Sau Trận Mưa Rừng
Ban Mê Thuột (BMT) là một thị trấn nhỏ. Từ nhà tôi ra phố chính mất chừng năm phút; đi thêm mười phút nữa là hết khu phố chợ. Nhà hai thằng bạn thân nhất – thằng Kha và thằng Điền – trong khu Trần Hưng Đạo nằm dưới thung lũng về phía đông nam trung tâm thành phố và cách nhà tôi chừng một cây số, đường khô ráo đi bộ chừng mười phút.
Thằng Điền, trên giấy tờ cùng tuổi với tôi nhưng tuổi thật hơn tôi đến năm tuổi, đã là một thanh niên và biết nói bóng gió lẳng lơ chọc ghẹo cô giáo. Đối với bọn học sinh lớp dưới, nó hay lớn lối và dọa đánh, nhưng đối với tôi lại hiền hòa và mềm mỏng. Khi thấy tôi làm điều gì không vừa ý, nó vờ than thở,
“Thằng con này láo quá, láo đến thế là cùng!” rồi cười hề hề.
Tôi và thằng Kha hay đến nhà Hương Nhã chơi; nàng là học sinh giỏi nhất bên phái nữ. Hương Nhã không có anh em trai, tôi không có chị gái, và hai đứa thân thiết như hai chị em, thường chia sẻ những chuyện riêng tư không thố lộ với ai khác.
Cùng với ba người bạn thân này, tôi tham gia vào các “hoạt động hiệu đoàn,” tức là sinh hoạt ở trường ngoài giờ học, hầu hết do thầy Can dạy Anh văn đứng ra tổ chức và hướng dẫn. Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài gòn và được bổ dụng về dạy năm đầu tiên. Trước khi vào đại học thầy làm việc cho Đoàn Thanh niên Chí Nguyện Quốc tế (International Voluntary Service hay IVS), và khi về BMT thầy vẫn giao tiếp chặt chẽ với các nhân viên IVS hoạt động tại đây.
IVS là một cơ quan tư nhân quốc tế (nhiều quốc gia) tương ứng với Đoàn Hòa bình (Peace Corps) của chính phủ Hoa Kỳ không phục vụ tại Việt nam.
Ở lớp đệ nhị (lớp 11), năm nay là năm thứ hai tôi học Anh văn vì chỉ là Sinh ngữ II, tức là ngoại ngữ phụ. Tôi khổ công học hỏi và luyện tập nên nói và viết Anh ngữ khá lưu loát, và được thầy Can yêu mến, cảm phục, và đề cử dạy Việt ngữ cho nhân viên IVS khi cơ quan này cần người. Thầy nói với học sinh các lớp khác,
“Không biết Ba Hoa học Anh văn thế nào mà bây giờ giỏi gần bằng tôi.”
Niên khóa 1963-64, sinh hoạt quan trọng nhất là dự án “xây” thư viện: mỗi cuối tuần, học sinh hai lớp lớn nhất trường là đệ tam (lớp 10) và đệ nhị tự nguyện đến trường trộn xi-măng và đất sét và dùng khuôn ép lại làm gạch dùng để xây thư viện, một tòa nhà vuông mỗi bề bốn thước trong khoảnh đất trống gần tường rào mặt tiền. Sau buổi công tác sáng Chủ Nhật, thầy đưa đám học trò nhiều thiện chí đi picnic với sự tham dự của các bạn IVS của thầy, trong đó có anh Leon. Lớn hơn tôi bảy tuổi, anh là người Mỹ quê bắc California, học tiếng Việt với tôi, và trở thành bạn thân.
Chúng tôi thường picnic ở các bãi sông cát mịn bên dòng nước lặng và dưới nhiều bóng cây trong những khu rừng gần Cầu 14. Trên Quốc lộ 14 về phía nam, Cầu 14 hẹp, chỉ đủ rộng cho một đường xe chạy qua, và bắc qua sông Xrepok. Con sông này là hiệp lưu của hai dòng sông nhỏ là Krong Ana và Krong Kno (tiếng Ra-đê nghĩa là sông Mẹ và sông Bố) bắt nguồn từ phía nam dãy Trường Sơn nên vùng này có nhiều sông ngánh, suối, và ghềnh thác.
Ăn trưa xong, bọn học trò chia thành từng nhóm chuyện trò, đàn hát, nói chuyện với mấy anh chị IVS bằng tiếng Anh, tắm nắng, bơi lội, và chạy nhảy vui đùa. Tôi và anh Leon men theo bờ sông lên phía nguồn “thám hiểm,” tìm thác nước hay cảnh lạ. Lần nào tôi cũng thấy thấp thoáng một hai người lính có vẻ là người Kinh nhưng ăn mặc giống người Thượng và mang võ khí khác hẳn khẩu súng carbine M1 thông thường.
Một hôm, tôi và anh Leon tìm thấy một chiếc thác rộng, cao chừng năm thước; nước đổ xuống ầm ầm và chảy cuồn cuộn qua gành đá lớn. Sau những năm tắm sông ở Huế, tôi bơi lặn khá giỏi và ít khi bỏ lỡ một dịp khoe tài nên rủ anh vượt thác bơi xuôi dòng về phía hạ lưu, nơi cả bọn đang tụ họp. Anh chưa kịp nhận lời thì tôi đã xăng xái nhảy xuống, bị nước cuốn đi, và nhận ra mãnh lực kinh hồn của dòng thác thì đã muộn. Tôi trôi nhanh như tên bắn và bất ngờ bị đẩy vào cái khe há mõm hình chữ V giữa hai tảng đá khổng lồ nấp dưới làn nước sủi bọt trắng xóa. Càng chống chõi bơi ngược dòng để trồi lên, tôi càng bị ấn sâu vào hốc đá tối đen. Tôi vùng vẫy một cách tuyệt vọng; anh Leon không dám xuống mà vội vàng chạy về bãi sông tìm người giải cứu.
Khả năng nín hơi dưới nước đã đến tận cùng, nhưng cố gắng không thở để khỏi bị sặc nước, tôi dần dần thấy buồn ngủ và thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đã được dòng sông đẩy trôi về nằm trên mé nước không xa chỗ các bạn đang bơi lội gọi nhau ầm ĩ. Anh Leon lúc ấy mới hổn hển chạy tới,
“Em giỏi thật, bơi nhanh hơn tôi chạy bộ. Làm tôi sợ muốn chết!”
Những chuyện xảy ra tôi chỉ kể cho Hương Nhã nghe và bắt chị hứa sẽ giữ kín. Mẹ mà biết được thì kể như bị… cấm cung, hết còn được đi đâu.
* * *
Cuối hè, sau kỳ thi Tú tài I, tôi và các bạn trong lớp sửa soạn chia tay vì trường chưa có đệ nhất (lớp 12). Tôi dự định về Huế và các bạn kẻ đi Đà lạt, người xuống Sài gòn, lại có đứa tình nguyện gia nhập quân ngũ.
Một sáng đẹp trời, tôi và thằng Kha và thằng Điền cùng với sáu đứa khác tụ họp trước Hội trường Hòa Bình và đi du ngoạn bằng xe đạp, chuyến đi chơi chung cuối cùng trước khi hát bài biệt ly nhớ nhung từ đây.
Theo Quốc Lộ 21 về hướng Ninh Hòa, phong cảnh hữu tình, bạn bè vui chuyện, và đường xuôi dốc nhẹ êm, chúng tôi đi một mạch đến Cây số 29, nhà thằng Vinh trong khu đồn điền, lúc nào không hay. Sau bữa ăn trưa gia đình thằng Vinh khoản đãi, chúng tôi đi chơi loanh quanh đến chiều sửa soạn ra về thì trời đổ mưa. Mưa rừng nước tuôn như thác đổ, bầu trời đen nghịt, và sấm sét bổ giăng khắp nơi. Sau trận mưa xối xả, đường sá trơn trượt và ban đêm tối đen như mực, và rắn rết và thú vật trong rừng tránh nước lũ bò ra đầy dẫy mặt đường. Bố mẹ thằng Vinh nhất định giữ chúng tôi ở lại đêm; lo thì có lo, nhưng bọn tôi sung sướng vì bất ngờ được vui chơi với nhau thêm một đêm!
Sáng hôm sau trên đường về chúng tôi đạp xe ngược chiều với từng đoàn GMC nhà binh (loại xe chuyên chở quân sự lớn) chở đầy quân nhân ngụy trang với súng ống đạn dược đầy mình trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Tôi lo lắng nói với thằng Kha,
“Lính hành quân kiểu này chắc hẳn sắp có cuộc đụng độ lớn đâu đây.”
Chúng tôi đạp xe nhanh, mong sớm về tới nơi an toàn. Càng lo hơn khi thấy hai chiếc phi cơ trinh sát L-19 bay là là trên bìa rừng như đang kiếm người; loại máy bay này có nhiệm vụ tiền thám, tức là dò tìm vị trí của địch. Chúng tôi có cảm tưởng như hàng trăm, hàng ngàn họng súng của cả hai bên đang hờm sẵn và chực nhả đạn vào nhau trong khi chúng tôi đạp xe ngờ ngờ giữa bãi chiến trường. Thằng Điền rên rỉ,
“Mẹ kiếp, phen này chỉ có nước chết toi thôi con ạ!”
Về đến trạm kiểm soát an ninh ở Cây số 3, chúng tôi mới hoàn hồn. Trạm kiểm soát được tăng cường với một hàng thiết vận xa và chiếc xe Jeep chỉ huy gắn đại liên đậu sau cùng. Tôi nhận ra vị sĩ quan mặc áo giáp đỡ đạn trên xe Jeep là người quen thân bèn vẫy tay chào. Đột nhiên, anh mừng rỡ nhảy phắt xuống xe, chạy lại túm lấy tôi, và đá nhẹ một phát vào mông,
“Mày đi đâu suốt đêm, ông già lo qua trời?”
“Thì ra cuộc hành quân đi tìm bọn mình! Thằng Ba Hoa thế nào cũng bị ăn lươn mây quắn đít,” thằng Điền cười, thở ra nhẹ nhõm.
Đêm qua không thấy con về nhà, bố thằng Kha và các ông bố ở khu Trần Hưng Đạo chia nhau tìm kiếm khắp nơi và sau cùng đến nhà Hương Nhã hỏi thăm. Chị không biết chúng tôi đi đâu nhưng thuật lại những chuyện tôi đã gặp. Các ông đưa chị đến nhà trình bày sự việc với cha, người cũng đang nóng lòng không kém. Cha tức tốc điều động một trung đội lục xét vùng Cầu 14 tìm chín học sinh trường Trung học BMT bị “mất tích.”
Bốn giờ sáng, trung đội trở về tay không, và các bộ phận tình báo kiểm chứng và xác nhận nguồn tin “Việt Cộng hiện diện” trong vùng. Dượng Đan, tham mưu trưởng sư đoàn và là chồng o Năm tôi,được gọi khẩn cấp vào Phòng Hành quân. Bảy giờ sáng, cuộc hành quân phòng ngự ngăn ngừa địch quân xâm nhập Cao Nguyên được chấp thuận, và cuộc hành quân bắt đầu.
* * *
Ông bà ngoại tôi chỉ có hai người con: mẹ và cậu Các lớn hơn mẹ bốn tuổi. Ông ngoại mất sớm, bà ngoại lo buôn bán ngược xuôi nên hồi bé cậu chăm sóc mẹ và hai anh em một mực thương yêu nhau. Thời niên thiếu, cha và cậu là đôi bạn khắng khít; cậu bỏ nhà theo kháng chiến khi mẹ mới mười ba.
Năm 2008, bảy mươi năm sau, được tin cậu mất ở Quảng Bình, mẹ bảo tôi kêu gọi các em đóng góp một món tiền lớn gửi về lo ma chay và biếu tặng các anh chị con của cậu. Trước đó vài năm tôi có việc về Việt nam và đã gặp cậu nhưng không mấy có cảm tình với “anh Việt Cộng gộc” ấy nên tỏ vẻ miễn cưỡng. Mẹ hiểu ra,
“Con phải biết, nhờ cậu mà con sống sót đến ngày hôm nay…”
“Mẹ nói răng, con không hiểu?” tôi kinh ngạc ngắt lời.
“Năm xưa ở Ban Mê Thuột, nếu lính của cậu không cứu thì con đã chết sình xác ở Cầu 14 còn mô.”
Mẹ kể, sau nhiều năm theo bên tê, cậu trở thành sĩ quan cao cấp trong bộ đội miền Bắc. Số trời dun rủi, khi cha có bổn phận trấn giữ BMT, cửa ngõ của vùng Cao nguyên, thì cậu lại là tư lệnh chiến trường “Tây nguyên” của Việt Cộng. Ngoài mẹ ra, cha giữ kín không cho ai biết điều này. Trong cuộc thư hùng hung hiểm, đôi bạn thân xưa nay là hai kẻ tử thù quan sát và ghi nhận từng nước cờ của địch thủ. Đã hiểu nằm lòng tính tình, sở thích, và lối suy nghĩ của phe nghịch, hai con cọp già gầm gừ vờn nhau, đợi phút sơ hở của đối phương là giương nanh vuốt chồm tới. Nếu chưa chắc thắng thì chưa vội ra tay; một sơ suất nhỏ có thể bị trả giá bằng hàng ngàn sinh mạng.
Những lần tôi đi chơi rừng đều có người của cậu theo dõi, và họ đã cứu tôi ra khỏi hốc đá dưới thác nước. Tôi thấy họ mà dấu biệt, nhưng rồi cha cũng biết và không hề lo ngại. Cha tin dù là người Cộng sản sắt đá cậu sẽ không hại cháu mình: mẹ sẽ không bao giờ tha thứ cho cậu nếu có chuyện gì xảy ra cho con bà. Trên đời, cậu chỉ có mẹ là người thân duy nhất.
Thế rồi đùng một cái, tôi và các bạn “mất tích” – bị phe kia bắt giữ. Nghĩa là tình thế đã thay đổi: hoặc cậu bị thay thế, hoặc chiến thuật của Cộng quân đổi chiều; cha cần ra tay đánh phủ đầu để chiếm thượng phong. Kế hoạch cuộc hành quân ồ ạt chúng tôi chứng kiến sáng hôm ấy, sau trận mưa rừng, đã vạch sẵn từ lâu và nay chỉ mang ra thi hành.
Mẹ rưng rưng nước mắt,
“Thua trận xiểng liểng, thân bại danh liệt, và bị bọn Hà nội kết tội phản động và cấu kết với Mỹ-Ngụy, cậu chịu tù tội hơn hai mươi năm và qua đời trong cảnh cô lập và nghèo khó.”
“Cám ơn mẹ đã cho biết cuộc đụng độ ly kỳ ấy. Các con sẽ cố giúp đỡ gia đình cậu,” tôi hứa với mẹ.
Ngày ấy tôi không bị cha đánh đòn vì tội đi hoang. Vì thực ra tôi và các bạn có công nhiều hơn có tội – có lẽ “nhờ” chúng tôi mà mặt trận Cao nguyên tương đối yên tĩnh thêm một năm.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 20 tháng Giêng, 2016
No comments:
Post a Comment