Bùi Anh Trinh
Từ ngàn xưa, mọi cuộc chiến tranh xảy ra trên thế giới đều được kết thúc với 2 con số căn bản là số chiến binh và số vũ khí. Hai con số này được tính với cấp số cọng, nghĩa là hễ bên nào có quân đông hơn hoặc vũ khí nhiều hơn thì sẽ thắng.
Tuy nhiên phép tính của chiến tranh không chỉ tính đơn thuần trên hai con số nói trên, mà được tính với ba con số khác nữa; đó là hệ số hiệu dụng của vũ khí, hệ số kỹ năng chiến đấu và hệ số tinh thần chiến đấu. Nghĩa là bên nào có vũ khí tối tân hơn thì dễ thắng hơn, bên nào giỏi điều binh hơn thì cơ may chiến thắng sẽ lớn hơn và bên nào có tinh thần chiến đấu càng cao thì khả năng chiến thắng càng lớn. Ba hệ số này được tính với cấp số nhân.
Tinh thần chiến đấu và vũ khí
Trong cuộc chiến Nam Việt Nam 1954- 1975, phía Nam Việt có tinh thần chiến đấu thấp hơn phía Bắc Việt. Người lính Nam Việt không muốn tàn sát người anh em của mình, họ có quan điểm đơn thuần chỉ là bảo vệ; bảo vệ sự an bình của gia đình và bảo vệ quyền làm chủ đất đai, tài sản của mọi người.
Trong khi đó người lính Miền Bắc có quan điểm một mất một còn với kẻ thù. Họ tin rằng “mỗi ngày có hằng ngàn người dân vô tội bị giết dưới bàn tay của Đế quốc Mỹ và tay sai; mỗi ngày có hằng ngàn căn nhà của dân lành bị đốt cháy; mỗi ngày có hằng ngàn phụ nữ, không kể già trẻ lớn bé bị lính Mỹ hãm hiếp. Vì vậy họ cầm súng lên đường vào Nam với quyết tâm tiêu diệt kẻ thù để cứu đồng bào Miền Nam. (Thực ra là họ bị bịp).
Còn về vũ khí, Liên Xô và Trung Cọng trang bị cho người lính Miền Bắc loại súng tối tân nhất như súng AK.47, hỏa tiễn địa địa 107 ly, 122 ly, đại bác 130 ly. Hỏa tiễn chống chiến xa B.40, B.41, hỏa tiễn hữu tuyến điều khiển AT.3, hỏa tiễn tầm nhiệt SA.7.
Về phía VNCH thì súng đại bác tối tân nhất vào năm 1975 là đại bác 105 ly có từ thời thế chiến 1939-1945, và súng trường tối tân nhất là M.16 thì không hiệu dụng bằng AK.47. *(Tầm bắn hiệu quả của AK là 300 m, của M.16 là 200 m. Sức công phá của viên đạn AK là 1992 jun, sức công phá của đạn M.16 là 1570 jun. Súng AK không hỏng hóc và khó rỉ sét. Súng M.16 dễ hỏng hóc và dễ bị dơ bởi khói thuốc súng hay bụi đất).
Hơn nữa, năm 1975 Miền Bắc đưa vào Nam 2 sư đoàn Pháo binh và 3 sư đoàn xe tăng. Trong khi quân đội Miền Nam chưa có sư đoàn pháo binh nào và chưa có sư đoàn xe tăng nào. Lực lượng bộ binh của Miền Bắc hiện diện tại chiến trường Miền Nam là 5 quân đoàn gồm 36 sư đoàn. Trong khi lực lượng bộ binh của Miền Nam là 11 sư đoàn bộ binh; Miền Nam chỉ hơn Miền Bắc 1 Sư đoàn Nhảy dù, 1 sư đoàn Thủy quân lục chiến và khoảng 4 sư đoàn Biệt động quân, nhưng vào năm 1975 thì cả 6 sư đoàn tổng trừ bị này được sử dụng như bộ binh.
Con số lực lượng
Sau cuộc chiến, cơ quan Ngũ Giác Đài của Hoa Kỳ đã cho thành lập Ủy ban nghiên cứu những sai lầm của Hoa Kỳ tại Việt Nam, do Thiếu tướng John Murray làm trưởng ban. Cuối cùng Tướng John Murray tuyên bố:
“Nếu quý vị muốn biết về Việt Nam, quý vị phải hiểu biết về chiến tranh, nếu quý vị muốn hiểu biết về chiến tranh, quý vị phải biết một chút về tính toán. Lúc binh lực Hoa Kỳ ở cao điểm, chúng tôi có 433 tiểu đoàn tác chiến Hoa Kỳ và Đồng minh; địch có 60 trung đoàn tác chiến.
Năm 1974 khi chúng tôi đã triệt thoái, Quân đội Việt Nam Cọng Hòa có 189 tiểu đoàn (giảm một nửa) và địch đã thiết lập được 110 trung đoàn (tăng gấp đôi). Hỏa lực diện địa của Đồng minh giảm 40%. Toàn bộ B52, F4 và hỏa lực hải yểm không còn nữa. Và rồi chúng tôi yểm trợ Nam Việt Nam với 2% (hai phần trăm) số tiền mà chúng tôi đã tiêu xài để chống lại một lực lượng nhỏ bé hơn…” (Peter Braestrup, Viet Nam as History, trang 143).
Năm 1975 quân đội Cọng sản Bắc Việt tập trung tiến chiếm Miền Nam với 4 quân đoàn chính quy gồm 16 sư đoàn và 68 trung đoàn biệt lập (Theo hồi ký của tướng CSVN Hoàng Văn Thái thì tổng cộng có 400.000, gồm 100.000 quân đưa vào Nam trong năm 1973, sau hiệp định đình chiến, để bổ sung cho 14 sư đoàn CSVN bị tan rã trong trận Mùa Hè 1972; 80.000 quân vào Nam năm 1974 để thành lập thêm quân đoàn thứ 3 tại Miền Nam; và duy trì tại Miền Bắc 120.000 quân để chuẩn bị xua vào Nam năm 1975)
Trong khi quân chính quy của VNCH là 17 sư đoàn (Khoảng 200 ngàn quân) phân tán trên toàn lãnh thổ Miền Nam. (Quân chính quy nghĩa là quân thực sự chiến đấu. Trong số 1 triệu người cầm súng của VNCH thì chỉ có 200 ngàn là thực sự chiến đấu. Còn 800 ngàn còn lại chỉ là các binh chủng hỗ trợ chiến trường, rập khuôn theo quân đội Mỹ).
Con số người chết
Hay một con số khác cũng chứng minh được yếu tố quyết định của chiến trường, đó là sau năm 1975, CSVN đã thống kê số binh sĩ của họ bị chết trong trận chiến là 924 ngàn và mất tích 300 ngàn. Trong khi số chết và mất tích của quân đội VNCH là 250 ngàn (Con số chính xác còn lưu lại trong máy IBM của phòng Tổng quản trị/ Bộ tổng tham mưu/ QLVNCH là 223.700 quân nhân bị chết và mất tích; chưa tính những người chết và mất tích trong khoảng thời gian triệt thoái khỏi Vùng 1 và Vùng 2 trước ngày 30-4-1975).
Tuy CSVN tổng kết là họ có 924 ngàn người chết và 300 mất tích nhưng các nhà nghiên cứu quân sử không tin vào con số này bởi vì Hà Nội luôn luôn giấu nhẹm các con số thương vong của họ. Do đó các nhà quân sử có một cách tính khác để suy ra số quân thực sự của HN:
Trong buổi hội thảo quân sử quốc tế mang tựa đề “Đại thắng mùa xuân 1975 – Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” tại Sài Gòn ngày 15 và 16-4-2005, các nhà quân sự học CSVN công bố trong thời gian 1955-1975, số súng trường cá nhân nhận được từ các nước Cọng sản như sau: 439.198 khẩu của Liên Xô, 2.227.677 khẩu của Trung Quốc, 942.988 khẩu của Đông Đức, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc. Tổng cộng 3 triệu 610 ngàn khẩu.
Suy ra tối thiểu CSVN có 3 triệu 600 ngàn tay súng từ 1955 đến 1975. Và sau 1975 họ còn không tới 400 ngàn quân cùng với 120 ngàn dân quân Miền Nam và 300 ngàn dân quân Miền Bắc; chứng tỏ số chiến binh bị chết và mất tích ít nhất là 2 triệu 700 ngàn người (!).
Đây chỉ là ước tính trên nguyên tắc mỗi quân nhân một cây súng, nhưng trên thực tế thường có những cây súng trải qua 5-7 đời chủ (Mỗi một người lính CSVN nhận súng đều khắc tên và số lính của mình lên bá súng để khỏi nhầm lẫn hay mất. Ngay từ mùa hè năm 1972 các khẩu súng AK tịch thu được tại chiến trường Quảng Trị đều có từ 3 tới 5 đời chủ).
Ngoài con số thương vong 924 ngàn do CSVN công bố trên báo Quân đội Nhân dân và báo Văn nghệ Quân đội Nhân dân, còn có một công bố khác của ký giả Seth Mydam gởi đi từ Hà Nội, đăng trên báo New York Time ngày Thứ Hai 19-4-1999, thì phía Hà Nội bị chết khoảng 1.5 triệu và mất tích 300. Đây là con số do Mydam thu thập được từ “Ủy ban tìm kiếm người mất tích” (Missed in Action = MIA) tại Hà Nội.
Thế nhưng nực cười là ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Mamara, người chủ trương đưa quân Mỹ vào Việt Nam, luôn luôn bắt các cố vấn Mỹ phải đếm số xác quân CSVN tại chiến trường để lập thống kê tính được quân đội đồng minh đã thắng hay bại trong mỗi cuộc chạm súng. Và rồi thống kê cho thấy quân đội VNCH và HK luôn luôn chiến thắng.
Nếu tính theo kiểu thống kê của Mc Mamara thì phe CSVN phải thua nhưng không hiểu vì sao họ lại thắng (sic)? Thắc mắc này đã được bà Nguyễn Thụy Nga, vợ bé của Lê Duẩn trả lời phỏng vấn cho đài BBC vào ngày 21-12-2008:
“Anh Duẩn nói với Mao Trạch Đông rằng chúng tôi đã hy sinh tới 10 triệu người rồi, bây giờ (1972) các đồng chí không cung cấp vũ khí nữa thì chúng tôi vẫn đánh, cho dầu phải hy sinh thêm vài triệu người nữa thì chúng tôi cũng thắng”.
Câu này có nghĩa là dân Việt Nam có chết hết cũng không ăn nhằm gì đối với Lê Duẩn, nhưng “liệu Mỹ có dám chết thêm vài chục ngàn mạng nữa hay không”? Dĩ nhiên là không! Cho nên Mỹ phải rút, một khi Mỹ rút thì Mao Trạch Đông thắng.
Tại sao nói Mao Trạch Đông thắng?
Năm 1954 Mao Trạch Đông “thề đánh Mỹ cho tới người Việt Nam cuối cùng” (Bạch thư của Nước Cọng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam công bố năm 1979, trang 20 và 52). Năm 1975 Mỹ thua mà CSVN chưa chết tới người cuối cùng cho nên tính ra Mao thắng.
Năm 1971, ngày 13-7, Thủ tướng TC Chu Ân Lai bí mật sang Hà Nội. Trong cuộc họp với Lê Duẫn và Phạm Văn Đồng, Chu cho biết là vừa qua Kissinger bí mật đến Bắc Kinh (Từ ngày 09 tới ngày 11-7-1971) với hai đề nghị của Nixon, một là nhờ Trung Quốc giải quyết chiến tranh Đông Dương, hai là Hoa Kỳ sẽ để cho Trung Quốc được gia nhập Liên Hiệp Quốc và Mỹ sẽ rút bớt 2/3 quân số đang trú đóng trên đảo Đài Loan.
Nhưng vấn đề số một và số hai có liên quan với nhau, nghĩa là CSVN có ngưng chiến thì Mỹ mới bãi bỏ bao vây cấm vận cho TC. (Bạch thư của chính phủ Hà Nội, “Sự Thật Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, trang 57).
Mỹ nhờ TC giải quyết chiến tranh Đông Dương có nghĩa là nhờ TC ra lệnh cho Hà Nội ngưng chiến, ký kết Hiệp định Paris, trao trả tù binh cho Mỹ mà không nhận được tiền chuộc tù binh. Rốt cuộc chỉ có TC thành công chứ không phải CSVN thành công, bởi vì sau 1975 đất nước VN tan hoang nhưng năm 1977 CSVN phải cong lưng trả nợ 20 tỉ USD mua vũ khí của TC trong suốt cuộc chiến (Hồi ký của Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Trần Quang Cơ).
Ngoài ra hồi ký của Kissinger cho biết ngày 4-4-1972 ông ta đã thông báo cho Bắc Kinh rằng hải quân Mỹ sẽ tôn trọng chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa. Căn cứ vào thỏa thuận này mà ngày 19-1-1974 Bắc Kinh đã xua hạm đội chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa.
Và hồi ký của Ngoại trưởng Trung cộng Tiền Kỳ Tham cho thấy Mao Trạch Đông đã tiếp thu nước Kampuchia ngay sau khi Mỹ cuốn cờ ra khỏi Nam Vang. Trong khi trước đó Hà Nội đã đổ không biết bao nhiêu xương máu của người Việt để chiến đấu thay cho Cọng sản Khờ Me nhằm “giải phóng” (làm chủ) Kampuchia.
Con số nợ chiến phí
Mãi đến năm 1995 CSVN mới gượng lại được nhờ bắt tay với thế giới Tư bản. Nhưng trước đó CSVN phải hứa trả nợ số tiền chiến phí mà Mỹ đã tiêu tốn cho VNCH. Tài liệu “The Globalization of Poverty” của giáo sư Chossudovsky, Giám đốc “Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa” của Canada cho thấy:
“…một thỏa thuận đã đạt được ở Paris vào năm 1993, yêu cầu Hà Nội nhận các khoản nợ của chính quyền Sài Gòn, một chính quyền không còn tồn tại nữa của Tướng Thiệu. Bản thoả thuận này có nhiều chỗ tương đương với việc bắt buộc Việt Nam bồi thường cho Washington các phí tổn chiến tranh”(Bản dịch của Ngọc Thu. Có thể xem kỹ hơn trên net với bài viết “Ai đã thắng trong cuộc chiến Việt Nam, Michel Chossudovsky”).
Nghĩa là CSVN vừa phải trả nợ chiến phí vay của Liên Xô lẫn TC, mà còn phải trả món nợ chiến phí mà Mỹ đã tiêu tốn cho VNCH (sic). Rốt cuộc chỉ có dân chúng Việt Nam chết, chỉ có dân chúng Việt Nam còng lưng trả nợ chiến phí cho cả liên Xô, Trung Cọng lẫn Mỹ.
Tội ác của Cộng sản Việt Nam không để đâu cho hết!
06/10/2015
Bùi Anh Trinh
No comments:
Post a Comment