Wednesday, March 2, 2016


TÌM VỀ ĐƯỜNG VƯỢT BIỂN 34 NĂM TRƯỚC.


Bút ký của Lê Trần Thụy Thanh Trúc.


LTS: Lê Trần Thụy Thanh Trúc là Trưởng Nữ của anh Lê Thanh Tùng, Chủ Nhiệm Tạp Chí Dân Văn tại Germany, cháu mới học lớp 2 khi bỏ nước ra đi, nên bút ký này viết bằng Đức Ngữ, được toà soạn chuyển ngữ, để gởi đến độc giả bốn phương. (TCDV).


Hôm nay, ngồi viết lại chuyến đi về vùng Châu Á mà gia đình tôi vừa thực hiện, trong lúc tâm tư còn bồi hồi xúc động… Tôi xem trên mạng, thấy "tour" du lịch này, có đoạn tàu thủy đi từ Singapore về Saigon, tôi liền gọi cho mẹ tôi, mời Ba Mẹ tôi đi chơi với gia  đình tôi "tour" du lịch này, cái quan trọng là làm sao thuyết phục được Ba tôi cùng đi, vì chính ba tôi là người đã mua ghe, mua máy để làm một chiếc ghe đem cả gia đình tôi, gồm Ba Mẹ và 3 chị em gái chúng tôi, vượt biển tìm tự do, tính đến nay đã hơn 34 năm, ba tôi chưa một lần trở lại Saigon, vì ông không bao giờ muốn về lại Việt Nam khi còn người Cộng Sản cầm quyền…

Thêm vào đó, chồng tôi là một thanh niên Đức, lớn hơn tôi 3 tuổi, chúng tôi lấy nhau  14 năm, đã có với nhau 2 thằng con trai, chồng tôi, Michael, lại tò mò muốn biết nơi tôi sinh ra, học lớp 1, lớp 2 ở đâu? động cơ này càng làm cho tôi mong muốn ghé lại Saigon. Chồng tôi đồng ý đóng cửa Văn Phòng Luật Sư của anh ấy để cùng đi với mẹ  con tôi. Các con tôi được nghỉ học hơn 2 tuần Lễ nhân dịp Giáng Sinh và Năm mới… Mẹ tôi cho biết, nếu Ba tôi không xuống Saigon, thì ở lại trên tầu, không trở ngại gì cả. 

Thế là, chúng tôi đã có chuyến du lịch này, bay từ Düsseldorf đến Băng cốc, Thái Lan ngày 22.12.2013, về lại Đức ngày 07.01.2014. Đón giao thừa và Năm Mới trên chiếc tàu thủy AIDA lúc đi từ Singapore đến cửa biển Vũng Tàu…

Trước đây, năm 1980, lúc đó tôi mới 8 tuổi, Ba tôi đã quyết định phải đi khỏi Việt Nam, vì với lý lịch, ba tôi là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Công Hoà, di cư năm 1954, thì chắc chắn, các con ông không bao giờ được học lên cấp Đại Học, thời điểm này, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam còn kiểm soát rất gắt gao, công an khu vực luôn luôn "dòm ngó" đến những nhà dân trong tổ dân phố. 

Với bản tính liều lĩnh của một Sĩ Quan tác chiến, ba tôi bỏ tiền ra mua một chiếc ghe đi trên sông khi người em trai của mẹ tôi, đồng ý cùng "đi" với ba tôi, đó là cậu Trần Văn Vinh, nguyên là công chức quốc phòng thuộc sân bay Biên Hoà trước 1975, chiếc ghe lúc đầu di chuyển bằng máy đuôi tôm, muốn vượt biển Đông phải mua máy Yamaha ráp vào, ba tôi đến ông Bảy ở Chợ Quán nhờ lo chuyện máy móc này. 

Máy móc ráp xong, chiếc ghe bắt đầu chạy trên sông Saigon, đến Nhà Bè, rẽ trái đi ra Vũng Tàu, cậu Vinh tôi lúc nào cũng ở trên ghe, ròng rã suốt sáu tháng, biết rõ chỗ nào có tầu tuần của bọn Cộng Sản, để tránh chúng…Một lần, cậu Vinh tôi đã bị  bọn tầu tuần bắt vì nghi ngờ là ghe vượt biển, chúng "tra tấn" đánh đập cậu Vinh rất "nặng tay" nhưng cậu nhất định không khai ra sự thật, cuối cùng phải hối lộ cho chúng mấy can dầu, mới được chúng thả ra. 

Vì vụ bắt bớ này mà Ba tôi quyết định "khởi hành" ngày 23 Tết năm 1980, ra khỏi Vũng Tàu, sóng nhồi dữ dội, cả ghe đều bị say sóng, chỉ còn Ba tôi tỉnh táo, nên phải quay về, tới sông Saigon khoảng 7 giờ sáng, ba tôi tắp vào đoạn cầu Calmet, ra dấu từng người lên bờ, xong, đem ghe đi dấu trong cư xá Thanh Đa, trên ghe còn đầy đủ lương thực, chưa người nào được ăn uống vì say sóng, khẩu súng K54 và 2 băng đạn, 3 trái "xi nhan" được dấu một nơi bí mật trên ghe, khoảng hơn một tháng sau, ngày 02.02.1980, ba tôi quyết định "đi" nữa , lần này lại gặp "gió chướng", sóng đánh bung mũi ghe, dựng đứng chiếc ghe, mọi người đều say sóng, gục ngã hết trơn, cũng chỉ còn mình ba tôi  tỉnh táo, đành phải trở về, đó là ngày 08.02.1980, đúng ngày giỗ đầu Bà Nội tôi, chiều ngày này ba tôi chở chúng tôi về dự Giỗ đầu Bà Nội, Ba tôi đã gục khóc trước ban thờ Bà Nội và khấn nguyện xin Bà linh thiêng phù hộ cho gia đình tôi đi được trót lọt…

Trong gia đình ông nôi có một người bà cô chết lúc còn trẻ (bà cô này là em ruột ông Nội tôi), rất linh thiêng, thường hiện về giúp cho con cháu, ba tôi có thờ bài vị của Bà Cô này trong nhà. Ba tôi cũng uất ức và tự hỏi, tại sao người ta đi được mà gia đình tôi đi không được, đã trở về 2 lần, cuối cùng mẹ tôi đã phải đích thân ra Vũng Tàu, hỏi ông xui gia với ông Ngoại tôi, làm nghề đánh cá, thì vị này cho biết, với cái ghe nhỏ đi trong sông thì chỉ có thể vượt biển vào tháng 3 âm lịch, tức khoảng tháng 4 dương lịch. Ba tôi, một lần nữa quyết định rời Saigon, ngày 26.04.1980 lúc 20 giờ, đi đêm ra cửa biển Vũng Tàu…

Tôi ghi thêm, trở về lần đầu, ba tôi đã bỏ căn nhà bên Thủ Thiêm, về ở nhờ tại nhà bà ngoại tôi, nằm trên Xa Lộ Biên Hoà dưới chân cầu Phan Thanh Giản, vì nhà nằm ngoài mặt đường nên lối xóm ít khi để ý đến những nhà bên cạnh, còn căn nhà ba tôi bên Thủ Thiêm là  do Công Ty Cấp Nước (Saigon Thủy Cục cũ) cấp cho ba tôi lúc ông còn làm việc tại đó, bọn Cộng Sản lưu dụng ba tôi đến tháng 6.1976 thì cho ba tôi nghỉ việc để đi kinh tế mới, nhưng ba tôi nhất định "bám trụ" tại Saigon. 

Vì ba tôi bị thương và trở thành Thương Phế binh trước khi ký hiệp định Paris nên không bị bọn Cộng Sản bắt đi tù cải tạo như các người bạn của ba tôi. Tôi và đứa em gái kế sinh ra tại căn nhà số 11Đ, Đại Lộ Hùng Vương, đây là căn nhà Phế Binh do chính mồ hôi và công sức của ba tôi tạo nên, nhưng sau ngày 30.04.1975, ba tôi đã bán rẻ căn nhà này để về "tá túc" bên nhà bà ngoại tôi vì lý do an ninh của cá nhân ba tôi. 

Cuộc đời của ba tôi thật "sóng gió", lúc 9 tuổi, đã phải theo Gia Đình di cư vào Nam tìm tự do, bây giờ, năm 1980, 35 tuổi lại phải ra đi một lần nữa, và lần này, rất hiểm nguy, nếu bị chúng bắt thì đi tù không có ngày về, còn đi thoát ra biển Đông, thì 9 phần chết chỉ có một phần sống vì chiếc ghe quá nhỏ bé đối với sóng gió của đại dương bao la, ba tôi đã thưa chuyện với ông nội tôi để đem cô út tôi theo, nhưng ông nội tôi không chịu, vì lúc đó cô tôi đã tốt nghiệp Đại Học và đã đi dạy học cấp 3 tại trường Trung học Nguyễn Du trong cư xá Sĩ Quan Bắc Hải. 

Như trên, tôi đã ghi, lần quay về thứ 2 đúng vào ngày giỗ đầu Bà Nội tôi, ông nội  nói với ba tôi, để "mẹ con nó" ở nhà, một mình ba tôi "đi" thôi vì thấy việc ra đi quá gian khổ và thập phần nguy hiểm, nhưng ba tôi đã thưa với ông nội, gia đình con đi hết, sống thì sống hết, còn chết thì chết hết, thấy quyết tâm của ba tôi, ông nội đành chịu, phó mặc cho định mệnh, chỉ còn biết cầu nguyện cho đứa con trai út của ông mà thôi.

Khoảng 20 giờ ngày 26.04.1980, mẹ tôi, mợ Vinh (vợ cậu Vinh tôi) và 3 chị em gái tôi được đưa lên chiếc ghe chính tại chợ Thị Nghè, chạy dọc theo con rạch này ra sông Saigon, tắp vào cạnh nhà hàng nổi Mỹ Cảnh đón số thanh niên trong giòng họ mà ba tôi hứa với bà con họ hàng đem họ ra đi, xong xuôi, thuyền rời bến, xuôi giòng sông theo hướng Nhà Bè, cậu Vinh tôi lái chiếc xuồng "ba lá“ với máy đuôi tôm, chạy trước khoảng 1 cây số, làm đơn vị tiền sát, nếu gặp tàu tuần thì quay về báo động để chiếc ghe chính tấp vào những con rạch nhỏ "trốn chúng", tới ngã ba sông Nhà Bè, ghe rẽ trái theo hướng ra cửa biển Vũng Tàu. 

Trên lộ trình này, ghe chúng tôi phải tắp vào rạch mấy lần vì tầu tuần của công an Việt Cộng, chạy kiểm soát thường xuyên, đến bãi cát vàng sát bên Vũng Tàu thì trời đã sáng trưng, không thể ra của biển vào giờ này, nên phải chạy vào một con rạch nhỏ, cây cối um tùm, chờ đến 3 giờ sáng đi theo các ghe đánh cá cùng ra cửa biển Vũng Tàu, giờ giấc các ghe đánh cá đi ra biển, thì cậu Vinh tôi đã nắm rõ sau mấy tháng gắn bó với chiếc ghe, chạy ra đây đốn vài bó củi, lại chạy về Saigon. 

Vừa chạy được hơn nửa tiếng, thì gặp "dàn đáy", ngang với phao "số không", cậu Vinh cho biết phải tránh dàn đáy, coi chừng vướng vào, lưới cá quấn chặt "chân vịt"  thì vô phương đi được, đúng lúc này một tầu tuần của Việt Cộng chiếu đèn pha quét ngang ghe chúng tôi, trước đó ba tôi đã bắt mọi người chui hết vào khoang, không được nói chuyện lớn tiếng, thế là ghe chúng tôi nhập chung với vài chục ghe đánh cá chạy ra khơi Vũng Tàu, theo sự tính toán và với tốc độ của chiếc ghe, thì khoảng 10 giờ sáng là ra đến “hải phận quốc tế“, tức đường tàu buôn, lúc đó lấy hướng Nam, chạy khoảng một ngày một đêm, bẻ hướng Đông để vào bờ biển Mã Lai Á. 

Trên tấm Hải Đồ, ba tôi đã vẽ và viết rõ ràng để các người lái ghe theo đó thi hành, cũng nói thêm ở đây, sau 2 lần trở về, ba tôi nghĩ là phải có một Sĩ Quan Hải Quân mới có thể đi được nên ông đã đi tìm người Sĩ Quan này. Chú Nguyễn Gia Bảo, khoá 24 Sĩ Quan Hải Quân, người đã tận tình chỉ dẫn cho ba tôi suốt một tuần lễ về những điều căn bản khi đi biển, ba tôi có mời chú Bảo đi theo, nhưng vì lý do gia cảnh, chú Bảo ở lại, ba tôi được một người quen giới thiệu một chú Hải Quân mới đi tù cải tạo về, ba tôi chỉ cần người lái ghe, việc đi đứng do ba tôi vẽ "phóng đồ", sắp xếp và chỉ huy. Không ngờ chú này là Thiếu Úy Hải Quân mà tính một hải lý bằng một cây số nên đã bẻ lái quá sớm, đúng vào cái vùng mà bọn hải tặc đang hoành hành, ba tôi chỉ nói nhỏ cho mẹ tôi biết điều này, sợ cả ghe sẽ xôn xao, mất bình tĩnh… 

Hơn 10 giờ sáng, ngày 28.04.1980, gặp ngay một tàu dầu của Panama rất lớn, chạy cách ghe chúng tôi không tới 100 mét, trông rõ "mồn một" những người trên "boong" tàu Panama, giữa "ban ngày ban mặt" như vậy, chú Trần Duy Bút Hải Quân vội lấy một trái sáng "thụt" lên trời, ba tôi giận quá, chỉ nói mấy trái "xi nhan" dùng cho buổi tối khi cần cấp cứu mới xài, ban ngày thấy rõ ràng như bây giờ đâu cần phải "bắn trái sáng cấp cứu", chú Bút có lẽ đã biết cái sai của mình nên im lặng, ba tôi cũng nguôi ngoai cơn giận, chạy về hướng Nam, giữ và theo đường táu buôn, cả ngày, chúng tôi gặp thêm 3 chiếc tàu sắt rất lớn, nhưng chúng bỏ chạy luôn, chẳng giúp hay vớt chúng tôi, đến giữa trưa, trời nắng "chang chang", ba tôi cho "neo ghe“ để tắm biển, tất cả các chú biết lội đều nhảy xuống biển tắm thoải mái, nước và lương thực vẫn còn đủ để đi trong một tuần nữa.

Chạy thêm hai ngày, gặp vài chiếc tàu sắt, và một số ghe đánh cá, tất cả đều làm ngơ dù chúng tôi đã làm đủ mọi động tác xin cấp cứu, chỉ duy nhất một ghe đánh cá của Singapore đã cho chúng tôi 2 thùng bánh bích quy và một can nước ngọt. 

Bỗng lúc 10 giờ 47 phút sáng ngày 01.05.1980, một chiếc trực thăng bay lượn quanh ghe chúng tôi và ra dấu cho ghe chạy về hướng Tây. Ba tôi xem Hải bàn, ra lệnh tắt máy ghe và thả trôi, vì hướng Tây là hướng chạy về lại Việt Nam…chỉ khoảng nửa tiếng sau, một chiếc tầu sắt rất lớn "lù lù“ xuất hiện, bên hông sơn hàng chữ tiếng Pháp PORT DE LUMIERE - đảo Ánh Sáng, trên boong tầu, có người Việt bắc loa chiã xuống ghe, bảo tất cả phải bình tĩnh, đây là con tàu CAP ANAMUR sẽ vớt đồng bào, ba tôi ra lệnh, chia ra hai bên ghe để ngồi tránh nghiêng một  bên có thể lật ghe, rồi đàn ông, thanh niên được đưa lên tầu Cap Anamur bằng những thang giây, đàn bà, con nít thì được cần cẩu võng lên, đây là ngày giờ mà cả 45 người sẽ nhớ ơn suốt đời: 10 giờ 47 phút ngày Quốc Tế Lao Động 01.05.1980, chiếc tàu CAP ANAMUR đã cứu sống chúng tôi.

Tàu Cap Anamur chạy dọc theo bờ biển Việt Nam  để tìm ghe vượt biển, mỗi ngày vớt được một ghe, 12 ngày vớt được 12 ghe, tổng cộng 464 người. Ngày 12.05.1980, Cap Anamur đem số người được vớt gởi tại Singapore, chúng tôi ở trại tạm cư trên đường Hawkins một tháng 28 ngày, ngày 09.07.1980, được đưa qua sống tại West-Germany bằng máy bay. Cũng xin nói thêm, Cao Ủy Ty nạn Liên Hiệp Quốc, phát cho mỗi người 2,50 Đô la Singapore, một tuần phát một lần, tất cả tự túc nấu ăn, Vị Trại Trưởng là một Trung Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đã cho mời ba tôi lên Văn Phòng trại làm việc giúp đồng bào, mặc dù "chưa hoàn hồn" nhưng ba tôi cũng sốt sắng và vui vẻ nhận lời, ông Trại Trưởng giao cho ba tôi làm Trưởng Ban Nội Vụ, còn chú Nguyễn Hữu Huấn, một phi công trực thăng Việt Nam Cộng Hoà đang giữ chức Trưởng ban Ngoại vụ bởi chú Huấn rất giỏi tiếng Anh, đã qua Mỹ học lái máy bay, nhà chú Huấn ở trước rạp hát Thanh Vân, đường Lê Văn Duyệt, rất gần nhà ông nội tôi, đường Tô Hiến Thành, hồi nhỏ ba tôi và chú Huấn đều học trường Tiểu học Chí Hoà. 

Người Singapore rất giàu  và có lòng thương người, hàng tuần họ đã  đem đến trại cho rất nhiều quần áo và đồ ăn, mỗi lần cả "bao bố" lạp xưởng, ba tôi phải điều động một số thanh niên khuân vác các tặng phẩm đem chất vào kho, mỗi ghe nhập trại được ba tôi phân phát quần áo và thức ăn tồn trữ trong kho, cho đến lúc gia đình tôi đi định cư, hai kho quần áo và thức ăn vẫn còn rất nhiều, có lẽ vì được phát tiền, tự do mua bán nên số người trong trại không "tha thiết" với các vật dụng cho không chăng?

Đến Đức vào mùa hè, chúng tôi được đưa vào trại ở tạm một tuần lễ, sau đó xe buýt chở về nơi mà cơ quan chính quyền Tiểu bang đã phân chia, đó là làng Wulfen, thành Phố Dorsten, tỉnh Recklinghausen, Tiểu Bang Nordrhein Westfalen, tại làng Wulfen, đón tiếp chúng tôi gồm hơn một chục gia đình do cộng đoàn Công Giáo địa phương khoản đãi một bữa cơm rất ngon miệng, sở dĩ đãi cơm vì các vị trong cộng đoàn Đức đã tìm hiểu là người Việt Nam thích ăn cơm, và cơm là món ăn chính hàng ngày, thông dịch cho chúng tôi là Sư Huynh Hà Đậu Đồng, từ Münster, cách hơn 60 cây số, Sư Huynh đã không quản ngại, đến nhà hội giáo xứ để chào mừng và thông dịch cho đồng bào, thật qúi hoá nghiã cử này của Sư Huynh Đồng, cho đến bây giờ sau hơn 34 năm, gặp lại, Sư Huynh vẫn còn nhớ đến chúng tôi. 

Ở đây, mỗi gia đình đã được chính quyền thành phố thuê cho mỗi "hộ" một Wohnung (Appartement), với giường ngủ, chăn mền đầy đủ, thêm cái tủ lạnh, bếp núc, nồi niêu, xoong chảo và một ít diã, muỗng, niả, không có đuã…gần một tháng sau, tất cả mười gia đình chúng tôi được đưa đến trường để học tiếng Đức, tuỳ theo số tuổi, được chia thành nhiều lớp, qua năm sau các cháu học tiểu học được cho vào học chung với học sinh Đức, anh chị lớn tuổi hơn, học trung học thì vào trường Gesamtschule. 

Cuộc sống đã ổn định, nhưng rất buồn tẻ vì nơi đây là một làng nhỏ, không "sầm uất" như các chỗ khác, trong bữa cơm, ba tôi luôn luôn kể cho chúng tôi nghe, vì sao ông đã đem chúng tôi vượt biển tìm tự do, và ước nguyện, cũng như sự mong muốn của ông, là các con cố gắng học hành, suốt mười mấy năm trời, điệp khúc này được ba tôi nhắc đi nhắc lại, chị em tôi lên Trung Học, ông còn nhấn mạnh, các con biết không, ông nội muốn ba học nhưng vì cộng sản tạo chiến tranh nên ba đã không học xong phải vào lính để chống lại bọn cộng sản khát máu, nay các con thay ba học xong Đại Học để ông nội vui nghe! 

Cả 3 chị em tôi nghe riết nó thấm vào đầu nên đứa nào cũng cố gắng học cho xong để ba tôi được mãn nguyện, lần lượt chúng tôi đều đậu Tú Tài một cách dễ dàng, tôi ghi danh tại ĐH Münster đậu Cử Nhân Hoá Phẩm (Lebensmittelchemie), vừa ra đi làm, tôi học tiếp lấy thêm bằng Luật Sư về sáng chế (Deutsche Patentanwältin = German Patent Attoney), năm 2012, tôi học xong bằng Cử Nhân Kinh Tế. Em gái kế tôi đậu Cử Nhân Quản Trị Xí Nghiệp (Dipl-Betriebswirschaft) sớm nhất, năm 1996. Em thứ ba tốt nghiệp Cử Nhân Kinh tế (Dipl-Ökonomin). 

Năm 1988, Mẹ tôi sinh thêm một em gái, thua tôi đúng 17 tuổi, cô này, năm lớp 10 thi tiếng Anh đậu điểm cao được học bổng qua Mỹ học chung với học sinh Mỹ lớp 11, trở về lại Đức, em đỗ Tú Tài, lên Đại Học, em học chương trình tiếng Anh là chính, năm 2012, em xong Bachelor, không thích đi làm và đang học tiếp để lấy bằng Master, ngành Thương Mại Quốc Tế. 

Từ ngày tôi có trí khôn, tôi thấy ba tôi đúng là một người cha hoàn hảo, lúc nào cũng ngọt ngào với con cái nhưng rất nghiêm khắc trong việc học hành, đặc biệt trong vấn đề hôn nhân, ba tôi rất phóng khoáng, lúc đi thực tập tại tỉnh Bremen, tôi quen chồng tôi bây giờ, anh đang thực tập Luật Sư tại đó, tôi thấy mẹ tôi không thích con gái lấy chồng ngoại quốc, nên chỉ kể cho mợ tôi biết việc quen biết với Michael, ba tôi biết việc này, đã gọi và nói với tôi, nguyên văn, việc lập GĐ với người nào, ba không cấm, nhưng phải có đám cưới đàng hoàng, tuyệt đối không được ở với nhau như bạn gái, bạn trai, năm đó mẹ tôi đã đi với cô em thứ 3 về Saigon chịu tang ông nội, và Michael đã đến thưa chuyện với ba tôi, để xin phép cho chúng tôi làm đám cưới. Lễ cưới của chúng tôi được cử hành đúng theo phong tục, tập quán của người VN.

Năm 1981, trên truyền hình số 2 (ZDF) Đức đã chiếu một cuốn phim dài gần 1 giờ, cảnh tàu Cap Anamur vớt người tại Biển Đông, trong đó đã quay thật rõ cái ghe của chúng tôi. Cái cánh quạt của máy phụ đã bị gãy, nên người phóng viên nói là khó có thể đi đến bờ được. Tên cuốn phim phóng sự là: (tiếng Đức, Einen Milimeter über dem Rand der Welt…Tiếng Việt, Một milimét qua bờ kia của thế giới), ý nói là chìm vào lòng biển không đến bến bờ, đặc biệt, 2 lần phóng viên đài Truyền hình đã đến quay cảnh sinh hoạt gia đình chúng tôi, tiêu biểu cho các người VN tị nạn CS được tàu Cap Anamur cứu vớt, đã hội nhập và thành đạt tại nước Đức, đoạn phim này được chiếu trên đài truyền hình Quốc Gia Đức năm 2006 và 2008.

Ba tôi từng nói nhiều lần, gia đình ông nội ở ngoài Bắc thuộc một giòng họ phò vua Lê, chiến thắng quân Minh, gốc thuộc vùng Thanh Hoá, ông cố tổ được vua Lê sắc phong và cho trấn nhậm tại tỉnh Hà Đông bây giờ, sau năm 1954, bọn Cộng Sản đã tịch thu hết đất đai, nhà cửa, một người em ruột của ông nội tôi do chúng "tuyên truyền" nên ở lại, bị đấu tố đến chết trong phong trào cải cách ruộng đất, chúng chia nhau từng viên gạch, trong lúc phá bỏ khu nhà thờ họ, rơi ra một cuốn gia phả hơn 300 năm, bằng chữ Hán, cả họ ngoài Bắc không một ai đọc được, chỉ duy nhất, người Bác Ruột của tôi, là Giáo Sư Lê Hoà, tốt nghiệp Cử Nhân Việt-Hán trước 1975 mới đọc được, đến năm 1984, Bác tôi qua Đức đoàn tụ với con, và đã tạ thế, nên việc dịch ra tiếng Việt cuốn gia phả bị đình trệ, thật đáng tiếc. 

Di cư vào Nam, bỏ hết của cải ngoài đó, bản thân ba tôi chưa được hưởng sự sung sướng bao nhiêu, nên ba tôi quyết tâm không để cho các con ông phải chịu khổ sở, trước 1975, chị em chúng tôi được cưng chiều, muốn ăn gì cũng được ba tôi thoả mãn ngay. đến năm 1980, sống với loài quỷ được 5 năm, ba tôi đã có một quyết định thật sáng suốt, mua ghe, mua máy để tổ chức đem vợ con  vượt biển tìm tự do, đúng là tìm sự sống trong cái chết, trời Phật đã đoái thương nên được tàu Cap Anamur vớt ngoài biển Đông, ngày hôm nay, bốn chị em chúng tôi đã được ba mẹ tôi cho một tài sản vô giá, đó là sự thành đạt học vấn, đi làm ngoài xã hội Đức, đứa nào cũng có địa vị, hai người con rể, một có bằng Tiến Sĩ Luật, hành nghề Luật Sư, người con rể thứ hai là một Bác Sĩ, hiện làm Giám Đốc một bệnh viện tại tỉnh Essen, sát cạnh tỉnh Bochum, nơi gia đình tôi đang sinh sống, người con rể thứ ba là Chuyên Viên Thảo Chương Computer.

Thập niên 1980, ba mẹ tôi hay chở chị em chúng tôi đi các nơi tại Châu Âu, nhất là tham dự các cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, vì chúng đem cái thứ chủ nghiã không tưởng về làm khổ toàn dân, phá nát kỷ cương văn hoá của tổ tiên, còn bọn qủy đỏ thì đất nước sẽ lụn bại, chưa có một thời kỳ nào trong lịch sử, mà người dân quá cực khổ như bây giờ, bao nhiêu thảm cảnh, cả mấy chục ngàn các bé gái bị bán qua Campuchia làm "nô lệ tình dục“, mấy trăm ngàn phụ nữ VN phải đi lấy chồng Tàu, Đại Hàn để phụ giúp gia đình, rồi bị chồng hành hạ, đánh đập đến chết, không còn sự đau thương nào mà dân tộc không gặp phải dưới triều đại cai trị tàn ác của bọn hậu duệ Hồ Chí Minh…

Máy bay đưa gia đình tôi từ phi trường Düsseldorf đến Dubai, Emirates, chuyển máy bay để bay về Băng Cốc, Thái lan, nơi đây đã có sẵn xe buýt để đưa du khách về chiếc tàu thủy AIDA đang đậu tại cảng Laem Chabang, cách phi trường Băng Cốc khoảng 50 cây số. Chúng tôi ở trên tàu giống như ở khách sạn, rất thoải mái. Vì tình hình biểu tình tại Băng Cốc nên chúng tôi không đi xem các thắng cảnh, các chuà chiền tại Thủ Đô Thái Lan, ở trên tàu sẽ an toàn hơn. 

Ngày 25.12.2013, tàu thủy chạy đến đảo Koh Samui, có cái trò bắt con khỉ leo lên cây hái trái dừa, trung bình một chú khỉ hái được 1 ngàn trái dừa mỗi ngày, thật tội nghiệp cho con vật. 

Từ hòn đảo này, tàu khởi hành để đến cảng Penang của Mã Lai Á, vì phải chạy bọc qua mũi của giải đất nên rất xa, ngày 28.12.2013 mới đến hải cảng Penang. Được xuống chơi trong ngày, đến chiều nhổ neo để đi Kuala lumpur, Thủ Đô Mã Lai không có cảng cho tàu biển, nên con tàu du lịch phải đậu tại Port Klang, cách Kuala lumpur hơn một giờ xe hơi. Thủ Đô Mã Lai thật sầm uất, xe hơi rất nhiều, không thua gì các thành phố lớn của Châu Âu, các toà cao ốc với lối kiến trúc thật đẹp mắt, chạy đêm đến sáng là tới Singapore, ở chơi nước này 2 ngày 30 và 31.12.2013, như trên đã nói, chúng tôi  ở tạm tại Singapore hai tháng trong năm 1980 do con tàu vớt chúng tôi, CAP ANAMUR, đem vào gởi, 

Singapore bé tí tẹo, thời gian ở tạm, chúng tôi đã đi cùng khắp đất nước này, 34 năm quay lại, không còn nhận ra đâu là đâu nữa, đất nước họ thay đổi hoàn toàn, nơi chúng tôi tạm trú đều đã xoá sạch, cất lên những toà nhà cao ngất, sạch sẽ và tráng lệ. 

Đúng 18 giờ ngày 31.12.2013, tàu AIDA nhổ neo, trực chỉ Vũng Tàu, phải chạy băng qua biển, đúng 00 giờ, trên tàu đốt pháo đón giao thừa, lần đầu tiên từ ngày sống kiếp tha hương, đây là lần đầu tiên, gia đình tôi đươc dự giao thừa, đón mừng Năm Mới trên biển cả, cũng có "màn" khui rượu để uống chúc tụng lẫn nhau, rồi ôm nhau khiêu vũ trên boong tàu. 

Con đường đến Vũng Tàu giống y chang lúc tàu Cap Anamur đem chúng tôi vào gởi ở Singapore, ba tôi thật sự xúc động, đến cửa biển Vũng Tàu lúc 4 giờ sáng, trời còn tối, chưa nhìn rõ cảnh vật, từ Vũng Tàu, chiếc tàu du lịch cao 12 tầng này, chạy vào sông Saigon, đúng 8 giờ sáng ngày 03.01.2014, tàu cập cảng NHÀ BÈ, chính nơi đây, năm 1969, ba tôi đã đóng Bộ Chỉ Huy Đại Đội của ông ngay chỗ này, lúc đó còn các dãy nhà tiền chế, đi hết giải đất chừng hơn một cây số, là gặp mũi tàu, nơi này có một đơn vị Hải Quân Hoa Kỳ đồn trú, nên đã "mọc lên" các quán Bar Mỹ, bên kia là rừng sát, nay bọn chúng đã giải toả hết trơn và xây lên các toà nhà cao tầng. 

Từ 5 giờ sáng ba tôi đã thức, tàu ngừng hẳn khi cập vào cảng, lúc này ba tôi quá xúc động, ông đứng lặng yên trên boong tàu khoảng 15 phút, và chỉ cho chồng tôi biết nơi ông đóng quân tại đây 45 năm trước. Theo lịch trình, tất cả du khách khoảng 1800 người xuống tàu đi theo các tour đã ghi danh bằng xe buýt chờ sẵn dưới bến tàu, ai có người nhà thi đi theo người nhà ra đón, trên chuyến tàu du lịch này chỉ có gia đình tôi là người Việt Nam, thêm một người con rể Đức cùng đi để biết quê hương vợ.

Như đã ấn định, 14 giờ chiều 04.01.2014, tàu AIDA rời cảng Nhà Bè, trực chỉ Vũng Tàu, ban ngày ban mặt, ba tôi đã đứng cùng chúng tôi suốt cuộc hành trình trên boong tàu, chỉ cho Michael biết cái ghe vượt biển lớn cỡ nào, và kia là trạm kiểm soát của bọn Công An, chúng đã từng bắt giữ và đánh đập cậu tôi…Tàu đến cửa biển Vũng Tàu, ba tôi chỉ tay về phiá trái, đây là "dàn đáy"  mà khi ghe ra biển đã gặp, vẫn còn nguyên đến bây giờ vì người dân vẫn còn sinh sống với nghề đánh cá từ bao đời nay. 

Tàu đến Băng Cốc ngày 06.01.2014, 21 giờ chúng tôi lên Máy Bay về lại Đức, đến phi trường Düsseldorf lúc 14 giờ ngày 07.01.2014.

Đây là một chuyến đi chơi thật giá trị và đáng nhớ, Ba tôi đã chứng kiến tận mắt con đường ông đã đem gia đình đi tìm tự do 34 năm về trước với một con thuyền nhỏ bé giữa đại dương, ngày nay con cái của ông đã làm được những điều mà ông mong muốn. Cảm tạ ơn trời. 

No comments:

Blog Archive