Đêm tháng Sáu 1889 ở miền Nam nước Pháp, Van Gogh ngồi bất động trong căn phòng ở Nhà thương điên thuộc tu viện St Paul. Tu viện trống trải, Van Gogh cô độc ở căn phòng nhìn ra ban công hướng Tây. Từ đó ánh mắt của người họa sĩ trải dài xuống chân đồi xa thẳm những cánh đồng oải hương, diên vĩ, những cây bách vặn vẹo...Từ căn phòng đó buổi sáng đi lên những tia nắng thì thào, buổi chiều lặng lẽ những giọt vàng rơi rớt. Và buổi đêm thì lấp lánh sao, những ánh sao lạc lõng chói lòa. Đêm như cuồng quay ảo giác. Đêm xoay tròn ảo mộng. Thế là Van Gogh vẽ The Starry Night – Đêm Đầy Sao.
Ông vẽ một cách cuồng điên, vẽ như cố trải bày, vẽ như cố quên đi. Nhưng không sao quên được cái buổi chiều hỗn loạn, đầy bạo động, máu me và khó hình dung nỗi. Ông đã cắt vành tai trái của mình. Vì hành vi này mà người đời cho ông bị điên và ông vào nơi này.
Van Gogh nhớ lại những ngày thơ ấu ở Hoà Lan. Mười lăm tuổi phải bỏ học để đi làm trong một cửa hàng bán tranh, sau đó thường xuyên đi khắp Châu Âu, ông thấy mình trở nên trầm uất và tìm vào tôn giáo như cứu cánh. Van Gogh trở thành giáo sĩ Tin Lành một thời gian ngắn ở miền Nam nước Bỉ. Vẫn ngập trong cô đơn và sức khỏe suy yếu, ông trở về quê nhà. Nhập học được 4 tháng ở Viện Hội họa Hoàng Gia (Bỉ) thì nghỉ học. Van Gogh bắt đầu lao vào giá vẽ. Cuộc đời họa sĩ của ông bắt đầu từ những trang vải bố hoàn toàn nhờ sự giúp đỡ và chu cấp tài chánh từ người em trai ruột Theo. Chỉ có Theo là người duy nhất mà Van Gogh tìm được sự giao tiếp và liên lạc thân thiết cho đến cuối đời. Theo là người em, người bạn duy nhất trong đời sống lẻ loi cô độc và bất hạnh trong đường tình của người họa sĩ thiên tài này. Để dành tiền cho sơn dầu và đồ vẽ, Van Gogh ăn uống thiếu thốn, chỉ với bánh mì và cà phê, tất nhiên là nhiều rượu. Sức khỏe và tinh thần ngày càng suy sụp.
Van Gogh vẽ và tìm kiếm lối đi riêng trong nghệ thuật như bao người họa sĩ thời ấy. Những năm trước đó Van Gogh đã vẽ thật nhiều, phần lớn là tranh tỉnh vật. Những tông màu tối và u uất, phản ánh những mối tình khổ lụy. Mối tình ngắn ngủi với cô gái Margot Begemann lớn hơn ông 10 tuổi. Gia đình 2 bên không chấp nhận, Margot uống thuốc tự tử nhưng được Van Gogh đưa vào bệnh viện kịp thời cứu sống. Hay là chuyện tình đơn phương với cô chị họ Kee Vos-Stricker lớn hơn Van Gogh 7 tuổi góa chồng và có con trai 8 tuổi. Van Gogh cầu hôn và bị từ chối thẳng thừng. Tuy vậy Van Gogh cứ đeo đuổi. Một đêm tháng 11, 1881, Van Gogh đến nhà Kee, tay đặt trên ngọn lửa đèn dầu và nói sẽ không rút tay ra chừng nào gặp được Kee. Ông chú thổi tắt đèn và cương quyết từ chối hôn nhân vì Van Gogh quá nghèo để lập gia đình.
Tháng Giêng năm sau thì Van Gogh gặp Sien Hoornik một cô gái điếm không nhà đang có bầu trên đường phố. Van Gogh đem cô ta cùng đứa con gái nhỏ về nhà. Từ đó Sien làm người mẫu và có nơi tá túc. Cả hai đều nghĩ tới tương lai vợ chồng và gầy dựng hạnh phúci bằng tranh vẽ. Thế nhưng sức khỏe Sien tàn tạ vì rượu và bệnh hoạn, gia đình Van Gogh thì không chấp nhận con dâu làm điếm, lại nghi rằng cô ta đang có thai với Van Gogh. Dưới nhiều áp lực, Van Gogh bỏ 2 mẹ con cuối năm 1883. Sien trở lại đứng đường phố. (Vài năm sau thì cưới một thủy thủ và tự tử ở cảng Rotterndam 1904.)
Cô đơn và càng nghèo túng, Van Gogh chỉ còn biết vùi mình vào tranh vẽ. Trường phái ấn tượng đã phổ biến và các họa sĩ hàng đầu thời ấy đã tiên phương làm nên nét đặc thù cho nghệ thuật. Tất nhiên là Van Gogh bị lôi cuốn và bằng thiên tài tiềm ẩn, ông đã sử dụng phong cách của riêng mình qua "bút pháp" vẽ từng nét cọ ngắn. Những âm thanh sột soạt khi vẽ như quất vào vải bố những vết cứa, ngồn ngộn âm ba. Những vết cọ ngắn khi ngang, khi dọc, khi nghiêng, khi xoay tròn. Các đường nét đều gồ ghề. Các bầu trời, mảnh đất, cánh đồng, da mặt đều mộc thô trần trụi, góc cạnh. Không có chút mềm mại ở cánh hoa, ngay cả bầu trời, làn gió. Mọi cái xô dạt cảm giác, mọi cái làm rún rẫy ánh nhìn, mọi cái làm nhói đau tâm tưởng. Chính đó là nét ấn tượng mạnh mẽ mà Van Gogh tìm thấy. Hơn thế, những mảng màu tươi rói bổ sung được mạnh bạo sử dụng không run tay. Màu vàng, vành chanh, vàng mỡ gà, vàng nắng cháy...tất cả rực lên trong mặt trời cuồng quay. Trong đêm tối thì các màu xanh cuồn cuộn đổ về, xanh đậm, xanh nhạt, xanh lơ, xanh thẫm và cuốn xoay vào các đám mây trắng mờ trăng, các vì sao vàng lấp lánh...Về bố cục thì Van Gogh lại dành cho đường chân trời thật hẹp, hầu như sát trên cao, để phần lớn tiền cảnh bức tranh mặt đất, cánh đồng, căn phòng...chạy dài trải rộng trước mắt người xem.
Van Gogh mến mộ Gauguin một họa sĩ người Pháp tài hoa nổi tiếng đương thời vô cùng. Nhiều lần thư mời Gauguin đến nhà chơi kết bạn và triển lãm tranh. Sau cùng thì Gauguin xiêu lòng và đến Arles vào tháng 10, 1888 sau khi được em trai Theo chu cấp tiền bạc và chi phí. Cả hai cùng vẽ với nhau trong 2 tháng thì thường xuyên cãi vã. Gauguin chừng như cao ngạo và khống chế. Van Gogh thì lo sợ Gauguin sẽ bỏ rơi và tình bạn sẽ đổ vỡ. Sự việc xãy ra như thế nào hôm ấy không ai biết rõ, ngoại trừ Van Gogh và Gauguin. Chỉ biết là sau khi cãi vã Van Gogh trở về phòng, trong đầu âm vọng tiếng nói xa lạ và Van Gogh đã dùng dao cạo cắt vành tai trái, máu chảy rất nhiều. Ông tự băng bó khăn trùm ngang đầu, gói vành tai bị cắt vào giấy và mang đến cho người con gái quen biết ở nhà thổ. Sáng ngày sau cảnh sát đến nhà thấy Van Gogh bất tỉnh và chở vào bệnh viện. Vành tai được đem tới nhưng quá trễ để gắn vào. Từ đó Van Gogh thường xuyên ám ảnh bởi ảo giác thực hư. Ông được bác sĩ Felix Rey đưa về nhà mình chăm sóc, Van Gogh vẽ tặng bác sĩ bức chân dung, vị bác sĩ không ưa thích gì lắm bức tranh, dùng nó làm che chuồng gà, rồi sau đó cho đi. (Năm 2016 bức tranh được treo ở Viện bảo tàng nghệ thuật Pushkin và giá trị ước chừng 50 triệu đô la.)
Hai tháng sau Van Gogh tình nguyện vào nhà thương điên. Ông viết thư cho em trai kể rằng: Đôi khi tâm trạng thay đổi và đau khổ không diễn tả được, thi thoảng những mảng mù của thời gian và thời khắc bạo tàn dường như xé toan ra tức thì. Trong khoảng thời gian 1 năm ở tu viện, Van Gogh đã đạt đến độ chín muồi của sáng tác. Tháng Năm 1890, Van Gogh rời tu viện trở về Bắc nước Pháp để sống gần với em trai. Ông càng vẽ nhiều, có khi 3 bức một ngày. Những cánh đồng lúa mạch vàng dạt xô trong gió miền Bắc nước Pháp đã cuốn hút tâm hồn ông. "Những cánh đồng mênh mông dưới bầu trời cuồng nộ. Chúng như bày tỏ nỗi buồn và niềm cô đơn cực kỳ. Những tấm vải bố sẽ nói giùm tôi."
Ngày 27 tháng 7, 1890 ở tuổi 37, Van Gogh bắn vào ngực mình. Không ai biết rõ là Van Gogh tự bắn mình trong cánh đồng lúa chín vàng hay trong một trại vắng. Một mình ôm vết thương Van Gogh lê bước về nhà. Hai vị bác sĩ đến chăm sóc nhưng không phải là bác sĩ giải phẩu để lấy viên đạn ra. Họ để ông nghỉ trong phòng riêng. Sáng hôm sau người em trai Theo vội đến gặp thấy ông trên giường lẻ loi với ống vố. Và khuya hôm 29 tháng 7 thì Van Gogh ra đi vĩnh viễn. Câu trăn trối bên tai Theo là: Nỗi buồn sẽ còn mãi.
Những bức tranh của Van Gogh dần dà nổi tiếng sau khi ông mất, nhờ công lao của người em dâu. Hơn 2,100 tác phẩm, bao gồm 860 bức sơn dầu, trong đó khoảng 100 tuyệt tác trong thời gian khủng hoảng tinh thần lúc cuối đời. Van Gogh là họa sĩ người Hoà Lan vĩ đại nhất sau Rembrandt. Tranh của ông được xem là một trong những họa sĩ đắt giá nhất thời đại. Bức Hoa Diên Vĩ (Irises) được bán giá $53.9 triệu, bức Chân Dung Bác Sĩ Gachet bán $82.5 triệu đô... Viện Bảo Tàng Van Gogh do con trai Theo thừa hưởng bộ sưu tập và khánh thành năm 1973 ở Amsterdam trở thành nơi thu hút gần 2 triệu người xem năm 2015.
Những người xa lạ trong cõi nhân gian đến xem tranh ông, xem những nhát cọ tang bồng trên mảnh đời bất hạnh trong tình yêu, xem những cánh đồng lúa vàng xô dạt nỗi cô liêu và xem bầu trời đầy sao. Những vì sao vàng lấp lánh nỗi buồn. Nỗi buồn còn mãi trên phận người điên dại. Như ca khúc Starry Night của Don Mclean sáng tác năm 1971 ngợi ca về ông:
Đêm đầy sao
Tô lên bảng màu xanh và xám
trong tháng ngày hè
bằng ánh mắt từ đáy sâu nội ngã
Những bóng dáng trên đồi
Vẽ cây cối và hoa thủy tiên
hứng gió rét mùa đông
trên sắc màu của nền đất vải phủ tuyết
Tô lên bảng màu xanh và xám
trong tháng ngày hè
bằng ánh mắt từ đáy sâu nội ngã
Những bóng dáng trên đồi
Vẽ cây cối và hoa thủy tiên
hứng gió rét mùa đông
trên sắc màu của nền đất vải phủ tuyết
Đêm đầy sao
Những đóa hoa như lửa cháy sáng lòa
Những đám mây xoáy tròn trong màu tím mù sương
phản ánh trong mắt một màu xanh đồ sứ
Màu chuyển sắc độ
Những cánh đồng lúa mạch như hổ phách
Những khuôn mặt hằn nét nhọc nhằn
như dãn ra dưới bàn tay họa sĩ
Những đóa hoa như lửa cháy sáng lòa
Những đám mây xoáy tròn trong màu tím mù sương
phản ánh trong mắt một màu xanh đồ sứ
Màu chuyển sắc độ
Những cánh đồng lúa mạch như hổ phách
Những khuôn mặt hằn nét nhọc nhằn
như dãn ra dưới bàn tay họa sĩ
Đêm đầy sao
Những bức chân dung trên hành lang vắng
Những mặt người không khung, trên tường không tên
Với ánh mắt nhìn vào trần gian khó quên
Giống như người xa lạ mà ta vừa gặp
Những kẻ nghèo hèn trong tấm áo tả tơi
Những mũi gai bạc từ cánh hồng huyết dụ
úa tàn vỡ nát trong tuyết đầu mùa
Những bức chân dung trên hành lang vắng
Những mặt người không khung, trên tường không tên
Với ánh mắt nhìn vào trần gian khó quên
Giống như người xa lạ mà ta vừa gặp
Những kẻ nghèo hèn trong tấm áo tả tơi
Những mũi gai bạc từ cánh hồng huyết dụ
úa tàn vỡ nát trong tuyết đầu mùa
Nhân gian không hiểu và lắng nghe
Và có lẽ mãi mãi không bao giờ hiểu.
Và có lẽ mãi mãi không bao giờ hiểu.
Sean Bảo
No comments:
Post a Comment