Sunday, March 27, 2016

VIẾT VỀ NGƯỜI MỘT THỜI

 -thụyvi

Vừa nhận được tấm hình mới nhất của nữ văn sĩ do một người bạn từ Saigon gửi qua khiến tôi nảy ra ý định viết về những người đàn bà nổi danh một thời.

Viết về người khác không phải là một việc khó, nhưng viết mà lột trần một vài bí ẩn của họ thì có vẻ tàn nhẫn quá chăng ? Vì thế khi viết về họ, tôi cố gắng viết phớt qua những sự kiện trung thực, một vài nếp sinh hoạt nổi bật, hoặc qua lời người trong cuộc kể lại, hoặc từ những bài viết khả tín.

Tấm hình tôi vừa nhận được là tấm hình bà Nguyễn Thị Hoàng chụp mấy năm gần đây. Lâu rồi không gặp, giờ nhìn lại thấy cung cách bà vẫn như ngày xưa, là thứ dáng dấp trưởng giả cấp tiến của Paris ít người bắt chước cho giống. Bà Nguyễn Thị Hoàng tuy không đẹp, nhưng khi xuất hiện bao giờ cũng tạo cho mình một nét riêng với lối chụp hình huyền ảo, huyễn hoặc.

Trong hình bà Hoàng đội chiếc nón rộng vành màu đen che khuất một góc mũi gãy trên khuôn mặt nhỏ nhắn với đôi mắt tô mí thật đậm nhưng cố tình khép hờ để che giấu nét già nua mỏi mệt cùng với nụ cười mõng tinh quái trong chiếc áo len mềm màu lá úa ôm sát thân hình gầy dẹp nhưng mềm mại.

Trái với bà Linh Bảo và bà Nguyễn Thị Vinh được miệng lưỡi kẻ ái mộ văn chương dệt biết bao huyền thoại đẹp mê hồn từ lúc tác phẩm đầu tiên trình làng thì bà Nguyễn Thị Hoàng gặp biết bao điều tai tiếng.

Trước khi những trang Vòng Tay Học Trò dậy sóng trên Bách Khoa vào khoảng năm 1960 – 62 thì trước đó bà Nguyễn Thị Hoàng được nhiều người biết tới trong một scandale sôi nổi tại thành phố Nha Trang.

Những năm theo học tại trường Võ Tánh bà Nguyễn Thị Hoàng dan díu và có thai với ông Cung Giũ Nguyên, thầy dạy Pháp Văn, hơn bà gần ba mươi tuổi.
Theo anh K. một người hàng xóm với bà Nguyễn Thị Hoàng trên đường Hùng Vương thành phố Nha Trang kể lại vụ án đầy tai tiếng này được dàn xếp êm thấm ngoài sự giao hảo của những người lớn liên hệ chức quyền giữa những người như ông Chánh án Nguyễn Hữu Thứ cựu giáo sư Khải Định (Quốc Học, Huế) với ông Nguyễn Văn Hoằng thân sinh của bà Hoàng đang là Trưởng Ty Học Chánh cùng với ông Cung Giũ Nguyên đang giữ chức Hiệu Trưởng Trung học bán công Lê Qúy Đôn kiêm giáo sư dạy Pháp Văn trường Võ Tánh tại tỉnh Nha Trang mà còn vì câu thú nhận can đảm của bà Nguyễn Thị Hoàng :

Ông Cung Giũ Nguyên không có lỗi trong vụ này. Lỗi là do tôi dụ dỗ ông ta khi theo học thêm lớp Pháp Văn tại nhà, vì tôi muốn có một đứa con thông minh xuất chúng như ông ấy !”.

Đứa con gái với ông Cung Giũ Nguyên sinh ra được bà Nguyễn Thị Hoàng đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng và giao cho bà vợ chính thức của ông Nguyên nuôi dưỡng vì bà Nguyên không thể có con.

Trong những ngày tang lễ của ông Cung Giũ Nguyên vào tháng 11 năm 2008 người ta thấy cô con gái Cung Giũ Nguyên Hoàng phục tang ôm bát nhang đi trước linh vị của ông.

Theo như ông Hồ Trường An trong cuốn Giai Thoại Hồng, bà Nguyễn Thị Hoàng sau đó lên Đà Lạt để dạy học, bà lại dan díu với một anh học trò tên Mai Tiến Thành. Khi cả hai cùng về Saigon, cuộc tình lại tiếp tục. Bà Nguyễn Thị Hoàng lại có thai, sinh một gái nữa đặt tên là Mai Quỳnh Chi, giao cho mẹ của Thành nuôi. Đứa con này, không bao giờ bà Hoàng đặt chân tới thăm (GTH trang 272 ).

Đây chính là mối tình bà Hoàng đã dựng nên cuốn Vòng Tay Học Trò.
Mặc dù anh học trò Mai Tiến Thành là nhân vật có thật đã được gặp ông Hồ Trường An và một số nhà văn. Được ông An đưa đến  thăm bà Nguyễn Thị Hoàng lúc bà Hoàng đang sống với ông Bửu Sum, nhưng mới đây, trong một bài phỏng vấn trong nước, bà Nguyễn Thị Hoàng tâm sự :

“…Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời…rồi ráp thành chuyện.

Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả. Riêng về Vòng Tay Học Trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là…phải thản nhiên. (ngưng trích).



Có lẽ trong số những nữ văn sĩ nỗi tiếng ngày xưa, cuộc đời và tình cảm của bà Nguyễn Thị Hoàng truân chuyên nhất bởi bà không thoả mãn những khát khao. Bởi lối sống lúc nào cũng nghi vệ màu mè mặc dù thực tế vào năm 1970 bà phải bỏ Saigon về sống trong ngôi nhà nhỏ tại miền quê Long Xuyên mà bà đặt tên thật thơ mộng “Trại Đá Mềm” để trốn nợ !

Hãy nghe bà than thở :

“..Từ năm 1966 đến 1969, mình viết liên tục theo những “đơn đặt hàng”. Trong thời gian này mình viết rất nhanh, có khi viết hai, ba truyện cùng một lúc… rồi thì lại buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức và mất hoàn toàn tinh thần làm việc vì trong suốt những năm dài liên tục mình chỉ sống với bổn phận làm vợ, làm mẹ và gánh vác kinh tế gia đình. Cái nguồn sống riêng phải nín lại, bị khô héo đi. Sau một chuyền đi xa vào năm 1970 mình lấy lại được hứng khởi và phần không nhỏ cũng vì năm đứa con, một đòi hỏi lớn về kinh tế gia đình nên phải tiếp tục viết… Do đó mà chưa có quyển nào coi như được viết từ tim óc của mình. Những cuốn đã xuất bản : Về Trong Sương Mù, Một Ngày Rồi Thôi, Vực Nước Mắt, Cho Ðến Khi Chiều Xuống, Tuần Trăng Mật Màu Xanh, Cuộc Tình Trong Ngục Thất vv…” (ngưng trích).



Cũng theo ông Hồ Trường An. Bà Nguyễn thị Hoàng mặc dù viết như gió táp mưa sa, không thèm đọc lại những gì mình đã viết; ngoi bút của chị như cuồng lưu, như ngựa phi đường xa, lướt phom phom, không có gì ngăn cản nổi. Vậy mà bà Nguyễn Thị Hoàng vẫn có thì giờ chăm sóc năm đứa con, dọn dẹp nhà cửa, đảm đang việc bếp núc. Ông Nguyễn Phúc Bửu Sum, chồng bà  Hoàng (có họ hàng cô cậu với họa sĩ Nghiêu Đề) hết vụ trốn lính tới vụ đào ngũ, rồi bị bắt, rồi đào ngũ, không làm ăn gì được.

Chúng ta thử đọc quyển “Chuyện Tình Trong Ngục Thất” sẽ rõ một đoạn đời cũ của bà Hoàng. Bà giúp chồng đào ngũ khi ông Bửu Sum bị đưa đi tác chiến ngoài Quảng Ngãi. Đây là cuốn sách được nhiều văn hữu ưa thích nhất, không phải vì họ có óc phản chiến, mà vì nó diễn tả trung thực tâm tình và cảm nghĩ của tác giả nhất, chân thành và sống thực nhất, và có ít có tính chất tiểu thuyết hơn các cuốn khác, trừ “Vòng Tay Học Trò”. (GTH trang 278 & 279 ).

Sau năm 1975 trong màn tự phê tự kiểm trong khoá Bồi Dưỡng Chính Trị, bà Nguyễn Thị Hoàng nói trơn như mỡ, như rau muống lặt. Đại khái :

“Bọn văn nghệ miền Nam chúng tôi bị tên đầu sỏ đế quốc và chế độ hư hỏng thối nát đầu độc. Chúng tôi là kẻ bịnh hoạn, viết những tác phẩm bịnh hoạn. Xin “cách mạng” giúp đỡ chúng tôi, dìu dắt những kẻ bịnh hoạn, tật nguyền là chúng tôi trên con đường sáng tác…



Rồi bà hướng về chúng tôi, những kẻ cầm bút phe bại trận, giọng van vỉ thật ai oán :

– Xin các anh cùng tôi, trước giờ phút sống chết này nói lên một lời gì đi.

Phe bại trận im lặng, mặt mày lạnh tanh. Còn phe thắng tức phe cán bộ văn hoá tổ chức khoá học tập, trong đó có nhà văn Vũ Hạnh thì mặt mày lầm lì, nặng nề như cái cối đá. Sự kêu ca van nài đã đẩy bà Nguyễn Thị Hoàng vượt qua khỏi cái lằn mức liêm sỉ cuối cùng. Thế là Vũ Hạnh cùng Sáu Lăng xúm lại hạch sách, sỉ vả bà, nêu hết cái tính chất đồi trụy tinh thần trong tác phẩm “Vòng Tay Học Trò”, bốc trần những tư tưởng ngoại lai trong các tác phẩm khác của chị. (GTH trang 280)

Từ đó một phần do chế độ kiểm duyệt nên không thấy bà viết gì. Mặc dù dư luận về sự trục trặc tan vỡ giữa bà với ông Bửu Sum. Vấn đề thêm nhiều mối tình lê thê của bà với người này người nọ vẫn được nhiều người râm ran bàn tán, chứng tỏ với tuổi “thất thập” số phận bà vẫn chưa chịu yên lành.


thụyvi (Hầm Nắng, 29/11/2011)

No comments:

Blog Archive