thú nhận khéo léo này chứng tỏ chiến tranh gián điệp còn nhiều tương lai.


No comments:

Blog Archive