Wednesday, March 2, 2016

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC VĂN HƯƯ NGUYỄN ĐỨC LẬP (1946-2016)
Thành Kính Phân Ưu cùng tang quyến và thi sĩ Nguyễn Đức Trạch.

Trần Thanh Châu
Giã biệt nhà văn Nguyễn Đức Lập
“Từ lúc bước xuống thuyền vượt biển, anh Lập đã bỏ lại luôn cả danh hiệu luật sư,” nhà báo Du Miên kể về người bạn thân với Viễn Đông vào đêm thứ Hai. “Và từ đó anh Lập không bao giờ nhắc đến bằng cấp luật sư. Anh cũng viết văn từ ngày đó.”



Nhà văn Nguyễn Đức Lập
WESTMINSTER - Tác giả của Kiếm Đạo, một bộ truyện tiểu thuyết kiếm hiệp ly kỳ, hào hùng, từng được đăng nhiều kỳ trên báo hải ngoại, làm say mê giới độc giả vào cuối thập niên 1980, đã gác kiếm vĩnh viễn. Theo thông báo từ gia đình và các bạn hữu, nhà văn Nguyễn Đức Lập đã từ giã cõi trần vào lúc 1 giờ 55 phút trưa thứ Hai, ngày 29 tháng Hai, 2016, tại bệnh viện Clear Lake Weber Texas, ở thành phố Houston, hưởng thọ 71 tuổi.
Trước khi dọn nhà qua Houston khoảng hơn một năm trước đây, ông Nguyễn Đức Lập đã sống nhiều năm tại Nam California, nơi ông là đồng sáng lập viên của Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam. Trong thư báo tin buồn được gởi đến giới truyền thông của ông Du Miên, một nhà báo kỳ cựu, và cũng là một người bạn thân với nhà văn và là đồng sáng lập viên của Thư Viện, cho biết, “Theo lời dặn của Nhà Văn Nguyễn Đức Lập, gia đình không tổ chức lễ tang.”

Thay cho một lễ tang, gia đình và các thành viên của Thư Viện Việt Nam sẽ tổ chức một buổi lễ Tưởng Niệm Nhà Văn Nguyễn Đức Lập vào lúc 4 giờ chiều thứ Bảy, ngày 5 tháng Ba, tại địa chỉ của Thư Viện ở số 10872 Westminster Avenue, suites 214 & 215, Garden Grove, CA 92843

Theo lời kể của ông Du Miên, nhà văn Nguyễn Đức Lập đã có triệu chứng bị thủng tim từ thời còn bé, nên ông không lập gia đình và cũng không thể làm việc nặng về tay chân. Nhà văn được giải phẫu một lần khoảng 10 năm trước. Sau lần mỗ đó, sức khỏe của ông vẫn không được khá hơn, vì ông bị dị ứng với nhiều thứ kể cả trứng. Đến nay các mạch tim bị đứt, đưa đến sự ra đi vĩnh viễn của ông.

Ông sinh ngày 21 tháng 9, 1945 tại Tư Nghĩa Quảng Ngãi. Trước năm 1975, ông học trường Pétrus Ký, sinh viên luật khoa Đại Học Đường Sài Gòn, nguyên luật sư Toà Thượng Thẩm, Sài Gòn. Ông cũng sinh hoạt trong đại gia đình Hướng Đạo Việt Nam.
Nhà báo Du Miên cho biết lý do nhà văn Nguyễn Đức Lập dọn qua Texas hơn một năm trước là vì các anh em Hướng Đạo “thấy anh sống quạnh quẽ ở Nam California, nên họ rất thương anh, muốn đóng góp, giúp mua cho anh một căn nhà mobile home rất khang trang để sống và được chăm sóc ở bên ấy.”
Nhà văn viết với phong thái của người Nam này là con của ông Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy và bà Tùng Long - Lê Thị Bạch Vân, một nhà văn nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước đây. Nhà văn Nguyễn Đức Lập lớn lên trong một gia đình đông anh em. Ông để lại hai người chị, một người anh, và năm người em.
Sau 30 tháng Tư, 1975, khi Cộng Sản Miền Bắc xâm chiếm hoàn toàn Miền Nam, ông về làm rẫy ở ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Thế rồi ông vượt biên tháng Tám, 1980, ở trại tỵ nạn Palawan, sau đó đến trại chuyển tiếp Bataan, Phi Luât Tân, và định cư tại Hoa Kỳ năm 1983. Ngày rời quê hương Việt Nam và không bao giờ trở lại cũng đánh dấu một bước ngoặc trong cuộc đời của ông Nguyễn Đức Lập, độc đáo như con người và cách sống của ông.

Nhà văn Nguyễn Đức Lập tự Chánh Phương đã sáng tác dưới các bút hiệu Nguyễn Đức Lập, Hương Giáo, Ngô Phụng Anh, Sóc Vui Vẻ. Ông cộng tác với các báo Tin Việt, Làng văn (Canada), Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, Nhân Văn, Văn Học, Đường Sống, Hoa Sen, Sức Sống, Thời Báo, Trẻ (Dallas).
Năm 1999, ông cùng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhà báo Du Miên, giáo sư Trần Lam Giang, nha sĩ Võ Trọng Di thành lập Thư Viện Việt Nam, tại Nam California. Thư viện đã tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay.
Hồi còn sống ở Nam California, nhà văn Nguyễn Đức Lập đã có một thú tiêu khiển rất độc đáo. Ông thích săn tìm những món đồ cổ ở chợ trời hoặc ở garage sales vào cuối tuần. Ông đã sưu tập được nhiều món quí kể cả những tờ tiền Việt Nam Cộng Hòa, những bộ tem quí, sách hiếm, đồ cổ mà sau này ông đã tặng lại cho Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam.
Ông viết rất khỏe trong nhiều năm, ngoài hàng chục bài viết trên các báo, ông đã xuất bản những tác phẩm sau đây:

- Những Đêm Không Ngủ (thơ), năm 1986;
- Cuộc Chiến Tàn Chưa, 1987;
- Kiếm đạo 1, Bảo Kiếm Tặng Anh Hùng, 1987;
- Kiếm đạo 2, Thần Thư Trao Hào Kiệt, 1987;
- Ngắn Cổ Khó Kêu, 1989;
- Nhứt Biết Nhì Quen, 1990;
- Phong Vũ Tiêu Tiêu, Lôi Vũ Động, 1991;
- Giàn Đậu Mưa Rung, 1992;
- Khung Rào Hẹp, 1992;
- Cặp Mắt Quay Lại, 1992;
- Trần Ai Khoai Củ, 1994;
- Lớp Trước, Lớp Sau, 1994;
- Mảnh Vụn Một Đời, 1999;
- Đi Trước Về Sau, 2009.
Nhân buổi ra mắt tác phẩm “Đi Trước Về Sau” vào tháng 11, 2009, trong bài báo của ký giả Cổ Ngưu đăng trên tờ Việt Báo tại Quận Cam lúc bấy giờ, nhà báo Du Miên cho biết, “Sau hơn 30 năm sống nghề cầm bút với tâm nguyện để lại cho những thế hệ sau về những chuyện có thật, ông đã bỏ nhiều thời gian để xây dựng Thư Viện Việt Nam” nhằm trưng bày những sự thật về đất nước Việt Nam mà chế độ cộng sản đã cố tình che đậy.
Về buổi tưởng niệm chiều thứ Bảy sắp tới, thư báo tin buồn cho biết: “Anh chị em trong Thư Viện Việt Nam có chuẩn bị để mỗi người dự lễ đặt một đóa hoa hồng trước ảnh của Nhà Văn mà chúng ta thương quý.”
.......

No comments:

Blog Archive