Saturday, October 20, 2018

GIÃ BIỆT NHẠC SĨ SONG NGỌC- 
NGHE LẠI CA KHÚC TIỄN BIỆT
 
Trần Chí Phúc
blank                            Nhạc sĩ Song Ngọc (Photo: Wikipedia)

Tin nhạc sĩ Song Ngọc qua đời ngày 14 tháng 10 năm 2018 tại Houston Texas hưởng thọ 75 tuổi làm giới yêu ca nhạc tiếc nhớ một nhạc sĩ có nhiều ca khúc phổ biến được ưa chuộng từ trước năm 1975 và sau này tại hải ngoại.

Thời thập niên 60, tôi nghe bài ca tân cổ giao duyên với giọng ca Thành Được và bài tân nhạc là Chiều Thương Đô Thị “ Hôm xưa tay nắm tay nhau , anh hỏi tôi rằng những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư, không tan theo cùng hư vô, không theo tháng năm phai mờ, tình nào tha thiết anh ơi, tình quê hương gợi sâu…”

Dòng nhạc dễ nghe, điệu Bolero, lời ca trau chuốt thi vị ghi sâu trong ký ức.

Còn thêm bài Chúng Mình Ba Đứa, lời cũng rất hay “ người lướt mây trời vui kiếp sống không trung, với một kẻ đi tìm vào sóng nước mênh mông, còn tôi vai ba lô về khu chiến nghe đường dài thêm “ ( tả 3 người lính Không quân, Hải quân và Bộ binh ).

Bài Một Chuyến Bay Đêm “ Nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều, để níu áo Hằng Nga, ngồi bên dãy Ngân Hà, giờ sống giữa lưng trời, đôi khi nhớ chuyện đời mỉm cười thôi.”

Ba bài hát trên là sự cộng tác giữa nhạc sĩ Song Ngọc và nhạc sĩ Hoài Linh được giới ca nhạc tán thưởng. Cũng nên nói thêm rằng nhạc sĩ Hoài Linh có tài đặt lời, cho nên một số nhạc sĩ khác cũng mời ông góp tay để ca khúc bay xa hơn.

Những ca khúc của riêng nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác có bài Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân với bút hiệu Hàn Sinh khá phổ biến vì giai điệu mùi mẫn và hợp với tâm sự của nhiều người “ Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên, giăng mắc trời mưa phố xưa buồn tênh, gót mòn tìm dư hương ngày xưa, bao nhiêu kỷ niệm êm ái, một tình yêu thoát trên tầm tay” . ( Khi được trung tâm Asia nhờ viết lời giới thiệu ca khúc này trong cuốn Golden Asia 5- Sài Gòn Của Tôi – phát hành mùa hè 2017- tôi đã tưởng tượng ra một đêm mưa Sài Gòn, lữ khách trở về cô đơn trên đường phố mà nhớ người yêu cũ ).

Có một số nhạc sĩ thành danh trước năm 1975 khi qua hải ngoại sức sáng tác có giảm, nhưng Song Ngọc vào cuối thập niên 80 cho ra đời ca khúc Đàn Bà với tiếng hát Elvis Phương đã gây sự chú ý “ Ôi đàn bà là những niềm đau, hay đàn bà là ngọc ngà trăng sao. Ôi đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu. Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua, ôi đàn bà lạnh lùng hôm nay, ôi đàn bà là vần thơ say, khúc nhạc chua cay.”

Bài Hà Nội Ngày Tháng Cũ rất lạ trong dòng nhạc của Song Ngọc vì ông sinh trưởng Miền Nam, chưa bao giờ ghé Hà Nội thế mà viết nên ca khúc lay động những người yêu miền đất nghìn năm văn vật “ Hà Nội ngày tháng cũ, có dáng em tôi áo trắng nghiêng trên đường chiều, tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè, mùa thu nghe gió heo may”

Bài Tình Yêu Như Bóng Mây tả nỗi chia tay thành phố Đà Lạt “ Ngày mai tôi sẽ xa Đà Lạt, thành phố này xin trả lại cho em, ngàn thông buồn xin trả lại cho em, ngôi giáo đường lặng đứng suy tư”

Nhiều năm trước tôi nghe Thái Châu ca trong một cuốn băng Cassette, nét nhạc nghe mới và lời ca thi vị “Người về đêm nay hay đêm mai, người sắp đi hay đã đi rồi, muôn vị hành tinh rung rung, lung linh thềm ga vắng, hay rượu tàn rung trên môi.”

Sau này biết là Song Ngọc phổ bài thơ Tiễn Biệt của thi sĩ Nguyên Sa. Tìm xem nguyên tác bài thơ của Nguyên Sa và lời ca của bài hát Song Ngọc thì thấy khác nhau rất nhiều, chỉ giống mấy câu mở đầu. Theo lời kể của nhạc sĩ thì đọc bài thơ và cảm hứng viết nên ca khúc này. Có thể vì lý do đó mà Song Ngọc ghi là phổ thơ Nguyên Sa.

Theo tôi thì có thể gọi là cảm hứng từ bài thơ Nguyên Sa hoặc lấy ý thơ Nguyên Sa.

Xin ghi lại nguyên tác bài thơ  Tiễn Biệt của Nguyên Sa và lời ca của bài hát Tiễn Biệt để người đọc biết được tài phổ nhạc và đặt thêm lời ca của nhạc sĩ Song Ngọc. Và để thưởng thức bài thơ riêng biệt khác với một ca khúc. 

Tiễn Biệt- Thơ Nguyên Sa

Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi
Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi

Người về trên một giòng sông xanh
Trên một con tàu hay một ga mông mênh
Sao người không chọn sông vắng nước
Hay nước không nguồn cho sông đi quanh

Sao người đi sâu vào không gian trong
Bức tường vô hình nên bức tường dầy mênh mông
Và sao lòng tôi không là vô tận
Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song

Người về chiều nắng hay đêm sương
Người về đò dọc hay đò ngang
Câu thơ sẽ là lời hò hẹn
Nhưng nói làm gì tôi xin khoan

Nhưng người về đâu, người về đâu
Để nước sông Seine bỡ ngỡ chảy quanh cầu
Sao người không là vì sao nhỏ
Để cho tôi nhìn trong đêm thâu

Sao người không là một cung đàn
Cho lòng tôi mềm trong tiếng than
Khi trăng chảy lạnh từng chân tóc
Khi gió se trùng muôn không gian

Sao người không là một con đường
Sao tôi không là một ga nhỏ
Mà cũng có những giờ gặp gỡ
Cũng có những giờ chia tan?

Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui
Áo không có màu nên áo cũng chưa phai
Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ:
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi? 

Lời ca bài hát Tiễn Biệt của Song Ngọc:

Người về đêm nay hay đêm mai, người sắp đi hay đã đi rồi, muôn vị hành tinh rung rung, lung linh thềm ga vắng, hay rượu tàn rung trên môi.

Người về nhặt sao rơi đêm nay,đường sắt kia chia những con tàu bùi ngùi, sao đường tàu không đi nhanh, cho con tàu xuôi bến, tay người lại trong tay tôi.

Đêm vẫn trôi canh dài bồi hồi, ai tiễn ai nên hẹn nhiều lời, biết bao điều thương yêu, tàn đêm bên quán nhỏ, sân ga vời vợi nhớ, chuyện tâm tư thành thơ.

Mà người về nơi đâu nơi đâu, tàu vẫn đi nên vẫn có người đợi chờ, sương lạnh nhẹ rơi trên vai,  trăm con tàu trăm bến, tôi đưa người hay đưa tôi.

Bài viết này chỉ ghi lại lời ca các nhạc phẩm của Song Ngọc, muốn thưởng thức trọn vẹn thì phải nghe bài hát. Trong thời hiện đại, quí vị có thể gõ tên bài hát khi vào Youtube để nghe bài hát; vì nếu chỉ đọc lời ca mà thôi thì thiếu đi phần nét nhạc của ca khúc. 



Mười mấy năm trước tôi có gặp mặt nhạc sĩ Song Ngọc ở thành phố Las Vegas. Ông tổ chức các sô ca nhạc cho sòng bài Stardust- sòng bài này đã không còn- cho khách là người Việt Nam thưởng thức.

Sau này tôi muốn có dịp trò chuyện nhiều hơn để tìm hiểu về những sáng tác của ông nhưng lại không có cơ hội.

Giã biệt nhạc sĩ Song Ngọc- người đã viết những ca khúc hay góp phần vào kho tàng âm nhạc Miền Nam tự do. Miền Nam đã mất vào tay Cộng Sản vào cuối tháng 4 năm 1975 để từ đó bao nhiêu di sản văn hóa văn minh của Việt Nam Cộng Hòa bị kẻ cai trị hủy bỏ gần hết; như cái tên Sài Gòn thân yêu đã có hàng mấy trăm năm cũng bị thay đổi.

Nhưng những bài hát của các nhạc sĩ Miền Nam Tự Do- được gọi là dòng nhạc tình Sài Gòn vẫn còn đó và đang được dân chúng cả nước nồng nhiệt  hát, nghe khắp nơi.

Có lẽ ngoài nét nhạc bay bướm còn có những lời ca thi vị, trau chuốt, các nhạc sĩ Miền Nam Tự Do trong đó Song Ngọc đã để lại những tác phẩm ca nhạc giá trị cho thế hệ sau thưởng thức.

Mùa Thu Ohio 2018

No comments:

Blog Archive