Monday, March 14, 2016

Bốn mươi mốt năm sau cuộc chiến - nhớ lại một chuyến đi

ToPa




Đêm nay là đêm rằm nên trăng sáng hơn mọi đêm, một điều xem ra có vẻ bất lợi cho chuyến vượt biển của chiếc ghe dài mười ba thước và bề ngang hai thước sáu mươi phân mà, chỉ trong giây lát nữa đây thôi sẽ chở theo những con người khốn khổ phải trốn bỏ quê hương để ra đi, trong đó có tôi.Tuy nhiên, tôi tin tưởng sẽ không có việc gì xảy ra để có thể ngăn cản lòng quyết tâm của chúng tôi vì cũng tại nơi này, trong những ngày tháng qua đã có trên mười chuyến ghe đưa những đoàn người khốn khổ ra đi và đã đến bến bờ bình an bởi vì chúng tôi có tiền, vàng, mà công an biên phòng Việt Cộng thì lại rất khao khát muốn có.

Từ ngày tôi được tham gia vào công việc đưa những con người khốn khổ ra đi, những con người mà TT của nền Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam đã từng cảnh báo trước, Một khi đất nước đã bị mất vào tay của cộng sản rồi là bị mất tất cả. Mất quê hương miền Nam thân yêu, mất gia đình, mất tài sản, mất nhân phẩm và, có khi còn mất luôn cả mạng sống...

Cũng tại nơi đây đã có hơn mười chuyến ra đi và không có một chuyến nào bị những trở ngại hay bị những thảm cảnh xảy ra trên biển cả. Bây giờ đang là mùa xuân và chỉ trong năm tuần lễ nữa thì cái Tết cổ truyền lần thứ sáu, cái Tết của năm 1981 của dân tộc, của đồng bào miền Nam, của đồng bào miền Bắc, sẽ trở lại trên quê hương sau ngày bị bức tử vì quân đội phải đầu hàng theo lệnh của vị tướng không có tài và cũng không có một chút kiến thức về chính trị nhưng lại ham muốn quyền lực.

Đêm nay tôi quyết định phải ra đi, không thể chần chừ thêm được nữa trước khi quá trễ. Và như vậy, tôi tin rằng dù chuyện gì có xảy ra tôi cũng sẽ không đón cái Tết lần thứ sáu trên quê hương.

Năm mùa xuân đã đi qua, năm cái Tết cũng đã trôi qua trong sự khốn khổ và nghẹn ngào dưới sự đọa đày của người chiến thắng cùng màu da và tiếng nói xem ra là đã quá đủ cho tôi rồi.

Tại sao đêm nay khi tôi phải rời bỏ quê hương mà trong lòng tôi lại rất hớn hở và không một chút lưu luyến hay muộn phiền? Ra đi khi không biết nơi mình sẽ đến với nhiều nguy hiểm đang chờ đợi, vậy mà mọi người và tôi vẫn háo hức ra đi tuy trong thâm tâm ai ai cũng nghĩ rằng điều đó đã đem lại ít nhiều đau khổ. Nhưng, thật ra thì không còn cách chọn lựa nào khác tốt hơn.

Trong đời mỗi một con người của chúng ta thường sẽ có nhiều chuyến đi, sẽ có rất nhiều lần rời bỏ, thay đổi, những nơi đã sống qua với ít nhiều kỷ niệm buồn vui. “Trong đời sống nhiều lúc chúng ta phải lựa chọn, nhưng, không có sự chọn lựa nào lại không đem đến khổ đau.” Câu danh ngôn mà tôi đọc được khi xưa vẫn luôn văng vẳng bên tai.

Đêm nay tôi đang ngồi đây, trong buồng lái dã chiến của chiếc ghe, tôi nhìn đoàn người đang bồng bế dìu dắt nhau bước lên ghe lớn từ những chiêc ghe nhỏ gọi là tắc-xi, đồng thời tôi cũng nghe rõ ràng tiếng sóng vỗ bập bùng vào thân ghe mà lát nữa đây chiếc ghe này sẽ đưa chúng tôi ra khơi và đi đến đâu, thì chưa một ai trong chúng tôi có thể tiên đoán trước được.Tôi đưa tay lên làm dấu thánh giá và bỗng đâu hình ảnh những người thân yêu ruột thịt của tôi năm nào đã bị thảm sát chết trong một lần Việt Cộng tấn công vào xã, cái xã nghèo và nhỏ tí xíu đã hoàn toàn bị san thành bình địa. Cái xã tọa lạc trong thành phố có con lộ định mệnh số 7 mà sau này khi miền Nam khởi sự rút quân và đi trên con lộ đó, để rồi quân và dân đã bị Việt Cộng thảm sát, rồi đưa đến một cuộc bại trận sau đó không bao lâu. Hình ảnh những người thân yêu của tôi hiện ra trong đầu làm tôi nhớ lại một thuở thật thanh bình trên quê hương miền Nam thân yêu mà tôi đã cùng vui cùng sướng khổ với gia đình trong mái tranh nghèo nàn nơi vùng đất mới vừa được khai hoang theo chương trình khẩn hoang lập ấp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vị Tổng Thống Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà.

*
Mùa mưa năm xưa xa xôi ấy, mùa mưa năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai trên con đường trơn trợt giữa núi rừng, và tôi, một thằng nhóc con mười tuổi ngồi trong chiếc xe đò của hãng xe Sanh Hòa đi từ Pleiku về Sàigòn. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đã biết thưởng thức một bản tình ca mà tôi sẽ không bao giờ quên được, đó là bản Mưa Rừng và hình như được hát bởi tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh-Thúy thì phải. Tôi buồn thật nhiều khi nhớ lại hai năm về trước tôi cũng phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, phải rời xa một số bạn nhóc cùng trường và cùng xã để lên Đà-Lạt theo học trong một trường nội trú…

Pleiku ngày ấy còn quá hoang sơ với núi và rừng rậm bao la… toàn đất đỏ. Con đường chính của thị xã rất hẹp. Khi có hai chiếc xe chạy ngược chiều nhau thì một chiếc phải ngừng lại để chiếc ngược chiều chạy qua rồi chiếc kia mới được chạy.

Vào năm tôi học lớp ba trường tiểu học Pleiku tôi đã vô cùng thích thú khi được người bạn Thượng học cùng lớp “mời” tôi về buôn Thượng để chỉ lại những gì mà tôi đã học được cho các em trong buôn làng đã không có điều kiện đến trường. Nhớ lại ngày đầu tiên theo chân người bạn Thượng, tôi thật không ngờ người bạn này mỗi ngày phải đi bộ một quãng đường quá xa để đến trường. Tối hôm đầu tiên trong nhà người bạn Thượng tôi đã được ăn một bữa cơm mà chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời. Khi tất cả mọi người quây quần bên cái bếp lửa đặt giữa nhà sàn, thì ba của người bạn Thượng của tôi vói tay cầm cái ống tre đặt trên cao xuống và rồi ông lấy trong ống tre đó ra một gói thức ăn nhỏ được gói trong một cái lá lớn có lông nhỏ li ti; bỏ vào trong bếp lửa để nướng. Cơm thì đã được nấu chín từ lúc nào tôi không rõ và cũng được gói trong một cái lá rất lớn có nhiều lông nhỏ li ti giống như cái lá gói thức ăn. Khi gói thức ăn đã được nướng chín thì mọi người cùng bốc thức ăn trong cái gói đó và ăn với cơm - Người Thượng trong thời gian đó hoàn toàn không dùng đũa hay muỗng.... Cho đến hôm nay cái mùi của gói thức ăn đó tôi vẫn còn nhớ mãi tuy thời gian trôi qua cũng đã trên năm mươi năm rồi; chỉ vì cái mùi của nó quá xá thúi. Nó thúi lắm! Thúi kinh khủng! Thúi tàn nhẫn! Lúc đó tôi còn nhỏ quá nên phản ứng của tôi cũng rất là tự nhiên và không lịch sự. Người bạn Thượng thoáng nhìn tôi và anh hiểu ra nên anh đứng lên và đi nhanh đến cái ổ gà có con gà mẹ đang ấp những quả trứng, anh đỡ con gà lên và lấy một quả trứng, anh để quả trứng vào trong cái ca nước và đặt lên bếp để làm món trứng luộc chấm muối cho tôi ăn cơm… Hai ngày kế tiếp cũng cùng một thực đơn đó.

Trẻ em Thượng trong lớp rất thích tôi vì hiếu kỳ, có lẽ vì tôi là “người da trắng” đầu tiên mà các em Thượng được gặp chăng? Để đáp lại lòng ưu ái mà các em đã đặc biệt dành cho tôi, tôi đã “rộng tay” cho các em rất nhiều điểm vào hai môn học là toán và chính tả mà tôi phụ trách. Những ngày trong buôn Thượng tôi thích nhất là đi ra suối nhìn các cô gái Thượng tắm. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên không hề có một ý nghĩ tà đạo nào mà chỉ hiếu kỳ, vì,  khi các cô gái Thượng tắm họ không kỳ cọ giống như tôi. Các cô gái Thượng dùng một khúc cây ngắn, nhỏ và tròn để kỳ đất trông rất là lạ mắt.

Ngày tôi xa rời nơi tôi đã sống với nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, tôi không còn nhớ là ngày đó tôi đã gặp và từ giã những ai, nhưng, tôi nhớ là tôi buồn nhiều lắm... chứ không như đêm nay. Đêm nay tôi cảm nhận là phải bằng mọi cách xa rời nơi mà tôi đã có những tháng ngày làm việc và rong chơi với nhiều kỷ niệm trong đời. Tôi sợ sẽ bị bắt lại để phải sống với những con người luôn mang nặng sự căm thù trong tận đáy lòng bởi tôi không có cùng một ý thức hệ.

Chiếc ghe rời bến vào khoảng ba giờ sáng với hai người có nhiệm vụ hướng dẫn chiếc ghe ra cửa biển Vũng Tàu; ra khỏi khu vực gọi là “đèn trắng”. Hai người này không ngờ tôi cũng đi đêm nay nên hai người cố gắng thuyết phục tôi ở lại để “đánh” thêm vài chuyến nữa rồi hãy đi nhưng, chí tôi đã quyết nên tôi cũng cố gắng thuyết phục hai người cùng đi. Nhưng, cuối cùng hai người đã nhảy xuống con sông lớn trên đường dẫn ra biển để bơi vào bờ khi tôi sơ ý nhìn đi nơi khác. Bốn con mắt nhìn tôi đầy giận dữ và căm thù khi cái đèn pha trong tay anh Thiếu tá Hải-Quân Phan-Chánh-Cương chiếu ngay mặt hai người. Tôi cũng sẽ không bao giờ có thể quên được bốn ánh mắt đó khi tôi còn hiện diện trong cuộc đời này.

Anh Phan-Chánh-Cương đã cố gắng lèo lái chiếc ghe ra đi nhưng anh không quen con đường này nên vào khoảng hơn bốn giờ sáng thì chiếc ghe bị mắc cạn. Chúng tôi đã cố gắng chống sào để ra khỏi vùng bị nạn nhưng vô ích. Chiếc ghe dài mười ba thước vẫn nằm yên không nhúc nhích. Mệt mỏi, chán nản và lo sợ, nên tôi đã tiêu hủy hết những chứng từ có liên quan đến chiếc ghe và đến những người có liên hệ với tôi. Khoảng gần năm giờ sáng chúng tôi đã cố gắng thử thời vận một lần chót theo đề nghị của chú Gao - chú em lái ghe nhỏ đưa khách ra ghe lớn - bằng cách chạy qua chạy lại bề ngang của chiếc ghe. Đức-Chúa Giêsu. Đức-Mẹ Maria. Đức-Phật Quán-Thế-Âm Bồ-Tát từ bi đã cứu chúng tôi! Chiếc ghe đã chòng chành chuyển động mỗi lúc mỗi nhiều hơn nên tôi đề nghị với anh Cương:

- Anh cho máy nổ và thử chạy lùi để chuyển qua hướng khác được không anh Cương?

Anh Cương đã làm theo lời đề nghị của tôi và chiếc ghe đã chạy thoát vùng mắc cạn.

Lúc này trời đã quá sáng tỏ để chúng tôi thấy từ phía trong bờ có hai chiếc tàu nhỏ chạy về hướng chúng tôi và... những người đứng trước mũi của hai chiếc tàu đó đang phất cờ và bắn vài phát súng chỉ thiên.

Anh Phan-Chánh-Cương nói:

- Họ ra lệnh cho mình phải ngừng lại, nếu không họ sẽ bắn thẳng vào ghe.

Tôi nói với anh Cương:

- Anh cứ cho máy chạy hết tốc lực đi và nếu phải chết thì chúng ta cùng chết chứ không thể để bị bắt lại.

Một lần nữa anh Cương lại làm theo đề nghị. Chiếc ghe ngóc cao mũi và phóng thẳng về phía trước với vận tốc tối đa của nó.Tôi đứng dang hai tay gác trên cái mái chỗ làm phòng lái và nhìn về phía trước. Tôi hít một hơi thật dài cho không khí vào đầy hai cái lá phổi. Đã bao năm tháng qua, đây là lần đầu tiên tôi thật sự được hít thở không khí của tự do!

Có một anh thanh niên lạ đến đứng bên cạnh tôi, anh nhìn biển một lúc rồi quay nhìn tôi và nói:

- Biển yên quá, hy vọng họ sẽ không đuổi theo kịp được mình.

Tôi nhìn anh và đề nghị:

- Anh hãy giúp chúng tôi nói với mọi người dưới hầm ghe là ai nằm ở đâu thì nằm yên ở đó chứ đừng có lên trên này nguy hiểm lắm.

Khi anh chàng thanh niên vừa quay lưng đi và chui xuống hầm ghe thì tôi cũng vừa chợt nhận ra lời đề nghị của tôi quá thừa thãi. Những người nằm dưới lòng ghe, phần thì mệt vì thiếu ngủ, phần thì say sóng vì ghe chạy quá nhanh nên mọi người vẫn nằm yên tại chỗ... như chết.

Khoảng một giờ trưa thì chúng tôi không còn thấy hai chiếc ghe của biên phòng rượt đuổi theo nữa. Chúng tôi bị rượt đuổi hơn năm tiếng đồng hồ. Anh Phan-Chánh-Cương cũng vẫn đang cho chiếc ghe chạy với vận tốc tối đa để tránh những chiếc ghe đánh cá quốc doanh đang lởn vởn chung quanh.

Gần bảy giờ tối. Lúc này màn đêm đã phủ chụp lên vạn vật nhưng chiếc ghe thì vẫn lao thẳng về phía trước. Và, bất ngờ cái máy ghe bỗng “ho” lên khục khặc vài tiếng rồi không chịu chuyển động nữa. Tôi phải cầm lái tạm để anh Cương và người phụ thợ máy cố gắng mò mẫm trong ánh sáng yếu ớt để sửa chữa cho máy nổ lại. 

Trong lúc mọi người đang hồi hộp thì bỗng tôi nhìn thấy ngọn sóng biển đột ngột dâng lên thật cao và đồng thời gió thét ầm vang cả một vùng biển rộng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy sóng biển cao như vậy. Ngọn sóng đã đưa chiếc ghe lên cao - lên thật cao - rồi thình lình hạ thật thấp xuống làm đáy của chiếc ghe va chạm vào mặt nước biển và phát ra cái âm thanh thật hãi hùng mà tôi tưởng chừng như chỉ trong một vài lần va chạm như vậy nữa là chiếc ghe sẽ bị bể tan ra từng mảnh nhỏ rồi chìm xuống đại dương. Những ngọn sóng tiếp nối nhau như muốn phủ chụp lên chiếc ghe của chúng tôi làm cho tôi phải nhắm mắt lại và đồng thời tôi nghĩ: Không ngờ cuộc đời tôi lại chấm dứt như thế này, ở đây, giữa biển khơi. Lúc này không phải chỉ có riêng một mình tôi mà tất cả mọi người trong ghe không còn một ai dám nhìn những ngọn sóng nữa… ngoài anh cựu Thiếu tá Phan-Chánh-Cương vì anh đang phải cầm lái. Tôi nằm co rút người lại trong phòng lái, bên cạnh anh Cương và cầu nguyện. Tôi không còn can đảm nữa khi nghĩ chỉ trong giây lát nữa đây thôi là tất cả mọi người, và tôi, sẽ bị những ngọn sóng dữ kia nhận chìm xuống đáy biển.

- Anh Ba dậy cầm lái cho tôi một lúc. Tôi mệt quá rồi. Tôi không thể chịu nỗi nữa rồi.

Anh Cương vừa nói vừa lay tôi dậy. Tôi đã thiếp đi lúc nào không biết. Tôi đã ngủ được một giấc.

- Bây giờ là mấy giờ vậy anh Cương?

- Hơn mười hai giờ đêm.

- Tôi phải giữ lái như thế nào?

- Anh cứ giữ như tôi đang để. Bão vẫn còn mà máy thì đã chết nên cũng không thể làm gì hơn được nữa.

Tôi ngồi dậy và cầm lái. Nếu có ai hỏi tôi trong đời tôi lúc nào là lúc mà tôi thấy kinh hoàng nhất, thì có lẽ là lúc này đây. Tôi đã hơn một lần chạy trong vùng lửa đạn chiến tranh nhưng tôi không kinh hoàng. Tôi đã một lần bị một tên Việt Cộng kề súng vào đầu tôi hăm dọa bắn khi tôi định nhảy khỏi toa xe lửa trong một lần đi buôn vì chính sách đại sai lầm ngăn sông cấm chợ của tên Tổng Bí Thư Lê Duẫn. Dù quá sợ nhưng tôi vẫn nhảy và chẳng may tôi bị an ninh tóm cổ khi chạy vào ngõ cụt… tôi cũng chưa kinh sợ nhiều. Nhưng, đêm nay với những ngọn sóng quá xá cao, ngọn sóng đã đưa chiếc ghe lên thật cao rồi hạ thật nhanh và thật mạnh xuống làm đáy ghe đập thật mạnh xuống mặt nước biển mà mỗi lần như vậy trái tim tôi, ngực tôi, như bị tay lực sĩ nào đó đấm thật mạnh vào làm tôi cứ bị đau nhói lên. Tôi đã quá kinh hoàng và sợ hãi nên tôi gọi anh bạn thanh niên đã nói chuyện hồi sáng với tôi lúc bị rượt đuổi lại ngồi với tôi. Có hai người nên tôi bớt sợ phần nào. Chúng tôi hút thuốc thật nhiều vì gió lạnh, và, dĩ nhiên cũng vì quá sợ hãi!

Mọi chuyện rồi cũng qua! Sóng biển đã không còn những cơn giận dữ nữa. Ánh mặt trời cũng đã bắt đầu ló lên ở phía bên trái của chiếc ghe. Anh Cương đã thức dậy. Anh nhìn vào hải bàn và tỏ ý hài lòng với tọa độ mà anh đã tính. Anh nói:

- Với vận tốc và thời gian mà chiếc ghe đã chạy trước khi bị chết máy, tôi bảo đảm với anh Ba Hùng là chúng ta đã qua khỏi đảo Côn Sơn rồi.

Tôi quay qua nói với người thanh niên đã ngồi bên cạnh tôi suốt đêm:

- Anh đi gom lại những túi thức ăn và những cây mía xem mình còn lại bao nhiêu.

Một lát sau anh thanh niên đem lại vài bao túi xách nhỏ và cho biết:

- Khi bị rượt, các túi thức ăn đã rớt xuống biển nhiều, còn lại đây chẳng có bao nhiêu.

Tôi lấy trong những cái túi thức ăn đó ra ba cái bánh chưng nhỏ. Một cho anh Cương, một cho anh thanh niên, và một cho tôi. Chúng tôi pha café và cùng ăn uống với nhau.

Khi mặt trời đã lên khá cao, tôi chui xuống lòng ghe để kêu người thợ máy dậy sửa máy. Người thợ máy không thể nào nhúc nhích được nữa vì anh ta quá say sóng và ói rất nhiều. Anh ta chỉ có thể hé mở được một con mắt thôi. Vâng, đúng là anh ta chỉ hé mở được có một con mắt thôi, và, anh thều thào trong cổ họng yêu cầu chúng tôi khiêng anh đến bên cái máy. Đến bên cái máy rồi anh ta cũng không thể cử động tay chân nỗi nữa. Anh nằm đó nhắm hai con mắt lại và chỉ dẫn người phụ máy cùng hai anh em chúng tôi phải làm những gì theo lời anh. Sau khi chúng tôi đã làm tất cả mọi động tác theo lời anh, và, sau khi đã thử cho máy nổ rất nhiều lần, nhưng vô hiệu. Cuối cùng anh thợ máy nói:

- Cái “rờ-le” đã bị cháy vì bị quần áo cuốn vào cây láp làm tung nước vào đó. Em đã quên mang theo cái “rờ-le sơ cua” nên không còn cách nào khác nữa!

Tôi nhìn anh Cương. Anh Cương nhìn tôi. Chúng tôi không nói gì với nhau. Anh Cương chui ra khỏi hầm máy. Tôi cũng chui ra theo anh. Ngay lúc đó tôi nghe tiếng một người đàn ông trong lòng ghe la khóc rất lớn:

- Bố đã giết con rồi con ơi! Giời ơi là giời! Tôi giết con tôi rồi!

Tôi chui lại vào trong lòng ghe với sự bực tức và nói thật lớn với người đàn ông đang khóc:

- Anh kia! Anh không được làm mọi người hoang mang và lo sợ nghe không! Tại sao anh phải khóc? Nếu chết thì tất cả cùng chết chứ có riêng gì gia đình anh đâu. Anh làm gì trước đây?

 Người đàn ông nhìn tôi thoáng chút ngạc nhiên nhưng rồi ông cũng trả lời:

- Dạ... trước đây tôi là Trung úy thông dịch viên mới đi cải tạo về.

- Thôi... anh đừng làm ồn nữa. Kể từ hôm nay anh lãnh nhiệm vụ phát nước cho mọi người.

Còn anh kia! Tôi chỉ tay về phía một người đàn ông trung niên và khá to con.

- Trước kia anh làm gì? 

- Tôi là Đại úy bộ binh cũng mới đi cải tạo về.

- Từ nay nhiệm vụ của anh là... phát cơm cho mọi người nghe.

Phân công xong tôi chui ra khỏi lòng ghe. Tôi đến bên anh Cương. Anh Cương đang cầm trong tay  những món đồ nghề đi biển, anh nói:

- Với sức trôi của chiếc ghe mà tôi đã đo được thì khoảng... mười ngày nữa là ghe mình sẽ trôi vào đất Thái Lan.

Mười ngày nữa ? Trời đất! Mười ngày nữa thì làm sao có đủ thức ăn và nước uống cho chừng này người? Mà chiếc ghe này có bao nhiêu người ? Tôi nghĩ vậy và nhìn quanh để tìm người phụ giúp. Hướng trước mặt tôi có một người đàn ông có dáng vẻ rất quê mùa và rất đáng nghi ngờ. Tôi ngoắc anh ta lại và hỏi:

- Anh làm gì trước đây ở...Việt-Nam?

Thật bất ngờ khi nghe anh nói:

- Tôi là Trung úy An-Ninh Quân-Đội.

- Anh có giấy tờ gì đem theo không?

- Dạ có!

Anh lấy từ trong bóp ra một tờ giấy mà anh đã cẩn thật để vào trong mấy lớp nylon và đưa cho tôi xem. Tôi cầm và đưa qua cho anh Cương. Anh Cương nhìn vào một lúc nhưng không nói gì mà chỉ gật đầu như xác nhận. Tôi nói với anh Trung úy An-Ninh quân đội:

- Từ nay anh giữ trật tự trên ghe này. Bây giờ anh đi kiểm cho tôi xem trên ghe mình có tất cả bao nhiêu người nhé.

Khi ghi lại ký ức về chuyến đi này tôi đã giận tôi vô cùng. Tôi giận tôi vì đã quên hẵn tên ba người cựu sĩ quan của quân lực Việt-Nam Cộng-Hoà đó. Những người đã cùng tôi đi trên chiếc ghe mang số SS 1050 IA trôi dạt đến bờ biển Mã Lai ngày 03/02/1981. Trong tận cùng trái tim tôi, tôi vẫn luôn nhớ về các anh, những người đã góp sức để giữ cho chiếc ghe không bị hỗn loạn cho tới ngày đến được bến bờ tự do.

Ngày đầu tiên xem như chúng tôi đã tạm sắp xếp xong mọi trật tự trên ghe. Tôi đã dọa là tôi sẽ quăng xuống biển những ai làm mất trật tự. Ngày đầu tiên tôi cho phát nước một ngày hai lần. Một lần mỗi người hai nắp “bidon” của quân đội Việt-Nam Cộng-Hoà. Không ai được hơn quy định đó, kể cả anh Cương và tôi. Tôi cho gom các bao khoai lang lại và chia ra làm mười phần, cho mười ngày, mỗi ngày ăn một lần. Anh Trung úy an ninh quân đội cho tôi biết đã đếm đi đếm lại rất nhiều lần và con số chính xác là một trăm mười ba (113)  người hiện diện trên ghe.

* * *
Đến hôm nay thì chiếc ghe của chúng tôi đã trôi được bảy ngày rồi. Nồi khoai lang bây giờ khi nấu lên nó có một màu đen và... kinh khủng quá! Vào ngày thứ năm tôi đã cho rút phần phát nước xuống mỗi ngày một lần, mỗi lần mỗi người cũng chỉ được một nắp “bidon” thôi. Chúng tôi đã tháo tấm bạt che trên mui ghe ra làm buồm. Có một điều thật không thể hiểu được là từ khi “giương buồm” lên thì chiếc ghe tự động quay đầu và trôi theo tư thế lùi. Hễ tháo “ buồm” ra thì chiếc ghe trôi theo tư thế thuận. Cuối cùng thì anh Cương cũng quyết định là “giương buồm” vì dù sao chiếc ghe cũng trôi nhanh và theo hướng mong muốn, tuy phải trôi theo thế lùi.

Trưa ngày trôi thứ bảy.

 Anh Phan-Chánh-Cương bỗng tươi tỉnh nét mặt khi anh nhìn vào ống dòm và báo là có một chiếc tàu đang chạy về hướng chúng tôi. Sau một lúc, anh nói lớn như muốn cho mọi người cùng nghe:

- Có chiếc tàu đang chạy về hướng chúng ta và có lẽ là chiếc tàu thuộc toán cấp cứu của Tây Đức.

Khi chiếc tàu đến cách chiếc ghe của chúng tôi một khoảng cách đủ để chúng tôi nhìn thấy những người trên chiếc tàu đó là những người có nước da ngâm đen và... quấn xà rông. Anh Cương không còn nét mặt “hồ hởi phấn khởi” như lúc ban đầu nữa nhưng anh cũng không nói gì. Người thuyền trưởng bên chiếc tàu đó muốn nói chuyện với thuyền trưởng của chiếc ghe chúng tôi. Anh Cương với cương vị đó nên anh đã qua bên chiếc tàu gặp tên thuyền trưởng. Một lúc sau anh Cương trở về và cho biết là người thuyền trưởng bên chiếc tàu muốn cứu chúng tôi để chở vào bờ. Họ yêu cầu mang tất cả hành lý qua tàu của họ.

Tất cả mọi người đã qua hết bên chiếc tàu “cấp cứu” và được đối xử rất tử tế như cho thức ăn và nước uống. Đang khi mọi người còn vui vẻ vì tin rằng đã được cứu thì một tên trong bọn họ bắn chỉ thiên một phát súng và yêu cầu tất cả theo hàng một đi vòng chiếc tàu từ đầu ra cuối rồi vòng về chỗ cũ. Một trăm mười hai người – Anh Cương được miễn – đi vòng từ đầu mũi tàu ra đến phía sau tàu là có một bọn năm tên đã đứng sẵn ở đó để khám xét và lột sạch những gì mà bọn chúng nghĩ là đáng giá. Khi đã lột sạch những gì mà bọn chúng lột được, bọn chúng ra lệnh cho những con người khốn khổ chúng tôi trở về lại chiếc ghe và bố thí nửa thùng phuy nước, một bao gạo và khá nhiều cá rồi sau đó chiếc tàu “cấp cứu” lại thẳng hướng tiếp ra khơi.

Nhiều người trong chúng tôi đã chửi thề và nguyền rủa bọn cướp biển là tàn ác… nhưng tất cả cũng rất vui vì đã được một bữa cơm rất ngon, đúng nghĩa là cơm!

Ba anh cựu sĩ quan có nhiệm vụ trên ghe đã hăng hái làm tròn nhiệm vụ! Sau một tuần không có cái gọi là cơm, chiều nay tất cả chúng tôi đã tận hưởng được một bữa cơm ngon nhất trong đời!

Trưa ngày trôi thứ tám.

Từ xa xuất hiện hai chiếc tàu với nhiều lá cờ đủ màu sắc đang tiến về chiếc ghe của chúng tôi. Khi hai chiếc tàu đến gần chúng tôi nhận biết ngay đây cũng là bọn cướp người Thái Lan. Bọn cướp rất đông vì chúng đến một lúc hai chiếc tàu và đứa nào mặt mũi nhìn cũng rất dữ tợn. Bọn chúng với mã tấu và súng ngắn đã tràn qua ghe của chúng tôi và bắt đầu cướp phá. Bọn cướp tháo gỡ những bộ phận của chiếc máy ghe và mang qua tàu của bọn chúng. Bọn chúng bắt tất cả đàn bà con gái qua tàu của bọn chúng và phát cho mỗi người một cục xà bông rồi bắt thoát y đứng tắm trần truồng trên sàn tàu. Ai không chịu tắm là chúng đá vào người.

Sau khi những người đàn bà khốn khổ kia tắm xong, lập tức bọn cướp cùng chia nhau hãm hiếp ngay tại sàn tàu. Một trong hai tên thuyền trưởng đã “may mắn” dẫn một cô gái thật đẹp người Huế vào phòng riêng. (Sau này tôi được biết cô gái Huế đã tốt nghiệp đại học môn Anh văn và chưa lập gia đình. Khi lên trại tỵ nạn, cô gái Huế phụ trách dạy môn Anh văn).

Đến nửa khuya bọn cướp biển thả những người đàn bà khốn khổ về lại chiếc ghe sau khi cho mỗi người một hộp sữa.

Cũng như chiếc tàu trước, hai chiếc tàu này cũng cho ghe chúng tôi gạo, nước, cá tươi và cá khô.

Từ khi được thả trở về lại chiếc ghe cho đến sáng, những người đàn ông chúng tôi phải bị nghe những âm thanh rên la thật buồn não của những người đàn bà xấu số. Không chỉ những người đàn bà khóc mà có cả tiếng đàn ông khóc nữa. Trên ghe có khoảng bốn chục người đàn bà, cộng thêm khoảng gần bốn chục tiếng khóc của những người đàn ông kèm theo nên âm thanh đó rùng rợn và buồn thảm vô cùng giữa biển khơi im lắng.

Ngày trôi thứ chín.

Sáng hôm nay anh Cương và tôi rất ngại nhìn cũng như nói chuyện với những người đàn bà. Hầu hết những người đàn bà đã lên mui ghe ngồi... phơi nắng. Một số người đã tỏ ra như có kinh nghiệm nên họ đã bôi dầu máy tàu lên mặt và khắp người. Nhìn những người đàn bà lúc này thật buồn cười mà tôi không dám cười. Chú Gao, tên của chú em ở xã Phước-Hòa thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm nghề đưa khách vượt biên từ ghe taxi ra ghe lớn, và cũng là người đã đề nghị chạy qua chạy lại sàn ghe hôm bị mắc cạn, đến bên tôi và kể lể với gương mặt như khóc:

- Anh Ba Hùng biết hôn, em thương con bồ của em lắm, em hỏi cưới nó thì ông già nó nói nó mới  mười bảy tuổi đợi sang năm đủ mười tám thì cho cưới. Em thương nó quá nên rủ nó đi vượt biên luôn. Đụ mẹ không ngờ mấy thằng Thái Lan nó hưởng trước em. Đụ mẹ tụi nó chứ!

Sáng sớm ngày trôi thứ mười.

Anh Cương bây giờ không còn ống dòm để nhìn xa nữa. Tất cả đồ nghề dùng đi biển đã bị cướp. Anh lại gần tôi và chỉ tay về phía bên phải. Nhìn theo cánh tay anh, từ xa có ba chiếc tàu đang chạy đến. Khi ba chiếc tàu đến gần hơn tôi thấy những chiếc này cũng có treo nhiều lá cờ đủ màu sắc như những chiếc trước. Ba chiếc tàu cặp gần hai bên hông chiếc ghe của chúng tôi. Bọn chúng kêu anh Cương qua tàu của bọn chúng nói chuyện và hỏi có vũ khí, tiền bạc, để trả cho bọn chúng thì bọn chúng sẽ kéo vào bờ. Anh Cương trình bày hiện trạng của chiếc ghe vượt biển vừa dứt lời thì lập tức bọn chúng rú lên như khỉ giả nhân rồi tràn qua ghe của chúng tôi. Một màn cướp phá khốc liệt diễn ra. Lần này bọn cướp đến với ba chiếc tàu nên sự cướp phá dĩ nhiên là tàn bạo hơn. Có những tên cướp đã hãm hiếp những người đàn bà ngay trong lòng ghe. Một số phụ nữ thì bị dẫn về tàu của bọn chúng. Bọn chúng vừa lôi kéo phụ nữ vừa nhảy vừa hú cứ y như những con khỉ đột.Tôi nhìn thấy chú Gao đang ôm cô bạn gái đã bất tỉnh vì quá sợ hãi. Thân hình cô bạn gái của chú Gao quá nhỏ, nhỏ như đứa bé con và hơn nữa đã được bôi khắp thân thể dầu mỡ của máy ghe nên những tên cướp đã... tha.

Buổi chiều cùng ngày, bọn cướp thả những người đàn bà về lại ghe và cũng cho thức ăn và nước uống.

Ngày trôi thứ mười một.

Khoảng giữa buổi trưa có một anh thanh niên thật trẻ đến bên tôi và hỏi:

- Anh Ba Hùng ơi, anh có đọc truyện người tù khổ sai Papillon chưa?

Quyển sách rất nổi tiếng của tác giả Henry Charriere tôi đã đọc qua rất nhiều lần.Tôi chưa hiểu anh chàng này muốn gì thì anh ta đã tiếp:

- Papillon đã vượt ngục trong điều kiện hết sức khó khăn và rồi đã thành công. Ở trên ghe này có nhiều những can nhựa trống, em xin anh cấp cho em những can không đó và ít nước uống để em thả trôi vô bờ trước. Em sẽ thông báo cho Cao ủy biết để Cao ủy cho người ra cứu.

Đề nghị quá táo bạo và… hấp dẫn! Tôi bàn qua với anh Cương và mọi người trên ghe. Tất cả đều đồng ý và sau đó tôi quyên góp được nửa “bình ton” chanh và đường. Tôi cấp cho anh chàng “Papillon” hai “bình ton” nước, cột mười can nhựa lớn lại với nhau và đặt lên trên đó một miếng ván. Anh Cương viết một lá thư tiếng Anh và bỏ vào một cái chai đậy nắp lại thật kín, cột vào cánh tay anh “Papillon”. Khi chiếc bè làm gần xong thì có một anh chàng khác đến xin tháp tùng theo anh “Papillon” và anh “Papillon” xin tôi cho hai người cùng đi chung cho vui. Tôi đồng ý.

Khi chiếc bè được thả xuống với hai anh chàng bên trên thì nước ngập ngang lưng quần của hai anh nhưng hai anh đã yêu cầu tháo giây cột giữa chiếc bè với chiếc ghe để hai anh ra đi. Khi giây đã được tháo ra khỏi chiếc ghe thì rõ ràng chiếc ghe tuy lớn, nhưng đã trôi qua mặt chiếc bè. Chiếc bè có lẽ đang đứng một chỗ chứ không trôi vì chiếc ghe đã trôi qua mặt chiếc bè rất nhanh. Chúng tôi đã hỏi lại là có thay đổi ý kiến gì không thì hai cánh tay của hai anh chàng đưa lên cao vẫy vẫy ra dấu từ giã chúng tôi.

Khi chiếc bè được thả xuống với hai người bạn trẻ bên trên thì lúc đó trời còn sáng lắm vì đang là buổi trưa. Khi hai cánh tay của hai người bạn trẻ ra dấu từ giã chúng tôi thì khoảng năm phút sau  – Tôi nghĩ không quá năm phút – trời bắt đầu âm u và giông tố nổi lên ầm ầm báo trước một cơn bão sẽ đến. Lúc này thì không còn cách nào nhìn thấy hai người bạn trẻ đó nữa rồi. Cơn bão đã kéo đến thật nhanh, rồi sóng to gió lớn nổi lên cuồn cuộn y như ngày đầu ra đi. Tôi không còn can đảm để nhìn những ngọn sóng tàn bạo đó nữa. Tôi nhắm mắt lại vì sợ hãi và rồi một giấc ngủ đã đến với tôi. Giấc ngủ với những cơn ác mộng kinh hoàng!

Ngày trôi thứ mười hai.

Sáng nay không ai nói với ai về chuyện hai người bạn trẻ của ngày hôm qua. Mọi người đều hiểu rằng hai người bạn trẻ đã không qua được cơn bão quá lớn như ngày đầu ra khơi. Phải chăng hai người bạn trẻ đó đã hy sinh cho mọi người được sống? Có ai đó đã nêu ra con số một trăm mười ba người trên ghe là con số không may mắn. Những người theo đạo Phật thì đang xầm xì về những cái gọi là hiện tượng. Tôi làm dấu thánh giá và đọc kinh cầu cho linh hồn hai người bạn trẻ đó. Tôi tin một cách xác quyết là Đức Mẹ sẽ giúp chiếc ghe đến bến bờ bình an, mặc dù có nhiều khó khăn. Theo lẽ thì tôi đã đi trong chiếc ghe của tôi chứ không phải là chiếc ghe này. Trước đó, tôi thường đến cầu nguyện ở nhà thờ Fatima Bình-Triệu. Trong lời cầu xin tôi có khấn:

“Nếu Đức Mẹ thấy việc con ra đi sẽ có những trắc trở thì xin Đức Mẹ hãy làm những trở ngại xảy ra trước để con không phải đi.”

Trước ngày dự tính ra đi trên chiếc ghe của tôi, tôi đã cho kéo chiếc ghe đó lên ụ và cho bọc nhôm xung quanh lườn ghe. Tôi trang bị một chiếc máy mới và thật mạnh. Đến hôm ra đi, khi mọi người vào hết trong lòng ghe thì có người lên tiếng là trong ghe có nhiều nước. Tôi cho thợ máy nổ máy để bơm nước ra. Thật không thể ngờ được, một cái máy thật mới có thể nói là hoàn hảo nhất và vừa ý nhất trong các máy, thế mà đêm ấy không làm sao cho nó chuyển động được. Trời bắt đầu sáng tỏ dần và tôi phải ém người lên bãi vắng thôi. Khi mọi người đã tản mác lên các bãi vắng thì cái máy lúc này bỗng dưng chịu nổ. Tôi cho người tài công lái chiếc ghe ra biển để tìm chỗ rỉ nước và sửa chữa. Trưa hôm đó, từ Sàigòn, tôi bàng hoàng nhận được tin là chiếc ghe của tôi đã bị chìm ở ngoài khơi vì cái lỗ rỉ nước bị nước phá càng lúc càng lớn hơn và không thể nào trám lại được.

Ngày trôi thứ mười ba.

Đã hai ngày trôi qua tạm coi như bình yên vì không bị một vụ cướp nào. Chiếc ghe vẫn trôi theo thế lùi như lúc ban đầu. Nhiều người đã lên trên sàn ghe nằm hoặc bơi lội xung quanh chiếc ghe. Có người thanh niên đến bên tôi thủ thỉ:

- Có mấy chiếc ghe ở ngoài xa kia, mình hãy nổi lửa lên để gọi họ lại... cướp đi anh Hùng.

Tôi nhìn người vừa nói và phản đối:

- Anh điên sao? Anh không sợ cho mấy người đàn bà à?

Lúc đó có mấy chị đang nằm trên sàn ghe vội lên tiếng:

- Kệ nó anh Hùng à! Cứ đốt lửa lên kêu tụi nó lại cướp rồi tụi nó sẽ cho mình gạo, nước và cá. Mình cũng không còn nhiều thức ăn. 

- Các chị không sợ… bị à?

- Còn gì nữa mà sợ anh Hùng! Nó... xong rồi thì mình sẽ có ăn để cầm cự chứ!

Tôi quay mặt nhìn về hướng các chiếc ghe đang ở ngoài xa và thầm nghĩ: “Nếu sau này mà mọi người đến được bến bờ tự do là nhờ ở sự hy sinh của các người đàn bà này.” Tôi đồng ý cho đốt lửa trong cái thùng phuy. Cái thùng này giờ đây có hai công dụng. Một, để nổi lửa lên cầu cứu các tàu lớn của Tây phương và tàu cướp. Hai, dùng để chứa nước nếu tàu cướp cho.

Lửa vừa lên thì có một chiếc tàu từ xa chuyển hướng chạy về phía chúng tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những điều kinh khủng sắp xảy đến với chúng tôi. Các người đàn bà thì đã lấy dầu mỡ bôi khắp thân mình và mặt mũi.

Cảnh cướp phá và hãm hiếp lại diễn ra khi chiếc tàu đánh cá của bọn cướp Thái Lan cặp sát vào chiếc ghe đi tìm tự do của chúng tôi. Lần cướp này thì người bạn gái của chú Gao không thoát được nữa. Bọn cướp quá hung bạo! Có lẽ vì bọn chúng, sau khi lục soát đã không cướp được gì nên tỏ ra giận dữ. Bọn chúng cởi trần truồng chạy nhảy trên chiếc ghe như những người đang lên cơn điên. Gặp người đàn bà nào là chúng hiếp ngay tại chỗ, bọn chúng không có một chút gì là e thẹn. Tiếng khóc la vang inh ỏi, tiếng đánh đập người để tra khảo của, rồi tiếng van lạy bọn cướp khi bọn chúng đập phá ghe cùng hoà chung với tiếng cười và tiếng la tiếng hét của bọn cướp tạo thành một thứ âm thanh hoảng loạn mà tôi chưa bao giờ được nghe qua, chưa bao giờ được chứng kiến cảnh tượng hãi hùng này.

Mọi chuyện rồi cũng lại qua! Ngày hôm đó anh Phan Chánh Cương và tôi không còn thiết gì đến cơm và cá nữa. Tàn nhẫn quá! Vô nhân đạo quá! Không thể tưởng tượng nỗi lại có ngày được chứng kiến cái cảnh dã man tàn bạo này! Ba lần cướp trước đây bọn cướp tỏ ra rất tôn trọng anh Cương trong vai thuyền trưởng, nhưng, lần này thì bọn cướp đã đánh anh Cương và nhiều người đàn ông để khai thác của. Dĩ nhiên tôi cũng bị bọn chúng đấm đá tơi bời hoa lá. Khi bọn cướp đang hành động thì có một anh chàng kêu tên một người bạn là Nam, lập tức tên Thái Lan thuyền trưởng kê súng vào đầu anh ta và hỏi : “Mày biết tiếng Thái Lan?” Dĩ nhiên tên thuyền trưởng hỏi bằng tiếng Thái. Anh chàng nọ ú ớ, anh Cương phải thông dịch cho tên thuyền trưởng hiểu. Tên thuyền trưởng Thái Lan nói với anh Cương là hắn tưởng anh chàng nọ xin nước. Như vậy tiếng Thái Lan, nước gọi là nam! (Đúng 100%)

Ngày trôi thứ mười bốn.

“Lại một chiếc tàu cướp đến!” Anh Cương chán nản nói với tôi. Bây giờ là vào khoảng giữa trưa.

Khi chiếc tàu Thái Lan xáp đến, tên thuyền trưởng người Thái sau khi nói chuyện với anh Cương, hắn đã cho nhốt tất cả một trăm mười người – Anh Cương được miễn – xuống hầm cá. Sau này anh Cương nói lại với tôi là khi mọi người bị nhốt xuống hầm cá thì bọn cướp đã qua ghe lục soát rất kỹ. Lục soát xong, chúng kêu từng người một lên và khám xét kỹ. May mắn quá ! Bọn này không hãm hiếp một người phụ nữ nào. Ai bị khám xong thì được trở về lại ghe. Trước khi bỏ đi, bọn này cũng cấp cho ghe chúng tôi gạo, cá và. . . nam!

Chiều đến thì anh cựu trung úy an ninh quân đội cho tôi biết là trên ghe mất một người. Chúng tôi yêu cầu tất cả đàn ông lên sàn ghe để kiểm người. Lúc đó thì có một bà xẩm già lên tiếng:

- Thằng con tôi nó giấu trong mình nó ba cây và trốn ở lại trong hầm cá của chiếc tàu hồi trưa rồi.

 Tôi hỏi bà xẩm già:

- Tại sao con bà trốn lại trong hầm cá?

- Với ba cây mà nó giấu trong mình, nó sẽ đưa cho tàu đó để được đưa vào bờ.

Khoảng thời gian ba tháng trên đảo, ngày tôi đi định cư, Cao Ủy tị nạn vẫn chưa có tin tức gì về người con của bà xẩm già.

Ngày trôi thứ mười lăm.

Từ sáng sớm, một vài người thanh niên đã tự động nổi lửa khi nhìn thấy từ xa một chiếc tàu đang kéo lưới. Khi chiếc tàu đến gần thì những người thanh niên đến đánh thức anh Cương và tôi dậy. Chiếc tàu đang kéo lưới đã quăng dây qua cho chúng tôi để chúng tôi cột chặt vào ghe. Chiếc tàu chạy trước kéo lưới và kéo theo chiếc ghe của chúng tôi. Ông thuyền trưởng của chiếc tàu có lẽ là người Trung Hoa. Ông cũng quấn xà rông. Ông đứng khoanh tay nhìn chúng tôi một lúc rồi ra dấu cho hai người bơi qua tàu của ông. Ông dẫn hai người đó vào nhà bếp và chỉ cho hai người chỗ nấu cơm để nấu cho tất cả người trên ghe của chúng tôi ăn. Ông cũng cho kêu thêm hai người nữa qua tàu ông để chuyền nước về ghe đồng thời ông cũng liệng qua ghe những lon thuốc lá thơm. Hơn mười ngày không được hút, chúng tôi đã “rít” những hơi thuốc cho thật đầy lồng phổi. Có vài người đã... nằm thẳng cẳng vì quá say thuốc.

Khi những thùng cơm và cá đã được chuyển qua ghe của chúng tôi. Ông thuyền trưởng tốt bụng vẫy tay ra dấu từ giã chúng tôi rồi cắt dây và cho tàu chạy thẳng ra khơi.

Chiều cùng ngày hôm đó, một chiếc tàu cướp chạy về hướng chúng tôi. Lại cướp và hãm hiếp! Đến khuya thì bọn cướp bỏ đi sau khi cũng cho gạo, cá và... nam!

Ngày trôi thứ mười sáu.

Chiều hôm nay chúng tôi nhìn thấy từ xa có một lằn ngang dài thật nhỏ màu vàng. Chúng tôi với những con mắt không còn trong sáng, không còn tinh anh nữa nên không biết đó là cái lằn gì. Bao nhiêu sự suy đoán được đưa ra với nhiều hy vọng.

Đang nhìn về phía trước để bàn tán nên không một ai để ý có một chiếc tàu cướp từ phía sau đã đến gần ghe của chúng tôi. Những người trên chiếc tàu này cố làm ra vẻ hiền lành và thân thiện. Người thuyền trưởng của chiếc tàu đó nói với anh Cương là hắn chỉ cần có hai (2) lượng vàng thôi thì khi đêm xuống hắn sẽ kéo chiếc ghe của chúng tôi vào bờ. Ông ta cố làm ra vẻ thật thà khi nói với anh Cương:

- Khi vào đến bờ rồi thì nhớ đừng khai là tàu tôi kéo nhé, nếu tiết lộ thì tôi sẽ bị bắt đó.

Người Quốc Gia của chúng ta dù sao cũng là những con người lương thiện! Vì bản chất lương thiện nên mới bị gạt năm Mậu-Thân và sau đó là... một tháng học tập. Qua lời nói và thái độ quả quyết của anh Phan-Chánh-Cương, mọi người chỉ trong có mười phút đã gom góp đủ số vàng mà tên thuyền trưởng đòi hỏi. Sau khi anh Cương thông báo đã gom đủ số. Tên thuyền trưởng nói là cứ giữ ở đó để khi vào gần bờ thì giao cho hắn.

Năm giờ sáng ngày trôi thứ mười bảy.

Cô gái Huế tốt nghiệp đại học môn Anh văn là người từ đầu đã chiếm một chỗ nằm trước mũi ghe, nơi để thùng chứa nước nguyên thủy của chiếc ghe. Tại nơi đó, cô đã giấu được những món nữ trang mà bọn cướp không thể nào tìm ra được. Tin ở sự quả quyết của anh Cương, cô gái Huế đã đóng góp ba chỉ vàng. Sáng sớm hôm nay khi thấy chiếc tàu cướp quăng giây qua chiếc ghe, cô nhìn đồng hồ mà cô còn giữ được. Cô nghĩ: “Tại sao tụi này không kéo vào ban đêm như tụi nó lo sợ mà lại kéo vào lúc này? Hay là... ” Vừa khi cất giấu xong cái đồng hồ và những món nữ trang thì bọn người trên chiếc tàu cướp kia, lúc này không còn một chút gì là thân thiện nữa. Bọn chúng nhảy qua ghe của chúng tôi và bọn chúng bắt anh Cương đưa vàng rồi thẳng tay đánh đập tất cả mọi người để mong lấy thêm vàng. Bọn chúng đang cướp phá thì từ bên tàu của bọn chúng có một tên chạy ra nói gì đó và tất cả bọn cướp đang ở bên ghe của chúng tôi lập tức nhảy hết xuống biển lội qua tàu của bọn chúng và chạy mất.

A! Cái lằn màu vàng mà mọi người thấy hôm qua, bây giờ đã hiện ra rõ ràng hơn, đó là dãy cát của bờ biển.

Mười giờ sáng ngày trôi thứ mười bảy.

Dãy cát đã hiện ra rất rõ ràng. Anh Cương cho biết đây là bờ biển của Mã-Lai chứ không thể của Thái-Lan được. Thôi thì của nước nào cũng được miễn là đừng của Việt-Nam là vui rồi. Tất cả mọi người hầu như đã lên hết trên sàn ghe. Có những chiếc xuồng nhỏ của những người dân đi câu cá chạy ngang qua ghe của chúng tôi và còn vẫy tay chào rất là... thân thiện.

Mười một giờ ba mươi ngày trôi thứ mười bảy.

Từ trên trời cao có một chiếc trực thăng từ xa bay đến lượn hai vòng trên ghe của chúng tôi và rồi nó đáp xuống một trại binh nằm cạnh bờ biển cách đó không xa lắm.

Mười hai giờ ba mươi phút ngày trôi thứ mười bảy.

Đúng mười hai giờ ba mươi phút của ngày trôi thứ mười bảy, chiếc ghe của chúng tôi... bị mắc cạn trên bờ biển của Mã-Lai-Á. Tôi là người sau cùng lên bờ. Vì ảnh hưởng vật lý của những ngày trên ghe nên khi chạy được vài bước là tôi bị té nằm sóng soài trên bãi cát. Những người đàn ông lúc này cũng đã lên hết trên bãi cát. Một số đang lo cho những người phụ nữ vì họ không còn đủ sức để bước đi nữa. Họ nằm nửa người trên cát nửa người dưới nước. Nhìn những người đàn bà đó bây giờ trông chẳng khác gì những bộ xương cách trí mà ngày còn cắp sách đến trường học sinh nào cũng nhìn thấy và học qua. Họ tiều tụy quá sức. Nhiều người không còn sức để đứng lên và bước đi… Nhưng, chính những con người đáng thương đó đã hy sinh, đã chịu đựng tủi nhục để tất cả mọi người trên ghe có được miếng ăn để có sức sống cho đến ngày hôm nay.

*
Cuộc chiến ý thức hệ do miền Bắc chủ xướng với vũ khí của Nga Tàu đã ngưng từ lâu, nhưng, cuộc chiến vẫn chưa tàn. Thời gian trôi qua nhanh như mũi tên bay, vậy mà giờ đây trên quê hương Việt-Nam thân yêu vẫn còn cảnh đói nghèo và bất công. Người Việt-Nam vẫn phải tìm đủ mọi cách để rời bỏ xóm làng, rời bỏ ruộng đồng, rời xa nơi chôn nhau cắt rún... để tìm sự sống nơi xứ người. Nhưng, người Việt-Nam thì vẫn còn chia rẽ và hận thù mà chỉ khi nào cái đảng cộng sản man rợ trong nước không còn nữa thì người Việt Nam mới hết thù hận và hết chia rẽ!

Giờ đây một trăm lẻ chín người trên chiếc ghe mang bảng số SS 1505 IA hiện đang ở đâu trên khắp quả địa cầu này? Những ai còn và những ai đã ra đi vĩnh viễn?

Chúng ta rồi đây lần lượt cũng sẽ mất tất cả!

Mất gì ?

Chắc Chắn Một Điều, Chúng Ta Sẽ Không Bao Giờ Để Mất Quê Hương và, Mất Tình Người Việt Nam. /.


Topa (Hòa-Lan)

No comments:

Blog Archive