Tuesday, October 30, 2018

Vĩnh Biệt ông Kim Dung 1924 - 2018
Kim Dung, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Hongkong với hàng loạt tác phẩm võ hiệp kinh điển rất quen thuộc của giới độc giả tại Sài Gòn trước 75 vừa qua đời ở tuổi 94 sáng nay.
Image may contain: 1 person, sitting, glasses and close-up
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924
Ông là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc đương đại, được mệnh danh là "Võ lâm minh chủ" về sách kiếm hiệp. Ông cũng là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong.
Các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của ông có "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Lộc Đỉnh Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Lục Mạch Thần Kiếm", "Thiên Long Bát Bộ"...

                                            o0o

Kỷ niệm một thời về Truyện Chưởng Ở Sài Gòn Trước 1975

Khoảng năm 1960, tờ Dân Nguyện của ông chủ bút Hà Thành Thọ bỗng khởi đăng nhiều kỳ (feuilleton) cuốn tiểu thuyết võ hiệp Lam y nữ hiệp của Hồng Kông, một tác phẩm thuộc loại “tân trào võ hiệp tiểu thuyết” (danh từ của các nhà xuất bản Hồng Kông), nghĩa là nó khác với các loại “cựu trào” trước Chiến tranh Thế giới Thứ hai.
Do mới và lạ, Lam y nữ hiệp được đông đảo độc giả đón nhận, khen hay, báo bán đắt như tôm tươi! Thấy “ngon ăn”, một tờ báo khác vung tiền “mua đứt” dịch giả cuốn Lam y nữ hiệp, mời ông này dịch bộ Lã Mai Nương.
Từ đó, truyện chưởng Hồng Kông bắt đầu bùng nổ trên báo chí miền Nam, khi cùng lúc xuất hiện hai dịch giả Tiền Phong (thường gọi là “Sìn Phoóng”, tên Việt là Từ Khánh Phụng) ngoài 50 tuổi, người Minh Hương, và Tam Khôi (người gốc Hải Nam).
Có thể nói Từ tiên sinh là vị sứ giả đầu tiên đưa truyện chưởng Kim Dung đến Sài Gòn qua bộ Bích huyết kiếm, còn Tam Khôi dịch bộ Anh hùng xạ điêu. Tờ Đồng Nai đăng nhiều kỳ truyện dịch của Tiền Phong (Cô gái Đồ Long), còn tờ Dân Việt khai thác tài dịch thuật của Tam Khôi, tờ Báo Mới, đăng bộ Thần điêu đại hiệp và hàng chục tờ báo (trong số đó có một số nhật báo Hoa ngữ như Thành Công, Luân Đàn Mới, Nhân Nhân, Quang Hoa, Á Châu, Kiến Quốc…) đua nhau đăng truyện chưởng.
Image may contain: one or more people
Có báo sắp khai tử, nhờ đăng Cô gái Đồ Long mà hồi sinh mãnh liệt, lượng phát hành tăng vọt!
Image may contain: one or more people
Tên truyện của Kim Dung được nhiều báo khai thác theo những cách khác nhau, như trường thiên tiểu thuyết Thiên long bát bộ, có báo đặt tên là A Tỷ Kiều Phong, báo thì đăng Lục mạch thần kiếm, có báo lại là Cô Tô Mộ Dung
Image may contain: 2 people
Truyện chưởng (kiếm hiệp tân kỳ) đã làm cho nhiều người, nhất là thanh niên, mê như điếu đổ, với những Võ lâm ngũ bá, Cô gái Đồ Long, Võ lâm tuyệt địa, Lưu Hương đạo soái, Tiếu ngạo giang hồ, Kiếm sĩ si tình, Giang hồ hiệp khách, Tướng cướp Liêu Đông, Lục mạch thần kiếm, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc Đỉnh Ký, Thiên long bát bộ… Từ Đài Loan, Hồng Kông, sách chưởng của những Mộ Dung Mỹ, Gia Cát Thanh Vân, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Nhược Minh, Nam Kim Thạch, Độc Cô Hồng, Điển Ca, Kim Dung, Trần Thanh Vân, Trần Trung Vân… tràn vào Sài Gòn-Chợ Lớn qua tờ Minh Báo từ Hương Cảng, với hơn 30 nhà xuất bản tranh nhau in truyện chưởng như An Hưng, An Thành, Bừng sống, Đại Hưng, Đông Hưng, Đông Phương, Hương Hoa, Quyền sống, Vui Sống, Vân Thành, Sông Hữu, Sông Xanh, Trung Thành, Trường Giang, Thành Phương, Thời Đại, Thế Kỷ, Tổ Hợp Tiến, Tổ Hợp sống…
Image may contain: 1 person, text
Có năm nhà xuất bản in 5 bộ chưởng của Ngọa Long Sinh, trong đó có bộ dài tới 2.000 trang; có ít nhất sáu nhà xuất bản in sách chưởng của Gia Cát Thanh Vân. Trong hơn mười bộ sách chưởng của cây bút này, có bộ Tứ hải quần hùng dài hơn 1.300 trang, bộ Đoạt hồng kỳ dài hơn 1.500 trang.
No automatic alt text available.
Truyện chưởng của Cổ Long cũng được bốn nhà xuất bản in khoảng 11 bộ, cộng chung lại gần 40 tập, tròm trèm 13.000 trang! Nổi bật nhứt là truyện chưởng Kim Dung, đạt mức kỷ lục: hơn 20 bộ, trong đó Cô gái Đồ Long gồm 6 tập với 2.370 trang; Lục mạch thần kiếm (8 tập) cộng lại tới 2.400 trang; Anh hùng xạ điêu cũng 8 tập với 2.820 trang, còn Tiếu ngạo giang hồ có tới 15 tập với ngót 3.000 trang.
Từ khi thể loại truyện chưởng tràn ngập Sài Gòn-Chợ Lớn, lập tức xuất hiện một “guồng máy dịch thuật”: Từ Khánh Vân, Từ Khánh Phụng, Thương Lan, Phan Cảnh Trung, Hàn Giang Nhạn, Phương Thảo, Khưu Văn, Dương Quân, Quần Ngọc, Lão Sơn Nhân, Điền Trung Tử, Lã Phi Khanh… Phan Cảnh Trung dịch ít nhất 10 bộ chưởng của sáu tác giả, in ở năm nhà xuất bản, trong khi đó chỉ từ năm 1969 đến 1973, riêng Thương Lan đã dịch không dưới 62 bộ chưởng của 5 tác giả, in ở 5 nhà xuất bản khác nhau. Đặc biệt, bộ Ỷ thiên Đồ Long ký (tức Cô gái Đồ Long) của Kim Dung do Từ Khánh Phụng dịch (Nhà xuất bản Trung Thành -1966) thu hút hàng trăm ngàn độc giả thuộc mọi tầng lớp.
Năm 1965, Sài Gòn xuất hiện một dịch giả cự phách, lấy bút danh Hàn Giang Nhạn Thứ Lang. Ông tên thật là Bùi Xuân Trang, sinh năm 1909 tại Thái Bình, là giáo sư trung học Trần Lục, giỏi Hán văn, chuyên dịch sách cho Nha Tu thư Bộ Giáo dục. Ông mua bản quyền của tờ Minh Báo và dịch feuilleton (truyện đăng báo nhiều kỳ) bộ Tiếu ngạo giang hồ cho các nhật báo ở Sài Gòn. Sài Gòn lúc ấy có khoảng 40 tờ nhật báo thì 12 tờ đã mua bản dịch của Hàn Giang Nhạn.
Có thể nói, nhật báo ở Sài Gòn thời ấy sống được là nhờ tiểu thuyết Kim Dung và dịch giả Hàn Giang Nhạn. Tháng 9, tháng 10 trời bão, máy bay Hồng Kông không qua được nên báo phải cáo lỗi, tạm gác một kỳ Tiếu ngạo giang hồ. Tờ báo đăng cáo lỗi ấy đành phải chịu ế, bởi người ta chỉ say mê đọc Tiếu ngạo giang hồ – cái đó kêu bằng “Phi Kim Dung, bất khả mại báo”!
Hàn Giang Nhạn đã dịch ít nhất 25 bộ truyện chưởng.
Một người thư ký ngày đó của Hàn Giang Nhạn, ông Nguyễn Văn Tầm, nhớ lại: Nhà của Hàn Giang Nhạn tiên sinh ngày ấy ở Bàn Cờ. Buổi sáng, tiên sinh vừa uống cà phê xong là đã có 12 anh tùy phái của các nhật báo đến chờ. Tiên sinh mở tờ Minh báo ra và cứ thế mà dịch và đọc cho ông Tầm viết bằng tay. Ông Tầm phải lấy 12 tờ pelure loại mỏng, lót 11 tờ carbon, cố gắng ấn đầu bút bic xuống thật mạnh để “lực đạo” có thể in qua trên 20 tờ giấy. Hễ tùy phái nào đến trước thì được bản ở trên; ai tới sau phải chịu lấy bản ở dưới. Cho nên, chữ nghĩa lộn xộn, cùng một dịch giả mà báo này in khác báo kia!
Bên cạnh việc tranh nhau phóng tác, in truyện chưởng, cải biên truyện chưởng thành truyện tranh, viết truyện chưởng… giả, người ta còn bày ra những cuộc đàm luận, tranh cãi, phân tích, phê bình truyện chưởng, thậm chí một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo lấy tên các nhân vật võ lâm làm bút danh như Lê Tất Điều (Kiều Phong), Nguyên Sa (Hư Trúc), Chu Tử (Kha Trấn Ác)…
Các cao thủ võ lâm trong truyện chưởng Kim Dung như Lệnh Hồ Xung, Hoàng Dược Sư, Trương Vô Kỵ, Dương Quá, Đông Phương Bất Bại, Cừu Thiên Nhận, Âu Dương Phong, Vi Tiểu Bảo, Nhạc Bất Quần, Quách Tỉnh, Châu Bá Thông, Vương Trùng Dương… được giới trẻ coi như thần tượng, hoặc như những anh hùng hảo hán.
Những tên nhân vật, chiêu thức võ công, ai cũng phải nằm lòng để không bị chê là… quê! Hai bộ chưởng Xác chết loạn giang hồLệnh xé xác (dịch giả Lã Phi Khanh) là sách “gối đầu giường” của không ít tay anh chị giang hồ thời đó.
Chưa hết, từ khi truyện chưởng Kim Dung xuất hiện, khắp hang cùng ngõ hẹp ở Sài Gòn-Chợ Lớn, đi đâu cũng nghe những “tiếng lóng” nhuộm màu sắc võ lâm như: “Thằng cha đó bị tẩu hỏa nhập ma”; “Cà chớn là tao cho một chưởng”; “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra ba con gà mái”; “Chơi ma giáo”; “Cái bang đại hiệp”; “Ông này công phu thượng thừa, đao thương bất nhập” hoặc Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam Tông Miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá…
…Một vài hãng phim ở Sài Gòn thấy đề tài kiếm hiệp “ngon ăn”, vội nhảy vào khai thác; sau Báu kiếm rửa hận thù, xuất hiện phim Quái nữ Việt quyền đạo do hãng Mỹ Vân thực hiện (đạo diễn Lê Mộng Hoàng, kịch bản Lê Khanh) với Thanh Nga, Lệ Hoa, Á hậu Ngọc Tuyết, Ngọc Dung cùng Thanh Việt, Văn Chung, Khả Năng, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Xuân Phát, Bảo Quốc, Kim Ngọc, Kim Cúc, Năm Châu, chỉ đạo võ thuật: Lý Huỳnh; Long hổ sát đấu do hãng phim Cửu Long thực hiện (chỉ đạo võ thuật là võ sư Hồng Kông Hàn Anh Kiệt và Lý Huỳnh) với các nghệ sĩ Trần Quang, Hoàng Long, Việt Hùng, Bạch Lan Thanh, Ngọc Đan Thanh, Ba Vân, Lý Huỳnh.
Xin hết.
=============
Liên kết Trang web : https://saigonxua.org/
Liên kết Facebook : https://www.facebook.com/oldsaigon75

No comments:

Blog Archive