Tuesday, November 3, 2015

Cám Ơn Hạnh Phúc - Cám Ơn Khổ Đau


Nguyễn Bích Thủy

Chúng ta là những người lữ hành đang đi tìm hạnh phúc ròng rã suốt cả một kiếp người cho bản thân mình, gia đình mình hay cho cộng đồng mình. Cái hạnh phúc mà chúng ta đi tìm lúc được lúc mất, lúc ẩn, lúc hiện khiến đôi khi làm ta chao đảo vì nó quá mong manh và mơ hồ. Lắm lúc ta cảm thấy mệt mỏi vì cố rượt đuổi theo nó, tưởng đã sở hữu được trong tầm tay nhưng rồi bỗng một ngày nó lặng lẽ bỏ ta đi để lại một nổi đau ê chề cả thân xác lẫn tâm hồn.

* Hạnh Phúc

Theo tài liệu cho biết hạnh phúc là trạng thái cảm xúc khi con người được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính nhân bản, chịu tác dụng của lý trí và chỉ có ở con người.

Cảm nhận về hạnh phúc ở mỗi độ tuổi, mỗi giới tính cũng thay đổi theo thời gian. Lúc còn nằm trong nôi hạnh phúc của bé thơ là được bú một bầu sữa đầy, được ôm ấp vỗ về. Ở tuổi đến trường hạnh phúc của các cô cậu học sinh là vào cuối tuần không phải làm homework, được cha mẹ cho đi chơi, gặp bạn bè vui đùa thỏa thích. Đến tuổi biết yêu hạnh phúc của các chàng trai, cô gái là tìm được một người như-trong-mộng. Khi đã lập gia đình hạnh phúc của những người trưởng thành đã thôi bay bỗng, nó bình dị như mỗi buổi chiều vợ chồng, con cái quây quần bên mâm cơm quên hết những nhọc nhằn, tất tả ở bên ngoài. Rồi đến tuổi gần đất xa trời hạnh phúc của những bậc làm ông, làm bà là được sống bên cạnh con cháu cho đến ngày “cưỡi hạc, quy tiên”!

Nhưng lại có những quan niệm cho rằng hạnh phúc là hy sinh, là cho đi không cần nhận về (nếu cần nhận về là đã có toan tính); hạnh phúc là biết bằng lòng với cái mình đang có; hạnh phúc là được sống một cách an nhiên tự tại giữa cuộc đời nhiều va vấp. Còn theo Dan Harris, người sản xuất chương trình “Nightline” và “Good Morning America” trên đài ABC cho biết Thiền là chiếc chìa khóa giúp ông cảm thấy sống hạnh phúc hơn. Một nền minh triết của con người đã khuyên nếu muốn hạnh phúc, hãy tập sống vô ngã để thấy được tánh giác của chơn tâm của mình.

Thế thì hạnh phúc của con người thật muôn màu, muôn vẻ. Nhưng muốn đạt những điều này đôi khi không dễ chút nào. Lại có lắm lúc người ta thường không đi tìm hạnh phúc dưới chân mình mà cứ ngó trên chín tầng mây. Nhiều khi họ không thấy hạnh phúc trong hiện tại mà cứ đau đáu nhớ về hạnh phúc của một thuở nào đã xa! Đó là tất cả tâm trạng của một anh bạn đồng nghiệp người Mỹ của tôi, có lần anh cho biết:

- Lúc còn nhỏ vào những dịp nghỉ hè bọn tôi thường được cha mẹ cho đến nhà của ông bà ở cạnh bờ biển thuộc vùng Atlantic City - New Jersey. Đây là dịp mấy anh chị em họ chúng tôi tha hồ vui chơi với nhau bằng thích! Có thể nói, cho đến bây giờ đó là những ngày tháng tuyệt vời nhất của đời tôi.

Giọng nói của anh như thầm tiếc nuối cả một thời quá khứ mà nơi đó anh đã có biết bao kỷ niệm đẹp. Anh cũng kể rằng sau khi vừa tốt nghiệp Trung Học, anh đã từ giã cha mẹ leo lên tàu lửa làm một chuyến xuôi Nam để thỏa mộng “tang bồng hồ hải”. Anh đã từng đi qua nhiều tiểu bang của nước Mỹ, cuối cùng đã đến đây và phải lòng một nàng thuộc xứ “cao bồi Texas”. Để rồi cho mãi đến hôm nay anh vẫn chưa một lần nào có dịp trở về thăm lại vùng biển tuổi thơ của mình!

Anh đã cưới vợ rồi ly dị do người vợ trước mắc chứng vô sinh! Anh kết hôn lần nữa với một nàng người Mễ kém anh gần 20 tuổi và cô đã cho ra đời ba mụm con. Tuy nhiên, anh cũng không hề cảm thấy hạnh phúc bên người vợ trẻ bởi những chông chênh về tuổi tác, ngôn ngữ và văn hóa. Thêm vào đó, anh luôn mặc cảm có lỗi với vợ cũ khi biết rằng cô đã không chịu "đi bước nữa” để toàn tâm toàn ý lo cho đứa con mà lúc trước họ đã xin ở cô nhi viện. Giờ đây con gái nuôi của hai người đã học thành tài, mẹ con cô có một cuộc sống rất ổn định còn anh thì vẫn cứ lao đao lận đận với một mái gia đình không bao giờ như ý! Có thể anh vẫn còn yêu vợ cũ của mình nhưng anh không mặt mũi nào để quay lại. Nhất là nếu ly dị lần nữa anh sẽ phải trả tiền trợ cấp cho ba đứa con chắc "te tua" lắm!!! Hiểu được tâm trạng của anh, tôi liền bảo:

- James! Cuộc sống của anh cũng quá tuyệt mà. Bây giờ anh không cảm thấy quý nó nhưng biết đâu khi đã 70 hay 80 anh sẽ thấy rằng đây mới chính là thời gian đẹp nhất đời mình. Bởi vì hiện nay anh vẫn còn sức khỏe, vẫn còn đầy đủ một mái gia đình khi con cái vẫn còn ở cạnh.

Anh chỉ nhìn tôi cười buồn:

- Thì cứ hy vọng là vậy!

Ôi có biết bao kẻ như James trên cuộc đời này? Họ sống với vợ (hay chồng) của mình một cách miễn cưỡng, hời hợt nên chỉ cần một chút va chạm nhỏ xẩy ra là có thể đưa đến nhiều xung đột lớn. Nhưng họ vẫn không tài nào “dứt ra” được chỉ vì “đã lỡ” đứng tên chung với nhau cái nhà, cái xe và đàn con! Họ cứ phải đi song đôi với nhau nhưng mỗi người nhìn về một hướng, chả ai buồn nói với ai lời nào như đã hết tình, hết nghĩa với nhau rồi. Họ nghĩ giờ chỉ còn sống vì bổn phận và trách nhiệm để chu toàn cho một mái gia đình!!! Chỉ thế thôi.

Rồi cũng đến một ngày có một người sẽ “đi trước”. Kẻ ở lại giờ mới thấm mùi cô độc. Chẳng còn ai nữa để nghe càm ràm, chẳng còn ai nữa làm cho mình tức tối, bực bội. Một mình. Vâng! Chỉ còn lại một mình mình, đi suốt quãng đời còn lại cũng… một mình! Ôi cái người đã đi bên mình mấy chục năm trời ròng rã, giờ mình mới biết thương, biết quý thì đã quá muộn màn. Nên mới có những câu thơ thành bài hát xiết bao ân tình:

Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra đi
Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn …

Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết lụy người...
(Thơ Ngô Tịnh Yên, Trần Duy Đức phổ nhạc)

Người ta thường sống bằng kỷ niệm vì có lẽ kỷ niệm bao giờ cũng đẹp. Tôi cũng là một người đã từng sống với hoài niệm để nhớ về những tháng ngày cũ khi còn có đầy đủ một mái gia đình. Có lẻ không riêng gì tôi mà bất cứ ai mới bước chân đến Mỹ đều mang một tâm trạng na ná như nhau. Cái cảm giác thân xác ở bên này mà tâm hồn cứ để ở bên kia, ban ngày ở Mỹ nhưng ban đêm thì cứ mơ về Sàigòn với bao mộng mị, thật vô cùng khổ sở! Phải khó khăn lắm người ta mới có thể tạm quên được quá khứ của mình để làm-lại-từ-đầu tại vùng đất mới. Tôi biết có khá nhiều người đã không thể nào bước qua được chính mình nên họ cứ phải bay đi, bay về giữa hai bờ đại dương xa thăm thẳm để níu kéo quá khứ và vẫy vùng trong hiện tại!

Hạnh phúc luôn đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng liên tục! Một trong những triết lý sống của người Ấn Độ là “Những gì đã qua, cho qua”. Nội dung như sau:

Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.

Người ta thường ước mơ về hạnh phúc với nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con xinh, tiền tài danh vọng, địa vị xã hội đủ đầy. Nhưng thật ra những điều đó hoàn toàn không có giá trị vĩnh hằng và không có gì bảo đảm sẽ tuyệt đối. Chẳng có ai trên đời này mong cầu đau khổ! Nhưng nếu đường đời cứ suôn sẻ, êm đềm không chông gai thử thách thì làm sao rèn cho con người có được tính chịu thương, chịu khó và đức nhẫn nại, hy sinh. Chỉ có đi qua khổ đau người ta mới biết thương yêu những người cùng khổ. Chỉ có đã từng sống trong cảnh đàn áp, bất công thì người ta mới biết hết giá trị của sự tự do, dân chủ. Chỉ khi đã đối diện với chiến tranh, loạn lạc thì người ta mới hiểu hết ý nghĩa của hai chữ hoà bình...

* Và Khổ Đau

Dường như không phải chỉ có người nghèo mới khổ mà “người giàu cũng khóc”! Cái khổ không từ một ai! Từ hàng đế vương cho đến hạng cùng đinh thì mỗi người đều mang một nổi khổ khác nhau, không ai giống ai. Biển khổ thật mênh mông bất tận!

Con người phải đối diện với muôn vàn cái khổ trên cõi đời này. Khổ vì nghèo. Khổ vì bệnh tật. Khổ vì dốt nát. Khổ vì chồng (vợ) con. Khổ vì không con. Khổ vì đông con. Khổ vì thiên tai, đói kém, mất mùa. Khổ vì bị áp bức, bóc lột. Khổ vì đắm chìm trong dục lạc, cờ bạc, rượu chè. Khổ vì côi cút không cha, không mẹ, không anh em. Khổ vì nồi da xáo thịt. Khổ vì nước mất nhà tan. Khổ vì bom rơi đạn lạc. Khổ vì gia đình không hạnh phúc, con cái hư hỏng. Khổ vì tuổi già bệnh tật, neo đơn, nghèo túng… Lại thêm có cái khổ vì yêu mà phải chia lìa. Khổ vì ghét mà phải sống chung. Khổ vì mong cầu mà chẳng được. Khổ vì hy vọng bất thành. Khổ vì tán gia bại sản. Khổ vì nợ nần chồng chất. Có lắm người khổ vì quên, do bệnh lú lẫn của tuổi già nhưng lại cũng có người khổ vì nhớ! Mà càng già người ta càng nhớ nhiều, nhớ dai. Thế nên đã khổ càng thêm khổ!!!

Có những nổi khổ vì quên
Có những nổi đau vì nhớ
Có những điều cố quên vẫn nhớ
Có những điều cố nhớ lại quên
Khổ đau chất chồng bởi nhớ và quên (nbt)

Ôi! Còn biết bao nhiêu cái khổ khác trên đời này nữa, nên mới có câu: Hữu thân hữu khổ! Ngẫm chẳng sai chút nào! Với muôn vàn đau khổ vây quanh con người phải làm thế nào để hết khổ? Chính sự có mặt của Tôn giáo đã gian rộng đôi tay để cứu khổ cho muôn loài. Có khá nhiều tôn giáo đang hiện diện trên thế giới này và mỗi tôn giáo thường chiếm lĩnh một vùng lãnh thổ riêng biệt trên bình diện toàn cầu. Theo thống kê có bốn tôn giáo lớn trên hành tinh theo thứ tự sau:

- Kitô giáo: 2.1 tỷ người

- Hồi giáo: 1.5 tỷ người

- Ấn Độ giáo: 900 triệu

- Phật giáo: 376 triệu người

Vậy thì tôn giáo nào là tốt nhất. Kitô giáo ư? Hay Hồi giáo? Đức Đạt Lai Lạt Ma có lần đã phát biểu:

- Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất.

Đời sống tâm linh là điều gần như không thể thiếu được cho con người. Có lẽ chính vì thế mà ở Mỹ nhà thờ cũng nhiều ngang như trường học?! Tại một đất nước giàu có bậc nhất hành tinh này tưởng như giá trị của con người chỉ được đong đo bằng vật chất; nhưng thật ra cuộc sống càng văn minh, càng tự do thì người ta càng cần có một đức tin mạnh mẻ để nương tựa và quay về.

Tôi từng biết có rất nhiều vị Bác Sĩ đã giã từ thiên chức của mình để dấng thân vào con đường phục vụ nhân sinh qua chiếc áo thụng của các vị Linh Mục hay chiếc áo cà sa của những Nhà Sư… Thoạt đầu, tôi rất ngạc nhiên và tự hỏi tại sao họ lại từ bỏ sở học của mình trong khi có biết bao con bệnh đang ngày đêm cần đến bàn tay chăm sóc của họ? Phải đến khi đã hiểu Đạo và hiểu Đời tôi mới biết rằng một người Thầy thuốc có thể chữa được thân bệnh nhưng họ không thể nào chữa lành được tâm bệnh cho con người! Mà trong khi đó có rất nhiều những nổi đau của thân bắt đầu từ tâm. Nếu biết cách chữa cho tâm được yên ổn, bình an thì ắt thân sẽ khỏe và người ta sẽ biết cách sống tốt hơn. Người Bác sĩ có thể trị được bệnh cho tha nhân nhưng đứng trước cái khổ của chính mình đôi khi họ cũng phải đành…. bó tay!

Hơn thế nữa làm thầy thuốc có thể chữa được một số người nhất định trong một phạm vi nhất định nhưng lời nói của một đấng chăn chiên hay của một vị lãnh đạo tinh thần có thể cứu vớt hàng triệu triệu sinh linh ra khỏi vực thẳm của khổ đau! Trong một dịp hết sức tình cờ, cô bạn đồng nghiệp đã có lần hỏi tôi:

- Tôn giáo của you là gì?

Tôi hơi bị bất ngờ. Có lẻ cô ta tò mò vì thấy tôi là dân Châu Á hiếm hoi đang làm trong hãng hay chắc cô nghĩ tôi từ một nước Cộng Sản đến nên theo “vô thần giáo” chắc? Tôi cười và cho cô biết tôn giáo mà mình đang theo đuổi. Ngay lập tức cô liền hỏi tiếp, lần này thì có vẻ hốc búa hơn:

- Thế tôn giáo của you khuyên tin về điều gì?

Suy nghĩ giây lát tôi bèn trả lời thật chậm rãi:

- Tin vào chính mình!!!

Tôi đọc được cả một sự ngạc nhiên gần như sửng sốt từ người đối diện, không đợi cô phải hỏi tiếp, tôi đã giải thích cho rõ thêm:

- Tôn giáo của tôi dạy rằng nếu tôi làm một điều gì tốt tôi sẽ nhận được những điều tốt lành và ngược lại nếu như tôi làm điều gì không tốt tôi sẽ gặt lấy hậu quả khôn lường. Chính tôi sẽ là người tạo nên hạnh phúc và khổ đau cho chính cuộc đời tôi mà không phải bất kỳ ai khác.

Một thoáng nghi ngờ hiện trên gương mặt cô. Tôi lại phải nói cặn kẽ hơn:

- Nếu tôi làm một điều gì đó tốt cho bản thân hay cho cộng đồng, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc và ngược lại nếu như đi cướp của, giết người thì tôi sẽ bị luật pháp trừng phạt. Không ai có thể ngồi tù thay cho tôi cả. Chính tôi là kẻ duy nhất có trách nhiệm với mọi hành vi của mình. Do đó tôi phải biết sống tốt và làm đúng!

Gương mặt của cô đã có phần giãn ra đôi chút. Tôi thêm vào ngay:

- You có định hỏi tôi làm thế nào để biết mình sống tốt và làm đúng không??! Xin trả lời luôn rằng gia đình, trường học và xã hội sẽ dạy chúng ta những điều đó nhưng đặc biệt hơn hết chính tôn giáo sẽ giúp cho chúng ta biết cách sống hướng thượng và thoát khổ!

Lần này cô đã cười thật tươi như đồng ý với tôi. Thật vậy! Tôn giáo chính là ngọn đuốc soi đường và những người hướng dẫn tâm linh đã trao ngọn đuốc đó vào tay chúng ta. Bổn phận của mỗi người chúng ta là cầm lấy nó và phải biết vận dụng trí tuệ sáng suốt của mình để tìm một quang đạo mà bước ra bể trầm luân này.

*
Trong cái khoảnh khắc không đầu không cuối của thời gian, con người đã lần lượt đến rồi đi trong cuộc đời này một cách hết sức chóng vánh. Mới thấy đó rồi mất đó!

Tôi cũng là một con người bình thường với những hạnh phúc và khổ đau rất bình thường đang có mặt hơn năm mươi năm qua trên cuộc đời. Tôi rồi cũng sẽ ra đi như biết bao nhiêu người đã giã từ cõi tạm này. Cũng sẽ chẳng còn ai nhớ đến tôi, một người đã từng gắn bó với thế gian; đã trải qua đủ hết những hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si để rồi ra đi với hai bàn tay trắng cùng những nghiệp lành dữ khác nhau. Tuyệt nhiên, không ai biết tôi sẽ đi về đâu. Tôi cũng chẳng biết mình sẽ trôi lăn vào chốn nào. Nhưng! Dù sẽ về bất cứ nơi đâu thì tôi vẫn thật mong rằng vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình tôi sẽ nở một nụ cười thật toại nguyện để cám ơn những hạnh phúc, cám ơn cả những khổ đau đã giúp tôi vững vàng bước qua kiếp nhân sinh này.

Nguyễn Bích Thủy

No comments:

Blog Archive