Friday, February 10, 2017

Lý do dân Mỹ ủng hộ Trump 

Bên cạnh những người phản đối, sắc lệnh về di trú của ông Trump vẫn được nhiều người, thậm chí cả những người từng là dân ty nạn, ủng hộ với nhiều lý do khác nhau.
Việc ông Trump thông qua sắc lệnh hành pháp yêu cầu tạm thời dừng các chương trình tiếp nhận người ty nạn và cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo đã làm dấy lên những chỉ trích và phản đối trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng như các nghị sĩ quốc hội nói rằng họ ủng hộ quyết định của tân tổng thống.
“Tôi thấy an toàn hơn”, bà Dotty Rhea, hưu trí 68 tuổi sống tại bang Tennessee, nói với CNN. “Chẳng ai tức giận với họ (người nhập cư), chẳng ai ghét họ. Chúng tôi chỉ phải bảo vệ chính mình".
'Họ có thể chờ'

 

Những người ủng hộ lệnh cấm nhắc về các cuộc tấn công khủng bố từng xảy ra trên đất Mỹ và họ muốn chính phủ rà soát mạnh mẽ hơn.
“Chúng tôi phấn khởi khi Tổng thống Trump đưa ra lệnh cấm này và đẩy mạnh các biện pháp để bảo vệ chúng ta", bà Debbie Meiners, 67 tuổi sống tại Florida, cho biết. "Chúng tôi thực sự tin vào việc bảo vệ biên giới và là một đất nước an toàn".
"Chúng tôi quý những người ty nạn, nhưng chúng tôi chỉ muốn những người đến đây yêu thương chúng ta và muốn hòa nhập vào nền văn hóa và lối sống của chúng ta".
ly do van nhieu nguoi my ung ho trump cam dan hoi giao
Một người đàn ông ủng hộ lệnh cấm của ông Trump vẫy cờ Mỹ trước đám đông biểu tình phản đối sắc lệnh tại sân bay Los Angeles hôm 29/1. Ảnh: Getty.
Bà Jessica Herrmann, 50 tuổi sống ở California, cho biết bà "hoàn toàn ổn" với người nhập cư và bạn bè của bà thuộc mọi diện thị thực khác nhau. Song bà nghĩ sắc lệnh sẽ giúp đảm bảo những người chưa được kiểm tra đầy đủ không thể vào Mỹ.
“Chúng tôi không xấu tính, chúng tôi cũng không chống Mỹ”, bà Herrmann nói. “Thật đau lòng khi ta tự động kết luận rằng những gì ông Trump làm là một điều khủng khiếp, trong khi chúng ta chỉ kiểm tra những người nhập cảnh".
Thậm chí một số người ty nạn trước đây cũng ủng hộ hành động của ông Trump. Helen Megido, y tá 43 tuổi ở bang Washington, là người ty nạn từ Latvia đến Mỹ năm 1989. Cô cho biết cô đã chờ đợi đến 9 tháng để được ty nạn.
"Nếu bạn muốn được ở đây, bạn phải chờ đợi cơ hội. Bạn đợi đến lượt mình", cô nói. "Nếu họ muốn tới Mỹ, thì 3 tháng, 6 tháng... cũng không sao cả. Họ có thể chờ được".
Daniela Otero, sinh viên 37 tuổi đến từ bang New Mexico, cho biết ông bà cô là người Tây Ban Nha và hiện gia đình cô có các thành viên là người Mexico và người Mỹ bản địa.
"Tôi nghĩ rằng Hồi giáo là một mối đe dọa cho hiến pháp của chúng ta. Tôi biết rằng rất nhiều người kể cả bản thân tôi cảm thấy chúng ta đang ảnh hưởng đến chính phủ bằng nhiều cách", Otero nói. "Tôi hoàn toàn ủng hộ ông Trump về điều này".
'Họ không được phép tràn vào như lũ'

 

Robert Lastra kể ông sinh ra và lớn lên ở miền nam California sau khi cha ông rời khỏi Cuba năm 1960. Ông cho biết trong làn sóng người Cuba đến Florida vào năm 1980, nhiều người bị kết tội, hủy hoại nơi ông lớn lên.
“Tôi ngồi đó và nhìn toàn bộ cộng đồng biến thành một thành phố Dodge đúng như nghĩa đen ("dodge" nghĩa là mánh khóe - PV) bởi bạo lực, giết chóc và ma túy”, ông Lastra, giờ đây sống tại Texas, chia sẻ. “Tôi cũng đã thấy điều này xảy ra tại Texas".
ly do van nhieu nguoi my ung ho trump cam dan hoi giao
Người nhập cư từ Mexico nhảy tàu để đi đến biên giới phía bắc nước này, tìm cách nhập cư trái phép vào Mỹ. Ảnh: AP.
Ông Lastra ủng hộ kế hoạch xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico, cho rằng đây sẽ là lời răn đe dành cho những người muốn đến Mỹ theo cách bất hợp pháp.
“Ngay từ đầu họ đã không có quyền ở đây. Hiến pháp không cho phép họ ở đây. Họ ở đây nhờ vào hồng ân của Chúa, cũng như tôi ở đây nhờ hồng ân của Chúa", ông nói.
James Hitt, 63 tuổi sống tại bang Iowa, nói việc Mỹ kiểm soát những người ty nạn và nhập cư từ 7 quốc gia với phần lớn dân số theo Hồi giáo là điều hợp lý.
“Bạn thấy những vụ hiếp dâm chấn động tại Đức, Thụy Điển, hầu như toàn bộ những vụ này liên quan đến dân tị nạn Trung Đông", ông nói. “Rõ ràng là tôi quan tâm đến những cựu chiến binh vô gia cư hơn là những người ty nạn từ Syria".
Rhea, sống tại miền nam Florida, nói rằng cô thấy được những nguy cơ của tình trạng nhập cư bất hợp pháp. “Đơn giản là họ không được phép tràn vào biên giới nước ta như lũ”, cô nói.
Hợp lý và thận trọng

 

Trump cũng nhận được sự ủng hộ từ một vài "đồng đội" Cộng hòa, bao gồm Thống đốc bang Alabama Robert Bentley và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, người gọi sắc lệnh là một phương án tạm thời “hữu ích".
Các thành viên của Quốc hội ủng hộ sắc lệnh cho rằng ưu tiên hàng đầu là giữ nước Mỹ an toàn.
“Tôi sẽ không ủng hộ lệnh cấm đi lại dành cho người Hồi giáo", thượng nghị sĩ Roy Blunt của bang Missouri nói. “Tôi ủng hộ việc gia tăng kiểm soát đối với những người đến từ các quốc gia có quan hệ hoặc hoạt động khủng bố rộng rãi. 7 quốc gia đã nói nằm trong diện này".
Thuộc phe bảo thủ đồng tình với ông Trump. Chuyên gia David French của National Review cho rằng điều người ta quên đi trong cơn bất bình là lệnh cấm này chỉ mang tính ngắn hạn, có hiệu lực cho đến khi những cách kiểm soát mới được đề xuất và ngoài ra vẫn có các trường hợp ngoại lệ.
“Chúng ta biết rằng những kẻ khủng bố vẫn cố thâm nhập vào hàng ngũ dân ty nạn và khách du lịch", ông French viết. “Một lệnh cấm nhập cảnh ngắn hạn với các quốc gia có vấn đề kết hợp với việc đánh giá một cách hệ thống các thủ tục an ninh của nước ta là điều hợp lý và thận trọng”.

Triều Trinh - Đông Phong

No comments:

Blog Archive