Sunday, October 18, 2015

Chuyện Ba Má Tôi và Phố Hàng Đàn


Phùng Annie Kim

Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự. Sang năm 2015, với bài “Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ”, cô nhận thêm giải “Vinh Danh Tác Phẩm” và vẫn tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ. Sau đây là bài viết mới nhất.
* * *
Sài gòn thời xưa có con đường nhỏ Hồ văn Ngà nằm ngang phía sau đường Trần Hưng Đạo chia làm ba đoạn nhưng sầm uất nhất là đoạn nằm giữa hai con đường Calmette và bác sĩ Yersin còn gọi là phố hàng đàn. Sở dỹ có tên gọi này là vì từ năm 1953, đây là nơi có tiệm đàn và xưởng làm đàn mang tên ba tôi: Phùng Đinh.

Ba tôi là người làng Đào xá cùng các chú bác lên Hà Nội, đa số theo học nghề làm đàn nên nghề này trở thành nghề truyền thống của họ Phùng. Sau này có bác làm ăn khá giả mở cửa hiệu đàn ở Hà Nội. Ba tôi không dừng tại đó. Ông khéo tay, thông minh, có nhiều sáng kiến. Mộng làm giàu và máu phiêu lưu thúc giục ba tôi đi tìm môt thị trường mới đầy hấp dẫn và gian nan: Sài Gòn. Má tôi bế cậu con trai đầu lòng mới sinh được vài tháng theo ba trong chuyến xe lửa Xuyên Việt vào Nam năm 1942, mở đầu cho những chuyến di dân sớm của người miền Bắc vào Nam sinh cơ lập nghiệp.

Chỉ mười năm sau, ba tôi đã trở thành chủ nhân cơ xưởng làm đàn thành công tại Sàigòn. Cửa tiệm là một căn phố ba tầng ở 120 Hồ văn Ngà, một căn phố ba tầng, ăn thông sang xưởng làm đàn ngay bên cạnh, số 118. Thời trước, khu phố hàng đàn này nhộn nhịp, số thợ đông lên tới vài ba chục người, mối manh nhiều, đàn sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường.

Các sản phẩm của xưởng làm đàn Phùng Đinh gồm đủ loại đàn, nhưng có lẽ cây đàn đặc biệt nhất chính là cây ghi ta phím trũng của cổ nhạc miền Nam. Thời trước, đây chỉ là sản phẩm thủ công. Chính ba tôi trong khi qua lại các vùng miền Tây, đã bỏ thời gian nghiên cứu loại vọng cổ này và đưa vào qui trình sản xuất hàng loạt.

Tôi nhớ hồi đó, bên cạnh ba luôn có chú Mười Chi, một nghệ sĩ cổ nhạc chơi đàn vọng cổ rất nghề. Ba mang chú từ miền Tây lên Sài gòn ở nhà tôi. Công việc của chú là cùng ba nghiên cứu làm đàn có phím trũng, dũa đến mức độ cong và sâu bao nhiêu để khi bấm giây có thể tạo được âm thanh rung và ngân nhưng vừa với ngón tay khi bấm. Từ đó ba tôi mới có sáng kiến về kỹ thuật, huấn luyện thợ sản xuất.

Phím đàn vọng cổ phải khoét cong, trũng xuống chứ không bằng phẳng như đàn guitar hay mandoline.

Tôi nhớ thợ đàn ngày đó dùng một cái dũa lượn qua lượn lại chỗ trũng mài cho láng và đều (Họ phải đục trước, lấy miếng gỗ hình tam giác ra rồi mới dùng dũa mài trũng và cong.)

Kết quả là đàn vọng cổ do Phùng Đinh sản xuất trở thành sản phẩm được tin cậy, bán rất chạy. Thị trường miền Tây, các đại lý đặt hàng có khi cả trăm cây một lúc. Tiệm và xưởng đàn ngày càng phát đạt. Trong lúc Ba chạy lo vật liệu, trông coi kỹ thuật, lương tháng, thợ thuyền, thị trường bán sỉ thì má lo cửa hàng bán lẻ, tiền bạc, chợ búa, cơm nước cho thợ, chăm sóc con cái học hành...

Má tôi con gái thầy đồ, học vài chữ Nho từ ông ngoại, vất vả với nghề làm ruộng từ bé. Má tôi theo Ba vào Nam lập nghiệp, sớm nhiễm cái chất Sài Gòn nên quanh năm ngày tháng Má búi tóc sau gáy kiểu “xà bông Cô Ba ” trông như một bà Nam kỳ rặt. Má tôi nhanh nhẹn, xốc vác, miệng nói tay làm, giao tế rộng, xông xáo về mặt thương mại và xã hội. Má tôi là người đàn bà quán xuyến và tháo vát, giúp ba buôn bán, kiếm tiền, “tay hòm chìa khóa”, cai quản thợ thuyền.
*
Mùa Vu Lan, rồi lễ Mẹ, lễ Cha, nhiều người đã viết về các bậc sinh thành. Tôi cũng đã viết về Ba Má tôi, nhưng chưa đặt ngòi bút của mình vào những khía cạnh riêng tư, những ngõ ngách nhạy cảm, thầm kín trong chuyện nhà, chuyện tình của ông bà. Cũng chưa kể được về cách ứng xử của ba má với nhau, nhất là cách mẹ tôi ghen tuông khi có một ông chồng ăn chơi, cũng như sự bao dung của bà đối với những người đã từng làm bà đau khổ.

Hồi đó Ba kiếm tiền nhiều, tính hào sảng, tiêu xài rộng rãi nên có nhiều bạn. Các bạn của Ba phần lớn là các bác trong giới nhà may, ngành in, thành lập một hội, cuối tuần nào cũng họp mặt rủ nhau đi ăn nhậu nhưng thật ra là các bác đi nghe hát cô đầu. Các bác gái ở nhà làm sao biết được ngoài thú vui tao nhã này là những màn du dương, lâm ly với những “cô đào rượu”. Họ là những cô phục vụ, hầu khách. Hầu hết họ đều trẻ và không biết hát. Ăn “cơm nhà quà vợ” hoài cũng chán, các ông đi tìm các món lạ như... mì, phở. Ăn món gì đã thích thì đâm ghiền. Suốt một năm ăn chơi chốn này, ba tôi “ghiền” đi nghe hát cô đầu, “kết” với một “cô đào rượu” nhưng chưa thấy ông “overnight” bao giờ và luôn luôn về trước giờ giới nghiêm.

Hát cô đầu hay còn gọi là hát ả đào là một môn giải trí văn nghệ nho nhã và thanh lịch từ thời Pháp. Hà Nội có phố Khâm Thiên là phố ăn chơi của giới đàn ông mê tiếng đàn, tiếng phách và có khi mê cả cô đào hát như Tú Xương trong bài “Đi hát mất ô”. “...Hỏi ô, ô mất bao giờ. Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa. Chỉn rằng rày nắng mai mưa. Lấy gì đi sớm về trưa với tình...”.

Trong một buổi hát cô đầu thường có ba người tham gia. Họ ngồi trên một chiếc chiếu. Cô đào hát ngồi chính giữa, “kép” đánh đàn ngồi bên cạnh phía sau, khán thính giả ngồi chung quanh trong đó có một ngừơi cầm chầu. Người cầm chầu phải là người sành điệu, biết thưởng thức hay dở, đúng sai qua tiếng đàn tiếng hát và tiếng phách. Người cầm chầu dùng tiếng trống để bày tỏ sự thưởng ngoạn của mình. Nghệ sĩ chơi đàn còn gọi là “kép” sử dụng một loại đàn hình thang gọi là đàn đáy phụ họa theo tiếng hát. Cô đào hát gọi là “đào nương”, tay cầm cái dùi gõ vào bộ phách để giữ nhịp. Cô theo tiếng đàn, miệng hát í a các bài thơ, phú cổ điển nổi tiếng chẳng hạn như bài “.Gặp đào Hồng đào Tuyết” của cụ Dương Khuê. “Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chưa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoát có xa gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”

Các đào nương là những đào hát chuyên nghiệp. Có khi cũng là “đào rượu” cho các “quan viên” có những tình cảm văn nghệ đặc biệt với các cô. Dan díu mãi với các cô, các ông dễ vướng mắc với một “cô đào rượu”, trẻ hơn vợ nhà, có nhan sắc lại khéo léo, biết chiều chuộng, biết hầu rượu, biết nói chuyện vui, và biết cánh đàn ông này có… tiền. Vào thế giới ăn chơi, các ông hảo ngọt, ham vui, yếu lòng, chán vợ già, thích của lạ khó bề chống đỡ sức quyến rũ của các cô. Có khi quan hệ đi đến chỗ thâm tình, các cô trở thành nàng hầu, vợ lẽ, gái bao, người tình của các ông, đưa đến cảnh bắt ghen đánh lộn, chửi bới, làm nhục, tạt a-xít như báo chí thường đăng tải. Biết bao nhiêu hạnh phúc gia đình tan vỡ vì những quan hệ tay ba này.

Ba tôi đi nghe hát cô đầu, đánh trống chầu riết rồi đâm ra ghiền. Không chỉ ghiền tiếng đàn, tiếng hát, tiếng phách, tiếng trống chầu mà còn ghiền cả cô đào... không biết hát. Má kể không riêng tối thứ bảy, chủ nhật, vào ban ngày, thỉnh thoảng Ba vừa đi công việc vừa ghé thăm một cô không phải là cô Hồng cô Tuyết mà là cô Phượng.

Không biết Má liên kết ngầm với với bác gái Đam hàng xóm, thuê người đi dò dóc lúc nào mà biết được nhiều tin tức như bác Đam trai có “phòng nhì”. Bác thuê một chỗ ở riêng cho một cô tên là Cúc. Còn Ba, Ba đang mê “cô đào rượu” trẻ tên Phượng. Hồi đó, anh, chị tôi đi học nước ngoài, tôi là con gái lớn, là con nhờ con cậy, gần Má nhiều nên chuyện gì Má cũng hay tâm sự. Má kể lể hết sự tình, nhờ tôi chở Má đi gặp Ba và cô Phượng. Tôi hỏi “Má muốn đánh ghen hả” ? Má lắc đầu “Má chỉ muốn biết mặt cô Phượng. Có con đi theo, Ba hết chối cãi”.Tôi phản ứng liền: “Đi dò xét Ba kiểu này, con không đi”.

Bây giờ hồi tưởng lại chuyện Má rủ đi đánh ghen ngày xưa, tôi cảm thấy hối hận, có lỗi với Má rất nhiều.Tại sao lúc đó tôi lại bình thản và lạnh lùng khi nghe Má kể chuyện cô Phượng, người đàn bà đang làm cho Má tôi đau khổ. Cô ta sắp phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi. Cô ta đang quyến rũ ba tôi. Vậy mà tôi không có đến một lời an ủi lại từ chối một cách phủ phàng.

Lát sau, nhìn Má quần ống thấp ống cao đang nhổ mấy cây đinh từ một miếng gỗ thông làm mặt đàn tôi thấy thương Má quá. Má vất vả làm lụng kiếm tiền đâu phải để cho ba tôi bao gái. Trong lòng Má tôi đang ghen sôi sục nhưng bà vẫn ngậm đắng nuốt cay trước mặt mọi người, che dấu niềm đau nỗi khổ trong lòng nào ai biết ngoài tôi.Trong lúc này, Má cần tôi chia sẻ, giúp Má về mặt tinh thần, tôi lại ngoảnh mặt làm ngơ. Vô tình và hờ hững trước nỗi đau khổ của mẹ mình, tôi thật là đứa con không ra gì.

Thời gian đó tôi vừa học xong, đi làm, hiểu biết chút ít về cuộc đời, nhìn mọi sự và con người với cái nhìn cởi mở và hời hợt. Tôi chưa biết ghen là gì, chưa biết nỗi khổ của người đàn bà có chồng ăn chơi. Tôi còn bênh Ba, bào chữa cho Ba. Tôi nói với Má Ba làm việc vất vả quá, chỉ là vui chơi văn nghệ giải trí cuối tuần, chuyện có chi mà Má làm ầm ỹ. Trong lòng tôi còn tội nghiệp ông già. Phen này không chừng Má ghen quá, cho Ba một cú... mất mặt với bạn bè. Ánh mắt Má lúc ấy buồn buồn. Má bỏ đi, không trách cứ, rầy rà gì chỉ nói “ Thôi được. Để Má đi xích lô máy”.

Nghe Má nói đi gặp cô Phượng bằng xích lô máy và đi một mình tôi hết hồn. Má tôi gan cùng mình. Rủi có chuyện gì, cô Phượng kia làm nhục hay cho đàn em chơi ngón giang hồ thì lấy ai bảo vệ. Ít ra tôi còn cản ngăn không để những chuyện tệ hại xảy ra cho Ba hoặc cho Má.Cùng lắm tôi la làng hoặc kêu cảnh sát. Nghĩ đến Ba, tôi vừa giận vừa thương Ba. Tôi đồng ý lấy xe Honda chở Má đi với điều kiện là Má chỉ gặp mặt cô Phượng, không đánh đấm, không chửi bới, không được làm mất mặt Ba trước mặt mọi ngừoi.

Căn nhà rộng, ba tầng, nhiều ngõ ngách và khá sang trọng nằm trong khu phố có đường lớn, xe hơi có thể ra vào trong khu Phú Nhuận. Một bà lớn tuổi ra mở cổng. Chiều hôm đó Má ăn mặc đẹp, nói với bà gác cổng có việc cần, muốn gặp một người đàn ông trong nhà nhắn về để giải quyết chuyện gia đình. Má bình tĩnh, tự tin đẩy cửa đi thẳng vào nhà khiến bà gác cổng chưa kịp hỏi han gì. Hai chân tôi run run, lẽo đẽo theo sau. Đây là lần đầu tiên tôi đi đánh ghen mà có dám... đánh ai đâu, trong lòng hồi hộp, trong người tôi không mang một thứ vũ khí tự vệ nào.

Căn phòng khách rộng, trải thảm đỏ. Màn văn nghệ có lẽ chưa bắt đầu nên các “quan viên” và các “cô đào rượu”, mặt mày tô son điểm phấn, kẻ ra người vào cười nói ồn ào, nhìn hai mẹ con tôi với ánh mắt tò mò. Có vài cô đang ngồi ăn uống cười đùa với các ông. Một cô còn trẻ cỡ tuổi với anh trai lớn của tôi, khá đẹp, đang ngồi trên thảm hoa đỏ cạnh Ba tôi. Hai người lả lơi cười nói, một tay cô khoác trên vai Ba, trước mặt là vài dĩa thức ăn, vài chai bia và một chai rựou. Tôi nhận ra các bác bạn của Ba. Các bác ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi thấy hai mẹ con đang dáo dác tìm Ba. Thấy Má và tôi đến gần, mặt Ba xanh dờn. Má đến cạnh Ba, nhìn cô Phượng một thoáng rồi nhỏ nhẹ nói với Ba “Thưa Cậu, Cậu về nhà. Nhà đang có khách”.

Thì ra chuyến đi đánh ghen của Má tôi chỉ là một chuyến thăm dò đối thủ cho biết mặt và có bằng cớ để cho ông già hết chối rằng mình chỉ đi ăn nhậu. Tôi tưởng sau buổi tối đó sẽ có một màn cải vã nẩy lửa hay một trân đụng độ lớn, vài món đồ gì đó sẽ bị đập vỡ loảng xoảng vì những cơn thịnh nộ của Ba. Nhưng Ba tôi về lâu rồi mà sao dưới nhà vẫn yên lặng không động tĩnh gì. Tôi len lén xuống, áp tai vào khe cửa hồi lâu, nghe lóm câu được câu chăng tiếng xì xào và hình như có tiếng sụt sịt. Má tôi đang khóc.

Má tôi thuộc loại đàn bà cứng rắn và ít lời. Bình thường giọng Má sang sảng nhưng trong bóng đêm, tiếng bà chùng xuống, nhỏ nhẹ đủ nghe:

- Tôi chỉ sợ Cậu sa đà. Con cái lớn cả rồi. Mình sắp có dâu rể. Cậu phải là tấm gương cho các con.Từ trước đến giờ các con đều kính nể Cậu. Tôi đau lòng, tôi có thể chịu đựng được. Còn các con chúng nó còn quá trẻ, đời chúng nó còn dài, còn tương lai. Cậu phải thương các con. Cậu thường nói cả đời cậu hy sinh cho con….

- Mợ là người đàn bà ích kỷ. Mợ nói Mợ thương tôi. Mợ chỉ thương Mợ. Mợ chỉ nghĩ đến Mợ. Tôi không cấm Mợ tu nhưng Mợ tránh xa tôi như thế trách sao tôi không tìm người đàn bà khác. Đi đâu tôi cũng đi một mình. Ăn một mình. Ngủ một mình. Tôi như người đàn ông góa vợ…

- Năm nay tôi già rồi và mệt mỏi quá. Tôi muốn từ giờ trở đi Cậu cho phép tôi tu tại gia nhưng trách nhiệm làm mẹ làm vợ phần nào tôi vẫn phải chu toàn. Có điều tôi phát nguyện ăn chay nên không cùng ăn chung mâm với Cậu. Tôi ngủ riêng nên Cậu buồn. Tôi không vui chơi các buổi hội hè với các bạn để Cậu thui thủi một mình. Tôi có lỗi nhiều với Cậu. Cậu tha lỗi cho tôi. Sắp tới, Cậu cần có người thay tôi chăm sóc cho Cậu. Cậu cứ tìm ai, người có tuổi, đứng đắn, hiền lành, tử tế kết bạn, đừng để có con, rắc rối dòng nọ dòng kia. Tôi chấp nhận cho cậu tìm bạn nhưng người đàn bà ấy phải biết phận mình. Tôi muốn dấu các con chuyện này. Tôi chỉ sợ chúng nó vì thương tôi mà sinh tâm thù hận....

- Tìm một người đàn bà để lo cho tôi. Các bà chỉ có đạo đức giả. Tôi chỉ có chơi bời qua đường mà Mợ bắt con Kim chở đi dò xét tôi. Mợ làm tôi xấu hổ. Nếu Mợ thật lòng thương tôi thì Mợ tìm đi. Chỉ nói cái miệng. Ghen lồng lộn như thế...

Trong bóng đêm, tiếng nói chuyện càng ngày càng thưa và nhỏ dần tôi không nghe rõ nữa.

Từ đó trở đi, Má không kể gì thêm về vụ đánh ghen, về cô Phượng, về Ba. Hai ngừơi vẫn chuyện trò, bàn bạc chuyện làm ăn và con cái hàng ngày như không có chuyện gì xảy ra. Má tôi ghen như vậy đó. Không có gì mà ầm ỷ.

Sau lần Má gặp cô Phượng, tôi tò mò hỏi qua bác Đam, nghe bác Đam kể lại Má tôi đã tìm gặp cô Phượng. Không biết Má tôi tung những loại “chưởng gì”, chơi theo lối giang hồ hăm he dọa nạt, thương lượng bằng tiền bạc hay “khổ nhục kế”, hoặc Ba tôi vì thương Má “cải tà quy chánh”, hoặc ba tôi không muốn hạnh phúc gia đình đỗ vỡ vì thương các con. Từ đó trở đi, ba tôi không đi hát cô đầu nữa. Chuyện cô Phượng đi vào quá khứ, chấm dứt một thời ăn chơi cả năm trời của Ba tôi.

Năm Má tôi bốn chín tuổi, cái tuổi của người phụ nữ mười một lần sanh nở và nuôi một đàn con đẻ ba năm đôi, có khi năm một, tổng cộng chín đứa đang tuổi học hành khôn lớn, cộng thêm hai cửa hàng bán sỉ và lẻ phải trông coi và bao nhiêu việc khác phụ giúp ông chồng làm cho Má mệt mỏi, chán ngán chuyện chăn gối vợ chồng. Thời đó, tội nghiệp cho giới phụ nữ chỉ là cái máy đẻ. Việc hạn chế sinh sản hay sinh sản có kế hoạch còn xa lạ và mới mẻ đâu có phổ biến như bây giờ. Đến cái tuổi sắp có dâu rể, có cháu ngoại mà dính cái bầu, sanh con ra, tuổi của con út gần bằng tuổi cháu ngoại thì thật là xấu hổ. Còn Ba lúc nào cũng sâm, nhung, cao ban long, cao hổ cốt, đủ thứ rượu rắn, rượu tắc kè, rượu hải mã… của các bác truyền tụng nhau, tha hồ các ông bồi dưỡng sức khỏe. Tôi thương Má và hiểu lý do tại sao Má tránh Ba. Má sợ dính bầu. Sợ đẻ. Sợ con đông. Sợ những “tai nạn” bất ngờ mà người phụ nữ vào tuổi Má thời đó họ hoàn toàn thụ động. Họ mắc cỡ khi phải nói đến chuyện phòng the hay sinh đẻ. Họ không được giáo dục hay hướng dẫn các phương pháp tránh thai. Họ không được làm chủ thân xác mình.

Sau khi phát nguyện cho ông anh cả được đi du học ở Nhật, Má ăn chay trường và ngủ...riêng. Nhà không có phòng cho từng đứa. Con đông. Đám con gái năm đứa chúng tôi sống chung trong một phòng lớn ở tầng một. Đám con trai bốn đứa ở chung tầng hai. Tầng thượng trên cùng là nơi thờ tự, phía sau là phòng cho các chị giúp việc trong nhà. Một ngày hai thời, sáng tối sớm khuya, Má tụng kinh, niệm Phật. Tụng kinh buổi tối xong, Má ngủ trong căn phòng nhỏ bên cạnh phòng thờ lý do cho tiện việc kinh kệ buổi sáng sớm và khỏi lên xuống cầu thang. Ba ngủ một mình dưới nhà, trên chiếc sập gỗ của hai ông bà trước đây. Dần dần Má từ chối tham dự các buổi hội hè, tiệc tùng, Má thưa dần các quan hệ và giao tế xã hội của Ba. Tôi thay Má đi dự các buổi tiệc với Ba cho Ba bớt lẻ loi.

Nhiều lúc tôi nghĩ tội nghiệp cả hai người. Sống với nhau từ lúc còn trẻ cho đến cuối đời, tưởng rằng sẽ cùng nhau đi hết đoạn đường trần nào ngờ bi kịch xảy ra khi một người tách ra một ngã vì những nhu cầu riêng. Từ đó, mỗi người là một thế giới, môt ốc đảo cho mình. Sự xa cách bắt đầu từ thể xác rồi đến tâm hồn có khi ngược lại. Thế nhưng giữa họ vẫn có sự ràng buộc chung đó là trách nhiệm đối với con cái. Những đứa con là cái cầu nối. Trước dư luận xã hội, đó vẫn là một gia đình bình thường. êm ấm như mọi gia đình khác mặc dù đã có người thứ ba xen vào giữa hai người.

Sau một thời gian theo chồng ra đi làm lại cuộc đời ở nước ngoài, tôi trở về nhiều lần thăm Má khi Má bệnh. Rồi có lúc trên giường bệnh, tôi ngồi cạnh nghe Má tâm sự chuyện Má chấp nhận cho Ba có một người bạn gái. Chuyện này tôi đã nghe đâu đó tiếng đồn từ bên quận Tư, từ các anh chị em rù rì kể về “bà nhỏ” nhưng tôi lờ mờ chưa biết thực hư. Tôi tưởng Má không biết gì nhưng nghe Má kể tôi mới tin là có thật.

Ba tôi có một dàn thợ làm đàn khoảng chục ngừoi. Thay vì đến xưởng làm ở nhà tôi, ông giao các vật liệu và khoán cho họ đem về nhà làm lấy công. Làm nhanh, hưởng nhiều, làm chậm, hưởng ít. Ngày ngày ông lái xe chở vật liệu qua giao cho thợ. Má kể trong số thợ đó có Sơn là cháu của bà Thủy, thợ đàn của Ba. Chồng bà Thủy chết đã lâu, bà ở vậy không tái giá. Bà khỏe mạnh, kém Má một con giáp, không đẹp nhưng hiền lành. Ba tôi qua lại nhà chú Sơn giao vật liệu và chở đàn về nên gặp bà Thủy thường xuyên. Sơn làm mai mối Bà Thủy cho Ba. Câu chuyện tình “Yêu Muộn” này khởi đầu từ đó. Tôi không biết Ba có yêu Bà Thủy không nhưng sau này Ba sống với bà Thủy theo kiểu “già nhân ngãi non vợ chồng” với sự thỏa thuận của Má, thấy Ba càng ngày càng vui, khỏe và trẻ ra. Chỉ có Má là càng ngày càng gầy và già yếu đi.

Cái quận bên kia cầu Calmette nhỏ xíu nên chuyện Ba tôi có “bà nhỏ” lan dần trong đám thợ bên quận Tư. Chuyện Ba tôi thuê một gian nhà cho Bà Thủy ở riêng, Má biết hết. Chuyện Má qua quận Tư thăm cho biết nhà và gặp bà Thủy nhiều lần là chuyện có thật. Các em tôi thấy Ba Má vẫn ở chung nhà, buôn bán vẫn bình thường, con cái vẫn học hành, Ba tôi vẫn là một ông Bố đầy trách nhiệm nhất là Má thản nhiên trước mọi tin đồn nên chúng không dám có ý kiến gì. Chỉ có tôi, tôi muốn biết sự thật.

Ngồi bên cạnh nghe Má chậm rãi kể chuyện về Ba và bà Thủy, tôi thương Má ứa nước mắt. Má an ủi:

- Đây là chuyện riêng của Ba Má. Làm gì con phải khóc. Chuyện Ba quan hệ với bà Thủy là có sự đồng tình của Má. Ba con không có lỗi gì cả. Bà Thủy cũng vậy. Má phải cám ơn bà Thủy. Nhờ bà chăm sóc Ba mà Má được an tâm tu hành theo ước nguyện của Má. Chuyện đời là sự bù trừ. Khi con được một thứ này thì con phải hy sinh một thứ khác. Không có gì hoàn hảo cả con ạ.

- Nhưng Má bị thiệt thòi. Bất công cho Má. Tụi con không bao giờ muốn gặp và chấp nhận bà ta cả.

- Má có bị thiệt cũng không sao miễn là Ba con vui trong tuổi già. Má có niềm vui tu hành. Ba có niềm vui với bạn. Như vậy là công bằng. Sao con gọi là bất công. Còn chuyện gặp bà Thủy, không ai bắt buộc các con gặp bà Thủy. Chưa phải lúc và không cần thiết để bà Thủy xuất hiện công khai và hợp pháp trong gia đình mình. Ba con cũng muốn thế. Bà Thủy biết phận mình không đòi hỏi gì hơn đâu.

- Nhưng còn tình yêu của Má dành cho Ba. Má không thương Ba sao? Con không hiểu nổi Má. Ai lại đem tình yêu của chồng mình trao cho người khác. Còn ba, có lúc con giận Ba lắm.

- Vào tuổi của các con, con gọi đó là tình yêu. Tuổi của Má đó là nghĩa vợ chồng. Má thương Ba nhiều lắm chứ sao không thương. Khi thương, người ta cho. Hạnh phúc khi con cho nhiều hơn khi con nhận. Ba con vào cuối đời có bà Thủy thay Má chăm sóc cho Ba thì mừng cho Ba có phước chứ sao lại giận hờn Ba. Cứ nghĩ Ba còn sống bao lâu nữa với các con. Đừng giận Ba Má trong chuyện này. Cuộc sống gia đình mình vẫn bình thường đấy thôi. Sắp tới con sẽ lấy chồng rồi có con, con sẽ hiểu ba má nhiều hơn.

Tôi nghe lời Má lấy chồng là người mang họ Đào cùng họ với Má. Hơn bốn mươi năm chung sống với anh, tôi thấy lời khuyên của Má là đúng. “Khen cho con mắt tinh đời” của Má. Ngày đó, Má nói với tôi “Con nghe lời Má, sống với người đàn ông này, cuộc đời con không phải trải qua cái cảnh như Má đi đánh ghen”. Quả thật, hơn bốn mươi năm trôi qua, cho đến bây giờ tôi không biết ghen là gì.

Má tôi mất êm đềm, lặng lẽ trong vòng tay của Ba. Nhiều lần vào bệnh viện, lúc Má tôi còn tỉnh, tôi thấy Ba tôi ngồi trên nệm bên cạnh Má, vòng tay qua người Má, hai người thầm thì, mặt Ba cúi xuống, Ba hôn Má nhiều lần trên trán. Tôi đứng xa nhìn hình ảnh ấy thấy Ba Má hạnh phúc quá.Tôi nhớ câu nói của Má ngày nào “Cuộc sống của gia đình mình vẫn bình thường đấy thôi”. Thấy Ba Má vui, Má cười rạng rỡ, chuyện trò, hỏi han đủ chuyện, tôi hiểu ra một điều Má đã Hiểu và Thương. Vì có hiểu mới có thương. Có thương mới có hy sinh cho người mình thương. Ai bảo Má bỏ Ba vì Má không thương Ba. Vì thương Ba, má đã làm tất cả để cho Ba vui. Khi Ba vui là Má vui. Như có lần Má nói niềm vui của người cho bao giờ cũng lớn hơn người nhận. Hiểu và Thương cộng với lòng tri ân đã khiến Ba bùi ngùi nói với tôi trước khi tôi từ giã Ba: “Ba mang ơn Má con. Má con là ngừoi đàn bà tuyệt vời. Người đàn bà hiếm có trên đời này. Không ai có thể thay thế được Má trong lòng Ba”.

Chị dâu tôi kể có người đàn bà rất lạ vào thăm Má khi Má nằm bệnh viện. Cả nhà không biết bà là ai. Bà ngồi đó nói chuyện với Má rất lâu. Khi về, bà chào mọi người, đôi mắt Bà đỏ hoe như vừa khóc xong. Má không nói tên bà là ai. Một người bạn của Ba Má.

Má mất. Tôi về kịp chứng kiến giây phút cuối cùng của Má bên cạnh Ba. Đám ma Má có mặt ngừoi đàn bà đó. Bà mặc áo dài đen, âm thầm lặng lẽ đi sau cùng trong dòng người đưa tiễn. Bà đi một quãng đến khi mọi người lên xe buýt đến nghĩa trang, bà quay về.

Ba tôi mất. Những ngày cuối đời, Ba muốn ở gần các con để các anh chị em chúng tôi chăm sóc cho Ba. Đám tang Ba, người đưa tiễn nhiều.Chiếc máy quay phim ghi lại hình ảnh người đàn bà mặc áo dài đen cũng có mặt trong đám đông ấy. Bà vẫn đi sau cùng. Lặng lẽ. Âm thầm. Bà đeo kính râm che đôi mắt. Nhìn kỹ là người đàn bà đã có mặt trong đám tang Má ba năm về trước. Bà theo đoàn ngừoi lên xe buýt đưa Ba đến tận nghĩa trang. Bà chọn hàng ghế cuối cùng, ngồi yên lặng nhìn qua cửa kính Đến nghĩa trang, bà đứng xa xa, một mình, chứng kiến cảnh quan tài hạ huyệt rồi ra về lúc nào không ai hay.

Hình như người đàn bà ấy không muốn gặp ai. Tang gia cũng không đến chào hỏi tên bà là gì, quan hệ thế nào với người nằm dưới mộ. Bà đến và đi âm thầm như một cơn gió thoảng trong cuộc nhân sinh nhiều hệ lụy này.
*
Sau Tháng Tư 1975, xưởng làm đàn của Ba má tôi tại căn phố 118 Hồ Văn Ngà bị nhà nước Cộng sản tiếp thu. Bảng hiệu Phùng Đinh được thay thế bằng tấm bảng “Xưởng nhạc cụ thành phố” do các cán bộ miền Bắc vào quản lý.

Chuyện Ba Má tôi và phố hàng đàn đã thành chuyện đời xưa từ lâu. Nhân mùa Vu Lan, ngày 20 tháng 8 năm 2015, tôi ghi lại chuyện này. Khi viết, tôi nhớ bài thơ “Không hiểu” của nhà thơ Mai Thảo:

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”


Trong “triệu điều không hiểu” ấy, có hai người “đã nằm trong đất”, “đọc ở sao trời” hiểu được những điều không thể hiểu của con tim mà lý trí không thể giải thích được.

Phùng Annie Kim

No comments:

Blog Archive