Tôi đọc Những Mảnh Vụn
"Nhà Bè nước chảy chia hai,Ai về Gia Định Đồng Nai thì về"
Nhà Bè nước chảy chia hai là vùng đất có liên quan đến tác giả Tiểu Tử của tác phẩm "Những Mảnh Vụn".
Tác giả tên là Võ Hoài Nam, trước năm 75 ông là Giám đốc kho xăng Shell Nhà Bè. Sơ lược về nhà văn Võ Hoài Nam thì ông sinh quán tại quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, ông là con của nhà cách mạng chống Pháp và cũng là nhà giáo Võ Thành Cứ của tỉnh Tây Ninh.
Ông Võ Hoài Nam du học tại Pháp, tốt nghiệp ngành kỹ sư, năm 1955 ông về nước đầu tiên nhận nhiệm sở dạy học tại trường trung học Petrus Ký. Rồi vào làm việc cho công ty Shell từ 1956.
Sau ngày 30-04-75 ông bị kẹt lại tại quê nhà, ông đã chứng kiến những thảm cảnh đất nước suy đồi, những giá trị xã hội đảo lộn, nền luân lý tan hoang, khi được sang Pháp định cư với vợ con, ông dành khoảng đời còn lại để ghi nhận đoạn đường mà ông đã đi qua dưới bút hiệu khiêm cung là Tiểu Tử.
Tác phẩm "Những Mảnh Vụn" như một mảnh vải mosaic chắp nối, vá víu bởi những mảnh đời oan khiên, chua xót dưới chế độ CSVN. Để giới thiệu tác phẩm của Tiểu Tử, VH xin chia xẻ nét bút truyện kể thật đau lòng, thật thấm thía trong tác phẩm mosaic này.
Sách dầy 240 trang, gồm có 19 truyện ngắn, mỗi truyện tác giả kể một đề tài khác nhau làm say mê người đọc. Những chuyện ngắn được góp nhặt đã xảy ra cho chính bản thân ông và những người xung quanh. VH xin dẫn chứng qua các bài như "Tô Cháo Huyết", "Xíu", "Cái Loa", "Ông Già Ngồi Bươi Đống Rác" và "Người Bán Liêm Sĩ",... Những chuyện thật trong đời sống mà tác giả Tiểu Tử Võ Hoài Nam viết như chứa đầy tính chất nuối tiếc những giá trị tinh thần về đạo đức xã hội, và những cội nguồn căn bản của những tình tự dân tộc. Trong cái bình dị mà văn chương ông viết thể hiện những khát vọng về một quê hương đã bị đánh mất qua các mẫu người trong xã hội dưới chế độ CSVN mà VH xin đan cử chuyện đầu tiên:
1."Tô Cháo Huyết": Tác giả kể về lòng tốt của thím xẩm bán cháo huyết trong giai đoạn CSVN bần cùng hóa nhân dân. Trước 75 tiệm cháo của thím buôn bán khấm khá mà tác giả và gia đình thường ghé ăn. Sau ngày "giải phóng", thím đã thật sự "cách mạng" bỏ tiệm lớn vì chiến dịch đánh tư sản mại bản chỉ còn bán cháo trên vĩa hè. Nhận ra khách quen thuộc thím xẩm vui mừng trò chuyện và mời ăn cháo. Tác giả bị dằn vật bởi 2 hiện tượng "đói" và "thèm", thím xẩm lại ân cần mời mọc. Ông ngại ngùng khi thú thật là ông không có tiền, thím xẩm nói là bà sẵn lòng bán thiếu chịu khi nào có tiền thì trả. Tác giả khởi sự húp cháo thì thím đẩy tới một diã "dầu cháo quẩy" và thím nói: "Đây là tôi cho thầy hai, không tính tiền đâu". Tác giả từ chối, bà nài nỉ ép ông ăn tự nhiên. Tác giả nghẹn ngào rơi lệ khi húp cháo và ông kết luận đây là tô cháo đầu tiên trong đời ngon vì đậm đà hương vị đầy tình người.
2. "Xíu": Đây là chuyện tình buồn của nàng "A Xíu" người gốc Hoa và chàng Bảy Cần Thơ được tác giả kể lại trong mảnh vải mosaic dang dở, buồn tênh. Bảy có gốc gác Cần Thơ lên Sài Gòn làm lính bộ Tổng Tham Mưu. Những ngày trước 75 anh hay đến mua cà phê xay ở tiệm của A Xíu. A Xíu là một á xẩm lớn lên tại Việt Nam, nàng có tên thật đẹp là Trịnh Tiểu Mi, dù Tiểu Mi hay A Xíu đều cho thấy âm vang của nét dễ thương, nhỏ xíu…. Họ quen nhau và rồi thương nhau. Những buổi hẹn hò họ thường đạp xe đạp dạo quanh phố Sài Gòn để đong đầy những kỷ niệm bên nhau. Một hôm A Xíu đề nghị Bảy hai đứa đi chung một chiếc xe đạp thôi cho tình hơn, nghĩa là anh đèo chị. Thế là Bảy thành lơ xe chở Xíu ngồi đằng sau. Họ hạnh phúc bên nhau, họ tận hưởng tình yêu như thế.
Khi CS tràn vào xâm chiếm miền nam diễn ra. Gia đình Xíu bị đánh tư sản mại bản, nhà cửa bị khám xét, cửa hàng cà phê bị dẹp. Để sinh tồn người mẹ và A Xíu phải bán dầu cháo quẩy và bánh tiêu bên vệ đường. Khi CS tung ra chính sách đổi tiền thì cuộc sống người dân tiếp tục khó khăn hơn và người Hoa bị trục xuất.
Một bữa nọ A Xíu hẹn Bảy ra gặp khẩn tại công trường Tháp Rùa trên đường Duy Tân. Xíu buồn bã muốn Bảy chở đi thăm phố phường Sài Gòn lần cuối, nàng khóc và thố lộ là gia đình nàng sẽ vượt biên tối hôm đó. Bảy chở Xíu đi hết những nơi mà họ đã hẹn hò, ôn lại những kỷ niệm in dấu hai người. Bảy và Xíu đi trong hoang mang, trong nuối tiếc, Bảy cảm thấy áo phía sau mình ướt đẫm vì người yêu của anh đang áp mặt vào lưng anh thầm khóc. Xe dừng trước nhà giả từ, Xíu và Bảy cảm thấy bịn rịn, quyến luyến nặng đôi chân trong phút chia ly.
A Xíu vượt biên từ bờ biển Đông, Bảy được biết thời gian đó bão lớn, tàu chìm nhiều, chàng lo lắng cho số phận nàng. Để rồi ngày ngày chàng đạp xe đạp quanh Sài Gòn tìm về kỷ niệm xưa. Một mảnh tình vụn nhỏ xíu như vậy mà chế độ mới cũng lấy đi. Đó là mảnh đời bất hạnh của tuổi trẻ Việt Nam sau 75 tạo nên mosaic tình mãi xót xa.
3. "Cái Loa": Gia đình ông Năm ở vùng Cây Quéo, nhà ông có vườn cây ăn trái sum sê. Phía trước nhà có hàng vú sữa sai trái. Đây là nguồn huê lợi của gia đình vì vú sữa vườn nhà ông là loại thật ngọt, sữa nhiều và cơm dòn, người ta mua bằng cách đặt cọc trước mỗi mùa. Từ khi bà Năm qua đời, chiều chiều ông Năm hay ra trước nhà nằm trên võng hóng gió để nhớ bà Năm. Vì khi sinh tiền bà Năm đã săn sóc, gầy dựng nên hàng cây sai trái này.
Ngày hổn loạn tháng 4 năm 75, con cháu ông vượt biên ra đi ông ở lại với mảnh đất quê hương, nơi có mồ mả bà Năm. Đoàn quân CS đã tiến chiếm quê hương, để nhồi sọ dân chúng miền nam ở mọi hang cùng, đầu hẻm, góc phố loa tuyên truyền được thiết trí nơi nơi. Họ cho treo loa lên cành cây vú sữa nhà ông Năm.
Sự ồn ào của loa phóng thanh khiến ông Năm bực tức lên khóm phường khiếu nại, người ta chỉ ông đi hàng ngang, hết cửa này đến cửa kia. Cuối cùng người ta mách ông nên theo hàng dọc, nghiã là lên quận làm đơn khiếu nại. Cán bộ huyện cho người dời loa từ cây vú sữa nhà ông sang cột đèn đối diện nhà, nghiã là âm vang phát thanh khi xưa phát từ hướng nhà ông tỏa ra, bây giờ âm thanh lại chĩa thẳng vô nhà ông. Ông lại lên huyện khiếu nại. Cán bộ CS giải thích loa đặt trên cây vú sữa trong vườn nhà ông là đất của ông, nên huyện cho dời. Bây giờ loa nằm trên cột đèn, trên viã hè của huyện nên đơn ông khiếu nại bị bác. Từ đó về sau ông Năm nằm hóng mát trên võng trước nhà, ông nhét hai cục bông gòn vào lổ tai để không bị phiền nhiễu về những bản tin nặng phần tuyên truyền thêu dệt, phóng đại mà dân chúng không muốn nghe.
Rồi một ngày kia ông Năm bị bịnh thúi tai. Sách không cho biết bịnh thúi tai có phải do các bản tin thúi tha của nhà nước hay không. Có lẽ hỏi tức là trả lời vậy.
4. "Ông Già Ngồi Bươi Đống Rác": Ông già tuổi hơn tám mươi, có hàm râu bạc như "bác Hồ" ung dung bươi đống rác vĩ đại trong thành phố vốn là "Hòn Ngọc Viễn Đông", ông thản nhiên lục lạo tìm kiếm cái gì đó trong đống rác với cây gậy trúc, thỉnh thoảng ông lẩm bẩm những điều trách cứ mà người ta cho ông là ông lão điên.
Tìm hiểu sâu xa hơn về ông già này thì người ta được biết trước 75 ông là một thương gia giàu có và ông quen nhiều viên chức chính quyền quyền thế.
Năm 75 ông từ chối di tản ra xứ ngoài dù là vợ con ông ở Pháp, ông tin tưởng vào bọn CS bởi vì vào thời gian trước ông đã giang tay cưu mang, lén lút chính quyền miền nam che dấu chúng. Ông có căn biệt thự to lớn trên Đà Lạt, nơi đây ông cho các viên chức chính quyền là những tướng tá, bộ trưởng mượn làm nơi nghỉ ngơi khi họ ghé Đà Lạt du lịch. Các nhân viên phục dịch trong căn biệt thự này toàn là đám VC nằm vùng mà ông chứa chấp.
Ngày "Cách Mạng" về ông bị đánh tư sản mại bản và bị ngồi tù "cải tạo". Ngày ngày ông đi bươi đống rác vĩ đại thúi tha của thành phố để truy tìm của những con chuột xưa đã vô ơn biến Sài Gòn như đống rác. Lũ chuột bây giờ ở đâu mà chuột mãi trốn ông?
Văn của Tiểu Tử là như thế, thâm độc như thuốc nổ TNT, nghe như phá tan thành trì CSVN. Câu chuyện trích dẫn sau cùng mà anh bạn tôi là bác sĩ Đỗ Văn Học, tức nhà văn Tâm An rất "phê" hay đắc ý.
Sống dưới chế độ CSVN thì cái gì người ta cũng bán. Người ta bán vợ bán con, bán máu của chính mình, hòm khi chôn người chết xong người đào lên vất xác chết đi mang hòm về bán lại cho người khác. Người ta bán của gia bảo của tiền nhân, báu vật trong bảo tàng viện quốc gia, bán đất đai, bán bờ cõi cho ngoại bang,... bán đủ thứ bán,... sản phẩm trừu tương nhưng cao quý cũng bị bán hết như bán nhân vị, bán nhân cách, bán danh dự và... bán liêm sĩ. Mà phàm là con người không có liêm sĩ và thể diện chẳng khác nào súc vật.
Nguời ta còn nhớ vị đại diện cho CSVN Lê Văn Bàng, đại diện cho cái nhóm từ ngữ được gọi là nước "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà" đi chơi biển ăn trộm sò lông vùng New England, cảnh sát Mỹ chận xét hạch hỏi giấy tờ, y giả bộ ú ớ không biết nói tiếng Anh. Đến khi cảnh sát đòi giải giao về trụ sở điều tra thêm. Khi đó viên đại sứ bất chấp liêm sĩ bèn xuất trình giấy tờ về quyền đặc miễn ngoại giao.
Qua câu chuyện trên thì bài sau đây mà nhà văn Tâm An có lý do thích thú câu truyện qua ngòi bút của nhà văn Tiểu Tử cho thấy chuyện về CSVN luôn luôn có sự tương đồng về mặt tiêu cực.
5. "Người Bán Liêm Sĩ": Ông X. là viên chức làm cho hãng tư nên ông nghĩ không có dính líu với chế độ VNCH, nên ông từ chối không di tản. Vì CS cũng là người, nếu giết hết thiên hạ thì CS ở với ai. Thời điểm trước ngày 29 tháng tư năm 75 ông thấy sự suy nghĩ của mình rất có lý.
Sau 75 khi "Giải Phóng" vô thì ông thật sự mở mắt khi tâm sự với tác giả. Nếp sống khá giả khi xưa của ông bị suy đồi. Bà X. đi làm cho tổ hợp, hai đứa con nhỏ nhất nhà cũng phải phụ gia đình kiếm tiền. Ông nghĩ luyến tiếc vì cả đời ông sống cho hai chữ liêm sĩ, nên bây giờ ông thiệt thòi, mà ngó đi ngó lại ông chẳng còn gì quý báu để bán ngoài hai chữ này.
Ngày gia đình ông cùng kiệt ông muốn đem bán đi chiếc xe đạp của ông làm chân, ông nghĩ ra kế kiếm tiền. Ông ra góc phố đầu đường nhà ông có thằng nhỏ trạc 12 hay 13 tuổi sửa xe đạp, ông đậu xe đạp lại và trưng bảng "Bán xe đạp". Lòng ông chua chát khi nghĩ trị giá liêm sĩ còn thua chiếc xe đạp sao mình không bán phức đi cho rồi. Thế là ông X. chơi ngông viết lại bảng khác là "Bán cái liêm sĩ bảo đảm 20 năm không sứt mẻ". Ông xin đứng chung khu đất của chú bé sửa xe đạp vì có đông khách hàng vãng lai, qua lại. Chú bé vá xe đạp ngạc nhiên hỏi sao ông già bán cái liêm sĩ là hàng gì lạ thế. Ông X. ngập ngừng trả lời cho chú bé biết là cái mà ai cũng bảo vệ, quý trọng hết. Chú bé liên tưởng cái liêm sĩ rất xịn và quý giá như hột xoàn. Chú bé hồn nhiên trả lời ông X:
- "Từ cha sanh mẹ đẻ cháu chưa nghe nói tới cái liêm sĩ bao giờ...".
Ông X. chờ bán cái liêm sĩ mãi cho tới khi mặt trời lên cao thì một ông lão râu tóc bạc phơ mang xe đạp lại nhờ chú bé sửa cái thắng. Chú bé bèn giới thiệu ông X. và ông khách làm bạn trong khi chú sửa xe. Ông khách mời ông X một điếu thuốc rê và hai ông phì phà tán gẫu về vụ "bán liêm sĩ". Đoạn ông khách nói với ông X. là:
- "Ông bạn à. Tôi nghĩ ông bạn còn chút liêm sĩ nên dẹp tấm bảng bán liêm sĩ của ông đi. Chỉ có phường khoe khoang, khoác lác rằng ta có lương tâm, có đạo đức, có liêm sĩ. Sự thật họ không có gì hết. Bởi vì bọn vô liêm sĩ đó đã từ lâu chà đạp mọi giá trị tinh thần con người, đã chối bỏ truyền thống đạo đức của ông bà mình để lại từ không biết mấy ngàn năm".
Ông X. gật gù tán thành và ông khách rít một hơi dài thuốc rê rồi bàn tiếp, giọng ôn tồn nói:
- "Ông bạn à. Tôi tin là ông bạn là người có liêm sĩ. Trực giác cho tôi thấy như vậỵ Bây giờ đem bán cái liêm sĩ, ông bạn thấy đó là hành động của phường vô liêm sĩ không? Bây giờ giả dụ ông bạn có bán được cái liêm sĩ, ông bạn sẽ "trắng tay". Không còn liêm sĩ nữa thì ông bạn sẽ thành cái gì?".Ông khách trả lời thành từng tiếng một để kết thúc câu chuyện:
- "Ông bạn sẽ là thằng vô liêm sĩ".
Lời Kết:Sách còn nhiều truyện hay khác, nhưng trong khuôn khổ hạn hẹp của bài điểm sách này chúng tôi chỉ trích ra vài mẫu chuyện tiêu biểu. Đọc "Những Mảnh Vụn" của nhà văn Tiểu Tử tôi hiểu và ngậm ngùi cho cái thèm một tô cháo huyết của VNCH, một tô cháo huyết có nhân vị, đầy tình người. Tôi hiểu những ẩn ý sâu xa mà ông gởi gấm trong tác phẩm này. Tiểu Tử viết phơi bày bộ mặt xấu xa, nhơ nhớp của chế độ CSVN. Những mosaic của Tiểu Tử là những cái tát vào mặt chế độ CSVN, và là những mủi kim chích vào khối ung thư ác tính theo mô thức CSVN đã hoành hành trên đất nước Việt Nam.
Việt Hải xin chân thành giới thiệu tác phẩm "Những Mảnh Vụn" đến các văn thi hữu, các độc giả bốn phương thích văn chương Việt Nam, một tác phẩm văn chương bình dị nhưng đại chúng, chân thật trong nét phiếm của nhà văn Tiểu Tử. Liên lạc order sách qua email:tanq8@yahoo.com
Việt Hải, Los Angeles.
No comments:
Post a Comment