Thursday, March 17, 2016

Chai Rượu Đầu Xuân






Với bài viết về một nhóm thuyền nhân vui vẻ, ăn ở tử tế với nhau, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Tom Tom cho biết ông đến Mỹ đã hơn 20 năm, hiện là chủ tiệm Nail tại Culver City, California. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
* * *
blank
Tác giả sau khi nhận giải VVNM 2014 do nhà thơ Thái Tú Hạp trao tặng.

Mùa Xuân 2016.

Cuối tháng Hai, buổi sáng Thứ Bảy. Thường khi Minh mở cửa shop nail thì đã có khách đứng chờ, cuối tuần lúc nào cũng đông khách. Hôm nay thưa khách chắc có lẽ mới vừa qua lễ Valentine, long weekend của President 's day mọi người chuẩn bị tiền trả bill cho Tháng Ba nên shop mở cửa hơn tiếng đồng hồ mà chỉ có vài người khách, thế là Minh có thêm thì giờ đọc báo lai rai ly cafe. Công việc manager thì chỉ có vậy, có khách thì chào hỏi, mời khách, rồi chia viêc cho thợ làm, trả lời phone, lấy hẹn. Không việc, vắng khách thì cứ việc đọc báo, uống cafe, tán dóc với mấy cô thợ...vào Facebook chit. chit. chat. chat.., comments với các bạn...

Ông đi qua, bà đi lại, có người vô, có người ra, hơi chậm nhưng cưối tháng như vậy là tốt rồi. Minh đi ra ngoài trước cửa shop nhìn ra parking khu shopping xem thiên hạ, xe cộ ra vô thế nào. Bỗng Minh thấy từ ngoài parking có một cặp vợ chồng có thể người Á Châu, Chinese China chứ không chắc người VN, vì ít có cặp vợ chồng Việt nào đi làm nail chung. Họ đang tiến về phía Minh. Tay bóp đầm, tay xách túi quà, cô vợ trẻ dáng vẻ người China, còn người chồng nửa giống VN da hơi ngăm ngăm, nhưng mập mạp người, tốt tướng... Đúng họ đang chú ý đến mình, vậy thì họ đi làm nail thôi chớ có gì lạ, Minh đi vào trong shop, dặn dò mấy cô thợ chuẩn bị nước ghế spa có hai người khách chinese sắp đến...

Cặp vợ chồng chinese bước vào tiệm, liếc nhìn chung quanh rồi chào Minh.

- Hi ! Good morning..

Minh vội vã chào và mời khách.

- Hi ! May I help you?

Người chồng mỉm cười và nói:

- Anh Minh. Em là Tâm, anh không nhận ra em sao anh Minh?

Minh trố mắt nhìn Tâm, Minh đâu có ngờ đây là thằng Tâm ngày nào hồi còn ở trại tị nạn Pulau Bidong, rồi đến Pulau Galang II. Mới đó mà đã hơn 30 năm không gặp kể từ ngày chia tay tại trại Galang II năm 1983..

- Trời ơi ! Mầy đây sao Tâm! Sao qua Mỷ không liên lạc với anh, mà sao biết anh làm nail ở đây mà tìm đến?

- Em đến Mỹ sau anh gần cả 6 tháng, em phải đợi đến khi được một nhà thờ họ đạo nhỏ ở tiểu bang Iowa bảo lãnh nên mới được đi. Khi mới đến em có viết thư cho anh hai lần, nhưng cả hai thư đều bị trả về nói anh không còn ở đó, thế là em mất liên lạc với anh kể từ khi anh rời đảo Galang.

Nãy giờ Minh quên chào vợ Tâm.

- Chào chị, chị khỏe không, trông chị đẹp và trẻ lắm.

Hai vợ chồng Tâm nhìn nhau cười, Tâm vội nói:

- Vợ em người Chinese, cưới bên China rồi bảo lãnh sang Mỷ... biết tiếng Việt chút chút thôi.

Minh hơi ngạc nhiên, và tò mò muốn tìm hiểu thêm xem thằng Tâm này nó làm cái gì mà không có vợ VN, lại phải sang tận China cưới vợ, ai chỉ vẽ gì đây, hay cưới vợ ăn tiền....

- Sẵn đây anh em mình lâu ngày không gặp, em cho vợ em làm manicure và pedicure, anh kêu thợ sẵn sàng nước rồi, anh em mình qua shop donut kế bên hỏi thăm chút coi.

Tâm nhìn vợ, nhìn đồng hồ rồi nói với vơ:

- Mình còn một tiếng nữa cùng OK, em làm móng tay, móng chân đi, anh và anh Minh qua tiệm cafe donut nói chuyện chơi chờ em xong rồi mình đi còn kịp.

Vợ Tâm hiểu ý chồng, làm đẹp là OK liền, để cho mấy ông rảnh rang nói chuyện...

Minh giới thiệu vợ Minh là Lan với hai vợ chồng Tâm, rồi nói Lan tiếp giùm vợ Tâm.

- Em săn sóc kỹ nhé, khách du lịch đặc biệt từ phương xa đến..

- Anh yên chí, bảo đảm vui lòng khách đến, hài lòng khách đi.

Sang tiệm donut, Minh order hai ly cafe và hai bánh ngọt mang ra bàn, Minh nhìn Tâm cười thán phụ.c Tâm trông vẻ bề ngoài là con người bề thế, thành đạt.

- Sao qua Mỹ từ đó đến giờ làm gì, trông ngon lành vậy Tâm.

Tâm nhìn Minh cũng có ý quan sát xem Minh có gì thay đổi không, thời vận thế nào bấy lâu nay.

- Mới qua Mỷ khổ gần chết anh ơi!

- Ừ ! Thì anh cũng như Tâm chứ có hay ho gì!

Tâm kể:

- Em đến một thành phố nhỏ ở Iowa, được nhà thờ Tin Lành bảo trợ. Em ở đó một năm, buồn lắm, cũng có chừng một chục gia dình người VN do họ đạo này bào trợ. Ông mục sư người Mỹ Đen, mới đến thấy ổng em hết hồn luôn, em nghĩ ở với mấy thằng cha Mỹ Đen này không biết nó có biết người VN là ai không nữa, em thấy ớn quá, nhưng mới qua đâu có biết dây là đâu, tiền bạc không có, tiếng Anh, ngày trước ở trại tị nạn anh dạy cho mấy chữ thì nhớ được mấy chử là phước rồi.... Ông mục sư này hiểu tâm lý người mới đến, nên ông rất hiền hòa, nhẫn nại, kêu người dẫn em đi làm giấy tờ, rồi đi học Anh văn suốt một năm. Ông không cho em đi làm, mỗi ngày chỉ di học, đi nhà thờ, ăn, ngủ thôi... không chỉ riêng em mà còn mấy gia đình VN khác mổi ngày cũng tập trung lại đi học, đi nhà thờ rồi sau đó muốn làm gì thì làm.

Minh ngồi nghe Tâm kể. Thì ra nó củng còn sung sướng ăn ở không đi học thêm một năm, trong lúc đó Minh lãnh trợ cấp welfare, foodstamp ở Cali thì đâu có đủ cho tiền share phòng, tiền ăn, tiền xe bus đi học... thành ra phải đi làm chui tiền mặt cắt cỏ, khuân vác ngoài chợ trời cuối tuần.

Tâm nói tiếp:

- Anh đừng tưởng vậy là sướng nha, một năm đầu coi như anh thực tập bốn mùa cho biết thời tiết tại Iowa như thế nào, sau một năm mới biết khóc không ra nước mắt...

- Có gì mà buồn tủi dữ vậy?

- Anh biết chổ em ở là cái làng nhỏ xíu, chung quanh là nông trại, rừng vắng vẻ lắm, chỉ có mùa xuân là tươi mát thôi chứ, mùa hè thỉ nóng, mùa thu thì chiều chiều sương mù nó xuống, nó bay bay không thấy đường đi giống như mấy phim ma, ớn lạnh nổi da gà, còn mùa đông thì tuyết rơi,... Nói chung ở thành phố lớn thì đỡ hơn chứ ờ mấy làng hẻo lánh này chắc có ngày củng phải kiếm đường dông.

Được một năm, ông mục sư hỏi em có muốn đi làm thì ổng giới thiệu cho, anh biết công việc gì không?

- Viêc gì củng được, có chút đình rồi mới tính chuyện đi đâu đó thì đi.

- Ừ! Thì phải vậy chứ sao, ông mục sư giới thiệu em vô làm hàng gà... gà... gà.... gà... Má ơi! Gà tối con mắt, không phải trại chăn nuôi gà mà là hãng làm thịt gà, xẻ thịt gà đông lạnh. Đây là bước thứ nhất mà tất cả mọi người tị nạn VN hễ mà đến vùng này đều phải trải qua "Quân Trường Gà" này, tính ra thì đây là công việc nhẹ nhất, và ít lạnh nhất... mới vô thì anh làm công viêc dọn dẹp vệ sinh, chất hàng, đẩy hàng. Sau đó anh được training vào khu mổ gà, phân chia ruột gan, thân đầu mình chéo cánh.... nói cho vui thôi chứ tất cả là công việc dây chuyền, máy móc chuyển gà đến, anh cứ viêc chia con gà ra làm nhiều phần như cắt cánh theo cánh, đùi theo đùi, ức theo ức rồi cũng bỏ lên đường kéo dây chuyền có người lấy ra bỏ vào thùng theo thứ tự bộ phân.... Anh thấy thế nào $5-$6 USD/ một giờ, sướng không?

Minh gật gật đầu.

- Lương vậy là ngon qua rồi, lúc này Cali làm electronic assembler chỉ được $ 4.00 thôi.

Tâm lắc đầu:

- Chưa sướng đâu anh, em làm được 3 năm thì em định dông đi tiểu bang khác, nhưng không biết đi đâu. Phải mà em tìm được anh chắc em củng dọn về Cali. Đang lúc đó thì thằng Hùng, bạn làm chung rủ em đi làm hãng heo, Hả cái gì... Heo à! Heo ơi là heo.., heo..heo..heo! Bây giờ mình có tay nghể mổ xẻ rồi thì đâu có sợ đi bất cứ chổ nào, hãng heo trả $6-$8.00/ một giờ. Hai thằng xin việc dề dàng vì đã có kinh nghiệm rồi... mình tự nghĩ vậy thôi chứ ông supervisor hãng heo quá hiểu bọn Tâm khi biết đã từng làm hãng gà. Ai ai cũng phải trải qua từng bước tập tễnh từ gà trước rồi mới đến heo... Hai thằng mướn chung một apartment một phòng, rồi được nhận vào hảng heo, kỳ này là bước thứ hai, mình được nâng cấp, tay chân phải lẹ làng hơn, và phải xử dụng máy cắt, máy cưa thịt, nhiều công nghệ hơn và sung sướng hơn và được hưởng máy lạnh "Chết Mẹ" cả ngày luôn... trong hãng củng có nhiều người VN làm, ai cũng cười khi biết hai thằng mới từ bên hảng gà sang gia nhập hãng heo...ha..ha...ha... sướng như điên, tất cả người VN làm chung hảng heo dều là người tị nạn mới sang Mỷ vài năm, đều có chung một giấc mơ...

"I have a dream..." giấc mơ huy hoàng, tương lai sáng chói, cuộc sống thanh bình, chim hót đầu ngày, hoàng hôn nhìn cánh nhạn bay về tổ....ôi! Biết bao nhiêu hình ảnh đẹp, đúng là đẹp như truyện thần tiên trên màn ảnh. Nhưng bây giờ trước mắt là cuộc sống thật của nước Mỹ. Hình như mọi ước mơ đều đảo lộn, "mộng vở tan rồi..." bây giờ người VN mới biết nhìn nhau vởi cặp mắt dịu dàng hơn, thông cảm thương yêu nhau hơn, vì ai củng nghĩ nước Mỹ là Thiên Đàng... Đúng ! Thiên Đàng là đây mà Địa Ngục cùng là đây, bao nhiêu người ở lậu, vượt biên lậu vào đất Mỹ, họ có mơ ước nhỏ nhoi hơn người VN, cái công việc trong hàng gà, hãng heo, khuân vác, ngay cả lau dọn vệ sinh trong hãng cũng là niềm mơ ước của họ, nhưng đối với người VN hình như không phải, không "xứng đáng" so với việc họ liều mình vượt sóng gió đại dương, đi tìm tự do, tìm cuộc sống mới, nhưng rồi phải kéo dài cuộc sống như thế này, hình như... hình như không người VN nào hài lòng, khi họ có cuộc sống ổn định thì họ đã quên chính họ ngày nào và đằng sau lưng họ vẩn còn bao nhiêu người VN tiếp tục ra đi, và chổ đứng của họ vẩn còn là niềm mơ ước cùa biết bao nhiêu người.... thế rồi sau nhửng lần cuối tuần, ngày nghỉ theo lệ thì đi nhà thờ hầu Chúa, nghe giảng đạo, lòng người củng chùng xuống, tâm hồn lắng đọng... an ủi lại nhửng ngày làm việc vất vả, tay làm, hàm nhai, tương lai làm sao tìm thấy trong hảng gà, hàng heo, liều mình vượt sóng gió, đi tìm tự do, giờ không lẻ chết cạn ờ nơi hẻo lánh này..

Que sera, sera..!...Tương lai mù mịt, lòng buồn miên mang, nhớ nhà, nhớ VN quá..

Minh và Tâm yên lặng chìm lắng trong tâm tư, cả hai đều cô thân độc mã khi đến Mỹ, rất tiếc đã mất liên lạc nên không thể nương nhau để sồng ở buổi ban đầu đầy khó khăn thử thách...

Tâm nhìn Minh cười, nụ cười có vẻ bình thản, xem như việc làm nặng nhọc chẳng có nghĩa lý gì, Tâm tiếp:

- Làm hảng heo được hơn 3 năm, em và Hủng rủ nhau đi "nâng cao tay nghề"..., anh biết đi đâu không?

Minh chẳng hiểu Tâm muốn nói gì mà nâng cao tay nghề "...

- Bây giở có vốn tính làm ăn buôn bán gì phải không?

Tâm cười lớn một cách khoái chí...

- Làm ăn cái gì.... Hai thằng rủ nhau sang hãng bò...bò..bò..bò...! ha..ha..ha..! bò ơi là bò...! Heo thỉ cũng như bò, đầu mình và tứ chi... à quên, bên phần bò thì không có đầu, cái đầu to quá, bộ phận lột da nó trảm cái đầu để qua một bên, còn thân bò, thọc huyết, cắt đầu, lột da xong thì toàn bộ thân bò được móc lên chuyển đi theo hệ thông dây chuyền, mổ cưa, cắt theo từng bộ phận giống như bên heo, công nhân phải mặc đồ dầy chống lạnh., lương $8 - $12.00 / giờ...

Người VN ở hãng bò khá đông, nghe nói hãng bò có đăng báo Việt ngử bên Cali cần tuyển công nhân làm hãng bò tại Iowa... giờ đây thỉ Tâm được nghe nói, và biết thêm về sinh hoạt ỏ Cali vùng Orange county, Tâm hy vọng một ngày đẹp trời sẽ lấy vacation về Cali cho biết.

- Vậy Tâm làm hãng bò cho đến bây giờ à?

- Đâu có anh, ai mà chịu nổi cái lạnh của phòng lạnh hãng bò, ai hay lắm là 10 năm thì cũng vọt, mọi người đều phải kiểm tra sức khỏe mỗi sáu tháng, ai mà phổi thấy yếu là hãng đền bù vài tháng lương theo hợp đổng rồi cho nghỉ việc chứ không có thưa gởi gì hết, sau đó ăn tiền thất nghiệp, ngoại trừ bị tai nạn lao động, chứ sức khỏe tốt mới làm được, nhưng mà có tốt thì củng tối đa 10 năm là ngán đến cổ, thấy bò là bỏ chạy ngay, không dám đụng đến một miếng NewYork steak nào, kể cả phở VN, thiếu điều muốn ăn chay trường luôn.. còn em giống như có huông vậy, cứ mổi 3, 4 năm là phải đổi công việc, mà kỳ này hãng cho em nghỉ vì khám sức khỏe thấy phổi có nước, họ có trị bệnh cho em rồi sau đó không nhận lại vì lý do sức khỏe... Em nghỉ trước rồi sau đó mới kêu thằng Hùng nghỉ, về sau thằng Hùng làm cho em, tui em đối xử tốt với nhau lắm...

- Thằng Hùng về làm cho em là sao, làm công cho em hả?

- Ừ! Chuyện này ly kỳ lắm," Thánh nhân đãi kẻ khủ khờ.", anh biết em bây giờ làm gì không? Đoán coi?

Rõ ràng y như ban đầu Minh mới nhìn thấy Tâm ngoài bãi parking, Tâm ăn mặc, vóc dáng giống một người có sự nghiệp thành công, nhưng nãy giờ thì chỉ nghe Tâm kể chuyên từ Gà, Heo đến Bò, chứ có nghe thêm nghề nghiệp, hay làm ăn buôn bán gì đâu?

- Chắc mở chợ thực phẩm mini hay super market phải không?

- Gần đúng, em bây giờ là chủ nhà hàng Chinese Sea food Restaurant ở Atlanta, Georgia. Nhà hàng có thể đãi tiệc cưới, hop bạn, sinh nhật..

- Chúc mừng Tâm. Chuyện thế nào kể sơ cho anh nghe.

Tâm kể:

- Từ ngày nghỉ hàng bò, em đâu có biết đi đâu, em và thằng Hùng có mấy bạn làm cùng hãng trước đây, nay đi làm ở Atlanta, nên em nói Hùng “Thôi tao vọt về Atlanta trước coi xem sao, cứ việc ở lại làm cho đến khi nào tao thấy có việc gì tốt hơn thì tao cho mày hay, nhớ giữ số phone, tụi mình liên lạc lại sau.

Thế là em liên lạc người bạn cũ để kiếm chỗ ở tạm tại Atlanta, trong khi tìm việc làm. Đến Atlanta được gần ba tháng mà chẳng có việc gì làm, lương cũng thấp hơn hàng bò, lương ở đây chỉ được $6-8.00 usd / giờ, nên em chưa đi làm vội. Một hôm em đi vào sòng bài, em định giải trí cho vui thôi chứ không có ý ăn thua, em ngồi cạnh một ông Chinese China, cũng dánh xi-dach chơi lai rai nhưng thấy em không rành chơi, ổng hỏi em bằng tiếng Anh “Em từ đâu dến đây?” Em nói từ Iowa mới đến Atlanta tìm việc làm. Ông hỏi Em tên gì? Làm gì ở Iowa? Em nói tên Tâm, em làm hãng bò, giờ bị thất nghiệp vì lý do sức khỏe.

Bỗng nhiên ổng đổi sang nói tiếng Việt:

- Chú tên Sáng, chef cook cho một nhà hàng Tàu người Hongkong, em muốn làm nhà hàng không, chú đang cần người phụ bếp.

Em ngạc nhiên hỏi

- Ùa ! Chú là người VN hả, sao nảy giờ không nói ?

- Thì chú đâu có biết em là người gì, tưởng Philippine, Thailand... Chú là người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn....

Sau đó Tâm được chú Sáng cho biết là chú đang cần một người phụ bếp, rồi chú sẽ dạy cho nghề cook với điều kiện là chú có đứa con gái bên Trung Quốc, giúp chú mang cô ấy qua Mỹ.

- Tâm, em người quê quán ở đâu bên VN ?

- Em người gốc Cần Thơ.

Chú Sáng gật đầu có vẻ ưng ý

- Tốt lắm, người lục tỉnh thật tình, ăn ngay nói thẳng.

- Em lấy tư cách gì mà đem con gái chú qua Mỹ, còn chú không bảo lảnh được sao ?

Chú Sáng cười có vẻ xấu hổ

- Tao uống rượu lái xe, tai nạn hai lần, cho nên qua Mỹ gần trên gần 20 chục năm rồi đâu có vô quốc tịch Mỹ được mà lãnh...mà chuyện còn dài dòng lắm, để coi mầy có chịu nổi làm nhà hàng không thì tao sẻ cho mầy kế hoạch làm việc, cái này hợp pháp chứ không có lươn lẹo, mánh mung...

Nói đến đây thì Minh thấy Lan gọi phone cho hay là làm tay chân nước cho vợ Tâm xong rồi, Tâm cùng vội nhìn đồng hồ rồi bắt tay Minh nói.

- Em phải đưa vợ và con em đi chơi Hollywood Studio, con gái em nó đi đến đó trước với bà con bên vợ em, tui em thăm anh tí xíu rồi đi, em có mang chai rượu và hộp bánh Tây biếu anh chị, ngày mai tụi em đi Las Vegas chơi rồi về Atlanta luôn, tối nay chắc về không kịp uống rượu với anh, hẹn anh dịp khác hay có dịp qua Atlanta, em đãi anh, còn đây là business card của em, gởi anh.

Minh bắt tay Tâm mà quên hỏi làm sao mà Tâm biết Minh làm nail và shop nail của Minh mà hôm nay đến thăm, còn nhiều thắc mắc mà thời gian đã hết..

- OK! Anh sẽ gọi lại Tâm sau nhé, nhớ liên lạc thường xuyên, khi nào có dịp anh sẽ bay qua Atlanta thăm Tâm.

Tại shop vợ Tâm đang trả tiền làm nail, nhưng Lan không nhận.

- No, No... It's no charged, you 're welcome today.

Minh cười, nháy mắt nói

- Sao không lấy tiền em, bà chủ nhà hàng Chinese seafood đấy.

Tâm cám ơn và gởi tiền tip riêng cho hai cô thợ rồi chào tất cả mọi người ra về.

Nhửng lần phone liên lạc qua lại giữa Tâm và Minh, Minh mới hiểu được câu chuyện, xin tạm kể như sau.

*
blank
Chai rượu Tâm cho.

Chú Sáng người Hoa ở Chợ Lớn vào năm 1977, chú 24 tuổi, cùng một số bạn bè đi tàu lửa về Hà Nội rồi dùng xe lửa vượt biên qua biên giới Trung Quốc. Lúc này, tại biên giới Việt Hoa, người VN và TQ thông thương qua lại dễ dàng. Khi đến TQ thì chú Sáng được người ta móc nối ăn tiền cho một sĩ quan biên phòng người TQ che chở, vì họ biết tất cả người từ VN qua đây ngoại trừ đi buôn đều có ý muốn vượt biên lậu vào Hongkong, chứ không phải ở lại TQ. Minh được người sĩ quan TQ này hứa sẽ đưa Minh vào lậu HongKong. Thời ấy, người VN khi vào được Hongkong mà có bị bắt thì cảnh sát Hồng Kông sẽ đưa vào trại tị nạn thuyền nhân VN, còn người Tàu TQ bị bắt thì bị trả về lại TQ, nhưng tình hình lúc này người VN chạy qua TQ đột ngột nhiều quá nên tạo sự chú ý của chính quyền, rồi tình hình chiến tranh biên giới giừa VN và TQ sắp xảy ra nên chú Sáng phải ỏ nhà ông SQ/TQ này đến năm 1980 mới đi lậu được vào HK, rồi trình diện cảnh sát HK để vào được trại tị nạn thuyền nhân.

Trong lúc chờ đợi ờ nhà ông SQ/TQ chú Sáng không phải trả tiền chỗ ăn ở vì một lý do khác thường là ông SQ/TQ có đứa con gái, ông thấy hai người thường nói chuyện, vui đùa với nhau, nên ông có ý định gả con gái cho chú Sáng và nói chú Sáng ở lại TQ cũng được. Chú Sáng không phản đối việc cưới cô ấy nhưng nhất định đòi phải dẫn chú Sáng qua HK, sau đó chú có đi dịnh cư, Mỳ, Úc, Canada... thì chú sẻ làm giấy bào lãnh, chú hứa đền ơn đáp nghĩa, không phụ lòng tốt của gia đình, hứa sẽ là vợ chồng chính thức với cô con gái ông SQ/TQ. cô con gái cùng bằng lòng vì nghe đồn người con trai, người chồng VN hiền và thương vợ hơn con trai, người chồng TQ, nên cô tin tưởng chú Sáng không phụ bạc cô.

Năm 1981, chú Sáng đến Mỹ có một mình, để lại vợ ở TQ, nhưng cùng trong năm 1980 vợ chú Sáng sanh một đứa con gái và bây giờ là cô gái mà chú Sáng muốn Tâm bảo lãnh qua Mỹ, đổi lại chú Sáng truyền nghề cook cho Tâm.

Sau một tháng thực tập trong nhà hàng, chú Sáng và Tâm hai người có vẻ tâm đầu ý hợp, chú Sáng hỏi Tâm

- Sao, bây giờ Tâm thấy thích hay không thích nghề cook?

- OK! Chú, bái chú làm sư phụ chịu không?

- Đâu có được mậy, phải có điều kiện đàng hoàng chứ, quên rồi sao?

- Thì chú nói rõ ra đi phải làm sao, chứ khi không tui đâu có dính dáng gì với con chú thì làm sao mà bảo lãnh được?

- Đúng là mầy dân lục tỉnh, Hai Lúa... vậy mà không nghĩ ra?

- Nghĩ ra cái gì chú, nói đại đi hay chú muốn tui trả tiền học nghề.....

- Mầy nói tầm bậy, tầm bạ, tao đâu có cần tiền của mầy, nói một hồi tao cho mầy về Iowa mổ bò à...

- Nói chơi thôi, tui biết chú là người tốt mà, chú nói thiệt đi, điều kiện gì tui làm được thì tui làm ngay để đền ơn chú dạy nghề....

Chú Sáng im lặng nhìn Tâm, như muốn thử lại cho chắc con người của Tâm có đáng tin cậy, giải quyết thành công công việc ân đền, nghỉa trả của chú đối với bên gia đình vợ con của chú ờ TQ.

- Tao cho mầy một đêm suy nghĩ, rồi ngày mai hãy trả lời, đơn giản thôi, hình con gái tao mầy thấy rồi đó, năm nay nó 18 tuổi rồi, tao không tính gấp thì kể như không còn cơ hội...

- Thì chú nói đi, tui hứa sẵn sàng giúp chú....

- Thiệt nhé, hứa là phải giữ lời.

- OK! Quân tử nhất ngôn, nói đi..

- Thì mày gọi tao là ông già vợ, con tao là vợ mầy, mầy bay về TQ cưới nó rồi làm giấy tờ bảo lãnh nó sang, chỉ có thế thôi....

- Trời đất! Chú Sáng nói chơi hay nói giởn vậy, không được nói chơi làm tui mừng hụt nha. Chú tin tui dử vậy sao ! Mà không biết con gái chú có chịu tui khôn ?

- Mầy yên chí, hồm rày tao có nói chuyện với nó rồi, tao có biên thư gửi hình tao với mày chụp chung cho nó xem, nó cũng nghe người ta nói con trai VN hiền, tao với má nó đồng ý thì nó đồng ý...

- À mà còn vợ chú sao chú không bảo lãnh luôn một lượt...

- Thì tao đã nói tao uống rượu say, lái xe đụng hai lần, bị phạt cấm thi quốc tịch Mỹ thì lấy cái gì bảo lảnh chớ...

- Tui cùng đâu có quốc tịch Mỷ....

- Cái gì, sao mầy không nói trước, mầy qua Mỹ bao lâu rổi mà chưa có quốc tịch Mỹ.

Chú Sáng thất vọng hiện rỏ trên nét mặt làm Tâm cảm thấy hối hận trong lòng...

- Chú Sáng, tui giởn thôi mà, yên chí tôi là công dân quốc tịch Mỹ đàng hoàng..

- Mầy làm tao hết hồn, để tối nay tao cho mầy nói chuyện với con gái tao coi xem sao, thì mày cũng nói qua nói lại với nó chừng vài tháng rồi sắp xếp đi với tao về TQ tiến hành, còn bà xã tao, khi nào con gái tao qua Mỹ rồi, thì hai vợ chồng mầy chính thức làm giấy bào lảnh cha mẹ, lúc đó dễ như ăn cơm,...mà còn một chuyện quan trọng nửa trước khi đi Trung Quốc tao sẽ nói cho mầy nghe chuyện tương lai của hai đứa mày, bây giờ mày là rể cũng như con, tao lo hết mình, yên chí hai bên giúp qua, giúp lại thế nào cũng thành công.

Sau đó, Chú Sáng và Tâm về TQ làm lễ cưới với cô con gái của chú Sáng mọi chuyện tốt đẹp. Năm 1999 con gái chú Sáng là vợ Tâm đoàn tụ tại Atlanta, vợ Tâm vào college học thêm Anh văn và accounting, còn ông già vợ và con rể bắt đầu chung vốn với nhau sang nhà hàng Tàu, mua mua, bán bán từ cái nhỏ mở cái lớn, tạo nên một nhà hàng Chinese Seafood tương đối khang trang, đẹp như hiện nay, Tâm và vợ đang điều hành, má vợ Tâm là vợ chú Sáng cũng đả đoàn tụ, chú Sáng vui vẻ thỏa mãn đã không phụ lòng ông SQ/TQ là ông già vợ và vợ đã giúp đỡ chú trong thời gian loạn lạc tại TQ, người vợ chung tình không thất vọng với ngưởi chồng hiền VN và bây giờ đứa con gái theo chân mẹ lấy chồng VN được sang Mỷ, giờ làm bà chủ nhà hàng... Có ai học được chữ ngờ, hợp rồi tan, tan rồi hợp.

Đầu xuân Bính Thân 2016, tình cờ Tâm đi ra tiệm sách báo, Tâm thấy quyển sách "Hành Trinh Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ" do nhật báo Người Việt phát hành bên Cali, Tâm mua một quyển, và giật mình khi thấy có một bài viết của Minh, đăng hình và tên Minh thật rõ ràng, và đang là chủ shop nail tại thành phố Culver City, California. Thế là Minh quyết đính lấy vacation, giao nhà hàng cho ông bà nhạc gia và Hùng bạn mổ bò ở Iowa trông coi nhà hàng, hai vợ chồng Tâm cùng đứa con gái sang thăm Little Sài Gòn cho biết khu cộng đồng VN. Đến Cali, Tâm đến City Hall Culver City, hỏi thăm có chủ nhân nào làm tên họ là...Minh làm Nails Salon trong city này không? Tâm có cho nhân viên City Hall xem quyển sách HTCDVTDM, chỉ hình Minh vì người này là chủ Nails Salon ở city này... không đầy 5 phút, họ cho biết nails salon của Minh cách city hall chừng 15 phút lái xe, gần phim trường Studio Sony Pictutre...

*
Một thằng bạn ân tình, từ ngày rời đảo Galang năm 1983 đến giờ chưa một lần gặp lại, đến nay đã trên 30 năm, tất cả chỉ còn trong kỷ niệm, không có biết nó sống chết như thế nào trên trái đất này, hôm nay một ngày cuối tháng Hai, nó ở đâu lại lù lù xuất hiện... nó mang chai rượu đến tặng mình, rượu ngon mà thiếu bạn hiền, vui mới ngon, mà sầu củng ngon... Chai rượu vẩn còn đó, mình đem khoe chai rượu với bạn bè trên FB, có thẳng bạn hỏi, có “Sự Kiện" gì thế... thằng bạn này thật buồn cười... tui vui, tui buồn, tui nhậu mình tui, đâu cần phải có Sự Kiện Lịch Sử nào. Không biết sang năm nó còn qua Cali nữa không, không biết mình nhớ nó hay muốn thêm chai rượu nửa ha.ha.ha..!

Tâm ơi, cám ơn mày đã nhớ đến tao, lâu quá không gặp. Chai rượu này ngon có tiếng, chắc mầy phát tài lắm phải không, sang năm qua nữa nha... trên đời này có lắm cái bất ngờ, nó tặng cho mình chai rượu thắm tình, thắm nghĩa rồi bỏ đi không hẹn ngày tái ngộ... cho mình một chút tâm tư chùng xuống trong ngày đầu xuân, mùa xuân hoa lá đâm trồi nẩy lộc, cái hạt nhân này mình đã gieo tự bao giờ, giờ đây mới đơm hoa kết trái.. /.

Little Saigon, Tháng Hai, 2016.

Tom Tom

No comments:

Blog Archive