Đàn ông rất dễ hư
Đoàn Dự ghi chép
THƯA QUÝ BẠN, ở trong nước hiện nay có một cô ca sĩ khoảng ngoài 30 tuổi, đẹp thì không đẹp, bởi vì cái miệng cô quá rộng và hơi cong lên trông rất đặc biệt. Các cụ ta nói: “Đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng tan hoang cửa nhà”, cô này toàn đi phá hoại gia đình người ta chứ có chồng con đàng hoàng đâu mà phá chính gia đình của cổ. Cổ hát cũng không hay, cái giọng khàn khàn, cụt hơi, không lên cao hoặc ngân như các ca sĩ khác được. Gốc tích của cổ là một người mẫu thời trang, có cặp giò dài và thân hình uyển chuyển. Làm người mẫu thì hơi ít tiền không bằng làm ca sĩ nếu nổi tiếng. Vậy là cổ bèn “thử thời vận” bằng cách bắt bồ với một nhạc sĩ kiêm nhạc công rất có uy tín đối với khán giả và giới showbiz, tự ý đến sống với ảnh như vợ chồng đặng nhờ ảnh lăng-xê giùm.
Nghề ca hát phải có người lăng-xê chứ không thôi như Đàm Vĩnh Hưng chẳng hạn, lúc còn hàn vi chỉ là một anh thợ hớt tóc mê ca nhạc, đêm đêm đến ngồi “xếp hàng” tại các tụ điểm giải trí, chờ có ca sĩ nào đến muộn hoặc vắng mặt thì được lên hát thế với tiền cát-sê chỉ đủ ăn một tô phở cho đỡ đói lòng. Sau, nhờ may mắn gặp được “đại danh hài” H.L là người cùng quê Quảng Nam, danh hài này biết Đàm có giọng hát khá độc đáo nên bèn tung tiền ra lăng-xê giùm, và Đàm đã trở thành “ông hoàng nhạc Việt”, “ca sĩ kim cương, hột xoàn”, có những ngôi biệt thự cả ở trong nước lẫn ngoài nước mỗi ngôi hàng chục triệu đô-la như bây giờ.
Vậy thì cô người mẫu “miệng rộng chân dài” cũng thế, nhờ anh bồ trẻ tuổi độc thân lăng-xê, dần dần tạo được tiếng tăm. Nói cho cùng, tuy cô không đẹp, hát không hay nhưng có tính quyết đoán, tự mình đi theo một con đường riêng bằng cách thuê các nhà tạo mẫu thời trang cắt cho mình những bộ quần áo cực đẹp, hết sức bắt mắt, hết sức hiện đại song không hề lố lăng, khoe thân xác một cách hạ cấp như nhiều ca sĩ khác. Đồng thời, các bài hát cô cũng chọn lựa, luyện tập kỹ càng, thuê các vũ sư danh tiếng “sáng tác” cho mình vũ đạo đặc biệt phù hợp với mỗi bài hát chứ không nhảy nhót tầm bậy tầm bạ, “không nhảy lại càng tốt hơn”. Cô trở thành ca sĩ nổi tiếng số 1 trong nước về cách ăn mặc và về vũ đạo.
Muốn được như vậy thì phải tốn rất nhiều tiền. Cô bèn bái bai anh chàng nhạc sĩ kiêm nhạc công nhiều uy tín, chài được một “thiếu gia” bé bằng cục kẹo, xấu trai, đứng chưa tới vai cô nhưng là con trai duy nhất của một nữ đại gia làm nghề “chém sơn lâm, đâm hà há”, đã từng vào tù, tiền bạc có hàng ngàn tỷ chưa kể các cơ sở của doanh nghiệp hoạt động nơi nọ nơi kia. Tiền bạc và cơ nghiệp đó sẽ thuộc về ai? Tất nhiên thuộc về cậu con trai. Cô bèn lấy thiếu gia đó và sanh được một cậu con xinh xắn. Cả nước biết cô lấy “cậu bé cục kẹo” chỉ vì tiền, nhưng cô luôn tuyên bố với báo chí: “Vợ chồng tôi yêu nhau lắm. Chồng tôi chăm sóc tôi lắm…”. Phải chi cô đừng tuyên bố thì tốt hơn. Được ít lâu, thấy bà mẹ chồng “chém sơn lâm, đâm hà bá” quá già giơ, mình không sơ múi gì được với cái gia tài kếch sù, cô bèn bái bai luôn cục kẹo chỉ đáng em mình và lại tuyên bố: “Vì tính nết không hạp nhau”.
Hiện nay cô đã tóm được một đại gia cũng giàu nứt đố đổ vách chuyên về kim cương hột xoàn, báo chí gọi là “đại gia kim cương”. Vị này đã có vợ và ba con. Đặc biệt, người vợ rất nhã nhặn, lịch sự, trí thức. Chị viết trên Facebook gửi cho cô:
“Chị chịu thua em rồi. Em cướp chồng của chị, phá nát gia cang của chị, làm cho anh ấy ly hôn chị. Việc đó không có gì lạ đối với một người coi tiền là trên hết như em. Nhưng còn ba đứa con của chị, hai trai, một gái. Các cháu đã lớn, đẹp như thiên thần, thông minh, học giỏi. Tương lai các cháu sẽ ra sao? Lương tâm của em để đâu? Chị không hy vọng lẽ công bằng khiến em thức tỉnh như lời người xưa đã dạy: “Cái gì không phải của mình thì đừng chiếm đoạt”. Rồi trời sẽ trừng phạt em, các fans và những người hâm mộ sẽ từ bỏ vì khinh bỉ em. Lúc ấy em có hối hận thì cũng đã muộn…”.
Thưa quý bạn, ĐD tôi kể hầu quý bạn câu chuyện trên đây không phải để chỉ trích cô nàng “ăn mặc đẹp nhất và vũ đạo đẹp nhất” trong giới showbiz. Giới này có quá nhiều chuyện thị phi, chỉ trích uổng lời. Cái mà tôi muốn thưa với quý bạn là, đối với đàn ông, mê một người nào đó cũng có thể chấp nhận được nhưng phải có giới hạn nào đó chứ bỏ vợ con chạy theo một người sống chỉ vì tiền như vậy thì… hư quá, không chấp nhận được.
Tại sao đàn ông dễ hư hơn đàn bà? Sau đây xin mời quý bạn thưởng thức câu chuyện vui vui của đạo diễn Lê Hoàng – một vị đạo diễn rất nổi tiếng cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn – viết trên tờ TT&ĐS số gần đây nhất. Sau đó, cùng với chủ đề “đàn ông rất dễ bị hư” ĐD xin dịch truyện “Tấm da vẽ” (The Painted Skin) của Bồ Tùng Linh, do nữ GS Chen Tifeng (Trần Đại Phượng) dịch từ tác phẩm Liêu trai chí dị bằng tiếng Hán sang tiếng Anh, xuất bản tại Hồng Kông năm 1995.
Trong truyện này, họ Bồ dùng hình ảnh tấm da vẽ để tượng trưng cho nhan sắc bên ngoài của cô gái 16 tuổi xinh đẹp tuyệt vời và “con quỷ” bên trong tấm da đó mới là thực chất. Ngoài ra, ý chính họ Bồ muốn nói là sự hy sinh quá lớn của người vợ. Chồng hư đốn, lầm lỗi, nàng không trách móc một tiếng nào cả mà chỉ tìm cách cứu chồng dù mọi sự việc đều do chồng gây ra. Nàng thương xót chồng còn hơn chính bản thân mình. Bây giờ xin mời quý bạn thưởng thức…
I. Đàn ông quá dễ hư
Lê Hoàng xin khẳng định rằng phụ nữ, nhất là phụ nữ đã có gia đình, muốn hư không dễ một chút nào. Cùng lắm chắc cũng chỉ lười biếng việc nhà, lười chăm sóc bản thân hoặc lê la ngồi tán chuyện bên hàng xóm. Trong khi đó đàn ông bất kể lứa tuổi nào, bất kể ngoại hình và hoàn cảnh ra sao, muốn hư ít hư nhiều và hư toàn diện đều được cả. Đã thế, có cả một ngành công nghiệp hùng hậu phục vụ cho đàn ông hư chứ không phải như phụ nữ, nếu có muốn hư cũng phải tự vất vả xoay sở một mình. Sau đây, Lê Hoàng xin một lần “phản bội” anh em, vạch áo cho… gái đẹp xem những “cạm bẫy” hư mà khắp nơi giăng ra để cho đàn ông hớn hở lao vào.
1.Cắt tóc:
Khác với con gái chỉ để tóc dài mới đẹp, con trai phải cắt thường xuyên. Ngày xưa khi Lê Hoàng còn bé, có đi khắp Hà Nội tìm cả năm cũng chắc chắn không thấy một thợ cắt tóc cho đàn ông nào là nữ. Nhưng đến nay thì ôi thôi, nhiều tiệm cắt tóc chẳng có một chàng trai nào, đã thế còn không có dao kéo, thậm chí không có cả ghế ngồi. Đàn ông đi tới chỉ có mỗi một việc là nằm, sau đó các cô làm gì cũng được, từ chân đến… đầu.
Đã thế, ngày xưa làm gì có tiệm gội đầu. Con trai khi cắt tóc xong, ông thợ dùng cái bàn chải phủi phủi qua quít lên áo và dùng ngay miếng vải choàng đập đập lên đầu, thế là xong, khách cứ việc về nhà tự nhúng thân mình vào nước lã. Bây giờ thì không, nếu cắt 10 phút có khi gội đầu 100 phút, hoặc chả cắt tí nào mà gội đầu càng đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, nhiều tiệm trắng trợn đến mức gội không có xà phòng mà cũng không có nước, chỉ có cô thợ xinh đẹp, nghèo khổ mặc quần áo sơ sài. Cho nên chả lạ gì khi có nhiều ông cắt tóc suốt ngày và gội đầu thường trực, mỗi lần gội bỏ ra một số tiền đủ để mua dầu gội đầu dùng đến một năm.
2.Bia rượu:
Bia ôm thì không nói làm gì, nó quá trắng trợn và quá thẳng thắn nên chả cần viết ra các bà cũng đã đề phòng. Nhưng các trai tráng tinh ranh chẳng dại gì đi bia kiểu ấy, vì vừa mang tiếng vừa có vẻ nhem nhuốc quá. Họ cứ vào các quán nhậu công khai ồn ào, đèn đuốc sáng rực nhưng họ chọn phòng riêng. Tất cả các phòng kiểu này đều kín đáo, có máy lạnh và các cô rót bia cũng được tuyển lựa khác hẳn ngoài sân. Có nhiêu ông đi máy bay cả đời không mua vé VIP, nhưng vào uống bia toàn VIP mà thôi.
Trong các phòng này rất dễ động tay động chân và rất dễ xin nhau, trao nhau số điện thoại. Nhiều bà vợ ngây thơ, tiễn chồng hoặc đón chồng ở quán bia, thấy cả trăm bàn ồn ào thì nghĩ ông ấy tuy rượu chè nhưng không trai gái. Thật là một lầm lẫn đau đớn thảm thương.
Chỗ uống bia trong phòng kín là chỗ cả hai phe nam nữ đều có cơ hội khoe thế mạnh của mình. Các em thì khoe vòng một, vòng hai, vòng ba, chưa có chỗ nào tiếp viên mặc áo măng-tô hay áo mưa cả. Còn các anh thì khoe có tiền, khoe tài kể chuyện tiếu lâm và khoe sự… cô đơn, sự không có ai hiểu mình. Thế là mọi thứ cứ phát triển theo lẽ tự nhiên khi trai tài gặp gái sắc. Do đó có thể khẳng định tới 90% các ông ngoại tình là gặp các em ở quán bia. Hầu như không có chuyện gặp trong thư viện.
3. Tiệm mát-xa:
Hiểm họa của mát ‘xa thì đã rõ, các bà đều mang máng cảm nhận điều này nhưng không khi nào hình dung chính xác. Điều trớ trêu là trai hư hỏng muốn lợi dụng mát-xa không nói làm gì. Trai đàng hoàng, thậm chí ông già đàng hoàng đi mát-xa cũng chết nốt. Bởi vì dù đàng hoàng hay nham nhở thì mát-xa cũng là việc một nam một nữ phải ở trong phòng kín với nhau, nam thì trong trang phục không to hơn cái khăn và mỏng như cái khăn, còn nữ cũng chả khi nào mặc quần jeans, đi ủng.
Trong khi đấm bóp, người ta phải nói chuyện. Chưa từng thấy ai trong phòng mát-xa nói chuyện về tình hình Trung Đông, về giá dầu đang hạ trên thế giới, hay Triều Tiên vừa thử tên lửa hạt nhân. Nơi đó toàn những chuyện về thân phận, về hoàn cảnh đơn côi buồn bã. Nữ thì cha mẹ già yếu, em đang ăn học chưa đóng học phí tháng này, nam thì buồn nhiều hơn vui, có nhiều nỗi khổ chưa khi nào thổ lộ cùng ai, vì đâu có ai hiểu được mình. Cứ như thế câu chuyện thầm thì trong phòng, bàn tay thầm thì trên cơ thể, hai con người chợt nhận ra họ có cùng những rung cảm sâu xa, những nỗi niềm cần chia sẻ.
4. Karaoke:
Đó là một thứ mà đàn ông cực thích vì đầy tính nghệ thuật và đầy tính nhân văn, có thể cầm micro cất lên một điệu dân ca ngọt ngào, một bản nhạc trẻ trung, nếu biết tiếng Anh, tiếng Hoa thì cũng hòa giọng vang vang khiến các em lác mắt.
Tất cả các phòng karaoke đều lịch sự đến mức nếu con trai đi một mình, hoặc đi đông tới bao nhiêu người, chủ quán cũng không để phải ca trong tâm trạng u buồn, mà luôn có nhân viên nữ ca cùng, những lúc không ca thì nâng khăn, sửa túi. Từ khi sinh ra đời, Lê Hoàng chưa bao giờ thấy một phòng karaoke chỉ có mấy ông con trai ngồi hát với nhau, dù tất cả họ đều hát hay như Đàm Vĩnh Hưng đi nữa. Bao giờ cũng phải có các em, ít nhất là để làm nhiệm vụ vỗ tay, sau đó vỗ vào vài ba cái khác.
Rất nhiều trai tráng sau khi đi karaoke chợt phát hiện ra mình có giọng hay, và trái tim mình nhạy cảm, đồng thời phát hiện ra nhiều cô gái xinh tươi đang ở hoàn cảnh éo le, cần tới sự quan tâm, chỉ bảo của mình.
Nói chung, cơ hội để đàn ông hư mênh mông như biển rộng, dành cho đủ loại lứa tuổi, đủ loại sức khỏe và đủ loại giá tiền. Có thể nói không ngoa, muốn ngoan tuyệt đối chỉ có trùm chăn kín mít nằm nhà, chứ muốn hư thì dễ quá !…
Nói chung, cơ hội để đàn ông hư mênh mông như biển rộng, dành cho đủ loại lứa tuổi, đủ loại sức khỏe và đủ loại giá tiền. Có thể nói không ngoa, muốn ngoan tuyệt đối chỉ có trùm chăn kín mít nằm nhà, chứ muốn hư thì dễ quá !…
Lê Hoàng
II. Tấm da vẽ (The Painted Skin, by Pu Songling)
Vương sinh ở Thái Nguyên, sáng sớm đi đường gặp một người con gái ôm quần áo đi một mình, có vẻ rất khó nhọc. Sinh vội dấn bước đi lên, thì ra đó là một cô gái tuổi chừng mười sáu, rất đẹp. Sinh lấy làm ưa thích lắm, bèn hỏi:
– Trời hãy còn đêm tối, sao cô lại đi lủi thủi một mình như thế?
Cô gái nói:
– Ông là người đi đường, chẳng giải được nỗi buồn và hoàn cảnh khốn khổ của tôi thì hỏi làm gì!…
Sinh nói:
– Hoàn cảnh của cô thế nào? Nếu tôi giúp được việc gì thì sẽ giúp ngay không hề quản ngại.
Nàng buồn rầu đáp:
– Cha mẹ tôi tham tiền, bán tôi làm hầu thiếp cho một nhà giàu. Người vợ cả quá ghen tuông đánh chửi tôi tối ngày, tôi chịu không nổi nên phải trốn đi…
Sinh nói:
– Nhà tôi cũng không xa, cô có thể hạ cố đến ở tạm được không?
Cô gái mừng rỡ, hết lời cảm tạ rồi đi theo. Sinh cũng mừng, bèn mang giùm khăn gói, dẫn nàng về nhà.
Cô gái nhìnn quanh không thấy ai, ngạc nhiên:
– Ông ở một mình hay sao?
Sinh đáp:
– Không, tôi đã có vợ nhưng đây là phòng đọc sách của tôi.
Nàng nói:
– Chỗ này tốt lắm song nếu ông thương xót, xin giữ thật kín đừng cho ai biết, kẻo lỡ lộ ra họ sẽ đến bắt tôi lại.
Sinh nhận lời, bèn rót nước mời nàng uống đoạn cùng nàng lên giường giao hoan.
Suốt mấy ngày liền, chàng vẫn giấu nàng trong phòng ngủ không cho ai biết mà chỉ kể riêng với vợ. Vợ sinh họ Trần, là người hiền thục, con nhà danh giá. Nhìn qua khe cửa thấy nàng trẻ tuổi, xinh đẹp như tiên, rất bằng lòng nhưng ngờ nàng là hầu thiếp của nhà quan thì rất nguy hiểm, nên khuyên chồng đừng chứa chấp nàng kẻo sẽ bị kiện. Sinh không nghe lời vợ, bởi vì ngày đêm ôm ấp, hành lạc với một cô gái trẻ đẹp như vậy, chàng rất ham mê.
Một hôm sinh ra phố, ngẫu nhiên gặp một vị đạo sĩ. Trông thấy sinh, đạo sĩ kinh ngạc hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
Sinh trả lời là không. Đạo sĩ nói:
– Ta thấy tà khí quấn quít khắp người đạo hữu, sao lại bảo là không?
Sinh hết sức biện bạch, đạo sĩ bỏ đi nhưng than:
– Mê muội đến thế là cùng! Ở đời có những kẻ chết đến nơi mà không tỉnh ngộ!…
Sinh thấy lời nói quái lạ cũng hơi nghi nghi, nhưng lại nghĩ nàng trẻ đẹp như vậy thì không thể nào là yêu quái được và cho là đạo sĩ mượn chuyện, sẽ xúi chàng cầu cúng để kiếm tiền.
Một lát, về đến gần thư phòng, thấy cổng ngoài đóng không vào được, sinh đâm nghi, bèn trèo tường vào. Cửa buồng ngủ cũng đóng. Chàng núp ở ngoài nhìn qua khe cửa sổ, thấy một con quỷ cái rất dữ tợn, mặt xanh, răng nanh chìa ra tới quá môi trên trông giống như răng lợn rừng rất khủng khiếp. Con quỷ đang trải một tấm da người lên trên giường, cầm bút, tẩm mực hí hoáy vẽ và bôi màu lên. Xong, nó hãnh diện buông bút, khoác tấm da lên người vừa khít giống như mặc áo, lát sau hóa ra cô mỹ nhân mười sáu tuổi đẹp như tiên nga mà chàng vẫn ôm ấp, hành lạc hằng đêm.
Thấy tình trạng quá khủng khiếp, sinh kinh hoảng bò ra ngoài, rón rén trèo qua tường để đi tìm đạo sĩ mà chàng không biết là đã đi đâu.
Chàng đôn đáo tìm khắp mọi nơi thì gặp đạo sĩ ở gần cổng thành phía đông, bèn quỳ xuống xin ông cứu giúp.
Đạo sĩ nói:
– Ngươi cầu xin ta trừ bỏ con quỷ đó thì cũng tội nghiệp cho nó. Ta không muốn hại nó đến cùng.
Ngài bèn trao cho sinh chiếc phất trần đang cầm trên tay, bảo đem về treo trước cửa buồng ngủ, con quỷ đó sẽ bỏ đi, không dám lộng hành nữa. Lúc chia tay, đạo sĩ hẹn sẽ gặp lại sinh ở miếu Thánh Đế.
Sinh về, sợ quá không dám vào thư phòng, bèn ngủ ở buồng vợ và treo chiếc phất trần ở cửa.
Vào khoảng gần nửa đêm, nghe bên ngoài có tiếng lục đục, sinh sợ không dám ra mà bảo vợ thử nhìn xem chuyện gì. Trần thị thấy người con gái đến, từ đằng xa nhìn thấy chiếc phất trần thì dừng lại không dám tiến bước, mà trợn mắt, nghiến răng hồi lâu rồi bỏ đi. Một chốc thị lại quay trở lại, nói:
– Đạo sĩ dọa ta! Nhất định ta không sợ! Chẳng lẽ miếng mồi ngon kề tới miệng mà còn phải bỏ hay sao?
Đoạn, thị với tay lấy chiếc phất trần, tức giận bẻ nát ra, vứt xuống đất rồi đạp tung cửa mà vào trong phòng, trèo lên giuờng xé rách ngực sinh, moi lấy quả tim rồi đi. Trần thị kêu cứu. Đầy tớ vội vàng đem đèn vào soi thì thấy sinh đã chết, máu ở ngực chảy lênh láng. Vợ sinh đau đớn ôm xác chồng khóc không thành tiếng.
Sáng sớm hôm sau, Trần thị nhờ người em chồng đi tìm để báo tin cho đạo sĩ biết. Ông nổi giận mắng con quỷ:
– Ta đã thương nó mà nó còn dám hỗn láo như thế hay sao?
Lập tức đạo sĩ theo người em về nhà thì cô gái đã đi đâu mất. Ông nhìn quanh bốn phía rôi nói:
– May mà nó trốn đi chưa xa!…
Ông hỏi người em chồng:
– Căn nhà bên phía nam là nhà ai?
Người em nói:
– Đó là nhà tôi.
Đao sĩ nói:
– Hiện nó đang trốn ở nhà ông.
Người em ngạc nhiên bảo là không. Đạo sĩ hỏi:
– Có người lạ nào đến nhà không?
Đáp:
– Tôi đi ra miếu Thánh Đế nên không biết rõ, để về hỏi lại đã.
Người em đi một lát rồi trở lại, thưa:
– Sáng nay có một bà già đến xin làm mướn, vợ tôi nhận cho làm nên bà ấy vẫn ở trong nhà.
Đạo sĩ nói:
– Chính là con quỷ đó đấy!
Ông bèn cùng người em về nhà, cầm thanh kiếm gỗ đứng giữa sân, gọi lớn:
– Nghiệt quỷ đâu? Trả cây phất trần lại cho ta!
Mụ già ở trong nhà hoảng hốt, thất sắc, chạy ra cửa toan chạy trốn. Đạo sĩ đuổi theo, chém một nhát, mụ ngã lăn xuống đất. Tấm da người bị đứt, tuột ra ngoài, mụ hiện nguyên hình là một con quỷ mặt xanh nanh nhọn, nằm thở hồng hộc như con heo. Đạo sĩ cầm kiếm gỗ chặt đứt đầu, cả thân hình và cái đầu nó biến thành một đám khói đen ùn lại thành một đống trên mặt đất. Đạo sĩ lấy ra một chiếc hồ lô, mở nắp, đặt vào trong đám khói, lập tức khói cuồn cuộn chui vào hồ lô chỉ trong nháy mắt là hết. Đạo sĩ đóng nắp hồ lô lại, cất vào trong bao.
Mọi người xúm đến xem tấm da, thấy mặt mũi, chân tay đủ cả, vẽ khéo như một cô gái mười sáu tuổi đẹp tuyệt vời. Đạo sĩ cuộn tấm da lại như cuộn một bức tranh, cũng bỏ vào bao rồi từ biệt đi.
Trần thị quỳ xuống đất, vái lạy và khóc xin hồi sinh cho chồng. Đạo sĩ từ tạ rằng không làm nổi. Trần thị đau đớn năm phục, khóc lóc không chịu dậy. Đạo sĩ suy nghĩ một lát rồi nói:
– Thuật của ta chỉ có đến đây là cạn rồi, không đủ sức làm cho người chết sống lại được. Ta mách phu nhân một người may ra có thể cứu được, đến đấy mà cầu có thể có hiệu quả.
Trần thị hỏi người đó là ai, đạo sĩ nói:
– Ở chợ có người ăn mày điên thường nằm trên đống phân. Thử van nài xem, nhưng nhớ là họ có làm nhục đến thế nào phu nhân cũng ráng chịu, họ bảo sao cũng im lặng làm theo lời họ.
Người em chồng vẫn biết có người ăn mày như thế, bèn dẫn chị dâu đi ra chợ thì thấy người ăn xin điên đang ngả nghiêng ca hát ngọng nghịu ở bên đường, nước dãi, nước mũi chảy dài lòng thòng và quần áo trông dơ bẩn không thể chịu nổi.
Trần thị bèn quỳ xuống, lết đến trước mặt. Người ăn xin điên cười sằng sặc và nói:
– Người đẹp mê ta chăng? Không mê sao lại quỳ thế?
Trần thị kể rõ nguyên nhân. Người đó lại cười ha hả mà rằng:
– Ai làm chồng chả được, hà tất phải cứu sống hắn làm gì…
Trần thị cố năn nỉ, người ăn mày quát:
– Cút đi! Người chết mà cứ xin ta cứu sống lại là cứu làm sao? Bộ tưởng ta là Diêm vương, có quyền muốn cho ai sống thì sống, muốn cho ai chết thì chết hả?
Đoạn, người ăn mày đó giận dữ cầm gậy đánh xối xả. Trần thị cố nhịn đau, vẫn quỳ lết luôn miệng cầu khẩn. Người ở chợ đến coi đông nghịt, ai cũng bất bình cho nàng.
Bỗng người ăn mày khạc đờm dãi ra đầy một vụm tay, kề vào miệng Trần thị và bảo:
– Ăn đi!
Trần thị ghê tởm, đỏ bừng mặt, hết sức lợm giọng, muốn ọe nhưng nhớ đến lời dặn của đạo sĩ nên cố nhắm mắt mà nuốt, thấy bụm đờm dãi chạy vào trong cổ, trôi xuống tuồn tuột và ngừng lại ở ngực. Người ăn mày cười ngặt nghẹo:
– Ha ha, người đẹp mê ta quá chừng, ăn cả đờm dãi của ta!…
Đoạn, y đứng dậy bỏ đi, không thèm nhìn lại, thấy đi về phía miếu. Trần thị và người em chồng đi theo, khẩn khoản cầu cứu nhưng tự nhiên ông ta biến mất không thấy đâu nữa, tìm kiếm trước sau cũng không thấy dấu vết.
Trần thị vừa thẹn vừa oán hận mà về. Vừa thương chồng chết thảm lại hối phải ăn đờm dãi, vật mình khóc lóc thảm thiết, chỉ muốn tự tử chết ngay lập tức.
Khi Trần thị lau máu, liệm xác cho chồng, các gia nhân đứng xa mà nhìn, không ai dám đến gần. Nàng đau đớn ôm xác chồng, thu vén ruột gan, vừa làm vừa khóc khản cả tiếng. Mùi máu và các ruột gan tanh tưởi khiến nàng giữ lấy cổ họng cho khỏi ọe. Bỗng, từ trong ngực nàng, cục đờm vọt ra, nàng chưa kịp làm gì thì nó rơi tọt vào ngực chồng. Nàng kinh hãi nhìn xem, thấy đó chính là một quả tim người, còn đang phập phồng đập, hơi bốc ra như khói. Nàng vội vàng dùng hai tay khép kín ngực chồng lại, hết sức ôm chặt và đè lên. Hễ hơi nghỉ tay một chút là hơi nóng lập tức lại ùn ùn từ vết thương bốc ra. Nàng kêu người em chồng tìm lụa cho nàng quấn chặt vết thương lại, tay giữ bên ngoài không dám rời ra. Xác chết dần dần thấy nóng, người em bèn lấy chăn đắp lên. Đến đêm mở ra coi, thấy bất đầu có hơi thở. Đến sáng thì sinh sống lại, nói rằng:
– Bàng hoàng như trong một giấc mơ, chỉ thấy ở ngực hơi đau đau thôi.
Nhìn vào vết thương, thấy bắt đầu thành sẹo, dần dần khỏi hẳn.
Đoàn Dự ghi chép
No comments:
Post a Comment