Saturday, October 27, 2018

CUỘC BẦU CỬ ‘VĨ ĐẠI’

Vũ Linh

Ngày 6/11/2018 này, dân Mỹ sẽ đi bầu hàng loạt chức vụ lớn nhỏ cấp địa phương, tiểu bang và liên bang. Quan trọng hơn cả là việc bầu toàn thể Hạ Viện liên bang và 1/3 Thượng Viện liên bang. Ta sẽ không bàn về các cuộc bầu địa phương và tiểu bang, chỉ bàn về cuộc bầu quốc hội liên bang.

Việc đảng DC tìm đủ mọi cách để xé bỏ kết quả bầu tổng thống vừa qua đã quá rõ ràng, quá thô bạo, và quá trơ trẽn, đã được bàn quá nhiều, không cần nói thêm. Vả lại, bài này sẽ bàn về cuộc bầu cử giữa mùa tới đây, không liên quan gì đến cuộc bầu tổng thống hết.

Đề tài tranh cử của hai bên là gì?

Bên phiá CH dĩ nhiên là đang khoe những thành tựu của TT Trump và hứa hẹn sẽ tiếp tục con đường đó, cũng như cố gắng thực hiện những việc chưa làm được. TT Trump khi ra tranh cử đã hứa khá nhiều chuyện và cho đến nay, ông đã thực hiện được không ít. Ngay cả báo Washington Post cũng đã phải nhìn nhận TT Trump là tổng thống ‘lương thiện nhất’, giữ lời hứa hơn tất cả các tổng thống khác.

Về phiá DC, thú thật với quý vị, kẻ này hơi bối rối không biết phải viết gì vì lý do rất giản dị là dường như đảng DC không có chương trình cụ thể gì ngoài kế hoạch ... lật đổ TT Trump qua cả chục vụ điều tra, rồi đàn hặc và truất nhiệm, hay nếu không được thì tìm mọi cách phá, đòi hỏi ngược lại tất cả những gì TT Trump đã làm hay muốn làm. Nói cách khác, nếu muốn biết DC muốn làm gì thì cứ nghĩ đến những việc TT Trump đã hay sẽ làm, rồi quay ngược lại thì sẽ biến thành chương trình kinh bang tế thế của DC. 

Bên nào sẽ thắng?

Phải nói ngay để tránh mọi hiểu lầm, kẻ này không đủ “khả năng, viễn kiến, tầm nhìn xa” để có thể làm Trạng Trình, đoán mò bằng những câu sấm mù mờ mà mấy trăm năm sau, ai cũng có thể diễn giải theo ý mình, cách nào cũng đúng. Hơn thế nữa, tiên đoán về chính trị Mỹ thì thật sự Trạng Trình có tái sinh cũng … mù tịt. Chỉ một ngày trước ngày bầu năm 2016 vừa qua, ai dám nói bà Hillary sẽ về nhà giữ cháu ngoại?

Một điều cần phải cân nhắc khi đi bỏ phiếu: giữa tư cách cá nhân của một ông Trump, là tiêu điểm của cuộc bầu cử dưới cái nhìn của đảng DC, và thành quả kinh tế là chủ điểm của bầu cử theo đảng CH, cái nào quan trọng hơn?

Nếu DC thắng, chiếm đa số tại Hạ Viện, cho dù vẫn không chiếm được Thượng Viện, thì như đã bàn nhiều lần, ta sẽ thấy hàng loạt vụ điều tra, vài công tố độc lập có thể được Hạ Viện bổ nhiệm để điều tra cửu tộc nhà họ Trump và cả tam tộc các phụ tá, cố vấn, bà con, chú bác, dâu rể,… Thậm chí có thể sẽ đàn hặc TT Trump luôn. Tình trạng lạc quan tếu nhất, các dân biểu DC không làm những việc trên thì, ít ra họ cũng sẽ bác bỏ tất cả mọi dự luật phe CH hay TT Trump có thể đề nghị. Hay ngược lại, phe CH và TT Trump sẽ bác tất cả mọi dự luật phe DC đề nghị. Nôm na ra, guồng máy chính quyền Mỹ sẽ hoàn toàn tê liệt, từ tổng thống đến bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu, quan chức,… tất cả đều lãnh lương để ngồi chơi xơi nước, chửi bới qua lại. Chẳng có một đạo luật đáng kể nào được ban hành. Chờ đến bầu cử 2020. TT Trump chỉ còn một cách: cai trị bằng sắc lệnh, qua mặt quốc hội, theo đúng cách của TT Obama trong nhiệm kỳ hai đấy.

Nếu phe CH thắng, giữ được thế đa số tại Hạ Viện, thì TT Trump sẽ có dịp tiếp tục những việc ông đã làm từ hai năm qua, và làm thêm những gì đã hứa mà chưa thực hiện được.

TTDC báo động: nếu CH thắng giữ được cả hai viện thì sẽ là đại hoạ vì “con ngựa chứng Trump sẽ không còn ai cầm cương và sẽ đá loạn xà ngầu”. TTDC quên mất một chuyện lớn: dân Mỹ đã đi bầu tháng 11/2016, cho ‘con ngựa chứng’ được chạy nhẩy, tại sao bây giờ lại một hai đòi nhốt con ngựa đó lại? Ý dân vứt đi đâu rồi?

Trong cuộc bầu cử này, yếu tố quyết định thật sự là hậu thuẫn của khối đa số mà TT Nixon gọi là “đa số thầm lặng’, -silent majority-, đang ủng hộ TT Trump. Không ai biết khối này đông đảo đến cỡ nào và nhất là sẽ tham gia bầu cử đông đảo đến mức nào. Đây là bí số chẳng những quan trọng nhất mà cũng là hiểm hóc nhất. Đó chính là bí số đã khiến tất cả khối DC vàTTDC tiên đoán sai bét trong cuộc bầu tổng thống vừa qua. Mà cũng là bí số khiến không ai dám chắc kết quả bầu cử lần này sẽ ra sao.

Chuyện chính trong bài này là cộng đồng Việt tỵ nạn tính sao?

Như đã có dịp bàn qua nhiều lần, dù muốn hay không, đây cũng là đất ta sinh sống, nơi mà các quyết định của các chính khách có tác động trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Do đó, việc cộng đồng Việt tỵ nạn tham gia vào sinh hoạt chính trị Mỹ là điều tối cần thiết để có thể bảo vệ quyền lợi của chúng ta một cách hữu hiệu nhất. Tham gia bằng cách ra ứng cử càng nhiều chức vụ càng tốt, bất kể ở cấp nào, địa phương, tiểu bang hay liên bang. Và tham gia bằng cách đi bỏ phiếu. Và dĩ nhiên tham gia bằng cách tìm hiểu cho kỹ mọi vấn đề trước khi lấy quyết định cho chính mình.

Diễn Đàn này chủ trương cố giảm thiểu tình trạng chia rẽ trong cộng đồng nên cố tránh đi vào vấn đề cá nhân các ứng cử viên gốc Việt bất kể thuộc đảng nào. Do đó sẽ không ủng hộ hay chống bất cứ cá nhân nào. Không có nghiã là diễn đàn này nghĩ rằng ai đi bỏ phiếu cho ai cũng được. Mà vấn đề là cần bỏ phiếu theo chủ trương, theo sách lược,... của ứng cử viên, chứ không theo cá nhân hay cá tính của ứng cử viên.

Một điểm cần nhớ cho rõ: quan trọng là quyền lợi của nước Mỹ nói chung và quyền lợi của cộng đồng tỵ nạn nói riêng. Cần phải biết ứng cử viên đó và đảng của người ấy đã, đang, và sẽ làm gì cho cộng đồng chúng ta và cho nước Mỹ. Đó mới chính là những tiêu chuẩn căn bản để bỏ phiếu. Chứ không thể bỏ phiếu theo tiêu chuẩn... bạn bè, chỗ quen biết, bà con, hay... ‘cùng gốc Việt’.

Trên căn bản, những ứng cử viên ‘cùng gốc Việt’ tất nhiên phải hiểu cộng đồng tỵ nạn hơn những người không phải gốc tỵ nạn Việt, do đó có thể hiểu và bảo vệ nhu cầu của chúng ta hữu hiệu hơn những người khác. Vấn đề là trên thực tế không phải tất cả các ứng cử viên gốc Việt đều có cách suy nghĩ và hành xử giống hệt nhau.

Một ví dụ điển hình: một ứng cử viên tỵ nạn có thể vì thù ghét cá nhân TT Trump vẫn quyết tâm chống ông Trump đến cùng, chống luôn cả việc ông đang đánh Trung Cộng để giảm uy thế của TC, rất có lợi cho VN. Trong trường hợp này thì chúng ta có nên nhắm mắt bỏ phiếu cho người này chỉ vì họ ‘cùng gốc Việt’ không?

Trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta, hiện nay có 4 vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần cân nhắc.

1. Vấn đề kinh tế hiện hữu tại Mỹ
Dĩ nhiên, một số lớn dân tỵ nạn hiện còn trong tuổi đi làm, phải đóng thuế, nên họ cần phải cân nhắc cho kỹ việc TT Trump đã giảm thuế quy mô cũng như tạo ra được cả triệu việc làm. Chuyện công của ai là chuỵên tranh cãi phe phái không thể là yếu tố quyết định lá phiếu.

Một số không nhỏ dân tỵ nạn thuộc loại dưới trung lưu, không phải đóng thuế gì hết, cũng có nhiều người vì lớn tuổi chẳng đi làm gì hết mà sống bằng trợ cấp. Đối với họ, việc TT Trump giảm thuế, tạo công ăn việc làm chẳng có nghiã lý gì hết, trái lại, họ lo sợ giảm thuế sẽ giảm thu nhập của chính phủ, đưa đến việc cắt giảm trợ cấp của họ. Đây là một trong những luận điệu tuyên truyền rất mạnh của khối DC, để hù dọa thiên hạ.

Xin nói cho rõ: giảm thuế lợi tức, nhất là giảm thuế cho các đại gia và giảm thuế đánh trên lợi nhuận của các đại công ty, không phải là thể hiện tính phe đảng của TT Trump với nhà giàu để hại người nghèo như tuyên truyền ngớ ngẩn của phe chống TT Trump la hoảng. Việc giảm thuế cho các đại doanh gia và đại công ty có mục đích rõ ràng là khuyến khích việc đầu tư, mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho thiên hạ, phát triển kinh tế chung cho cả nước. Giảm thuế lợi tức cá nhân cho quý vị cũng giúp cho quý vị có thêm chút tiền để xài, tức là giúp các công ty bán thêm chút hàng hóa. Quý vị nào không muốn xài số tiền đó, có thể gửi ngân hàng, giúp ngân hàng có thêm ít tiền cho các doanh gia vay mượn để phát triển cơ sở kinh doanh của họ. Kinh tế nói chung sẽ phát triển (thật ra, đã và đang phát triển mạnh theo tất cả những thống kê chính thức). Mà kinh tế phát triển thì tức là lợi nhuận công ty tăng, lương thiên hạ tăng, thì cũng là dịp Nhà Nước thu thuế nhiều hơn, có tiền nhiều hơn, chứ không phải ít đi.

Như kẻ này đã chứng minh nhiều lần, kinh nghiệm những lần giảm thuế từ TT Kennedy đến TT Reagan và TT Bush con, sau thời gian đầu thì thu nhập thuế của chính phủ đều tăng vọt. Trong lịch sử cận đại Mỹ, đã có nhiều lần các tổng thống giảm thuế, nhưng chưa có một tổng thống nào bị hụt tiền đến độ phải cắt giảm trợ cấp.

Nếu quý vị nghe một ứng cử viên hô hoán TT Trump giảm thuế cho nhà giàu rồi sẽ cắt trợ cấp của người nghèo, thì xin quý vị hãy tỉnh táo suy luận để tránh nghe lập luận lừa phỉnh mỵ dân hay hù dọa thiên hạ. (Muốn tìm hiểu thêm về chuyện giảm thuế trước khi đi bầu, xin quý vị đọc lại bài ‘Luật Giảm Thuế’ trên diễn đàn này, tháng Chạp năm 2017)

Trong câu chuyện kinh tế, nhiều cụ tỵ nạn sao y bản chính TTDC, đã đưa ra những lập luận giả dối đáng ngạc nhiên.

Họ tố cáo TT Trump giảm thuế, kinh tế tăng trưởng, thu nhập của chính phủ phải tăng mạnh, cớ sao lại có chuyện nợ công vẫn tăng ào ạt lên tới xấp xỉ 21.000 tỷ đô, ngân sách vẫn thâm thủng nặng? Rõ ràng Trump lại nói láo sao?

Chỉ là tố cáo nếu không phải vì gian ý thì cũng chỉ vì thiếu hiểu biết. Giảm thuế có hiệu lực năm nay, tức là thu nhập của Nhà Nước đã giảm ngay, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ mới bắt đầu và chưa thể có tác dụng gì trên chi tiêu trong ngân sách đã được thiết lập cả năm trước. Chi tiêu của Nhà Nước có muốn cắt giảm như TT Trump đang cố làm, cũng không thể thực hiện trong vài tháng. Một ví dụ điển hình: muốn giảm nhân sự để tiết kiệm tiền lương, sa thải nhân viên hay công chức, cũng phải cấp cho họ một số tiền lớn cho họ sống trong khi chờ đợi có việc mới, chứ không có chuyện sa thải họ với hai tay trắng. Một ví dụ khác: tiền lãi phải trả trên hơn 20.000 tỷ công nợ, TT Trump không thể quyết định ngày mai sẽ ngưng trả. Nói cách khác hậu quả của chính sách kinh tế của TT Obama cần thời gian để thay đổi. Kinh tế Mỹ như cái tàu hàng lớn, muốn quay ngược lại, không thể một sớm một chiều, trở đầu như cái xuồng câu cá. Chưa kể cái giả dối thô bạo khi vài cụ tỵ nạn mê Obama la hoảng về số công nợ tăng lên tới 21.000 tỷ. Những người này núp ở đâu khi TT Obama tăng công nợ gấp đôi từ xấp xỉ 10.000 tỷ lên tới 20.000 tỷ đô?

Họ nói kinh tế phục hồi là nhờ TT Obama, ông Trump chỉ thừa hưởng gia tài thôi. Chuyện này, tôi đã bàn quá nhiều nhưng như nước đổ lá môn, họ vẫn nhắm mắt và bịt tai không muốn biết sự thật. Tôi sẽ không phí thời giờ viết lại tri₫ong bài này. Chỉ xin tóm lược rất ngắn gọn câu chuyện trước mắt.

Phục hồi của TT Obama có thật, nhưng chiếc xe của Obama chạy ì ạch 10 cây số một giờ trong 7 năm sau. Ông Trump ra tranh cử, hứa sẽ thi hành một loạt biện pháp để phục hồi tăng trưởng kinh tế thật sự và tạo công ăn việc làm lại. Các kinh tế gia DC nhao nhao báo động TT Trump sẽ lôi kinh tế xuống ruộng lại. Ông Trump đắc cử, thi hành những biện pháp đã hứa, chiếc xe chạy vọt lên 60 cây số một giờ. Cả triệu việc làm được tái tạo, chứng khoán bay bổng, kinh tế tăng trưởng quá mạnh khiến chính quyền phải tăng lãi suất để làm chậm lại. Phe Obama nhanh như chớp nhẩy ra vỗ ngực nhận công. Theo đúng mô thức Obama: cái gì tốt là công của tôi, cái gì xấu là lỗi của tất cả mọi người khác. Tại sao những tăng vọt đó không xẩy ra trong những năm từ 2009 tới 2016? Mà lại chỉ xẩy ra sau khi ông Trump đã nhậm chức và đã ban hành những biện pháp kinh tế mới?

2. Obamacare
Một cụ tỵ nạn báo động, tố TT Trump muốn thu hồi Obamacare, tức là “lấy đi bảo hiểm y tế của thiên hạ”. Đây là một lập luận cực kỳ thiếu lương thiện. Trong chế độ dân chủ, tự do cạnh tranh, kể cả cạnh tranh về tư tưởng, ai cũng có quyền chống những ý kiến khác ý của mình, nhưng điều kiện tối thiểu là phải lương thiện. Không bao giờ lại có chuyện vớ vẩn TT Trump và đảng CH muốn lấy đi bảo hiểm y tế của thiên hạ hết. Fake news! Vấn đề chỉ là cái Obamacare đầy sai lầm, gây ra đủ thứ tai hại trong hiện tại và cả tương lai, do đó, cần phải làm lại, tức là thay thế bằng một luật bảo hiểm y tế mới. Vì chưa đạt được đồng thuận ý kiến trên giải pháp mới nên Obamacare vẫn còn đó. Nói trắng ra, trước sau gì thì mọi người, ai cũng có bảo hiểm y tế hết, quý vị không cần phải lo sợ chuyện CH sẽ lấy đi bảo hiểm y tế cho quý vị. Tranh cãi giữa CH và DC chỉ là vấn đề bảo hiểm kiểu nào tốt hơn thôi.

3. Vấn đề di trú
Đây cũng là một đề tài những người thiếu lương thiện mang ra khai thác để hù dọa dân tỵ nạn. Họ tố TT Trump kỳ thị, sẽ tìm cách trục xuất dân tỵ nạn ta về VN hết. Chuyện gọi là… bố láo. Tất cả dân tỵ nạn ta qua Mỹ và sống ở đây hoàn toàn hợp pháp, được nhận qua một luật được cả hai viện quốc hội phê chuẩn và tổng thống ký. Không ai nên dở trò xập xí xập ngầu lẫn lộn chúng ta với đám di dân lậu mà TT Trump đang tìm cách ngăn chặn. Không có tổng thống nào có thể trục xuất chúng ta đi đâu hết.

Ngoại trừ hai trường hợp.

- Những người chưa được vào quốc tịch, chỉ mới ở trong trường hợp ‘thử thách’ có thẻ xanh: nếu phạm pháp, tất nhiên luật Mỹ (chứ không phải luật Trump!) sẽ không cho trở thành dân Mỹ và sẽ bị trục xuất. Ở đây, phải nói cho rõ để tránh xuyên tạc bóp méo. Vi phạm luật là vi phạm luật. Nặng hay nhẹ và bị trừng phạt như thế nào, trục xuất hay không là quyết định của quan tòa (chứ cũng không phải là phán quyết của Trump đâu!).

- Những công dân CHXHCNVN qua đây du học hay du lịch, ở lậu lại tất nhiên sẽ bị coi là di dân lậu, có bị bắt và trục xuất là chuyện đương nhiên theo luật Mỹ (chứ không phải luật Trump!)

Báo chí Việt tỵ nạn tung tin T Trump bắt nhốt hơn một chục ngàn người gốc Việt và sẽ trục xuất họ. Vẫn chỉ là cái mánh xuyên tạc để hù dọa. Đại khái hầu hết những người này đã bị bắt từ thời TT Obama (vẫn không phải là Trump đâu!), nhưng Mỹ không trục xuất về VN được vì VC không chịu nhận. Năm 1995, TT Clinton ký thỏa ước với VC, ‘công dân Việt’ phạm tội bị trục xuất về VN, nhưng chỉ áp dụng cho những người qua Mỹ sau năm 1995 thôi. Do đó, tình trạng cả chục ngàn người phạm tội đang bị nhốt chưa có giải pháp. TT Obama và Trump đã và đang điều đình với chính quyền VC về chuyện này, là chuyện chẳng phải lỗi của TT Trump.

4. Lo ngại về việc Hán hóa quê hương chúng ta
Vâng, thưa quý vị, dù sao, VN vẫn là quê hương chúng ta và chúng ta vẫn lo sợ cho việc VN sẽ bị mất vào tay Trung Cộng, một cách thô bỉ nhất như biến thành một tỉnh của Tầu, hay một cách gián tiếp, biến thành một xứ bị Tàu đô hộ qua các quan thái thú VC. Dù muốn hay không thì VN vẫn là quê hương, đất nước của chúng ta. Chính quyền VC chỉ là những người đang nắm quyền, không sớm thì muộn cũng sẽ không còn nữa. Đất nước là chuyện vĩnh viễn, chế độ là chuyện nhất thời, ta không nên lẫn lộn.

Trong cái nhìn đó, kẻ thù gần là chế độ VC, kẻ thù xa là chủ nghiã bành trướng của tân đế quốc Trung Cộng. TT Trump đang cố gắng ngăn chặn tham vọng đó. Bất kể vì lý do gì. Rất có thể TT Trump muốn chặn TC để bảo vệ thế đứng thống trị thế giới của Mỹ chứ chẳng phải vì yêu thương dân Việt ta. Không cần biết. Ta chỉ cần biết trong sách lược chặn TC đó, VN có thể tựa lưng vào để tránh trở thành ngôi sao nhí trên cờ máu. Nôm na ra, ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: ủng hộ sách lược chặn TC của TT Trump, không có tam thập lục chước nào khác hết.

Muốn ủng hộ thì phải giúp cho ông thực hiện được sách lược đó. Nghiã là phải củng cố thế lực chính trị của TT Trump bằng cách giúp cho ông có đồng minh trong quốc hội, Hạ Viện cũng như Thượng Viện. Không có đồng minh, TT Trump trong hai năm tới sẽ bị trói tay, không thực hành được bất cứ sách lược nào hết, không ra được bất cứ luật nào hết. Họ Tập sẽ tha hồ lộng hành tại Biển Đông. Đó có phải là điều quý vị mong muốn không?

Như đã phân tích ở trên, việc đảng DC hay đảng CH kiểm soát được quốc hội sẽ có những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Có thể nói đến mức biến cuộc bầu giữa mùa này thành cuộc bầu giữa mùa quan trọng nhất trong lịch sử cận đại Mỹ. Nước Mỹ sẽ đi vào bế tắc toàn diện trong ít nhất hai năm nữa, hay TT Trump sẽ tiếp tục thực hiện những lời hứa như trong hai năm qua? Một mình TT Trump không thể làm gì được. Quốc hội đóng vai trò giúp ông hay cản ông, đó là quyết định của quý vị.

Lá phiếu của quý vị chính là lá phiếu quyết định chuyện này.

Vũ Linh

No comments:

Blog Archive