Tuesday, October 13, 2015

Những người phụ nữ miền Nam


nguoiviettudo

Không biết quí vị nghĩ thế nào nhưng với tôi người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất khi so sánh với những người đàn bà khác ở khu vực Đông Nam Á.

Nói có sách mách có chứng. Không phải vì tôi là người Việt nên mèo khen mèo dài đuôi. Rõ rằng người phụ nữ Việt Nam không thừa hưởng nước da đen như Cam Pu Chia, Lào hay Thái Lan, cũng chẳng có cặp mắt xếch (trông rất dữ dằn) của phụ nữ Tàu, hoặc một mí như người đàn bà Nhật, Đại Hàn. Tôi so sánh về nét đẹp của những phụ nữ trước năm 1975, còn sau đó ( khi cả nước rơi vào tay của bọn côn đồ) thì tôi không có ý kiến.

Đó là nét đẹp bên ngoài nhìn thấy được, còn vẻ kiều diễm bên trong (tâm hồn) thì phải đụng chuyện mới biết. Và người phụ nữ Việt Nam hay rõ hơn người đàn bà dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã đụng những chuyện rất lớn trong đời họ, suốt và sau cuộc chiến tranh Vệ Quốc.

Thời kỳ chiến tranh, một cô nữ sinh trung học phải lòng một anh lính và trở thành vợ chiến binh có được bao nhiêu thời gian hạnh phúc bên chồng ? cái đó tuỳ thuộc hoàn toàn vào Việt cộng. Nghe buồn cười, nhưng hễ Việt cộng “vui“, mở nhiều trận đánh lớn thời gian hương lửa sẽ chỉ đếm được trên ngón tay những ngày phép. Nhiều cô mới mười chín , hai mươi từ khi về nhà chồng cho tới ngày 30/4/1975 chỉ có một phần tư thời gian làm vợ. Vậy mà họ vẫn ráng chịu và chịu được. Nhiều người lính vừa kịp cho vợ một đứa con trong bụng đã lại miet mài ngày đêm trên chiến trận. Những phụ nữ may mắn đón chồng trở về sau chiến tranh, nhưng không ít góa phụ còn rất trẻ chưa kịp quen hơi hướng của chồng đã phải khóc than trên đường ra nghĩa trang chôn xác. Đó là một sự thật.

Tuy nhiên, đa số những góa phụ vẫn sống vậy nuôi con cho tới cuối đời không bước thêm bước nữa bởi vì với họ sẽ chẳng có ai so sánh được người chồng đã mất, dù thời gian ân ái mặn nồng rất ngắn ngủi. Thường họ đến với nhau bằng tình yêu và tình yêu đó không chết. Những đứa con vẫn luôn luôn là sự hiện diện gần gũi của người đã khuất.

Một lý do khác là sau 30/4/1975, đàn ông thanh niên còn ở ngoài chưa vào tù thuộc vào loại bất khiển dụng hoặc lính miền Bắc xâm lược không đáng được để mắt tới. Thời đó đã có những câu ca dao dân gian rất được truyền tụng, chẳng hạn :

           Khoai lang ngập nước khoai lang sùng
          Lấy chồng bộ đội, lấy thằng khùng sướng hơn

Nhiều người chưa kịp vui mừng vì chồng trở về nguyên vẹn hình hài, chưa kịp ngồi xuống vẽ vời với chồng một tương lai không còn chiến tranh bom đạn lại phải ngậm ngùi tiễn đưa chồng vào tù. Vợ sĩ quan từ cấp thiếu Úy trở lên bắt đầu nếm mùi khổ đau dưới chế độ Việt cộng.

Vậy mà họ vẫn không nản lòng. Theo những gì tôi được biết, tỷ lệ vợ sĩ quan đi tù “ bỏ cuộc “ rất ít , chỉ vào khoảng năm phần trăm, phần còn lại vẫn bương chải để vừa kiếm sống vừa chắt mót đi thăm chồng có khi ở tận cùng biên giới phía Bắc. Bao nhiêu gian truân quí bà phải trải qua, vấn để xin giấy tờ, thu gom tiền bạc mua cho chồng kí đường, lít nước mắm…bao nhiêu ngày nằm đường vượt suối bị cướp, thậm chí có người còn bị bọn khốn nạn phương Bắc làm nhục. Theo một câu chuyện thì khi biết việc xảy ra cho vợ của đồng đội mình, những anh hùng Biệt Kích VNCH (vốn rất được bọn "quản giáo", giới giang hồ miền Bắc kính nể vì khí phách trong tù của họ) đã can thiệp bằng cách nhắn cho chúng biết “ Đụng tới vợ tù "cải tạo" là làm phiền đến chúng tôi rồi đó", nhờ vậy mọi chuyện mới chấm dứt.

Vừa thăm chồng không biết đến ngày nào mới được về, vừa lo buôn bán nuôi con, nuôi gia đình, trái tim của quí bà thật vĩ dại. Đó là những trái tim mà tôi tin Thượng Để tạo ra bằng chính một phần của Ngài. Những trái tim bằng vàng!

Tôi cũng biết trường hợp vợ của các Thương Binh. Có người lập gia đình với một chiến binh khỏe mạnh, vì bom đạn người lính trở về bất khiển dụng  thậm chí nhiều thương binh chẳng còn gì ngoài phần cơ thể, tay chân biến mất, mắt mù, vô phương hoạt động. Vậy mà những người vợ đã không bỏ đi, không quay mặt trước sự đau thương của người đã chia ngọt sẽ bùi tình nghĩa. Có người lập gia đình với chính những anh em Thương Binh chỉ vì cảm cái ơn anh em đã đổ máu bảo vệ mình thời chiến tranh. Và họ đã sống như thế cho tới ngày một người nằm xuống, không than vãn không trách móc.

Tôi không biết sự thủy chung của những người phụ nữ vợ chiến binh Việt Nam Cộng Hòa bắt nguồn từ đâu nhưng chắc một phần lớn là do thừa hưởng sự giáo dục của một chính thể đề cao nhân bản, đề cao đạo đức đề cao những tinh hoa dân tộc qua nhiều tác phẩm bất hủ như Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu…

Một tác giả có chồng từng là Đại Úy nay đã lớn tuổi với những tật bệnh. Bà diễn tả phải ở bên ông suốt để thay tả, lau rớt rãi lòng thòng vì ông không còn khả năng tự lo cho mình. Tôi cảm thấy "ganh" với sự may mắn ông thừa hưởng từ người bạn đời tuyệt vời nhưng cũng tiếc cho ông vì không còn trí nhớ để nhận ra tình yêu phát sinh bởi một trái tim vĩ đại. Không biết tôi làm nỗi điều đó (lau chùi, tắm rửa….) nếu đặt tôi vào cùng một hoàn cảnh?

Bà Ngô Đình Nhu, người phụ nữ bị bọn phản chiến Mỹ cùng thầy chùa Ấn Quang tìm mọi cách để bôi lọ là hình ảnh tuyệt vời nhất về phái đẹp ở miền Nam. Chồng chết và bà đã ở vậy cho tới ngày gặp chồng trên thiên đàng.  Tôi tin điều ấy vì Cố Vấn Ngô Đình Nhu và bảo huynh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bào đệ Cố Vấn Ngô Đình Cẩn xứng đáng được Thiên Chúa ban phần thưởng nước Trời về những cống hiến của quý ngài cho quốc gia dân tộc. Bà Ngô Đình Nhu, một người phụ nữ bản lãnh, có tài, đẹp, son trẻ nhưng từ chối tất cả mọi cám dỗ trần thế để thủy chung với chồng cho đến chết. Tình yêu của bà đối với ông lớn quá, đến nỗi không ai có thể thay thế ông trong trái tim bà. Hãy đọc về bà để ngưỡng mộ một trang quốc sắc thiên hương bất hạnh.

Má tôi người đã sinh cho ba tôi đến chín đứa con cũng làm tròn bổn phận một cách xuất sắc cho tới ngày nhắm mắt. Rất tiếc từ ngày bọn CSBV cướp nước có mặt ở miền Nam chữ “ Má “ thương yêu ngọt ngào dần dần biến mất, chỉ còn ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh miền Tây. Tôi không kỳ thị địa phương nhưng cần phải rạch ròi đối với bọn Côn Đồ Cờ Đỏ sau năm 1975, để phân biệt với những người miền Bắc vào Nam trước đó. Những người nầy, một khi đặt chân lên phần đất tự do họ đã hoàn toàn thành dân miền Nam.

Chị tôi một người phụ nữ đẹp, tôi biết điều này vì hồi còn con gái nhiều cái đuôi đi theo chị. Thẩm phán có, sĩ quan cao cấp có nhưng chi lại bằng lòng làm vợ của một anh sĩ quan trẻ tuổi. Khi anh bị Việt cộng phục kích bắn chết chị ở vậy nuôi đứa con duy nhất  Mỗi tuần chị lại đi thăm mộ anh kể cả sau ngày mất nước. Một tình yêu, một đời chồng và chị sống như thế cho tới bây giờ.

Xin hãy đọc những giòng chữ dưới đây:

“ –  BDQ Hồ Thị Mỹ Hương Đi Tìm Chồng:

BDQ Trung Úy Lưu Lập Trung, khóa 6/68 Thủ Đức

Có ai biết tin tức gì của Tr/Úy Lưu Lập Trung hay không. Nếu anh đã chết, chết ở đâu, ngày tháng nào, chôn ở đâu. Nếu anh còn sống, anh đang ở đâu?
Chồng tôi Tr/Uý Lưu Lập Trung khóa 6/68 Thủ Đức, Trưởng Ban 4 LD 24 BD Q là một trong những người lính đã tử thủ Trại Mãnh Hổ, hậu cứ của LD 24 BDQ Ban Mê Thuột  cùng với Th/Tá Lê Đình Hồng chỉ huy hậu cứ

Mẹ con tôi xin cảm ơn rất nhiều”

Đó là lời nhắn tin của vợ một chiến binh Biệt Động. Từ ngày mất liên lạc với chồng tới nay đã hơn bốn mươi năm, vậy mà bà vẫn nhớ đến ông. Bốn mươi năm mất nước, người thiếu phụ không phút nào quên hình ảnh bóng dáng người đã từng chung chăn chung gối với mình. Bà chờ đợi như thế gần mười lăm ngàn ngày đêm chỉ với một mong ước: sẽ có ngày nhận rõ số phận ông. Biết đâu ông sẽ xuất hiện và dù cho ông có già đi sau bao nhiêu cay đắng của cuộc đời,  hành hạ của quân thù  bà  vẫn yêu ông như ngày mới cưới. Ví dù nhận được tin dữ , ít nhất bà cũng yên tâm rằng ông đã nằm xuống cho quê hương đất nước,  nếu được cơ hội sẻ cải táng để ông cũng có một nấm mồ ấm cúng và mẹ con bà còn biết ngày tưởng nhớ mỗi năm .

Tôi cầu nguyện cho bà và bao nhiêu người phụ nữ miền Nam đã phải rơi vào cùng hoàn cảnh

Tôi vẫn không biết trái tim của người vợ lính miền Nam được làm bằng gì ?


12/10/2015
nguoiviettudo

No comments:

Blog Archive