Sunday, March 13, 2016

Vòng tròn Nhân Quả





Cuối năm 1972......

Nàng.
Cuối cùng thì đời con gái của tôi cũng chấm dứt một cách đơn giản và tệ hại như thế. Bắt đầu trên chiếc chỏng tre ọp ẹp, trong chái lá phía sau nhà, nơi vốn là chuồng bò, nay những chứng nhân ấy đã bị bán tháo đi từ đời nào rồi, chỉ còn mùi phân bò khai ngai ngái, lẩn quẩn trong không khí và trên nền đất ươn ướt. Tôi mặc lại áo quần, ngồi co ro ở một góc chỏng, mắt ngó xuống đôi chân của mình, mấy móng chân đóng phèn vàng vàng quanh các khoé.

Anh chàng kia cũng đang mặc lại bộ quân phục rằn ri. Ông tướng im re. Tôi liếc nhanh bảng tên trên túi áo. P.BINH, chẳng nhẽ là pháo binh? Chỉ có thế! Anh chàng ấy đã 'mua' đời con gái của tôi một cách vô cùng đơn giản, âm thầm và bình thản hết sức.

Ngay cả khi nằm trên chiếc chỏng kia, tôi với ông tướng kia có dám nhìn mặt nhau đâu, không hôn, không hít gì ráo, không nói với nhau một lời. Tôi nhắm tít mắt lại.

Và mọi việc đã âm thầm kết thúc đến tội nghiệp.

Chàng.
Như một giấc chiêm bao. Thật sự mà nói, việc nầy ngoài sức tưởng tượng, ngoài dự tính và ngoài ý muốn của mình. Tôi là lính trẻ đánh giặc xa nhà (nói theo kiểu cải lương) đại đội biệt kích của tôi nằm rải rác sau một ngọn đồi nhỏ đã nhiều ngày qua. Một địa điểm chiến lược khá quan trọng trong vùng xôi đậu, xa lạ, hẻo lánh nầy.

Một buổi trưa, tôi liều mạng vác ba lô, một mình đi thăm cái xóm nhỏ bên cạnh ngọn đồi. Nói đi thăm thì hơi quá, đúng hơn là đi đổi chác gà, vịt, đồ tươi. Ăn gạo xấy cả tháng trời thằng em gần chết rồi.

Tôi bước vào một căn nhà lá, chòi lá thì hợp hơn.

Cô gái từ sau nhà bước ra khúm núm, lí nhí chào tôi. Cô ấy trông rất trẻ, tóc cột thành đuôi bằng cọng dây thun, bộ quần áo trên người cô đen mốc, bạc màu bùn đất. Chân mang dép, một chiếc đứt quay được bện bằng cọng dây dừa.

 -Ông ông tìm ai?. Cô hỏi.

- Tôi không tìm ai cả! Tôi có nhiều đồ nhu yếu phẩm, tôi muốn đổi với cô một con gà, con vịt được không cô?

- Nhà em chắng có gì hết ông ơi!

Mà nhà cô ấy không có gì thật, quanh nhà trống trơn, không bàn, không ghế, tôi chỉ thấy một tấm ảnh đàn ông và lọ hương, lạnh tanh, đặt ở dưới sàn đất.
Tôi nghe tiếng ho húng hắng ở phía sau.

- Mẹ em bịnh, nằm sau nhà..

Tôi nhìn cô ái ngại, tôi không biết phải nói gì, chân dợm bước ra khỏi nhà, chợt tôi nhìn thấy một nỗi buồn thảm, vô vọng trong đôi mắt kia, đôi mắt muốn nói lên ngàn lời mà đôi môi ngậm câm nín.

Cô bước ra sau nhà, tay vẫy vẫy làm hiệu cho tôi theo cô. Tôi đi ngang qua một chiếc giường, trên ấy tôi thấy một người đàn bà nằm bẹp dí như chiếc bánh tráng trên mặt vạc. Không biết bà nầy còn sống không nhỉ?..

Vào chái lá sau nhà, tay tôi sờ vào khẩu súng bên hông, hơi teo teo, vùng xôi đậu mà! Chỗ này chắc là chuồng trâu, chuồng gà gì cũng nên? Phên vách, mái lá te tua, nắng bên ngoài lỗ chỗ chiếu dọc ngang trên nền đất.



Cô vỗ nhè nhẹ vào chiếc chỏng tre.

- Mời ông ngồi đây, em có việc khó nói muốn thưa cùng ông.

Ối chà! Nói năng nghe được ta. Tôi quăng chiếc ba lô xuống đất, nhưng vẫn đứng im, tò mò nhìn cô gái chờ đợi.

Đầu cô cúi thấp, tay mân mê chấu áo. Cô lí nhí trong cỗ họng, tôi phải nghiêng tai gần sát bên mới nghe tiếng được, tiếng không.

- Em rất cần chút ít tiền để mang mẹ lên nhà thương quận. Em năn nỉ, lạy ông giúp em. Em bán thân nầy gán nợ cho ông vậy.

Chu choa ơi! Nghe như bị điện giật. Tôi mở to mắt nhìn lại cô, đầu cô cúi quá thấp, tôi chả nhận diện được nhiều. Trời đang nóng bức bên ngoài, tôi là anh lính trẻ, xa nhà, sống nay chết mai, bán trời không mời thượng đế, mê gái, mê rượu, mấy tháng trời nằm gai nếm gạo khô, tối nằm sấp thèm gái hừng hực. Tôi có phải là thần, là thánh gì đâu! Trời nầy, ai cũng như tôi, chỉ cần cô nào bẹo ra một mảng thịt trăng trắng trong thân ra, là muốn đi tù ngay rồi.

Tôi phê lắm mà miệng vừa nói, đầu vừa lắc lia lịa.

- Không được đâu! Không được đâu!

Nước mắt cô gái nhỏ tong tong xuống chỏng, xuống áo. Đầu cô cúi càng thấp hơn, hai vai cô run lên từng chặp.

- Em lạy ông! Ông ơi!

Vậy mà tôi đành lòng chấp nhận và thoả thuận cùng cô làm việc ấy. Và tôi lại khám phá ra rằng đây là lần đầu đời của cô.....

Tôi mặc lại bộ quân phục. Móc tiền ra đếm đúng số tiền mà cả hai đã thoả thuận, tôi không nhìn cô, đặt xấp tiền ấy trên chỏng. Cô gái ngồi co ro, sợ hãi, đầu vẫn cúi thấp, im thin thít. Tôi đứng tần ngần một lát, chặc lưỡi đặt nốt cả tháng lương xuống chỏng. Tôi moi hết mọi thứ trong ba lô ra, nào là gạo, đường, sữa, kem đáng răng...Đồ vật lỉnh ka, lỉnh kỉnh. Tôi bày ra tùm lum và nói nho nhỏ:

- Tôi chỉ có thế, cô nhận hết đi, lo cho bà cụ. Cô đừng khóc nữa! Cô đừng khóc nữa! Tôi đi đây...

Nàng...
Ông lính ấy trông còn trẻ quá đi. Tôi có phiền hà gì đâu hè. Tôi có chút tiền, thì ông cũng có tí cháo thế thôi. Cớ sao ông tướng chuồn vội vậy. Đúng là khuôn phép nhà binh, ăn mau, cuốc sớm.

Ông tướng để lại cả khối tiền, cả đống đồ ăn, đồ xài nữa. Tôi nhét tiền vào túi áo, gom lại những món đồ, lẫn lộn trong những món đồ kia tôi thấy lá thư, có lẽ ông ấy khi moi đồ ra, anh chàng đã bỏ rớt lại mà không hay. Trên bì thư ghi Thiếu uý Lê Phục Bình KBC...Người gởi là bà Trần thị Nhàn cư ngụ ở Bà Chiểu Saigon.
À há! Anh chàng tên là Lê Phục Bình, tôi cất bức thư và cố nhớ cái tên kỳ cục đó, và cái nốt ruồi nằm phía dưới mắt trái của anh chàng đã cướp phá đời mình.

Dù có chút tiền nhưng chúng cũng không giúp nhiều cho mẹ tôi. Bà cũng qua đời, mang theo đời con gái của tôi. Vài tháng sau, tôi hay mình có bầu. Nhờ món tiền nhỏ của thằng cha đứa bé trong bụng, tôi trồng trọt rau cải, bỏ mối ở chợ làng, tạm sống qua ngày, chờ ngày sinh nở. Thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ mất dạy trong xóm chạy ngang ném đất bùn vào nhà gào lên:

- Con đĩ nhà nông, không chồng có chửa!

Lúc ấy, tôi đâm nhớ anh chàng có nốt ruồi dưới mắt trái kia hết sức.

Chàng...
Con bà nó! Sau cái vụ 'mây mưa' với cô gái đồi Thượng Đức kia. Tôi đói cả tháng và xui tận mạng. Đại đội tôi đánh nhau với bọn vẹm lu bù. Tôi bị thương và được chuyển về bệnh viện Cộng Hoà điều trị, cũng may không sứt mẻ gì hết, lại được giải ngũ hạng hai gì đó và làm việc ở Bộ chỉ huy tại Saigon.

Tôi lấy vợ giàu, thăng cấp, có hai đứa con trai, đời sống thong dong. Không hề nhớ chút gì đến cái chuyện lăng nhăng ở vùng Thượng Đức xưa nữa.

Năm 75! Miền Nam mất. Đời sống đảo ngược, thú thành vua, dân thành thú. Dân miền Nam mất ráo trọi, rủ nhau lớp đi tù, lớp bỏ nước ra đi.

Tôi và ba tôi, người là 'nguỵ bé' kẻ là 'nguỵ lớn', khăn gói chui đầu vào tù. Ba tôi bị đưa tận miền Bắc, (sau đó vài năm, nghe đâu ông mất một cách mơ hồ). Còn tôi, từ trường Văn Khoa đến thành Ông Năm Hóc Môn, rồi lại chuyển vùng Trên, nơi tôi tù cũng không xa mấy nơi tôi đã từng đánh nhau với lũ vẹm trước kia. Đúng là 'NHÂN QUẢ' hỉ!

Chuyện cải tạo là chuyện dài, te tua, kể sao cho xiết. Có điều ngày ngày tụi tôi phải ra rừng để đốn cây về dựng trại, tôi đi qua một xóm nhỏ, tôi mơ hồ nhớ, dường như đây là nơi của cô bé Thượng Đức ở là phải. Chỉ có vài năm mà cảnh vật đã thay đổi ghê nhỉ!

Đâu dám ngó tới, ngó lui. Cái tên bộ đội nó ngứa tay nện cho mình một bá súng là sưng mẹ đầu như chơi.

Hai năm đầu vợ tôi ra thăm nuôi đều đặn. Đột nhiên lần thăm nuôi này tôi lại thấy mẹ tôi, còng lưng vác túi xách lên thăm.

- Ủa! Con Loan đâu? Mẹ tôi sờ sờ tay của tôi, mắt bà rươm rướm

- Mẹ con của nó đi rồi.

Bà thở vào tai tôi.

- Chúng vượt biên rồi!

Những ngày tù tiếp nối của tôi lại thêm nhiều phiền muộn. Mưa nắng và thời gian nơi đây càng lúc càng làm ruột gan tôi khô héo thêm. Và tôi vẫn chờ mãi trong trại tù.

Rồi cũng đến ngày chúng thả tôi về. Saigon giờ với tôi sao xa lạ và vô cùng hoang vắng. Tự dưng tôi bị chối bỏ, bị đe doạ, bị trách cứ hằng ngày. Tôi là ai? Tên du thủ, du thực, đứng đường, mua đi, bán lại, dối trá, lừa lọc, gian hùng để sống sót. Mẹ tôi buồn rầu riết rồi cũng buông tay ra đi. Tôi đâm chay lì, cô độc như một hòn đá. Ít cười, ít nói, đêm đến nhớ vợ, nhớ con và cô gái Thượng Đức không bao giờ hiện hữu nữa.

Cuối năm 92 tôi được qua Mỹ theo diện HO. Nhờ đám bạn cùng khoá bên ấy hết lòng giúp đỡ, tôi cũng không đến nỗi nào. Tôi chịu khó ngày học, đêm làm hồng hộc ở các tiệm ăn VN, cũng thành Việt Kiều như ai.

Nghe theo lời khuyên của đám bạn, tôi mua một chiếc xe thùng cà tàng nhỏ, săn tìm từ nguồn đồ cũ, tôi tậu mọi dụng cụ thuộc về vườn tược và bắt đầu cho công việc mới mẻ.

Tôi đậu xe trong bãi đậu gần các tiệm VN. Trên thành cửa xe tôi viết Benny Le. Chuyên viên làm vườn. Ngoài ra tôi còn ghi thêm trên một tấm giấy cứng, đặt trên kiếng xe. Tôi kiêu ngạo viết. Benny Le. Kỹ Sư Nông Lâm Súc. Chuyên cắt cỏ, tỉa cây, đổ rác, làm mọi chuyện, kể cả cắt móng chân cho chó, cắt móng tay cho bà chủ, he he he!

Ngày tôi cứ thế mà chờ thân chủ gọi. Sống phần lớn nhờ vào tiền tip mà thôi.

Nàng....
Thằng Phục Bình con cũng ra đời lầm cửa. Mẹ ăn độn, con thì bú dậm với nước cháo, mới vài ngày nó cùng mẹ phơi nắng trồng rau cỏ. Trời sinh cá thì sinh nước. Mẹ con cứ sống nhăn răng ra. Tôi đặt tên nó cũng là Phục Bình, mang hai họ Trần Lê Phục Bình. Tên nghe như quan lớn chớ bỏ sao!

Năm 75! Hết chỗ để nói, lộn xà ngầu. Cớ sao tên chăn trâu làng tự dưng thành chủ tịch. Người giàu thì te tua hơn nhà nghèo. He he

Phong trào bỏ ruộng nuôi tôm rầm rộ khắp nơi. Tôi cũng liều mạng bỏ hết vốn ra đào vuông, nuôi tép. Người ta làm thì phá sản, còn mẹ con tôi thì trúng mùa lia chia.

Từ nuôi tôm, rồi thu mua-tôm, dựa, chứa tôm, phân phối thực phẩm. Tôi giàu hồi nào không hay. Tôi đột nhiên trở thành bà chủ trẻ đẹp, mấy tên thanh niên, bộ đội bu tôi như ruồi, tôi chán ngán đám ruồi nhặng ấy lắm.

Dạo ấy làng tôi ghe thuyền nhiều lắm, chuyện vượt biên ngày âm ỉ, dân trong làng cứ ngày qua lại biến mất vài người. Việt kiều vinh quang về nước, ngày đi đánh cá, ngày về danh ca càng làm mọi người mơ ước ra đi dữ lắm.
Tôi âm thầm lo liệu sang nhượng, tích trử tiền bạc. Bỏ xứ nghèo ra đi.

Xứ Mỹ. Sẵn tiền, tôi sang tiệm nhỏ cung cấp vật dụng về nghề làm móng. Phục Bình Con xem thế mà thông minh, học giỏi. Đến năm 94/95 gì đó, thằng bé tốt nghiệp bác sĩ, nhờ vốn của mẹ, thằng bé mở phòng mạch đề tên. BS Trần Lê Phục Bình tên Mỹ Là Benny Tran.v.v

Đời đúng là một giấc mộng!

Chàng..
Tìm mãi nay mới biết được tin tức của vợ con tôi ở tận Seattle. Nằm đêm suy nghĩ dữ dội, tôi quyết định lái chiếc xe cà tàng cùng mọi vật dụng, chạy cà rịch cà tang lên kiếm vợ con, cũng gần hai mươi năm rồi, tôi không gặp mặt.
Ui cha! Nhà chi mà to thế nầy! Lại nằm tuốt trên cao.

Từ phía dưới tôi đứng tần ngần rồi bấm bụng đi lên các thang cấp. Tôi nhấn chuông, giọng người đàn ông Mỹ vang từ hộp cửa

- Who's there?

- Me, me, gardener! Tôi lúng ba, lúng búng

- Honey! you called a gardener?

- No! I did not. Tiếng đàn bà nho nhỏ.

Một ông Mỹ to như Hercule bước ra, nhìn tôi, nhìn xuống chiếc xe chiến của tôi.
- Well! You are here, you can do the hedges ok

Ok! Lỡ phóng lao phải nhào theo. Con bà nó! Vác thang, vác kéo lên tận trên nhà là die rồi, còn làm ăn khỉ gì được nữa. Không biết có phải nhà của mụ Loan không đây?

Lần đầu tiên ở xứ Mỹ tôi bị te tua thật sự. Cứ leo lên, leo xuống, dời thang, cắt chưa tới đâu, cái thân ốm như con mắm của tôi đã hết xíu quách rồi.

Tôi ngồi thở như trâu. Ngồi mà hy vọng con vợ tôi chường mặt ra. Con mụ này giàu rồi làm phách dữ nha!

Trời Seattle khá lạnh, thế mà mồ hôi, mồ kê tôi chảy ròng ròng. Tôi vừa thở, vừa khệ nệ mang chiếc thang dời sang chỗ mới. Tiếng người đàn bà phía sau

- All done?

Tôi quay lại, vợ tôi hiện ra trắng tinh, đẹp đẽ như một bà hoàng. Tim tôi ngừng đập một giây, tôi với chiếc thang khốn khổ trên vai, từ dưng biến thành tượng đá, he he he!

- Loan đấy ư? Tôi cà lăm, cà lặp.

- Ông là ai mà biết tên tôi?

-Bình. Phục Bình đây! Loan không nhận ra sao?

Mà làm sao nàng nhận ra tôi cho được. Tôi ốm nhom, đen thui, áo quần cũ mèm, đầu đội chiếc nón quân đội TQLC, râu ria mọc không hàng lối, đứng đấy với chiếc thang nhôm trên vai. Chắc không có hình ảnh nào sống động như thế hi hi hi. Gần hơn hai thập niên rồi chứ ít ỏi gì..

Loan mắt miệng mở to, thảng thốt.

- Anh Phục Bình? Anh đến đây làm gì?

- Tôi chỉ muốn gặp lại hai đứa nhỏ mà thôi. Please Loan! Tôi nói như van xin.

Mụ Loan thở một hơi dài, khuôn mặt như giản lại

- Không phải tôi muốn khó dễ với anh. Hai đứa nhỏ tin rằng anh đã mất đã lâu. Nay cha của chúng là thằng Mỹ kia. Vả lại, giờ chúng lại không nói nhiều được tiếng Việt nữa. Anh có gặp lại chúng chỉ khó cho mọi người mà thôi, nhất là tôi. Anh có thấy thế không?

Tôi ngẫm nghĩ, lột nón xuống, nhìn lại bà vợ xinh đẹp của tôi một lần cuối, rồi lặng lẽ vác đồ nặng xuống nhà.

- Tiền công của anh đây! Tiền công của anh đây!

Mẹ nó! Bao nhiêu mà làm dữ thế! Tôi cứ lầm lũi đi không hề ngó lại, mặc cho hai vợ chồng phía sau kêu ỏm tỏi. Cho mày nợ tao, cho mày biết! Tôi ngu ngốc nghĩ thế.

Lên xe tôi lái một đoạn, ngừng lại. Bà nó! Bữa nay lỗ nặng. Mất tiền xăng nhớt, tiền công cả ngày, mất vợ, mất con.

Đúng là Quả Báo cu Bình ơi!

Nàng...
Nhà cửa gì mà như rừng rậm gì nè! Cây cỏ cao tới gối. Phải nhờ mấy ông thất nghiệp làm một ngày cho rẻ mới được. Tôi lái chiếc Lexus chầm chậm vào bãi đậu xe, thấy cái tấm bảng vô duyên đập vào mắt. Benny Le. Kỹ Sư Nông Lâm Súc, làm mọi việc ngay cả cắt móng chân cho chó và bà chủ he he he! Viết như thế mà còn cười ngạo mạn nữa. Đúng là người khùng, kệ khùng thì khùng miễn rẻ là ok.

Tôi đậu gần chiếc xe cà tàng ấy, ông chủ xe ngồi ca e é. Mười năm không gặp, gặp rồi chán chết..Tôi cười cười gọi

- Chú ơi! Chú làm vườn nhà tôi bây giờ được không?

- Được chứ! Đang đói đây cô ơi!

Tôi đưa cho ông ấy tấm danh thiếp của con tôi

- Địa chỉ trong ấy, chú cứ đến có tôi ở nhà nha.

Ông thần cười hè hè, thôi tôi chạy theo cô cho chắc ăn, tôi nghe không kịp theo cái máy chỉ đường đâu.

Cái ông kỹ sư tếu ngạo nầy vậy mà siêng dữ ta. Sân cỏ dốc đứng thấy ông thần cố đẩy cái máy cắt cỏ cũ sì thấy mà tội. Chút nữa tip kha khá cho ông thần nầy mới được.

Chàng..
Cái mụ mặt trắng này trông láng quá, còn thơm như múi sầu riêng nữa. Bày đặt chìa danh thiếp chi cho mắc công hè. Mình cứ lái tàng tàng theo chiếc Lexus của nàng là xong ngay.'

Lại nhà trên đồi nữa, mấy mụ nhà giàu ham cao quá đi. Bà nó! Khổ cho thằng kỹ sư như tôi lại phải è ạch khiêng lên, khiêng xuống cái máy cắt cỏ khốn nạn này, cái máy thiếu điều còn nặng hơn thân tôi nữa. Để chi mà vườn tược như rừng thế nầy. Eo ui!

Làm xong job này chắc đời tàn theo năm tháng hu hu hu. ông kỹ sư ui!
Tôi bắt tay làm việc ngay, gần hai tiếng cũng chưa xong cái sân cỏ thổ tả kia, cỏ thì cao, sân thì dốc. Chưa kể chung quanh nhà hoa lá tèm lem, cỏ dại, rác rưởi thấy mà ngán ngẩm.

Bá thở! Tôi ngồi dưới bóng mát bên nhà thở phì phì, vừa uống nước, vừa móc chiếc danh thiếp ra đọc chơi. 

BS Trần Lê Phục Bình.......

Trời ơi! Sao mà y chang tên mình vậy cà. Trần Lê Phục Bình tuồng như một điệp khúc vang trong bầu trời Cali nắng dữ.

Nàng..
Cái ông thần làm chưa đến đâu đã ngồi nghỉ rồi. Tôi đưa chai bia Bud cho ông thần, ông nhìn tôi trân trân làm mình phát ngượng. Chợt ông tướng hỏi tôi:

- Tên con bà là Trần Lê Phục Bình hở?

Vô duyên tệ! Rõ ràng trên tấm thiếp mà còn hỏi vớ vẩn. Ông thần còn tò mò hỏi quê quán của tôi nơi đâu.

- chú hỏi chi thế, chú hỏi chi thế?

Tôi vừa hỏi đồng thời quay phắc lại nhìn kỷ khuôn mặt của ông thần nầy. Anh chàng đã lột chiếc nón lính xuống, cầm trên tay, để trước bụng. Tôi nhìn thấy một đôi mắt sâu hoắm, buồn rầu, tóc cắt ngắn ngủn, râu ria mọc tứ tung. Tôi chợt giật thót lên, bởi đập vào mắt tôi như một cú đấm sấm sét. Một nốt ruồi đen dưới mắt trái của anh chàng kia lộ ra rành rạnh.

Tôi bước đến, cầm lấy đôi tay chai, đen, xương xẩu của ông tướng run run thốt lên:

- ANH CÓ PHẢI LÀ LÊ PHỤC BÌNH ?


Lê phục Bình 2016

No comments:

Blog Archive