Thảm kịch nhân 150 năm nhà hát Bataclan
Tuấn Thảo
Đợt khủng bố kinh hoàng tại Paris hôm 13/11/2015 vừa qua đã làm cho 130 người thiệt mạng, trong đó có khoảng hai phần ba các nạn nhân đã bỏ mình tại nhà hát Bataclan. Sự kiện tang thương này diễn ra đúng vào lúc nhà hát Bataclan ăn mừng 150 năm ngày được thành lập.
Tọa lạc ở số 50 trên đại lộ Voltaire, giữa lòng Paris quận XI, nhà hát Bataclan đã được khánh thành vào đầu tháng Hai năm 1865. Nhà hát này đã nhiều lần đổi chủ, nơi tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt giải trí, kể cả biểu diễn hoà nhạc, chiếu phim xinê hay là hộp đêm vũ trường. Nhưng với thời gian, nhà hát Bataclan cũng như nhà hát Olympia, trở nên gắn liền với nếp sống sinh hoạt của người dân Paris, và được dưa vào danh sách các di sản văn hóa thủ đô Pháp từ năm 1991.
Về mặt kiến trúc, có thể nói là nhà hát Bataclan được xem như là một ‘’kỳ công’’, bởi vì kiến trúc sư Charles Duval (1808-1876) chỉ có 9 tháng để phác họa sơ đồ và điều hành việc xây cất nhà hát. Nguyên là con trai của kiến trúc sư Pierre Joseph Duval, người đã quy hoạch toàn bộ thành phố Beauvais, Charles Duval nối nghiệp thân phụ trong ngành kiến trúc.
Thế nhưng, đam mê đầu đời của ông vẫn là sân khấu kịch nghệ, điều đó giải thích vì sao ông nổi tiếng sau đó như là gương mặt đã xây cất các nhà hát lớn tại thủ đô Paris, trong đó có sân khấu Eldorado, vũ trường Alcazar, cũng như nhà hát Le Grand Café Parisien (1857), được xem như là rạp hát lớn nhất thế giới vào giữa thế kỷ XIX, với hơn 1.200 chỗ ngồi.
Khi đốc thúc việc xây cất nhà hát Bataclan, kiến trúc sư Charles Duval đã vẽ một toà nhà đồ sộ bề thế với gần hai ngàn chỗ ngồi. Làng nghệ thuật Pháp thời bấy giờ đang có cái mốt yêu chuộng ‘’của lạ’’ đến từ các nước Viễn Đông, kể cả Nhật Bản và Trung Hoa cho nên ngành kiến trúc cũng như ngành trang trí nội thất đều gợi hứng vay mượn ít nhiều các đường nét, họa tiết Á Đông. Có lẽ cũng vì thế mà sau nhà hát Le Grand Café Parisien (1857), nhà hát Bataclan (tên nguyên gốc là Ba-Ta-Clan) khi được khai trương, còn được mệnh danh là Le Grand Café Chinois.
Nhà hát có xây một mái chùa theo kiểu Trung Hoa, chót vót ở trên nóc nhà. Tấm màn bằng nhung che phủ sân khấu lớn mang hình cánh quạt Nhật Bản, với những họa tiết anh đào gợi lại văn hóa xứ Phù Tang. Nhà hát này nhanh chóng trở thành một trong những tụ điểm khét tiếng giải trí vui chơi. Dân Paris thời bấy giờ đến đây không đơn thuần để xem vũ kịch hay ca múa mà còn để chơi bida, uống cà phê, thưởng thức champagne hay dùng tiệc trà ở tầng phía trên, một cơ hội lý tưởng để cho quý cô trưng diện, để cho quý bà khoe các kiểu áo dạ hội thời trang.
Nhà hát được đặt tên Bataclan theo tựa đề của vở ca vũ kịch của Jacques Offenbach, sau đó trở thành một sân khấu ‘’tạp kỷ’’ theo đúng nghĩa của nó tức là tập hợp trên cùng một sàn diễn nhiều tiết mục khác nhau kể cả hài kịch, ca hát, múa ballet, ảo thuật hay trò xiếc.
Từ những năm 1905 trở đi, Bataclan trở thành nơi chuyên biểu diễn các vở tuồng opérette cũng như các đại nhạc hội gồm nhiều hoạt cảnh ca vũ kịch có chuyên đề (revue musicale). Những tên tuổi lớn thời bấy giờ như Mistinguett, sau đó là Maurice Chevalier hay là Georges Milton đều từng biểu diễn tại Bataclan.
Trong giai đoạn giữa hai Thế chiến (1920-1938), nhà hát Bataclan được biến thành một rạp chiếu phim, ban đầu là phim câm rồi sau đó là phim có âm thanh đối thoại. Sau một vụ hỏa hoạn lớn, Bataclan buộc phải đóng cửa, rồi xây cất lại một phần bên trong rạp hát, mái chùa nằm ở trên nóc nhà bị san bằng, dỡ bỏ. Giờ đây, chỉ có trên logo thương hiệu của nhà hát Bataclan, thì người ta còn giữ lại cái hình tượng ban đầu của mái chùa Đông Phương.
Mãi tới đầu những năm 1970, Bataclan mới mở cửa trở lại để tiếp đón khán giả. Nhà hát trở thành một sân khấu chủ yếu dành cho nhạc rock, nhắm vào đối tượng thanh niên, hầu tạo ra một nét khác biệt với các nhà hát khác nổi tiếng của Paris thời bấy giờ, điển hình nhất là nhà hát Olympia chuyên về nhạc nhẹ.
Gần đây trong bộ phim tài liệu mang tựa đề “Các thế hệ Bataclan” (Générations Bataclan) chiếu vào hôm 20/11 một mặt để tưởng niệm các nạn nhân, mặt khác để nói về 150 năm lịch sử của nhà hát này kể từ ngày khánh thành, khán giả có thể thấy sự gắn bó của giới nghệ sĩ với nhà hát này qua bao thế hệ.
Hiện giờ, Bataclan là chặng đường không thể thiếu trong lịch biểu diễn của các ban nhạc rock, kể cả các nghệ sĩ Pháp và các tên tuổi trứ danh trong làng nhạc quốc tế, từ các gương mặt như Lou Reed, Alain Bashung, Police, The Cure, Téléphone những năm 1980 cho tới các nghệ sĩ gần đây hơn như Stromae, Robbie Williams hay Eagles of Death Metal …..
Bên cạnh các buổi trình diễn nhạc rock, nhà hát Bataclan trong thời gian qua còn là nơi biểu diễn của các diễn viên hài (như Djamel Debbouze, Dany Boon, Jean Marie Bigard), lâu lâu một lần, Bataclan lại được biến thành một hộp đêm dành cho giới yêu chuộng sàn nhảy, do người ta có thể mướn nhà hát này để tổ chức những chương trình ‘’clubbing’’ theo chuyên đề.
Kể từ năm 2004 trở đi, nhà hát Bataclan nằm dưới sự điều khiển của một nhóm chuyên tổ chức các sự kiện bao gồm nhiều nhà hát khác nhau, trong đó có sân khấu Bouffes du Nord. Nhà hát Bataclan do có 1.500 chỗ ngồi nên được xem là khá lý tưởng cho các nghệ sĩ mới vào nghề cũng như các ban nhạc có tầm cỡ trung bình. Các nghệ sĩ có khả năng thu hút đông đảo khán giả trong cùng một đêm diễn thường chọn những sân khấu lớn hơn nữa như sân vận động Stade de France, cung thể thao Bercy (vừa mới đổi tên thành (Accor Arena), các rạp hát lớn như Palais des Congrès hay Palais des Sports …..
Vào đầu năm 2015, chi nhánh giải trí của tập đoàn Lagardère đã mua lại 70% cổ phần của nhà hát Bataclan.
Nhà hát này đã được tân trang sau khi có chủ mới, lên lịch biểu diễn khá hấp dẫn hầu đem lại một luồng sinh khí mới cho sân khấu nhạc rock ở thủ đô Paris, kể cả các nhóm nhạc đến từ dòng chính (mainstream) hay các ban nhạc rock theo phong trào luân chuyển, độc lập hay dòng ngầm (alternative, indie, underground).
Thế nhưng, với đợt khủng bố đẫm máu ngày 13/11 vừa qua, thế giới giờ đây gắn liền nhà hát Bataclan với những hình ảnh tang thương chết chóc. Năm Bataclan ăn mừng sinh nhật 150 tuổi lại nhuốm đầy tử khí, khoác lên nhà hát này một tấm màn nhung đen, đạm màu tang tóc.
No comments:
Post a Comment