Monday, April 28, 2008

Viet cho ngay thang tu den

Hướng Dương txd

Một năm, rồi lại một năm, cứ như thế thời gian nhanh chóng trôi qua. Mới ngày nào chúng ta kỷ niệm 30 năm mất nước, nay đã 33 năm! Ba mươi ba năm, nửa đời của một con người, đã trôi qua mà một số chúng ta vẫn sống trong hoài vọng. Chúng ta vẫn chờ đợi, chúng ta vẫn mong, chúng ta vẫn ngóng trông một biến cố. Và cho đến nay biến cố vẫn chưa xẩy đến – và khi xẩy đến, liệu chúng ta có còn được chứng kiến? - Thế rồi trong sự xa xút của tinh thần, chúng ta bám víu vào những chuyện không tưởng, như chuyện loan truyền trên Internet mới đây rằng nhà tiên tri đại tài Juselino của xứ Ba Tây nào đó đã tiên đoán đến năm 2009 trước lễ Giáng Sinh chế độ Cộng Sản Việt Nam sẽ tan rả, lăng Hồ Chí Minh sẽ bị sét đánh, lồng kiếng đựng xác ướp của ông sẽ vỡ tung. Sự thất vọng đưa chúng ta đến những ước mơ viển vông, làm cho chúng ta quẩn trí - giống như khi bị kẹt lại, vào những năm Miền Nam mới rơi vào tay Cộng Sản, nhiều người đã mơ tưởng rằng có cả sư đoàn quân ta đang ở trong bưng chuẩn bị cuộc kháng chiến, và lộng hơn, họ còn tin vào những lời đồn đãi rằng máy bay phantom của Mỹ trở lại bỏ bom để hỗ trợ quân ta nổi dạy - Ước vọng hão huyền tạo ra những ý tưởng nhảm nhí.

Người ta ai cũng thích kỷ niệm những ngày vui như những ngày chiến thắng, những ngày vinh quang. Phải chăng vì vậy mà ngưởi Mỹ không có ngày nào để kỷ niệm Chiến Tranh Việt Nam? Tôi tự hỏi tại sao họ không lấy ngày ký Hiệp Định Paris 27 tháng Giêng làm ngày kỷ niệm cuộc chiến đó chấm dứt? Đối với chúng ta ngày đó là ngày bắt đầu của sự tủi nhục. Hiệp Định Paris là dấu hiệu đồng minh bỏ rơi chúng ta. Đồng minh của chúng ta bỏ chạy. Đồng minh của chúng ta đầu hàng địch. Chúng ta thấy mà chẳng làm gì được. Chúng ta chịu chết. Thân phận nhược tiểu là thế. Thân phận Việt Nam là thế. Hết Tây đến Mỹ, hết Genève đến Paris, hết 54 đến 75. Hai lần chúng ta chạy trốn Cộng Sản.

Chúng ta, những người trước đây sống tại Miền Nam Tự Do, chúng ta không có cái vui để ăn mừng, cái đẹp để kỷ niệm. Ngay cả những chiến thắng của chúng ta, chúng ta cũng không được ăn mừng. Bởi vì sau những cuộc chiến thắng đó là cuộc thảm bại cuối cùng. Sự thể đó làm chúng ta đau lòng. Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa mang dấu tích của bao nhiêu lần chúng ta chiến thắng oai hùng. Chúng ta chỉ nhắc lại để nuối tiếc. Việt Cộng thảm bại nhưng chúng vẫn cứ ăn mừng. Chúng cứ coi đó là chiến thắng. Chỉ vì chúng thắng trận cuối cùng. Và ba bốn mươi năm sau chúng ta vẫn đang nỗ lực "giải độc" – với những cuộc tranh luận vể Chiến tranh Việt Nam tại Lubock, Texas - nỗ lức nói cho người Mỹ biết rằng họ nói láo, họ bôi bẩn sự thật. Rất may một số học giả Mỹ trẻ đã tìm tòi nghiên cứu, họ nhận thức trung thực hơn, họ đã ý thức được đâu là chân lý. Lịch sử rồi cũng sẽ được phanh phui rõ ràng. Tác dụng của giòng thời gian.

Vì chẳng có ngày vui để ăn mừng, chẳng có chiến thắng để kỷ niệm, chúng ta cứ kỷ niệm những tang tóc đau thương, chúng ta cứ tưởng nhớ những ngày đen tối của quá khứ. Càng kỷ niệm, càng tưởng nhớ thì nỗi buồn trong lòng càng càng xâu xé, những hình ảnh bi thảm càng ám ảnh tâm trí chúng ta. Chúng ta cần một biến cố để xóa đi quá khứ đau thương, để còn hướng về tương lai - người Mỹ có chữ "khép lại" (closure), khép lại vết thương trong lòng - nhưng sao mãi biến cố này vẫn chưa xẩy đến?

Có người cho rằng rồi thì biến cố cũng sẽ xẩy ra thôi. Vì phòng trào đòi dân chủ, đòi tự do báo chí, đòi đa đảng nay đã phát triển rộng lớn. Vì phong trào dân quê mất đất kéo nhau về tỉnh rầm rộ biểu tình đòi công lý công bằng. Vì công nhân bị tài phiệt ngoại quốc bóc lột sức lao động oan ức đồng loạt liên tiếp đình công. Vì kinh tế Việt Nam đang đi vào ngõ bí, lạm phát gia tăng, những "bong bóng" trong thị trường chứng khoán và nhà đất đang vỡ, đầu tư của ngoại quốc quá nhiều mà quản lý lại không tốt, gây gia tăng giá cả trong thị trường tiêu thụ, làm khốn đốn ngưởi dân nghèo, nhà nước phải đưa ra những biện pháp ngăn chặn về mặt tiền tệ mà vẫn không xong, và mới đây nhất, chính phủ đã phải quyết định giảm mức gia tăng phát triển kinh tế xuống. Người ta cứ nhìn vào những yếu tố tiêu cực – tiêu cực đối với Việt Cộng nhưng tích cực đối với chúng ta - để mà phấn khởi, để mà nuôi hy vọng. Thế nhưng những yếu tố đó có "làm nên cơm cháo" gì hay không? Công Sản Việt Nam, với sự bảo trợ của đàn anh Trung Quốc vĩ đại, vẫn cứ sống trơ trơ. Chế độ tàn bạo vẫn cứ tồn tại. Bao nhiêu những tên "tư bản đỏ" vẫn hút máu dân sống nhăn răng - chứ không phải chết nhăn răng – ăn chơi phe phỡn, tỉnh bơ trước những khổ đau của người dân khốn nạn.

Với giòng thời gian là sự biến chuyển, sự đổi thay. Ở nước ngoài, xung quanh chúng ta, áp lực của đồng tiền – nghị quyết 36? - đã làm cho "gió xoay chiều", nhiều ngưởi đã thay lòng đổi dạ. Chỉ vì quyền lợi những kẻ hèn hạ không biết nhục nay chuyển sang "ca tụng chế độ XHCN" quên đi "gốc rễ quốc gia" của mình, cố tình xóa đi tất cả những hình ảnh khốn nạn mà chính mình phải chịu đựng trước kia – như chạy trốn, ở tù, sống gian nan bao năm với CS - Họ trơ trẽn phản bội lại tất cả những giá trị cao cả của con người để được miếng ăn, Họ tự đưa họ xuống bùn nhơ để được chút lợi lộc. Những hiện tượng Nguyễn Cao Kỳ, báo Việt Weekly, báo Người Việt, Madison Nguyễn, Tuệ Sĩ, thân hữu Già Lam, Giao Điểm v..v.. ngày càng nhiều. Chúng làm chúng ta buồn phiền, uất ức, đau lòng, chán nản.

Khi con người Cộng Sản thay đổi thì con người quốc gia cũng thay đổi. Chế độ Cộng Sản nay theo con đường phát triển kinh tế tư bản và một thiểu số người đã trở nên giàu sụ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta làm cho một số Việt kiều không còn muốn làm người quốc gia nữa. Họ tự cảm thấy rằng đã đến lúc họ nên từ bỏ chính nghĩa để có thể lợi dụng thời cơ. Giữ tinh thần quốc gia chống Cộng lợi ích gì? Để tự bào chữa họ lý luận rằng làm gì còn Cộng Sản? Nay thì chỉ còn Đô La. Ca sĩ "di tản" vể Việt Nam hát cho "đồng bào", Việt kiều về lấy con ông lớn để ăn ké, thương gia nước ngoài về "đi" với cán bộ để làm ăn lớn. Mới đầu chỉ là dăm người sau đó ngày càng nhiều hơn. Họ tự nhủ "người ta làm thì mình cũng làm!" và cứ như thế, một hai ba chúng ta cùng bán nhân cách!

Vẫn biết cả thuyết nhà Phật lẫn thuyết Mác xít đều nhấn mạnh rằng mọi chuyện trên đời đều phù du, không gì là bất biến, không gì tồn tại mãi mãi. Nhìn đổi thay theo giòng thời gian chúng ta không nên ấm ức, bận tâm, hay buồn phiền. Cớ gì mà cứ đến ngày 30 Tháng Tư là lỏng mỉnh lại cứ rộn lên, tim mình lại cứ nhức nhối? Uất hận cũng chẳng đi đến đâu, vẫn biết thế, nhưng sao vẫn cứ uất hận? Nhìn cảnh đời ta cứ thản nhiên đi. Nhưng lạ thay sao ta không thản nhiên được?

Hãy cố ngủ cơn ngủ bình yên như mọi ngày! Đừng để 30 tháng Tư làm mình thao thức đêm khuya!

No comments:

Blog Archive