Saturday, October 24, 2015

Về vài địa danh mang tên thảo mộc.

Ở Việt Nam có rất nhiều địa danh mang tên thảo mộc. Trong khuôn khổ bài viết nầy chúng tôi chỉ đề cập đến Gò Vấp, Củ Chi, Trảng Bàng, Giồng Trôm, Thốt Nốt và Bạc Liêu mà thôi.

GÒ VẤP
Trước năm 1975 Gò Vấp là một quận của tỉnh Gia Định gồm có 8 xã. Quận lỵ Gò Vấp cách Sài Gòn 10km. Đó là nơi có nhiều thành quách (An Nhơn, Hạnh Thông Tây), vườn rau cải (Hạnh Thông Tây), ruộng rau muống (Xóm Mới), vườn dừa (An Phú Đông, Bình Triệu), vườn sầu riêng, măng cụt (Nhị Bình), vườn bưởi (Thạnh Lộc) với hai xã đông dân cư và phồn thịnh về kinh tế và thương mại gần Sài Gòn: Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây.

Sau năm 1975 Gò Vấp là một quận trong thành phố. Diện tích Gò Vấp bấy giờ thu hẹp chỉ còn 20 km2. Các xã Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây trở thành quận Bình Thạnh, Nhị Bình, Thạnh Lộc, An Phú Đông sát nhập vào quận Hóc Môn. 

Gò Vấp là quận đông dân cư. Đó là nơi có nhiều giáo đường và chùa chiền. Viện Mồ Côi và bịnh viện Cộng Hòa nằm trong quận nầy. Sau năm 1954 Gò Vấp nổi tiếng về việc sản xuất pháo (Xóm Mới).

Địa danh Gò Vấp do tên của cây vấp mà ra. Tên khoa học của cây vấp là Mesua coromandelina, Mesua ferrea, Mesua nagassanium... thuộc gia đình Clusiaceae hay Guttiferae. Loại thảo mộc nầy có nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka và các quốc gia Đông Nam Á. Người Ấn Độ gọi là nagkesa; tiếng Phạn (Sanskrit): nagakesara; Khmer: bos neak. Người Anh gọi là cobra saffron vì theo tiếng Phạn naga có nghĩa là con rắn và chữ saffron gợi lên màu vàng của cây vấp. Tiếng anh cũng gọi cây vấp là iron wood tree hay Ceylon ironwood (thiết mộc Tích Lan).

Cây vấp cao từ 15 - 20m. Gỗ màu vàng rất cứng, ngâm duới nước không bị rã mục. Lá cây vấp nhọn, thon, dài trông rất đẹp. Lá non màu đỏ bầm. Hoa to, màu trắng bốn cánh với nhụy vàng. Hoa có hương thơm. Trái có hột dùng để lấy dầu.

Gỗ cây vấp dùng để làm nhà, ngạch đường rầy xe lửa rất tốt. Dầu lấy từ hột cây vấp dùng để thắp đèn. Cây vấp là quốc mộc ở Sri Lanka (đảo Ceylon: Tích Lan), nơi cây vấp được gọi là nahar.

Người ta dùng hoa, rễ và hột cây vấp để làm thuốc trị bịnh. Hoa được dùng để trị táo bón, đau bụng, phong hủi, ho, sốt, bất lực sinh lý. 

Dầu dùng để trị các chứng bệnh ngoài da, trị ghẻ, tê thấp. Dầu cây vấp có nhiều ác xít béo: ác xít stearic. oleic, linoleic và arachidic. Hoa khô dùng để trị bịnh trĩ, kiết lỵ. 

Hoa tươi trị ngứa, kinh nguyệt, khát nước quá độ (tiêu khát; tiểu đường), ra mồ hôi. 

Rễ dùng để trị rắn cắn. Lõi cây vấp có nhiều xanthones: euxanthones, mesuaxanthones A, mesuaferrone B. Nhụy hoa có hai bioflavonoids: mesuaferrone A và mesuaferrone B và ác xít mesuanic. Vỏ có ferruol B và triterpenoid gutiferol.

CỦ CHI
Trước năm 1954 Củ Chi là một quận trong tỉnh Gia Định. Sau năm 1954 quận nầy nằm trong tỉnh Bình Dương một thời gian ngắn. Khi tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, Củ Chi nằm trong tỉnh tân lập nầy. Trước năm 1975 Củ Chi có 14 xã.

Sau năm 1975 Củ Chi là một quận ngoại thành của thành phố. Quận Củ Chi nằm cách Sài Gòn 40 km. Diện tích quận Củ Chi lối 435 km2. Đa số dân đều sống bằng nghề nông và đan thúng rổ, làm vật dụng bằng mây. Củ Chi được biết đến nhiều trong chiến tranh vừa qua. Vùng nầy nằm trong vùng Tam Giác Sắt. Bộ tư lệnh Sư Đoàn 25 đóng tại đây. Sau năm 1975 tân chế độ gọi Củ Chi là Đất Thép Thành Đồng và biến Địa Đạo Củ Chi thành vùng du lịch.

Củ Chi là sinh quán của Trần Minh Tiết, Chánh Án Tối Cao Pháp Viện VNCH.

Địa danh Củ Chi phát xuất từ tên gọi của cây củ chi tức mã tiền. Cây củ chi hay mã tiền được tìm thấy nhiều ở Nam Á và Đông Nam Á. Tên khoa học của nó là Strychnos nux-vomica thuộc gia đình Loganiaceae. Người Anh gọi là poison nut (vì độc chất của mã tiền), quaker buttons, snake-wood, nux-vomica, strychnine tree. Người Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm về việc dùng mã tiền (củ chi) làm thuốc. Họ gọi mã tiền (củ chi) là kuchala. Người Trung Hoa gọi là ma qian zi. 

Cây củ chi cao đến 25 m. Lá bầu như trầu. Trên lá có nhiều gân lá song song với rìa lá. Hoa nhỏ màu trắng ngà kết thành chùm. Trái tròn màu vàng cam khi chín. Gỗ trắng và cứng.

Củ chi nổi tiếng vì độc chất của nó. Nhưng độc chất đó cũng được nghiên cứu kỹ lưởng để dùng vào việc chữa trị bệnh. Nó có alkaloid strychnine rất độc. Vỏ có brucine và nhiều hợp chất độc khác. Nói chung cây củ chi có nhiều độc chất. Nhưng dùng ở liều lượng đúng, nó trở thành thuốc trị đau bụng, gây nôn, táo bón, mất ngủ, bịnh tim, thần kinh, tinh thần hồi hộp bất an, kinh nguyệt không điều hòa, bịnh hô hấp của người già, viêm vành tai ngoài gây ngứa ngáy khó chịu.

Trong y học dân gian người ta xem mã tiền như thuốc bổ tạo sự thèm ăn. Hiện nay ở Trung Hoa người ta nghiên cứu xem củ chi có thể dùng vào việc chữa trị ung thư gan hữu hiệu hay không.

TRẢNG BÀNG
Tràng Bàng là một quận trong tỉnh Tây Ninh gồm có 7 xã. Quận nầy nằm cách Sài Gòn 50 km về phía tây bắc. Quận Trảng Bàng rộng lối 340 km2. Trảng Bàng nổi tiếng với bánh canh giò heo ăn với bánh tráng phơi sương (không cần nhúng nước), rau rừng và nước mắm pha chế đặc biệt của người miền đông Nam Ky. 

Năm 1972 một bức ảnh chụp một em bé trần truồng chạy ngoài quốc lộ ở Trảng Bàng sau một cuộc dội bom napalm trong một làng trong quận Trảng Bàng được giải thưởng Putlitzer.

Trảng Bàng là sinh quán của giáo sư Nguyễn Ngọc An, người sáng lập hai trường Minh Đức (Trảng Bàng) và Tân Dân (Hóc Môn). có một thời ông là tổng trưởng bộ Thông Tin và Chiêu Hồi.

Theo từ nguyên thì Trảng (savanna) là một vùng đất trống có nhiều cỏ và cây cùng một loại mọc lưa thưa. Bàng là cây bàng, một loại thảo mộc được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á, Nam Hoa, các hải đảo Thái Bình Dương và biển Caribbean.

Tên khoa học của cây bàng là Terminalia molucca (còn nhiều tên khác) thuộc gia đình Combretaceae. Chữ molucca trong tên khoa học cho thấy nguồn gốc Molucca, Indonesia, của loại thảo mộc nầy hay ít ra nó cũng có nhiều trên đảo nầy. Người Anh gọi cây bàng là umbrella tree (vì bóng mát rộng lớn của nó), tropical almond (hạnh nhiệt đới) như người Tây Ban Nha gọi almondro de la India (hạnh Ấn Độ) Người Miến Điện gọi là badan và Khmer là pareang prang.

Cây bàng cao đến 25 m, có nhiều nhánh nên cho bóng mát rộng lớn. Lá bàng to, dày và láng. Vào mùa thu lá chuyển sang màu vàng rồi đỏ rất đẹp trước khi rụng. Trái bàng khá to, cơm dày ăn được. Hột có nhiều dầu và có mùi dễ chịu. Hột được ăn sống hay rang chín. Lá hay hoa cây bàng đều đẹp. Lá tươi hay khô đều được dùng làm thuốc nhuộm. Màu xanh chuyển sang màu vàng khi cho phèn chua và sulfate sắt vào. 

Gỗ cây bàng rất cứng và đẹp. Nó được dùng để cất nhà hay làm đồ mộc. Trồng cây bàng để có bóng mát, có nhiều gỗ, thanh lọc không khí, chống xâm thực ngoài bờ biển và tạo phong cảnh đẹp.

Lá, gỗ, vỏ, hột cây bàng đều được dùng làm thuốc. Sự dồi dào tannins của lá, vỏ làm cho cây bàng hữu dụng trong việc trị chứng tiêu chảy, kiết lỵ và đau nhức. Hột được dùng làm thuốc trị huyết tiện (hematuria). Ở Ấn Độ người ta dùng lá bàng trị tê thấp. Kết hợp với thuốc xức để trị ghẻ, phong hủi và các chứng bịnh về da.
Trái bàng có ác xít tannic. Tannin của lá và vỏ cây bàng có punicalagin chống oxy hóa. Những thí nghiệm gần đây vào chuột cho thấy hoạt chất lấy từ lá bàng có tác dụng bảo vệ gan.

Ngoài cây bàng vừa nói qua còn có cây bàng nước mang tên khoa học Terminalia belerica (còn nhiều tên khác) thuộc gia đình Combretaceae. Đó là một loại thảo mộc miền nhiệt đới và khí hậu đại dương như cây bàng Terminalia molucca. Người Anh gọi cây bàng nước là belliric myrobalan (người Miến Điện gọi cây bàng là Balan); người Ấn Độ gọi là Bibitaki. Tiếng Sanskrit (Phạn) gọi cây bàng nước là Vibhitaki, có nghĩa là không sợ bị bịnh. Tên gọi nầy cho thấy tính năng trị liệu cao của cây bàng nước. 

Cây bàng nước có sistosterols, ác xít gallic, ellagic, chebulagic, galloyl glucose và đường. Hột có ác xít oxalic, protein. Vỏ có nhiều tannins.
Trái bàng nước nhuận trường, cầm máu, trị đau cuống họng, ho, đau mắt, bịnh ngoài da, phong hủi, thủy thũng, tiêu chảy, kiết lỵ, làm cho tóc đen. Nó kháng trùng, kháng ung thư và bảo vệ gan chống nhiễm độc chất.

GIÒNG TRÔM
Trước năm 1975 Giòng Trôm là một quận của tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) với 15 xã. Sau 1975 nó vẫn là một quận của Bến Tre với diện tích lối 310 km2. Quận lỵ Giòng Trôm nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 15' và đông kinh tuyến 106 độ 05'.
Giòng Trôm là một quận nông nghiệp. 

Đó là quận sinh quán của Cử Trị tức Phan Văn Trị (1830 - 1910), người đả kích Tôn Thọ Tường hợp tác với người Pháp vào thế kỷ XIX; tướng Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua. 

Tân chế độ luôn nhắc và tự hào về cuộc Đồng Khời Bến Tre xuất phát từ Cù Lao Bảo và Cù Lao Minh trong quận Giòng Trôm vào ngày 17-01-1960 mở đầu cho cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (1960-1975).

Ở Nam Ky có rất nhiều địa danh có chữ Giòng như Giòng Ông Tố, Giòng Gạch, Giòng Ông Khuê v.v.  Giòng là vùng đất cao ít nước, Trôm là cây trôm. Có hai loại cây trôm:

1- Trôm hôi Sterculia foetida.
2- Trôm nhựa Sterculia hypochra.

Cả hai loại trôm nầy đều thuộc gia đình Sterculiaceae như cây cola, cây lười ươi hay gia đình Malvaceae như bông vải, cây gòn.

Thảo mộc thuộc gia đình Sterculiaceae đều có mùi hôi khó chịu. Theo tiếng La Tinh Stercus có nghĩa là "phân". Chử foetida trong tên khoa học của cây trôm hôi phản ảnh mùi hôi của nó. Người Anh gọi cây trôm hôi là Java olive ((ô-liu Java), Skunk tree (cây chồn hôi). Người Lào gọi là som hong.

Cây trôm hôi được tìm thấy nhiều ở Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam, Ấn Độ. Ở Hoa Kỳ nó được tìm thấy ở Hawaii, Arizona. 

Cây trôm cao từ 15-25 m. Lá dày, dài và láng rất đẹp, cùng một cuống có 5 lá tụ lại thành hình ngôi sao. Hoa đỏ rất đẹp. Trái có vỏ dày. Bốn năm trái tụ lại tạo thành hình ngôi sao đỏ khi chín. Khi lớp vỏ cứng bên ngoài vỡ ra, bên trong có nhiều hột màu đen nhạt. Hột rất chắc và có nhiều dầu. Người ta dùng dầu trôm để thắp đèn. Hột trôm rang dùng để ăn. Gỗ trôm không cứng chắc nên không có giá trị trong ngành mộc. Nhưng cây trôm cho bóng mát và tạo cảnh đẹp cho vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới.
Hột trái trôm có ác xít sterculic, oleic, myristic, palmitic, tristerculin, tristearin, ác xít béo và glycerides. Hột trái trôm nhuận trường. 

Dầu trôm màu vàng nhạt có thể dùng như dầu ô-liu trong nấu nướng hay dùng để thắp đèn. Ở Cambodia người ta dùng dầu cây trôm làm mỹ phẩm. Bánh dầu dùng để trị ghẻ ngứa.

Cây trôm nhựa Stercularia hypochra có nhiều ở những vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới trên thế giới. Người Khmer gọi là Tlon. Tỉnh Biên Hòa là nơi có nhiều cây trôm nhựa. Hoa trôm nhựa màu vàng và có lông mịn. Trái hình trứng. Nhiều trái tụ lại thành hình ngôi sao như cây trôm hôi. Trái có vỏ ngoài rất cứng. Hột đen nhạt rất chắc. Hột có nhiều dầu. 

Thân cây trôm nhựa có nhiều nhựa. Khi dùng dao băm vào thân cây, nhựa tuôn ra. Nhựa đó là Gummis sterculiae hydrochae màu vàng nhạt dễ hòa tan trong nước. Khi ra không khí nhựa chuyển sang màu đen. 

Theo kinh nghiệm dân gian người ta dùng nhựa nầy để ăn cho mát cơ thể và để trị chứng tiêu chảy. 

Ở Phi Châu người ta dùng nhựa để trị tiêu chảy. Nó hữu dụng trong ngành nhuộm.

THỐT NỐT
Trước năm 1975 Thốt Nốt là một quận của tỉnh An Giang (tên cũ: Long Xuyên). Quận Thốt Nốt gồm có 9 xã. Đó là một trong những vùng nông nghiệp trù phú bên châu thổ sông Cửu Long. Thốt Nốt là quận tương đối "thái bình" trong cuộc chiến tranh vừa qua. Thốt Nốt có nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Về vị trí địa lý đó là trục giao thông bằng đường thủy quan trọng nối liền các tỉnh An Giang – Phong Dinh (Cần Thơ) – Châu Đốc – Kiến Phong. 

Sau năm 1975 Thốt Nốt là một huyện trong tỉnh Cần Thơ. Huyện nầy cũng có 9 xã như trước.

Thốt Nốt âm từ chữ Thnot của người Khmer chỉ một loài thảo mộc giống như cây dừa. Nhựa của cây nầy được dùng để làm ra đường "thốt nốt" khác với đường mía. Tên khoa học của cây thốt nốt là Borassus flabellifer thuộc gia đình Palmae (lá cọ) hay Arecaceae (dừa, cau). 

Tên gọi của người Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha về thốt nốt luôn có chữ Palmyra. Palmyra là tên một thành phố cổ ở Syria gần thủ đô Damascus. Trong Thánh Kinh Do Thái thành Palmyra được biết dưới tên Tadmor. Có phải chăng cây thốt nốt xuất phát từ Palmyra, Syria?
Hay Phi Châu như tên gọi African fan palm của người Anh?

Cây thốt nốt được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, Mã Lai, Indonesia, New Guinea, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia. Có thể cây thốt nốt ở Đông Nam Á gốc Ấn Độ, nơi cây thốt nốt được gọi là TALTAR. Ở Miến Điện, Thái Lan âm Tan của chữ TAL (âm đầu của chữ taltar) được tìm thấy như tanabin (Miến) và tan-yai (Thái). Ở Mã Lai và Indonesia nơi ảnh hưởng ngôn ngữ và văn hóa của Ấn Độ rất đậm nét âm TAR (âm sau cùng của chữ taltar) được tìm thấy trong tên gọi LONTAR.

Ở Ấn Độ và Sri Lanka có nhiều đồn điền thốt nốt. Thốt nốt được xem là thiên thanh mộc vì có công dụng đa dạng. Người Việt Nam biết đến cây thốt nốt khi tiếp xúc với người Khmer vào thế kỷ XVII và XVIII.

Cây thốt nốt cao từ 20 - 25 m. Cây hao hao giống cây dừa. Tàu lá cũng hao hao giống tàu lá dừa. Tàu lá dài đến 2 - 3 m. Trái thốt nốt nhỏ chớ không to như trái dừa. Khi còn non nó có 3 cạnh vì mỗi trái có ba hột bên trong. Khi lớn trái có hình bầu dục. Cơm và hột trái thốt nốt đều ăn ngon.

Khác với cây dừa, cây thốt nốt chịu nắng hạn rất tốt. Cây có nhiều công dụng trong đời sống cư dân miền nhiệt đới và bán nhiệt đới như cây dừa vậy. Gỗ cứng màu đen đỏ, dùng làm nhà hay hàng rào. Miến Điện là quốc gia xuất cảng gỗ thôt nốt nổi tiếng. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà, đan thúng rổ, nón, quạt hay chầm làm áo mưa. Ngày xưa người Indonesia và Khmer dùng lá thốt nốt làm giấy để khắc chữ viết để lưu văn kiện và tài liệu.

Nhựa cây thốt nốt dùng để làm đường hay cho lên men để làm ra rượu arrack hay làm giấm. Trung bình một cây thốt nốt có thể cho 350 trái mỗi năm. Mỗi cây cho 4 - 5 lít nhựa mỗi ngày suốt 200 ngày trong năm. 

Tàu lá phơi khô dùng để làm củi nấu nướng. Tàu lá có nhiều sợi. Người ta chẻ tàu lá tươi để làm dây cột hay bện thành dây thừng to và bền chắc.

Đường thốt nốt bổ hơn đường mía vì có nhiều glucose, sucrose, chất béo, chất sắt, chất vôi, phosphorus và sinh tố B.

Cây thốt nốt non dùng để trị kiết lỵ, làm rau. Rễ rất nhuận tiểu, lợi cho bộ hô hấp và khả năng diệt lãi trong đường ruột. Người ta đốt mo bông lấy tro để chữa bệnh gan và sưng lá lách. Vỏ cây thốt nốt sắc nước dùng để súc miệng. Nhựa lấy từ hoa thốt nốt rất bổ, nhuận tiểu, kháng khuẩn, tiêu đàm. Đường thốt nốt dùng để chữa viêm da.

Người Việt Nam trồng dừa nhưng không trồng thốt nốt và dùng đường mía chớ không dùng đường thốt nốt. Người viết bài nầy dành cho độc giả quyền suy luận để tìm hiểu cái tại sao của tiền nhân khi ở địa danh Thốt Nốt không có cây thốt nốt.

BẠC LIÊU
Bạc Liêu nằm về phía đông nam Nam Bộ cách Sài Gòn 280 cây số về phía nam. Vùng đất nầy hình thành trên bản đồ hành chánh vào năm 1735 do công lao của Mạc Thiên Tích. Vào thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, Bạc Liêu là một huyện của trấn Hà Tiên (Hà Trấn). Năm 1833 Hà Trấn được đổi thành tỉnh Hà Tiên. 

Dưới thời Pháp thuộc Bạc Liêu là một trong 21 tỉnh ở Nam Kỳ. Tỉnh Bạc Liêu có các quận: Giá Rai, Cà Mau, Thới Bình, Quản Long, Tân Bang, Năm Căn Đông và Tây, Vĩnh Châu. Năm 1956 quận Giá Rai sát nhập vào tỉnh Ba Xuyên (tên cũ: Sóc Trăng). Các quận còn lại nằm trong tỉnh An Xuyên.

Sau năm 1975 tỉnh An Xuyên được đổi thành tỉnh Minh Hải. Năm 1996 tỉnh Minh Hải được chia ra làm hai tỉnh:

1- Tỉnh Bạc Liêu (Bắc)
2- Tỉnh Cà Mau (Nam)

Tỉnh Bạc Liêu có 6 huyện: Đông Hải, Giá Rai, Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi. diện tích lối 2.500 km2. Đó là một tỉnh trù phú về lúa gạo, ngư sản. Bạc Liêu là nơi có nhiều người Việt gốc Hoa và người Khmer Krom sinh sống. Đó là chiếc nôi của Vọng Cổ Hoài Lang, là sinh quán của Công Tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973) nổi tiếng hào sảng nhất nước thời thuộc địa.

Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu
.
 
Bạc Liêu âm từ tiếng Khmer Po-Loeuth có nghĩa là cây da to lớn. Tên khoa học của cây da là Ficus indica hay Ficus benghalensis cho thấy xuất xứ Ấn Độ và vùng Bengal của cây da.

Đó là một loại thảo mộc miền nhiệt đới và khí hậu đại dương được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, các nước Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương v.v...  

Cây da cao lối 25m, có nhiều nhánh nên cho bóng mát rất tốt. Gốc cây rất to. Ngoài rễ dưới đất nó còn có nhiều rễ treo trên cành và đâm thẳng xuống đất để trở thành một thân cây nhỏ khác. Những cây da cổ thụ ở Sri Lanka hay Ấn Độ có nhiều cây nhỏ bao quanh như một đám rừng vậy. Cây da cổ thụ ở Sri Lanka có 350 thân cây lớn với 3.000 cây thân nhỏ! 

Trong Vườn Bách Thảo Quốc Gia Kolkata ở Ấn Độ có cây da 300 tuổi và cho bóng mát trên một châu vi 1.000m. Cây da là quốc mộc của Ấn Độ. Lá cây da to, láng và dày. Trái tròn khi chín chuyển sang màu đỏ giống như trái sung. Cây da rất cần nước nên nó không thể mọc ở những vùng đất khô hạn.

Người Ấn Độ gọi cây da là bargad, banya. Nhiều nơi khác ở Ấn Độ gọi cây da là Vada. Tiếng Sanskrit gọi là bahupada. Có phải chăng chữ ĐA mà người Việt Nam gọi là âm cuối cùng của chữ VADA hay BAHUPADA? 

Người Anh gọi cây da là Banyan tree, Indian banya tree xuất phát từ chữ banya của Ấn Độ mà ra. Chữ banya không có nghĩa là cây cối gì cả mà có nghĩa là cửa tiệm hay thương nhân. Vì ngày xưa người Ấn Độ mở cửa tiệm dưới bóng mát của cây da để buôn bán. Ở nước ta có quán bà Bầu dưới gốc cây da nên trước năm 1954 ở Sài Gòn - Chợ Lớn có đường Da Bà Bầu(quán của bà Bầu dưới tàng cây da. Người Nam Ky gọi là CÂY DA chớ không phải CÂY ĐA).

Y thư Ayurveda của Ấn Độ trân quí cây da. Lá, rễ, trái, rễ treo, nhựa cây da đều được dùng làm thuốc cầm máu trị xuất huyết, trĩ, binh về mật, đau âm hộ, ho, sốt, lở loét, ói mửa, viêm, phong hủi. Nhựa được xem là bổ dưỡng, kích dục, giảm viêm, trị lâm lậu. 

Rễ được dùng để trị giang mai, bịnh về mật, kiết lỵ, tiêu chảy, viêm gan. Lá cây da lông tức lá tì bà dùng để trị ho và thủy thũng.

Ở Việt Nam dước gốc cây da thường có một cái miếu nhỏ thờ Thần. Từ đó có câu:

Thần cây da,
Ma cây gạo,
Cú cáo cây đề
Cây da cậy Thần
Thần cậy cây da
.
 
Trong văn chương Việt Nam người ta thường mượn hình ảnh cây da đầu làng, cây da bến nước, cây da đầu đình để gợi tình hoài hương. Ca dao Việt Nam nói nhiều về cây da như: 

Cây da cũ, con én rũ, cây da tàn,
Bao nhiêu lá rụng, em thương chàng bấy nhiêu.
Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò
Cây da bến cũ con đò khác đưa.
Cây da bến cộ còn lưa,
Con đò đã thác năm xưa tẻ rồi.
 
Trong chuyện cổ tích có chuyện Cây Da với Thằng Cuội tạo nguồn cảm hứng cho Lê Thương phổ nhạc. Vào thế kỷ XVIII Phạm Đình Hổ tức Chiêu Hổ (chiêu: cậu ấm, cậu chiêu, con của các tiến sĩ ngày xưa) cũng dựa vào cảm hứng nầy khi viết:

Khi nào trong thả lên cung nguyệt,
Cho cả cành đa với củ đa.
 
Dùng tên thảo mộc để đặt địa danh cho thấy tiền nhân chúng ta ý thức được tầm quan trọng của cây cỏ trong đời sống. Sự gia tăng dân số, nhu cầu xây dựng nhà cửa, các công trình lợi ích công cộng, việc phá rừng khai thác gỗ, làm củi, hầm than hay nới rộng diện tích canh tác, chiến tranh, bột hóa học khai hoang hủy hoại một số thảo mộc đáng kể trong nước. Các địa danh ghi trên không còn mang ý nghĩa ban đầu của chúng. Chiến tranh ma túy trên thế giới đua cây coca Erythroxylum coca, cây thẩu Papaver somniferum và cần sa Cannabis sativa vào nguy cơ tuyệt chủng. 

Nếu Jean Jacques Rousseau còn sống, ông vẫn giữ câu nói của ông:

"Tout est bien sortant de la main de l'auteur des choses. Tout dégénère entre les mains de l'homme."

Thảo mộc là sản phẩm Thiên tạo. Á phiện, cần sa, cocain là sản phẩm Nhân tạo.

Phạm Đình Lân. F.A.B.I.

No comments:

Blog Archive