Friday, October 5, 2018

Chuẩn bị khi Vợ / Chồng (BỊ) lú lẫn... 


Chúng tôi đã sống với nhau gần 50 năm hạnh phúc.

Tuổi đời cách xa nhau khá lớn, 9 năm, tôi là người vợ may mắn được cưng chiều và chồng tôi không để tôi thiếu thốn điều gì, từ tình thương đến vật chất. Năm nay tôi bước vào tuổi 70, một người đàn bà còn đủ sức sống, sức khỏe.

Từ ngày hai vợ chồng về hưu, chúng tôi vẫn giữ nếp sống cũ, lui tới với bạn bè, du lịch khắp nơi. Và từ khi các cháu nội ngoại đua nhau ra đời, lại thêm bận rộn chuyện nuôi cháu giúp con.

Trong nhà vang tiếng trẻ cười, nhất là dịp cuối tuần, con cháu về đầy nhà, tôi bận túi bụi, đi chợ nấu ăn lo bữa cơm gia đình.

Tôi cảm thấy hạnh phúc thật đầy đủ ...

Cách đây hơn một năm, các bác sĩ tìm ra nhà tôi bị bệnh Alzheimer ! căn bệnh này xuất hiện từ từ rồi tăng tiến bất ngờ, mau lẹ đến phải lo ngại. Alzheimer, tôi có xa lạ gì với cái tên này đâu ! tôi vẫn thường cười nhạo về sự đãng trí của chồng … quên chìa khóa ...lái xe lạc đường về ...để cái này qua chổ khác, rồi loay hoay kiếm tìm...

Và tôi cũng đã nghe đến, biết đến từ lâu. Suốt cả cuộc đời nghề nghiệp của tôi trong 40 năm làm việc ở Canada, săn sóc thuốc men cho các bệnh nhân cao tuổi, thường thường là cuối cùng họ cũng phải chịu số phận dọn vào ở trong các viện dưỡng lão dành cho những ông bà già mắc bệnh Alzheimer.

Điều này khiến tôi đôi khi lo sợ lắm, nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng phải hồi hộp, đau khổ mà chờ đợi, chuẩn bị chấp nhận một kết cuộc đau lòng và tệ hại có thể xảy đến.

Khi nhà tôi nhận được kết quả xác định bệnh Alzheimer, chúng tôi đã ôm lấy nhau và khóc vùi...Khi bình tĩnh lại, chúng tôi cùng lau nước mắt cho nhau và bắt đầu đề cập đến những hệ lụy có thể xảy ra...Cả hai chúng tôi đều là chuyên viên trong ngành y tế, nên sự đề cập, bàn luận đến bệnh tình cũng là điều dễ dàng...Chúng tôi cũng hiểu rõ những gì trong tương lai gần chờ đợi chúng tôi...những ngày sắp tới mà không hoảng hốt, không hoang mang. Chúng tôi cũng chẳng lạ lùng gì với căn bệnh này vì chính trong gia đình, mẹ chồng tôi ngày xưa cũng đã mắc phải căn bệnh này trước khi qua đời vào trước tuổi 90. Phần chồng tôi thì ông không bao giờ muốn nhắc lại những kỷ niệm đau buồn đó.

Từ ngày ấy, chúng tôi vẫn tiếp tục sống bên nhau, giảm bớt dần những giao tế xã hội, bạn bè. Tôi tiếp tục săn sóc chồng cho đến ngày tình thế bắt buộc anh ấy phải nhập viện. Mỗi tuần năm ngày, tôi vào viện thăm chồng, mang theo những thức ăn ngày trước anh ưa thích...Mặc dầu vậy, anh ăn rất ít và trí nhớ dần dần mất đi...bạn bè thân thiết vào thăm, anh không còn nhớ tên, cũng không thể nhận ra người quen.

Tuy vậy, với những thành viên trong gia đình, anh vẫn nhận biết dễ dàng và gọi tên rõ ràng từng đứa cháu, đứa con, nét vui mừng lộ ra mặt mỗi lần tôi đến thăm.

Chúng tôi càng ngày càng ít chuyện trò với nhau, thay vào đó chúng tôi thường cầm tay nhau. Chúng tôi tay trong tay rất lâu, tôi vuốt ve bàn tay của chồng và hôn nhẹ lên vầng trán rộng...

Mỗi ngày, tôi thường đọc cho anh nghe một trang báo hay cùng đi dạo ngoài vườn vào những hôm nắng đẹp. Ông nhà tôi ngồi vững vàng trên xe lăn, tôi đẩy xe đi nhè nhẹ, ông hài lòng ngắm những luống hoa nở rực rỡ hai bên lối đi, hoặc cùng ngước nhìn bầu trời xanh bát ngát, theo dỏi những cánh chim rộn rã bay về sau nhiều tháng ngày dài trốn tuyết ở tận miền nam...

Có lúc tôi cầm chiếc kéo, cẩn thận cắt xén mái tóc lưa thưa trắng bạc, ông ngồi im lặng, cười rất hiền và lộ vẻ sung sướng, hài lòng...

Nhìn ông, thật khó mà tưởng tượng một ngày kia phải rời xa người chồng, người anh, người bạn đời thân yêu này mãi mãi.

Dòng đời vẫn trôi...những buồn vui nối tiếp, con đường trải dài từ nhà đến viện dưỡng lão, những cuốc xe taxi cố định, không thay đổi hướng đi bên những tàng cây xanh, chuyển vàng vào tiết thu, phủ đầy bụi tuyết trong mùa Giáng Sinh…

Xuân, Hạ, Thu, Đông ...Từng chu kỳ tuyết trắng... và người chồng thân yêu của tôi chìm dần..chìm dần trong thế giới yên lặng. Còn tôi, một mình chiến đấu với nỗi cô đơn bất lực của chính mình.

Thỉnh thoảng tôi có mặc cảm so sánh, tại sao mình lại còn được sức khỏe hơn chồng ... tiếp tục với cuộc sống đơn độc, ngoài hai buổi đi về thăm viếng, còn được vui với con cháu vây quanh, bạn bè sum họp .

Đôi khi liền sau một cuộc vui tôi cảm thấy mình có lỗi, ích kỷ, chỉ biết vui cho riêng mình mà quên nghĩ đến chồng ...

Tự hỏi như vậy, tôi có hay không đánh mất tình yêu, đạo đức của người vợ, có chồng đau yếu, bệnh hoạn đang chờ đợi từng phút từng giây ở nơi chốn nào đó trong một viện dưỡng lão của thành phố ?

Nhưng mặt khác, với cuộc sống chung quanh không ngừng nghỉ, tôi thầm nhủ, nên trôi theo dòng đời, phải có sự giao tiếp với đời sống còn lại, có như thế, chỉ có cách đó, tôi mới có thể giữ được nụ cười và nguồn năng lượng ít ỏi, cần thiết để tiếp sức sống cho chồng ...

Không muốn, cũng không dám nghĩ xa hơn về những ngày sắp tới...Hiện tại, đối với tôi, cuộc đời không phải là một màu hồng tuyệt đối, nhưng tôi còn có thể chịu đựng được những thăng trầm nhè nhẹ bằng cách chu toàn những nhiệm vụ, bổn phận nho nhỏ mỗi ngày...

Phần riêng cho tôi, thấy cần phải tự chăm sóc mình, giữ sức khỏe tốt và tâm thần thanh thản để vui sống và để đừng làm phiền hà đến những người sống chung quanh mình, nhất là để đủ năng lực chăm sóc người bệnh, người chồng yêu quí của tôi, càng lâu dài càng tốt...

Hy vọng những lời tâm sự này mang lại cho bạn chút vui sống, niềm hy vọng, nếu chẳng may một ngày kia, một người bạn của chúng ta gặp phải chuyện không may như tôi. Xin hãy cố gắng.

Cố gắng .... 

No comments:

Blog Archive