Saturday, November 7, 2015

DARWIN CỬA NGÕ Á CHÂU CỦA AUSTRALIA
16 NĂM SAU TRỞ LẠI THĂM ĐA QUỲNH.

LHXung


Năm 1994, lần đầu tôi lên Darwin để vừa thăm một người bạn, và cũng để biết một thành phố cực Bắc của Úc Châu. Một thành phố đơn độc, cách xa các thành phố lớn khác tính ra ít nhứt cũng từ 3 ngàn cây số trở lên và cách Singapore chỉ có 3350 km.

Năm đó, tôi đi đường bộ bằng xe bus, Melbourne tới Adelaide cách 500 km. Chiều hôm sau xe bus bắt đầu con đường thiên lý Adelaide tới Darwin hơn 3000 km một chút; phải mất 2 đêm 1 ngày mới nuốt hết con đường dài hoang vắng, thẳng tắp băng ngang Sa mạc Simpson Desert nầy.



Từ Adelaide chạy theo hướng Bắc tới thành phố Port Augusta, một thành phố chuyên về sắt thép kỹ nghệ nặng như Wollongong và NewCastle của Sydney. Và từ Port Augusta cũng tiếp tục chạy thẳng lên phía Bắc trên xa lộ duy nhứt Bắc Nam có tên là Stuart Highway. 

Khuya đêm đó xe dừng lại ăn uống một chút tại khu phố mỏ Opals có tên là Coober Pedy, cách Adelaide 850 km, coi như là ở nửa đường Adelaide và Alice Springs. Khu phố nhỏ nầy rất nổi tiếng ở Úc được mệnh danh là “Opal capital of the world”, bởi vì opals sản xuất ở đây thuộc loại quí nhứt thế giới. 

Coober Pedy không những chỉ nổi danh về một nơi sản xuất ngọc thạch Opals và đặc biệt hơn nữa là khu phố nhỏ nầy với dân cư chưa đầy 2000 người, đa số đều sống trong những căn nhà nằm dưới đất, khoét sâu vô những sườn núi. Người ta gọi dân chúng ở đây là những người sống dưới mặt đất bằng cái tên là “Dugouts” (Người hang) bởi vì thời tiết sa mạc thật là khắc nghiệt, mùa Hè ban ngày thường xuyên nóng cháy da trên dưới 40 độ C và ban đêm hay mùa Đông thì mát mẻ hơn khoảng chừng 20 độ C. 

Một căn nhà hang (cave home) với phòng khách, nhà bếp và 3 phòng ngủ do nhà thầu đào vào sườn đồi (hillside) giá cả cũng tương đương với căn nhà cùng cỡ được cất trên mặt đất như nhà của chúng ta. Khu đất nầy toàn là đá ong, cho nên người ta khoét sâu vô sườn đồi không khó khăn lắm, tạo thành những căn phòng, tiện nghi như những căn nhà cất bình thường trên mặt đất. 

Vì thời tiết khu vực Coober Pedy nằm gọn trong vùng Sa mạc bao quanh nên nóng như thiêu, như đốt quanh năm và người ta sống dưới hầm cảm thấy mát mẻ, dễ chịu hơn.

Nhờ bận về khi xe tới Coober Pedy vào buổi sáng, đây là trạm dừng chân chót trước khi tới Adelaide dự trù vào chiều tối. Nên chúng tôi được ở lại Coober Pedy lâu hơn để hành khách có cơ hội xem qua các nhà hang và mua sắm ngọc thạch. Nhờ vậy mà tôi biết vài chi tiết rõ ràng hơn như những nhà thờ thật to nằm dưới lòng đất và đặc biệt hơn cả là nhìn thấy một cây (TREE) trụi lá duy nhứt, như những cây rụng hết lá vào mùa Đông. Nhưng thật ra cây trụi lá đó chỉ là cây giả (Art tree) được hàn bằng những thanh sắt với nhau, tạo thành hình thù một cây cổ thụ, đứng trơ trọi một mình trên một ngọn đồi, bơ vơ, khẳng khiu dòm xuống khu phố ngầm Coober Pedy.

Xe chạy cả đêm, đến sáng hôm sau thì tới Alice Springs, coi như là một thành phố nằm ở giữa trung tâm của nước Úc. Từ hướng Adelaide lên, khi còn cách Alice Springs chừng 200 km có một địa điểm nằm ngay ngã 3 tên là Erldunda Roadhouse, quẹo trái và đi thẳng 245 km nữa là vô tới Ayers Rock, HÒN NÚI ĐÁ ĐỔI MÀU, một kỳ quan du lịch có tiếng của Úc.

Nghỉ ngơi vài giờ tại Alice Springs, gần trưa lại lên đường và chạy suốt đêm không nghỉ, tới lờ mờ sáng hôm sau thì xe bắt đầu đi ngang qua các khu chợ nho nhỏ có ánh đèn phố xá rồi vào thẳng thành phố Darwin bằng con đường duy nhứt Stuart Highway.

Năm 1994, Darwin thật sạch sẽ không thua gì Canberra và Perth và dân số lúc đó chỉ chừng độ 90 ngàn thôi.

Darwin với cảnh tượng thật thanh vắng, êm đềm hơn cả các thành phố quê Ballarat, Bendigo, Geelong của Victoria. Lúc trên đường dài băng ngang một vùng sa mạc bao la, hiu quạnh, tôi cứ suy nghĩ miên man về Thổ Dân ngàn đời sống ở lục địa cô quạnh nầy và đông nhứt là chung quanh phía Bắc nên tôi có định kiến Darwin đã là một thành phố mà Người Thổ Dân sẽ tràn ngập. Nhưng đến nơi mới biết trong thành phố rất ít thấy Người Thổ Dân qua lại, không có cảnh Thổ Dân say sưa như ở vài chỗ Bắc Melbourne hay vùng RedFern, Sydney.

Năm nay, 2011, tháng 6 tiết trời Melbourne đã bắt đầu đi vào Mùa Đông với những buổi sáng và ban đêm thật lạnh, lạnh hơn những năm gần đây.

Tôi không có dự định đi đâu cả…
Nhưng đột nhiên, vào sáng ngày 19/6/2011 vừa qua, tôi lại tò mò dò la thử tìm tin tức về các chuyến bay đi Darwin xem giá cả ra sao ? Vì tôi chưa từng đi máy bay lên Darwin nên không biết thói quen của những chuyến bay ấy rất là đặc biệt hơn các tuyến đường khác.

Dò vào web Qantas thì giá vé quá đắt, vì có ăn uống trên máy bay. Tôi không để ý đến JetStar và chỉ tập trung vào Virgin Blue thì mỗi ngày đều có nhiều chuyến lên Darwin bằng cách bay dừng chân ở Perth hay Brisbane, đi cả ngày mới tới Darwin thì giá vé rất hạ, chỉ ngoài 200 đô thôi. Nhưng nếu muốn bay thẳng từ Melbourne đến Darwin thì phải đáp máy bay từ 1.45 sáng và mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay thẳng duy nhứt vào giờ nầy; giá vé thì hơi cao hơn các chuyến bay vòng qua Perth hay Brisbane. Tuy vậy giá vé so với Qantas thì chỉ chừng hơn phân nửa 1 chút thôi, dĩ nhiên là không được cho ăn uống gì cả.

Suy nghĩ một chút, tự dưng tôi quyết định mua vé đi thăm lại Darwin ít hôm; vừa để thay đổi thời tiết đôi ngày, vừa xem lại Darwin 16 năm sau đã đồ sộ ra sao rồi ?

Tôi mua vé khứ hồi có ngày đi và về nhứt định cho chắc ăn.
Chuyến đi là DJ 1457, khởi hành lúc 1.45 am và sẽ đến Darwin vào 5.45 am ngày 22/6/2011; với giá bận đi là 245 đô, kể cả 12 đô tiền hành lý cho 23 kgs.
Chuyến về là DJ 1464, khởi hành từ Darwin lúc 19.05 pm và về đến Melbourne là 23.45 pm, ngày 26/6/2011; với giá 275 đô tính cả 12 đồng cước phí hành lý.

Hai ngày sau đó tôi chỉ lo sắp xếp chút hành lý tùy thân và bận việc thường nhựt cả ngày nên tôi không mấy chú trọng đến tin tức NÚI LỬA Ở CHILE, Nam Mỹ.
Tôi loáng thoáng nghe tin khói bụi núi lửa ở Chí Lợi đã làm gián đoạn nhiều chuyến bay ở Hoa Kỳ và đến ngày 20, 21 thì bắt đầu ảnh hưởng các chuyến bay của Úc và Tân Tây Lan. Tôi bắt đầu để ý theo dõi vào ngày 21 thì chỉ thấy TV loan báo các chuyến bay đi Adelaide, Hobart và NZ bị tạm đình chỉ.

Tối 21/6/2011, 11 giờ đêm thì tôi có mặt ở Ga Southern Cross để đi xe Bus Shuttle ra phi trường Melbourne Tullamarine. Gần 12 giờ đêm, tới phi trường thì thấy vắng hoe, bước vào trong thì thấy một số khá đông các cô cậu thanh niên đang nằm la liệt ở trên các ghế dài và ở các góc phòng tương đối ít cản trở đường đi.

Tôi đi thẳng đến quầy kiểm vé thì một cô nhân viên hỏi tôi cần gì ?- Tôi nói tôi đi Darwin … thì cô cho biết các chuyến bay trên toàn nước Úc và NZ đã tạm đình chỉ, phải trở về nhà đợi đến khi bắt đầy bay lại thì họ sẽ thông báo. Họ khuyên phải thường xuyên xem tin tức trên Trang web của Virgin Blue và tuyệt đối đừng gọi vào vì tất cả tin mới nhứt đều được loan tin trên web của họ. Tôi hỏi vớt vát là độ chừng nào sẽ bay lại ? Họ trả lời làm tôi nhận ra là mình quá ngây ngô. Vì làm sao ai mà biết chuyện mây bụi núi lửa sẽ còn kéo dài bao lâu và tùy hướng gió nữa chứ !

Báo hại, tôi tiu nghỉu ra về, vì giờ đó không còn phương tiện công cộng xe lửa, hay xe bus nên tôi không đi xe bus shuttle để về lại City Melbourne. Tôi đành phải đi xe Taxi tốn khá bộn để về lại nhà. Tôi ngẫm nghĩ tự trách mình ham rẻ mà hóa ra mắc !

À quên, sau khi mua vé máy bay xong là tôi cũng đã đặt phòng ở khách sạn 5 ngày, bắt đầu ngày 22/6/11. Khi máy bay bị đình trệ, tôi vội về nhà gọi báo tin cho khách sạn biết và tôi định sẽ gọi lại khi tôi có chuyến bay mới.

Chờ hoài, từ sáng đến chiều mỗi ngày mà Virgin Blue không có gọi báo tin gì cả. Tôi xem Web của họ thì chỉ thấy có bay lại vài chuyến đi các nơi khác như đi Sydney và Brisbane. Nhưng chuyến đi Darwin thì vẫn thấy còn bị hủy bỏ. Vì gọi thử vào số họ cho mà gọi hoài đều nghe toàn là máy nhắn nên tôi đành phải nhờ con của tôi đi làm và nhớ gọi giúp thử xem sao ?

Đến trưa ngày 23/6/11 thì con tôi báo tin là đã gọi được Virgin Blue và họ đã ân cần đổi chuyến bay đi và về của tôi theo dự trù mà tôi đã ghi sẵn cho con tôi.
Tôi được đi chuyến bay lại đầu tiên là DJ 1457, cùng giờ như trước vào ngày 24/6/11 và sẽ về lại Melbourne bằng chuyến DJ 1464, cũng 19.05 pm ngày 28/6/11.

Thật là hú hồn ! Tôi vội báo cho Khách Sạn Darwin Central Hotel biết ngày thay đổi; nhưng họ bảo phải báo cho Wotif là văn phòng đại diện nhận tiền đặt khách sạn của tôi để họ sửa đổi như các chi tiết mới theo các chuyến bay. Tôi gọi Wotif thì họ kêu chờ để họ liên lạc với Darwin Central Hotel trước và sau đó họ cho biết khách sạn cho biết chỉ còn chỗ cho 4 ngày thôi, thay vì 5 ngày như tôi đã đặt phòng lúc trước. Họ sẽ trả lại tiền phòng 180 đô cho tôi để tôi mướn thêm 1 ngày ở khách sạn khác. Tôi đồng ý ngay ! Và khi đến nơi tôi mới biết thật ra mình không cần phải mướn thêm 1 ngày, vì 4 ngày thì tôi phải check out vào lúc 11. 45 am ngày 28/6/11 và tôi hỏi khách sạn thì được biết “thông lệ”là khách có thể check out xong và gởi hành lý lại cho khách sạn, giữ ở phòng hành lý thêm vài giờ đến cuối ngày. Nhờ vậy mà tôi được tự nhiên lấy lại 180 đô, khỏi mướn thêm 1 ngày nữa theo sự tính toán dốt của tôi.

Lần thứ 2 ra phi trường thì đã quá 12 giờ đêm mà thiên hạ vẫn thấy khá đông, từ từ có đến hơn 2 trăm không chừng, để đáp chuyên bay sớm nhứt trong ngày 24/6/11. Lần nầy thì tôi học được thêm một cái khôn của tuổi già là dám Check In bằng Internet và ra quầy chi cần đưa giấy “check in” in ra từ computer ở nhà và cân hành lý gởi là xong ngay. Kinh nghiệm cho sau nầy là mình check in ở nhà sớm thì sẽ có các ghế gần phía trước, khỏi phải ngồi xa phía đuôi.

Sau 4 tiếng đồng hồ, bay ban đêm nên ai ai cũng ngủ vùi. Tôi xuống phi trường Darwin, đúng theo lịch trình là 5.45 am, dòm lại giờ Melbourne thì Darwin đi sau 30 phút. Ngồi xe bus shuttle để vô Darwin là mặt trời đã bắt đầu nhô lên từ phía Tây, trời quang đãng, bắt đầu một ngày nắng ấm, không âm u giá rét như mới ngày hôm qua ở Melbourne của tôi có tiếng là 1 ngày với đầy đủ 4 mùa mưa nắng, nóng lạnh thật là bất chợt …

Tôi ngồi trên xe bus shuttle và tính thầm trong đầu là khi tới khách sạn tôi hỏi để gởi hành lý trước và tôi sẽ đi lang thang dạo phố để chờ đến 2 giờ chiều mới được check in. 

Không như các nơi khác mà tôi đã từng đi qua là thông thường thì 10 giờ, 11 giờ sáng là được check in rồi. Từ phi trườngDarwin vô thành phố độ chừng 15 phút thôi vì chỉ cách có 12 km. Nhưng loay hoay chờ xe shuttle và xe đưa khách đến nhiều khách sạn trước sau khác nhau. Nên hơn 7 giờ sáng tôi mới tới Darwin Central Hotel, nằm ngay trung tâm của Darwin, bước ra cửa là trung tâm thành phố ngay, thật là tiện lợi và giá cả cũng không đắt hơn các khách sạn khác. Ở nhà tôi cứ lo là mình tới sớm mà phải kéo hành lý đi ra phố tới 2 giờ pm thì kỳ quá; thời giờ chờ đợi check in quá dài làm gì cho hết đây?


Nhưng mà trời thường hay đãi những kẻ khù khờ ! Đã lấy lại được 180 đô rồi đó và khi vào phòng giấy khách sạn thì xin gởi hành lý là họ vui vẻ chấp nhận ngay và trong đầu tôi lại lóe lên một ý nghĩ là mình sẽ tham gia một day tour nào đó mà tôi thấy họ quảng cáo trong các tờ quảng cáo để ở phi trường. Tôi hỏi nhân viên khách sạn thì họ cho biết day tour loại kéo dài 6 tiếng, đi quanh quẩn trong và ngoài Darwin thì họ sẽ đón khách ở các khách sạn, cứ mỗi giờ là có 1 chuyến, không cần dặn chỗ trước.

Thế là tôi lại được trời đãi kẻ khù khờ nữa rồi. Thấy còn gần 1 giờ nữa mới có chuyến xe day tour, nên tôi ra phố tìm ăn sáng và quay lại khách sạn thì có xe day tour với giá 40 đô, kéo dài tới 2 giờ chiều thì cũng đúng là giờ được check in. Như vậy là mọi chuyện đều êm xuôi, đâu vào đó cả.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ là xe day tour nầy sẽ đưa mình đến những chỗ đặc biệt trong và chung quanh của Darwin, chắc mỗi nơi họ sẽ cho xe ngừng lại và hướng dẫn mình vào xem gì đó ?

Nhưng ngồi trên xe một chút tôi mới khám phá ra là anh chàng day tour nầy hơi mánh, chỉ là hơi mánh thôi, chứ không phải là lường gạt khách khù khờ từ xa mới tới. – Anh ta vừa lái xe vừa thuyết trình nhiều chi tiết về Darwin và anh nhấn mạnh đến 2 biến cố đã xảy đến cho Darwin là : NHỰT NÉM BOM DARWIN HỒI THẾ CHIẾN THỨ II; và CƠN BÃO TRACY ĐÃ QUÉT GẦN SẠCH DARWIN HỒI XMAS 1974.

Chiếc xe mini bus của anh ta khá cũ kỹ, nệm ghế cũ mèm, tạm sạch chút ít. Đặc biệt máy xe là máy dầu cặn và anh ta cho biết là anh đã tiết kiệm bằng cách chạy bằng dầu pha nhiều dầu ăn mà người ta chiên chips bỏ ra cho rẻ. Anh nói lúc nổ máy hơi khó, nhưng khi máy chịu nổ rồi thì xe chạy cả ngày cũng OK và đỡ tốn kém lắm ! Bên ngoài xe thì anh vẽ hình day tour với những con cá sấu và Kangaroo… rất ư là hoạt náo, giống mấy chiếc xe hoa đi dự triễn lãm!

Mỗi khi có thêm khách mới bước lên xe, thâu tiền xong là anh gạ chuyện, hỏi khách từ đâu đến ? Bất cứ nói là từ đâu tới thì anh cũng có vài chi tiết về địa phương đó để hỏi thăm và trao đổi cởi mở với khách. Nhứt là những khách từ Adelaide, Melbourne hay Brisbane thì anh ta tha hồ châm lửa giòn tan, thời giờ trôi xuôi thật nhanh, lúc nào cũng có những chi tiết khá hấp dẫn. 

Tới phiên tôi thì anh ta hỏi : Where are you come from ? – Vietnam ! (Đúng ra thì tôi phải trả lời là từ Melbourne đến, nhưng nhiều lần tôi hay trả lời sai về câu hỏi nầy) – 

Anh ta cho biết là anh ta chưa biết gì về VN, nhưng mà ngày mai thì ba của anh sẽ cho anh ta biết là anh ta và ông bố sẽ đi VN du lịch vào ngày nào và sẽ ở lại đó 3 tuần ? Tôi hỏi anh có biết ba anh dự trù sẽ đi những đâu không ?- Anh ta trả lời là chưa biết và sẽ biết vào ngày mai. Anh ta nói là anh ta đang hào hứng để chờ đi VN cho biết vì ông bố của anh ta là cựu chiến binh đã từng tham chiến ở VN. Tôi thật tình không biết chuyện anh sẽ đi VN du lịch có thiệt hay không hay chỉ là những câu chuyện bịa đặt qua đường cho vui thế thôi ?!

Như tôi đã nói là anh day tour nầy hơi mánh là vì- Anh chở khách tới những chỗ như Tòa nhà Quốc Hội Darwin, Tòa Án Darwin, Đường hầm chứa dầu WW2, Port Darwin, khu chợ phiên Darwin, Nhà tù cũ Darwin, Vườn Bách Thảo, Bảo Tàng Chiến Tranh, khu nhà sang trọng gần bờ biển v.v… Tại mỗi nơi anh ta dừng xe lại, hỏi ai có muốn vào xem thì xuống xe và anh ta hẹn độ 45 phút sau thì đứng ngoài cổng anh ta sẽ trở lại đón đi tiếp các chỗ khác. Cứ thế mà anh ta thả khách xuống và đón khách lên đi tiếp … anh ta chạy vòng vòng qua từng chỗ ghi trên cho đến 2 giờ là anh ta trả khách về các khách sạn là xong chuyện, chấm dứt day tour cái kiểu không có gì là day tour cả !

Chỉ buổi hôm đó là tôi tự khám phá ra ngay, những địa điểm du lịch day tour ấy là những chỗ chẳng đâu xa, chỉ quanh quẩn chung quanh khách sạn của tôi chẳng là bao xa, tản bộ 10, 15 phút là tới phần lớn những địa điểm đó ngay. Như Quốc Hội, Tòa án và Government House thì chỉ cách khách sạn của tôi độ hơn 5 phút đi bộ thôi. Tại vì mình từ xa đến không biết ất giáp gì cả nên mới bị cái anh day tour hơi mánh, vớt nhẹ mất 40 đô.

Tuy nhiên, cũng phải thành thật mà nói nhờ anh day tour đó mà giúp tôi nhanh chóng nhận ra những chỗ mà 16 năm trước tôi đã từng biết mà bây giờ đã đến nơi rồi, vẫn không thể nào nhận ra vì cảnh vật, nhà cửa chung quanh đã hoàn toàn thay đổi. Và cũng nhờ 6 giờ day tour đó mà tôi chẳng phải ngồi chờ đến mục xương không chừng để check in. – Quên nữa, riêng tôi thì tôi chưa có ý định gì để quan sát lại các nơi đó, nên đi qua chỗ nào tôi cứ không xuống, cứ ngồi lì trên xe qua lại các chỗ dừng chân nhiều lần, có lẽ cũng khiến cho anh day tour hơi mất hứng nên anh ta hỏi tôi: Do you want to sit on the car whole day? – Yes ! I just want to see in general first! – Fine!

Tuy nói vậy, ngồi hoài cũng nhàm, nghe anh lập đi lập lại một mớ chi tiết riết rồi phát chán phèo. Nên tôi phải chọn xuống xem một địa đạo mà lần trước tôi chưa biết qua. Con đường hầm dùng để chứa dầu hồi WW2, khoét sâu vào trong sườn đồi để tránh bom, phải mua vé vào xem hết 3 đô cho người già. Rồi lại ra đón xe chạy lòng vòng tiếp, tới hơn 12 giờ trưa là tôi không thể nào lì hơn được nữa, đành phải xuống đi bộ để kiếm gì ăn trưa. Ăn xong trở về khách sạn thì cũng gần tới giờ check in, thấy nhẹ nhõm, khỏe re!

Lên phòng nghỉ ngơi một chút là tôi xuống phố với mảnh bản đồ nhỏ mà khách sạn đã đưa cho khách để khỏi bỡ ngỡ vài giờ đầu. Nhờ anh tài xế Robert day tour mà tôi biết đôi chút và từ từ nhận ra thêm những gì mà tôi đã biết 16 năm trước về Darwin nên đã dạn dĩ dần.

Vùng phụ cận phía cực Bắc của Úc đã được Người Hòa Lan khám phá và vẽ bản đồ từ năm 1600 nên mới có các tên như Arnhem Land, Groote Eylandt (chữ Hòa Lan).

Nhưng mãi đến năm 1839, thuyền trưởng chiếc tàu HMS Beagle của Anh mới cho đổ bộ lên đất liền và đặt tên cho chỗ eo vịnh ghé tàu là Cảng Darwin (Port Darwin) để vinh danh ông Charles Darwin, một ngườì Anh đã cùng hải hành trên tàu Beagle trong chuyến thám hiểm trước.

Từ đó cảng Darwin có tên trên các bản đồ Âu Châu và là nơi cập bến của các tàu qua lại vùng biển giữa Indo và Úc. Năm 1869 Darwin được thiết lập thành một xóm nhỏ định cư cho 135 cư dân da trắng và dân số lớn dần theo lớp người đua nhau đến tìm vàng ở vùng Pine Creek.

Đến WW2 xảy ra thì Darwin đã có dân đông cỡ vài ngàn và vì là địa điểm chiến lược tiền đồn của Úc nên đã có chừng 10 ngàn quân đồng minh đã hiện diện để bảo vệ Darwin.

Vào 19 -2-1942, Darwin đã bất ngờ bị 188 máy bay Nhựt oanh tạc, đó chính là phi đội đã tấn công Trân Châu Cảng, Pearl Harbor của Mỹ ở Hawaii. Trong trận oanh kích bất ngờ đó đã gây tử thương cho 243 nhân mạng và gây tổn hại thật lớn lao cho Darwin.

Một thảm nạn thứ 2 mà du khách ai qua Darwin cũng được các tour guide nhắc đến là Cơn Bão dữ dội nhứt có tên là Cyclone Tracy, xảy ra đúng vào ngày Xmas 25-12-1974, gây thiệt hại 71 nhân mạng và coi như đã quét sạch 70% thành phố Darwin. Lúc đó dân số 43 ngàn mà phải dời cư lánh nạn đến 30 ngàn người, một cuộc di tản bằng không vận lớn lao nhứt trong lịch sử Úc.

Thành phố Darwin ngày nay so với 16 năm trước đã đổi thay nhiều đến độ từ phi trường tới trung tâm thành phố dài 12 km, trước kia vắng hoe toàn là bãi bùn dọc 2 bên đường với những cây như cây bần (Mangroves) của vùng Cà Mau của chúng ta. Nay suốt 12 km nầy nhà cửa xây cất khá liền nhau, xóa tan hình ảnh hoang sơ trước kia.

Càng gần vô Darwin, những căn nhà lầu khang trang là hình ảnh nổi bật đã góp phần cho thấy mức độ nhanh chóng lớn mạnh của Darwin. Darwin hiện đã bắt đầu trưởng thành không thua gì các đô thị mới lớn khác như Canberra và Perth chẳng hạn. Cụ thể nhứt là bên trong Darwin đang có những tòa nhà cao tầng mọc lên như những ngọn nấm khá cao. Hình ảnh một Darwin quê mùa, nhỏ xíu đã biến mất đã không còn dấu tích gì nhiều nữa. Các cần câu đang xây cất cũng nhấp nhô khắp nhiều địa điểm trong và ngoài trung tâm Darwin.

Darwin bây giờ dân số cũng chỉ có 124 ngàn, cho nên trung tâm Darwin cũng thu nhỏ ở những con đường chính bao bọc khu thương mại là:

- Đường Daly St. ở phía Tây Bắc
- Đường Mc Minn St. phía Đông Bắc
- Đường Mitchell St. phía Tây Nam
- Và Đường Bennett St. Đông Nam

Nhưng tựu trung thì chỉ có con đườngMitchell St. là nhộn nhịp nhứt , chính nhứt, sống động nhứt, ngày lẫn đêm. Nơi tập trung các sinh hoạt thương mại, các quán ăn, các hộp đêm và các chỗ cư trú tụ họp chính của dân Backpackers.

Nguồn lợi kinh tế của Darwin có thể nói là nằm gọn trong 2 lãnh vực Hầm Mỏ và Du lịch. Về hầm mỏ quan trọng là mỏ vàng, mỏ uranium và dầu, hơi đốt ngoài khơi biểnTimor mỗi năm huê lợi lên đến hơn 2 tỷ Úc kim. Ngoài ra nguồn lợi du lịch đã tạo công ăn việc làm cho dân địa phương đến 8% nhân dụng và một nguồn lợi tức khá lớn lao. Darwin có thể nói là nơi có nhiều Back Packers nhứt so với các thành phố khác. Nhứt là các tháng 11, 12 , 1 là mùa hái trái cây, luôn cần rất nhiều nhân công để thu hoạch kịp thời.

Phần lớn du khách đến Darwin không phải chỉ để biết di tích gì trong thành phố mà mục tiêu chính vẫn là đi xem phong cảnh bên ngoài Darwin như Kakadu National Park – Đi xem cá sấu nuôi ở các farms hay cá sấu sống ngoài thiên nhiên theo con sông Adelaide River- hay đi xem Katherine Gorge như những hồ nước mà chung quanh bao bọc bởi những vách đá sừng sững, cao đến mấy chục thước. Phần lớn các tours du lịch ra xa thành phố Darwin, du khách đều có dịp nhìn thấy những dấu tích, những họa hình của Người Thổ Dân đã sống lâu đời ở lục địa Úc Châu nầy. Những di tích lâu đời đến độ mấy chục ngàn năm, chứ không phải chỉ có mấy ngàn năm văn hiến như của Người Việt chúng ta thường hãnh diện quá đáng.

Riêng tôi, cả 2 lần đến Darwin đều gợi cho tôi những hình ảnh ruộng đồng, cây cỏ, chim muông rất quen thuộc với khung trời ruộng đồng thuở nhỏ của tôi. Nhứt là những vườn xoài, bạt ngàn, thẳng tắp. Tháng 6 nầy xoài đang rầm rộ trổ bông và đến tháng 9 thì xoài bắt đầu chín và công việc thu hoạch rất nhộn nhịp trong vòng 3 tháng, đến cuối tháng 12. Lúc đó Darwi hằng năm lại có đại hội ngộ các backpackers, hành nghề hái xoài vừa độ nhựt, vừa lang thang rong chơi khắp vùng trời xa lạ Top End của Úc.

Qua những hình ảnh sống động, thân quen của vùng phụ cận Darwin khiến cho tôi liên tưởng và cảm thấy như được về rất gần một mảng trời thân quen nào đó của Hậu Giang quê nhà. Thấy lại những đàn cò trắng, le le, chằng bè, vịt nước từng đám đông nghẹt, chim còng cọc lặn bắt cá trên dòng nước đục như nước phù sa của Miền Nam ta, rau dừa, rau muống đồng, bông súng, đầm sen hoang dã nở bông đó đây thật tươi thắm, êm đềm.

Tour 1.
Ngày 25-6-11, tôi chọn day tour trọn ngày để đi xem Kakadu National Park. Xe khởi hành từ 6 giờ 30 sáng, đón ngay tại khách sạn.

Tour nầy kéo dài cả ngày, đến 7.30 tối mới trở về Darwin do hãng xe bus du lịch AAT Kings với giá 240 đô, bao gồm một buổi ăn trưa theo lối Buffet- ăn hết lấy thêm.

Từ Darwin tới Kakadu National Park hơn 250 km và xe chạy theo Stuart Hwy theo hướng Bắc Nam và tới ngã ba Humpty Doo, cách Darwin 35 km thì xe rẽ trái sang Arnhem Hwy chạy thẳng về hướng Đông và khi đến một nơi cách Darwin hơn 130 km thì xe dừng lại cho hành khách ăn sáng tại một trạm quán có tên là Bark Hut Inn, nơi xa lộ Arnhem Hwy băng ngang con sông Mary. 

Buổi sáng mặt trời đỏ au, thật to, nhô lên khi ẩn khi hiện qua các tàng cây thật đẹp; hơn 12 giờ trưa thì đến địa điểm Kakadu. Đầu tiên xe dừng lại ở một nơi có tên là Nourlangie Rock. Du khách xuống xe đi bộ vài trăm thước là tới một núi đá màu đỏ như đất đỏ ở Ban Mê Thuột vậy. Du khách được hướng dẫn vô xem thật gần những dấu tích thời xa xưa của Thổ Dân gọi là Rock Art. Những hình vẽ về con người, về sinh hoạt nhảy múa, về các hình vật quen thuộc của đời sống thiên nhiên lâu đời của Thổ Dân như các con Kangaroo, con cá, con kỳ đà, con sấu … vẫn còn thấy khá rõ nét, biểu lộ sự văn minh đặc thù của Thổ Dân vào mấy chục ngàn năm trước. Sau hơn 1 giờ xem ra các hình tượng nầy du khách sẽ có một nhãn quan sâu sắc hơn về văn hóa của Thổ Dân ở Úc. 

Du khách được di chuyển đến một canteen của Gagudju Lodge Cooinda để ăn trưa, mạnh ai nấy ăn, quán nầy chuyên dành cho khách du lịch ở giữa một khu hoang vắng, chỉ có cái quán trơ trơ một mình. Tôi nghĩ nếu sau khi khách du lịch đã rời nơi đó thì khung cảnh hoang vu sẽ bao trùm, hoang vắng, mênh mông làm sao ai dám ở ?!

Ăn xong là du khách được xe chở một đoạn ngắn để đến bến đậu các thuyền đưa du khách đi dọc theo con rạch khá to có tên là Yellow water billabong, để thấy những thứ cây cỏ mà tôi đã quen thuộc và nhận ra. Dọc theo con rạch, hướng dẫn viên vừa lái chiếc thuyền chầm chậm và ngừng lại cho du khách thấy những con sấu nằm dài relax trên bờ, hay bơi lội nhàn nhã len lỏi trong các bụi dứa. Có chỗ một bầy le le đang tụ họp, mạnh con nào con nấy ngủ êm ru, đông nghẹt … mà không có một tiếng động nào.

Một khung cảnh nhà quê hoàn toàn khác lạ đối với du khách người Âu, cho nên họ rất thích thú, chụp hình lia lịa. Thuyền đi ngang một chòm cây, với hàng mấy trăm con Két trắng, kêu inh hỏi, chát chúa … bay lên rầm rộ rồi lại đáp xuống ồn ào cả một khúc rạch. Các con sấu, con chim… giống như đã được căn dặn là phải trình diện để khách du lịch xem theo giờ giấc nhứt định hàng ngày vậy. Bởi vì người hướng dẫn cứ nói mình sẽ đến chỗ kia, chỗ nọ xem con gì … mà đến nơi là có thật đấy !

Chạy dọc vài km rồi lại quay về bến thì đã gần 4 giờ chiều. Du khách lại lên xe và chạy thẳng về Darwin. Đến độ 6 giờ thì nhìn ra ngoài xe thấy mặt trời tròn như một chiên lửa thật to, màu đỏ ối đang chìm dần xuống phía Tây. Như là từ Darwin mặt trời đến gần trái đất hơn, to hơn các nơi khác vậy đó !

Xe về tới Darwin và ghé đến khách sạn thật là đúng 7.30 tối như đã dự trù. Một ngày đường xa với nhiều hình ảnh khác lạ làm cho ai cũng cảm thấy thật xứng đáng với đồng tiền bát gạo cho 1 ngày tour với AAT Kings. Ông tài xế vừa là hướng dẫn viên với nhiều chi tiết từng nơi thật là ngoạn mục, hấp dẫn, làm cho ai ai cũng tỉnh queo thích thú…

Tour 2.
Ngày 26-6-11 đi tour “Afternoon Crocodile Cruise” – Tour nầy kéo dài từ 12.45 chiều đến 7 giờ 30 tối thì trở về đến khách sạn với giá 115 đô.

Xe cũng chạy trở lại con đường đi Kakadu, nhưng đến hơn 60 km thì quẹo trái vô một con đường nhỏ để đến Fogg Dam. Chỗ nầy có cái đập nước mà bà tài xế hướng dẫn cho biết khi xưa, hồi sau thế chiến thứ nhứt; nước Úc đã thực hiện một kế hoạch trồng lúa Á Châu (không phải lúa mì) để cung cấp cho thị trường Á Châu. Vùng đất chung quanh khu vực Fogg Dam nầy được chọn để trồng lúa, nguyên một khu vực rộng mênh mông, bằng phẳng và đất ẩm thấp như các cánh đồng lúa của Miền Nam chúng ta. Lúc đó chưa có máy cày thì phải, cho nên đã nhập cảng trâu từ Indonesia qua để cày xới đất làm mùa.

Kế hoạch trồng lúa đã thất bại vì lý do gì đó mà tôi nghe rồi lại quên. Chỉ biết cánh đồng trống bao la đó nay chỉ thấy hoang vu đầy cỏ, năng, bông súng, sen và cây bồn bồn. Lần nầy tôi chỉ thấy một chú rùa tí hon, độ bằng một bàn tay nhỏ, đang chậm rãi bò ngang đường mà tài xế phải cẩn thận ngừng lại để du khách chiêm ngưỡng tận mắt. 16 năm trước tôi cũng có dịp qua đây, lần đó thì thấy trâu từng đàn, nay thì chẳng thấy 1 con nào cả. Bà tài xế nói người ta săn bắn trâu rừng, nên ngày một hiếm thấy trâu men ra bìa rừng hơn.

Du khách được đưa đến một nhà có nhiều bậc thang lộ thiên để du khách đứng đó nhìn ra xa, đủ thứ chim muông của vùng nhiệt đới và hôm ấy cũng có vài con sếu và con hạc cao nghệu khiến cho nhiều người rất lạ mắt.

Độ 1 giờ quanh quẩn tại Fogg Dam và sau đó thì du khách được đưa tới bến các thuyền để cho khách chạy dọc theo con sông có tên là Adelaide river để xem cá sấu. Con sông bề ngang khá to độ hơn 100 m không chừng ? Nước sông đục ngàu như sông Hậu Giang vậy. Lần nầy tôi đến đây nhằm lúc nước lớn, nên không thấy bãi bùn dọc 2 bên bờ sông. Lần trước thì thấy cá sấu nằm rãi rác trên các bãi bùn như những khúc củi to. Kỳ nầy thì chỉ thấy các cá sấu trầm mình dưới nước hay lội dọc theo bờ. Hướng dẫn viên dùng một cần câu, cuối nhợ câu có buộc một cục xương bò còn dính nhiều thịt khá to … họ biết chỗ nào là vùng cư trú tự trị của mỗi con sấu có tên đàng hoàng, do các hướng dẫn viên đặt cho nó. Họ dừng thuyền bà đem cần câu thả nhữ nhữ trên mặt nước và tự nhiện từ dưới mặt nước nổi lên một con sấu thật to. Họ để cục thịt cho con sấu thấy trước rồi họ kéo lên cao dần … Cá sấu phóng lên đớp mồi cao hơn cả thước trên mặt nước. Đớp được cục mồi là nhào ầm xuống nước… thiên hạ loay hoay chụp hình, quay phim mệt nghỉ.

Cứ thế mà thuyền chạy dọc theo con sông, xa xa lại dừng với tên một con cá sấu khác nhau … tôi còn nhớ họ gọi một con tên là George ! Khiến cho một du khách buộc miệng: Thank God ! My son is not George !!!

Thuyền quay trở lại bến để đổ khách lên bờ thì đã gần 6 giờ chiều; chấm dứt nửa ngày Tour xem cá sấu nhảy “Jumping Crocodile” ! À quên các thuyền chở khách đi trên sông thường là các thuyền bằng nhôm, đáy bằng như các thuyền phao mà Mỹ dùng để bắt cầu dã chiến trong thời chiến tranh VN đó quý vị. Riêng thuyền đi xem sấu nhảy thì có thêm 1 tầng trên mui.

Tour 3.
Ngày 27-6-11 thì tôi đi tour “Katherine Gorge and Edith Falls”. Tour nầy đi cả ngày và đi xa đến hơn 300 km. Với giá 209 đô, có một buổi ăn trưa trên thuyền. Cũng khởi hành từ sớm và trở về khách sạn cũng chừng 7.30 tối.

Chuyến nầy xe chạy thẳng xuống phía Nam trên xa lộ Stuart Hwy. Đi hơn 100 km thì dừng lại ăn uống tự túc ở một nhà ăn của một Motor Inn ngay tại chỗ xa lộ băng ngang qua con sông Adelaide River. Chỗ nầy ở gần cuối ngọn con sông Adelaide và chỗ hôm qua là ở gần cửa con sông hơn. Đây là một khu phố nhỏ mang tên là Adelaide River. Ăn uống chừng 45 phút, sau đó xe đưa đi xem một nghĩa trang Chiến Tranh (War Cemetery), nơi chôn cất những người bị máy bay Nhựt oanh tạc chết hồi năm 1940. Độ hơn 10 giờ sáng thì chúng tôi đến Pine Creek, đây là một ngã 3 nếu quẹo trái là đi lên Kakadu National Park và chạy tiếp tục xuống phía Nam thì sẽ đến Katherine Gorge. Pine Creek là một địa điểm tìm vàng hồi thời 1900. Nay chỉ còn lại một chút dấu tích về các hang đào tìm vàng mà thôi. Nơi đây có một bảo tàng về xe lửa vì lúc làm đường rầy xe lửa nối liền Alice Springs với Darwin thì đây là nơi tập trung các phương tiện và trang cụ.

Đến gần 11 giờ thì xe quẹo trái vô một con đường nhỏ để đến thác nước Edith Falls. Một hồ nước khá to, đường kính chừng 100 m có hơn. Hôm đó chỉ nóng chừng 25 độ C nên ít có người nhào xuống bơi thử.

Sau đó xe chạy trở ra con đường chính và đi tiếp thêm độ 30 km, quẹo trái vô địa điểm Katherine Gorge. Du khách xuống các thuyền nhôm, đáy bằng và được cho ăn trưa ngay trên thuyền. Ăn đại khái thôi, nhưng cũng no và ai muốn nhâm nhi thì cũng có rượu đỏ, rượu trắng hay bia; dĩ nhiên là phải chi.

Katherine Gorge là một hệ thống gồm cả thảy 13 thung lũng nhỏ, chứa nước như những cái hồ có vách đá cao bao quanh. Những hồ nước nầy do dòng nước sông Katherine xoáy mòn hàng tỷ năm trên khu vực đá cát ( carved from billion year old sandstone) của vùng Nimiluk National Park. Văn hóa của người Thổ Dân được lưu lại rất sâu đậm trên những Rock Art. Một vùng ngoạn mục, kỳ quan dành cho những người yêu thiên nhiên ngoạn cảnh.

Thuyền chạy trên một khúc sông với hai bên vách đá cao dựng đứng đến vài chục thước. Đến một địa điểm , cuối sông như một cái đập cạn, thuyền không chạy ngang qua đó được. Du khách phải lên đi bộ và xem một vách núi có nhiều hình họa, di tích lâu đời của Thổ Dân. Đi bộ vài trăm thước, leo trèo trên những phiến đá khá to, gập ghềnh, không cẩn thật rất dễ bị trợt chân té xuống vực nước rất thấp nằm sâu phía dưới. Hết đoạn đường đá thì qua đến một khúc sông thứ 2, lại xuống thuyền khác và chạy dọc theo một sông nữa. Khung cảnh 2 bên thật là hùng vĩ với những vách đá màu nâu thật đẹp, nếu giàu tưởng tượng có thể hình dung ra những hình thù con nầy, con kia rất giống và nhứt là cũng có các hình họa của thổ dân rải rác trên các vách đá thật cao. Đặc biệt các hồ nước xa cách, nằm sâu trong đất liền nầy cũng thấy có nhiều cá sấu. Nhưng cá sâu ở đây lại thuộc về loại cá sấu nước ngọt (Freshwater Crocodiles); không như sấu ở Kakadu là sấu nước mặn (Saltwater Crocodiles).

Có một đọan, có những hang to đi sâu vô bên trong như một chút nào đó của Đá Dựng Hà Tiên hay của Hạ Long vậy ! Thuyền chạy đến cuối cái đoạn sông thứ 2 thì quay lại, nghe nói là còn có những đoạn sông khác nữa dành cho du khách có nhiều giờ hơn.

Thuyền quay lại cặp bờ và du khách lên xe, khởi hành trở lại Darwin lúc đó cũng hơn 4 giờ chiều. Trên xe lần nầy bác tài chỉ mở DVD cho xem phim nói về những vùng đất phía Cực Bắc Úc gọi là Out Back mà không cần mỏi miệng như lúc đi.

Về tới khách sạn hôm đó hơi trễ hơn 7.30 tối và chỉ còn kịp ra ngoài kiếm thức ăn, đa số các tiệm ăn nhỏ đã đóng cửa, may mắn là cái tiệm Fish & Chips bán cho các BackPackers còn buôn bán ì xèo. Tôi mua một phần Cá Chẻm và chips; tôi ăn cảm thấy thật ngon, có thể chưa đâu ngon bằng kể cả món nầy ở bến tàu Melbourne của Red Hunt. Cá chẻm thật tươi, ăn vào thấy ngọt và chips thì chiên dòn hết xẩy mà lại rẻ hơn các tiệm khác nữa chứ !

Hôm sau là ngày 28-6-11, tôi chuẩn bị hành lý gọn gàng để chuẩn bị trả phòng lúc 11 giờ 30 sáng. Chuẩn bị xong là tôi đi xuống phố và lần nầy tôi định mua vé xe bus cả ngày để ngồi trên xe đi hết tuyến đường nầy qua tuyến đường khác. Định đi quanh quẩn và canh giờ đến gần 11 giờ về lại khách sạn trả phòng và gởi hành lý rồi đi tiếp.

Tôi dò biết trạm xe bus chính của Darwin nằm ở đường Harry Chan Av- bên hông Darwin Council- cách khách sạn Darwin Central Hotel chỉ vài trăm thước thôi. Tất cả xe bus đi các tuyến đường đều tập trung ở bến xe nầy. Leo lên xe tôi mới biết với cái thẻ người già Seniors của Melbourne tôi có thể xài miễn phí khi đi xe bus ở Darwin. Thay vì thẻ Seniors nầy ở Melbourne tôi chỉ được Free vào cuối tuần và những ngày thường thì phải trả 3.10 đô để mua vé cả ngày. Ở Darwin thì Free cho tất cả người già trên 60 tuổi ! Tôi cứ uổng phải chi các hôm trước, khi có thời giờ là tôi cứ ngồi xe bus thì đã biết nhiều hơn nữa rồi.

Sáng 28/6, tôi đi tuyến đường đầu tiên là đến khu Shopping Casuarina là một khu chợ lớn nhứt của Darwin. Tôi xuống xe lội trong mall của Casuarina, nó lớn không thua gì khu Chadstone, khu The Glen, hay khu Airport West của Melbourne vậy. Đi giáp một vòng, ăn sáng Hungry Jack’s và quay trở ra đón xe về lại Darwin thì dây dưa cũng hơn 11 giờ trưa. Tội chạy như bay về khách sạn để trả phòng và gởi hành lý rồi ra đường đi xe bus tiếp.

Tôi nhờ khách bạn hẹn xe shuttle để ra phi trường lúc 4 giờ 30 chiều; mặc dù đến 7.45 tối mới bay về Melbourne. Trả phòng và gởi tạm hành lý xong, tôi lại lên xe đi 1 tuyến đường khác, trở về tới central thì cũng hơn 2 giờ chiều. Không đủ thời giờ đi thêm 1 chuyến khác, tôi đành kiếm gì ăn trưa và về khách sạn ngồi chờ xe bus shuttle đón ra phi trường. 

Trưa nay, tôi tìm được một quán Cà Ri Ấn thật ngon, giá khá rẻ và say sưa ăn no cành hông; giống như trước kia ở Hobart, cũng vào giờ chót tôi mới tìm được một tiệm ăn đặc biệt, cũng cà ri Ấn, ngon tuyệt và nhớ hoài.

Sau khi ăn trưa muộn xong, tôi đi quanh quẩn trong các mall lộ thiên ở đường Smith St. để mua chút hình ảnh kỷ niệm Darwin.

Đến hơn 4 giờ là tôi mau quay lại Darwin Central Hotel để lấy hành lý và đúng 4.30 là có xe shuttle chở ra phi trường với giá 12 đô đầu người.

Ở phi trường, tôi chỉ tà tà chơi Sudoku cho hết giờ, tôi đã check in sẵn ở một quán Internet hồi sáng sớm. Nếu tôi mạnh dạn check in từ hôm qua thì có lẽ tôi sẽ được xếp ghế gần phía trước hơn thay vì là số 26, xa đến hơn phân nửa thân máy bay về phía sau. Nên khi lên, lúc xuống phải đi ngõ sau, bước xuống đi bộ vô cổng ra, trời khá lạnh lúc về đến phi trường Melbourne 11. 45 đêm.

Máy bay rời Darwin lúc 7 giờ 45 tối, bay êm đềm trên hơn 3 tiếng, chỉ khi gần tới Melbourne mới cảm thấy lắc lư con tàu vì mây mưa của xứ lạnh.
Máy bay đáp xuống phi trường Tullamarine thật đúng giờ dự định 11.45 đêm, bước ra ngoài lạnh cóng, tưởng chừng mình đang đến một nơi nào đó ngoài Úc Châu !

Vì trời khuya, không còn phương tiện xe bus, xe lửa nên đành phải kêu taxi đi thẳng về nhà với giá không thể nào trùm sò được nữa.

Quả thật 16 năm sau, trở lại thăm Đa Quỳnh như vừa thăm một người em hậu giang mặn mà trong tâm tư, hơn 15 năm xa cách, gặp lại với nhiều đổi thay nhận không ra, nhưng hơi hám vẫn thân quen như 16 năm trước. Đa Quỳnh! biết đâu tình cờ, bất chợt một ngày nào đó ta sẽ lại gặp em để được vỗ về nắng ấm, thoáng quên những ngày mưa gió, giá rét của Melbourne.

LHXung7/2011

No comments:

Blog Archive