Monday, November 23, 2015

5 lưỡi kiếm có thể chặt đứt vòi bạch tuộc IS

Các chuyên gia nhận định để tiêu diệt tận gốc IS cần phải phối hợp nhiều biện pháp trên các lĩnh vực ngoại giao, quân sự, tình báo, kinh tế và tôn giáo.

Sau khi Pháp hứng chịu vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, và các quốc gia láng giềng đang bị đặt trong tình trạng báo động cao vì nguy cơ khủng bố, nhiều nước phương Tây mới nhận ra rằng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) không hề suy yếu sau hơn một năm liên quân do Mỹ đứng đầu thực hiện chiến dịch không kích liên tục ở Iraq và Syria, mà chúng thậm chí đang vươn vòi bạch tuộc sang châu Âu.

Các chuyên gia phân tích cho rằng thực tế này đòi hỏi các quốc gia phương Tây cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố, và họ đề xuất 5 lưỡi kiếm có thể giúp chặt đứt vòi bạch tuộc đang ngày càng vươn xa của IS, theo La Croix.

Lập liên minh chống IS duy nhất

Phát biểu trước quốc hội hôm 16/11, Tổng thống Pháp François Hollande đã lần đầu tiên khẳng định kẻ thù của Pháp ở Syria chính là IS, đồng thời khẳng định tất cả lực lượng có thể thực sự đấu tranh chống IS cần tập hợp lại trong một liên minh duy nhất.

Theo ông François d’Alançon, chuyên gia về an ninh quốc tế của NATO, để làm được điều này, các bên liên quan cần phải vượt qua được khó khăn lớn nhất hiện nay là sự khác biệt về quan điểm đối với tương lai Tổng thống Syria Bashar al-Assad và mục tiêu chiến dịch không kích tại Syria.

Tuyên bố của Tổng thống Hollande cho thấy tương lai của ông Assad không còn quan trọng đối với điện Élysee và Pháp từ nay sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran, hai đồng minh quan trọng nhất ủng hộ ông Assad.

Các cường quốc như Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia Arab, Iran hôm 14/11 đã thỏa thuận về lịch trình chuyển giao quyền lực tại Syria để lập ra một chính phủ chuyển tiếp trong vòng 6 tháng tới, hướng tới bầu cử tổng thống trong vòng 18 tháng.

Tăng cường can thiệp quân sự

Liên quan đến các hoạt động quân sự, ông Alançon nhấn mạnh rằng nếu Pháp và các bên liên quan vẫn giữ mức độ can thiệp như hiện nay, họ khó có khả năng xóa sổ hoàn toàn IS.

Để đáp trả lại các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào Paris, đêm 16/11 Pháp đã tiến hành một chiến dịch oanh kích mạnh mẽ nhất từ trước đến nay vào Raqqa, sào huyệt của phiến quân IS, với 24 máy bay tiêm kích ném bom.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các đợt không kích của Pháp và liên quân đến nay vẫn được đánh giá có hiệu quả rất hạn chế và cần phải được cải thiện về cường độ và chất lượng.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống IS vào ngày 19/9/2014, không quân Pháp đã xuất kích 288 lượt, trong đó chỉ có 8 lượt trên lãnh thổ Syria, chiếm 3,5% trong toàn liên quân, hết sức khiêm tốn nếu so với tỷ lệ không kích của Mỹ là 80%.

Về phía Mỹ, tuy có số lần xuất kích nhiều, có đến 75% trong số những lần cất cánh đó máy bay Mỹ không thả bom vì sợ gây thương vong cho dân thường.

Ông Alançon cho rằng để đối phó với các đợt không kích, phiến quân đã trà trộn vào dân thường, hạn chế liên lạc và di chuyển bằng xe bọc thép. Tình trạng này đòi hỏi liên quân phải tiến hành một chiến dịch can thiệp trên bộ, giải pháp mà đến nay không một quốc gia chống IS nào sẵn sàng thực hiện.

Tăng cường hợp tác tình báo

"Để đối phó với tổ chức khủng bố IS trong cuộc chiến phi đối xứng giữa một quốc gia với một tổ chức không có lãnh thổ và quân đội cụ thể, tình báo là chìa khoá của mọi thành công", ông Gilles Biassette, chuyên gia thuộc viện Nghiên cứu chính trị Paris (ESSEC), đánh giá.

Giám đốc CIA John Brennan nhận định các mạng lưới khủng bố hiện nay đều được huấn luyện bài bản và biết cách che giấu các hoạt động rất tốt. Để giám sát các phần tử thánh chiến từ Iraq và Syria trở về, các nước châu Âu cần phải có sự hợp tác nhịp nhàng về mặt thông tin, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, nước có chung biên giới với Syria, là nơi phiến quân IS thường xuyên xâm nhập.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng để tăng cường năng lực tình báo, các nước cần phải tăng ngân sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lực lượng an ninh và các cơ quan tình báo. Tại Anh, Thủ tướng David Cameron ngày 15/11 cũng thông báo ý định tuyển thêm 1.900 nhân viên cho các cơ quan an ninh như MI5, MI6, GCHQ.

Cắt đứt nguồn tài chính

Về kinh tế, chuyên gia về Trung Đông, giảng viên đại học Mohyla tại Kiev, Alain Guillemoles cho rằng để làm suy yếu tiến tới tiêu diệt tận gốc IS, điều kiện tiên quyết là phong tỏa và cắt đứt các nguồn thu tài chính dồi dào của chúng.

Theo hai nhà nghiên cứu Jean Charles Brisard và Damien Martinez, phiến quân IS có tiềm lực tài chính rất mạnh với thu nhập hàng năm lên đến 2,9 tỷ USD. Số tiền này đến từ các hoạt động như buôn bán dầu mỏ, buôn lậu cổ vật, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc và đánh thuế người dân sống trong khu vực kiểm soát, trong đó buôn lậu dầu mỏ là lĩnh vực sinh lợi nhiều nhất, chiếm tới 55% nguồn thu.

"Việc cắt đứt các nguồn tài chính này là hoàn toàn khả thi. Các chiến đấu cơ của đồng minh có thể oanh kích phá hủy các xe chở dầu của IS ", ông Guillemoles cho hay.

Một nguồn tin ngoại giao giấu tên tiết lộ với tờ Le Monde rằng Pháp từ lâu đã ủng hộ biện pháp này, nhưng Mỹ lại phản đối vì sợ gây thương vong cho các tài xế, hầu hết là người Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ. Nhưng sau làn sóng khủng bố vừa rồi ở Paris, Nhà Trắng đã thay đối quan điểm. Trong ngày 15/11, các chiến đấu cơ của Mỹ đã phá hủy 116 xe chở dầu của IS.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia trung chuyển chủ yếu, có thể áp dụng biện pháp quyết liệt như đóng cửa biên giới, không cho các xe bồn chở dầu chạy qua. Biện pháp này sẽ là thước đo thể hiện sự quyết tâm của Ankara trong cuộc đấu tranh chống khủng bố IS.

Hóa giải tư tưởng Hồi giáo cực đoan

Những năm gần đây, hàng nghìn người châu Âu đã tới Syria chiến đấu cho IS sau khi trở nên cực đoan vì bị đầu độc bởi các luận điệu đầy thù hận trên Internet, bị ảnh hưởng từ các giáo sĩ, hay tiếp xúc với khủng bố trong nhà tù.

Theo ông El Difraoui Asiem, chuyên gia về jihad thuộc đại học Lyon, để giải độc hoàn toàn tư tưởng này cần phải áp dụng nhiều biện pháp phối hợp như trợ giúp xã hội, tư vấn tôn giáo, huy động các chuyên gia tâm lý, tâm thần và cuối cùng mới là các biện pháp giám sát an ninh.

Các chuyên gia đánh giá nước Pháp đã bị chậm trễ trong vấn đề này đến 10 năm so với Đức, Anh và 15 năm so với các nước Bắc Âu.

Chẳng hạn hiệp hội Wegweiser ở Đức thành lập các văn phòng đối diện đền thờ Hồi giáo trong các khu phố bình dân, với thành viên là các nhân viên xã hội theo đạo Hồi được Bộ Nội vụ trả lương, và các tình nguyện viên. Họ thường xuyên cảnh báo cho cộng đồng về mối nguy của jihad tại các nơi cầu nguyện, trường học, câu lạc bộ thanh niên.

Tại Anh và Hoà Lan, chính quyền không ngần ngại nhờ đến những nhà thuyết giáo, với những bài giảng đạo khác hẳn những kẻ tuyển mộ quân thánh chiến.

Các chuyên gia phân tích cho rằng khi kết hợp cả 5 lưỡi gươm trên, phiến quân IS sẽ nhanh chóng bị chặn đứng và lụi tàn, cũng như không có cơ hội hồi sinh trên mảnh đất chiến sự. Nếu phương Tây và các đối tác không quyết tâm thực hiện các biện pháp đó, họ sẽ không bao giờ thành công trong cuộc chiến chống IS.

"Để giải quyết vấn đề này, các biện pháp an ninh đơn thuần sẽ không đem lại bất cứ hiệu quả nào", Olivier Talles, bình luận viên về Trung Đông của La Croix, nhấn mạnh.

No comments:

Blog Archive