Friday, October 2, 2015


Hai Nỗi Cô Đơn.


Tôi ngần ngại rất lâu khi viết bài này. Tôi biết rằng sẽ có người kết tội tôi gây chia rẽ, nhưng tôi đang sống trong một quốc gia tự do, và những gì tôi trình bầy dưới đây là những cảm nghĩ rất thành thực, với tất cả thiện chí cho Miền Nam. 

Tôi sinh ra tại Bắc VN.

Cuộc chiến Đông Dương kết thúc bởi trận Điện Biên Phủ đã đưa tôi vào Miền Nam khi còn rất nhỏ. Tôi lớn lên tại Miền Nam, chịu sự giáo dục của Việt Nam Cộng Hoà, đi lính, ở tù và sau cùng vượt biên đến Canada từ 1978.

Sau gần 40 năm sống tại Bắc Mỹ, nhìn lại Việt Nam, so sánh, phân tách, tôi có các cảm nghĩ như sau :

Nói về Mỹ và Canada, người nói tiếng Anh tại Mỹ hoặc Canada không còn là người Anh Cát Lợi từ đời ông, đời cha sống tại Luân Đôn.

Người Canadiens nói tiếng Pháp như ở Québec, Montréal không còn là người Parisiens.

Nước Canada rất đặc biệt, họ gồm nhiều tiểu bang, mỗi tiểu bang có một chính phủ, một đường lối riêng, 

Trở về Việt Nam, sống với người Miền Nam lâu ngày, tôi biết tuy họ không nói ra miệng, nhưng Nam là Nam mà Bắc là Bắc, không bao giờ 1 người gốc Bắc như tôi có thể giống người Nam 100%. Đó là sự thực, trước đây, và bậy giờ, vẫn vậy. 

Người Miền Nam thuộc những người gốc Bắc nhưng đã theo gia đình vào khẩn hoang, lập ấp từ thời ông Nguyễn Hoàng. Có rất nhiều pha trộn giữa người Bắc thiên cư đó và những người đã ở trong Nam đã lâu như người Miên, người Chàm. Bên cạnh đó lại còn những người Tầu, thuộc dòng dõi Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích.

Thời gian 1954-1975 càng tách rời 2 loại người sống tại Bắc và Nam Vĩ Tuyến 17.

Bởi vậy cho nên, theo tôi, gom hết những người đó vào một nước, bắt họ phải chịu cùng một luật lệ, một định chế như hiện nay là điều không hợp lý. 

Ngay cả nước Tầu, người Hong Kong và người Singapore, người Đài Loan không còn giống nhau.

Kết luận của tôi là : Hợp lý nhất là Việt Nam nếu không tách đôi ra, thì ít nhất phải là một liên bang với 2 tiểu bang là Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam. 

Tình trạng của VN bây giờ gần giống như Canada. Dù 100 hay 200 năm sau, người ta sẽ vẫn còn nói tới 2 nỗi cô đơn (Les deux solitudes)

Trần Mộng Lâm


Tôi Không Phải dân Bắc.

Trên giấy tờ, tôi sinh ra tại tỉnh Nam Định.

Trên thực tế, tôi nói tiếng Việt giọng bắc, không uốn lưỡi khi phát âm những tiếng bắt đầu bằng tr. Những chữ bắt đầu bằng v, tôi nói rất rõ, nhưng may mắn không lầm chữ l với chữ n.

Nhưng tôi không phải người Bắc.

Hiệp định Genève đưa tôi vào miền Nam rất sớm, ngay khi tôi vừa lên Trung Học.

Tôi lớn lên tại miền Nam, học theo chương trình bộ Giáo Dục Miền Nam đọc sách miền Nam, học và thành tài tại Miền Nam.

Trong những năm sống tại Miền Nam, tôi nổi trôi theo những thăng trầm của miền Nam. Tôi biết thế nào là Bình Xuyên, thế nào là Đệ nhất Cộng Hòa, ông Diệm, ông Nhu, ông Thục, rồi sau đó, ông Khánh, ông Thiệu, ông Kỳ, ông Trí Quang, ông Tâm Châu, ông Dương Văn Minh...v.v

Lớn lên, như tất cả những người thanh niên miền Nam, tôi đi lính.
Khi nhập ngũ, tôi thấy mình làm rất đúng, trốn lính mới là làm sai, là hèn nhát.

Sau 7 năm quân ngũ, Miền Nam bại trận.

Kẻ thắng trận Miền Bắc đưa chúng tôi vào tù. Trong tù tội, người ta sỉ nhục chúng tôi đủ điều, nào là quân bán nước, nào là “ngụy”, nào là bọn “hiếp dâm đàn bà, thủ tiêu con nít”...v.v.

Câu chuyện của đời tôi sau đó cũng như cuộc đời của rất nhiều người thanh niên Miền Nam, sau tù tôi, là vượt biên, là trại tỵ nạn tại Mã Lai, là làm lại cuộc đời từ con số không, là kiếp lưu đầy nơi đất người.

Năm nay, bước vào lớp tuổi cổ lai hy, nhìn lại cuộc đời mình, tôi nhận thấy một điều, là tuy được sinh ra tại Miền Bắc, tôi không phải là người Bắc, hiểu theo cái nghĩa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Cộng Sản.

Tổ Quốc của tôi Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Kể từ sau hiệp định Genève năm 1974, người Việt sống tại Miền Nam và Miền Bắc không cùng một văn hóa.

Họ cùng một nguồn gốc, tôi đồng ý.

Nhưng người Anh và người Mỹ, người Úc, cũng cùng một nguồn gốc.
Người Pháp và người dân Québec, nơi tôi định cư, cũng cùng một nguồn gốc.

Nhưng không ai có thể nói người Mỹ là người Anh, người Québec là người Pháp.

Tôi là người Miền Nam, tuy tôi nói giọng bắc.
Một anh tập kết, là người Bắc, tuy anh ta nói giọng nam.

Dù người ta có lý luận trên lý thuyết thế nào chăng nữa, với tôi, biến cố 1975 chỉ là một quốc gia thôn tính một quốc gia khác. Thử tưởng tượng Nước Anh đem quân qua đánh Hoa Kỳ rồi gọi dân Hoa Kỳ là “ngụy”.

Không, tôi không phải là người Bắc.
Dân Sài Gòn không phải dân Bắc.

Gọi Sài Gòn là Thành Phố Hồ Chí Minh, bắt dân Sài Gòn chịu sự độc tài đảng trị, không nhân quyền, không dân quyền, không tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp), thực là ép nhau quá đáng. 

Văn Hóa Miền Nam không phải như vậy. Rồi đây, người Miền Nam sẽ phải nổi dậy để bảo vệ văn hóa của mình, làm những gì người Hồng Kông đang làm.

Miền Nam sẽ giải phóng Miền Bắc, vì văn hóa Miền Nam tốt đẹp, văn minh hơn.

Trần Mộng Lâm.

No comments:

Blog Archive