Tuesday, October 6, 2015

Tâm hồn Việt của văn sĩ Pháp lai Phạm Ngọc Lân

TOULOUSE, California (NV) - Tháng Hai, 2015, ông Phạm Ngọc Lân, cư dân thành phố Toulouse, Pháp, vừa hoàn tất cuốn sách Pháp ngữ “De père inconnu” (Người Cha Vô Danh)  và được nhà xuất bản lớn l’Harmattan phát hành. Phạm là họ ngưới cha dượng ông. Ông tự gọi mình là “ông già Tây lai.”
Cuốn Người Cha Vô Danh của Phạm Ngọc Lân. (Hình: Phạm Ngọc Lân cung cấp)
Cuộc hôn nhân của cha mẹ ông năm 1943 chỉ kéo dài 17 ngày. Khi ấy mẹ ông chỉ 21 tuổi.

Năm 1944, ông chào đời. Vòng tay đàn ông nâng niu ông từ năm lên ba là của ông dượng, người chồng kế của bà ngoại ông??.
Phạm Ngoc Lân (5 tuổi) tại Hà Nội. (Hình: Phạm Ngọc Lân cung cấp)
Ông già Tây lai nói với nhật báo Người Việt: 

“Có lẽ như bao nhiêu con lai khác, tôi mơ hồ cảm thấy một nỗi trống vắng bàng bạc trong tim. Có lẽ đây cũng là một phần lý do tôi viết cuốn sách này.”

“Tôi đã bỏ ra tám năm để viết.”

Nhà báo lão thành Patrick Poivre d’Arvor viết lời tựa cho cuốn sách : 

“Câu chuyện Phạm Ngọc Lân kể cũng cũng chính là câu chuyện của chúng ta: Đó là chuyện về mối quan hệ mập mờ giữa nước Pháp với cái mà thời đó chúng ta gọi là Đông Dương.”

“Sau đệ nhị thế chiến hoặc ngay cả trước đó, nhiều nhà văn như André Malraux hay Marguerite Duras, đã kể cho chúng ta về xứ Đông phương huyền bí này và đã từng làm say mê biết bao người Pháp.”

“Nhưng từ đó đến nay, những lời kể như vậy ngày càng hiếm. Chính vì vậy mà muốn sách của Phạm Ngọc Lân quý giá như thế”

Ông Pierre Brocheux, cựu giáo sư sử học Đại Học Paris nói: 

“Cuộc sống của Phạm Ngọc Lân đã hòa nhập vào vận mệnh của miền Nam Việt Nam…”

“…Qua cuộc tìm kiếm người cha nguyên là trung úy Pháp tử trận ở Đông Dương đã khuất bóng, chuyện kể đứa con lai không cha, sống bấp bênh trong một xã hội thời thuộc địa còn đầy rẫy những thành kiến không tốt đẹp về trẻ con lai Pháp, người ta còn tìm thấy giá trị không thể chối cãi của một sử liệu.”

Ông già Tây lai trình bày với đài RFI: 

“Cuốn sách có 522 trang, tôi dành phần đầu để viết cho chuyện thật gãy gọn, rồi trong 70 trang cuối, tôi ghi ra tất cả mọi tài liệu tỉ mỉ về địa lý, lịch sử và văn hóa Việt Nam ở hậu bán thế kỷ 20.”

“Đây là những tài liệu 'gốc' mà tôi thu thập từ văn khố của cố Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson, như những văn bản mật của Đại Sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge Jr. gởi cho ông Lyndon Johnson hoặc cho Ngoại Trưởng John Foster Dulles.”

“Tôi cũng phải vào kho lưu trữ tài liệu của Bộ Ngoại Giao Pháp để tìm tòi.”

Cuốn "Người Cha Vô Danh” ra đời được vài tháng thì cái tựa bỗng trở nên trớ trêu vì ông đã biết được tên người cha mình vài tháng nay. Ông Lân năm nay 71 tuổi.

“Chỉ vì ngày trước người ta đánh vần sai họ của cha tôi, chỉ chữ 'C' thành 'G' nên tìm mãi từ 1980 mà không ra được tông tích mình,” ông cho nhật báo Người Việt biết.

“Nhờ may mắn, gặp được người truy cập được tên thật ông cụ nên tôi tìm ngay được thân nhân qua Internet.”
Ông Jean Caillard, người cha đã có tên. (Hình: Phạm Ngọc Lân cung cấp)
“Gia đình bên cha tôi toàn là bác sĩ, kỹ sư và những người học cao, có địa vị xã hội. Tất cả đều đón nhận tôi bằng những vòng tay rộng mở.”
“Bây giờ, tôi có một đại gia đình vui vẻ.”

Quả là một câu chuyện lý thú về sự hữu duyên.
Nhà văn Tây lai Phạm Ngọc Lân đến với người viết cũng trong một trường hợp hết sức “tình cờ."

Ông kể: “Tôi đọc bài viết về Chánh Lục Sự Hiếu Nguyễn ở Orange County trên báo Người Việt Online.”

Hiếu Nguyễn là một người Việt lai Mỹ và là người gốc Việt đầu tiên nắm giữ chức vụ chánh lục sự tại Orange County và cũng là người gốc Việt duy nhất giữ chức danh này trên toàn quốc cho đến giờ. Ông cũng đang tìm kiếm người cha vô danh.

Ông già Tây lai tiếp: “Vì thấy có sự đồng cảm nên tôi muốn liên lạc với anh Hiếu để nói lên điều này."

“Tôi quen với anh Đỗ Quý Toàn (chủ tịch Hội Đồng Chủ Biên nhật báo Người Việt) nên viết email hỏi cách liên lạc với anh Hiếu, phần để khuyến khích anh ấy.”
“Anh Toàn giới thiệu tôi với tác giả bài viết là Đằng Giao.”
“Tôi đã liên lạc được với anh Hiếu và chúng tôi rất vui.”

Đài RFI nói về ông: 

“Học trung học ở Đà Lạt và đại học ở Sài Gòn, trong thời gian chiến tranh, ông Phạm Ngọc Lân đã từng là sĩ quan quân y trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, ông bị đưa đi cải tạo một thời gian. Ra khỏi trại, ông trở lại giảng dạy tại Đại Học Dược Sài Gòn, trước khi sang định cư tại Pháp vào năm 1980.”

Khi được hỏi có phải mục đích viết cuốn “Người Cha Vô danh” là để tìm cụ thân sinh, nhà văn dứt khoát: 

“Cuốn sách này nói về cuộc tìm kiếm cha tôi nhưng tôi không hề dám nghĩ sẽ tìm được cha mình.”

“Tôi viết là cho các thế hệ trẻ nói tiếng Pháp có một góc nhìn về lịch sử Việt Nam qua câu chuyện riêng của mình.”

“Tôi đã ký tặng sáu cuốn cho sáu đứa cháu nội ngoại rồi. Cháu tôi, đứa lớn nhất bảy tuổi, đứa bé vừa lên một.”
Văn sĩ Phạm Ngọc Lân tại Saigon (24 tuổi). (Hình: Phạm Ngọc Lân cung cấp)
Qua phiên bản Việt ngữ của cuốn sách này, người đọc có thể thấy ngay được vị trí “người ngoại cuộc” của ông già Tây lai ở mọi nơi suốt cuộc đời ông:
“Câu chuyện mở đầu

Đà Lạt, đầu thập niên 50.
Thằng bé độ tám chín tuổi đeo cạc-táp trên lưng đi qua một bãi trống trên đường từ trường về nhà. Mấy đứa trẻ cùng lứa tuổi đang chơi đánh khăng, ngừng tay, quay về phía thằng bé hét to :“Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột !”

Bảo Lộc, cuối thập niên 60.
Anh dược sĩ trung úy trẻ có vợ mới cưới. Vợ dạy ở một trường trung học trong thị xã bé nhỏ này. Có phụ huynh học sinh “mách” với thầy hiệu trưởng: “Tôi thấy cô giáo mới về năm nay cặp bồ với Mỹ đó!”

Sài Gòn, cuối thập niên 70.
Chàng dược sĩ “cán bộ giảng dạy đại học” đạp xe vào một con hẻm đến thăm người bạn tù cải tạo mới được thả về. Bọn con nít nhìn theo xầm xì: “Liên Xô! Liên Xô!”

Paris, giữa thập niên 80.
Thằng bạn người Pháp, cũng là đồng nghiệp trong một công ty tin học, một hôm tâm sự: 

“Thú thật là lúc mới gặp mày, tao không biết mày người gì, tao đoán là Nam Mỹ. Chỉ biết chắc mày không phải người Pháp, nhưng không ai ngờ mày lại là người Việt Nam!”
Văn sĩ Phạm Ngọc Lân năm 2007. (Hình: Phạm Ngọc Lân cung cấp)
Ông già Tây lai kể: 

“Chưa khi nào tôi nghĩ mình là người Pháp cả. Có lẽ môi trường sinh sống hồi còn ấu thơ ảnh hưởng đến chuyện này nhiều hơn là huyết thống.”

Trả lời báo La Depeche, ông cũng khẳng định: 

"Tôi đã sống còn nhờ khả năng thích ứng của tôi, trong lúc vẫn cố gắng bảo tồn bản sắc của tôi.”

“Không nên quên rằng mặc dù thuộc về nền văn hoá Việt Nam, tôi cũng có 50% máu Pháp chảy trong huyết quản. Đúng rồi, tôi cảm nhận tôi là người Pháp, và là người dân thị xã Roquettes, nhưng tận trong đáy lòng tôi vẫn là người Việt Nam".

Ngoài ra, văn sĩ Phạm Ngọc Lân còn có tài chơi guitar nữa. Ngay từ trước 1975, ông đã tham gia Đoàn Văn Nghệ Sinh Viên Nguồn Sống. Ông có 242 video trên YouTube do ông đàn và hát, đa số là nhạc Việt.

Từ năm 2009 đến giờ ông có 4,821,571 người coi và hơn 9,000 người "theo."

Khi hỏi ông chọn nhạc phẩm nào để nói lên tâm trạng lẫn thân phận mình, ông nhỏ nhẹ: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời."

Ông tâm sự: “Tôi cảm thấy mình rất Việt Nam khi đàn ca nhạc Việt. Sáu đứa cháu nội ngoại của tôi đều có cha Việt, mẹ Việt."
***
Để thưởng thức âm nhạc Phạm Ngọc Lân, xin vào:http://www.youtube.com/user/phamjngocjlaan
Để đọc "Người Cha Vô Danh," bản tiếng Việt, xin vào:https://phamjngocjlaan.wordpress.com/
Mọi thắc mắc về "De Père Inconnue," xin liên lạc:lan_phamngoc@yahoo.com

No comments:

Blog Archive