Monday, October 12, 2015


Đại đội 17 “Hoàng Gia”

Nguyễn Khắp Nơi

 

Mỗi năm, cứ vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10, là tự nhiên trong lòng tôi lại cảm thấy nôn nao, linh tính cho tôi hay... chắc là có chuyện gì sắp xảy ra rồi, chuyện này có thể sắp xảy ra hoặc đã xảy ra trong quá khứ mà cho đến nay vẫn còn vương vấn trong đầu óc tôi. Tôi đi tới đi lui suy nghĩ, ráng nghĩ ra lời giải đáp, nhưng rồi chịu thua, coi đó là một trong những cảm xúc không tên, không cần quan tâm tới. Phiền một nỗi, tôi vẫn cảm thấy bồn chồn chút đỉnh.

Sáng sớm hôm qua, tới Văn phòng, tôi theo thói quen mở Computer lên, vào Internet để xem có ai gởi điện thư gì cho mình hay không? Thấy một email lạ, với cái tên “giaolevu”

Chắc người bạn mới này họ Vũ, tên Giao, anh... là ai nhỉ? Tôi đọc lướt qua phần nội dung, thấy người bạn mới này tự giới thiệu:

Chào anh An.

Trước hết tôi xin giới thiệu với anh tôi là một độc giả thường xuyên của tờ Việt Luân và cũng thường xuyên đọc mục “Người Việt của tôi “ của anh. Nhờ vậy mà tôi mới biết anh Nguyễn Khắp Nơi là Nguyễn Hữu An, dân Biệt Động Quân, nhưng trước hết anh lại là dân trường Luật 1967 - 1971, cựu SVSQ Thủ Đức...”

A! Người bạn mới này có vẻ biết hết những điều cần biết về tôi. Khi đọc thấy anh viết...”Là độc giả thường xuyên của Việt Luận” là tôi đã có cảm tình rồi, khi đọc tiếp, thấy anh...”Thường xuyên đọc mục “Người Việt Của Tôi” là tôi lại có cảm tình nhiều hơn một chút nữa, vì những câu chuyện của tôi viết, ít ra cũng có... một người đọc. Rồi lại thấy anh hỏi tôi:

“ ... Vì những lý do này nên hôm nay tôi mạo muội hỏi thăm anh một số thông tin về cá nhân anh khi là SVSQ Thủ Đức: Có phải anh đi Thủ Đức Khóa 1/72 , lúc đầu là Đại đội 17 “Hoàng Gia”...? “

Đọc đến đây thì tôi mừng quá, biết chắc chắn là mình đã gặp lại...bạn hiền rồi! Vì trên thế giới này, hầu như ít có ai biết về Đại Đội 17 “Hoàng Gia”, thế mà anh lại biết, chứng tỏ anh đúng là một trong những bạn hiền mà tôi cần gặp rồi. Thế là tôi hối hã mở điện thư của anh ra mà đọc một cách háo hức, đọc đi đọc lại mấy lần tới thuộc lòng bức thơ của anh luôn. Anh bạn mới lại viết tiếp:

Anh ở Trung đội 1/72, phải không? Nếu anh đúng là nhân vật này thì tôi với anh ở chung một Trung đội đó. Tôi còn giữ danh sách Trung đội và cả quyển Kỷ yếu của Khóa 1/72 nữa.

Nếu có gì không đúng xin anh bỏ qua cho sự đường đột nhận lầm nầy nhé.
Kính chào anh.
Lê Vũ Giao ( Brisbane ).”

A! Lê Vũ Giao, bạn cùng Trung đội 1/72 của “Đại Đội Hoàng Gia” Đúng là một trong những bạn hiền mà tôi hằng mong đợi từ lâu!

Đại Đội 17 “Hoàng Gia” là cái gì nhỉ?

Có phải đây là một Đại đội của... Hoàng Gia Triều Nguyễn? Của... Hoàng Đế Bảo Đại hay không? Hay là Đại đội của... Hoàng Gia Úc?

Chắc chắn là không phải rồi, vì tôi tuy có... già, nhưng cũng không đến nỗi hơn trăm tuổi để mà đăng Lính Ngự Lâm Quân hộ giá Đức Bảo Đại. Tôi lại không quá giỏi tiếng Anh để làm hộ giá cho Nữ Hoàng Anh, lỡ bả nhờ tôi đi lấy cái kềm, tôi lại đưa cho bả... cái búa, bả nổi giận búa cho tôi vài búa thì tôi chịu sao thấu!

Vậy thì... “Đại Đội Hoàng Gia” nó là cái gì?

Thưa các bạn, đó chỉ là cái tên gọi, do anh em Khóa 1/72 Thủ Đức đặt cho Đại Đội 17, Tiểu Đoàn 1 của đám Sinh viên Sĩ quan chúng tôi mà thôi!

Khóa 1/72 của chúng tôi chính thức khai giảng vào ngày 07/2/1972, toàn thể Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) được đưa vào Tiểu Đoàn 1, mang khăn choàng cổ màu đỏ, bảng tên cũng màu đỏ.

Thông thường, quân số của một Tiểu đoàn Khóa sinh không thay đổi từ ngày nhập học tới ngày ra trường, nhưng quân số của Tiểu đoàn 1 chúng tôi lại tăng giảm qua ba giai đoạn:

* Giai đoạn đầu, vào ngày 07/02/1972 nói trên, quân số Tiểu đoàn gồm những SVSQ chưa có học qua về căn bản Quân sự tại bất cứ một Trung tâm Huấn luyện Quân sự nào.

* Giai đoạn 2 bắt đầu vào ngày 14/03/1972, quân số Tiểu đoàn được bổ xung bởi những SVSQ đã có tham dự khóa “Quân Sự Học Đường” ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung rồi, nay nhập trại để được tiếp tục huấn luyện.

* Cuối cùng là giai đoạn 3, cách đó khoảng 9 tuần, quân số của Tiểu đoàn bị giảm đi vì một số anh em đã và đang giữ những chức vụ quan trọng ở hậu phương, họ chỉ cần học 9 tuần lễ Quân sự rồi được trả về nhiệm sở cũ.

Khóa 1/72 của chúng tôi mãn khóa vào ngày 28/10/1972.

A! Bây giờ tôi mới biết tại sao mà cứ vào khoảng tháng 10 là đầu óc tôi lại như vẫn còn vương vấn chuyện gì:

Tháng 10 là tháng mà vào năm 1972, tôi và các bạn trong “Đại Đội Hoàng Gia” tốt nghiệp khóa 1/72 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức để chính thức trở thành một Sĩ Quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.


17-3
Chuẩn úy... Babylac... chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì?

Bạn cũng như tôi, những người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dù lả đời lính của mình có ngắn có dài bao lâu đi nữa, chắc chắn nơi bạn nhớ nhiều hơn hết sẽ là Quân trường, nơi đã đào tạo mình thành người Lính. Quân trường là cứ điểm an toàn nhất của đời lính, nơi bạn có những người bạn lính đầu tiên, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi trong suốt thời gian học tập, để rồi khi ra trường:

“Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn Úy,
Sáng mai đây giã biệt kinh kỳ...”
(Chín tháng Quân Trường - Hoài Nam.)

Mỗi người đi một phương, biết đến bao giờ mới gặp lại nhau.
Đời Lính của tôi bắt đầu với Quân Trường Thủ Đức.

Sau Tết Mậu Thân, theo tiếng gọi bảo vệ Quê hương, đa số bạn bè của tôi đã rời mái trường Trung học, Đại học thân yêu để nhập ngũ, làm nhiệm vụ giữ gìn phần đất của Miền Nam Việt Nam Tự Do thân yêu. Tôi và một số bạn bè khác còn được hoãn dịch vì lý do học vấn, nên vẫn ở lại hậu phương học cho xong bậc Đại học.


17-4
Chuẩn úy gì mà... Ngầu hết biết!

Nói là ở lại hậu phương, nhưng để thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh, anh em Sinh viên chúng tôi cũng hăng hái xếp bút nghiên đi học về căn bản Quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Học xong, chúng tôi trở về Thành phố, được giao cho khẩu súng Carabin, làm nhiệm vụ “Sinh Viên bảo vệ thành phố.”

Khoảng tháng 10 năm 1971, sau kỳ thi cuối khóa, anh em chúng tôi tốt nghiệp Đại Học rồi, coi như đã trả nợ bút nghiêng rồi, nhưng chưa hết thời gian hoãn dịch, lợi dụng thời gian này, một số anh em vui chơi hưởng thụ những ngày chót của cuộc sống hậu phương, một số khác kiếm đường... binh: Có anh ra ứng cử... Hội Đồng Xã, có đứa thì xin vào Chương trình “Người Cầy Có Ruộng” hoặc “Xây Dựng Nông Thôn”... để mong được hoãn dịch tiếp. Có anh xin vào làm ở Quan Thuế, Thuế vụ, hoặc tham dự khóa thi tuyển Thẩm Phán, do Tối Cao Pháp Viện và Bộ Tư Pháp tổ chức... người khác thì nộp đơn thi vào Hải Quân, Không Quân... Cuối cùng, những ai còn xót lại mới rủ nhau đi trình diện nhập ngũ vào tháng 12/1971.

Đến Quân Vụ Thị Trấn trả lại chứng chỉ hoãn dịch, chúng tôi được sắp xếp vào học khóa 1/72. Thần Chiến Tranh chưa chiếu cố đến, nên tôi được trả về với lý do... thặng dư quân số: Vì khóa đàn anh chưa ra trường, không đủ chỗ học, nên những ai đã học qua khóa Quân Sự Học Đường rồi, không cần phải học thêm, nên được về nhà chờ đợi và ăn Tết cho vui, tới tháng 3 mới phải trở lại để nhập trường.

Trong thời gian chờ đợi, tôi ngày ngày lên trường cũ, cùng với những người bạn thân rủ nhau vào “Quán Bà Chi” để ôn chuyện cũ, chuyện thời sự, hoặc là rủ nhau tản bộ lần cuối, vì mai mốt đây, sẽ phải:

“Trả lại em yêu, khung trời Đại học,
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”
(Trả lại em yêu - Phạm Duy)

Ăn Tết xong, chúng tôi hì hục hành trang, nào là Bánh Chưng, Bánh Tét, Bánh Ú, Dưa Hấu Dưa Gang, Thịt Chà Bông, Mắm Ruốc, Tôm Khô Củ Kiệu... hầm bà lằng đầy mấy cái xách tay, trực chỉ Thủ Đức nhập trường.

Tới nơi, chúng tôi được anh em đã nhập trường trước Tết ra đón... long trọng lắm. Chỉ mới có hơn một tháng rèn luyện, mà anh em đồng khóa đã có những thân hình rắn chắc, làn da đen láng bóng, bước đi mạnh mẽ, giọng nói đầy uy lực. Trong khi chờ đợi làm thủ tục, anh em cũ mới nói chuyện với nhau vui vẻ lắm. Lính cũ thì kể về chuyện Quân trường, đi học phòng học bãi:

Đường trường xa, muôn vó câu bay chập chùng,
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang... “

Lính mới kể chuyện thành phố sau lưng:

Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá.
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó,
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt... “

Nói chuyện xong, Lính Cũ mở bi đông, tu một hơi nước lạnh, Lính Mới mở gói bánh chưng ăn một miếng cuối cùng, vui vẻ lắm.

Nhưng.

Chỉ một giây sau đó thôi, khi Lính Cũ thu xếp hồ sơ, yêu cầu Lính Mới xếp hàng tập họp, mọi chuyện đã đổi khác đi lắm lắm. Một Lính Cũ, ra vẻ trưởng toán, nghiêm giọng hô lớn:

- “Các Tân Khóa Sinh, tập họp bốn hàng ngang, chuẩn bị đem theo hành lý chạy... Chào Quân Trường!”

Thế là các Lính Cũ cùng nhau ào ra, miệng thì hô, tay thì chỉ, cặp mắt quắc lên thật là uy nghiêm, anh Lính Mới nào chậm chạp là một đám Lính Cũ nhào lại:

“Đàn em... chậm chạp quá! 30 giây... lẹ lên... “

Một thằng Lính Mới bực mình, mới cùng nhau mày mày tao tao nói chuyện hút thuốc mà bây giờ đã lên giọng la hét om xòm, lên tiếng cự nự:

- “Thì... thủng thẳng tao vào hàng... bạn bè không mà... làm gì dữ vậy!”

Thằng bạn nghe nói vậy, quay lại quắc mắt nhìn thằng bạn cũ:

- “Tôi là . . . Cấp Trưởng! Gọi tôi là Cấp Trưởng, nghe rõ chưa?”

Trưởng toán nhìn toán quân trước thẳng... sau cong, dõng dạc tuyên bố:

- “Các Tân Khóa Sinh được xếp vào Đại Đội 17, hãy mang theo tất cả hành lý, cùng chúng tôi chạy chào Quân trường... Mười vòng chung quanh Vũ Đình Trường rồi thẳng đường về doanh trại.”

Tôi nhìn cái Vũ Đình Trường rộng lớn hơn cả sân banh Cộng Hòa, rồi nhìn xuống đống quần áo đồ ăn mang theo mà cảm thấy hối hận... phải chi... đừng có đem theo cái gì hết, may ra còn chạy được một vòng, bây giờ, với một đống đồ như vậy, trời lại nắng chang chang, làm sao mà chạy đây! Nhưng mà lệnh đã đưa ra rồi, lo mà chạy cho lẹ, hơi sức đâu mà cãi. Tay xách, nách mang, chúng tôi lúp xúp chạy theo Cấp Trưởng, mới được chừng vài chục bước thôi, mà tôi đã đổ mồ hôi hột, le lưỡi ra mà chạy. Chạy một hồi hết xí quách, tôi nảy ra một ý định thật là thông minh: Vứt vài bịch bánh trái vào gốc cây để rảnh tay mà chạy, lát nữa quay lại lấy. Nhưng Cấp trưởng còn thông minh hơn tôi nữa, y trợn mắt nhìn tôi:

- “Người Quân Nhân không được bỏ lại bất cứ dấu vết nào trên đường, làm cản trở lưu thông, giúp địch quân khám phá ra vị trí của mình. Đàn em phải nhặt lên cho mau, chạy theo kịp đồng đội.”

Thế là tôi phải vội vàng nhặt mấy bịch đồ ăn lên mà rảo bước theo anh em.

Chạy được hai vòng, đầu óc tôi quay cuồng, mồ hôi rơi đầy trên mắt kiếng, tôi không còn thấy gì trước mắt, hai chân xiêu vẹo, bỗng nghe một tiếng... Bịch phía sau, quay lại, thấy anh bạn Lộc té xỉu trên đường, hàng ngũ chỗ đó lộn xộn hẳn lên, một vài tên lính mới ngưng chạy đứng le lưỡi thở dốc. Tôi cho anh ta đã có quyết định thật là hay, vì chỉ có cách này mới có thể nằm nghỉ trong phút chốc và có thể không bị chạy tiếp nữa, vì... tình trạng sức khỏe không cho phép, tôi cũng đang ở tư thế nhào xuống đất ăn vạ. Bất chợt, một khẩu lệnh vang lên lanh lảnh:

- “Lấy nước lạnh tạt vào mặt cho anh ta tỉnh lại... phạt chạy thêm hai vòng nữa. Đại Đội hướng về phía trước... Chạy!”

Tôi nghe thấy vậy, vội vàng bỏ ý định xỉu, vội vã chạy theo đoàn, vừa chạy, tôi vừa lén đưa cặp mắt nhìn mấy tên Cấp trưởng, tụi nó... ăn cái gì mà khỏe như trâu vậy, cứ thế mà hùng hục chạy lên chạy xuống theo chúng tôi, có đứa còn quay ngược người lại phía sau để kiểm soát chúng tôi, trong khi hai chân vẫn chạy về phía trước mà không vấp váp gì hết... phải chi tôi từ chối không về nhà nghỉ mà nhập học ngay từ đầu khóa như chúng nó, thì bây giờ đâu có ra nông nỗi này.

Chạy mãi, chạy mãi, đồ ăn thức uống cứ theo nhau mà rớt trên đường, không có cách chi mà lượm lên được, cuối cùng, chúng tôi cũng được đưa về doanh trại của Đại Đội 17.

Doanh trại của chúng tôi ở cuối đường, thông ra cổng sau đi ra bãi tập, gồm có sáu dãy nhà, một ở ngay cổng ra vào, làm văn phòng đại đội, một ở phía sau là nhà tắm và cầu tiêu công cộng, bốn dãy nhà còn lại dành cho bốn Trung đội, có số thứ tự từ 171 tới 174. Tôi được xếp vào Trung đội 1/72.

Ngày đầu tiên, chúng tôi được Cấp trưởng đưa đi hớt tóc, lãnh Quân trang Quân dụng, lo may bảng tên lên trên túi áo phải, phù hiệu vào vai áo bên trái. Quần áo Lính phát ra chỉ có một cỡ, những ai có kinh nghiệm do khóa đàn anh chỉ dẫn, đã may sẵn vài bộ Quân phục vừa với thân hình, còn tôi thì không sửa soạn gì, Quân đội phát cho cái gì thì mặc cái đó, nên bộ Quân phục tôi mặc, giống như... bơi trong bộ quần áo, làm cho thân hình tôi đã không được cao cho lắm, nay trở thành... một lùm cây biết đi, nhìn vui mắt lắm. Mỗi lần di chuyển, chúng tôi phải xếp hàng, so ngang so dọc, được Cấp trưởng tận tình hướng dẫn đến nơi đến chốn. Hướng dẫn mà tôi nói đây không có nghĩa là thầy nhẹ nhàng nói với trò, mà là một Hung Thần biển cả ra oai với con tôm con tép. Những hung thần này theo chúng tôi từ sáng sớm cho đến khi đi ngủ, từ lúc vào nhà ăn cho tới lúc... vào cầu tiêu. Một lần nghỉ ngơi, chúng tôi đã được một Cấp trưởng là bạn thân tiết lộ:

- “Đại đội 17 của tụi mày... tới số rồi, được các cấp trưởng của 5 Đại đội khác thay phiên nhau quần, giống như chăm sóc cho... Hoàng gia vậy."

Đó là lý do mà đại đội 17 chúng tôi mang tên Hoàng Gia.

Đại đội của chúng tôi gồm những ai? Hơn hai trăm người, làm sao mà nhớ hết được! Ngay Trung đội 1/72 của tôi, chưa chắc tôi đã nhớ hết. Nhưng may quá, anh Giao cho tôi hay:

- “Tôi còn đầy đủ danh sách của Trung đội mình đó.”

- “Hay quá vậy! Làm sao mà anh có? Còn giữ tới bây giờ sao?”

- “Tôi có bảng danh sách là vì tôi có làm Trung Đội Trưởng Khóa Sinh, nên văn phòng giao cho tôi một bảng danh sách, tôi giữ từ đó tới nay, không bao giờ quên, để tôi email cho anh, đọc lại xem ai còn ai mất.”

Kể từ khi mãn khóa 1/72, đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy bản danh sách Tân Khóa Sinh của Trung đội 172, Đại đội 17 của tôi.

Bản danh sách này không phải là muốn giữ là giữ, muốn còn là còn, vì qua bao nhiêu năm vật đổi sao dời, nhất là qua biến cố mất nước ngày 30 tháng Tư, sau khi người Lính Cộng Hòa bị lừa gạt đi trình diện học tập không biết ngày về, bất cứ ai giữ bất cứ một loại giấy tờ nào liên quan đến người Lính Cộng Hòa cũng đều bị coi là “Phản Cách mạng” thế mà anh Giao vẫn có cách dấu nó ở một nơi an toàn cùng với những hành trang đời Lính khác. Khi được trở về đời sống bình thường, anh càng giữ những bảo vật này kỹ hơn, để mãi đến năm 2007, được con cái bảo lãnh qua Úc đoàn tụ gia đình, anh mới... đào kho báu vật này lên: Nào là Bộ Đại Lễ mặc khi mãn khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức - Bộ Quân Phục Tác Chiến mà anh vẫn còn mặc nó cho đến ngày 30 Tháng Tư 1975 với Cặp Lon Thiếu úy bằng vải màu đen gắn trên cổ áo - Thẻ Bài - Căn Cước Quân Nhân... nhất là bản Danh Sách Trung Đội Đầu Đời Lính - Cuốn Kỷ Yếu Khóa 1/72 và Những Hình Ảnh Đời Lính của anh, cho tất cả vào Va li, mang nó đến bến bờ Tự do. Anh Giao quả thật đã làm được một việc phi thường mà ít người Lính nào có thể làm được.

Cầm bản danh sách những người bạn đầu đời Lính trên tay, tôi thật là xúc động, tờ giấy đã vàng ố mầu thời gian, nhưng những giòng chữ, những cái tên của từng người Tân Khóa Sinh được đánh máy vẫn còn hiện ra thật rõ ràng, thật sắc nét.

Đọc đến tên mình ở hàng thứ hai, tôi giật mình khi nhìn thấy SỐ QUÂN của mình. Số quân là con số được cấp phát chỉ một lần duy nhất cho người Lính khi bước chân vào đời sống Quân Ngũ, con số này sẽ đi theo người Lính suốt cuộc hành trình đời lính. Nhưng từ khi mất nước, chúng ta không ai còn dùng đến nó nữa, qua bao nhiêu lần vượt biên, tôi hầu như đã quên mất cái số quân của mình, qua đến bến bờ tự do, tôi đã cố vận dụng đầu óc để nhớ lại cái số quân này, nhưng vẫn không chắc là có đúng hay không, vì tôi không còn bất cứ giấy tờ gì để chứng minh cái số quân của mình cả. Nay bất chợt nhìn thấy cái số quân của mình ghi rõ trên bảng danh sách, tôi không dám đọc nó ngay, mà vội vàng nhắm mắt đọc nhẩm trong óc số quân của mình trước đã, rồi mới hé mắt so lại với với cái số quân trong bảng danh sách:

May quá, tôi đã nhớ đúng cái Số quân 66/157 304 của tôi!

Cám ơn anh Lê Vũ Giao (số 11 trong bản danh sách), nhờ bản danh sách này mà từ nay, tôi đã có “Bùa Hộ Mạng”, tôi đã có một chứng từ gốc để chứng minh:

Tôi Là Một Quân Nhân Của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi sẽ xếp bản danh sách này lại cẩn thận, bỏ vào trong ví, đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai, tôi sẽ hãnh diện đưa ra mà khoe ra rằng: Tên tôi nè, nằm trong danh sách của Trung Đội 1/72, Đại Đội 17, Tiểu đoàn 1, Khóa 1/72 của Trường Bộ Binh Thủ Đức nè (nổ banh xác).

Đọc từng tên trong bảng danh sách gồm đúng 60 bằng hữu, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đọc, tôi cố nhớ lại xem người bạn này hình dạng ra sao? Giọng nói như thế nào? Nằm ở giường số mấy? Những kỷ niệm với bạn bè hầu như còn nằm đâu đó trong đầu óc tôi:

Ngay đầu danh sách, tôi nhớ Phạm Khắc An, người ốm nhom, gương mặt hiền lành của một nhà mô phạm, anh nằm cùng chỗ với tôi, giường anh mang số 1, ở... trên lầu, còn tôi ở... lầu dưới, giường số 2. Những ngày đầu của thời gian huấn nhục, chúng tôi bị Cấp trưởng quần cho thân xác nhão như con cá ươn.

Buổi tối đi ngủ, chúng tôi leo lên giường nằm rồi mà những đấng hung thần này vẫn còn chưa tha, cứ đi tới đi lui kiểm soát xem chúng tôi đã ngủ chưa? Tôi mệt quá, lén lấy một cái kẹo ra ngậm cho đỡ mệt, khổ một nỗi là khi bóc giấy gói kẹo ra, tiếng giấy cọ vào với nhau, mặc dù là rất nhỏ, nhưng vì đang ở trong một căn phòng không tiếng động, tiếng va chạm của tờ giấy vang lên nghe rõ lắm, tôi cũng nghe được như vậy, nên vội giữ lấy cục kẹo, không dám bóc tiếp nữa. May mắn làm sao, anh An ở lầu trên bỗng... ho lên mấy tiếng. Tôi không biết tiếng ho này là do bị mệt hay là anh An đã cố tình ho lên để cứu nạn cho tôi, tôi tự nhiên... thông minh hẳn lên, vội vàng nương theo tiếng ho của anh mà bóc thật nhanh cục kẹo bỏ vào miệng.

Đối diện với tôi, cũng nằm tầng trệt mang số 4 là Võ Minh Châu, kế nữa là Nguyễn Thúc Đạm, hai người bạn cùng Luật Khoa với tôi. Đạm mới lấy vợ, lại hay “Nhảy Tuyến B” về thăm vợ, nên anh em đã ưu ái sửa lại tên Thúc Đạm thành “Thu Đạm”. Võ Minh Châu thì khi bị Cấp Trưởng chê:

- “Đàn em... còn yếu đuối lắm.”

Và bắt phạt:

- “Ra cuối sân đứng... trình diện gốc cây, hét thật lớn cho tới khi nào... lá trên cây rơi xuống, đem về đây trình diện.”

Võ nhà ta, mặc dầu to con lớn tướng, đen thui như con trâu nước, bị Cấp trưởng chê... còn yếu đuối lắm, vội vàng chạy một hai ra tới gần cổng Đại đội, đứng nghiêm đưa tay lên chào gốc cây:

- “Tân Khóa Sinh Võ Minh Châu, số quân... trình diện... gốc cây... chờ lịnh... “

Khốn khổ thay cho họ Võ, dù anh ta có la lớn tới đâu đi nữa, cũng chẳng có chiếc lá khô nào rụng xuống cầu cả. Lúc đầu, chúng tôi còn thích thú với hình phạt lạ đời này, nhưng tới khi thấy Châu đã trình diện khản cả tiếng rồi, mồ hôi tuôn ra ướt hết cả mặt mũi, chúng tôi đâm ra thương hại, không dám cười nữa. Bất chợt có một cơn gió nhẹ thổi qua mà các nhà văn gọi là:

- “Ngọn gió thu phong rụng lá vàng... “

Một chiếc lá không biết từ đâu bay tới, nhưng thay vì rơi xuống đất cho tên Tân Khóa Sinh khốn khổ nhặt lấy mà về trình diện Cấp trưởng, nó cứ nhởn nhơ bay bay trước mặt như trêu ngươi. Châu mừng quá, anh vội vàng đưa tay lên chộp lấy chiếc lá, nhưng chắc là Châu chào lâu quá, cánh tay bị tê đi, nên cái chiêu “Cầm Nã Thủ” đưa ra không trúng mục tiêu, càng làm cho chiếc là bay ra xa, Châu cứ thế mà vừa đuổi vừa chụp, làm anh em đứng trong hàng không nhịn cười được. May mắn làm sao, sau vài cú chụp hụt, Châu cũng đã nắm được chiếc lá vàng chết tiệt làm bằng chứng, anh vội vàng chạy bán sống trở về trình diện Cấp Trưởng:

- “Tân Khóa Sinh Võ M... Mờ... Mờ... “

Tội nghiệp cho chú Châu, chú mệt quá rồi, thở không ra hơi, nên cứ lắp bắp Mờ Mờ một hồi mới rặn ra tên của mình:

- “Tân Khóa Sinh Võ Mờ... Mờ... Minh Châu trình cái lá cây đã rớt xuống... chờ lệnh Cấp trưởng.”

Nhìn bộ dạng của Châu, chính Cấp trưởng phạt anh cũng phải phì cười, làm cho chúng tôi được dịp cười theo thỏa thích. Tới khi Cấp trưởng quát im và cho Châu trở về vị trí, chúng tôi mới hết cười, và cũng từ đó, Châu có biệt danh là Châu...Mờ Mờ.

Ra trường, tôi, Châu và Đạm cùng đăng Biệt Động. Sau năm 1975, chúng tôi tan tác mỗi người mỗi nơi, tới khi tìm được nhau thì Đạm ở L.A, đã có cháu nội cháu ngoại cả đống rồi, vào năm 2011, tôi dã ghé thăm nó và gặp cả Dương Văn Sinh (Thư ký Đại đội). Châu thì còn ở Việt Nam, khi chúng tôi tìm được địa chỉ của hắn, thì anh đã qua đời từ năm 1999 rồi, chúng tôi quyên góp chút đỉnh gởi về nhờ vợ của Châu thắp dùm nén nhang cho anh và đọc cho anh nghe bài viết “Chúng Mình Ba Đứa” cho vong hồn anh nghe, cho anh biết rằng, bạn bè cùng khóa vẫn còn nhớ đến anh.

Xuống tới cái tên thứ 18 trong danh sách là Nguyễn Anh Hoàng, cũng vừa tốt nghiệp Luật Khoa với chúng tôi, anh may mắn thi đậu khóa thi tuyển Chánh Án của Tối Cao Pháp Viện, nhưng vì chưa tới kỳ nhập học mà đã hết thời hạn hoãn dịch rồi, Hoàng vẫn phải vào Quân trường Thủ Đức. Tôi nhớ, dáng người Hoàng không cao cho lắm, nhưng da dẻ trắng tươi, lại có biệt tài lấy số Tử vi: Bạn cứ việc đọc ngày sinh tháng đẻ và giờ sinh ra là Hoàng sẽ, sau vài phút nghĩ ngợi, đọc ra ngay cho bạn lá số Tử vi nóng hổi, nào là Lực sĩ, Thiên Lôi, Thiên La, Địa võng, Hóa Khoa, Hóa Quyền, Hóa Lộc, rồi thì cung Huynh đệ, cung Điền trạch, cung Phu thê... hầm bà lằng xáng cấu mà không hề lầm lẫn, kèm theo mấy lời bàn về quá khứ tương lai rất là hấp dẫn. Vì thế mà sau mỗi giờ học, mỗi giờ ăn, chung quanh cái giường của Hoàng lúc nào cũng đầy nghẹt những thân chủ.

Nhắc tới Trung đội 1/72, không ai có thể quên Nguyễn Văn Kim (giường số 22). Kim tốt nghiệp Khoa Học, mang cặp kiếng cận dầy cả thước, nặng cả ký. Điểm đặc biệt của Kim là anh có hai hàng lông mày bạc trắng, dài thòng, giống hệt như một “Đại Sư Phụ” trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Vì thế, không cần bàn bạc với nhau, chúng tôi đều đặt cho anh cái tên rất được nể nang, là... “Sư Phụ”. Sư Phụ Kim cũng ghiền thuốc Bastos Xanh như ai, có bữa, vừa mới ngủ dậy, Sư phụ ghiền thuốc ngáp ngắn ngáp dài, sờ túi thấy trống rỗng, Sư phụ nhìn chung quanh, thằng nào cũng cái túi xẹp lép, buồn quá, Sư phụ bèn phán một câu cầu may:

- “Thằng nào còn thuốc, đưa Sư phụ hít một hơi cho đã coi, bay”

May quá, mới phán có một câu mà đã có một thằng đệ tử chạy lại, rút trong túi ra một điếu thuốc có đầu lọc vàng chói hẳn hoi, kính cẩn dí vào miệng cho Sư phụ ngậm, lại còn mở Zippo một cái “Cóc” quẹt một cái “Xẹc” ngọn lửa phùng lên châm thuốc cho Sư phụ hút. Sư phụ lim dim con mắt, hãnh diện ngửa mặt lên trời hít một hơi thuốc “Ngoại” thật dài đầy hai lá phổi, bỗng cổ họng thấy rát bỏng cả lên, lửa cháy phùng nóng ran cả mặt, Sư phụ vội vàng nhả điếu thuốc xuống đất, vừa phun nước miếng, vừa la làng chói lói:

- “Thuốc gì... kỳ dzậy mảy?”

Thằng đệ tử chạy một mạch ra tới đầu phòng, đứng đó cười há há rất là khả ố. Sư phụ coi lại, hóa ra điếu thuốc chỉ có cái đầu lọc, phần còn lại là giấy trắng học trò, nên vừa châm một cái là lửa cháy phần giấy trắng, bùng lên, xém đốt cháy tiêu hai hàng lông mày bạc. Sư phụ giận quá, chỉ mặt thằng “học trò” ba que xỏ lá mà thề:

- “Tao thề trước bàn thờ Tổ, không bao giờ truyền cho mày bất cứ một võ công bí kíp nào hết.”

Trong cuộc đời làm Tân Khóa Sinh, trong thời gian huấn nhục, bạn có bị Cấp trưởng hoặc Huynh trưởng phạt bao giờ không nhỉ? Chắc chắn là có rồi. Tôi không những bị phạt, mà còn bị phạt lia chia là đằng khác. Có một lần đại đội dang tập họp điểm danh, một Cấp trưởng đi vòng vòng sau lưng, một đi phía trước mặt, cái nón nhựa đen thui kéo thấp xuống, cặp mắt của đấng trắng xác lóe lên cao nhìn vào tôi. Tôi ráng đứng thẳng, bình tĩnh mà rung, mồ hôi nhiểu tỏng tỏng trên mặt, ướt hết cả cặp kiếng cận, Cấp trưởng tiến sát vào tôi, cặp mắt tóe lửa nhìn ngay mặt tôi. Tôi hoảng quá, dập chân đứng nghiêm, đưa tay chào trình diện. Cấp trưởng chào lại rồi gầm gừ hỏi tôi:

- “Đàn em có biết cách mặc Quân phục chưa?”

- “Dạ biết! Quân phục phải ngay thẳng, sạch sẽ.”

Cấp trưởng nhìn ngay vào túi áo của tôi, hỏi tiếp:

- “Vậy Quân phục của đàn em đã... ngay thẳng chưa?

Tôi vội vàng nhìn xuống túi áo: Hồi nãy, tôi đang ăn cái bánh tét, nghe tiếng còi tập họp, không lẽ vứt đi, mà có vứt cũng phải chạy tới thùng rác, sẽ không kịp tập họp, thế là tôi vội vàng dùng hai tay đè nhẹp phần còn lại của cái bánh rồi nhét vào túi áo để chạy ra tập họp, cái bánh tuy dẹp lép nhưng vẫn làm cho túi áo của tôi phùng lên chút đỉnh. Biết làm sao bây giờ, đành chịu phạt thôi. Cấp trưởng ra lệnh:

- “Lấy cái bánh ra, cầm đưa lên cao, chạy ba vòng sân Đại đội, hô lớn “Túi tôi không phải là cái tủ.”

Tôi lôi cái bánh téc dẹp lép ra đưa nó lên cao như một thể tháo gia cầm đuốc thế vận, vừa chạy vừa la:

- “Túi tôi không phải là cái tủ... Túi tôi không phải là cái tủ... “

Không biết có ai cười tôi hay không, nhưng bạn có ngon thì... thử làm Tân Khóa Sinh đi, rồi bị phạt cho biết mặt. Chuyện Huynh trưởng, Cấp trưởng phạt Tân Khóa Sinh là chuyện xẩy ra như cơm bữa, chẳng có gì mà buồn cả, vì phạt đây không phải vì thù hằn cá nhân mà phạt, phạt đây chỉ vì muốn cho bạn hoàn hảo hơn lên, muốn dậy cho bạn phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên mà thôi. Chắc chắn trong đời quân ngũ của bạn, ít ra một ngàn lần, bạn đã nghe đã đọc được khẩu hiệu:

- “Kỷ Luật Là Sức Mạnh Của Quân Đội.”

Nếu biết vậy thì đừng có thắc mắc nữa.

Tuy nhiên, dù Cấp trưởng hoặc Huynh trưởng có phạt nhiều đi chăng nữa, cũng không bằng Huấn Luyện Viên hoặc Sĩ Quan Đại đội phạt bạn đâu. Nếu bạn học trước hoặc sau chúng tôi vài khóa, chắc chắn bạn đã nghe danh Chuẩn úy Phê, Chuẩn úy Mỹ và đã nếm qua vài hình phạt mà cả Trung đội, Đại đội của bạn bị hai Sĩ quan nói trên phạt:

• Cá tẩm bột chiên: Có nghĩa là cả đại đội xối nước ướt hết quần áo mình mẩy, lăn dưới đất từ cửa trung đội cho tới cổng trại, cho đất cát dính đầy vào người, vào mặt mũi.

• Xin mặt trời ngủ yên: Trùm Poncho đứng giữa trời nắng cho đến khi gần xỉu mới được xối nước.

• Trồng Chuối Quân Trường: Móc chân lên hàng rào dây kẽm gai.

Hết thời kỳ huấn nhục, bạn đã được lãnh lương (Trung sĩ) và đi phép về Thành phố. Những ngày sửa soạn cho lần đầu tiên đi phép, ôi sao mà hạnh phúc thế: Quần áo Tiểu lễ ủi láng cóng, búc nịt đánh sáng choang, có thể soi thấy mặt mình, giầy da đánh cho thật bóng, bóng tới nỗi con ruồi vô phúc nào bay lại đậu lên trên đôi giầy của bạn, nó sẽ bị trượt chân té nằm dài dưới đất. Sáng sớm ra nhà bàn ăn sáng, chẳng thằng nào cảm thấy đói, chằng thằng nào muốn ăn, cứ đóng bộ vào rồi đi tới đi lui, thằng này ngắm thằng kia, vui lắm bạn ạ. Vui nhất là lúc nhảy lên xe GMC, tài xế chạy một mạch tới đầu xa lộ thả cả đám vàng chói (vì Quân phục), đen thui (vì da mặt xạm nắng Quân trường) xuống đất.

Hãy nói thật cho tôi biết đi, nhảy xuống xe rồi, bạn đi đâu trước? Thăm ai trước?

Chạy về nhà thăm cha mẹ, anh em? Thiệt không? Chắc chắn là không rồi.

Vậy thì bạn đi đâu? Đi thăm... Em Gái Hậu Phương chứ còn đi đâu nữa!

Anh nào có hiếu với cha mẹ lắm lắm, thì sau khi gặp người yêu, sẽ chạy về nhà thật lẹ, vào trong nhà chào ba má một cái lấy thảo, thật sự dóc chỉ là cái cớ nhờ để lấy chiếc xe Honda chạy đi đón người yêu bát phố mà thôi.

Phê lắm bạn ạ! Còn ai hạnh phúc hơn anh chàng vừa gắn Alpha xong, mặc quần áo láng công, tay trong tay dẫn người đẹp đi chơi phố, trong túi lại rủng rỉnh một tháng lương vừa mới lãnh nữa, hạnh phúc nào bằng, phải không bạn!

Tôi nói nhỏ với bạn nha, cái ông Nhạc sĩ nào làm cái bài hát:

Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
Mái tranh nghèo không người sửa sang,
Khu vườn thiếu hoa vàng mừng Xuân...
(Xuân này con không về, Trịnh Lâm Ngân 1969)

Tôi bảo đảm với bạn rằng, ông Nhạc sĩ này... nói xạo đó, hoặc ổng chưa bao giờ đi lính, hoặc là ổng nằm mơ khi làm cái bài hát này đó. Vì, như tôi vừa mới nói ở trên, người lính về phép, nhất là 24 giờ phép, hắn ta giỏi lắm chỉ ở nhà vài giờ đồng hồ thôi. Nếu hắn ở nhà lo sửa sang mái tranh nghèo, ai dẫn đào của hắn đi bát phố đây!

Đi phép trở về, được vài tháng đầu, anh em Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) của Đại đội 17 chúng tôi còn học hành tử tế, qua tới nửa khóa học, một số anh em chúng tôi đã bắt đầu... hơi lè phè. Anh Giao cho tôi biết:

- “Tôi bị Sĩ quan cán bộ gọi lên văn phòng cự nự hoài, nào là:

- “Tại sao anh em không chịu đi ăn nhà bàn, sáng thì ra hàng rào sau lưng mua xôi mua bánh mì thịt ăn, chiều đi bãi về, lại xuống câu lạc bộ ăn rồi đi chơi tứ tung, chẳng chịu học hành nghiên cứu gì cả.”

Hôm sau, lại bị Sĩ quan Cán bộ kêu lên:
- “Tóc tai của anh em SVSQ Đại đội 17... dài quá, anh về yêu cầu anh em hớt tóc đi.”

Bữa sau nữa, lại bị khiển trách:
- “Tôi thấy có mấy anh... không gom ống quần, lại bỏ áo ra ngoài nữa đó.”
Tôi cũng có nói anh em, ráng theo luật nhà binh một chút, nhưng tụi nó chửi tôi um xùm, nói là tôi... độc tài ...muốn làm Trung đội trưởng muôn năm.”

Dần dà, Đại đội 17 (không phải tất cả) đã trở nên quá lố, những anh em SVSQ ở các Đại đội kỷ luật thép, như 11, 12, 14... nhìn anh em chúng tôi ở Đại đội 17 như là những tân binh kém kỷ luật, nhưng một số khác thì thèm muốn được lè phè như chúng tôi, nên họ mới đặt lại tên Đại đội 17 là Đại Đội Hoàng gia. Đại đội của những người được cấp trên nể trọng (vì học vấn) nhưng bị anh em khác chê là... Mất trật tự.

Việc gì đến, sẽ phải đến, sau một lần đi tuần hành kiểm tra, vào trung tuần tháng 8, Đại úy Châu Xuân Lộc, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1 đã ra lệnh:
- Giải tán Đại Đội 17.

Quân số của Đại đội sẽ bị xé lẻ, phân tán vào 5 Đại đội còn lại. Đa số được đưa vào Đại đội 12 kỷ luật thép.

Lễ mãn khóa, chúng tôi không còn dịp đứng chung với nhau dưới lá cờ của Đại đội 17 nữa, không còn ai nhắc nhở đến Đại Đội 17 nữa. Mặc dầu đó là một tin buồn, nhưng tin vui vẫn có: Không một khóa sinh nào của Tiểu đoàn 1, khóa 1/72 bị rớt kỳ thi cuối khóa cả. Tất cả anh em chúng tôi, Tiểu đoàn 1 nói chung, và Đại đội 17 nói riêng, đều trở thành Tân Chuẩn úy.

Lại một tin buồn nữa: Đáng lẽ khóa 1/72 ra trường vào đầu tháng 10, nhưng vì tình hình chiến tranh đã chuyển qua một giai đoạn mới, chúng tôi được lệnh phải ở lại Quân trường thêm 2 tuần nữa để học phương pháp “Phá chiến thuật Chốt, Kiềng” mà Việt Cộng vừa mới áp dụng trên chiến trường.

Tin cuối cùng: Lễ mãn khóa 1/72 sẽ cử hành vào ngày 28 - 10 - 1972. Vì nhu cầu chiến trường, tất cả các Tân Sĩ Quan đều được ưu tiên phục vụ ở các đơn vị chiến đấu khắp bốn Vùng chiến thuật.

43 năm qua rồi, nhưng nhìn thấy bản danh sách Trung đội 1/72, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi, vẫn nhớ những người đồng đội thời mới nhập ngũ, đó là vì, bạn cũng như tôi:

“Một ngày là Lính, Suốt đời là Lính.”

Vào khoảng đầu tháng 5 năm 2016, tôi và một số anh em của Khóa 1/72, của Đại đội 17, của Trung đội 1/72, sẽ gặp nhau ở Los Angeles. Quý bạn nào cùng khóa, cùng Đại đội, cùng Trung đội với chúng tôi, nếu muốn nhập bọn để hàn huyên chuyện cũ, hãy email cho tôi: nguyen@nguyenkhapnoi.com

Hẹn gặp lại các bạn,


11/10/2015
Nguyễn Khắp Nơi
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.

No comments:

Blog Archive